Cảnh những người đẹp bị mổ phanh
Fiona Macdonald tìm hiểu về nguồn gốc và lý do ra đời của những bức tượng người đẹp ngủ mê quyến rũ bị mổ phanh lộ rõ nội tạng, khiến người xem rùng mình.
Cơn ác mộng bằng sáp
Một bào thai bé xíu, chân bé đạp ra khỏi tử cung, đoạn ruột chất đống bên cạnh sinh vật không chút sự sống, thân xác của người phụ nữ được phanh bung từ sợi dây chuyền trên cổ cho đến xương chậu. Phản ứng tự nhiên của ta là sẽ hoảng lên vì ghê tởm, và dễ bỏ qua những tượng sáp kỳ lạ này như những vật thể phô trương kỳ lạ.
Nhưng khi làm vậy là hiểu nhầm ý nghĩa của chúng, tác giả của quyển sách mới cho biết. "Chúng thật sự thể hiện với ta điều gì đó khác biệt về ý nghĩa một thời so với ngày nay," Joanna Ebenstein, đồng sáng lập Bảo tàng Giải phẫu Morbid ở New York, nói.
Cuốn sách của bà có tên "Thần Vệ nữ Giải phẫu học" (The Anatomical Venus) lý giải rằng các bức tượng đem lại phản ứng khó chịu với người xem bây giờ có thời đã từng là những giáo cụ y khoa phổ biến.
Bức tượng Thần Vệ nữ Giải phẫu học này được làm ra tại một xưởng sản xuất ở La Specola, Florence trong thời gian 1784-1788, và được trưng bày trong tủ kính bằng gỗ cẩm lai và kính Venice tại Josephinum, Vienna, Áo.
Sâu dưới làn da
Được tạo tác từ năm 1780 đến 1782, bức tượng Thần vệ nữ Giải phẫu nguyên bản của Clemente Susini (tảnh) giờ đây vẫn được trưng bày tại Le Specola - bảo tàng khoa học công do Leopold II sáng lập ở Florence. Còn được gọi tên là "Vệ nữ Medici", bức tượng sáp có kích thước như người thật này có tóc làm bằng tóc người thật, và được cấu tạo với bảy lớp giải phẫu học chính xác.
Nàng đã được tạo thêm rất nhiều phiên bản, còn được gọi là "Người đẹp bị xẻ thịt" hoặc "Nét duyên giải phẫu" và cũng được trưng bày ở các bảo tàng y khoa.
"Nằm ngửa trong tủ kính, nàng mời gọi với nụ cười duyên dáng hoặc với ánh nhìn gợi cảm ngây ngất," Ebenstein viết trong quyển Thần Vệ nữ Giải phẫu học. "Một phong thái thư thả với bím tóc bện vàng óng làm từ tóc người thật, một cách thể hiện sự sang trọng," tấm nệm bằng vải sa tanh đã bị mọt ăn trong khung kính của nàng cũng như thân thể nàng gợi cảm giác tự nhiên trong trạng thái phẫu thuật nhưng không có máu.
Có một bức tượng khác được đeo vương miện bằng vàng, trong khi một bức tượng khác được cột một dải ruy băng bằng lụa quanh một đoạn ruột treo lủng lẳng.
Trưng bày trong triển lãm
Đây là thế giới hoàn toàn khác với Bảo tàng Sáp Madame Tussauds. Không có gương mặt cười toe toét nào xuất hiện trong ảnh selfie, không có sự hào nhoáng của người nổi tiếng hay những tư thế tạo dáng giống người. Đây là những tác phẩm tượng sáp vừa khiêu khích vừa khó chịu; người mẫu có phong cách đâu đó như thể giữa một buổi trình diễn kỳ quái và một phòng mổ.
Ebenstein sắp đặt các bức tượng trong bối cảnh văn hóa của chúng, nhìn vào lịch sử của Thần Vệ nữ giải phẫu học và khám phá vị trí của chúng ở đâu trong thế kỷ 21.
"Từ khi được tạo ra vào cuối thể kỷ 18 ở Florence, những tượng sáp nữ giới này đã luôn quyến rũ, khiêu khích và đầy tính hướng dẫn. Trong thế kỷ 21, họ cũng gây nhầm lẫn, tỏa sáng giữa lằn ranh của y học và huyền thoại, giữa dâng hiến và suồng sã, giữa gợi tình và nghệ thuật," bà viết trong chương mở đầu.
"Làm cách nào chúng ta ngày nay có thể hiểu được một vật thể có thời là đại diện cho sự quyến rũ của nhan sắc nữ giới hoàn hảo và thể hiện rõ ràng chức năng bên trong của cơ thể? Làm sao chúng ta có thể hiểu được một tác phẩm nghệ thuật có thời từng xuất hiện ở triển lãm cũng như ở bảo tàng y khoa?"
Bức tượng giải phẫu học Thần Vệ nữ có kích cỡ người thật gồm 40 bộ phận này nằm trong bộ sưu tập Thế kỷ 19 của Pierre Spitzner.
Sự tò mò văn hóa
Ebenstein từng phải đấu tranh với cảm xúc của chính bà khi lần đầu gặp Vệ nữ. "Cảm giác rất rối loạn, và đầy hấp lực đến mức khi bạn trót nhìn nó, rất khó để không bị cuốn vào," bà nói với BBC Culture. "Tôi đã cố xác định làm sao để hiểu nó - nó quá lạ lùng với chúng ta ngày nay. Trong tất cả các công cụ giảng dạy môn giải phẫu học, sao lại có thể là một công cụ như thế này?"
Bà vượt qua phản ứng ban đầu bằng cách đọc về Thần Vệ nữ và nhìn vào những bức tượng trong bối cảnh khác nhau.
"Tôi đến những bảo tàng kiểu khác và nhà thờ để thử và cố hiểu bối cảnh văn hóa đã tạo ra chúng, điều này đã làm tôi bắt đầu suy nghĩ theo cách khác với hầu hết mọi người trong giới làm bảo tàng y học," bà nói.
"Tôi được đào tạo về lịch sử tri thức, vì thế khi tôi nhìn vào một sự vật lạ lùng với chúng ta ngày nay, ý nghĩ đầu tiên của tôi là "Tại sao? Liệu nó có lạ lùng với những người thời đó không? Chúng nói lên điều gì về chúng ta khiến chúng giờ đây có vẻ lạ lùng?"
Vệ nữ trong ngọc
Ebenstein nhận ra rằng Vệ nữ không phải một vật thể lạ: nó thực sự là sản phẩm của thời đại.
Leopold II sáng lập ra La Specola sau khi trở thành Đại Công tước của vùng Tuscany năm 1765; ông định giáo dục cư dân Florence về cách quan sát thực nghiệm quy luật tự nhiên và thách thức những nghi lễ bất hợp lý của Nhà thờ Công giáo La Mã.
Bảo tàng mới của ông, theo Ebenstein, "sẽ cho công chúng thấy những tác phẩm nghệ thuật văn hóa quý hiếm và giá trị trước đây từng bị cất giữ bí mật ở Medici Wunderkammern, hay còn gọi là các phòng kỳ quan."
Trong một thời gian khi nghiên cứu thế giới tự nhiên bao gồm những gì ngày nay ta gọi là khoa học, thẩm mỹ và siêu hình học, bà cho rằng "Vệ nữ Medici là hiện thân hoàn hảo của các giá trị Khai sáng trong thời đại của nàng, khi giải phẫu cơ thể người được hiểu như một phản ánh thế giới và là đỉnh cao của tri thức thiêng liêng, từ đó hiểu cơ thể người cũng là hiểu ý niệm của Chúa."
Venerina (Tiểu Vệ nữ) là một tượng sáp giải phẫu năm 1782 được làm từ xưởng của Clemente Susini ở La Specola cho Bảo tàng Museo di Palazzo Poggi, Bologna, Italy.
Người đẹp giải phẫu học
Trong nỗ lực cố gắng diễn tả con người theo cách hiện thực hơn, những họa sĩ ở thời kỳ Phục Hưng đã tự tiến hành giải phẫu học, thậm chí còn nhiều hơn các nhà giải phẫu học trong thời đại đó. Theo Ebenstein, Leonardo da Vinci "từng được cho là đã giải phẫu hơn 100 thi thể, và từng nổi tiếng vì đã phác họa các xác chết mà ông tự tay giải phẫu".
Một tài liệu quan trọng về giải phẫu học năm 1543 có tên De Humani Corporis Fabrica (Trên chất liệu cơ thể người), được minh họa bằng điêu khắc "được cho là do xưởng Titan ở Venice thực hiện". Sự chồng chéo nguyên tắc đó là nền tảng cho thần Vệ nữ giải phẫu.
"Một trong những thứ khiến chúng ta rất khó hiểu Vệ Nữ là vì giờ đây ta đã chia tách những điều đó theo cách chưa từng được tách riêng trong thời đại tạo tác ra chúng," Ebenstein nói với BBC Culture. "Chúng ta có sự phân tách giữa nghệ thuật và khoa học, giữa tôn giáo và y học, đó là điều chưa hề tồn tại thời đó."
Bước một chân xuống mồ
Những người sáng tạo ra "Người đẹp mổ xẻ" đã định mang giải phẫu học ra khỏi mồ. "Hầu hết kiến thức giải phẫu học đều có nguồn gốc từ thi thể người chết, và điều này không thích hợp lắm với công chúng," Ebenstein nói.
"Vì thế, làm cách nào mà bạn có thể tạo ra một vật thể có thể lấy chút gì đó từ dưới mồ và từ các xác chết đã tạo nên nó, nhưng phải làm mọi người quên nó đi, hoặc không biết đến điều đó, và khiến công chúng bị thu hút? Rất nhiều phần trong nhan sắc của nàng tạo nên điều đó, để biến nàng thành một vật thể nổi tiếng là điều cần thiết."
Có một trích dẫn trong quyển sách từ người vẽ minh họa giải phẫu học thế kỷ 18 Arnaud-Éloi Gautier D'Agoty như sau: "Với những người đàn ông đang theo học ngành y, họ phải bị quyến rũ bởi vẻ thẩm mỹ, nhưng làm cách nào để khiến bất cứ ai cũng chấp nhận được hình ảnh của cái chết?" Các tác phẩm tượng sáp này khai thác khía cạnh thẩm mỹ để tiếp cận với nhiều khán giả hơn. "Tính phổ thông thực sự rất quan trọng, và tôi nghĩ phần đó làm mọi người bối rối," Ebenstein nói.
"Họ mặc định rằng Vệ Nữ là do các bác sĩ làm ra, nhưng không phải vậy, và theo cách đó nó không được tạo ra các khán giả là đàn ông về nữ giới theo cách mà người ta mong đợi - nó được làm ra để cho đàn ông, phụ nữ và trẻ em, và hiểu rõ nó là điều rất cần thiết." Bức tranh khắc đồng năm 1746 này là về một phụ nữ được giải phẫu và để ăn mặc thời trang, có tên L'Ange Anatomique (Thiên thần phanh thây), do cha của Arnaud-Éloi là Jacques-Fabien Gautier d'Agoty sáng tác.
Người đẹp ngủ yên
Dù các bức tượng sáp này có vẻ kỳ lạ đến đâu, chúng vẫn được dùng vào mục đích chính là dạy học. Theo Ebenstein, "mỗi mẫu tượng sáp nguyên sơ tại bảo tàng là sản phẩm của nghiên cứu cẩn trọng các xác chết được chuyển đến từ bệnh viện Santa Maria Nuova."
Chúng ngày nay vẫn gần gũi với đời sống. "Sau 200 năm được tạo ra, tượng sáp của La Specola vẫn được nhìn nhận là cực kỳ chính xác, một vài bức trong đó thể hiện những cấu trúc giải phẫu học còn chưa được đặt tên hoặc mô tả vào thời chúng được tạo ra." Trong khi làm các tượng này quyến rũ hơn xác chết, những nhà điêu khắc tượng sáp cũng tạo ra tác phẩm nghệ thuật.
Như Ebenstein tranh luận, Thần Vệ Nữ giải phẫu học gợi đến "một lịch sử dài của hội họa và điêu khắc với những tượng khỏa thân bình an và lý tưởng". Và đó là điểm những chi tiết người khiến ta bị xáo động. "Nàng được thiết kế để quyến rũ trên từng chi tiết: đôi mắt lấp lánh bằng kính với mi mắt từ lông mi thật, cần cổ trần của nàng có đeo chuỗi ngọc, và nàng tự hào với suối tóc người thật."
Bức tượng này được gọi tên "Người đẹp ngủ yên", một phiên bản làm lại vào năm 1925 từ bức tượng nguyên bản năm 1767, đó là một hình mẫu tượng sáp đẹp kinh ngạc do bác sĩ và bậc thầy tượng sáp người Thụy Sĩ tên Philippe Curtius thực hiện.
Giải phẫu học và niềm đam mê
Nhưng với Ebenstein, Thần Vệ nữ giải phẫu học không phải là một nhân vật bị dục tính hóa. "Một số người theo chủ nghĩa nữ quyền có phản ứng bộc phát khi quan sát bức tượng - nhưng tôi cho rằng không có bất cứ yếu tố gợi dục nào tồn tại vào thời đó." Thay vào đó, bà tranh luận, tượng tuân theo truyền thống của tượng tôn giáo.
"Susini, người đã tạo ra những bức tượng Vệ Nữ nổi tiếng nhất, cũng đã thực hiện tượng sáp Chúa hấp hối rất đẹp." Khi chúng ta diễn giải tượng Vệ Nữ theo cách này, bà tin rằng đó cũng là chúng ta thể hiện những định kiến văn hóa của mình. "Biểu hiện trên gương mặt nàng mà chúng ta ngày nay gọi là gợi tình, tôi không tin rằng đó là cách nàng từng được nhìn như thời đó, nếu không biểu hiện đó sẽ không có trong mọi tượng thánh trong nhà thờ," bà nói.
"Có điều gì đó đã thay đổi trong chúng ta, chúng ta không thể thấy thứ gì đó mà không đọc ra một ý định dâm ô nào trong nó. Tôi thực sự không tin rằng đó là cách những bức tượng này được hiểu vào thời đó." Trong quyển sách, Ebenstein chọn ra một kiệt tác điêu khắc bằng đá trắng có kích cỡ người thật của Gian Lorenzo Bernini, bức Niềm đắm say của Thánh Teresa (1647-52) tại Santa Maria della Vittoria in Rome. "Có vẻ như có một cách hiểu khác về sự say đắm khác hơn với cách ta hiểu thần Vệ Nữ," bà viết. " Sự đam mê được hiểu vào thời đó không chỉ là trải nghiệm thô tục, gợi dục, mà còn là biểu hiện của những trải nghiệm thần bí và thiêng liêng.
Câu hỏi về đức tin
"Những gì nó gợi lên, ngôn ngữ mà nó gợi lên, rộng hơn bạn nghĩ rất nhiều, và điều đó giúp ta hiểu nó," Ebenstein giải thích. Nỗ lực giải mã những ảnh hưởng đặc thù có thể là một nhiệm vụ vô ích.
"Tất cả những thứ lạ lùng chồng lấn giữa Công Giáo và Y học, trong nỗ lực bảo tồn và làm mô hình cơ thể. Vì cơ thể có tất cả những ý nghĩa đó: trong y học, nó ý nghĩa vì nó cho ta biết về thế giới, và trong tôn giáo nó có nghĩa vì đó là công cụ chữa lành bệnh. Đó là một lĩnh vực rất phức tạp vốn rất khó để tách ra."
Thần Vệ Nữ xuất hiện vào thời đại khi mà hai yếu tố trên bắt đầu tách ra. "Bạn có hai triết lý khác nhau, khoa học và y học đối lập với tôn giáo, đó là nỗ lực cho chúng ta có câu trả lời về vị trí ta hợp với nơi nào trong thiên hà, mục đích của sự sống là gì, ý thức là gì, cơ thể là gì, và ta ứng xử ra sao với cái chết và bệnh tật. Vệ Nữ là khoảnh khắc khi cả hai thứ tồn tại: khi ngọn đuốc đang được truyền từ tay người này sang người khác.
Niềm tin ẩn giấu
Nhưng thời gian dài đã trôi qua trước khi ngọn được được chuyền tay. "Tôi nghĩ góc nhìn đặc thù này về thế giới đã tồn tại lâu hơn chúng ta nghĩ, và bạn có thể thấy điều đó bằng cách nhìn vào bản đồ y học cũ," bà Ebenstein nói.
"Mãi đến đầu thế kỷ 19, bạn vẫn sẽ thấy những hình tượng memento mori (thông điệp "Hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết" theo thuật ngữ cổ xưa) trong những quyển sách có bề ngoài viết về xương hoặc việc sinh nở. Với tôi, điều này cho thấy những ý tưởng như thế vẫn còn tồn tại - dù các nhà khoa học có tin hay không, hoặc cảm thấy họ phải thêm chúng vào vì đó là cách con người cần nó giải thích để có thể hiểu, tôi không biết."
Thời đó, bà nói, hình ảnh y học như chúng ta giờ đây hiểu không chỉ được hiểu theo nghĩa trên sơ đồ hình. "Đó cũng diễn tả về chỗ đứng của con người trong tự nhiên, về lẽ tự nhiên của sự sống và cái chết, và về Thượng Đế. Tôi cảm thấy ý tưởng mà chúng ta có ngày nay về hình ảnh giải phẫu "đúng đắn", lẽ ra không nên có những chi tiết không liên quan, lẽ ra nó không nên có tóc đẹp hoặc gương mặt đẹp - lẽ ra nó lên là một hình đồ trung lập và đồ họa càng tốt. Ý tưởng đó thực sự đã không xuất hiện mãi cho đến Giải phẫu học của Gray vào năm 1858. Điều đó thay đổi cách chúng ta bắt đầu suy nghĩ về cách đúng để thẻ hiện cơ thể người chết - nó chuyển mình với thay đổi lớn." Quan điểm "đối tượng" khoa học vẫn còn là tồn tại như một lưới lọc cũng như niềm tin ở thế kỷ 18 của người Florence.
"Tôi nghĩ chúng ta vẫn tồn tại trong thế giới đó. Giờ đây đó là kiểu của chúng ta, và nó có vẻ vô hình với ta, nhưng tôi trong đợi trong 100 năm nữa người ta sẽ nhìn vào và nghĩ nó tiết lộ điều gì đó về chúng ta ở góc độ văn hóa." Những tượng thần vệ nữ giải phẫu học này được làm tại xưởng của Rudolph Pohl, Dresden, Đức, vào khoảng năm 1930.
Chức năng cơ thể
Bằng cách vượt qua phản ứng ban đầu với những bức tượng như Thần Vệ nữ Giải phẫu học Spitzner (trong ảnh là một lớp giải phẫu khác), Ebenstein tin rằng chúng ta có thể học thêm nhiều về những niềm tin văn hóa ẩn giấu của mình.
"Thần Vệ Nữ có rất nhiều cách diễn giải - một số người thấy nàng cực kỳ phản cảm hoặc kinh khủng - nhưng có rất nhiều cách để có sự thấu hiểu sâu sắc hơn. Tôi sẽ hài lòng nếu mọi người quay đi và nói 'ồ, tôi nghĩ thứ này kinh quá, nhưng giờ tôi hiểu rằng cảm giác kinh tởm của mình là về cách chúng ta ngày nay hơn là về ý định của người tạo tác thời đó."
Và Vệ nữ là hiện thân của cách tiếp cận mà Ebenstein nghĩ chúng ta đang hưởng lợi từ bây giờ: một thái độ đa quy tắc, trong đó thẩm mỹ và sự biểu đạt nghệ thuật và sự thật theo cách nhìn khoa học có thể đi cùng nhau để mời gọi và khiến khán giả tương tác và khiến họ muốn hiểu."
Fiona Macdonald
No comments:
Post a Comment