Đời sống của người Hà Nội vẫn không mấy đổi khác so với lần tôi ghé thăm vào năm 1983 sau khi ra khỏi trại tù cải tạo Thanh Cẩm-Thanh Hóa, mặc dù đã trải qua thời gian dài “người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng” từ sau ngày 30-4-1975. Tài sản của miền Nam đã “theo nhau” ra Bắc, nhưng cũng không vực dậy được phần đất sau một thời gian dài chìm đắm trong ảo mộng bá quyền, thay vì kiến thiết xứ sở khi chiến tranh chấm dứt.
Một vài nơi, bộ mặt thành phố đã sáng sủa hơn trước, nhưng để lộ khoảng cách giầu nghèo ngày càng sâu rộng, giữa người dân cô thế và kẻ cầm quyền độc đoán.
*
Không ai biết ý nghĩa của danh từ “Bao Cấp”, một chính sách làm thay đổi nếp sống miền Bắc vào những năm 1954 đến 1975 và kéo dài tới sau ngày “mở cửa” vào năm 1986. Tại miền Nam, thời kỳ bao cấp bắt đầu từ năm 1976 tới năm 1986. Nhưng mọi người đều biết đây là một giai đoạn khó khăn về vật chất do nền kinh tế được kế hoạch hóa, loại bỏ tiểu thương. Mọi nguồn hàng hóa sản xuất đều tập trung trong tay nhà nước, phân phối theo chế độ “Tem Phiếu”, một đặc điểm của các quốc gia theo chủ thuyết cộng sản.
Mọi hình thức kinh doanh đều được quản lý theo mô hình xã hội chủ nghĩa, nhà nước độc quyền phân phối hàng hóa đến tay người dân. Sự phân phối theo tiêu chuẩn dựa vào chức vụ, cấp bậc mà không theo nhu cầu tối thiểu của người dân. Sự phân chia nhu cầu đời sống xã hội không đồng đều, một “giai cấp mới” thành hình do sự ưu đãi thành phần cán bộ cầm quyền và gia đình họ. Hình thức “móc ngoặc – xin cho” trong xã hội cũng bắt đầu xuất hiện, nẩy sinh nạn tham nhũng cửa quyền. Cũng bằng đường lối “ưu đãi” phe nhóm này, đã tạo ra một tập đoàn tay chân trung thành với đảng chỉ vì quyền lợi, mà không vì sự hưng thịnh của đất nước.
Để ngắn gọn, “thời bao cấp” được hiểu là một giai đoạn mà việc phân phối nhu yếu phẩm tới tay người dân, từ cây kim sợi chỉ đến lương thực hàng ngày nằm trong tay nhà nước. Lương tháng cho công chức đa phần tính bằng hiện vật và một ít tiền mặt. Thực ra, dù có tiền cũng không thể xử dụng vì nguồn hàng hạn hẹp, không được bầy bán tự do ngoài thị trường. Việc vận chuyển hàng hóa từ địa phương này tới nơi khác đều bị cấm. Vì sản xuất không đủ cho nhu cầu nên bán theo kiểu nhỏ giọt, có nhiều bán nhiều có ít bán ít, không hứa hẹn đáp ứng nhu cầu cần thiết cho mọi gia đình, đã tạo ra tình trạng buôn bán chợ đen.
Chế độ hộ khẩu được thực hiện vào thời điểm 1960, để phân phối thực phẩm theo đầu người, ấn định số lượng và loại hàng được mua, trong đó sổ gạo là quan trọng nhất. Gạo được đặt lên hàng đầu được phân phối theo diện lao động. Mỗi tháng cán bộ được mua 13 kg, lao động nặng được mua 13-19kg, bộ đội được mua 21 kg, nông dân được mua 11-13kg, trẻ em dưới 3 tuổi được mua 3kg. Do số lượng gạo nhà nước cấp phát quá ít nên địa phương đã phải trách nhiệm về phần thực phẩm độn như ngô, khoai, sắn, bo bo.
Với chế độ ‘Hộ khẩu’, nhà nước đã nắm trọn mọi hành động và sự chuyển dịch của người dân tại nơi cư ngụ. Mặt khác, người dân đã lệ thuộc hoàn toàn vào nhà nước qua miếng ăn.
Đặc điểm của thời bao cấp là nhà nước quy định về phẩm vật cho cán bộ, công nhân các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày của người dân qua hệ thống “tem phiếu”. Tem phiếu chiếm địa vị quan trọng trong đời sống, vì có tiền mà không có tem phiếu cũng không mua được hàng.
Phiếu mua thực phẩm gồm nhiều loại khác nhau cho tất cả các loại nhu yếu phẩm. Tem phiếu quy định loại hàng và số lượng người dân được mua, tùy thuộc vào tiêu chuẩn cũng như diện được ưu đãi thụ hưởng. Như cán bộ cao cấp được hưởng tiêu chuẩn đặc biệt: phiếu A dành cho chức vụ Bộ trưởng, phiếu B cho Thứ trưởng. Trưởng các Cục, Vụ, Viện hưởng tiêu chuẩn phiếu C. Một số các cửa hàng phục vụ riêng cho thành phần ưu tiên này. Vì hàng hóa không đủ cho nhu cầu nên nạn đầu cơ, mua bán tem phiếu xẩy ra, đã khuấy động đời sống xã hội.
Sự phân chia thành phần ưu tiên được thụ hưởng theo tiêu chuẩn địa vị và cấp bậc, đã tạo ra sự chia rẽ trong xã hội. Nói riêng về thịt, theo tiêu chuẩn người dân mỗi tháng được mua hoặc thịt hay mỡ là 150g, trong khi cán bộ trung cấp được mua gấp đôi là 300gr một tháng. Nhưng thành phần cán bộ cao cấp có tiêu chuẩn ưu đãi hơn, mỗi tháng được mua 6kg. Là một quốc gia nặng về nông nghiệp mà rau tươi cũng được mua theo tiêu chuẩn mỗi người mỗi tháng từ 3 đến 5 kg.
Tình trạng yếu kém của thực phẩm cả về lượng cũng như phẩm dưới thời bao cấp được diễn tả qua câu vè:
Nhất gạo nhì rau - Tam dầu tứ muối - Thịt thì đuôi đuối - Cá biển mất mùa – Đậu phụ chua chua – Nước mắm nhạt thếch – Mì chính ‘có đếch’ – Vải sợi chưa về - Săm lốp thiếu ghê - Cái gì cũng thiếu.
Về các mặt hàng khác, theo thông báo của Sở Thương nghiệp, các đại lý diêm được bán cho mỗi người 5 bao diêm vào mỗi lần xếp hàng, mỗi công nhân viên được cấp mỗi năm từ 5 đến 7 mét vải, nên quần áo vá chằng vá đụp là chuyện thường thấy trong xã hội, nhất là thành phần lao động nặng hay các nông dân tại vùng quê vào mùa đông tháng giá. Các mặt hàng sản xuất không đủ nhu cầu của người dân nên mọi thứ đều theo tiêu chuẩn, ngay như áo lót ‘May-ô’của đàn ông cũng chỉ được 2 chiếc một năm. Tình trạng này được diễn tả:
“Bắt ở trần phải ở trần,
Cho may-ô mới được phần may-ô”
Hoàn cảnh kinh tế yếu kém của xã hội miền Bắc đã ảnh hưởng tới đời sống người dân:
Một yêu anh có may-ô
Hai yêu anh có cá khô để dành
Ba yêu rửa mặt bằng khăn
Bốn yêu bàn chải đánh răng hàng ngày
Năm yêu anh có đôi giầy
Sáu yêu anh có khăn quàng vắt vai
Bảy yêu có sắn gạc nai
Tám yêu nước mắm cả chai ăn dần
Chín yêu anh rất chuyên cần
Mười yêu anh chỉ để phần cho em.
Các nhu yếu phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân nên xếp hàng là một điều cần thiết để thực hiện lẽ công bằng. Nhưng nhiều khi xếp hàng từ khuya vẫn không mua được vì đến lượt thì hết hàng, nên có câu vè trong dân gian diễn tả thực chất của một nhà nước theo chủ thuyết Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN):
Xếp hàng cả ngày – Xếp hàng cả năm – Xếp hàng chửi nhau – Xếp hàng choảng nhau – Xã hội Chủ nghĩa…
“Đói đến mờ mắt” là một nhận định chính xác nhất để diễn tả đời sống xã hội dưới thời bao cấp. Chính cái đói sinh ra hèn và mất lương tri, nẩy sinh nạn trôm cắp ngày càng tinh vi, phổ biến. Thành phần bất lương trộm cắp trà trộn vào đoàn người xếp hàng tìm cách móc túi, lừa gạt, khiến nhiều người xếp hàng đã bị lấy cắp tem phiếu hay sổ gạo, gây ra cảnh khốn cùng. Các quan tham cũng lộng hành trong giai đoạn này.
Dưới thời bao cấp, miền Bắc là một phần đất khép kín, nên các quốc gia phương Tây coi đây là một vùng nằm sau bức màn sắt, chỉ giao tiếp với các nước theo chế độ cộng sản có đời sống xã hội không hơn Việt Nam bao nhiêu. Người dân không liên hệ với các quốc gia có tư tưởng chính trị khác biệt và bị cấm không được tiếp xúc với người Tây phương, nếu vi phạm sẽ bị nghiêm trị.
Báo chí trong nước rất hạn hẹp, trung bình 10 người 1 tờ báo Nhân Dân, 1 tờ Cứu Quốc. Người dân chỉ theo rõi các tin tức được sàng lọc theo mục tiêu đã định của nhà nước qua các buổi phát thanh tại địa phương, nhà nước nói sao người dân biết vậy. Việc nghe các đài ngoại quốc bị nghiêm cấm. Trên giấy “Chứng nhận đăng ký máy thu thanh” đã ấn định “Cấm nghe đài địch”. Mạng lưới “Công an nhân dân” được hình thành để theo rõi, báo cáo lên cơ quan quản lý tại địa phương những cá nhân vi phạm. Hình ảnh “đấu tố” được lập lại qua hình thức phê bình kiểm điểm vào các buổi sinh hoạt học tập chính sách nhà nước tại địa phương, khiến tình trạng nghi kỵ giữa mọi thành phần dân chúng ngày một gia tăng.
Sản phẩm văn hóa Tây phương như sách báo, phim ảnh bị kiểm soát nghiêm ngặt. Chỉ lưu hành trong nước những sản phẩm văn học nào được xem là “trong sạch”, gần gũi với đời sống người dân, như văn học thuộc các nước theo chế độ cộng sản. Các rạp chiếu bóng phần lớn chỉ trình chiếu các phim ảnh thuộc phe xã hội chủ nghĩa, mà phần lớn là những phim truyện có chủ đề mang tính chất cách mạng đấu tranh nặng tính tuyên truyền. Nhiều khi trình chiếu các phim ảnh có nội dung sai sự thật, như câu truyện trong phim “Vùng Trời” chiếu vào thập niên 1970. Nội dung phim kể lại thành tích của anh phi công lái phản lực Mig, sau khi quần thảo với “Thần Sấm” bị trục trặc đã đáp an toàn trong rừng rậm miền Bắc.
Tất cả những hành động trên được học tập theo chỉ đạo của ông Hồ, như tại các buổi sinh hoạt với các cán bộ vào ngày đầu cách mạng về “Nghệ thuật tuyên truyền”, một điều sai nhắc lại nhiều lần người nghe sẽ tin là sự thật. Điều này đã ảnh hưởng tới tuổi trẻ trong chính sách “trăm năm trồng người”, khi gieo mầm cộng sản: “Đầu óc ngây thơ của tuổi trẻ như tờ giấy trắng, nhuộm xanh hóa xanh, nhuộm đỏ thành đỏ…”, như chuyện cậu bé Lê Văn Tám, tự tẩm săng đốt cháy chạy tới phá kho đạn của địch, được lưu truyền vào thập niên 1950.
Hậu quả của sự lừa gạt người dân nêu trên, khiến nếp sống hài hòa, gần gũi, thân thiện của người Hà Nội năm xưa, một sớm một chiều đã thay đổi, trở lên khép kín, bề ngoài, dễ bị ngộ nhận là vô cảm.
Như vậy, hoàn cảnh này, nếp sống này do đâu mà ra?
*
Sau khi Việt Minh cướp đoạt chính quyền dân cử của Thủ Tướng Trần Trọng Kim, nước “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” ra đời ngày 2-9-1945. Theo lời hiệu triệu ngày 19-12-1946 của ông Hồ và lực lượng Việt Minh, cả nước tiến hành cuộc “trường kỳ kháng chiến”. Lấy cớ chống lại quân Pháp, ông Hồ kêu gọi toàn dân thực hiện chính sách “tiêu thổ kháng chiến” kể từ ngày 16-1-1947.
Theo Wikipedia, tiêu thổ kháng chiến là một chiến thuật quân sự, phá hủy tất cả những thứ địch quân có thể xử dụng, như đốt bỏ lương thực, trước khi quân địch tới. Nhưng trên thực tế, chiến pháp này, ngoài lương thực, còn phá hủy các phương tiện trọng yếu như nhà cửa, giao thông liên lạc, cơ sở kỹ nghệ…
Để thực hiện chính sách trên sau lời kêu gọi của ông Hồ, các cán bộ cùng với nhân dân địa phương tham gia phá cầu đường trên toàn quốc để ngăn chặn sự di chuyển của quân đội Pháp.
Tại miền Bắc, hầu hết các phương tiện giao thông như Quốc lộ đến các giao lộ chính tại nông thôn đã bị phá trong năm 1947-1948. Các cầu lớn và các Quốc lộ như QL 1, QL 5… bị phá hủy, các tuyến đường sắt từ Hà Nội đến Ải Nam Quan cũng như tới các tỉnh miền Bắc đều gặp trở ngại vì đường tầu bị bóc dỡ. Các ngả giao thông đường sắt cũng như đường bộ chính tại miền Trung và các tỉnh miền Nam cũng chung số phận, bị phá hủy, đắp mô, xẻ đường…hầu gây khó khăn, cản trở bước tiến quân của Pháp. Riêng tại miền Nam, các hoạt động phá hoại, khủng bố tại các làng mạc đông dân cư, do thành phần cộng sản miền Bắc và nằm vùng đã kéo dài nhiều năm kể cả sau ngày chia đôi đất nước vào năm 1954. Chính những hành động này đã gây trở ngại không ít cho sinh hoạt của người dân, cũng như đất nước gặp nhiều khó khăn để phục hồi.
Cùng với “Tiêu thổ kháng chiến” nhằm đốt phá hoa mầu làng mạc trước khi giặc tới, chính sách “Cải cách ruộng đất” đã phá tan nguồn sản xuất căn bản tại nông thôn, khiến vựa thóc của vùng Châu thổ sông Hồng vốn có khả năng nuôi sống người dân miền Bắc như thời gian trước đây đã trở thành tan hoang. Về phương diện tinh thần, song song với “Cải cách ruộng đất”, chính sách “Đấu Tố”: con tố cha mẹ, vợ tố chồng, đã phá vỡ nền tảng đạo đức, giáo dục của gia đình. “Đấu tố” cũng loại bỏ hệ thống Hương Ước xóm làng, một điều luật bất thành văn, đã uốn nắn, gìn giữ nền tảng đạo đức gia đình qua nhiều thế hệ. Theo chiều hướng trên, chính sách “Trăm hoa đua nở” được áp dụng triệt để theo đường lối của Trung cộng, từ đốt bỏ các loại sách báo văn học lưu giữ qua nhiều thế kỷ, đến cầm tù giới trí thức, khiến đời sống tinh thần của dân tộc trở lên mất nguồn gốc văn hóa.
Miền Bắc trở thành “Vườn không nhà trống”, sinh hoạt phát triển kinh tế bị ngưng trệ. Việc sản xuất của tư nhân như trong thời Pháp thuộc hoàn toàn bị cấm đoán, khiến người dân miền Bắc bị lệ thuộc vào đảng và nhà nước, cả về vật chất lẫn tinh thần. Một hình thức “bế quan tỏa cảng” cách ngăn với thế giới Tây phương, ngoại trừ chỉ còn giao tiếp với một số nước theo chủ nghĩa xã hội như Liên Xô, Trung cộng... Những động thái trên đưa miền Bắc tới nghèo đói, thiếu thốn về mọi phương diện là điều phải xẩy ra. Do đó, chính sách “Bao Cấp” ra đời. Mà không lâu trước đây, như nhà văn Tô Hoài ghi lại về sinh hoạt của Hà Nội vào ngày tiếp thu năm 1954, trong chương II của tác phẩm hồi ký “Cát bụi chân ai”, viết vào năm 1990:
“…Chín năm ở rừng, không có lương, quần áo phát theo mùa, xà phòng tắm và giặt cũng lĩnh ở kho từng miếng. Cơ quan sắm dao kéo, tông đơ mọi người húi đầu cho nhau. Trở lại thành phố khó đâu chửa biết, nhưng thức ăn và hàng hóa ê hề. Chiều chiều, uống bia Đức chai lùn bên gốc liễu nhà thủy tạ... Nhà hàng Phú Gia, vang đỏ vamg hồng vang trắng còn dính rơm như vừa lấy dưới hầm lên... Hàng Trung Quốc thôi thì thượng vàng hạ cám. Kim sào, kim khâu, chỉ mầu…
Ông cũng ghi nhận về hiện tình đất nước lúc bấy giờ như cánh đồng mới cày vỡ, chưa biết cấy hái ra sao. Trong khi đó vết thương “Cải cách ruộng đất”, chỉnh đốn tổ chức còn đỏ hỏn tại thôn quê. Các thành phố bắt đầu “cải tạo tư sản”. Báo chí hô hào trăm hoa đua nở. Một số người có tiền chung nhau mua lại một số cơ sở sản xuất như nhà máy thuộc da Thụy Khuê, nhà máy gạch Cầu Đuống đã được liệt vào thành phần tư sản. Nhà giầu cửa đóng im ỉm, người ra vào khuân lén đồ đạc lúc chập tối…
Các thành phố bất chợt đổi khác. Nhà máy làm diêm, nhà máy làm gạch thời Pháp đã biến thành trại lính, tanh bành như bãi hoang. Mỏ than Hòn Gai, đường sắt Hải Phòng - Vân Nam chuộc mất nhiều tiền. Chiến thắng rồi cũng không lấy lại được…
Báo Nhân Văn ra đến số 6 bị tịch thu tại nhà in, nhà xuất bản Minh đức bị đóng cửa. Sóng gió đấu tố ở nông thôn trải dài từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Hải Dương. Nhiều địa chủ đã được sửa sai vẫn chưa dứt cơn hốt hoảng, bỏ quê lên thành phố…
Với chính sách phân phối thực phẩm theo địa vị, cấp bậc đối với thành phần cán bộ lãnh đạo, đã tạo ra tầng lớp được ưu đãi “ăn trên ngồi trước” mà không màng tới nhu cầu cấp thiết của người dân nghèo thấp cổ bé miệng. Nạn tham nhũng ra đời đã làm suy sụp đất nước. Đây là lý do tại sao nước Việt Nam dưới chế độ cộng sản không thể phát triển và ngày càng sa sút cả về vật chất lẫn tinh thần.
*
Để so sánh về sự phát triển với một số quốc gia trong vùng, vào thời điểm thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945, nước Nhật phải tuyên bố đầu hàng Đồng minh vào ngày 15-8-1945 sau cuộc chiến tàn khốc của Thế chiến II. Nền kinh tế của Nhật Bản rơi vào tình trạng suy sụp, cái đói bao phủ khắp nơi, từ Nhật Hoàng đến Nghị viên Quốc hội cũng phải ăn độn và lao động như người dân thường.
Chính quyền Quân phiệt do các tướng lãnh cầm đầu bị thay thế bởi chính quyền dân sự do người dân bầu lên, đã tạo ra một chính quyền trong sạch với sinh hoạt dân chủ đa đảng. Người dân Nhật đã theo gương Nhật Hoàng và Hoàng gia, sống cần kiệm kham khổ, làm việc chăm chỉ. Theo quan sát của một nhà báo Tây phương, bữa cơm hàng ngày của người dân Nhật không có thịt, chỉ có mấy miếng đậu phụ, canh rau cũng nấu với đậu phụ.
Ngày 7-10-1945, Quốc hội Nhật thông qua bản Hiến pháp do Tổng bộ Liên minh soạn thảo. Nhật Hoàng cho ban hành Tân Hiến pháp ngày 3-11-1945. Theo Hiến pháp mới, chính phủ Nhật Bản do toàn thể cử tri trao quyền và phải chịu trách nhiệm trước toàn thể cử tri. Đây là bản Hiến pháp theo giá trị Tây phương, nhưng đã đem lại phúc lợi cho người dân quốc gia bị chiếm đóng. Bản Hiến pháp cũng nhấn mạnh tới quyền cơ bản của người dân mà không ai có quyền tước đoạt, trong đó phải kể tới: quyền bầu cử, lập hội. Cấm không được luận tội nếu không có luật sư biện hộ. Bảo đảm quyền cư trú an toàn cho người dân, cấm kiểm tra và tước đoạt vô cớ.
Ngày 25-10-1946, Luật “Cải cách ruộng đất” được ban hành. Chính phủ Nhật mua lại đất đai dư thừa của địa chủ để bán lại cho nông dân không có ruộng…Tất cả diễn ra êm đẹp, không đổ máu. Nhờ hệ thống kinh tế tư nhân tại địa phương được duy trì, khiến đời sống người dân no ấm, đã thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản phát triển. Thêm vào đó, Minh Trị Thiên Hoàng đã sáng suốt nhìn nhận tình thế, ông cho rằng, muốn tránh ngoại xâm, đất nước phải canh tân phát triển. Nhờ vậy, Nhật Bản tiến rất nhanh trên đường phục hưng đất nước. Tây phương phải mất hơn một trăm năm để tiến tới cuộc cách mạng công nghiệp. Trái lại, nước Nhật chỉ cần 40 năm đã từ một quốc gia nông nghiệp trở thành cường quốc về công nghiệp.
Hoàn cảnh chia cắt của nước Đức giống như Việt Nam. Sau Thế chiến II nước Đức bị chia đôi tại Bá Linh thành hai quốc gia với hai chủ thuyết khác biệt, Đông Đức thuộc khối cộng sản nằm trong quỹ đạo của Liên Xô, Tây Đức thuộc khối Tự do. Khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989, nước Đức thống nhất với hai hoàn cảnh xã hội khác nhau, giữa giầu và nghèo, giữa phát triển và chậm tiến. Mặc dù Tây Đức phải “cưu mang” Đông Đức để cùng phát triển, nhưng sự kết hợp của quốc gia này là một sự kết hợp hoàn hảo, không tốn một giọt máu của ngưới dân, vẫn giữ được tình yêu thương con người cùng huyết thống, nêu cao được đặc tính anh hùng của dân tộc Đức.
Tại Việt Nam, sông Bến Hải (Vĩ Tuyến 17) trở thành lằn ranh chia cắt hai miền Nam Bắc theo hai thể chế khác biệt qua Hiệp Định đình chiến tại Genève ngày 20-7-1954. Miền Bắc theo chế độ Cộng sản, miền Nam theo chế độ Tự do. Hàng triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam để tránh họa cộng sản. Ngày 26-10-1955 chính thể Việt Nam Cộng Hòa ra đời. Hai tháng sau, ông Ngô Đình Diệm, vị Tổng Thống đầu tiên của thể chế Dân chủ miền Nam đã yêu cầu Pháp rút hết quân đội khỏi Việt Nam. Hiến pháp VNCH ra đời ngày 26-10-1956.
Câu hỏi “tại sao miền Bắc không kiến thiết xứ sở sau chiến tranh như các nước Nhật Bản và Đại Hàn, mà tiếp tục đưa dân tộc vào cuộc chiến Nam Bắc, huynh đệ tương tàn” như mọi người thường nhắc tới. Như vậy, mục tiêu của cuộc chiến này có phải vì nền độc lập của dân tộc, vì sự hưng thịnh của đất nước hay chỉ là hoài bão của những kẻ tay sai vong bản, mà người cầm đầu là Hồ Chí Minh.
Theo ông nguyễn Cao Quyền, trong tác phẩm “Việt Nam trong chiến tranh tư hữu” (1) (trang 325) đã ghi lại tiểu sử của Hồ Chí Minh. Vì thiếu phương tiện sinh sống, năm 1911 khi đã 21 tuổi, Nguyễn Tất Thành xin làm phụ bếp dưới tầu Latouche – Tréville của Pháp.
Năm 1912 tới Pháp, ông xin vào học Trường Hành Chánh Bảo Hộ nhưng không được chấp nhận. Cũng năm này ông sang Mỹ làm phụ bếp tại khách sạn Park House. Từ 1913 đến 1917 ông làm phụ bếp cho khách sạn Carlton tại Anh. Năm 1917 ông trở lại Paris, được các nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, Phan văn Trường và Phan Chu Trinh (bạn học cũ của thân phụ ông) cho ở cùng nhà, làm nghề thợ ảnh để sống. Hai cụ Phan thường nhờ ông mang những bài viết đấu tranh ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc đến tòa báo và các nhà đấu tranh khác.
Nhờ hoạt động trên, Nguyễn Tất Thành quen với các nhà xã hội Pháp như Léon Blum, Marcel Cachin… và được các ông này giới thiệu vào Đảng Xã hội Pháp. Năm 1923 khi dự Hội nghị Tours, Nguyễn Tất Thành làm quen với Manouilsky và được ông này vận động nên Thành được sang Nga để huấn luyện trở thành cán bộ chuyên nghiệp của Quốc tế Cộng Sản (QTCS).
Năm 1924, Nguyễn Tất Thành được QTCS phái sang Trung Hoa với nhiệm vụ thành lập các chi bộ cộng sản tại Việt Nam và một số quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Năm 1930 ông bị bắt tại Hương Cảng vì hoạt động cộng sản. Sau khi được thả ông bị gọi về Nga để tái huấn luyện trong 3 năm.
Năm 1938, QTCS phái ông sang Hoa Nam, Trung quốc. Ông xâm nhập và chiếm danh “Việt Nam Độc lập Đông minh Hội” của cụ Hồ Học Lãm. Ngày 19-5-1941, ông thành lập Mặt Trận Việt Minh tại hang Pắc Bó tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Năm 1942 ông đổi tên là Hồ Chí Minh. Năm 1945, ông tổ chức thành công vụ cướp chính quyền dân cử của Thủ tướng Trần Trọng Kim tại Hà Nội và thành lập chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945.
Theo ông Francois Revel, một nhà văn và triết gia người Pháp, đã nhận định về Hồ Chí Minh: “Mục tiêu của ông Hồ không phải là nền độc lập của nước Việt Nam mà là sự hội nhập vào Cộng Sản Quốc Tế. Mục tiêu của ông cũng không phải giành lại cho người dân quyền tự quyết, quyền bầu cử, quyền chọn người lãnh đạo, quyền có luật pháp và lối sống của mình. Mục tiêu của ông Hồ là cưỡng bách nhân dân phải chấp nhận chế độ toàn trị Stalin với tất cả đặc điểm của nó: những cuộc hành quyết không xét xử, trại tập trung, sự chà đạp nhân phẩm trong cải tạo và những kẻ lãnh đạo tham nhũng.”
Trong cuộc chiến tàn khốc giữa hai miền Nam Bắc từ sau năm 1954, khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” chỉ là một chiêu bài, như một ngọn cờ giải phóng để khích động lòng yêu nước của người dân. Cũng trong thời gian này, theo báo Hong Kong (Reuter), Trung cộng đã đưa vào miền Bắc 320.000 lính TC và viện trợ 20 tỷ Mỹ kim để trang bị cho bộ đội chính quy Bắc Việt về quân trang và quân dụng. Liên Xô cũng viện trợ cho miền Bắc Việt Nam 11,5 tỷ Mỹ kim và các võ khí nặng. Triều Tiên (Bắc Hàn) dưới thời lãnh tụ Kim II Sung cũng gửi quân tham chiến tại Việt Nam, trong đó có phi công và 2.000.000 bộ quân phục.
Ông Hoàng Văn Hoan viết trong tác phẩm “Giọt nước trong biển cả” (2) (trang 340-343) có ghi rõ về sự trợ giúp của Trung quốc trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ: Từ năm 1950-1978, TQ viện trợ cho Việt Nam hơn 20 tỷ Dola Mỹ, chiếm 41% tổng số viện trợ của TQ cho nước ngoài. Từ năm 1950-1954, TQ là nước duy nhất viện trợ quân sự cho Việt Nam toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Trong thời gian “chống Mỹ”, TQ đã cung cấp phần lớn vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng gồm cả thuốc men, y cụ, đại bác, xe tăng, thiết giáp, cao xạ, tên lửa, máy bay, tầu chiến, dụng cụ thay thế và xăng dầu…đủ trang bị cho hơn 2 triệu bộ đội Việt Nam và thường xuyên cung cấp đủ số đạn dược và trang bị cần thiết cho việc tác chiến liên tục trên chiến trường.
Riêng từ năm 1965-1975, TQ đã viện trợ hơn 5 triêu tấn lương thực, hơn 300 triệu mét vải, hơn 30.000 chiếc ô tô, hơn 600 tầu thủy đủ các loại, hơn 500 đầu máy và 4 ngàn toa xe lửa, gần 2 triệu tấn xăng và các thứ hàng dệt bách hóa.
Theo yêu cầu của Hồ Chí Minh, TQ cũng cử cố vấn, chuyên gia, nhân viên kỹ thuật và bộ đội TQ sang giúp Việt Nam chiến thắng từ chiến dịch biên giới năm 1950 đến trận Điện Biên Phủ năm 1954 và giải phóng toàn bộ miền Bắc.
Với khẩu hiệu “tất cả cho chiến trường”, người dân phải sống trong tình trạng thiếu thốn thắt lưng buộc bụng, hạt gạo xẻ tư để cung cấp lương thực nuôi quân nơi tiền tuyến. Tầng lớp thanh thiếu niên được đoàn ngũ hóa để cung ứng cho chiến trường. Nguồn nhân lực trẻ hùng hậu này thay vì giúp cho công trình sản xuất nuôi sống người dân và phát triển đất nước, đã được tận dụng để phục vụ cho cuộc chiến “người Việt giết người Việt”, đã lưu lại cho dân tộc những vết thương khó lành cả về vật chất lẫn tinh thần. Con số thương vong trong cuộc chiến Nam Bắc được ghi nhận:
* Về phía VNCH:
- Tử trận và mất tích: 316.000 (Theo sử gia R. J. Rummel)
- Bị thương: 1. 170.000
* Về phía VNDCCH:
- Tử trận và mất tích: 1.100.000 (300.000 bộ đội ghi nhận còn mất tích)
- Bị thương: 600.000
* Thường dân: (Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)
- Tổn thất nhân mạng: 4.000.000
- Mang thương tật: 2.000.000
- Nhiễm hóa chất: 2.000.000
*
Trước khi chia đôi đất nước, dưới thời Pháp thuộc, Hà Nội là thủ đô nên các công trình kiến trúc được xây dựng lớn hơn thành phố Sài Gòn. Trường đại học và một số trường trung học tại Hà Nội có tiêu chuẩn như bên Pháp, chẳng hạn trường Y khoa xây dựng từ năm 1902, các sinh viên miền Nam phải ra Hà Nội học ngành y. Một số sinh viên các nước thuộc Đông Dương cũng theo học tại Hà Nội. Vì vậy, từ đời sống xã hội đến văn hóa, Hà Nội đã ưu đãi hơn Sài Gòn rất nhiều.
Tại miền Nam, từ sau ngày chia đôi đất nước năm 1954, hơn một triệu người di cư vào Nam với hai bàn tay trắng, bỏ lại quê hương miền Bắc cả mồ hôi và nước mắt. Miền Nam phải ổn định đời sống cho hàng triệu người miền Bắc mới tới về mọi phương diện, không kể phải đối mặt với các hoạt động chống đối còn sót lại từ thời Pháp, cũng như khó khăn về hội nhập. Nhưng quan trọng nhất là thành phần CS và thân cộng nằm vùng còn lại sau khi Tập kết ra Bắc, đã phá hoại, khủng bố đời sống người dân nghèo miền Nam. Điểm son của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, với Tam Quyền phân lập, vẫn ưu đãi các gia đình có thân nhân tập kết, con cái họ vẫn được vào học các trường Trung và Đại học, được thâu nhận vào làm tại các công sở. Tự do và Nhân quyền của người dân miền Nam được tôn trọng và bảo vệ.
Hệ thống kinh tế tư nhân được duy trì song song với chính sách người cầy có ruộng, khiến đời sống kinh tế miền Nam ngày một phát triển. Để biết vị thế phát triển về kinh tế của Việt Nam đối với các quốc gia trong vùng qua các giai đoạn:
- Thời điểm 1960 (*)
1/ Singapore: 395 US$
2/ Malaysia: 299 US$
3/ Philippine: 257 US$
4/ South Vietnam (VNCH): 223 US$
5/ South Korea: 155 US$
6/ Thailand: 101 US$
7/ China: 92 US$
8/ India: 84 US$
9/ North Vietnam (VNDCCH) 73 US$
- Thời diểm 2013 (*)
Vào thời điểm 2013, các quốc gia trong vùng không khởi hành cùng một thời điểm, nên sự phát triển khác nhau. Chẳng hạn: Việt Nam có tọa độ 1.660 US$, Singapore có tọa độ 50.899 US$. Riêng Việt Nam, vì vận tốc gia tăng thấp hơn các quốc gia trong vùng, nên tiếp tục ở hạng chót, không những không đuổi kịp bất cứ nước nào mà ngày càng tụt hậu, càng nghèo.
* (Nguồn: Trần Đăng Hồng, PhD)
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về sự phát triển của Việt Nam năm 2009, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thailand và 158 năm so với Singapore.
Nhìn vào kết quả về thực trạng kinh tế của hai miền Nam Bắc Việt Nam, chúng ta nhận ra rằng miền Nam (VNCH) theo hệ thống kinh tế thị trường tự do, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, có nhiều cơ hội thăng tiến, đã vượt xa miền Bắc (VNDCCH) vốn theo hệ thống kinh tế chỉ huy.
Tại miền Nam, dưới thời Đệ I – VNCH, chương trình “Cải cách đền địa” được ban hành ngày 22-10-1956, mỗi điền chủ được giữ 100 mẫu ruộng, trong đó có 30 mẫu được trực canh, còn 70 mẫu cho tá điền thuê theo tá canh. Số ruộng của điền chủ bị truất hữu sẽ được bồi thường. Số ruộng này được bán cho tá điền, mỗi gia đình được mua 5 mẫu, trả góp trong 12 năm. Giới diền chủ thực tâm ủng hộ chương trình “Cải cách ruộng đất”, vì họ được đền bù những ruộng đất mất vì chiến tranh.
Dưới thời Đệ II – VNCH, chương trình “Người cầy có ruộng” khiến miền Nam dư thừa thóc gạo. Mặc dù bị chiến tranh tàn phá bởi lực lượng quân đội miền Bắc và lực lượng “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) do Hà Nội tạo ra, đời sống người dân vẫn cơm no áo ấm. Ngoài số gạo tồn kho thuộc chính quyền, còn có các vựa thóc của tư nhân, khiến thực phẩm ngũ cốc của miền Nam dư thừa.
*
Sau khi chiếm miền Nam vào ngày 30-4-1975, đảng CSVN áp dụng chính sách “cào bằng” như đã thực hiện tại miền Bắc sau năm 1954. Một số chính sách được thực hiện đã phá nát miền Nam về mọi phương diện.
Theo thông báo của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn ngày 5-5-1975 về việc trình diện học tập của quân, cán, chính miền Nam. Theo đó, ngày 11-6-1975, các quân nhân cấp bậc thừ Thiếu úy tới Đại úy phải mang theo tư trang, chăn màn, tiền bạc cho 10 ngày. Các cấp Tá và Tướng phải mang theo tư trang, chăn màn, tiền bạc cho 1 tháng. Trên thực tế, thời gian tù cải tạo đã kéo dài hơn bản thông báo ban đầu, với mức tù cải tạo trung bình 6 năm, có người kéo dài đến gần 20 năm.
Ông Võ Văn Kiệt và Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn, cho đây là một thủ thuật khiến hàng trăm ngàn quân, cán, chính miền Nam tự động vào tù, mà vì bản chất của người cộng sản nên không nhận ra đây là một sự lường gạt, một hành động bất nhân đối với những người cùng huyết thống.
Một số chính sách quan trọng khác tiếp tục được đưa ra thi hành như đánh “Tư sản mại bản” vào tháng 9-1975 đến “Đổi tiền” vào cuối tháng 9-1975, khiến người dân miền Nam hoàn toàn trắng tay. Đến tháng 3-1978, một mẻ cướp cuối cùng là “Cải tạo Công thương nghiệp tư doanh” đã hốt trọn tài sản của thành phần này qua kiểm kê tài sản tồn kho. Những người này không những chỉ bị tước đoạt tài sản mà còn bị đẩy ra khỏi thành phố để tới “Vùng kinh tế mới”, một nơi khỉ ho cò gáy, thiếu điều kiện sinh sống.
Trước thảm cảnh đói khổ của miền Nam, Trung tướng Trần Độ, một người cộng sản với nhiều năm tuổi đảng, đã nhận định: “Tại sao chiếm được miền Nam năm 1975, một nửa nước trù phú như vậy mà chỉ vài năm sau đã đưa cả nước vào tình trạng nghèo đói ngắc ngoải như vậy.”
*
Chúng ta không còn ngạc nhiên trước câu hỏi “tại sao dưới chế độ cộng sản, Việt Nam không thể phát triển” sau khi chiến tranh chấm dứt mà ngày càng tụt hậu về mọi phương diện. Như nhiều người đã nhận định, Hồ Chí Minh là một gián điệp có ăn lương của Cộng sản Quốc tế, với nhiệm vụ tổ chức mạng lưới cộng sản tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, nên không có ý tưởng phục hưng đất nước.
Chúng ta hiểu ngay ý nghĩ của ông Hồ trong câu nói: “Dù phải đốt cháy cả dẫy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Ý nghĩa của nền “độc lập” trong câu này không phải là mục đích tối hậu vì sự hưng thịnh của dân tộc, mà chỉ là một thành tích để phục vụ cho mục tiêu nhuộm đỏ toàn cõi Đông Nam Á Châu của QTCS.
Theo chân ông Hồ trên đường phản bội dân tộc, câu nói để đời của Lê Duẩn: “Chúng ta đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc”, đã để lộ thân phận tôi đòi của tập đoàn lãnh đạo CS Hà Nội.
Mặc dù ảnh hưởng của tình trạng bóc lột, đói khổ vào “Thời bao cấp” từ Thế kỷ trước đã qua đi, nhưng trên thực tế, nó vẫn còn hiện diện dưới một hình thức mới, quy mô hơn, có hệ thống hơn và mất nhân tính hơn, được ngụy trang dưới mỹ danh “Chính sách” của một Nhà Nước độc tài./
Trần Nhật Kim
Tháng 9-2017
Chú Thích
Tài liệu tham khảo:
- 1/ Ông Nguyễn Cao Quyền:
Tác phẩm: - “Việt Nam trong chiến tranh tư hữu”, NXB Tiến Quê Hương, Virginia, USA.
Tác phẩm: - “Việt Nam trong chiến tranh tư hữu”, NXB Tiến Quê Hương, Virginia, USA.
- 2/ Ông Hoàng Văn Hoan:
Tác phẩm: “Giọt nước trong biển cả” viết vào tháng 2-1986 tại Bắc Kinh, XB tháng 7-1986.
- Hình ảnh và tài liệu trên mạng bách khoa mở (Wikipedia).
No comments:
Post a Comment