Theo Wikipedia, Quân Lực VNCH có 173 vị tướng từ cấp thống tướng đến chuẩn tướng.
Theo tài liệu lưu giữ tại Viện Bảo Tàng Việt Nam ở San Jose, vào tháng 4 năm 1975, VNCH có 112 tướng lãnh trong số có 80 vị đã rời khỏi Việt Nam khi Cộng Sản chiếm Saigon.
Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, nếu không kể vị Thống Tướng duy nhất là Lê Văn Tỵ đã mất năm 1964, các tướng lãnh đã mất vì già yếu, vì tử trận (7), các tướng đã hồi hưu hay giải ngũ thì vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, VNCH có 107 tướng tại ngũ được liệt kê như sau:
Cần chú thích thêm là ngoài 29 tướng bị đi cải tạo còn có thêm 9 vị tướng hồi hưu hay giải ngũ cũng bị cộng sản bắt đi cải tạo, như vậy số tướng lãnh bị bắt đi cải tạo là 38 vị.
Ngoài ra, trong số tướng giải ngũ có một tướng thân cận với Dương Văn Minh đã bị TT Thiệu cho giải ngũ, nhưng lại là một tên cộng sản nằm vùng, bí danh là S7, được Dương Văn Minh cho tái ngũ ngày 28/4/1975 là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh.
Những vị tướng tuẫn tiết
1- Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn 2, Quân Khu 2, tự sát bằng thuốc độc ngày 29 tháng 4, được gia đình đưa vào nhà thương Grall và chết vào trưa ngày 30 tháng 4 sau khi được biết Dương Văn Minh vừa tuyên bố đầu hàng.
2- Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn 4, Quân Khu 4, tự sát tại Bộ Tư Lệnh QĐ rạng sáng ngày 1 tháng 5 sau khi thăm các chiến hữu thương binh ở Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ.
3- Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4, Quân Khu 4, tự sát tại Bộ Tư Lệnh QĐ tối ngày 30 tháng 4 sau khi nói lời vĩnh biệt với vợ và con.
4- Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 BB, tự sát tại Bô Tư Lệnh ở Lai Khê trưa 30 tháng 4 sau khi dùng bữa cơm cuối cùng với chiến hữu.
5- Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 BB, tự tử ở Căn cứ Đồng Tâm (Mỹ Tho) chiều ngày 30 tháng 4.
Những vị tướng di tản
Trong số 11 vị tướng lãnh trên chỉ có TrT Lữ Lan và Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại còn tại thế, 9 vị còn lại đã qua đời (năm mất trong dấu ngoặc)
Từ ngày 25 đến 30 tháng tư, một số tướng lãnh đã bắt đầu rời Việt Nam, hoặc nhờ phương tiện của Mỹ, hoặc nhờ tàu và phi cơ của VNCH rời VN đến Đệ Thất Hạm Đội hay những căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương rồi từ đó được di tản đến các trại tiếp cư trên đất Mỹ, một vài vị sau đó đi Canada hay Pháp, trừ Tổng Thống Thiệu đi Anh Quốc.
Hai vị tướng rời VN sớm nhất là Tổng Thống Thiệu và Thủ Tướng Khiêm
– Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu, Tổng Thống kiêm Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà từ chức ngày 21-4-1975, ông tuyên bố “Dù mất một Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội vẫn còn Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu bên cạnh anh em chiến sĩ…”. Tuy nhiên, ngày 25-4-1975, ông Thiệu cùng ông Trần Thiện Khiêm rời Việt Nam trên một chuyến bay do Toà Ðại Sứ Hoa Kỳ tổ chức.
– Ðại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng từ chức vào thượng tuần tháng tư 1975, rời Việt Nam cùng lúc với TT Nguyễn văn Thiệu.
Danh sách các vị tướng di tản (Chức vụ ghi là chức vụ sau cùng)
Cấp Đại Tướng
1- Cao văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH.
2- Trần Thiện Khiêm.
Cấp Trung Tướng
1- Nguyễn Văn Thiệu.
2- Chung Tấn Cang (Phó Đô Đốc), Tư Lệnh Hải Quân..
3- Phan Trọng Chinh, Chỉ Huy Trưởng trường Chỉ Huy &Tham Mưu.
4- Trần Văn Đôn, Phó Thủ Tướng nội các Nguyễn Bá Cẩn, rời VN qua Pháp.
5- Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Quân Đoàn III.
6- Cao Hảo Hớn, Tổng Trưởng Chương Trình Phát Triển và Bình Định.
7- Lê Nguyên Khang, Phụ Tá Hành Quân bộ Tổng Tham Mưu.
8- Ðồng văn Khuyên, Tham Mưu Trưởng bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Cục Trưởng Tiếp Vận.
9- Lữ Lan (Lữ Mộng Lan), Chỉ Huy Trưởng trường Cao Đẳng Quốc Phòng.
10- Hoàng Xuân Lãm, Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng.
11- Vĩnh Lộc, nhận chức Tổng Tham Mưu Trưởng lúc 3giờ chiều ngày 29 rồi sáng 30 ra đi cùng với Trung Tướng Trần Văn Trung.
12- Nguyễn Văn Mạnh, TTM phó đặc trách Địa phương quân và Nghĩa quân.
13- Nguyễn văn Minh, (Minh đờn vì đờn guitare rất hay), Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô.
14- Trần Văn Minh, (Minh nhỏ, hay Minh Lục quân, còn Minh lớn là Trung Tướng Dương văn Minh), Cựu Tổng Tham Mưu Trưởng, Đai sứ tại Tunisie, Tchad, sang Nice (Pháp).
15- Trần Văn Minh, (Minh đen), Tư Lệnh Không Quân.
Chú thích : VNCH có 4 tướng đều có tên Minh nên để dễ phân biệt, mỗi vị được gọi tên với một “biệt danh”.
16- Ðặng văn Quang, Phụ Tá An Ninh Quốc Gia Phủ Tổng Thống. Lúc đầu đến Montréal, rồi sau sang Mỹ.
17- Trần Ngọc Tám, Cựu Đại Sứ VNCH tại Thái Lan.
18- Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Phó Quân Ðoàn 1 & QK 1.
19- Nguyễn Xuân Thịnh, Tư Lệnh Binh Chủng Pháo Binh.
20- Phạm Quốc Thuần, Chỉ huy Trưởng Trường Sĩ Quan Đồng Đế, Nha Trang.
21- Nguyễn văn Toàn, Tư Lệnh Quân Ðoàn 2, rồi Quân Đoàn 3 kiêm Tư Lệnh Binh chủng Thiết Giáp.
22- Trần văn Trung, Tổng Cục Trưởng Chiến Tranh Chính Trị, đến Mỹ rồi sau sang Pháp.
23- Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Ðoàn 1, Quân Khu 1.
24- Ngô Dzu, Trưởng đoàn Quân Sự 4 bên tại Trại Davis, Tân Sơn Nhứt.
Cấp Thiếu Tướng
1- Nguyễn Cao Kỳ, Cựu Tư Lệnh Không Quân, Cựu Phó Tổng Thống. Trưa ngày 25 tháng tư, trước 10 000 người Công giáo ở xứ đạo Tân Sa Châu, ông tuyên bố: «Tôi sẽ ở lại Saigon chiến đấu cho tới chết, những kẻ chạy theo Mỹ là hèn nhát». Sau khi tuyên bố xong , ông thu xếp cho máy bay di tản qua Thái Lan trong đó có một chiếc trực thăng chở ông cùng tướng Ngô Quang Trưởng ra Đệ Thất Hạm Đội ngày 29/4.
2- Đào Duy Ân, Tư Lệnh Phó Diện Địa Quân Đoàn III.
3- Nguyễn Khắc Bình, Tư Lệnh Cảnh Sát kiêm Ðặc Uỷ Trưởng Tình Báo.
4- Võ văn Cảnh, Phụ Tá Tổng Trưởng Nội Vụ.
5- Bùi Đình Đạm, Tổng Giám Đốc Tổng Nha Nhân Lực Bộ Quốc Phòng.
6- Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 BB.
7- Hoàng Văn Lạc, Tư Lệnh Phó Quân Khu 1.
8- Võ xuân Lành, Tư Lệnh Phó Không Quân.
9- Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
10- Nguyễn Ngọc Loan, Chánh Thanh Tra Bộ Quốc Phòng.
11- Phan Đình Niệm, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 BB.
12- Lâm Ngươn Tánh (Hải Hàm Đề Đốc), Phụ Tá Quốc Vụ Khanh đặc trách cứu trợ đồng bào di cư Miền Trung.
13- Lâm Quang Thơ, Chỉ Huy trưởng trường Võ Bị Đà Lạt...
14- Lê Ngọc Triển, Tham Mưu Phó Hành Quân, Bộ TTM (4/1975).
15- Chương Dzềnh Quay, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn IV..
Cấp Chuẩn Tướng
1- Trương Bảy, Phụ Tá Tư Lệnh Cảnh Sát đặc biệt.
2- Nguyễn Chấn, Cục Công Binh, Biệt phái Phụ Tá Tổng Trưởng Canh Nông.
3- Nguyễn Thanh Châu (Phó Đề Đốc), Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân, Nha Trang.
4- Nguyễn Hữu Chí (Phó Đề Đốc), Phụ tá Tư Lệnh Hành Quân Lưu Động Biển.
5- Nguyễn Văn Chức, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận (4/1975).
6- Vũ Đình Đào (Phó Đề Đốc), Tư Lệnh Vùng 3 Duyên Hải.
7- Đinh Mạnh Hùng (Phó Đề Đốc), Phụ Tá Tư Lệnh Hành Quân Lưu Động Sông.
8- Hoàng Cơ Minh (Phó Đề Đốc), Tư Lệnh Vùng 2 Duyên Hải...
9- Nghiêm Văn Phú (Phó Đề Đốc), Tư Lệnh Lực Lượng Tuần Thám 212.
10- Đặng Cao Thăng (Phó Đề Đốc), Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Sông ngòi.
11- Hồ Văn Kỳ Thoại (Phó Đề Đốc) Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải.
12- Diệp Quang Thủy (Phó Đề Đốc), Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Hải Quân.
13- Từ Văn Bê, Chỉ Huy Trưởng Tiếp vận và Kỹ Thuật KQ.
14- Võ Dinh, Chỉ Huy Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu KQ.
15- Nguyễn Đức Khánh, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 KQ, định cư ở Montréal.
16 – Đặng Đình Linh, Tham mưu phó Kỹ Thuật và Tiếp Vận Không Quân.
17- Nguyễn Văn Lượng, Tư Lệnh Sư Đoàn 2 KQ.
18- Nguyễn Ngọc Oánh, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện KQ.
19- Nguyễn Hữu Tẩn, Tư Lệnh Sư Đoàn 4 KQ, được Dương Văn Minh cử quyền Tư Lệnh Không Quân ngày 29/4/1975.
20- Phan Phụng Tiên, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 KQ.
21- Huỳnh Bá Tính, Tư Lệnh Sư Đoàn 3 KQ.
22- Nguyễn Văn Giàu (Đại tá BB), biệt phái qua Bộ Nội Vụ thăng cấp Chuẩn Tướng Tư Lệnh Cảnh Lực.
23- Phan Hòa Hiệp, Trưởng Đoàn LHQS 2 bên.
24- Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù.
25- Vũ Đức Lượng, Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội.
26- Ðổ Kiến Nhiễu, Ðô Trưởng Sài Gòn.
27- Phạm Hữu Nhơn, Trưởng Phòng 7 Bộ TTM.
28- Trần văn Nhựt, Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 Bộ Binh.
29- Huỳnh Thới Tây, (Đại tá BB), biệt phái qua Bộ Nội Vụ thăng cấp Chuẩn Tướng Tư Lệnh Đặc Cảnh Trung Ương.
30- Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3, Bộ TTM.
31- Trang Sĩ Tấn (đồng hóa Chuẩn Tướng), Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Đô Thành.
Những Vị Tướng bị Cộng Sản bắt đi “học tập cải tạo”
Số tướng lãnh bị đi học tập cải tạo gồm các tướng lãnh không muốn đi hay bị kẹt lai.
Một số tướng đã giải ngũ cũng bị đi “cải tạo” (có ghi chữ Cựu)... Một số tướng đã bị giam trong khám Chí Hòa thời VNCH vì nghi án tham nhũng hay lý do chính tri bị tiếp tục cải tạo dưới thời cộng sản. Thời gian học tập cải tạo từ vài năm đến 17 năm. Có 8 vị bị 17 năm (từ số 1 đến số 8). Duy nhất có Cựu Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ chỉ học tập có 6 tháng.
Những vị bị cải tạo 17 năm (1975 -1992)
1- Thiếu Tướng Trần Bá Di, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
2- Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 BB..
3- Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, Chỉ Huy Trưởng Binh chủng Biệt Động Quân.
4- Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh.
5- Chuẩn Tướng Phạm Ngoc Sang, Tư Lệnh Không Đoàn 6, bị CS bắt khi thua trận ở Phan Rang cùng với Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi.
6- Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Quân Khu 2, Chỉ huy cuộc hành quân rút lui bỏ các tỉnh vùng Cao Nguyên tháng 3, 1975.
7- Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, Tư Lệnh phó lãnh thổ Quân khu 2.
8- Chuẩn Tướng Mạch văn Trường, Tư Lệnh Sư Đoàn 21 BB.
Những vị bị cải tạo 12-13 năm (được thả năm 1987,1988)
9- Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi: Bị tai tiếng tham nhũng ở Quân đoàn 4, ông phải bàn giao chức vụ cho Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đi nhận chức Chỉ Huy Trường Bộ Binh Thủ Đức. Cuối tháng 3, 1975, Khi QĐ 2 bị tan rã, TT Thiệu cử ông làm Tư Lệnh phó QĐ 3 kiêm Tư Lệnh Tiền Phương QĐ đặc trách giữ phòng tuyến Phan Rang, nhưng sau cùng Phan Rang cũng bị chiếm và ông bị địch bắt. Ông là tướng lãnh có cấp bậc cao nhất bị bắt tại chiến trường.
10- Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, đã giải ngũ năm 1967, tuy là cựu thù với ĐT Dương Văn Minh, nhưng lại tái ngũ ngày 28/4/1975 làm Cố Vấn cho Tướng DVM. Bị đi cải tạo 12 năm, nhưng khi được thả lại hoạt động cho Mặt Trận Tổ Quốc, cơ quan ngoại vi của cộng sản.
11- Trung Tướng Lâm Văn Phát, cùng thời với các tướng Trần Thiện Khiêm, Dương văn Đức, Nguyễn Khánh, tham gia đảo chánh 4 lần, bị tước hết cấp bậc, bị gìải ngũ năm 1965. Ngày 28/4/1075, Dương Văn Minh thăng cấp Trung Tướng cử ông làm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ đô thay tướng Nguyễn Văn Minh vừa đào nhiệm.
12- Thiếu Tướng Nguyễn Xuân Trang, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh, sau biệt phái qua Bộ Ngoại Giao Phụ tá Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm.
13- Thiếu Tướng Nguyễn Chấn Á, người Việt gốc Hoa, Thiếu Tướng của quân đội Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Gia nhập Quân Lực VNCH, ông được giữ nguyên chức vụ. Chỉ Huy Trưởng Quân Cảnh, Cố Vấn Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị.
14- Thiếu Tướng Văn Thành Cao (Cao Đài) hợp tác với chính phủ Ngô Đình Diệm được phong Thiếu Tướng (1955) Tổng Cục Phó Chiến Tranh Chính Trị.
15- Thiếu Tướng Đoàn Văn Quảng, Phụ Tá Tổng Tham Mưu Trưởng, chết trong trại giam Nam Hà, Hà Nam Ninh vì bịnh không thuốc men năm 1984.
16- Chuẩn Tướng Lý tòng Bá, Tư Lệnh Sư Ðoàn 25 Bộ Binh.
17- Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, bị cách chức Tư Lệnh Sư Đoàn 3 BB hồi tháng 5 năm 1972, bị kết tội 5 năm tù vì thua trận Quảng Trị, bị giam trong Khám Chí Hoà . Khi CS vào Saigon ông bị đi cải tạo từ Nam ra Bắc đến năm 1987 mới được thả.
18- Chuẩn Tướng Lê Văn Tư, cựu Tư Lệnh SĐ 25BB, bị tạm giam trong Khám Chí Hòa năm 1974 vì nghi án buôn lậu trong quân đội, bị đi tù từ Nam ra Bắc 13 năm.
19- Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch, Chánh Thanh Tra QĐ 4, bị giam trong Khám Chí Hòa năm 1974 vì nghi can buôn lậu trong quân đội, bị tù từ Nam ra Bắc 13 năm.
20- Chuẩn Tướng Hồ Trung Hậu, Binh Chủng Nhảy Dù, Chánh Thanh Tra QĐ 3. Sau khi được thả, ông ở lại VN.
21- Chuẩn Tướng Trần văn Cẩm, Tư Lệnh Phó, Quân Ðoàn 2, bị CS bắt làm tù binh tại Tuy Hòa.
22- Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tham Mưu Trưởng Quân Ðoàn 3, QK3.
23- Chuẩn Tướng Lê Trung Trực, Phụ Tá Trung Tướng Đặng Văn Quang.
24- Chuẩn Tướng Lý Bá Hỷ, Phó Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, 13 năm tù, sau định cư ở Pháp.
25- Chuẩn Tướng Huỳnh văn Lạc, Tư Lệnh Sư Ðoàn 9 Bộ Binh.
26- Chuẩn Tướng Chung Tấn Phát, Chánh Văn Phòng Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu.
27- Chuẩn Tướng Bùi Văn Nhu, Tư Lệnh Phó Cảnh Sát Quốc Gia, chết trong trại giam Nam Hà, Hà Nam Ninh năm 1984 vì bịnh thiếu thuốc men.
Những vị bị cải tạo dưới 5 năm
28- Thiếu Tướng Quân Y sĩ Vũ Ngọc Hoàn, bị lưu đày từ Nam ra Bắc đến năm 1980.
29- Chuẩn Tướng Quân Y sĩ Phạm Hà Thanh, bị cầm tù đến năm 1977...
Những vị cựu tướng lãnh vẫn bị đi tù
30- Cựu Trung Tướng Lâm Thành Nguyên (tự Hai Ngoán), chỉ huy Lực Lượng Hòa Hảo được Bảo Đại thăng cấp Đại Tá, rồi Thiếu Tướng và Ngô Đình Diệm đồng hóa Trung Tướng khi về hợp tác với chánh phủ VNCH, Năm 1955, ông được giải ngũ nhưng vẫn là lãnh tụ của giáo phái Hòa Hảo. Năm 1975, ông bị CS bắt giam tại Khám Chí Hòa và chết tại đây năm 1977.
31- Cựu Trung Tướng Dương Văn Đức, được Quốc Trưởng Ngô Đình Diệm thăng Thiếu Tướng năm 1956, lúc ông mới 31 tuổi là người trẻ tuổi nhất được thăng cấp tướng. Bất bình với TT Diệm, ông từ chức, sau ông làm Chỉnh Lý với Nguyễn Khánh, ông được thăng Trung Tướng, được cử làm Tư lệnh Quân Đoàn IV.
Ông bị buộc giải ngũ năm 1964, mắc bịnh tâm thần luôn nhục mạ cấp lãnh đạo. Bị CS bắt đi cải tạo từ Nam ra Bắc đến năm 1987, ở lại VN sau khi được thả.
32- Cựu Trung Tướng Lê Văn Kim, giải ngũ năm 1965 cùng 2 tướng Mai Hữu Xuân và Trần Văn Đôn lập ra công ty xuất nhập cảng DOXUKI, bị CS bắt đi cải tạo đến năm 1982.
33- Cựu Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ, Tổng Trưởng Quốc Phòng, giải ngũ năm 1973. Bị CS bắt lúc ông bị trọng bịnh và bị quản thúc ở nhà thương St- Paul cho đến năm 1979, được thả nhờ sự can thiệp của Thứ trưởng Quốc Phòng Pháp. Đó là thông tin trên Wikipedia.
Nhưng Huy Đức, trong «Bên Thắng Cuộc» viết rõ hơn : «Vừa được thả về cuối năm 1975, Tướng Vỹ phát biểu: Chúng tôi ăn cơm ngon hơn bộ đội. Tôi mong những người có thân nhân đi học tập cải tạo hãy yên lòng và tin tướng cách mạng, đừng tin những lời đồn vô căn cứ. Tướng Nguyễn Văn Vỹ là người mà ngày hôm đầu ra trình diện đã phát biểu: Tôi hiểu rõ quân đội trong nầy lắm, tệ lắm, xấu lắm, và mấy ngày hôm nay thấy rõ bộ đội cách mạng rất kỹ luật, chững chạc, đàng hoàng. Anh em vào nhà tôi ở cầu Thị Nghè không hề bị mất mát gì hết. Cách mạng vào yên ổn, thanh bình ngay, ai cũng yên tâm và sung sướng…» (ngưng trích). (Bên Thắng Cuộc, q. 1, tr. 41). Có thế nào một Trung Tướng VNCH tồi tệ như vậy mà Huy Đức căn cứ vào báo Saigon Giải Phóng để nhục mạ tướng lãnh VN hay thực sự tồi tệ như vậy để được cộng sản trả ơn cho xuất cảnh sang Pháp năm 1979.?
34- Cựu Thiếu Tướng (Đề Đốc Hải Quân) Trần Văn Chơn, giải ngũ 1974, là tướng hải quân duy nhất không di tản. Bị giam từ Nam ra Bắc cho đến năm 1987.
35- Cựu Thiếu Tướng Nguyễn Thanh Sằng, giải ngũ năm 1973, bị cầm tù đến năm 1987.
36- Cựu Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, giải ngũ năm 1966 vì Biến Động Miền Trung. Thượng Nghị Sĩ 1967- 1975. Đi cải tạo từ Nam ra Bắc đến 1987.
37- Cựu Chuẩn Tướng Phan Ðình Thứ (tự Lam Sơn), Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt, bị tù năm 1972 vì bắn chết môt trung sĩ người Thượng, bị buộc giải ngũ năm 1973. Ông trải qua 13 năm tù từ Nam đến Bắc.
38- Cựu Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, Tư Lệnh SĐ 1 BB, bị giáng chức thành Đại Tá và bị giải ngũ vì Biến Động Miền Trung năm 1966. Bị giam ở Hoàng Liên Sơn đến năm 1987
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tình báo viên của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam
Là Cộng sản nằm vùng mang bí danh S7, lại là thân cận của tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống Thiệu cho ông về hưu tháng 5, 1974 cốt để cắt vây cánh của ông Minh, lúc ấy ông là Chánh Thanh Tra Quân Đoàn I làm Phụ Tá cho tân Tổng Tham Mưu Trưởng là tướng Vĩnh Lộc, nhưng hôm sau, tướng Vĩnh Lộc di tản, ông thay thế Vĩnh Lộc. Chính ông là người ra nhật lệnh yêu cầu quân đội VNCH buông súng. Vì có công với Việt Cộng, ông không phải đi cải tạo, nhưng không có chức vụ gì ngoài việc được cho làm Ủy viên Mặt Trận tổ Quốc VN, sống nghèo khổ ở làng Bến Tranh (Mỹ Tho) trong một nghĩa địa cho tới ngày mất (29/9/2019).
Lâm Vĩnh Bình
15/03/2020
Chú thích : Về các người bị cộng sản bắt đi học tập cải tạo, Huy Đức viết:« Ở Saigon, 443 360 người ra trình diện, trong đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1 806 trung tá, 3 978 thiếu tá, 39 304 sĩ quan cấp úy, 35 564 cảnh sát, 1 932 nhân viên tình báo các loại, 1 469 viên chức cao cấp trong chính quyền, 9 306 người trong các đảng phái được cách mạng coi là phản động. Chỉ có 4 162 người phải truy bắt trong đó có một viên tướng và 281 sĩ quan cấp tá» (Huy Đức. Bên Thắng cuộc. q.1, tr 37) . Bộ sách gồm 2 quyển gần 1000 trang do tác giả xuất bản tại Boston (OSIN Book, 2012), lúc tác giả được một học bổng sang Mỹ tu nghiệp. Theo tác giả, ông đã dùng hơn 20 năm để tra cứu tài liệu và phỏng vấn nhiều lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản cũng như phe bại trận. So với các tài liệu của đảng xuất bản, bộ sách nầy cung cấp nhiều thông tin tương đối khả tín mà nhiều nguồn liệu trích dẫn, thí dụ như Wikipedia.
No comments:
Post a Comment