Trong buổi họp tái phối trí cán bộ ngành XDNT tại Phủ Thủ Tướng, một hình ảnh ghi đậm trong tâm tư người cán bộ áo đen, khi thấy Đại Tá Nguyễn Tài Lâm, Giám Đốc Nha Cán Bộ mặc “cán phục”, bộ bà ba đen với huy hiệu Tổ Quốc-Nhân Dân và biểu tượng Cờ Vàng, trước các vị Tướng Tá áo gắn huy chương và các quan chức cao cấp các Bộ y phục hợp thời trang. Phong thái của Đại Tá Giám Đốc đã chứng tỏ tinh thần hãnh diện về ngành XDNT, vốn là tai mắt tại nông thôn, đã chặn đứng các hoạt động xâm nhập phá hoại của cộng sản tại miền Nam. Nhân cách kiên cường này thật hiếm thấy nơi các vị chỉ huy, nhất là sau này, trong các trại tù “cải tạo” của cộng sản từ Nam ra Bắc. (Tài liệu XDNT)
Nhưng khi ra đời làm việc, tôi luôn luôn áp dụng khoa tâm lý vào việc làm của mình. Sau đây là một vài ví dụ:
Cán bộ Y Tế
Lúc mới về nhận việc ở Nha Cán Bộ / Bộ Xây Dựng Nông Thôn, tôi nghiên cứu về sự tổ chức của “Đoàn 59”, qua đó, với nhiệm vụ của Đoàn và nhiệm vụ của từng người trong Đoàn, tôi đặc biệt chú ý tới Cán bộ Y Tế của Đoàn.
Nếu đúng như câu khẩu hiệu đề ra: “Cán bộ đến, dân mừng; đi, dân nhớ; ở, dân thương”, thì đây đúng là vũ khí tâm lý sắc bén nhất để tranh thủ nhân tâm.
Tuy chưa đụng vào thực tế, nhưng tôi hình dung trong đầu là bất cứ cán bộ nào trong đoàn mà biết nhà nào có người vừa bị bệnh thì lập tức báo cho Cán bộ Y tế của đoàn biết để Cán bộ Y Tế đeo túi thuốc lên vai, đi ngay đến nhà bệnh nhân. Nói cho đúng, Cán bộ Y Tế không phải là bác sĩ, cũng không phải là y tá chuyên nghiệp, mà chỉ được huấn luyện sơ sài về các bệnh thông thường như nhức đầu, cảm, ho, đau bụng, tiêu chảy, v.v… và các loại thuốc thông dụng và thích ứng (không cần toa bác sĩ) để điều trị với liều lượng nhẹ cho mỗi bệnh nhân.
Đây là lúc “tâm lý chiến” bắt đầu được áp dụng. Thay vì hỏi người bệnh đau ở đâu, đau nhiều hay ít, đau lâu chưa, trước đây có bị đau như vậy không, đã có đi khám bác sĩ hay đi bệnh xá lần nào chư..., thì Cán Bộ Y Tế lấy ra ba viên thuốc tương ứng với bệnh trạng, đưa cho người bệnh và nói: “Bác, hay chú, hay dì, hay cô... uống liền một viên ngay bây giờ; trưa nay, trước khi ăn cơm, uống viên thứ hai; tối trước khi đi ngủ, uống viên cuối cùng; ngủ một giấc ngon lành, sáng dậy sẽ hết bệnh ngay; sáng mai, cháu sẽ đến thăm bác”. Nói xong đi về.
Thay vì làm như vừa kể, mỗi ngày cứ đến giờ uống thuốc, cán bộ Y Tế đem thuốc đến, đỡ người bệnh ngồi dậy, lấy nước giúp người bệnh uống thuốc, làm giống y như mình là con cháu trong nhà của người bệnh vậy. Tôi dám đoan chắc làm như thế thì người bệnh sẽ cảm động lắm; cảm động vì cách thức mà cán bộ Y Tế đã làm cho mình, thân nhân của người bệnh cũng sẽ cảm động không kém. Lấy được cảm tình của người lớn tuổi rất khó, nhưng cũng rất dễ. Khó, là nếu chỉ dùng toàn nguyên tắc cứng ngắc để tiếp xúc với họ; nhưng dễ, là nếu cán bộ dùng con tim của mình để đến với họ, như việc uống thuốc trên đây. Sau này, nếu cần đến lá phiếu, hoặc bất cứ việc gì khác của những người trong gia đình họ, chỉ cần đến nói một tiếng là được việc ngay. Tâm lý chiến là ở chỗ đó.
Theo tôi, Cán bộ Y Tế là gạch nối tốt nhất giữa Cán bộ Đoàn với người dân địa phương nơi Đoàn hoạt động. Tin lành đồn xa, chẳng mấy chốc mà Cán bộ áo đen được tiếng là những người tốt nhất, coi dân như ruột thịt của mình, giúp dân hết lòng mà không đòi hỏi bất cứ điều gì, khác với những tên cán bộ cộng sản ác ôn thường lén lút về Ấp ban đêm để rút rỉa tất cả mọi thứ mà dân phải làm lụng vất vả mới có được.
Bưu Chính Xã
Thông thường thì Bưu Điện Tỉnh xuống tới Quận là xa nhất. Thư từ của Xã nào được gom vào chỗ dành riêng cho Xã đó. Bưu Điện Quận báo cho Xã biết để Xã cử người của Xã lên nhận về. Nhưng ba tháng sau, hay có khi sáu tháng sau, mới có người của Xã lên nhận. Đó là chưa kể thời gian chuyển thư từ Xã về Ấp nơi Đoàn đang hoạt động. Thành thử, có khi cả năm sau, người nhận thư mới được đọc thư gởi cho mình. Nói cho đúng, thường thì Xã không có chuyển thư về Ấp mà nhắn miệng cho người có tên trên phong bì lên văn phòng Xã mà lấy thư. Vào thời kỳ đó, có rất ít thư được đưa về Xã, vì dân trong xã sống quanh quẩn với ruộng vườn của minh, có rất ít người ra ngoài Xã để kiếm việc làm, nên số thư của họ gởi về cho gia đình cũng rất ít.
Sau này, khi Quận Đoàn CB/XDNT được thành lập, cũng là lúc trùng hợp vói thời kỳ “đi lao động ngoại quốc” và “phong trào lấy chồng Đài Loan” thì số lượng thư gởi cho người dân còn đang sống trong Xã, Ấp, tăng lên rất nhanh và rất nhiều. Lợi dụng việc này, Quận Đoàn Trưởng liên lạc với Bưu Điện Quận để nhận thư của Xã, mang về trao cho Xã Đoàn để cán bộ Xã Đoàn trao lại tận nhà cho người nhận nằm trong khu vực trách nhiệm của mình, giống y như những người phát thư chuyên nghiệp của Bưu Điện. Đây là cơ hội thuận tiện nhất để làm công tác “dân vận”.
Khi Quận Đoàn Trưởng đề nghị với Bưu Điện Quận về việc để cho Quận Đoàn tiếp tục nhận thư của Xã, thì Bưu Điện Quận đồng ý liền, vì họ trút được một gánh nặng không có lối thoát, trong khi Quận Đoàn thì “mừng hết lớn” vì tự nhiên vớ được một cơ hội bằng vàng để tranh dân với bọn ác ôn CS. Trong khi đi phát thư, cán bộ xã đoàn có cơ hội trò chuyện với người nhận thư, còn hứa giúp đọc thư giùm và viết thư hộ cho những người lớn tuổi không biết chữ, hoặc mắt mờ, vì không có kiếng lão để đeo. Ngoài ra, cán bộ còn tặng cho họ phong bì và tem miễn phí để gởi thư đi. Tâm lý chiến là ở chỗ đó.
Tôi không biết có phải do công tác “tâm lý chiến” này hay không, mà những cán bộ CS nằm vùng chọn ra hồi chánh với Cán bộ áo đen nhiều hơn so với thành tích hổi chánh của các đơn vị khác. Chính vì vậy mà CS căm thù CB áo đen nhiều hơn cả việc căm thù lính Mỹ (“giết một CB/XDNT bằng giết ba lính Mỹ”). Tâm Lý Chiến hiệu quả thật.
Cán Bộ Hóa Công Chức.
Bối cảnh lịch sử:
Tất cả mọi chuyện bắt nguồn từ Hiệp Định Paris 1973. Mặc dù không đồng ý, nhưng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bị ép phải ký vào Hiệp Định này để Mỹ rút khỏi Việt Nam Cộng Hòa, cắt đứt mọi yểm trợ, trong đó có cả tài trợ cho ngành cán bộ áo đen. như cán trang, cán dụng, vũ khí, đạn dược, thuốc men…; vì thế, còn bao nhiêu trong kho xài bấy nhiêu, Vấn đề gay cấn nhất là tiền thù lao hằng tháng trả cho cán bộ. Tháng cuối cùng thì có đó, nhưng những tháng kế tiếp thì sao đây? Thật là khó nghĩ.
Diễn tiến sự việc:
Để chống lại sự bành trướng của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTGP), VNCH cần tăng cường nội lực của mình một cách triệt để. Nhiệm vụ chống “lấn đất”, ngoài QLVNCH ra, TT Thiệu muốn ban hành lệnh tổng động viên (phải có ⅔ Quốc Hội chấp thuận) để có thêm nhân lực; còn về “dành dân” cần có thêm nhiều cán bộ hữu hiệu hơn, bằng cách biến công chức thành cán bộ.
(Lần đầu tiên khi nghe đến nhóm chữ “cán bộ hóa công chức”, tôi vẫn đinh ninh là biến một ông công chức khề khà thành một người cán bộ hăng hái, “làm hết việc chứ không làm hết giờ”).
TT Thiệu muốn giao nhiệm vụ này cho Trung Tâm Huấn Luyện CB/XDNT Vũng Tàu. Tôi đồng ý nhận nhiệm vụ mới này, với điều kiện là chính phủ phải yểm trợ cho trung tâm tất cả mọi mặt như Hoa Kỳ từng làm cho trung tâm.
Mọi chuyện kể như đã được sắp xếp ổn thỏa. Kể từ đó, cơ sở này mang tên mới: “TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN CÁN BỘ QUỐC GIA VŨNG TÀU”.
Sau khi các bài giảng cho những khóa huấn luyện công chức được chính TT Thiệu duyệt và chấp thuận, thì khoá đầu tiên bắt đầu. Từ đó, tôi toàn áp dụng tâm lý vào mọi việc. Tôi không bảo đảm là học xong, công chức sẽ trở thành cán bộ ngay tức khắc; không có chuyện đó đâu, nhưng tôi dám bảo đảm là những bài học, đã được duyệt, nằm một cách chắc chắn và lâu dài trong đầu của từng học viên.
Việc họ có muốn trở thành cán bộ để phục vụ đắc lực hơn cho dân hay không là tùy vào tâm ý của mỗi người, nhưng họ biết rất rõ những gì mình cần phải làm, và những gì mình không nên làm. Nói cách khác, nếu không trở thành cán bộ, thì ít nhiều gì, hy vọng là công chức cũng sẽ làm việc với một tinh thần mới: “tinh thần cán bộ”.
Lần đầu tiên trong lúc tiếp xúc với họ, sau lời chào mừng họ đến chung sống với anh em chúng tôi ở Trung Tâm, tôi thông báo cho họ biết là tối hôm trước tôi đã thức suốt đêm để ký “Bằng Tốt Nghiệp“ cho từng người một, và cũng báo cho họ biết là chỉ cần đạt được 100 điểm (điểm tối thiểu), thì được coi là tốt nghiệp, nhưng tôi xin biếu trước cho họ 70 điểm, chỉ cần họ đạt thêm 30 điểm học tập nữa là coi như đã được tốt nghiệp rồi. 70 điểm được biếu là điểm hạnh kiểm, họ phải giữ cho kỹ, đừng để bị trừ vì vi phạm những lỗi được liệt kê trong cuốn “Nội Quy” mà mỗi người được phát lúc mới đến. (Ví dụ: đi phép về trễ, trừ 20 điểm; không chào cấp chỉ huy, trừ 10 điểm; khạc nhổ bậy bạ, trừ 5 điểm; ăn nói thô tục, trừ 10 điểm, v.v…). Vì lâu quá, không nhớ những con số nêu trên là đúng hay sai, nhưng nhờ biện pháp tâm lý này mà kỷ luật của trại được giữ vững. Đó là nói về chấp hành nội quy. Tâm lý là ở chỗ đó.
Bây giờ nói về học tập. Đa phần học viên là người lớn tuổi, là giám đốc nha, chánh sở… quen ngồi máy lạnh, đi xe có tài xế riêng, có người phục vụ nước nôi, quen lối sống nhàn nhã, v.v… bây giờ phải ngồi đây, vừa nóng bức, vừa khó chịu, để nghe một thanh niên đáng tuổi con cháu mình, “chỉ vẽ” cho mình những điều mới lạ không hợp với mình. Làm sao mà không bực mình cho được.
Tôi chưa hề trải qua một lớp “sư phạm” nào, nên phải dùng tâm lý để giải quyết mọi chuyện về học tập. Làm sao phải nhồi nhét cho bằng được các mớ lý thuyết khô khan vào não của các học viên lớn tuổi. Nhét một lần chưa được thì nhét hai lần, hai lần vẫn chưa được thì nhét ba lần…. nhét cho đến khi nào nhét vô được mới thôi.
Thử lấy đề tài “Tranh Thủ Nhân Tâm” làm ví dụ mà sáng hôm sau sẽ được giảng viên trình bày. Ngày hôm trước, sau khi ăn cơm chiều xong, nghỉ ngơi một chút, học viên tập trung lại để “thảo luận nhóm” về đề tài của ngày hôm sau. Một số câu hỏi được đặt ra nhằm gợi ý “nhân tâm là gì? Tại sao phải tranh thủ? Ai nhận trách nhiệm tranh thủ? Tranh thủ bằng cách nào?...” Đây là lần thứ nhất lý thuyết này được gieo vào đầu học viên. Ngày hôm sau, học viên được nghe đề tài này lần thứ hai trong lớp. Buổi học chấm dứt bằng một bài thi trắc nghiệm. Câu hỏi xoay quanh các điểm chính của đề tài. Chọn một trong các câu trả lời gợi ý đến các điểm chính của đề tài. Đây là lần thứ ba đề tài được nhắc đến.
Cuối tuần lễ thứ tư, trại tổ chức ngoài trời một cuộc “đố vui để học” giống như các trường tiểu học đã từng làm trên TV. Cũng có hai đội A và B ngồi hai bên, người điều khiển đứng ở giữa. Các trại viên còn lại ngồi bao quanh. Ngoài các câu hỏi về hiểu biết thường thức, xen kẽ là những câu hỏi có liên quan đến các bài đã được học; đội nào có điểm cao nhất sẽ được thưởng cho đi phép đặc biệt ra chợ Vũng Tàu có xe trại đưa rước. Đây là lần thứ tư của cuộc nhồi nhét.
Trước khi bế giảng, còn có một kỳ thi tốt nghiệp. Các câu hỏi bao gồm tất cả các đề tài đã được trình bày từ đầu khóa đến cuối khóa. Như vậy, đây là lần nhồi nhét thứ năm. Chưa hết đâu, còn lần thứ sáu nữa. Đó là lúc phát bằng tốt nghiệp. Bằng được trao cho người tốt nghiệp kèm theo một tờ giấy cứng gấp đôi (đủ nhỏ để cất trong túi ngực áo) trong đó có in các điểm chính yếu của các bài đã học. Đến đây rõ ràng là tâm lý đã giúp làm được rất nhiều việc.
Phải thực tâm mà thừa nhận rằng tôi chỉ mới hoàn thành có một nửa nhiệm vụ mà thượng cấp giao phó, vì sau khi được huấn luyện xong, tôi chưa hề thấy có một công chức nào biến thành cán bộ hết, nhưng ngược lại, than ôi, và thật mỉa mai thay, tôi đã nhìn thấy tất cả cán bộ đều trở thành công chức, vì Bộ Phát Triển Nông Thôn đã bị giải tán, để trở thành một Tổng Nha của Bộ Nội Vụ./.
Cán bộ Áo đen
Nguyễn Tài Lâm
No comments:
Post a Comment