Wednesday, September 8, 2021

"ÔN CỐ TRI TÂN" (Nguyễn Tài Lâm)

 I. ẤP ĐỜI MỚI

(Chuơng trình lượng giá Ấp Đời Mới)


Khi Mỹ còn đang yểm trợ cho chương trình Bình Định và Phát
Triển Nông Thôn thì thành quả của các Đoàn 59 trong việc xây dựng Ấp Đời Mới (ADM) được phía Mỹ đánh giá bằng máy IBM thông qua chương trình Lượng Giá Ấp (LGA) (Hamlet Evaluation System). Chương trình này xếp hạng  các ADM từ xấu nhất đến tốt nhất:

Hạng A = Tốt nhất 

        B = Tốt vừa

        C = Xấu

        D = Xấu vừa

        E = Xấu nhất

Chương trình này tuy không đá động gì đến sự thành công, hay không thành công (để không nói là thất bại) của các Đoàn 59, nhưng nếu ADM được xếp hạng tốt hay xấu thì phải hiểu là Đoàn 59 đã hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ của mình ở các nơi đó.

Mỗi tháng tôi đều theo dõi các bản báo cáo Lượng Giá Ấp (LGA) của phía Mỹ. Điều làm tôi ngạc nhiên và thắc mắc là tại sao có ADM tháng trước đang tốt mà tháng sau lại tụt hạng.

Tôi không biết tí gì về điện toán, về cách thiết lập chương trình điện toán (programing) nhưng tôi hiểu sơ sài là nếu có ai đó báo cáo là mọi việc diễn ra trong ADM đó bình thường thì máy IBM sẽ cho ra việc lượng giá ấp đó là tốt. Tôi tìm hiểu xem có ai. hay những ai. đã đến hàng ngàn ADM đang được xây dựng, hay đã xây dựng xong, để tận mắt nhìn thấy, hay tận tai nghe thấy, mọi sự việc đang xảy ra tại ấp đó, rồi báo cáo về cho người phụ trách chương trình LGA, để người này cho tin tức đó vào máy IBM hay không. Cuối cùng tôi được biết là các báo cáo viên, vì lý do an ninh, ngại đi xuống các ADM, nên ngồi nhà báo cáo láo. Như vậy, tin tức của đầu vào (input) không đúng thì việc xếp hạng ở đầu ra (output) không thế nào đúng được.

Tôi tự hỏi tại sao mình không làm một hệ thống LGA riêng cho Việt Nam của mình và sử dụng người của mình đang có mặt tại chỗ (Đoàn 59) để làm báo cáo viên (rapporteurs). Có người nói làm như vậy chẳng khác nào “mèo khen mèo dài đuôi”. Tôi trả lời chẳng thà như vậy còn hơn ngồi nhà không thấy, không nghe gì hết, mà báo cáo láo.

Tôi giao cho Sở Công Tác/ Nha Cán Bộ nhiệm vụ gom hết anh em Phòng Công Tác từ các vùng ngồi lại với nhau, thảo luận để tìm ra 100 câu hỏi liên quan đến tình hình của ADM (an ninh, đời sống, việc làm, sinh hoạt hàng ngày, v.v…). Kèm theo mỗi câu hỏi là 5 câu trả lời xếp theo thứ tự từ xấu nhất (1) đến tốt nhất (5). Các câu hỏi và câu trả lời phải cho thật dễ hiểu để CB của Đoàn chỉ cần đánh dấu vào câu trả lời nào đúng nhất.

Cũng đúng vào lúc này văn phòng cố vấn Mỹ của Bộ Phát Triển Nông Thôn cho tôi biết là Mỹ sẽ chấm dứt sự yểm trợ cho ngành XDNT ở Tỉnh An Giang kể từ tháng sau (tôi không nhớ rõ ngày tháng), lấy lý do là an ninh của Tỉnh này đã được vãn hồi 100%. Tôi phản đối quyết liệt, nhưng kẻ cầm tiền bao giờ cũng mạnh hơn, cũng có lý hơn, nên tôi đành phải giải tán Tỉnh Đoàn XDNT An Giang và phối trí CB/XDNT qua các Tỉnh lân cận theo ý muốn của họ.

Sau khi Sở Công Tác hoàn tất hồ sơ LGA Việt Nam, tôi dùng tài liệu này để chứng tỏ cho phía Mỹ thấy rằng không phải chỉ có máy móc mới làm được việc, nhưng mục đích chính của tài liệu LGA này là để lưu ý chính quyền VNCH rằng CB/XDNT còn rất cần thiết, phải giữ lại, phải yểm trợ, đừng để mất đi, uổng lắm.

Trên đây là câu chuyện “Lượng Giá Ấp” bằng tay thay vì bằng máy móc như Mỹ đã từng làm trước đây. Sau này, nếu không còn CS nửa, nếu quay trở lại, thì với máy điện toán tinh vi, việc lượng giá sẽ rất dễ dàng và nhanh chóng hơn ngày xưa nhiều./.




II. HẠ TẦNG CƠ SỞ


Ở  bất cứ nước nào trên thế giới (tôi muốn nhấn mạnh đến nước ta), mỗi khi nói đến Hạ Tầng Cơ Sở (infrastructure), thông thường người ta hay nghĩ đến cầu đường, hệ thống lưu thông, hệ thống thoát nước, v.v…đa phần là ở thủ đô, và ở các đô thị, thị xã lớn còn các vùng xa xôi hẻo lánh (đất rộng người thưa, như ở VN),  kém văn minh, nghèo nàn, sống dựa trên nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt nhỏ, thường không được chú ý đến. Việc thiết lập hạ tầng cơ sở mới hay bảo trì các cơ sở cũ thông thường là trách nhiệm của một bộ phận của chính phủ được gọi là Bộ Kế Hoạch.

Đứng dưới khía cạnh nông thôn để nhìn việc xây dựng hạ tầng cơ sở tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò vai trò của CB/XDNT ở ba thời kỳ khác nhau:

  • Thời kỳ tiền CS

  • Thời kỳ tiến lên XHCN (CS cầm quyền)

  • Thời kỳ hậu CS

  1. Sau đây là tổ chức  của CB/XDNT ở thời kỳ tiền CS tức là lúc VNCH vẫn còn tồn tại. Diễn tiến của việc thay đổi tổ chức nhân sự.

  1. Đoàn 59  

  2. Đoàn 30  

  3. Đoàn 10  

  4. Xã Đoàn

  5. Thuyết trình viên cho Ban Điều Hợp Xã   

  1. Trong thời kỳ tiến lên XHCN, CB/XDNT biến mất, nếu không bị địa phương giết chết, thì bị đi tù, nếu không đi vượt biên, di tản ra ngoại quốc... thì cũng đang sống lây lất, bệnh hoạn, tàn tật, tại quê nhà. rất tội nghiệp.

  2. Vì chưa đến thời kỳ hậu CS nên chúng ta không có đủ dữ kiện để đề cập đến việc thiết lập kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở cho nông thôn và vai trò của CB (xin tạm gọi là “Cán Bộ Nông Thôn” hay “Cán Bộ Kế Hoạch”). Tuy nhiên, chúng ta có thể đưa ra một số câu hỏi với tính cách gợi ý: 

  1. Về cơ sở vật chất:

  • Có cần tượng đài không? Có nên hủy bỏ các tượng đài do CS thiết lập trước đây nhằm mục đích tuyên truyền không?

  • Có cần công viên không? Có nên đóng cửa các công viên hiện hữu để lấy đất sản xuất không?

  • Có cần khu giải trí không? Các khu giải trí có giúp ích gì cho việc phát triển khu vực nông thôn không?

  • Có cần xây thêm trường học, bệnh xá không? Có nên dùng người địa phương để phục vụ cho khu vực nông thôn không? 

  • Có cần hệ thống dẫn thủy nhập điền không? Có cần chuyên viên người địa phương để phục vụ nông thôn không?

  • Có cần xây đập ngăn nước mặn không?

  • Có cần điện khí hóa nông thôn không?

  1. Về nhân lực 

  • Có cần xin nhân viên chuyên môn đến làm việc thường trực tại địa phương không?

  • Có cần tuyển nhân sự tại địa phương, gởi đi huấn luyện rồi trở về phục vụ tại địa phương không?

  1. Về tài chánh

  • Có cần ấn định mức thuế để tạo sự công bằng và để cân bằng ngân sách tự túc của địa phương không?

  • Có cần tài trợ cho nông dân nghèo không? 

Kết Luận 

Với mớ kinh nghiệm thu thập được trước năm 1975 trong khi “tam cùng” với dân, các CB “già” hồi hương:

  • Có hiểu gì về nhu cầu mới của dân không?

  •  Có giúp được gì cho nông thôn không?

  • Có truyền được kinh nghiệm tâm lý cho lớp CB trẻ ỏ địa phương không?

Cuối cùng có thể nói, Đây không còn là “Ấp Đời Mới” nữa mà là “Nông Thôn Mới”. Có cần huấn luyện Cán Bộ/XDNT trước đây thành Cán Bộ Nông Thôn hay Cán Bộ Kế Hoạch Xã, là những người am tường cách thiết lập kế hoạch phát triển cho khu vực nông thôn, không? Ai sẽ trách nhiệm trong việc huấn luyện này?

Các CB già hồi hương có nên ra ứng cử Hội Đồng Xã hay Xã Trưởng để tận dụng kinh nghiệm của minh trong việc phát triển hạ tầng cơ sở cho khu vực nông thôn không?

Tôi không đủ khả năng để làm chuyện to lớn này mà chỉ dám nêu lên một vài ý kiến nhỏ nhoi, những mong quý vị nào còn nghĩ đến nơi chôn  nhau, cắt rốn của mình mà đứng ra nhận lãnh trách nhiệm nặng nề này.

Mong lắm thay./.         


Cán Bộ Áo Đen

Nguyễn Tài Lâm   







No comments:

Post a Comment