Gọi bố
vợ bằng “thằng” là điều không ai chấp nhận được. “Tứ thân phụ mẫu”, cha mẹ vợ
hay cha mẹ chồng đều phải được kính trọng, thương yêu như nhau.
Hình minh họa from internet. |
Thế mà
tôi gọi bố vợ bằng “thằng”.
Nếu
người ta chửi cho, mắng là đồ mất dạy, hổn láo, vô văn hóa cũng là chuyện
thường.
Bố vợ
tôi không phải là người mất tư cách hay vô lương tâm, hay làm điều chi vô luân
bại lý mà để tôi khinh thị gọi bằng “thằng”. “Ông” là người rất hiền lành!
Thế mà
một buổi sáng, bọn tôi ba “đứa”, những “đứa” còn sót lại trong cuộc chiến tranh
tàn khốc vừa qua, nay “lưu lạc” ở xứ “Mỹ cờ hoa” nầy, ngồi uống cà-phê trong
một cái quán ăn sáng ở Orange County, quán tuy không đẹp nhưng thanh lịch, cây
cỏ chung quanh tươi mát đẹp đẽ, vậy mà Quang mắng tôi một câu nghe thật buồn
cười:
-“Mày
dẹp cái trò “bố bố con con” của mày lại đi. Mày, tao với nó là bạn, bạn từ hồi
còn mặc quần xà-lỏn, gọi nhau “mày mày tao tao” quen đã mấy chục năm. Bây giờ
nghe mày xưng “bố con” với nó, tao không thấy buồn cười mà thấy bực mình, mất
vui.”
Quang
gọi là “nó”. Nó là bố vợ tôi đấy, là một đứa bạn trong bọn tôi đấy.
Sao gọi
là “bọn tôi”?
*
Trước
Hiệp Định Genève 1954 thành phố Saigon chỉ “rộng” tới cầu Trương Minh Giảng. Bên kia cầu, còn là
vùng đất hoang, lầy lội, lau sậy mọc um tùm. Vùng đất ấy, xưa, chỉ có một xóm
nhà nhỏ, của dân mò cua bắt ốc và trộm cắp. Người ta gọi đó là “Xóm Vẹc”.
Hồi ấy,
dân chúng tập trung sống ở trung tâm Saigon, còn như ai ở “Xóm Vẹc”, là vùng
ngoại ô, mất an ninh. Dân nhậu Saigon , nhà ở Xóm Vẹc, một là nhậu cho “tới chỉ” thì ngủ lại nhà
bạn. Còn như ai muốn về thì lo về sớm. Về khuya trên đường Xóm Vẹc, không chừng
bị du đãng đánh cho, bị cướp tiền bạc, bị lấy xe đạp.
Lỡ như
ai đó nhậu chưa tới, nửa muốn ở, nửa muốn về, bạn bè sẽ có người bảo: “Thôi để
cho ông ấy về, đường khuya nguy hiểm”.
*
Thế rồi
cả triệu người di cư năm 1954. Ai gốc nông dân, người ta định cư ở vùng nông
thôn, dinh điền, khu trù mật… tiếp nối cái nghề tổ tiên để lại. Ai dân Hà Nội
hay thành phố ở ngoài Bắc, không quen làm ruộng thì tập trung ở Saigon hay các
thành phố khác phía nam vĩ tuyến.
Không
còn đủ đất ở trung tâm Saigon , nên thủ đô miền Nam phình rộng ra.
Ngay xứ
tôi ở, Xóm Vẹc ngày xưa, nay dân di cư tập trung đông đúc. Từ phía đầu cầu
Trương Minh Giảng, lên tới “Lăng Cha Cả” là chỗ người Bắc định cư. Những khu
vực được nhiều người nhắc tên mới là “Xóm Bùi Phát”. Có phải họ gốc Bùi Chu/
Phát Diệm? Nhà Thờ Ba Chuông, Cư Xá Đô Thành.
Nhà Thờ,
Chùa và Chợ theo dân mà mọc lên.
Lăng Cha
Cả ở cuối đường Trương Mình Ký, ngày xưa vắng vẻ, quạnh hiu, nay thành nơi đô hội.
“Cái nhà lăng” kiểu xưa, ngói âm dương, cột kèo cũ kỹ nằm chơ vơ, xa lạ trước
những ngôi nhà lầu cao vài ba tầng, kiểu mới, hiện đại.
Bọn tôi,
cũng gốc “rân ri-cư”, – như chúng tôi thường gọi đùa chính mình -, từ năm lên
năm, lên mười, lớn lên ở cái “Xóm Vẹc” thời xa xưa ấy. Tên đường Alfred Eyriaud
Des Vergnes đổi thành đường Trương Minh Giảng, nối dài tới cuối đường, chỗ gần
tới cổng Bộ tổng Tham Mưu Quân Đội VNCH là đường Trương Minh Ký.
Chúng
tôi bỏ không gọi Xóm Vẹc mà gọi theo những cái tên mới, xuất hiện cùng thời với
dân di cư đến định cư ở đây. Tên “Xóm Vẹc” biến mất hồi nào mà không ai hay!
Tội nghiệp hay không tội nghiệp cho một ông Tây tên Vẹc, một ông “thực dân”?
Bọn tôi
không dưới năm đứa, không quá mười tên, học tiểu học với nhau, đầu tiên ở cái
trường tư trong xóm, do một ông giáo già người Bắc di cư, nay đã về hưu, mở lớp
dạy tư tại nhà. Một phần là vì chính phủ chưa kịp mở trường cho dân di cư, một
phần, học ở đây thay vì phải vào thành phố.
Học ở “Trường
Xóm”, chúng tôi khỏi phải đi xa, xe cộ bất tiện, tai nạn nguy hiểm. Học gần
nhà, bố mẹ dễ “kiểm soát”, lại có ông thầy già nghiêm khắc, bọn chúng tôi bớt
hoang nghịch.
“Trường
Xóm” của chúng tôi nó tương tự như trường của mấy ông đồ ngày xưa ở làng quê:
Học trò đủ hạng tuổi, đủ hạng lớp… Kể theo cách ngày trước, thấp nhất là lớp
Năm. Lớp nầy đông nhất, trên hai chục “đứa”. “Đứa” là học sinh nhỏ đấy. Rồi đến
lớp Tư, học sinh ít hơn. Lớp Nhất là ít nhất, chỉ có mấy “anh”. “Anh” cũng là
học sinh, nhưng lớn tuổi hơn bọn tôi, nên phải gọi bằng “anh” cho “phải phép”.
Lớp nầy thầy dạy kỹ lắm vì năm tới phải thi vô trường công, khỏi học trường tư.
Trường tư phải đóng học phí. Không kịp đóng học phí, học sinh sẽ bị đuổi học,
về nhà xin tiền đóng tiếp để được học tiếp. “Tiên “học phí”, hậu học văn”.
“Trường tư” thường bị mang tiếng kinh doanh hơn giáo dục. Nhưng không đóng học
phí, tiền đâu trả lương cho thầy?!
Được mấy
năm, ông thầy già qua đời. Nghề làm thầy giáo mà: “Tổn lắm”. Bố tôi thường nói
vậy. Mẹ tôi bảo làm thầy giáo “dễ bị ho lao”. Người đời thì bảo là nghề “bán
cháo phổi”. Ông thầy già, sức yếu, lại nhiều năm gian khổ, dù không bị bệnh
lao, ông vẫn qui tiên sớm là chuyện thường.
Ổng chết
rồi, bọn chúng tôi vẫn nhớ ông, và thương ông nữa, bởi ông có một điều đáng
quí: Tận tâm với bọn trẻ chúng tôi, mặc dù chúng tôi vẫn ngán cây roi mây của
ông, một là để thầy nhịp nhiều lần trên mặt bàn, nhắc chúng tôi im, không được
nói chuyện, phải học bài làm bài chăm chỉ, và cũng “phết vào đít” thằng nào đó,
cái tội nghịch trong giờ học hay đánh lộn ngoài giờ.
Ông thầy
già qua đời rồi, trường “Xóm Vẹc” của tôi đóng cửa. Không ai nối nghiệp ông ở
cái xóm mới định cư nầy.
Chúng
tôi xuống học lớp Nhất ở một cái trường tư khác, trên đường Kỳ Đồng, của “ông
cha nhà thờ”. Trường có lớp nầy lớp kia đàng hoàng, nhưng bọn học trò chúng tôi
thì không đàng hoàng. Sau giờ học, có khi bỏ cả giờ học, chúng tôi leo “Xe Buýt
Đỏ”, loại nầy vừa thay cho “Xe Buýt Vàng”, để chui vào Sở Thú chơi.
Ôi tuyệt
vời! Những buổi lang thang trong Sở Thú. “Làm học trò nhưng không sách cầm
tay! Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ” Ông nhà thơ Đinh Hùng nói chỉ đúng có
một nửa, vì chúng tôi “Có tâm sự” gì đâu!?
Tới giờ,
lo tìm về cho đúng giờ để “ông bô bà via” của chúng tôi vẫn nghĩ chúng tôi là
những đứa học trò ngoan.
Lên
Trung Học, mỗi đứa chúng tôi xa nhau hơn. Đứa vào trường công, đứa vào trường
tư. Gần thì Huỳnh Thị Ngà ở Xóm Chùa, vào Huỳnh Khương Ninh ở Đa-Kao, đứa xa hơn,
Hưng Đạo, gần đường Trần Hưng Đạo.
Bấy giờ
thì tình hình Saigon “vui lắm”. Biểu tình, đá đảo, hoan hô, tuyệt thực, tự
thiêu, đảo chánh, “biểu dương lực lượng”… xảy ra đều đều, tháng nào cũng có hay
mỗi năm, năm bảy bận. Cũng có khi chúng tôi đi biểu tình “cho vui”, cho đời
thêm “màu sắc”
Đậu tú
tài, được vô đại học; nhưng chiến tranh đã gần kề. Súng không còn nổ ở Bình
Giả, Đắk-Tô, Ban-Hét… “xa tít mù khơi” nữa mà gần kề hơn, có khi ngay tại Saigon . Việt
Cộng gài lựu đạn, mìn, khủng bố. Thế rồi chúng tôi lần lượt vô quân trường lúc
nào mà ngay chính mình cũng không nhớ tới nữa.
Tới tuổi
rồi, không đi sao được. Với lại, mấy ông thầy đứng trên bục giảng làm chúng tôi
“hứng chí” không ít: “Áo chàng đỏ tựa ráng pha, ngựa chàng sắc trắng như là
tuyết in”.
Vài bữa
đi học về, nghe bố mẹ hay ai đó trong gia đình nói: “Thằng X. đi Võ Bị rồi!”
Rồi lại: “Thằng Y. vô Không Quân”, rồi lại “Thằng Z. đi Nhảy Dù”, “Thằng T. đi
Biệt Động Quân”. Biệt Động Quân là cọp “Ba Đầu Rằn” đấy.
Một hôm,
gặp “Thằng bố vợ tôi”, sau nầy. Nó bảo: “Tao đi Quân Cụ”. Tôi ừ, nghĩ “Lớ ngớ
như mày, ra đơn vị tác chiến, “bỏ mạng sa tràng sớm.” Nói thì nói vậy, chứ đời
chưa hẳn vậy. “Đơn vị không tác chiến, có khi bỏ mạng sớm, còn như ai đánh giặc
ngày nầy qua tháng khác, lại sống nhăn.
Thế rồi
có đứa hy sinh, có đứa bị thương, thành thương binh, có đứa bị Việt Cộng bắt.
Trong bọn
tôi, tôi là người bị bắt sớm nhất, tù Việt Cộng sớm nhất. Năm 1971, tôi bị
chúng nó bắt ở Hạ Lào. Những đứa còn lại, đều thua tuổi tù tôi những 4 năm. Sau
Ba mươi tháng Tư, chúng nói mới lục tục kéo nhau “trình diện”, “đóng tiền đi ở
tù”. Xem ra, tôi là “tù trưởng” của bọn chúng.
Từ Hạ
Lào, Việt Cộng đưa “bọn tù binh chúng tôi” ra Bắc. Năm ký Hiệp Định Paris,
tưởng chúng tha về, như các tù binh khác, nhưng không thấy động tĩnh gì cả. Sau
nầy mới biết, khi Chính Phủ VNCH yêu cầu thả chúng tôi ra, bọn Việt Cộng nói
chúng tôi bị bắt ở Lào là do Pathet Lào giam giữ, chúng nó không có trách
nhiệm.
Miệng
lưỡi Cộng Sản, ghê gớm thật!
Mãi tới
16 năm sau, tôi mới “được tha ra khỏi trại cải tạo”. Đó là câu ghi trong cái
gọi là “Lệnh Tha”.
Sau 16
năm tù, về lại xóm cũ thấy quạnh hiu. Quạnh hiu là ở lòng người! Nhà cửa thì
vẫn thế, không thay đổi gì nhiều. Người tuy đông mà vắng vẻ. Thế hệ cha ông
chúng tôi, hầu như “qui tiên” hết cả rồi. Thế hệ tôi thì cũng tan tác. Mười
phương tám hướng chúng nó đi hết: Vượt biên, kinh tế mới, về quê làm ruộng, đi
làm ăn xa. Bọn trẻ lớn lên, nhiều đứa nhìn tôi xa lạ. Tôi xa nhà đã hơn hai
mươi năm. Những đứa ngày tôi ra đi, nay hơn hai chục tuổi, làm sao chúng biết
tôi là ai?
*
Khi tôi
đạp chiếc xích-lô ngang cổng nhà
người bạn cũ thì một cô gái khoảng hai mươi tuổi, tất tả từ trong nhà chạy ra,
tay xách, tay mang, gọi ơi ới:
-“Chú
Đức, chú Đức, chở cháu đi với.
Tôi dừng
xe lại chờ.
Ra tới
nơi, cô gái hỏi:
-“Chú
đưa cháu qua chợ Hòa Hưng được không? Cháu đi gấp, sợ trễ.”
Tôi hỏi:
-“Cô
muốn đi đường nào? Qua ngã Tân Sa Châu hay lên Thoại Ngọc Hầu. Đi ngã Tân Sa
Châu ngắn hơn.”
-“Đường
Tân Sa Châu xấu lắm. Lên Thoại Ngọc Hầu dễ đạp hơn.”
Cô gái
ngồi lên xe xong, tôi nghiêng mình lấy đà đạp xe đi.
Một
chốc, cô gái hỏi:
-“Chú ăn
gì chưa?”
-“Dân
Saigon không ăn sáng, chỉ uống càphê thôi. Trưa mới ăn.”
-“Buổi
trưa chú ăn ở đâu?”
-“Không
chắc ở đâu, ngang đâu tấp đấy, miễn no với rẻ thì thôi.”
-“Khổ
nhỉ? Chốc nữa chú uống càphê với cháu. Có chỗ nầy càphê ngon lắm.” Cô gái nói.
-“Cô sợ
trễ mà?” Tôi hỏi.
-“Một
chút không sao!” Cô ta trả lời.
Một lúc
cô ta hỏi:
-“Chú
đạp xe từ hồi nào?”
-“Cải
tạo về tới giờ!” Tôi trả lời.
-“Sao
gọi là cải tạo? Tù chớ.” Cô gái cải chính.
-“Với ai
quen mới gọi tù. Lỡ gặp cán bộ, gọi tù nó phê bình đấy!” Tôi nói.
-“Ối
giời! Bây giờ ai còn ngại gì nữa. Cán bô, Công An cũng như mình thôi, kiếm ăn
cả. Cứ theo “Chính sách đường lối” thì lấy gì sống!” Cô gái trả lời.
Lại một
lúc, cô ta nói:
-“Bố
cháu cũng tù về đấy! Chú biết không?”
-“Biết
sao không? Ông ấy là bạn với tôi từ hồi còn nhỏ đấy! Bố cháu cũng đỡ vất vả. Mẹ
cháu và chị em cháu đảm đang. Ông ấy chỉ giúp vợ việc lặt vặt.”
Tôi nhới
tới Hiền. Có lẽ là bố cô gái. Nó hiền đúng như tên nó. Dù có lính lác như tôi,
nhưng nó ít gian khổ hơn nhiều. Nghĩ thế, tôi nói:
-“Ai có
gia đình cũng đỡ. Tôi tù về thì không còn ai!”
-“Cháu
biết, hàng xóm mà! Người trong nhà chú lần hồi đi cả. Mấy anh lớn chị lớn vượt
biên. Ông cụ qua đời, ít lâu bà cụ cũng đi theo. May họ chưa lấy nhà, nhờ bà cô
già.”
Quả thật
khi tôi tù về thì nhà không còn ai, chỉ còn bà cô già, chị của bố tôi. Bà ở góa
từ khi còn trẻ, không chồng con gì cả. Trước 1975, bà vô chùa. Sau đó, thấy bố
mẹ tôi cô quạnh, cô bỏ chùa về săn sóc, cơm nước cho bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi mất
rồi, Việt Cộng tính lấy nhà vì bà là chị bố tôi, chúng nại cớ bà không có quyền
thừa kế, thì tôi về. Cũng may, còn được căn nhà che mưa nắng, không thì ngủ gầm
cầu.
Trong
khi uống càphê, cô gái hỏi:
-“Hồi
còn trẻ sao chú không lấy vợ như ba cháu?”
-“Lấy vợ
sao được? Ba cháu ở “đơn vị không tác chiến”, có “chữ thọ”, lấy vợ không lo gì,
chớ như bọn tôi, hành quân “mút mùa Lệ Thủy”, có ở nhà đâu. Với lại: “Lỡ
khi mình không về thì thương người vợ…”
-“Chú
cũng thơ thẩn dữ!” Cô gái cười nói.
-“Thơ
người ta! Với lại, hồi đó chương trình Việt Văn thơ văn nhiều lắm. Bọn tôi phải
học Chinh Phụ Ngâm.”
-“Cháu
học sau “giải phóng”, chẳng biết gì hết! Cháu có nghe nói Chinh Phụ Ngâm, nhưng
có biết gì đâu!”
-“Đó là
bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm. Hay lắm. Tôi nghe ông thầy giảng mấy lần câu “Cổ
lai chinh chiến địa, kỷ kiến hữu nhân hồi”, nên khi đi lính rồi, ngại tính
việc lấy vợ.” Tôi giải thích.
-“Câu
chú đọc nghĩa như thế nào?” Cô gái hỏi.
-“Những
người đi chinh chiến, ít thấy trở về!” Tôi nói lại theo lời thầy giảng ngày
trước.
-“Đang
đánh nhau với giặc ngoài kia, mà lại dạy cho học trò như thế, cháu thấy có mâu
thuẫn đấy!” Cô ta nhận xét.
-“Dĩ
nhiên! Nhưng mà đất nước tự do, không cấm được. Đi lính là bổn phận, không lý
không cần tới văn chương!” Tôi nói.
Cuối
cùng, trước khi đi tiếp tới chợ, cô ta nói:
-“Nói
chuyện với chú vui đấy! Hay cứ mỗi sáng, chú đưa cháu sang chợ. Cháu khỏi lo
trễ chợ, chú cháu mình lại uống càphê. Tiền xe cháu tính đủ cho chú.”
-“Được
thôi! Tôi chạy một ngày sao cho đủ mua gạo với rau muống là đủ, về nghỉ. Thành
ra cũng thoải mái.”
Vậy rồi,
mỗi ngày, tôi đưa cô ra ra chợ. Quen dần, chiều lại thêm một “cuốc”, đón cô ta
về.
Công
việc cứ thế diễn ra gần nửa năm. Trong khoảng thời gian đó, vì cùng xóm, có lần
cô ta vào nhà thăm tôi, xem tôi ăn ở như thế nào, và bày tỏ vài ý kiến về cảnh
sống của tôi: Đàn ông không vợ, sống với bà cô già. Bà cô đã già, nấu cơm bằng
củi, khi chín, khi khê; áo quần tôi lâu ngày không giặt, treo trên vách, thúi
hoắc mồ hôi…
Vì vậy,
một lần cô ta hỏi tôi:
-“Chú
Đức! Sao chú không lấy vợ đi?”
Tôi
thành thật nói:
-“Ai
chịu làm vợ tôi bây giờ? Cô thử nghĩ đi!”
Một lúc
tôi lại nói:
-“Nửa
đời nửa đoạn, trẻ không còn trẻ, già cũng chưa già hẳn.” Rồi tôi đọc nhại câu
ca dao “Lấy ai, ai lấy, bây giờ lấy ai!” Trẻ thì họ không thể lấy tôi,
ít ra tôi cũng lớn hơn vài chục tuổi. “Nửa đời hương phấn” thì “có đũa có đôi.”
Còn lại thì có ai đó góa chồng mà tay dắt tay bồng:“Em tay bế tay bồng”,
đâu phải “người yêu năm cũ” để mà “thương thiếu phụ bên sông!”
-“Hồi ấy
chú không có người yêu?” Cô ta hỏi.
-“Vâng!
Tôi nói rồi! Sợ người ta “Góa phụ ngây thơ!”
-“Hồi ấy
tại sao chú đi lính?” Cô ta lại hỏi.
-“Ai
cũng đi thì mình đi. Tôi có anh bạn cùng ở Dù. Anh nó quá ba mươi, đang dạy
học, bỗng tình nguyện đi lính?” Tôi nói.
-“Không
được miễn lính à?”
-“Có
đâu! Mậu Thân ở Huế, ông người Huế – thấy học trò mang khăn tang nhiều quá nên
ông bỏ dạy đăng lính. Có vợ con rồi đấy.”
-“Bây
giờ mà chú không lấy vợ, cháu cũng không lấy chồng!”
-“Sao kỳ
thế?” Tôi ngạc nhiên hỏi.
Cô ta
chưa kịp trả lời thì xe đã tới chợ. Cô ta xuống xe, quày quả vào chợ!”
*
Thế rồi
ngày ngày qua đi…
Một hôm,
tôi gợi chuyện:
-“Mấy
bữa nay, tôi cứ suy nghĩ hoài! Tại sao cô nói cô không lấy chồng.”
-“Chú
nghĩ coi! Đời bây giờ có anh thanh niên nào vừa mắt mình để lấy làm chồng! Con
gái phải có “thần tượng” chứ! Cháu lớn lên, thế hệ chú và ba cháu qua rồi, vô
tù hết cả rồi. Nhưng hình ảnh những người lính thời đó, vẫn còn lại trong lòng
cháu. Cháu thấy thích và ngưỡng mộ khi nghĩ đến họ. Còn như đời bây giờ…” Cô ta
bỏ lửng câu nói.
-“Bây
giờ thì sao?” Tôi giả bộ hỏi.
-“Bây
giờ, thời bình, cái hào hùng của người lính không còn nữa. Giữa cái hỗn độn xã
hội bây giờ, cháu biết tìm ai?” Cô ta tâm sự.
-“Cũng
có người cho cô vậy!” Tôi an ủi.
-“Khó
lắm chú à! Thanh niên bây giờ, muốn kiếm sống, phải lo chạy mánh.”
-“Cô cho
chạy “mánh” là không đứng đắn sao?” Tôi hỏi.
-“Mánh
là mánh mung. Mánh mung thì làm người đứng đắn thế nào được?” Cháu lấy một anh
chạy mánh làm chồng sao?” Cô gái than thở.
-“Gắng
tìm một người không chạy mánh mà chọn làm chồng.” Tôi nói.
-“Khó
lắm chú à! Ai cũng phải chạy mánh hết, ai cũng phải mánh mung để kiếm sống!
Muốn sống, buôn bán như cháu cũng mánh. Lấy một công nhân, viên chức, muốn sống
cũng chạy mánh. Mánh với mọi người, riết rồi vợ mánh với chồng, chồng mánh với
vợ. Vợ chồng coi như xong.”
-“Đó là
cách “quản lý xã hội” của họ đấy. Ai cũng phải có một cái gì đấy, để chính
quyền coi như cái án treo, khi cần thì cho vào tù cho dễ.”
-“Kinh
thật chú nhỉ? Thành ra cháu không thể lấy chồng, đành chịu vậy!”
Lại đến
chợ! Cô ta quày quả vào chợ.
Thế rồi
ngày ngày qua đi…
Một hôm
cô ta hỏi tôi một câu, tôi cho là “động trời!”
-“Cháu
muốn chú cưới cháu làm vợ!”
Tôi lặng
người đi, vừa kinh ngạc, vừa lạ lùng. Tôi hỏi:
-“Tại
sao cháu nói thế?”
-“Không
phải cháu muốn đi HO với chú. Gia đình cháu cũng chuẩn bị đi HO như chú. Không
lấy chú, không đi HO với chú, cháu đi với ba mẹ cháu. Cháu muốn chú cưới cháu
vì suy đi tính lại, cháu chẳng thấy ai hợn.”
-“Tại
sao cháu nghĩ thế? Tuổi tác xa nhau quá mà!”
-“Hai
chục tuổi mà xa gì. Đàn bà mau già lắm. Mẹ cháu nói vậy. Cháu sinh vài đứa con,
coi như cháu… già bằng chú. Vả lại tình yêu chú à! Cháu nghĩ cháu cũng có thể
yêu chú vậy. Cháu có đọc sách Chu Tử. Tình yêu không cần tuổi tác.”
-“Chú
nghĩ cháu không yêu chú! Cháu chỉ thương hại!”
-“Ba
cháu nói người Việt giàu tình thương. Cha mẹ, vợ chồng, anh em, bà con, tất cả
đều bắt đầu bằng tình thương. Ngày xưa, không yêu nhau mà lấy nhau, người ta
thương nhau, rồi yêu nhau. Sau nầy người ta đổi chữ đấy chú à!” Cô gái nói.
-“Đổi
chữ là sao?” Chú chưa hiểu.
-“Ba
cháu nói hồi xưa ít dùng chữ “yêu” mà thường nói chữ thương. “Thương nhau
cởi áo cho nhau…” Chớ đâu phải “Yêu nhau…” Yêu nhau là nói theo cách bây
giờ. Xưa là “Thương nhau…” Ba cháu nói bản “Nắng chiều”, chú nhớ không? In đầu
tiên, ông nhạc sĩ viết “Lạnh lùng nhìn anh, em nói “mến” anh.” Mà
không viết “yêu anh”. Sau nầy người ta hát “yêu anh” là sai đấy! Phải không?”
Thành ra, cháu có “thương hại” chú, rồi có… “yêu chú” cũng không có gì lạ cả.
Con người ta, căn bản là tình thương, không phải tình yêu. Ba
cháu giải thích “thương” là cho mà không đòi lại. Yêu là cho mà đòi lại. “Yêu
rất nhiều song chẳng nhận bao nhiêu.”
-“Cô sâu
sắc đấy!” Tôi nói.
-“Không
phải đâu! Ba cháu giải thích cả đấy!”
-“Cóc mở
miệng,” (Thằng) đó mà nói là như “Cóc mở miệng”. Nói xong, tôi thấy ngại. Tôi
lỡ lời, gọi bố cô ta bằng “thằng”.
Một
chốc, tôi nói:
-“Nhưng
chú thấy ngại quá! Làm sao chú có thể mở miệng xin cưới cháu với bố mẹ cháu
được?”
-“Chú
đừng lo! Cháu sẽ nói. Cháu mở đường xong thì chú tiếp tục… rán mà đạp xe xích lô.” Cô ta nói nửa đùa nửa thật.
*
Thế rồi
“thằng” ấy trở thành bố vợ tôi.
Tôi rất
thương vợ, và kính trọng bố vợ như cô ta kính trọng cha mẹ cô ta vậy. Ở địa vị
người rể, tôi gọi thằng bạn thân ấy là “bố” và xưng “con” như vợ tôi vậy!
Rắc rối
là từ khi qua Mỹ rồi, cùng ở Orange County, lại cũng đã già, “đất khách quê
người”, tình bạn cũ càng thêm khăng khít nên ít nhất, mỗi tuần, sáng Chủ Nhật,
cả bọn năm bảy đứa, họp nhau uống cà-phê ở một quán quen, để kể chuyện cũ, vui
đùa, chọc quê nhau, một phần vì bạn với nhau từ khi thơ ấu, một phần, cũng
“quen đời lính” “lúc nào cũng vui đùa” để quên bớt… súng đạn. Đúng là thói cũ
khó chừa.
Cũng rắc
rối là cái thằng Quang. Ngồi chung một bàn, quen như ở nhà, – vợ chồng tôi ở
chung với bố mẹ vợ – nên cứ quen miệng “bố bố, con con” khiến thằng Quang chửi
tôi không ít bận, cho là gai tai nó. Tôi bỏ “họp mặt” mấy lần, khiến bọn nó
nhắc hoài.
Hôm qua,
Lộc gọi cho tôi:
-“Ê!
Đức, mai chủ nhật, mày vắng mặt là tụi nó chửi cho đấy!”
-“Nhưng
tao…” rồi tôi ngập ngừng.
Lộc nói:
-“Mày sợ
thằng Quang chớ gì. Thằng chó “đập chó không ngó đằng sau”. Tù về, nó mới
lấy vợ. Vợ nó trước kia góa chồng, tử trận, để lại hai con, lớn hơn nói ba
tuổi. “Trai tân lấy gái nạ dòng”, có ai nói gì đâu!”
Thế là
tôi thủ sẵn “vũ khí”.
Ngày hôm
sau, đang ngồi cười đùa vui vẻ, thấy tôi “bố bố, con con” với bố vợ, Quang nói:
-“Mày
dẹp cái “trò bố con” của mày lại đi. Tao gai quá!”
Tôi phản
pháo ngay:
-“Nói
thật với mày. Tao thương vợ nên gọi “nó” bằng bố. Mày có thương vợ mày không?
Nếu mày thương vợ thì mày gọi vợ mày bằng “Chị” hay bằng “Em? Mày nói “Em yêu
chị” hay “Anh yêu em”. Trả lời đi!”
Cả bọn
cười ồ.
Vậy là
coi như xong một màn “Hài kịch thời đại”!
hoànglonghải
c/c:
Gởi Trần Phú Trắc, Phạm Quang Chiểu và “Tù trưởng của tôi”: Đinh Đức Chính.
No comments:
Post a Comment