Monday, August 17, 2015

EM CHẾT THEO NGÀY VU QUI (BẢO TỐ)

Nhạc sĩ Bảo Tố thuộc dòng hoàng tộc Nguyễn Phước của Triều Nguyễn, sinh năm 1944 tại quận Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
 
Nhạc sĩ Bảo Tố ở trại tị nạn Philippines
Hồi còn nhỏ Bảo Tố học đàn Măng đô lin với một nhạc sĩ ở chung xóm. Tốt nghiệp trung học trường Cường Để thành phố Qui Nhơn năm 1965 và vào Sài Gòn học đại học Văn Khoa và đại học Vạn Hạnh.
Tự học ghi ta năm 15 tuổi và trở thành nhạc sĩ chơi nhạc cụ này cùng Măng Đô Lin trong ban nhạc Tài Năng Mới của nhạc sĩ Lê Thương, ban nhạc Văn Phụng, ban nhạc Nguyễn Hiền ở đài phát thanh Sài Gòn và đài truyền hình Sài Gòn, ban nhạc Châu Kỳ, ban nhạc Trung Tâm Học Liệu của nhạc sĩ Hùng Lân dành cho các em thiếu nhi, chung với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.
Anh còn nhớ thời đó cứ một tiếng đồng hồ chơi đàn thì tiền thù lao được 240 đồng.
Sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Bảo Tố viết chung với Xuân Điềm vào năm 1966 là Mùa Xuân Tuổi Mộng do ca sĩ Phương Dung thu băng trong hãng đĩa Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
Sáng tác thứ nhì là Sau Lần Yêu “ Khi mình còn yêu những kỷ niệm ngày đầu, như hồng đào chớm nở, nhớ hoài những ngày chung sống bên nhau” do Phương Hồng Quế thu đĩa của hãng Continental.
 Bản thứ ba là Trọn Đời Bên Nhau viết chung với nhạc sĩ Tuấn Hải năm 1967“ Chiều dừng quân anh ngắm mây lưng đồi, mơ về em giữa muôn hoa đua cười, thương nhớ vơi đầy gởi tình theo gió theo mây” do ca sĩ Hoàng Oanh thu cho hãng đĩa Continental.
Bản Mảnh Hồn Hoang năm 1968 “ Tình ta thôi đã lỡ, tiễn người đi, về thôi hết đêm rồi, chìm trong giấc mơ” do ca sĩ Thanh Lan thu băng trong hãng đĩa Asia của nhạc sĩ Anh Bằng.
Bản Em Chết Theo Ngày Vu Qui “ Em vâng theo lời mẹ, bên thềm chờ vu qui, thôi anh ơi đừng buồn, xin về và quên đi” do ca sĩ Lệ Thu thu trong băng nhựa trung tâm Thanh Thúy năm 1970.
Một số bản như Tình Ta Như Lúa Đơm Hoa” do Carol Kim thu trong băng nhạc trung tâm Shotguns, bản Tình Reo Trên Sóng Lúa Vàng do Connie Kim hát trong băng nhạc Shotguns; bản Trên Cây Hạnh Phúc do Thanh Lan ca , Gọi Em do Elvis Phương thu băng,  Bước Công Viên do Thanh Thúy thu băng…
 Tính cho đến năm 1975 nhạc sĩ Bảo Tố đã viết khoảng hai chục ca khúc và hầu hết được các ca sĩ thu vào băng nhạc. Anh có thêm bút hiệu là Anh Tố, Nguyễn Phước Tố.
Qua hải ngoại có 2 bản Em Chết Theo Ngày Vu Qui và Trọn Đời Thương Nhau được thu băng lại với giọng ca Ý Lan, Tuấn Vũ- Giao Linh…
Năm 1968, Bảo Tố vào quân đội với cấp bậc sĩ quan và được chuyển về trông coi Đoàn Văn Nghệ Trung Ương của Bộ Xây Dựng Nông Thôn trong đó có nhiều ca nhạc sĩ như Xuân Phát, Văn Hường, Văn Vỹ, Đinh Việt Lang, Anh Sơn, Diễm Chi, Tú Trinh…
Anh có cộng tác chung với một số nhạc sĩ như Viết Chung để sáng tác những bài hát cho Bộ Xây Dựng Nông Thôn như Nhân Dân Tự Vệ, Nông Thôn Mới…
Một kỷ niệm đáng nhớ là một lần dẫn đoàn văn nghệ đi lên tỉnh Quảng Đức để trình diễn thì bị pháo kích làm các anh chị em nghệ sĩ chui xuống hầm ẩn nấp; có lần đi quậnTân Châu phải mắc võng để ngủ ngoài trời, những lần lang thang đi lưu diễn khắp nơi mà bây giờ ôn lại quá khứ rất đẹp.
Anh cũng cộng tác để dạy nhạc cho các lớp của nhạc sĩ Hồng Vân, Bảo Thu tại Sài Gòn.
Một kỷ niệm vui khác là có lần nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng nhận một sô đám cưới và mời Bảo Tố, Xuân Điềm chơi nhạc. Trầm Tử Thiêng gởi trống, đàn, dàn âm thanh cho Xuân Điềm trông coi, anh này ngủ quên bị trộm lấy mất làm cho tác giả bản Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Sau tháng 4 năm 1975, Bảo Tố bị tù Cộng Sản 5 năm qua các trại Trảng Lớn, Long Khánh…
 Một kỷ niệm đặc biệt là vào năm 1978 nhân dịp Tết ở trong trại tù, Bảo Tố nổi hứng đàn ghi ta cho ca sĩ Duy Trác hát một bài của Cục Chỉnh Huấn là Thề Không Phản Bội Quê Hương  “Ngàn cánh tay giơ lên, hàng ngàn cánh tay giơ lên , quyết đấu tranh cho một nền hòa bình công chính…”  Và kế tiếp là bản Sài Gòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về do Duy Trác sáng tác trong trại tù. “ Còn gì nữa đâu thành phố mộng mơ, thành phố đớn đau vẫn còn nhắn nhủ, Sài Gòn chỉ vui khi các anh về”. Các tù nhân lúc đó kéo đến cùng vỗ tay hưởng ứng hát theo rất vui. Cán bộ trại tù tới giải tán và mấy ngày sau Bảo Tố và Duy Trác bị nhốt riêng vì tội dám hát “nhạc phản động”.
Ra tù Cộng Sản năm 1980, Bảo Tố tìm đường vượt biển nhiều lần thất bại và đến lần thứ 7 mới thành công và được tàu Cap Anamur vớt năm 1988 đưa đến trại tị nạn Phi Luật Tân và sang Hoa Kỳ năm 1990, định cư tại thành phố San Jose cho đến nay.
Bắt đầu làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh Đông Thành San Jose rồi lập chương trình phát thanh riêng lấy tên là Quê Hương Việt Nam rồi Chuông Vàng, Đài Cali rồi đến Cửu Long. Tên tuổi nhạc sĩ Bảo Tố rất quen thuộc với đồng hương Việt Nam tại thành phố San Jose qua giọng nói đậm chất xứ Nẫu trên làn sóng phát thanh.
Sau năm 1975 Bảo Tố có viết và trình diễn bản nhạc đấu tranh tại hải ngoại được khán giả chú ý là Tôi Đã Thấy Quỉ “ Trong hồ có con quỉ già là Hồ Chí Minh, ngoài đồng quỉ hô răng là Phạm Văn Đồng, cành lê có con quỉ đột là Lê Duẩn, mái tôn quỉ mập như heo là Tôn Đức Thắng, quỉ mặc áo giáp là Võ Nguyên Giáp, trốn chui từ chiến trường là Trường Chinh. Ôi quỉ đã vào nhà tù khắp quê hương. Ôi quỉ đã vào đồng bào chết thảm thương. Ôi quỉ đã vào bệnh tật chết thê lương.”
Anh viết 10 ca khúc Phật Giáo và thực hiện thành CD Phật Giáo Ca , phổ biến cho giới Phật tử và bán được cả 5 ngàn cuốn băng, được coi là thành công.
Một điều đặc biệt là từ năm 1983 đến năm 1985, Bảo Tố cùng một người bạn cùng cảm ứng từ một năng lực siêu hình để cả hai viết nên cả trăm ngàn câu thơ  theo thể Song Thất Lục Bát nói về Đạo, nói về thế sự và phát hành bằng nhiều tập lấy tên là Việt Nam Hiển Thơ Mầu Nhiệm ghi tên tác giả là Diệu Như Tăng Dũng và Diệu Như Tăng Tố ( Bảo Tố ).
Cuộc đời văn nghệ của nhạc sĩ Bảo Tố đã đóng góp một số ca khúc vào dòng ca nhạc trước năm 1975; đã sinh hoạt cùng nhiều ca nhạc sĩ thời Sài Gòn; đã vào tù Cộng Sản 5 năm; đã tham dự nhiều sinh hoạt ca nhạc quê hương đấu tranh và đài phát thanh tại thành phố San Jose, Bắc Cali.
Năm nay bước vào tuổi thất tuần, anh vẫn khỏe mạnh và tiếp tục tham gia sinh hoạt ca nhạc trong cộng đồng Việt Nam tại San Jose. Câu hỏi sáng tác nào mà nhạc sĩ Bảo Tố ưng ý nhất thì anh trả lời: Em Chết Theo Ngày Vu Qui.
Con thuyền vượt biển có nhạc sĩ Bảo Tố được tàu Cap Anamur vớt trên biển
Trần Chí Phúc/SBTN

No comments:

Post a Comment