Thursday, February 18, 2016

GIÓ MÙA XUÂN



THANH THƯƠNG HOÀNG
(Hình minh họa từ internet)

Mười mấy năm trời trôi qua Thắng vẫn tưởng như mới xẩy ra ngày hôm qua. Và anh vẫn nhớ như in từng sự việc. Căn nhà của bà già, đúng hơn là một túp lều nhỏ, bốn phía được quây bởi mấy tấm ni lông và mái lợp bằng lá dừa khô. 

- Đã mười mấy năm trôi qua mà mỗi lần nhớ lại cái ngày khủng khiếp ấy Thắng vẫn không khỏi rùng mình, nổi da gà. Chẳng bao giờ anh nghĩ còn sống được tới hôm nay, có lẽ do phước đức ông bà để lại. Cái ngày khủng khiếp đó diễn ra sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trong một trận đánh ở mặt trận Long Khánh, Thắng bị thương nặng và được chuyển về Bệnh viện Cộng Hòa cấp cứu. Sau những ngày mê man Thắng hồi tỉnh mới biết mình bị cụt hai chân trên quá đầu gối và cánh tay phải. Và khi gỡ băng ở mặt ra anh biết thêm mình bị hư một con mắt. Viên đạn pháo của địch đã rớt trúng hố cá nhân của Thắng làm anh bất tỉnh từ giờ phút đó. Sau này anh được một bạn đồng đội kể lại là khi vết thương làm độc, anh mới được chuyển tới Bệnh viện Cộng Hòa.

Rồi ngày 30 tháng Tư ập xuống Thành phố
Saigon, Thắng chỉ được biết tin tức một cách lơ mơ. Mặc dù vết thương chưa lành vẫn còn băng bó nhưng buổi chiều ngày hôm đó, Thắng còn nhớ như in, người ta vào Bệnh viện xua đuổi anh và các thương bệnh binh khác phải rời khỏi nơi này ngay để họ lấy chỗ chữa trị cho các đồng chí của họ. Thế là tất cả thương bệnh binh Miền Nam Việt Nam dắt díu nhau rời Bệnh viện. Thắng rời Bệnh viện, cũng như mọi người, với bộ đồ bệnh nhân và chân tay còn băng bó. Một anh bạn hạ sĩ may mắn chỉ cụt một cánh tay đã cõng Thắng ra khỏi cổng bệnh viện. Ngoài đường người người nhớn nhác qua lại với tất cả sự hoảng hốt sợ hãi. Một người trông thấy Thắng ngồi bệt bên lề đường, nói to: “Không chạy mau đi còn định ngồi đó ăn vạ sao! Chúng nó giết chết cả lũ bây giờ”. Anh bạn thương binh cõng Thắng, đang ngồi bên cạnh thở mệt, nghe vậy vội vàng đứng lên, nói với Thắng: “Thôi cậu ráng lết đi, tớ phải chuồn đây, hết sức rồi”. Dứt lời anh ta tất tả bước lẫn vào đám đông. Còn lại mình Thắng, anh đưa bàn tay còn lại che mặt khóc rưng rức. Anh không hề buồn trách người bạn bỏ đi, đó là lẽ thường tình của con người trước nguy cơ đe dọa. 

Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy bơ vơ trơ trọi, đơn độc tận cùng. Từ ngày ra trận mạc với bao gian nan nguy khốn anh vẫn coi thường, nhưng lần này bỗng nhiên anh thấy sợ và bật khóc. Biết về đâu bây giờ? Quê anh tận Miền Trung xa lắc. Trừ bà mẹ già ra anh không còn một người thân. Anh có một cô bạn gái nhưng hai người chưa hề có lời cam kết sống đời. Nhất là sau trận “đại hồng thủy” này chắc gì cô còn sống?  Mà nếu cô còn sống chắc gì đã có cơ hội gặp lại nhau. Và nếu có may mắn gặp lại nhau chăng nữa chắc gì cô đã nhận ra anh và chấp thuận những rủi ro mất mát anh đang có? Thắng bây giờ mới thấm thía câu “tứ cố vô thân”. Không nhà cửa, không gia đình, không người thân, nhất là không một đồng bạc trong túi, Thắng biết đi về đâu, biết làm gì để sống trong khi thương tật trên thân thể anh vẫn chưa lành lặn, vẫn nhức nhối vô cùng vì sự vận động và xúc động quá mức.

Thắng trong lúc suy nghĩ bi quan dẫn đến tuyệt vọng, anh thấy chỉ còn có con đường duy nhất giải thoát sự sống là lao mình vào những xe quân sự của bộ đội cộng sản di chuyển trên đường. Tiếng động cơ rầm rầm khiến Thắng có cảm tưởng như tiếng gầm gừ của con thú dữ đang há miệng nhe nanh sắp sửa ăn thịt mình. Phải chết thôi. Chết để trọn vẹn với cuộc đời người chiến sĩ bại trận: chết bởi quân thù. Nước mắt nơi con mắt độc nhất của Thắng lại tuôn ra. Tại sao mình không chết luôn ngoài mặt trận để khỏi phải nhận lãnh cái nhục bại trận thảm hại này? Giữa lúc Thắng cố lết cái tấm thân tàn tật ra khỏi lề đường thì có một cánh tay níu anh lại. Một giọng nói của người đàn bà nổi lên: “Ô hay, muốn chết hay sao mà bò ra lòng đường đầy xe cộ!”. Thắng quay nhìn lại phía tiếng nói. Đó là một bà già gầy gò, áo quần rách rưới. Thắng nói như trong mê sảng không suy nghĩ: “Phải, tôi muốn chết”. “Đừng có tính bậy nào. Có phải thương binh quân ta không? Vừa bị chúng nó đuổi ra khỏi nhà thương Cộng hòa à?”. Dứt lời bà già dồn tất cả sức lực kéo Thắng vào trong lề đường. Bà hỏi: “Nhà ở đâu?”. Thắng không trả lời chỉ lắc đầu. “Thế còn vợ con?”. Thắng vẫn lắc đầu. Bà già thở dài: “Thế là vô gia cư rồi. Có phải vì vậy mà anh định tự tử?”. Thắng vẫn lắc đầu nhưng khóe mắt anh nước mắt lại trào ra. “Bây giờ về nhà tôi ở tạm ít ngày chịu không?”

Không đợi Thắng “chịu không” bà già ngoắc một xích lô đạp chở hai người đi.
Mười mấy năm trời trôi qua Thắng vẫn tưởng như mới xẩy ra ngày hôm qua. Và anh vẫn nhớ như in từng sự việc. Căn nhà của bà già, đúng hơn là một túp lều nhỏ, bốn phía được quây bởi mấy tấm ni lông và mái lợp bằng lá dừa khô. Căn lều nằm trong góc sâu của một nghĩa điạ, hình như một nghĩa địa bị bỏ hoang từ lâu. Mấy ngày sau Thắng biết trong nghĩa địa này có nhiều gia đình những người ăn xin. Chính bà già ân nhân của Thắng cũng hành nghề này. Bà sáng sớm đã ra khỏi “nhà”, tới trưa mới về đưa thức ăn cho Thắng xong lại đi. Phần ăn là một tổng hợp pha trộn đủ thứ thuộc loại cơm thừa canh cặn như: cơm, canh, thịt, cá, xương, rau, đậu...Đây là đồ ăn thừa của khách ở các cửa hàng ăn uống. Lần đầu ăn Thắng thấy rờn rợn ghê ghê, nhưng rồi quen dần anh lại thấy ngon miệng. Chính những thức ăn ‘ăn xin’ này đã nuôi dưỡng Thắng, làm cho thương tật của anh mau chóng lành lặn, sức khỏe mau chóng hồi phục vì cơ thể được cung cấp đầy đủ chất bổ.

Một hôm bà già ôm về một đứa bé còn đỏ hỏn. Thắng ngạc nhiên. Bà già nói: “Má thấy nó khóc eo éo nơi thùng rác nên bồng về đây. Kiến với ruồi bu đầy mình nó. Nếu má không thấy thì chỉ vài giờ nữa thằng bé toi mạng”. Bắt đầu từ đó Thắng có bổn phận trông nom chăm sóc đứa bé. Anh tên là Thắng bây giờ trở thành kẻ thua nên để ghi nhớ cái năm thắng định mệnh của đất nước và của cả đời mình, anh đặt tên thằng bé là Nguyễn Thua. Nguyễn là họ của Thắng. Đương nhiên thằng bé trở thành con nuôi của Thắng.

Ngày tháng trôi mau. Khu nghĩa địa ngày càng đông người các nơi đổ tới định cư và biến thành một khu gia cư ồn ào náo nhiệt. Những ngôi mộ được xây cất có mái đúc giờ trở thành tổ ấm của những cặp vợ chồng ăn xin trẻ. Đó là những “căn nhà” của những kẻ chiếm ngụ từ đầu. Còn đa số “nhà” được cất trên khoảng đất chật hẹp giữa hai ngôi mộ. Một nửa dân số trong khu gia cư này thuộc thành phần ăn xin. Số còn lại thì đi làm những công việc nặng nhọc ở các xí nghiệp thủ công nhỏ của tư nhân hoặc quét dọn hốt rác tại các chợ, hoặc trộm cắp cướp giật. Khi trời sắp tối người ta mới về và sự ồn ào náo nhiệt nổi lên từ đây cho tới tận khuya. Người ta nhậu nhẹt, người ta chửi nhau rồi đánh lộn. Thằng bé Nguyễn Thua lớn lên trong môi trường đó. Sáu tuổi nó đã là một đứa trẻ khỏe mạnh và lanh lợi. Nó được cho biết bà già ăn xin là bà ngoại và bố là Nguyễn Thắng, mẹ nó bị chết vì bệnh ngay sau khi sinh nó. Nó càng lớn càng thương yêu “bố Thắng” và bà ngoại. Hàng ngày nó được bốThắng dạy đọc và viết chữ quốc ngữ.
Sau khi thân thể quen với sự tàn tật và cuộc sống mới ổn định, Thắng cố dò la tin tức mẹ mình nhưng vẫn biệt tăm. Anh cho rằng mẹ mình nếu không chết về bom đạn cũng bị chết đói rồi. Trong lúc cuộc sống đang im lìm phẳng lặng trôi thì bà mẹ nuôi của Thắng mắc bạo bệnh qua đời. Bà thường ao ước, mong muốn khi chết được chôn trong áo quan. Bà có dành dụm một số tiền nhỏ không đủ trang trải việc chôn cất. May nhờ bà con sống trong khu nghĩa địa xúm lại giúp đỡ. Xác bà được bao bọc kín bởi những tấm ni lông và ngoài cùng bó chiếu. Phải đợi tới tối khuya người ta mới lén lút đào phần trên của một ngôi mộ đất rồi đặt xác bà già vào đấy vùi đất lại. Thắng và thằng Thua ngày ngày quanh quẩn bên ngôi mộ bà già khóc lóc thảm thiết. Bà chết đi để lại cuộc sống vất vả khốn khó cho hai bố con Thắng. Cuộc đời hai người từ đây rẽ vào một khúc ngoặt mới: phải tự lực mưu sinh. Thắng nhờ người đóng giúp một tấm ván khoảng mét vuông có bốn bánh xe nhỏ. Hàng ngày thằng Thua kéo tấm ván có Thắng ngồi trên tới các ngả tư đường đông người qua lại để hành nghề ăn xin.
Nhiều đêm khuya trằn trọc không ngủ được Thắng nhớ tới những ngày tháng xưa cũ, thời gian anh sống với các bạn bè đồng ngũ. Anh nhớ nhiều tới lão trung sĩ trung đội phó, tuy hay hách sì sằng và nổi nóng chửi thề với anh em nhưng rất tốt bụng. Thắng mới đầu rất ghét lão nhưng một lần trong trận đánh, một anh tân binh bị trọng thương, lão đã vác trên vai người bạn đồng ngũ trẻ này chạy phăng phăng giữa lằn đạn địch. Khi tới chỗ an toàn thì người lính trẻ tắt thở. Lão trung sĩ đã ôm thây người lính trẻ khóc nức nở như chính con lão chết. Rồi nhớ tới thằng Tư móm, một cây hề của trung đội, thằng này không bao giờ biết buồn là gì. Hôm được tin mẹ nó chết, nó vẫn nói năng khôi hài khi mọi người đến chia buồn với nó. Nhưng Thắng đã bất chợt bắt gặp nó ôm mặt khóc khi tưởng không có ai gần bên. Và còn biết bao bạn hữu đồng ngũ thân thiết nữa.

Bây giờ không biết bọn họ ở đâu, sống hay chết. Thắng cầu nguyện cho họ không gặp phải những nỗi đoạn trường như mình. Chiến tranh đã phá hoại thân thể và đời sống anh, anh không oán trách và chấp nhận thân phận kẻ thua trận phải chịu cảnh đọa đầy nhục nhã. Nhưng trong anh vẫn còn lẩn quẩn một nỗi niềm, một uẩn khúc gì đó mà anh chưa gọi tên nó ra được. Anh đã bị các cấp chỉ huy, các bạn đồng đội và tất cả chiến hữu trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa bỏ quên? Anh phải gánh chịu nhục nhã cho tất cả những người thua trận? Anh nghe tin tức thấy nói những quân nhân may mắn chạy thoát khỏi bàn tay trừng trị của kẻ thù giờ đây đang lập nghiệp nơi nước ngoài có một đời sống no đủ, sung sướng. Và họ cũng không quên những chiến hữu trong nước. Họ đã tổ chức lạc quyên nhiều lần gửi tiền về cứu giúp, nhất là trong dịp Tết nhất. Nhưng riêng bản thân Thắng cho tới nay vẫn chưa nhận được một đồng nào. Có lẽ họ tưởng anh chết hoặc không biết địa chỉ. Ở khu đất này chỉ có địa chỉ người chết chứ làm gì có địa chỉ người sống! 

Cuộc đời Thắng cứ thế sống trong sự tàn phế tối tăm nhục nhã, không một chút hy vọng, không một chút đợi chờ vào ngày mai. Đời sống ngày càng khó khăn đến nỗi nghề ăn xin cũng phải dùng tất cả mánh lới thủ đoạn mới đánh động được lòng người. Nhiều buổi hai cha con Thắng xin không đủ tiền ăn tối, phải uống nước lã cầm hơi. Thắng chịu đựng được nhưng còn thằng Thua, nó đang tuổi ăn tuổi lớn. Nó nhịn đói một bữa đã xanh mặt muốn té sỉu. Cả bầu trời u ám đen sì đang phủ xuống cuộc sống hai cha con Nguyễn Thắng. Nhiều đêm Thắng nằm mơ thấy mình nhận được tiền bạn bè đồng ngũ từ ngoại quốc gửi về, không nhiều nhưng cũng đủ để hai cha con Thắng sống cầm hơi một thời gian. Ít ra thì hai người khỏi phải hành cái nghề đốn mạt nhất xã hội này. Có được số vốn dù là nhỏ, Thắng sẽ cho thằng Thua đi bán vé số. Nhưng giấc mơ vẫn là giấc mơ. Sáng ra mở mắt thấy đời vẫn tối tăm mù mịt. Một hôm Thắng bị sốt phải nằm nhà để thằng Thua đi xin ăn một mình. Tối về, vừa thấy Thắng nó đã kêu lên: “Thua rồi Bố ơi! Cả ngày nay chẳng có ma nào bố thí một đồng!”. Thắng vuốt tóc thằng Thua an ủi: “Không sao con, ngày mai nhất định sẽ khá! Các bạn đồng ngũ của Bố ở ngoại quốc sẽ gửi tiền về. Con sẽ thoát khỏi cảnh ăn mày ăn xin này. Con sẽ đi bán vé số. Con sẽ có một cuộc sống ổn định có nhân cách”.

Nhưng rồi nhiều năm tháng trôi qua bố con Thắng cứ sống trong mỏi mòn chờ đợi, tuyệt vọng. Anh đã nhờ người viết thư cho các Báo, các tổ chức từ thiện, các hội đoàn ái hữu binh chủng ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ...

Chiều Ba mươi Tết, Thắng nằm sốt rên rỉ. Thằng Thua “đi làm” (dân ăn xin trong khu này gọi đi ăn xin là đi làm cho nó sang) từ sáng tới giờ vẫn chưa thấy về. Ngoài cơn sốt lại còn thêm cơn đói hành hạ. Các nhà hàng xóm lăng xăng sửa soạn Tết. Có nhà còn giết cả gà luộc và mùi cơm nếp bốc ra thơm lừng. Thắng kéo chiếc mền rách che kín mặt để khỏi phải ngửi thấy những cái mùi hấp dẫn ấy. Anh đang lo lắng thấp thỏm chờ đợi thằng Thua về thì có tiếng người léo nhéo: “Đấy, đúng chỗ ấy đấy! Bác Thắng ơi có khách Việt kiều tới thăm!”

Khách Việt kiều tới thăm! Một sự việc mà Thắng mong ước, mòn mỏi chờ đợi từng ngày bấy lâu nay! Thắng tung chăn ngồi dậy. Khách là một người đàn bà xa lạ. Thắng trố mắt nhìn. “Ông có phải là Nguyễn Thắng trước ở binh chủng B.?”. Người đàn bà hỏi, dọng nói nhỏ nhẹ lịch sự. “Vâng, đúng là tôi”. Nhìn thân thể đại tàn phế của Thắng khách sững sờ xúc động. Bà quay mặt đi lấy khăn giấy lau vội mấy giọt nước mắt. Thấy khách lạ Việt kiều sang trọng quá bộ tới xóm nhà mả này, một số người hiếu kỳ xúm lại coi và xì xào bàn tán. “Ông có thể cho tôi biết số quân?”.Thắng đọc ngay số quân và tên đơn vị của mình. Anh đã thuộc làu từ khi nhập ngũ. “Ông có còn nhớ trung sĩ La không?” khách hỏi. Thắng kêu lên: “Ô, lão trung sĩ trung đội phó hách sì sằng, hơi một chút là la lối om sòm! 

Tôi làm sao quên lão được!”  Khách cười: “Tôi là vợ của lão trung sĩ ấy đây!”. Thắng trố mắt nhìn khách chột dạ: “Tôi xin lỗi. Tuy ông ấy rất khó tính nhưng anh em trong trung đội đều quý mến ông ấy”. 
Người đàn bà hạ dọng nói nhỏ cho Thắng đủ nghe: “Hôm nay tôi đem số tiền quyên góp của anh em ở nước ngoài về tặng ông”. Hai tai Thắng ù lên và đầu óc chuếnh choáng. Anh muốn nghe người khách nhắc lại lần nữa để biết chắc là mình không nghe lầm. Khách ngại ngùng đưa mắt nhìn những người đang đứng vây quanh. Thắng biết ý nói to:  “Đây là người bà con của tôi ở Mỹ về thăm tôi. Mong bà con cô bác giải tán để chúng tôi được tự nhiên chuyện trò”. 

Khi mọi người bỏ đi hết, khách lạ mở bóp lấy mấy tờ giấy bạc đô la trao cho Thắng. Hai tay Thắng run lên khi nhận tiền. “Có thư của các bạn ông gửi ông đây. Chẳng bao giờ họ quên ông đâu, chỉ vì không có địa chỉ của ông nên sự cứu trợ hôm nay mới tới. Mong ông đừng buồn phiền oán trách là anh em họ vui rồi. Thôi giờ tôi xin phép. Ít ngày nữa tôi sẽ trở lại thăm ông và nhận thư ông gửi cho bạn bè, nhất là cho ông trung sĩ hách sì sằng thường nhắc tới ông luôn”.
Khách vừa đi khỏi thì thằng Thua về. Mặt nó dài ra méo sệch: “Vẫn thua to Bố ơi. Thiên hạ mải lo sắm Tết quên chuyện bố thí. Thế là Tết này bố con mình đành...”. Thằng Thua chưa nói hết câu Thắng đã cất tiếng cười lớn - tiếng cười mà thằng Thua mới nghe thấy lần đầu ở Bố mình. “Bố con mình phen này đổi đời rồi con ạ. Con nghe xem có phải gió mùa Xuân đang tới không?”. Trong lúc thằng Thua còn ngơ ngác không hiểu Bố nó nói gì thì Thắng đưa cánh tay độc nhất còn lại ôm nó vào lòng ghì chặt và nói tiếp qua hai hàng nước mắt rưng rưng: “Gió mùa Xuân bên kia bờ đại dương đã thổi tới nhà bố con mình mang theo tình người, tình đồng ngũ đầy ắp. Nhất định ngày mai Mùng Một Tết sẽ là ngày mở đầu cho những tháng năm tốt đẹp. Thế mà bao năm qua Bố cứ tưởng…”.

THANH THƯƠNG HOÀNG

No comments:

Post a Comment