Dưới triều
Nguyễn trong nước không có trường công lập mà chỉ có các tư thục dậy tại nhà do
các thầy đồ hay các quan lại hưu trí hay mất chức đảm trách. Không phải làng nào
cũng có thầy có đủ trình độ hiểu biết chữ Nho để dạy học. Chữ thầy đồ do
chữ sinh đồ mà ra.
Ngày xưa thi hương có 04 trường. Đậu tam trường được gọi là
sinh đồ tức tú tài. Đậu tứ trường gọi là hương cống
tức cử nhân. Đậu tam trường không được bổ nhiệm ra làm quan. Để mưu sinh
các sinh đồ mở trường dạy chữ Nho cho trẻ nít trong làng hay làm thầy bốc thuốc
chữa bịnh cho cư dân địa phương. Số người học cũng chẳng nhiều vì con của nông
dân phải phụ cha mẹ trong việc đồng áng, chăn bò, giữ em hay cắt cỏ, xách nước.
Thiểu số người không muốn con mình lao lực cực khổ nên tìm cách cho con cái tiến
thân bằng đường cử nghiệp. Các thầy đồ không nhận học phí. Họ được phụ huynh học
sinh đền đáp bằng gạo, nếp, đậu, gà trống thiến v. v.
Dưới thời đô hộ Pháp hầu như mỗi làng đều có một trường tiểu học. Có
làng có trường chỉ có hai cấp lớp: Đồng Ấu (Cours enfantin), Dự Bị
(Cours préparatoire). Có làng có ba cấp lớp: Đồng Ấu, Dự Bị, Lớp Sơ đẳng
Lớp Ba (Cours élémentaire). Làng rộng lớn, đông dân có 05 cấp lớp: Đồng
Ấu, Dự Bị, Lớp Ba, Lớp Nhì (Cours Moyen), Lớp Nhất (Cours
Supérieur). Có một thời có hai Lớp Nhì (Moyen 1 và Moyen 2)
sau bỏ bớt chỉ còn một lớp mà thôi.
Ở thành phố lớn, ngay ở bậc tiểu học, nam, nữ đều học riêng. Tuổi học
sinh học lớp nhì và lớp nhất xê dịch từ 14 đến 16 tuổi. Học sinh thi rớt muốn
ngồi lại lớp bao lâu cũng được. Điều đó cho thấy số người đi học không nhiều lắm
vì cha mẹ không có tiền cho con đi học và vì con không có khai sinh. Cũng có vài
trường hợp tẩy chay giáo dục Pháp Lan Xa để bảo tồn Nho học và tinh thần
Khổng Giáo. Vào thập niên 1860 vì thiếu thông ngôn và để có học sinh cho các
trường mới mở người Pháp kêu gọi người Việt Nam ở Nam Kỳ gởi con em đi học như
là một dấu hiệu hợp tác và chấp nhận sự hiện diện của họ ở Nam Kỳ. Nhiều người
giàu có phải đưa tôi tớ đi học thay cho con mình. Một người nhà nghèo được đi
học thế cho con một phú hộ đã trở thành một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy và ảnh
hưởng lớn trong nước một thời.
Trường được xây bằng gạch quét nước vôi vàng. Cửa sơn màu chu. Mái
trường được lợp bằng ngói đỏ. Trước trường học thường có một cây to có bóng mát.
Có nơi có cây dầu, cây sao. Có nơi người ta trồng cây phượng vĩ. Người Pháp du
nhập giống cây này từ Madagascar. Từ đó cây phượng vĩ gắn liền với trường học ở
Việt Nam.
Thầy giáo dạy từ lớp Đồng Ấu đến lớp Sơ Đẳng chỉ cần có bằng CEPCI
(Tiểu học). Thầy giáo dạy lớp Nhì và lớp Nhất phải tốt nghiệp trường
Normale. Câu:
Dưa leo chấm với cá kèo,
Học trò nghèo đi học Normale.
Học trò nghèo đi học Normale.
ra đời vào buổi bình minh của thời thuộc địa Pháp. Người học
Normale phải có bằng CEPCI đậu kỳ thi tuyển vào trường Normale và
học 04 năm (khi tốt nghiệp có thể đậu BE Brevet Élémentaire hay DEPSI
Diplome d’Étude Primaire Supérieure de L’Indochine tức bằng Thành Chung).
Người tốt nghiệp trường Normale (Sư Phạm) được dạy lớp Nhì, lớp Nhất hay
được cử làm hiệu trưởng trường tiểu học có 05 cấp lớp. Hiệu trưởng được gọi là
ông ĐỐC (Giám Đốc: Directeur). Học trò không mặc đồng phục mà có gì mặc
nấy. Không người nào mang giày hay mang guốc cả. Tất cả đi chân không. Học trò
giàu có xài cặp da, một loại da bò dày màu đỏ hồng. Học trò nghèo thì dùng cặp
đệm. Nghèo hơn nữa thì cuốn tập vở giấu trong bụng gặp thầy thì len lén nhìn như
kẻ trộm gặp mã tà. Trưa học trò ăn cơm miễn phí (chế độ này sau bị bãi bỏ). Học
trò được miễn phí khi đi đò hay ngồi xe đò để đi học. Các chủ xe đò và những
người đưa đò trên sông rất sợ gặp học trò mỗi buổi sáng đi học và chiều trở về
vì chở học trò không có tiền mà lại nặng trách nhiệm nếu họ té dưới sông hay
nhảy xuống xe bị tai nạn có thương tích. Vì học trò hay đùa giỡn, phá phách nên
có câu:
Nhất: Quỉ
Nhì: Ma
Thứ Ba: Học Trò.
Nhì: Ma
Thứ Ba: Học Trò.
Trường thông báo giờ học, giờ ra chơi và giờ tan trường bằng tiếng
trống trường. Trống to như cái lu to, hai đầu bịt bằng hai miếng da bò. Phải
dùng cái dùi trống dài khoảng 50 - 60 cm để đánh vào mặt trống tạo thành những
tiếng Thùng! Thùng!... vang dội rất xa. Nghe tiếng trống trường học sinh các lớp
sắp hàng để vào lớp. Vừa đi họ vừa đọc cửu chương bằng tiếng Pháp deux fois
un font deux; deux fois deux font quatre; deux fois trois font six... v. v.
Cụ thể đọc cho đến neuf (chín) thì mới được phép ngồi xuống băng ngồi.
Học sinh học 05 ngày trong tuần. Mỗi ngày học 06 tiếng: sáng: 04
tiếng; trưa: 02 tiếng. Hai ngày nghỉ là thứ năm và chúa nhật. Ngày thứ năm là
ngày học chữ Hán (caractères Chinois) nhưng là ngày nghỉ và vì thiếu thầy
dạy chữ Hán nên học sinh lơ là với môn học này. Dần dà môn chữ Hán bị bãi bỏ hẳn
trong học trình. Học sinh có 03 tháng nghỉ hè; 03 tuần lễ nghỉ lễ Pâques
(Phục Sinh) (lúc này thời tiết nóng bức), 02 tuần lễ nghỉ Tết. Ngoài ra còn nghỉ
lễ Noel, đầu năm Dương Lịch, lễ Thăng Thiên v. v. Lễ phát thưởng hằng năm thường
diễn ra vào ngày 14 - 07 tức ngày Quốc Khánh của Pháp kỷ niệm cách mạng 1789 khi
dân chúng vùng lên phá ngục Bastille. Trong ngày lễ phát thưởng ông đốc trường
đọc một bài diễn văn bằng tiếng Pháp trước các quan khách Pháp- Việt. Học sinh
lớp Nhì và lớp Nhất hát Ce n’est qu’un aurevoir, Jolis Tambours, Lundi matin
l’Empereur... Những bài học thuộc lòng như La Vipère et la Sangsue
(Con Rắn và Con Đỉa), Le Loup et l’Agneau (Chó Sói và Cừu Non) thường
được dùng trong ngày lễ phát thưởng.
Chương trình học khá nặng dù ở bậc tiểu học. Bù lại tuổi của học sinh
tiểu học thời Pháp thuộc khá cao. Hàng tuần học sinh được công bố thứ hạng trong
tuần. Mỗi ba tháng có kỳ thi tam cá nguyệt (composition trimestrielle)
rồi 06 tháng có kỳ thi lục cá nguyệt (composition semestrielle). Ngày
khai trường học sinh lại phải thi lên lớp chớ không phải căn cứ vào điểm trung
bình của các kỳ thi tam cá nguyệt hay lục cá nguyệt để được tự động lên lớp cao
hơn.
Học sinh bắt đầu học tiếng Pháp từ lớp Dự Bị. Đến lớp Sơ Đẳng (Lớp
Ba) học sinh bắt đầu thi bằng CE (bằng Sơ Đẳng Tiểu Học). Trường thi cũng nghiêm
túc lắm. Bài thi gồm 02 phần: thi viết và thi vấn đáp. Thi trong ngày thì có kết
quả ngay. Phần thi viết gồm có: bài chính tả, luận, toán, bài chính tả bằng
tiếng Pháp (không tính điểm nhưng nếu bài ít lỗi thì học sinh đậu sẽ được ghi
thêm dòng chữ Mention Française trên mảnh bằng.
Đến lớp Nhất học sinh được xem như có một căn bản văn phạm Pháp Văn
khả dĩ viết một bài luận một hay hai trang giấy. Quyển Grammaire của
Claude Augé được xem là sách gối đầu. Muốn trau dồi thêm Pháp Văn học sinh phải
đọc Livres Roses để làm giàu từ ngữ và bắt chước cách hành văn vừa bay
bướm vừa sáng sủa của Pháp. Chương trình toán lớp Nhất có phân số, phép tam
suất, thể tích, động tử, khái quát về rút căn ( racine carrée) v. v. Học
sinh phải lên tỉnh để thi lấy bằng CEPCI (tiểu học). Cuộc thi kéo dài hai ngày
gồm cả thi viết lẫn thi vấn đáp.
Những người đậu bằng CEPCI thời Nhật chiếm đóng phải thi lại khi Pháp
tái chiếm Việt Nam sau đệ nhị thế chiến.
Với cách học nặng nề như vậy một người đậu CEPCI có thể được tuyển
dụng để dạy các lớp Đồng Ấu, Dự Bị hay Sơ Đẳng. Nhiều người đậu CEPCI ở tuổi 18
tức là tuổi đậu Tú Tài II sau này! Tôi có một người quen thuộc bậc đàn anh được
một gia đình hứa gả con với điều phải đậu bằng CEPCI. Anh thi rớt CEPCI bốn lần.
Bà nhạc mẫu đành chịu thua phải gả con gái cho anh ấy nếu không chính con gái
của bà trở thành người cao niên!
Thời quân chế phong kiến không có trường công lập ở các địa phương.
Thời Xã Hội Chủ Nghĩa trường học rất nhiều nhất là sau năm 1975 ngoài trường
công lập còn có nhiều trường tôn giáo đặt dưới sự quản lý của chánh phủ. Những
học sinh thời đất nước độc lập và thống nhất có ăn cơm cantine miễn phí,
đi xe hay đi đò qua sông miễn phí không? Sao người đô hộ Pháp lại chú trọng đến
mầm non của đất nước ta hơn ta khi cho học sinh những đặc ân như vậy? Sao họ
không xét lý lịch như chánh quyền Xã Hội Chủ Nghĩa? Con của Nguyễn An Ninh, Tạ
Thu Thâu, những người trí thức Tây học từng học ở Pháp về và dấn thân làm cách
mạng chống Pháp, vẫn học trường Pétrus Ký vì họ có khả năng và được chấm đậu để
học ở đó. Đã gọi là thực dân hay đế quốc đáng lẽ họ phải ghét và khinh khi người
nghèo bản xứ. Trái lại họ cấp học bổng cho những học sinh nghèo nhưng học giỏi
đi học đại học ở Pháp. Những vị này về nước lại chống lại họ.
Việt Nam xây dựng chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa đã nâng đỡ bao
nhiêu học sinh giỏi không thuộc Gia Đình Cách Mạng, Dũng Sĩ Diệt Mỹ, đảng viên
Cộng Sản, phát triển khả năng thiên phú của họ? Như vậy giáo dục chỉ làm lấy có
chớ không nhằm đào tạo chân tài làm lợi cho quốc gia, dân tộc. Người Pháp không
giết Nguyễn Ngọc Bích vì mến tài của ông. Họ tử tế với Nguyễn Mạnh Tường. Họ cứu
mạng và chôn cất Trần Đức Thảo vì mến tài của ông ấy dù ông ấy và ông Tường
chống Pháp kịch liệt.
Quí vị lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam có dám làm như vậy không?
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
No comments:
Post a Comment