Nạn đói năm 45 trong ký ức người còn sống
Khi cám
bã, rau dại, củ chuối đã hết, dân làng đào khoai ngứa ăn. "Ăn xong ngứa
như rách cả cổ nhưng không ăn thì chết. Ngẫm lại, con người khi đó còn không
được như con lợn, con gà bây giờ", ông Vũ Viết Bật (82 tuổi) ngậm ngùi nhớ
lại.
Nạn đói lịch sử năm Ất Dậu
Nạn đói lịch sử năm Ất Dậu
|
Ông Tô Minh Thuyết kể rằng:
"Bố tôi mất vào tháng tư năm đói. Mỗi lần làm giỗ cho ông cụ, nhìn đàn
con cháu quây quần, mâm cơm đầy đủ là lại chứa chan nước mắt". Ảnh: Hoàng
Phương.
|
Ông Tô
Minh Thuyết (80 tuổi, người Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình) bị bệnh teo não.
Rất nhiều chuyện đã quên nhưng ký ức về nạn đói mỗi lần nhắc đến ông lại rùng
mình, buông câu "chuyện xưa rồi nhưng cứ nhớ đến là lại tủi
thân". Nạn đói ập về Thái Bình vào tháng 10/1944. Mẹ ông đi thăm đồng về
khóc lóc nói với chị cả: "Khéo cả làng chết đói mất thôi con ơi".
Lúa trên
cánh đồng thôn Thượng và các thôn khác trắng như cánh cò, không tìm thấy hạt
mẩy. "Không ai biết lúa bị bệnh gì, dân chỉ kháo nhau là do trời làm.
Không có thóc nộp tô, dân kéo đến nhà giàu để vay nhưng họ không cho, để dành
thóc bán cho Nhật. Mẹ tôi phải đội thúng bát đĩa cổ ra nhà địa chủ Lý Sách
đổi vài cân thóc. Sau nhà giàu không mua nữa, bà đội thúng đi về giữa trời mưa
mấy lượt mà không có gì cho 6 chị em tôi ăn", ông Thuyết kể.
Người ta
ăn tất cả những gì có thể. Cậu bé Thuyết mới 10 tuổi vẫn nhớ cảnh dân
làng đổ ra cánh đồng nhổ rau dền, rau sam, lá bắp cải già, thứ gì ăn được là
nhặt về hết. Rồi người ta giết cả chó mèo vì không nuôi nổi. Có nhà trong làng
bán rẻ trâu không ai mua, phải mổ thịt ăn dần, vừa ăn vừa khóc.
Lời kể của ông Tô Minh Thuyết
|
"Ăn
hết rau cỏ, vật nuôi trong nhà, cả làng lùng chuột đồng làm thịt, nướng vội
nướng vàng rồi tranh nhau xé ăn. Họ vật vờ ở bờ bụi đào củ dong, ráy, củ chuối,
băm ra cho vào nồi đất, đun sôi bốc ăn ngon lành. Nhà nào có cây chuối, đu đủ
thì đêm canh như canh miếu thờ vì sợ bị trộm. Trong làng, có đám đánh nhau mẻ
đầu vì tranh giành củ chuối. Khi củ chuối hết là bắt đầu có người chết",
ông Thuyết kể.
Vì đói, ở
Tồn Thành (Giao Thủy, Nam Định), người ta cắt cỏ vực đốt lấy hạt, giã vỏ lấy
nhân nấu cháo ăn. Được ít ngày, cỏ vực không còn một ngọn, dân đào khoai ngứa,
thứ chỉ dành cho lợn. "Ăn xong ngứa như rách cả cổ, nhưng không ăn thì
chết. Ngẫm lại, con người khi đó còn không được như con lợn, con gà bây
giờ", ông Vũ Viết Bật (82 tuổi) nhớ lại.
Dải đất
bắc miền Trung ít ruộng, dân cư chỉ sản xuất một vụ lúa, sống chủ yếu bằng hoa
màu và đánh bắt cá. Thôn Thủ Phú thuộc làng Phú Xá xưa (nay là xã Quảng
Đại, Quảng Xương, Thanh Hóa) từ xưa chỉ có làm nghề đánh bắt cá biển, đổi nông
sản với các vùng khác. Tết Ất Dậu là thời điểm mở màn cho những cái chết
trong thôn. Trong trí nhớ của ông Nguyễn Xuân Tài thì bà Sến, người xóm trên là
nạn nhân đầu tiên. "Bà này chết rục bên gốc chuối sau nhà, thân hình khô
quắp chỉ còn lại nắm xương. Những tháng sau đó, người dân Thủ Phú chết như ngả
rạ. Trong làng ngoài ngõ, bên gốc đa, sân đình, bờ đồng, xó chợ... đâu cũng
thấy thây ma nằm ngổn ngang", cụ ông 92 tuổi cho hay.
Người bị
choáng đâm đầu xuống sông, người nằm bên bờ ruộng khi miệng còn ngậm cỏ, người
chết trong nhà không ai biết. Ban đầu, dân làng bó chiếu, chăn đem chôn.
Về sau những tấm mành lưới, cánh buồm để ra khơi trở thành "quan tài"
tạm, xác chết được kéo ra bãi tha ma phía bờ biển. Nghĩa địa Cồn Mả Quán chi
chít nấm mồ lấp vội.
|
Cụ Trình Thị Chự (102 tuổi) là
người duy nhất trong gia đình 9 người sống sót qua nạn đói năm 1945
ở làng Thủ Phú, xã Quảng Đại, (Quảng Xương, Thanh Hóa) . Ảnh:
Lê Hoàng.
|
Thôn Thủ
Phú có khoảng 40 hộ chết gần hết cả nhà, như nhà ông Minh Hinh, hai vợ chồng
với 7 con trai đều ra đi. Gia đình ông Biện Bang, Bút Lợi, Sệnh Cày... cũng
vậy. Thôn này trở thành nơi có nhiều người chết đói nhất xứ
Thanh. "Một buổi chiều, có người ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc,
chạy sang thì cả 7-8 người nhà ông Minh Hinh nằm chết co mỗi người một xó,
chuột bọ, côn trùng bò lổn nhổn. Dân làng phải kéo sập mái nhà châm lửa đốt rồi
lấp đất vùi xác tại chỗ", cụ Tài kể lại.
Người già
nhất thôn Thủ Phú từng chứng kiến nạn đói Ất Dậu là cụ Trình Thị Chự (102 tuổi).
Gia đình cụ Chự có 9 người thì mất 8 (gồm cha mẹ và 6 người con, 3 gái, 3
trai). "Trong ba ngày, tôi phải chứng kiến 8 người thân qua đời. Tự tay
tôi lần lượt kéo xác cha mẹ và những người anh em ra đồng. Không có cuốc
thuổng, tôi dùng tay bới đất. Ướm chừng như đã lút thân người, tôi chôn vội họ
rồi lại tất tả chạy về lê xác người khác", cụ Chự rưng rưng.
Sống gần
trọn kiếp người, cái chết vì đói của những người thân luôn ám ảnh cụ bà Nguyễn
Thị Sót (87 tuổi, người xã Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình). "Nhà tôi có 8
người thì 5 người chết. Vợ chồng anh cả chết còng queo ở xó nhà, đứa cháu lớn
đói quá nằm vạ vật ở góc bếp. Tôi lay nó tỉnh dậy, nhích mi mắt không thấy gì
ăn rồi lại nhắm mắt, từ sáng đến trưa thì chết. Bố tôi chết ở dưới thuyền nhiều
ngày, khi phát hiện ra thì đã đầy ruồi bọ, anh trai thứ chết ở đâu không tìm
thấy xác", bà Sót kể, nước mắt chực trào ra.
Lời kể của bà Nguyễn Thị Sót
|
"Năm
ấy tôi mới 17 tuổi, đương thanh xuân, thế mà chỉ còn da bọc xương. Nhiều người
đói rạc cả thân xác, không phân biệt nổi đàn bà hay đàn ông. Người ta cướp cả
manh quần áo vá chằng vá đụp trên thi thể người đàn bà có chửa sắp sinh để đổi
lấy miếng bánh đúc ăn", bà cụ kể tiếp.
Dân gian
có câu "Thái Bình chết bảy còn ba" để hình dung về thảm cảnh của quê
lúa năm 1945. Xóm Trại của xã Tây Lương gần như bị xóa sổ, 130 nhân khẩu thì có
103 người chết. Gia đình ông Tô Nuôi có 4 người, mình ông được cứu sống vì đi
làm con nuôi. Cả dòng họ ông 35 người thì chết đói 31. Nhà cụ Hoàng Phác có bốn
thế hệ sống với nhau 31 người thì chết đói 26 người, 2 người đến nay không biết
tung tích.
Nhà khá
giả cũng không thoát nổi. Ở thôn Hiên, xã Tây Lương, người dân còn kể lại câu
chuyện gia đình ông Nguyễn Văn Tư chết đói đặc biệt. Khi nhiều người mang đồ
thờ, bát đĩa quý trong nhà đi bán giá rẻ, ông đem thóc đổi lấy đồ, sau hết thóc
xoay không kịp rồi cũng chết. Hay gia đình ông Nguyễn Văn Lý làm tuần đinh, nhà
có 2 trâu, 3 mẫu ruộng, 16 nhân khẩu thì chết mất 15 bởi mua sắm đồ đạc nhiều,
không có dự phòng.
Trong trí
nhớ của bà Sót khi đó, khắp làng xã người chết đói nằm co, người sống thì lê
lết kiếm miếng ăn. Người không đi nổi thì ngồi vật vờ nhìn nhau. Không khí tĩnh
lặng đến dị thường, không ánh lửa, không tiếng chó sủa mèo kêu, chỉ có tiếng
chuột gù. Những con chuột vì ăn thịt người chết mà to béo bằng cả bắp chân.
Người đói nhìn thấy không còn sức mà bắt ăn.
|
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngô (102
tuổi) và bà Nguyễn Thị Sót (87 tuổi) là những người sống sót qua nạn đói ở
làng Trung Tiến, xã Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình). Ảnh: Hoàng Phương.
|
Tạm qua
cơn đói, khi có lúa mới, nhiều người lại chết vì một bữa no. "Khi
được mùa, họ ăn như chưa từng được ăn. Thế rồi nhiều người lăn ra chết với tấm
bụng căng tròn", cụ Nguyễn Xuân Trang (97 tuổi, thôn Thủ Phú) cho hay, có
đến vài chục người trong làng chết vì một bữa no.
"Giữa
trưa hè nắng oi ả. Người làng bất thần nghe tiếng khóc ré bên nhà lão Thử. Bà
con chạy tới thì lão đang đánh trần nằm giãy đành đạch giữa sân với cái bụng
căng lè, bên cạnh là rổ khoai lang mới luộc chưa kịp chín hết", cụ Trang
thở dài.
70 năm
qua, xã Tây Lương khi xưa chết đói 2/3 thì nay đã thành một vùng giàu
có, thanh bình bên sông Trà Lý. Gia đình bà Sót con cháu đuề
huề. Sống qua cơn tăm tối của đất trời, bà được dân làng Trung Tiến gọi là
người "sống dai nhất làng" vì không ăn gì nhiều ngày mà vẫn sống.
Còn ông
Thuyết đã chẳng thể nhớ nổi hương vị củ chuối, cháo cám năm xưa, nhưng mỗi độ
tháng tư về, nhìn con cháu quây quần bên mâm cơm đủ đầy ngày giỗ là lại khóc.
"Trải qua năm ấy, gia đình nào cũng sứt mẻ, chẳng nhà nào còn vẹn
nguyên", ông nói.
Nhóm
phóng viên
No comments:
Post a Comment