Phan
Hồi mới qua Mỹ,
lần đầu thấy tấm bảng ghi là Estate Sale cắm ở góc đường, tôi đoán là
một hình thức bán bớt đồ cũ trong nhà. Như bày bán ở Garage thì gọi làGarage Sale; bày bán ở sân sau nhà thì gọi là Yard
Sale; dọn nhà thì người ta bán bớt những thứ không tiện đem theo với bảng cắm
là Moving Sale, còn Estate Sale… chắc cũng tương tự. Tự dặn là về phải tra tự điển, nhưng
rồi tôi quên luôn! Nhớ lại những ngày mới đến Mỹ, ra đường thấy chữ gì không
hiểu thì cứ nhủ lòng về tra tự điển, nhưng bao giờ cũng quên nhiều hơn là nhớ.
Cho tới một hôm
tình cờ nghe cô bạn Mỹ làm chung kể chuyện, tôi mới hiểu chính xác Estate Sale
là bán sạch gia tài. Cổ kể là vợ chồng cổ mua được bộ bàn ăn thuộc loại đắt
tiền, còn rất mới, nhưng với giá chỉ một phần mười giá trị thực của bộ bàn ăn
đó. Theo cô ấy cho biết, bộ bàn ăn trị giá năm ngàn đồng, dù nó chỉ còn mới
được tám mươi phần trăm, nên có phải mua với giá một, hai ngàn đồng, cô ấy cũng
đồng ý mua. Vậy mà vợ chồng cô ấy mua được với giá chỉ năm trăm đồng, từ một
căn nhà treo bảng Estate Sale. Cô ấy phải ghi xuống giấy ngày, giờ và địa chỉ
của căn nhà đó. Rồi thông báo cho chồng cô ta biết trước mấy ngày để đến đúng
hôm đó, hai vợ chồng phải dậy sớm mà đi xếp hàng. Khi lọt được vào ngôi nhà
Estate Sale, cô nhanh chóng quyết định, nhưng phải kể là may mắn nên cô đã mua
được bộ bàn ăn thuộc loại đắt tiền với giá quá rẻ.
Trò chuyện thêm
với cô bạn, tôi mới hiểu ra Estate Sale là bán toàn bộ đồ đạc trong nhà: từ ly
tách muỗng chén, đến quần áo, giường ngủ, tủ trà, bệ thờ; tới cả tranh, tượng,
đồ kỷ niệm… Nhưng giá bán của Estate Sale không rẻ như Garage Sale, Yard Sale,
hay Moving Sale vì không phải là đồ thừa trong nhà. Lý do bán hết các thứ trong
nhà vì chủ nhà phải vô viện dưỡng lão chẳng hạn; những người già neo đơn ấy
không có thân nhân để có thể cho lại, nên họ bán hết, bán sạch, với giá cao hơn
bán đồ cũ, đồ thừa của Garage Sale, Yard Sale, hay Moving Sale…
Và người Mỹ đi
Estate Sale như đi hội chợ, nhất là Estate Sale ở những khu nhà giàu. Ngay từ
sáng sớm thiên hạ đã xếp hàng ghi tên, xe đậu dài hai ba blocksđường. Tới
giờ mở cửa, người ta tranh nhau mua. Sau đó bưng bê nườm nượp, náo nức như được
chia của.
Câu chuyện về
Estate Sale như một hiểu biết thêm về đời sống Mỹ trong đầu óc mới tới định cư
của tôi. Rồi thời gian và cuộc sống cá nhân, gia đình quay cuồng theo cơm áo
gạo tiền nên chả nhớ gì tới Estate Sale nữa.
Cho tới một sáng
cuối thu, đã bảy giờ nhưng mặt trời còn chưa ló dạng. Không gian yên ắng tới
chỉ nghe mỗi tiếng đồng hồ tích tắc trên tường. Ngoài cửa sổ, sương còn phủ
ngọn đồi sau nhà mờ ảo màu lá vàng phai. Không gian đẹp nhưng buồn quá, nhất là
cái lạnh đã len lỏi về, đậu trên những ngón tay cảm giác điêu tàn.
Tôi đi thay quần
áo để lên đường, đi giúp một ông bạn già. Hôm nay ổng bán Estate Sale. Tuy hẹn
chín giờ nhưng tôi đi sớm để có thời gian ngồi uống với ông bình trà. Bởi đêm
qua thao thức về ông, tôi nghĩ sau hôm nay, có thể là lần cuối tôi gặp ông
trong đời. Nhớ lại, tôi quen biết ông chừng năm, bảy năm trước, dịp tôi phỏng
vấn Cựu Thiếu tướng Đỗ Kế Giai ở Trung tâm sinh hoạt cao niên trong thành phố.
Bữa đó, chính ông đã đến bắt tay tôi trước, hỏi tôi có phải là Phan mà ông
thường đọc đó không? Tôi có cảm tình ngay với một người lớn tuổi, hiền lành,
đôn hậu. Tình thân chưa có nhưng lòng cảm mến thì nhiều, tôi cho ông số điện
thoại để tiếp tục nói chuyện vào dịp khác bởi tôi đang bận với cuộc phỏng vấn…
Rồi tình thân nảy
nở sau những lần ông mời tôi đi uống cà phê, rất thỉnh thoảng, nhưng ông thực
sự có hiện diện trong tôi như một người bạn mà tôi thường tự trách là ít thăm
hỏi ông, hay mời ông đi uống ly cà phê. Giao tiếp với người già chỉ mất ít thời
gian mà được lợi rất nhiều về kiến thức và kinh nghiệm sống. Biết thế, nhưng
khi có thời gian rảnh thì tôi vẫn đi chơi với bạn trẻ nhiều hơn; Chỉ khi cần
hỏi, là cần tới người già thì tôi mới nhớ tới ông, gọi ông, mời ông đi uống ly
cà phê… để hỏi. Tôi là một con người hiện đại qua cách tìm thông tin là biết
hỏi ai; và ông bạn già là người thuộc thế hệ cũ qua việc sẵn sàng cho không
kiến thức, kinh nghiệm tích lũy cả đời. Sự cho và nhận co giãn theo tuổi đời
thì tôi co ông giãn. Đó là ý nghĩ hôm trời mới chớm thu, tôi gọi ông, mời ông
đi uống ly cà phê vào một sáng cuối tuần. Hôm đó, tôi không có gì để hỏi ông mà
chỉ là bỗng nhớ tới một người bạn mà quỹ thời gian của người đó không còn nhiều
nên tôi dành thời gian rảnh rỗi có được cho ông.
Hôm đó ông nói với
tôi là, “…anh cũng đã già.” Tôi tin nhận xét của ông vì tôi đã vừa từ chối bạn
bè trang lứa rủ nhau đi nông trại của một người bạn từ sáng sớm để hạ một con
dê và nhậu tới chiều. Chắc chắn là một cuộc vui, nhưng rồi cuộc vui nào cũng
tàn. Bạn bè chưa già thì còn dịp khác để gặp. Nhưng ông bạn già hiu hắt như gió
thu, hôm tình cờ gặp nhau ngoài chợ, lòng tôi bất an sau khi chia tay…
Hôm đầu thu đó,
hỏi thăm ra mới biết, vợ ông đã qua đời hồi hè. Ông không cho tôi biết vì bà đi
thăm con gái với cháu ngoại bên Cali, bị đột qụy và mất luôn ở bên ấy. Ông muốn
đưa bà về Dallas để lo ma chay vì bà đã sống ở Dallas mấy chục năm. Nhưng người con trai ông
sống ở Dallas thì lại muốn em gái lo ma chay cho mẹ luôn
bên Cali cho tiện. Cái lý của anh ta đưa ra là chết
ở Mỹ thì lo ma chay ở đâu cũng chỉ là cái nhà quàn như nhau…
Tôi chỉ quen biết
ông như một người viết và một độc giả, chưa bao giờ tôi uống với ông một ly bia
vì ông không rượu bia, không thuốc lá. Nhưng hôm đầu thu đó, ông tự tay mượn
điếu thuốc lá đang cháy dở trên tay tôi; ông hút một hơi thuốc thật sâu, rồi
trả lại tôi. Tôi sợ ông sặc, nhưng ông không sặc như tôi sợ. Ông nhả khói chậm
rãi, và chìm vào tâm sự, “Tôi chưa bao giờ nói với anh, cũng không nghĩ tới
chuyện nói với ai. Nhưng nỗi buồn trong tâm khảm tôi lớn dần như mầm bệnh ung
thư tới hồi bộc phát. Tôi biết là trước sau gì cũng chết, tôi không sợ chết,
chỉ buồn lòng người làm cha mà không biết dạy con mình…”
“…Vợ chồng tôi chỉ
có hai người con. Lo được cho thằng lớn ăn học tới ra đại học không phải nợ
tiền học đồng nào. Nó đi làm, lãnh lương cất riêng vào trương mục nhà băng của
nó. Ngày ngày vẫn về nhà ăn, ở, cha mẹ lo. Nó cho đó là lối sống Mỹ, và nó chọn
cách sống ấy.
"Cha mẹ đừng
tọc mạch vào thu nhập của con cái". Nhưng khi nó muốn lấy vợ thì nó chọn
lối sống của người Việt là dù sống ở đâu trên địa cầu thì chuyện cưới hỏi của
con cái, cha mẹ người Việt cũng đứng ra lo cho con.
Thế là vợ chồng
tôi lo cưới vợ cho con trai. Tôi không lấy gì làm buồn lòng vì cha mẹ tôi cũng
đi cưới vợ cho tôi khi xưa. Nhưng rồi con tôi muốn mua nhà. Nó trình bày với vợ
chồng tôi, nó mua nhà trăm rưỡi, cần mượn nhà băng một trăm ngàn, nếu trả trong
ba mươi năm thì tổng số tiền nó phải trả cho nhà băng lên tới ba trăm ngàn.
Nghĩa là một trăm ngàn vốn với hai trăm ngàn tiền lời trong ba mươi năm. Nó
muốn cha mẹ giúp đỡ cho nó mượn một trăm ngàn, để nó trả dứt căn nhà ngay khi
mua, không phải trả tiền lời cho nhà băng. Nếu nó phải trả ra số tiền ba trăm
ngàn trong ba mươi năm, thì mười năm cho một trăm ngàn. Nó sẽ trả cho cha mẹ
một trăm ngàn trong mười năm là khả năng có thể.
Tôi bắt đầu thất
vọng về con trai tôi. Vì gom hết tiền 401-K của cha mẹ thì đủ một trăm ngàn cho
nó mượn. Vợ chồng đã về hưu thì tiền già gói gém cũng đủ sống, nhưng tiền đâu
lo cho con em nó còn trong đại học để khỏi mượn nợ học như nó? Tôi suy nghĩ
nhiều đêm, đằng nào cũng mất con rồi! Đó là cái giá phải trả cho mưu cầu tương
lai của con cái. Tôi đưa nó đến Mỹ chứ tự nó đâu đi một mình được. Tôi sinh ra
nó, chứ nó đâu tự xuất hiện trên đời này được… Nhưng tôi thất bại trong chuyện
dạy nó sống đùm bọc với người thân. Tôi có lỗi đã để nó hấp thụ lối sống ích kỷ
của xứ sở này. Đằng nào tôi cũng mất con rồi. Nếu đồng ý cho nó mượn một trăm
ngàn không tiền lời là tôi đã thẳng thắn nhìn nhận mình thua cuộc; không bao
giờ dạy được con quay lại lối sống đùm bọc nhau của người Việt mình nữa. Nhưng
từ chối nó… thì tôi mất luôn vợ! Vì mẹ nào chả thương con, thương càng mù quáng
tình mẫu tử càng lên ngôi.
Nó trả lời cho tôi
câu hỏi, ‘tiền đâu để lo cho em nó?’ ‘Thì ba mẹ lấy tiền con trả hàng tháng để
lo cho nó.’ Tôi định hỏi câu hỏi quan trọng nhất theo kinh nghiệm của tôi là,
‘Nhưng con có chắc là con sẽ trả cho ba mẹ hàng tháng. Hay trả vài tháng… rồi
quên luôn?’
Tôi thương vợ tôi
nên đã làm điều tôi biết trước nhưng vẫn làm là tôi cho con trai tôi mượn một
trăm ngàn. Vợ tôi mất tinh thần nhiều năm sau đó vì đúng là nó không trả. Nhưng
chúng tôi được trời phật cho lại đứa con gái muộn màng. Nó là nguồn an ủi, niềm
vui còn lại cho vợ chồng tôi. Lúc nào nó cũng vui vẻ nói là ba mẹ chết rồi thì
tài sản cũng để lại cho anh em con thôi. Thì anh Hai cần trước thì anh Hai lấy
trước. Ba mẹ đừng có giận anh Hai nữa, chỉ tổn hao sức khoẻ cho ba mẹ thôi. Còn
con, nợ học thì ai đi học ở Mỹ mà không nợ. Chừng con ra trường thì con trả. Ba
mẹ đừng lo nữa…
Con bé lạc quan
nói sao làm vậy. Về sau, nó lấy chồng bên Cali nên về Cali sống. Vợ tôi muốn bán nhà, dọn về Cali ở với con gái thì thằng con trai không cho
đi vì bà nội phải ở Dallas để trông con cho vợ chồng nó đi làm…
Đến cái chết đột
ngột của mẹ nó. Tôi muốn đưa bà ấy về Dallas để lo ma chay vì bà ấy sống ở đây đã như
là quê hương. Nó ngại tốn kém nên lý lẽ bất dung tình với cả cha mẹ. Tôi không
buồn sao được anh…”
Ôi, cái hôm đầu
thu đó! Nhớ lại sao mà buồn. Và tại sao lại có hôm nay, tôi đến giúp ông bạn
bán Estate Sale, bán hết gia tài một lần để giã biệt. Buổi chiều cuộc đời như
không gian thu tràn ngập lá vàng bay, những nảy nở mùa xuân, khoe sắc hạ, thu
úa, đông về… Người ta có sống tới trăm tuổi thì mùa thu thứ một trăm của cuộc
đời cũng phải rời bỏ ngôi nhà không cần bật đèn giữa nửa đêm cũng biết lối đi
tới nơi muốn tới; bán bỏ cả cái thìa khuấy ly cà phê mỗi sáng đã không thể nhớ
nổi nó có trong nhà từ bao giờ mà người gia chủ chỉ nhớ chắc là khuấy ly cà phê
bằng cái thìa khác sẽ không ngon; bức tranh mua garage sale có vài đồng bạc hồi
mới qua Mỹ, nhưng không có nó trên tường nhà thì cứ tưởng mình đang ở chơi nhà
bạn, hay nhà bà con chứ không phải nhà mình; đến tiếng cái đồng hồ nhà mình
cũng khác hẳn tiếng đồng hồ nhà khác mà chỉ có mình phân biệt được… lại
còn nắm đất quê hương trên bàn thờ, hồi ra đi mình mang theo để nhớ đường về. Nhưng
nó nằm im lặng đã bốn mươi năm. Bây giờ người đem nó đi còn gởi lại nắm xương ở
quê người thì nắm đất quê hương ấy trở thành oan nghiệt. Cho không ai lấy, bán
chẳng ai mua, mà ném qua cửa sổ thì hóa ra mình đã biến thành thú vật.
Tôi ứa nước mắt
trên tay lái, làm sao ông bạn tôi có thể sống sau hôm nay khi chính tay tôi bán
hết những gì đã gắn bó với ông cả đời. Tôi, chính tôi, đã tiếp tay thần chết
sớm bắt ông rời bỏ thói quen và kỷ niệm; rồi rời bỏ tới người thân; cuối cùng
là rời bỏ cuộc đời… Nhưng nhớ lại tâm sự đầu thu của ông, ông đi dự đám tang
của vợ ông bên Cali như người quen biết cũ, mấy chục năm vợ chồng còn lại cái
trống không trong lòng già; con trai ông đi dự đám tang của mẹ dửng dưng đến
mức đường về, anh ta nhắc ông trên phi cơ là ba phải làm di chúc căn nhà lại
cho con, vì ba đi đột ngột như má thì chính phủ lấy nhà…
Tôi nghĩ chắc anh
ta không chỉ muốn lấy căn nhà đã trả hết mà muốn lấy luôn cả phần bảo hiểm nhân
thọ của cha nên mới chọc giận ông đúng thời điểm tinh thần và thể lực của ông
suy kiệt nhất sau mấy ngày đám tang bên Cali. Tôi biết anh ta, có gặp mặt vì Dallas đâu có mấy nhà hàng của người Việt. Nhưng
chưa chào hỏi anh bao giờ để cất giữ bí mật cho cha anh – là bạn tôi. Anh là ai
trong gia đình lớn của anh, gia đình nhỏ của anh, trong xã hội anh đang sống…
tôi không quan tâm tới địa vị hay tên tuổi của anh ở địa phương. Tôi chỉ biết
là tôi đã có lỗi với một người không có lỗi gì với tôi là anh. Tôi đã đồng ý
với con gái của ông bạn, dù chỉ nghe ông kể, “…con còn phải đi làm và lo lắng
cho gia đình con. Con không thể chăm sóc cho ba mỗi ngày như má. Nhưng má mất
rồi thì ba không thể ở một mình. Ba có chuyện gì, không ai biết, không ai hay…
làm sao con yên tâm. Con xin ba giao hết nhà cửa cho anh Hai… muốn làm gì làm
bên Dallas. Ba về Cali với con. Ba phải ở viện dưỡng lão vì con
không thể và không có thời gian để lo cho ba như má. Nhưng vài hôm con sẽ có
thời gian ghé thăm ba một, hai tiếng đồng hồ; con nấu được gì ngon, con đem vô
cho ba ăn… ba có chuyện gì, người chăm sóc cho ba sẽ báo ngay cho con, con vô
ngay với ba…”
Tôi có tào lao lắm
không khi khi không lên tiếng về chuyện nhà người khác? Tôi nói với ông hôm đầu
thu, “Chia buồn với ông về sự mất mát người thân nhất của ông mà tôi không
biết, cho dù ông có cho hay thì tôi chắc cũng không có điều kiện bay qua Cali
để viếng tang của bà. Thôi thì ngày nào còn sống hãy tính chuyện đời cho xong
để êm xuôi khi ra đi. Ông bà đã giúp con trai không phải nợ tiền học. Tôi tính
nhanh là đã cho anh ta năm chục ngàn. Ông bà cho mượn một trăm ngàn mua nhà –
và không hoàn lại. Vậy là ông bà đã cho con trai một trăm năm chục ngàn. Nên
bây giờ ông bán căn nhà đã trả hết mà ông đang ở, cũng cỡ một trăm năm chục
ngàn. Số tiền đó cho hết con gái, là công bằng với con cái.
Ông về Cali sống với đề nghị của con gái là hoàn toàn
hợp lý. Số tiền bảo hiểm nhân thọ của vợ ông, gởi con gái để lo cho ba những
ngày cuối đời ba, lo cả hậu sự cho ba. Thừa thiếu gì thì tôi tin là con gái ông
không tính toán với ông. Còn phần bảo hiểm nhân thọ của ông thì di chúc lại cho
con gái. Nhưng chỉ nhờ cô ta quản lý số tiền đó để về sau chia đều cho hết cháu
nội, cháu ngoại của ông bà. Cứ đứa nào vô đại học thì được nhận một khoản tiền
do ông bà để lại cho con cháu ăn học. Tôi biết, với đà lạm phát và trượt giá ở
nước Mỹ thì số tiền học bổng miễn hoàn lại cho con cháu sẽ không nhiều, nhưng
rất có ý nghĩa về mặt tinh thần với đời thứ ba của gia đình ông trên nước Mỹ…”
Câu chuyện đầu thu
mới đó mà đã cuối thu rồi! Ông bạn tôi đúng là người độ lượng như tôi đã tin
ông như thế! Ông giao căn nhà cho con dâu để cho mướn kiếm thêm tiền chợ cho
cháu nội ông được sống sung túc hơn. Ông di chúc lại căn nhà cho con dâu của
ông chứ không bán. Giấy tờ xác quyết là tài sản riêng của con dâu, “để nhỡ… vợ
chồng con xảy ra chuyện bất trắc gì sau khi ba mất. Thì ba mẹ chỉ giúp được con
một chỗ ở để nuôi mấy đứa cháu nội của ba mẹ. Cảm ơn con.”
Ông cho hết con
gái khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của mẹ cô ấy. Ông nghe tôi về khoản tiền bảo
hiểm nhân thọ của ông. Ông chỉ còn giữ lại hàng hà kỷ niệm trong từng đồ vật mà
tôi đang bán ra cho những người không quen biết. Thế nên mắt ông lạc thần trông
theo từng kỷ niệm vĩnh biệt ông lần cuối khi ra cửa một mái ấm gia đình đã tới
hồi kết.
Buổi sáng một ngày
cuối thu mà tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh một người đàn ông biệt xứ lúc
cuối đời, tay khép lại cánh cửa nhà mình lần cuối, bình thản nói với vợ, “thôi,
mình đi nghe em…” là di ảnh của bà mà ông kẹp ở nách để khoá cửa ra đi...
Ngoài đường, những
trang trí cho ngày lễ Halloween đã lên đèn dọc lối đi. Tôi nhìn ông thả bộ ra
xe mà thấy một kiếp người đến với cuộc đời cách nay tám mươi năm, chỉ có
tiếng khóc là gia tài thì hôm nay là món cuối cùng Estate Sale. Bởi ông trầm ngâm buổi sáng, thở dài buổi trưa, rồi ngấn lệ buổi chiều theo từng kỷ niệm vĩnh biệt ông ra đi. Nhưng cuối ngày ông lại mỉm cười với di ảnh vợ lúc khoá cửa, cái nháy mắt tinh nghịch của ông với di ảnh bà là bằng chứng ông đến với cuộc đời này bằng một tiếng khóc, nhưng khi ra đi ông đã đem theo một người tình. Tôi nhìn theo ông ấy tan vào thế giới ma quỷ và màn đêm phủ về. Nhìn lại mình sau một ngày tiếp tay thần chết, nách tôi kẹp chai rượu thần chết thưởng cho tôi nhưng quân sĩ của thần chết đã giao lộn vào nhà một người không uống rượu nên phải nằm chờ tới Estate Sale của ông bạn.
tiếng khóc là gia tài thì hôm nay là món cuối cùng Estate Sale. Bởi ông trầm ngâm buổi sáng, thở dài buổi trưa, rồi ngấn lệ buổi chiều theo từng kỷ niệm vĩnh biệt ông ra đi. Nhưng cuối ngày ông lại mỉm cười với di ảnh vợ lúc khoá cửa, cái nháy mắt tinh nghịch của ông với di ảnh bà là bằng chứng ông đến với cuộc đời này bằng một tiếng khóc, nhưng khi ra đi ông đã đem theo một người tình. Tôi nhìn theo ông ấy tan vào thế giới ma quỷ và màn đêm phủ về. Nhìn lại mình sau một ngày tiếp tay thần chết, nách tôi kẹp chai rượu thần chết thưởng cho tôi nhưng quân sĩ của thần chết đã giao lộn vào nhà một người không uống rượu nên phải nằm chờ tới Estate Sale của ông bạn.
Tới Estate Sale
của tôi, cũng là kinh doanh từ vốn một tiếng khóc chào đời, tôi sẽ kẹp nách
mang theo được gì lúc ra đi? Chỉ biết chai rượu thường nhưng để lâu năm cũng
ngon như nước cam tuyền… từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau. Đâu đó là thơ Bùi
Giáng. Nên:
Uống xong ly rượu cùng nhau,
Hẹn rằng mãi mãi quên nhau muôn đời…
Khi hiểu được thơ
Bùi Giáng thì cuộc đời coi như đã tàn thu. Còn bạn?
Phan
No comments:
Post a Comment