Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xinh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Năm 1992 CSVN cho phép đưa thơ văn lãng mạn vào chương trình dạy
Văn của lớp 11, trong đó có thơ của Hàn Mặc Tử. Một cháu gái đọc cho tôi nghe
vài câu trong bài “Đây Thôn Vĩ Dạ” mà cháu rất thích. Tôi hỏi cháu có hiểu câu
“lá trúc che ngang mặt chữ điền” nghĩa là gì không?
Cháu trả lời câu đó tả khuôn mặt hình vuông, phúc hậu của một cô gái.
Cháu trả lời câu đó tả khuôn mặt hình vuông, phúc hậu của một cô gái.
Tôi nói với cháu nghĩa của câu “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” là
tả cảnh một cành trúc de ngang phía ngoài cửa sổ. Ngày xưa các ngôi nhà cổ đều
làm cửa sổ hình vuông, thường thấy trong các bức tranh thủy mặc. Tranh thủy mặc
cũng thường vẽ khung của sổ hình vuông, có một cành trúc de ngang và một vầng
trăng lấp ló phía sau cành trúc.
Trong văn chương Việt Nam hay văn chương Trung Hoa người ta dùng khuôn mặt chữ điền để diễn
tả khuôn mặt có cằm bạnh của người đàn ông, có dáng vóc cứng cỏi, ngang ngạnh.
Bởi vì người có khuôn mặt đó thường là một người có sức khỏe tốt và thường theo
nghề võ chứ không theo nghề văn. Còn về khuôn mặt con gái thì văn chương Việt Nam hay diễn tả bằng khuôn mặt trăng rằm, khuôn mặt bầu, khuôn mặt
hình trái soan.
Lúc tôi nói như vậy thì cô cháu có vẻ không tin nhưng không nói gì
thêm. Hôm sau cháu đưa đến cho tôi xem cuốn sách Văn lớp 11. Trong đó nhà biên
soạn đã giải thích đó là khuôn mặt hình vuông của cô gái, ý nói khuôn mặt hiền
dịu. Lúc đó tôi hết ý kiến, bởi vì cháu phải tin vào sách giáo khoa hơn là tin
vào ông cựu học trò.
Ẩn dụ của câu thơ này đã được Quách Tấn là một người bạn thân nhất
của Hàn Mặc Tử và cũng là người được ủy quyền thừa kế di sản văn hóa của Hàn
Mặc Tử đã xác nhận trong số báo tưởng niệm Hàn Mặc Tử của tạp chí Văn năm 1969.
Ông Quách Tấn xác nhận chính Hàn Mặc Tử nói với ông đó là hình ảnh cành trúc
che ngang một góc của cửa sổ.
Văn chương Việt Nam thời trước 1945 thường dùng nhóm từ “mặt chữ
điền” hay “khung chữ điền” để nói tới cái cửa sổ, nhất là những bài viết thời Nam
Phong tạp chí. Trước thời Nam Phong tạp chí, vua Thiệu Trị cũng có một câu đối
mà ngày xưa ai cũng hiểu nhưng ngày nay ít người hiểu: “Gió dựa tường ngang
lưng gió phẳng. Trăng dòm cửa sổ mắt trăng vuông”. Ý nói từ trong nhà nhìn qua
cửa sổ ( cửa sổ thông gió; hình vuông, mỗi bề khoảng 1 gang tay ) thì thấy mặt
trăng có hình vuông, bởi vì mặt trăng to hơn khung cửa sổ thông gió cho nên ở
trong nhà chỉ thấy một khối sáng hình vuông.
Trở lại bài thơ của Hàn Mặc Tử; trong bài thơ đó có 3 đoạn, nhưng
hai đoạn đầu chỉ tả cảnh một khu vườn bên bờ sông được nhìn từ trong nhà nhìn
ra, riêng đoạn kết có mơ về một tà áo trắng mờ ảo trên đường xa để sinh động
hóa cảnh vật chứ không hề nói tới khuôn mặt nhìn gần của một cô gái. Còn câu
thơ nói về “mặt chữ điền” thuộc về đoạn đầu, tức là đoạn hoàn toàn tả cảnh,
không dính dáng gì đến tả người.
Rồi 14 năm sau, trên đất Hoa Kỳ, tôi lại được đọc một bài báo của
một nhà văn trẻ nào đó, mà cũng lại khen nức nở khuôn mặt hình vuông của người
con gái thôn Vĩ Dạ. Vậy thì không biết đây là người thứ mấy triệu biết về Hàn
Mặc Tử một cách bậy bạ như vậy. Không hiểu người ta sẽ dạy cái quyển sách bậy
bạ đó cho tới bao giờ. Và sản phẩm của họ, là các em học sinh Việt Nam, sẽ có một tâm hồn thơ mộng như thế nào khi đối diện với một cô
gái mà có cái mặt hình vuông. Tôi đã đưa chuyện này vào sách “Chuyện Nước Non
Đau Lòng Tới Nghìn Năm”, phát hành năm 2008, để đánh động về trình độ văn hóa
hiện tại ở Việt Nam.
Không ngờ năm nay có môt người bạn, bố của cháu gái năm xưa, chuyển
cho tôi một số bài của các học giả trong nước bàn bạc về câu thơ của Hàn Mặc Tử:
Báo Đất Việt/ Việt Nam: Lá trúc che ngang… mặt ai?
Câu thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” trong bài Đây thôn Vĩ Dạ
của Hàn Mặc Tử cho đến nay vẫn gây nhiều thắc mắc. Không thỏa mãn với cách giải
thích trong sách giáo khoa, nhiều nhà văn, nhà thơ tự đi tìm câu trả lời riêng.
Nhiều người, trong đó có cả các nhà nghiên cứu, cho rằng đó là câu
thơ tả một “cô thiếu nữ thôn Vĩ” đang e ấp, thẹn thùng nhìn khách phương xa qua
kẽ lá. Sách giáo khoa Ngữ văn (nâng cao) lớp 11 xuất bản năm 2007 cũng chú
thích mặt chữ điền theo nhân tướng học, “là loại tướng mạo ứng với đức tính
thật thà trung hậu”. Theo hướng này, một số người cho rằng đó là khuôn mặt của
bà Hoàng Cúc, người mà Hàn Mặc Tử yêu tha thiết và lúc đó đang ở thôn Vĩ Dạ.
Trong bài viết Lá trúc che ngang mặt chữ điền đăng trên tạp chí
Kiến thức ngày naysố 691, tác giả Nguyễn Cẩm Xuyên cho rằng cách lý giải này
“vướng”, vì “ai lại dùng khuôn mặt này để tả người thiếu nữ đẹp”.
Nhà thơ Vũ Nho khẳng định: “Mặt chữ điền là mặt vuông vức của nam
giới. Đó là khuôn mặt cương nghị, rắn rỏi, không cần bàn cãi”. Nhưng nếu đó là
mặt nam giới, thì đó là ai? Trên blog của mình, ông Vũ Nho nêu giả thiết: “Đấy
là mặt của ông chủ vườn ai. Có thể là bố, là anh của người con gái có khu vườn
đẹp…”, rồi lại tự phản bác: “Nhưng chả lẽ “cái mặt chữ điền” đàn ông ấy lại ấn
tượng mạnh mẽ và sâu sắc đến Hàn Mặc Tử vậy sao? Chả lẽ Hàn Mặc Tử làm thơ theo
kiểu gặp gì ghi nấy vậy sao?”
Báo Thời Áo Trắng/ Việt Nam: Mặt ông Hàn Mạc Tử?
Tác giả Trần Văn Lý, trong bài viết Lối vào bài thơ “Đây thôn Vĩ
Dạ” của Hàn Mặc Tử (bản đăng trên thoiaotrang.com)
lại cho rằng, đó là cảnh người con trai thập thò ở ngoài nhìn ngắm, chiêm
ngưỡng khu vườn của nhà người con gái. Và khuôn mặt chữ điền kia chính là khuôn
mặt của thi sĩ họ Hàn: “Phút giây hồn thơ thăng hoa tới tột đỉnh, thi sĩ như
nhìn thấy chính “mình” đang thập thò nhìn, ngắm “vườn ai” ngày ấy, qua bờ
giậu”.
Tuy nhiên, nhà thơ Vũ Nho cho rằng, cách hiểu này có thể bị bác bỏ
vì không đúng với khuôn mặt thật của Hàn Mặc Tử trong ảnh chân dung, và “Hàn
Mặc Tử tự vơ cái mặt chữ điền vào mình để làm gì?”
Hội nghệ thuật Huế: Không phải cái mặt, mà là là hình thể khu vườn
Có một cách hiểu khác, “mặt chữ điền” là những khuôn dậu rào vườn
tạo thành những hình vuông như chữ điền. Nhà thơ Võ Quê, Chủ tịch Hội Liên hiệp
nghệ thuật Thừa Thiên – Huế, cũng cho rằng đọc toàn bộ bài thơ sẽ thấy Hàn Mặc
Tử thiên về tả cảnh hơn tả người, và “mặt chữ điền” có thể hoàn toàn là cảnh
vật.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Cẩm Xuyên: Không phải là cái mặt, mà là
bình phong xây chắn trước miếu, đình, đền
Gần đây nhất, bài viết của tác giả Nguyễn Cẩm Xuyên cho biết: theo
thuật phong thủy, nhiều nhà ở Huế xây tấm bình phong (chấn môn) trước cửa, và
có khi đắp nổi một hình chữ thập ở giữa khiến nó giống hệt chữ điền (田), hai bên thường trồng hai bụi trúc, phía sau có hòn non bộ. Nhiều
người dân miền Trung vẫn gọi tấm chấn môn ấy là “mặt chữ điền”, và đó có thể là
“mặt chữ điền” trong thơ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cẩm Xuyên, nếu hiểu vậy thì đoạn thơ
thiếu hẳn hình ảnh đáng yêu của cô gái Huế e ấp sau hàng cây lá xanh tươi và
bài thơ mất hay! Ông Xuyên đề nghị “thôi cứ cho “mặt chữ điền” là khuôn mặt của
thiếu nữ thôn Vĩ đi… thì e là hay hơn”.
Trang mạng Đền Thơ Mới/ Việt Nam: Mặt cô người yêu của Hàn Mạc Tử
Về Cô gái trong "Lá trúc che ngang mặt chữ Điền" đó là cô
gái do sức tưởng tượng của Thi nhân mà hiện ra thôi "…Nay ta xem lai di
ảnh Nhà Giáo- cư sĩ Hoàng Thị Kim Cúc (1913- 1989) thì đúng là Cúc có khuôn mặt
chữ ĐIỀN phúc hậu.
Trang mạng Diễn Đàn Kiến Thức/Việt Nam: Không phải tả khuôn mặt
người
Đã có rất nhiều bài viết trao đổi về câu thơ “Lá trúc che ngang mặt
chữ điền” trên mặt báo. Để trả lời câu hỏi “mặt chữ điền” là gương mặt của ai?
Mặt cô gái hay chàng trai, cho đến nay dường như vẫn chưa thật thỏa đáng. Theo
tôi, nên đặt câu thơ vào chỉnh thể nghệ thuật Đây thôn Vĩ Dạ để xem xét sẽ thấy
đây là câu thơ tả cảnh thôn Vĩ chứ không phải tả mặt người.
Báo Ba Cây Trúc/ Châu Âu: là khuôn mặt của người xứ Huế
“Mặt chữ điền” của người xứ Huế là khuôn mặt rắn rỏi, đôn hậu.
Khuôn mặt ấy chỉ thấp thoáng sau lá trúc, là sự bộc lộ sự kín đáo, thâm trầm và
dung dị tính cách con người ở xứ kinh đô. Tôi còn thấy người dân Huế rất trọng
lễ nghĩa. Phải chăng chữ “che ngang mặt” dẫn người đọc đến tầng nghĩa này?
Cửa sổ, cành trúc, con thuyền, sông và trăng
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn hiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Khi mới nhận được sưu tập của người bạn tôi cứ tưởng đây là chuyện
đùa lắm công phu, nhưng người bạn bảo tôi cứ lên mạng mà gõ “Lá trúc che ngang
mặt chữ điền” thì ra hết. Tôi đã lên mạng và ngẩn ngơ không tin là sự thực. Văn
hóa Việt Nam thê thảm đến vậy sao?
Chỉ một câu thơ tả cảnh mà cả nước tin rằng văn học Việt Nam dùng
chữ điền để diễn tả khuôn mặt của người con gái, một điều hoàn toàn phản lại
văn hóa Việt (Nguyên mẫu chữ “điền” trong tiếng Hán: 田, vẽ hình một thửa ruộng hình vuông có 4 ô ).
Khởi đầu chỉ là do ông viết sách dạy văn lớp 11 không có trình độ
văn hóa. Người viết sách này xuất thân là một trong 48.200 “ông đội cải cách
ruộng đất” năm 1954. Những ông đội này thuộc thành phần vô sản nhưng cũng là
thành phần vô học. Những người vô học mà lại viết sách dạy học trò thì trình độ
của học trò sẽ như thế nào?
Đau lòng là ở chỗ cả nước không ai lên tiếng chỉnh lại sai lầm này.
Nghĩa là các học giả, các nhà trí thức Việt Nam bỏ mặc trình độ hiểu biết của
dân chúng và của học sinh, sinh viên; để cho những tay vô học tự động vẽ rồng
vẽ rắn cho kiến thức của các thế hệ tương lai.
Trình độ thưởng thức kịch nghệ, thi văn, hội họa hay âm nhạc nếu có
tệ hại thì đã là bất hạnh. Nhưng trình độ lý luận khoa học mà yếu kém thì sẽ
dẫn cả dân tộc đi xuống hố, bởi vì mọi đường lối, mọi chính sách của quốc gia
trở nên tốt hay xấu đều do đầu óc lý luận mà ra. Cả nước tin rằng người xưa
dùng cái hình vuông để diễn tả khuôn mặt cô gái đẹp là hoàn toàn phản lý luận.
Vậy mà đã có nhiều triệu học sinh Việt Nam đã chấp nhận sự phi lý này mà không thắc mắc. Trong khi đó có
nhiều “học giả” thắc mắc nhưng cuối cùng cũng đi tới kết luận rằng “tuy vô lý
nhưng thôi đành chấp nhận”. Không ai thử phân tích thêm một chút đề thấy rằng
đây là đang tả cảnh, không hề có tả người. Một khi đã bác bỏ chuyện tả người
thì chuyện khuôn mặt tròn hay vuông trở thành chuyện tào lao. Chứng tỏ các học
giả không có khả năng lý luận, tức là học giả dổm.
Nhà thơ Du Lam đã nói rất chân thật về tư duy của con người sống
trong chế độ Cộng sản: “Người ta bảo căm thù thì căm thù, người ta bảo đi bắn
giết thì đi bắn giết; chứ không biết vì sao căm thù, vì sao bắn giết”. Còn ở
đây thì người ta bảo cái mặt cô gái đẹp hình vuông thì tin rằng khuôn mặt hình
vuông là khuôn mặt đẹp.
Từ trình độ hiểu biết của học trò Việt Nam, suy ra trình độ của các nhà lãnh đạo có xuất thân là học trò của
những ông đội cải cách. Ông thầy đã vô học thì học trò ở trình độ nào? Có nên
tin tưởng vào những nhà lãnh đạo vô học hay không?
Nếu không nên tin thì đừng bàn về những việc làm giỏi hay dở của họ
nữa.
BÙI ANH TRINH
No comments:
Post a Comment