Thursday, June 30, 2016

BUỒN VUI CÁN BỘ CÓ NHAU (5)



(Xin bấm vào những chữ đỏ để tham khảo)

Các anh chị thân mến,

Có khoảng hơn 20 người đã đén đến nhâm nhi cà phê vào sáng Thứ Bảy vừa qua (25 tháng 6, 2015) tại Café XDNT, trong đó có 2 nghệ sĩ cổ nhạc (bạn của anh Trần Kim Vinh) là anh Văn Sửu và Kim Nguyên, cùng một người bạn của anh Phạm Đức Vượng là anh Trần Minh, mà anh Vượng nickname là.. “Minh Khố Chuối”. Ngoài ra còn có anh Phùng Ngọc Tường, lần đầu tiên ghé quán.

Tuy chuyện trò huyên thuyên, nhưng anh em cũng không quên những đồng đội của mình đang bị bệnh;  nên sau khi tan “chầu”, một số anh em đã đến thăm 2 người bạn:

·        Vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày,  anh chị Trần Kim Vinh, anh Kim Nguyên và anh Đình Ruân đến thăm anh Nguyễn Trọng Tài, ngưòi vẫn nằm hôn mê tại tư gia 1878 Girard Dr, Milpitas, CA 95035.  Chị Tài đã nghỉ làm để săn sóc cho anh, chị còn trải một tấm nệm bên giường của anh trong phòng khách, để được gần gũi với anh hơn.   Thỉnh thoảng chị cũng đã nói chuyện với anh; hy vọng là anh vẫn còn nghe.

·        Một lúc sau, tôi cũng đã đến thăm Tài, người mà tôi đặt tên là “Tài Loi”, từng làm phóng sự truyền hình với tôi trên chương trình “Nông Thôn Vùng Dậy” của Bộ XDNT.  Nhìn thấy thằng bạn mình nằm bất động, tôi mủi lòng, nên ghé nằm bên nó, một biểu tượng “chung vai sát cánh” với người bạn thân nhất của mình lần cuối cùng, để nhớ lại ngày nào anh Nguyễn Văn Nghị (Sở Tâm Chiến) thường gọi hai đứa tôi là… “Hiền-Tài” . Thật khó có ai tưởng tượng nổi một tài tử đẹp trai như “Jackie Chan” bây giờ lại nằm cứng đơ như một xác ướp Ai Cập.   
 ·        Vào buổi chiểu cùng ngày, gia đình anh Đặng Đình Nhu, cựu Chánh Sở Tâm Chiến, Nha Cán Bộ,  từ Sacramento, đã đến thăm Tài, một cựu nhân viên của anh được bằng tưởng lục nhiều nhất tại Bộ XDNT. 

·        Ngày hôm sau, anh Phạm Đức Vượng cũng đến thăm Tài, nhưng theo lời anh, thì Tài chẳng còn biết gì cả.  Cách đây khoảng 2 tháng, Tài hỏi anh Vượng là có cần phụ tá nắn xương cho phòng mạch Chiropractic của anh hay không; và anh Vượng cũng đã tặng anh một cặp bi tập tay (Chinese Baoding balls) để anh luyện thêm tay trước khi nhận đơn; nhưng bây giờ thì coi bộ không xong rồi!

·        Thứ Sáu này, chị Hình Thế Lục cũng sẽ từ Nam Cali lên gặp đồng nghiệp cũ của mình ở Sở Tâm Chiến. Chị Lục tính 2 tuần nữa mới lên San Jose, nhưng nghe nói Tài khó có thể cầm cự được lâu, nên đã thực hiện chuyến viếng thăm “đột xuất” vào ngày mai.

·        Hôm Thứ Tư, 29 tháng 6, anh Trần Văn Khánh đến thăm Ngô Đình Ngân tại Vasona Creek Healthcare Center, (số 16412 Los Gatos Blvd, Los Gatos, CA 95032 (Phòng 217) với một khay thức ăn và thức uống đầy ắp.    Nghe Khánh kể lại thì hình như Ngân hơi bị đãng trí, vì cứ hỏi đi hỏi lại cậu con trai Peter một câu mà Ngân vừa hỏi trước đó vài phút.  Tuy nhiên, tình trạng của Ngân có dấu hiệu lạc quan, vì chàng có thể nói chuyện và ăn uống được bình thường; riêng Tài thì chỉ còn biết cầu nguyện xem “phép lạ” thôi. 

·        (Xin bấm vào “BUỒN VUI 5” để xem thêm hình ảnh sinh hoạt của Café XDNT).

Bây giờ xin được thông báo và nhắc nhở quý anh chị một vài tin đáng quan tâm: 

1.     Thứ Sáu và Thứ Bảy tuần này sẽ là tang lễ của Niên Trưởng Nguyễn Quang Chiểu.  Đại diện của Cán Bộ XDNT là anh Ngô Minh An sẽ cùng một số anh em đến tham dự tang lễ của anh Chiểu, theo chương trình tang lễ:
·        Thứ Sáu: (1 tháng 7, 2016):
Lễ Phát Tang lúc 1:00PM
Lễ Thăm Viếng : từ 1 :100PM đến 8 :00PM
·        Thứ Bảy : (2, tháng 7, 2016)
Thành Lễ An Táng lúc 6 :30AM tại Thánh Đường Saint Barbara: 730 S. Euclid St. Santa Ana, Ca 92740.

Quý anh chị nào:
·        Muốn tháp tùng anh Ngô Minh An xin liên lạc (714) 414-5081. 
·        Muốn biết thêm chi tiết, xin bấm vào RIP: NT. NGUYỄN QUANG CHIỂU) hoặc liên lạc anh Chính Nguyễn (714) 824-0917, or email: cducnguy@yahoo.com.

2.     Quán chủ Café XDNT Phạm Quang Mỹ cho biết, một thành viên của quán là anh Huỳnh Xồi đã “đậu” quốc tịch Hoa Kỳ trong kỳ thì ngày Thứ Hai, 27 tháng 6, năm 2016.  Để chúc mừng anh Xồi, và để mừng ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ, Café XDNT sẽ tổ chức một buổi “Tiệc Potluck” vào lúc 9 giờ sáng Thứ Bảy, 2 tháng 7 năm 2016.  Mời quý anh chị đến tham dự đông đủ tại 3494 Senter Rd. San Jose, 95111.


Thông báo và thân mời,
San Jose June, 23, 2016
Café XDNT

CHỮ NGHĨA



CHUYỆN PHIẾM của Hoàng Kim Châu
         Trong ngôn ngữ Việt Nam có nhiều tiếng (để nói) và nhiều chữ (để viết) là chữ kép, tức hai chữ đi liền nhau mà chúng ta nghe và viết đã quá quen dù là danh từ, động từ hoặc tĩnh từ…Xin đưa ra vài ví dụ về danh từ như những chữ họ hàng, bà con, bạn bè, chợ búa, thuốc men…động từ như ăn nói, nói năng, viết lách…tĩnh từ như vui vẻ, sạch sẽ, mát mẻ...       
Hãy xét danh từ “họ hàng”. Khi nói hay viết hai chữ “họ hàng” thì chúng ta nghĩ ngay đến những người có liên hệ gia tộc với nhau. Nói hay viết “ông A có họ hàng với bà B” thì chúng ta đều hiểu rằng hai người này là “bà con” (lại một chữ kép nữa) với nhau dù là “bà con” xa hay gần. Nếu tách riêng hai chữ “họ” và “hàng” ra thì ta vẫn có thể dùng chữ “họ” chứ không ai dùng chữ “hàng” để nói đến những người có liên hệ gia tộc với nhau. Ta có thể nói: “Anh ấy có họ với tôi” chứ không thể nói “Anh ấy có hàng với tôi” được (trừ khi nói: người trong Nam nhận họ, kẻ ngoài Bắc nhận hàng!). Cho nên khi có một danh từ kép như hai chữ “họ hàng” chẳng hạn thì ta có thể dùng cả hai chữ “họ hàng”, họăc một chữ đầu “họ”, mà không ai dùng chữ sau “hàng”. Lại nữa, ta nói “nó và tôi có họ với nhau” chứ không ai nói “nó và tôi là họ với nhau”. Còn hai chữ “bà con” cũng không giống trường hợp hai chữ “họ hàng”. Ta có thể nói “ Anh và tôi là bà con với nhau” chứ không nói “Anh và tôi là bà với nhau” hoặc “Anh và tôi là con với nhau” được! Thật là rắc rối! Không hiểu các nhà ngôn ngữ học giải thích thế nào đây?

Chắc chắn nhiều lần chúng ta nghe người quanh ta nói những câu rất thông thường như “chợ búa hôm nay ế ẩm” hay “hôm nay chưa chợ búa gì cả”. Phân tích hai câu trên cũng nhận ra được nhiều điều thú vị trong ngôn ngữ Việt Nam mà hàng ngày ta vẫn sử dụng. Một bà bán hàng trong chợ gặp hôm ế ẩm thì than rằng “chợ búa hôm nay ế ẩm quá!”. Một bà bận bịu chưa đi chợ được thì than: “chưa chợ búa gì cả!”. Ta lưu ý trong ví dụ thứ hai không có chủ từ đứng ở đầu câu mà cũng không có động từ “đi” như khi ta nói “ mẹ tôi đi chợ”. Các bạn có bao giờ nghe một người phát biểu như thế này chưa “Sáng nay chị tôi đi chợ búa rất sớm”? Câu này nghe ra hình như hơi nghịch nhĩ. Cho nên phải nói: “ Sáng nay chị tôi đi chợ rất sớm”. Điều thú vị nhất của hai chữ “chợ búa” là để cái “búa” phía sau cái “chợ” thì thành  “phiên chợ, họp chợ, đi chợ…” nhưng nếu sáng sớm ra đường mà gặp một người đẹp phán cho câu “Sáng nay chưa búa gì cả” thì phải nhanh chân lẹ cẳng mà chạy kẻo không thì ăn cái búa là cái chắc. Một lần nữa xin các nhà ngôn ngữ học giúp cho!
         Nhà nghèo, không có tiền mua thuốc cho con bị bệnh, người mẹ than: “không tiền thuốc men e khó qua khỏi…” Một anh chồng bị bệnh mà lười không uống thuốc thì bị chị vợ phán: “đồ lười biếng, không chịu thuốc men gì cả, cho mày chết luôn!”. Ta cứ cho rằng chữ men đứng sau chữ thuốc là một danh từ thì, thứ nhất là chất men dùng để tráng bên ngoài như men răng men sứ, thứ hai là chất men trong các loại rượu và bia. Với chất men thứ nhất, có thể nào trong thuốc có chất men khi uống vào nó sẽ tráng các chỗ bị đau được lành chăng? Nghe không ổn phải không các bạn? Còn chất men thứ hai, nếu tôi là chị vợ trong ví dụ trên thì khi gặp anh chồng lười biếng, tôi không cho anh ta uống thuốc, cũng không cho uống thuốc men mà chỉ cho anh ta uống men mà thôi. Lúc ấy anh ta sẽ khỏe ngay, ngồi dậy và chạy ra khỏi nhà để đi mua thêm men.

Chữ “bạn bè” thì cách nay ít lâu tôi có đọc được mấy email với nội dung có liên quan đến hai chữ bạn bè. Email thứ nhất của anh A (xin giấu tên) gửi cho anh B nhờ giúp một việc, email này được gửi đồng thời cho nhiều người. Anh C đọc được email của anh A không bằng lòng nên bèn hỏi anh A tại sao lại phải nhờ anh B làm chuyện như vậy. Anh A bèn trả lời là giữa anh và anh B là chỗ “bạn bè”. Rắc rối bắt đầu ở chữ “bè”. Anh C xài xể anh A một tăng vì theo anh thì chúng ta chỉ là bạn với nhau chứ không thể nào là “ bè”. Mà đã là “bạn” thì không có “bè”, còn có “bè” thì không là “bạn”. Cũng theo anh C, “bạn” thì OK, chứ “bè” thì không được. Anh giải thích thêm “bè” là “bè lũ” “bè đảng” “kết bè kết lũ”, ý nói không tốt. Không hiểu các “bạn” nghĩ sao? Riêng kẻ viết bài này có rất nhiều “bạn”, nhưng nhiều lúc vẫn sử dụng chữ “bạn bè” lúc nói cũng như khi viết. Điều đó không có nghĩa là kẻ này “kết bè, lập bè ” với nhau để làm “chính chị chính em” gì cả. Nếu cứ cho rằng “bạn bè” ở cái nghĩa không tốt thì chắc chắn sẽ oan cho nhiều người lắm, trong đó có kẻ viết phiếm này.

          Về động từ, xin đề cập đế các chữ “ăn nói” và “nói năng”.  Trong động từ ăn nói, ta thấy có chữ ăn và nói. Ăn là một động từ, nói cũng là một động từ. Nếu tách riêng thì hai hành động ăn và nói hoàn toàn khác nhau. Nhưng hai chữ đứng chung lại thì chỉ có một nghĩa. Thí dụ ta nói “Cô Minh có khiếu ăn nói”, tức là cô Minh nói khéo nói hay…chứ không phải vừa ăn vừa nói…Còn động từ nói năng cũng đặc biệt ở chỗ, nói là một động từ, còn chữ năng thì về phương diện văn phạm, cá nhân tôi không biết phải xếp vào “tự loại” nào? Về chữ nghĩa dân gian, ta có hai chữ “ăn nói” và “nói năng” . Nhưng về ý nghĩa thì theo thiển ý, hai chữ này hoàn toàn khác nhau. Khi đề cập đến một người có tài “nói” người ta phát biểu “Cô ta là người ăn nói có duyên”, còn đề cập đến một người nói không đâu ra đâu thì “Cô ta nói năng không đầu không đuôi…” Nói và Nói Năng như vậy không cùng diễn tả tính cách của hành vi nói. Hai ví dụ sau đây cho thấy sự khác biệt. Ví dụ 1: “Ông ấy nói rất hấp dẫn”. Ví dụ 2: “Ông ấy nói năng chẳng ra ngô ra khoai gì cả”. Ta không thể nói: “Ông ấy nói năng rất hấp dẫn” nhưng ta có thể nói: “Ông ấy nói chẳng ra ngô ra khoai gì cả”. Điên cái đầu phải không các bạn?

Động từ “viết lách” mới là hay! “Viết” là động tác cầm bút (bút chì hay bút mực gì cũng OK) để viết trên giấy, trên những tấm check…” Khi chúng ta còn đi học, mài đũng quần trên ghế các nhà trường tiểu học, trung học, đại học, huấn luyện hoặc trong tù "cải tạo" thì chúng ta có quyền và bổn phận phải “viết”. Khi còn ở bậc tiểu học, mỗi tuần có hai giờ tập viết, nghĩa là viết nắn nót, viết cho đẹp, cho ngay hàng thẳng lối. Nhưng khi lớn lên rồi thì đi làm kiếm tiền để dắt đào đi ăn cà rem hoặc đi coi chớp bóng, không muốn sống độc thân thì kiếm tiền cưới vợ rồi nuôi con. Có nhiều nghề để làm, đi vào quân ngũ cũng lãnh lương hàng tháng, coi như đi làm, làm lính làm quan. Có người lại thích làm cái nghề “viết lách”. Không ai bảo làm nghề “viết” mà phải gọi là “viết lách” mới hay cơ!   Nhà văn, nhà thơ, nhà báo …thuộc vào loại những người “viết lách”. Nếu ta thỉnh thoảng viết vài ba lá thư gửi cho đào nói chuyện buồn chuyện vui rồi thêm vào dăm ba câu “tán tỉnh tình tứ” cũng chỉ gọi là “viết” chứ không gọi là “viết lách” được. Khó là ở chỗ đó! Vì “viết lách” đâu phải là chuyện dễ! “Viết” cho đào hay cho người quen đọc thì không có vấn đề vì chỉ có một người đọc mà thôi, nhiều lúc
một mình trốn vào nơi kín đáo mà đọc. Còn “Viết lách” là “viết” cho nhiều người đọc, nhất là mấy cái ông thuộc trường phái kiểm duyệt thì đọc rất kỹ. Chẳng những thế, mấy ông này còn đặt bài của người ta lên kính hiển vi  loại  “cực kỳ xúp-pờ” mà soi nữa. Soi qua soi lại thế nào cũng thấy có điều này điều nọ gây ra bịnh “dị ứng” hoặc bịnh “nhạy cảm” để rồi phán  “viết không đúng lề!”. Chuyện này thường xảy ra dưới bầu trời báo chí, văn học nghệ thuật xã-hội-chủ-nghĩa (có người bảo xú-heo-chó-ngựa). Vì vậy mấy vị cầm viết phải “viết lách” là đúng!. Vừa “viết” vừa “lách” để khỏi đi trật đường mòn xú-heo-chó-ngựa. Nhưng cũng có nhiều người cầm bút “viết” mà không “lách” nên họ bị chận đường hành hung, gây tai nạn, vứt chất bẩn vô nhà rồi còng tay nhốt vô tù. Những năm gần đây có nhiều vị “viết” mà không “lách” này được các tổ chức về nhân quyền trao tặng giải thưởng “viết” mà không “lách”, trong đó có nhiều vị nữ lưu đang còn ở Việt Nam. Thật đáng phục!

          Giờ thì đề cập đến vài tĩnh từ cho đủ phần “chuyện phiếm”. Ba tĩnh từ nêu ở phần đầu là vui vẻ, sạch sẽ, mát mẻ. Lưu ý là ba tĩnh từ này đều có âm “e” đứng ở chữ thứ nhì (vẻ, sẽ, mẻ). Ta đưa ra ba thí dụ để thấy chữ nghĩa Việt Nam không đơn giản chút nào. Thí dụ 1: “buổi họp mặt rất vui vẻ”, cũng có thể nói “buổi họp mặt rất vui”. Thí dụ 2: “Căn phòng này rất sạch sẽ” hoặc “căn phòng này rất sạch”. Thí dụ 3: “Thời tiết hôm nay mát mẻ” hoặc “thời tiết hôm nay mát”. Vậy thì, có thể nào tạm kết luận rằng khi có một tĩnh từ “kép” thì chúng ta có thể dùng cả hai chữ để diễn tả tính chất của sự việc họăc chỉ dùng chữ đứng đầu của tĩnh từ kép ấy mà không làm sai lệch ý nghĩa. Ngược lại chưa bao giờ nghe ai nói “buổi họp mặt rất vẻ”, “căn phòng này rất sẽ” hoặc “thời tiết hôm nay mẻ”. Nếu “nói năng” như thế e có người bảo ta bị “điện không nặng”.

          Kẻ viết bài này định kết thúc câu chuyện phiếm chữ nghĩa ở đây nhưng bỗng nhớ đến hai tĩnh từ rất hay và có phần thú vị. Đó là các chữ “trẻ” và “trẻ trung”. Hãy xem vài ví dụ. 1/Anh Tâm là một người rất trẻ. 2/ Khi còn trẻ, cô Mai hát rất hay. 3/Buổi sinh hoạt hôm nay dành cho các bạn trẻ. 4/Tính của ông Nam rất trẻ trung”. Trong ba ví dụ trước, chữ trẻ nói đến những người còn ở trong độ tuổi thiếu niên, thanh niên, thanh nữ. Ở ví dụ sau cùng, hai chữ trẻ trung nói đến một người có thể đã ở độ tuổi
“lục tuần thất tuần” nhưng tính tình, lối nói chuyện, cách giao tiếp của ông ta giống như những người đang còn trẻ tuổi vậy. Để kết luận : chữ trẻ nói về người trẻ, chữ trẻ trung để chỉ các vị già. Già mà trẻ trung thì vẫn có thể gọi bằng anh cũng được. Anh già. Nếu quý vị thuộc phái nữ thì gọi là “chị già” nhưng sau khi phán hai chữ “chị già” thì phải tìm đường mà “chẩu”, kẻo không “chị già” sẽ phán “sáng giờ chưa búa ai” liệu hồn!!!

Hoàng Kim Châu

"RANH" NGÔN CỦA "RANH" NHÂN



After marriage, husband and wife become two sides of a coin ; they just can't face each other, but still they stay together. (Al Gore)
Sau đám cưới, zợ chồng trở nên như hai mặt của đồng xu. Họ không thể đối  diện nhau,  nhưng vẫn sống chung với nhau

A good wife always forgives her husband when she's wrong. (Barack Obama)
Người zợ tốt là người tha thứ cho chồng mình khi bà ta sai trái. 

First there’s the promise ring, then the engagement ring, then the wedding ring... soon after.... comes “Suffe…ring !”(Jay Leno)
Trước là nhẫn hứa hôn, rồi nhẫn đính hôn, rồi nhẫn cưới, sau đó... là... nhẫn nhục!

I had some words with my wife, and she had some paragraphs with me. (Bill Clinton)
Tôi chỉ nói với zợ vài lời, mà bà ấy đáp lại bằng một bài diễn văn!

“Some people ask the secret of our long marriage. We take time to go to a restaurant two times a week. A little candlelight, dinner, soft music and dancing. She goes Tuesdays, I go Fridays.”(George W. Bush)
Có người hỏi bí quyết nào giúp cho zợ chồng tôi bền chặt thế, tôi nói rằng cứ mỗi tuần chúng tôi đi ăn nhà hàng hai lần, những bữa ăn có ánh nến lung linh, tiếng nhạc dặt dìu và cả khiêu vũ nữa. Có điều bà ấy thì đi ăn thứ Ba còn tôi thì thứ Sáu. 

“I don't worry about terrorism. I was married for two years.”(Rudy Giuliani)
Tôi có sợ khủng bố đâu nà, vì tôi đã lấy zợ được 2 năm rồi còn gì.

My wife and I were happy for twenty years. Then we met. (Alec Baldwin)
Tôi và zợ đã sống vui vẻ trong suốt hai mươi năm cho đến khi chúng tôi gặp nhau.

There's a way of transferring funds that is even faster than electronic banking. It's called marriage.”(Michael Jordan)
Cách chuyển tiền nhanh còn hơn cả “gởi tiền lẹ”... đó chính là hôn nhân !

"I've had bad luck with all my wives. The first one left me and the second one didn’t. The third gave me more children!”(Donald Trump)
Tôi gặp toàn chuyện xui trong hôn nhân. Bà zợ đầu bỏ tôi còn bà thứ hai thì không. Bà thứ ba cho tôi thêm một đứa con nữa! 

Two secrets to keep your marriage brimming: 1. Whenever you're wrong, admit it. 2. Whenever you're right, shut up. (Shaquille O’Neal)
Hai bí quyết giúp cho hôn nhân khắng khít: 1. Luôn nhận mình là sai trái. 2. Còn khi bạn đúng thì nên câm họng.

You know what I did before I married? Anything I wanted to. (David Hasselhoff)
Bạn biết trước khi lấy zợ tôi làm được chuyện gì không? Làm hết mọi thứ tôi muốn.

The most effective way to remember your wife's birthday is to forget it once... (Kobe Bryant)
Cách nhớ ngày sinh của zợ hiệu quả nhất là cứ giả bộ quên một lần. 

Marriage is the only war where one sleeps with the enemy. (Tommy Lee Jones)
Hôn nhân là cuộc chiến duy nhất mà trong đó hai kẻ thù ngủ chung với nhau. 

A man inserted an 'ad' in the classifieds: “Wife wanted”. Next day he received a hundred letters. They all said the same thing: “You can have mine.” (Brad Pitt)
Mộ ông đăng báo: “Tìm zợ”. Ngày hôm sau ông ta nhận cả trăm lá thơ hồi đáp, tất cả đều viết cùng một nội dung: “Ông có thể lấy zợ tôi!”

First Guy (proudly): “My wife's an angel!” Second Guy: “You're lucky, mine's still alive.” (Jimmy Kimmel)
Ông thứ nhất khoe: “Zợ tôi là một thiên thần”. Ông thứ nhì nói: “Vậy ông may mắn đấy, zợ tôi thì vẫn còn sống nhăn mới chết chứ”. 

“The great question...which I have not been able to answer...is: ‘What does a woman want?’”(George Clooney)
Câu hỏi hóc búa nhất... mà tôi chưa có câu trả lời... đó là “Đàn bà họ muốn cái gì?”

“Woman inspires us to great things, and prevents us from achieving them.” (Mike Tyson)
Đàn bà gợi hứng cho chúng ta làm những việc vĩ đại, đồng thời họ lại ngăn cản chúng ta đạt được những điều đó.

By all means marry: If you get a good wife, you'll be happy. If you get a bad one, you'll become a philosopher. (Socrates)
Kết quả của hôn nhân: Hên gặp zợ tốt thì zui; còn sui thì sẽ trở thành…triết gia. 

When a man steals your wife, there is no better revenge than to let him keep her. (Lee Majors) 
Nếu có tên nào cướp zợ mình, thì cách trả thù độc ác nhất là để cho hắn giữ bà ấy.

VỊNH CÁI CẦU AO

SẦU RƠI TÓC TRẮNG



MÃO:
Lòng không muốn sống xa nhà
Nhưng trời bắt tội tuổi già biết sao!

 Đêm bệnh viện, sầu tơi trên tóc trắng,
 Người già nằm, bóng hạc lắng chiều sương, 
 Mắt ngu ngơ như nắng lỡ độ đường,
 Nhìn con gái dựa bên giường gà gật.

Đầu ngật ngầy váng vất,
Thương con mình tất bật ngược xuôi,
Mấy ngày qua luôn túc trực không rời,
Đến tối mịt mới về nơi tổ ấm.

 Bàn tay già chầm chậm,
 Thờ thẩn nắm tay con.
 Từ rãnh mắt xoáy mòn,
 Giọt thương cảm lăn tròn theo vết cũ.

 Khuya rồi đó, sao con chưa về ngủ,
 Chuyện tuổi già, con ủ rũ làm chi.
 Chín mươi rồi, Bố chưa bị cất đi,
 Mình may mắn, có gì mà áo não.

 Hãy để Bố vào ở nhà dưỡng lão,
 Như mọi người vừa khuyên bảo sáng nay,
 Vì một mai khi rời khỏi nơi đây,
 Khó khăn sẽ theo tháng ngày dai dẳng.

 Bố không muốn mình trở thành gánh nặng,
 Để cho con phải lo lắng miệt mài
 Đời con còn nhiều trách nhiệm trên vai,
 Đâu có thể chực chầu hoài sớm tối.

 Thân gầy còm yếu đuối,
 Sao kham nổi đường xa.
 Thêm việc sở, việc nhà,
 Chuyện con cái, dễ gì mà vất bỏ.

 Người già thường cau có
 Nằm liệt giường, càng khó tính gấp trăm.
 Dù cho con chẳng quản ngại nhọc nhằn,
 Nhưng chịu đựng tháng năm dài sao thấu.

 Bố vẫn muốn sống đời bên con cháu,
 Dẫu cơ hàn, mà rau cháo có nhau.
 Bao năm qua mất Mẹ , bấy năm sầu,
 Bố gượng sống với niềm đau lẻ bạn.

 Buồn nhớ lại ngày vượt biên hoạn nạn,
 Bỏ quê nhà, chấp nhận vạn gian truân,
 Chết trong tay đã nắm chặt chín phần.
 Mạng sống chỉ ngàn cân treo sợi nhỏ.

 Con thuyền khốn khổ,
 Sóng gió tả tơi,
 Phút chót đã kề nơi,
 Lối định mệnh, ai người sống sót.

Tưởng chỉ được nhìn Mẹ, con lần chót, 
Nhưng Trời thương cho trót lọt qua đây,
Trong khi bao người biển cả vùi thây,
Giờ sao nữa, chẳng mảy may tiếc rẻ.

 Bố chỉ hận mình không còn sức khỏe,
 Đở đần con việc lẻ tẻ hôm mai,
 Để chiều về, con bớt phải loay hoay,
 Được yên nghỉ sau ngày dài kiệt sức.

Khi bị đẩy vào trong phòng hồi lực,
Bố biết mình gần tới lúc xuôi tay.
Dù thoát nạn hôm nay,
Đời cũng phải rẽ ngay vào lối ngoặc.

Bố tự biết như ngọn đèn sắp tắt,
 Nên cố tình bẳn gắt mấy ngày qua.
 Nếu chẳng may phải theo gót ông bà,
 Con cũng đở xót xa giờ đưa tiễn.

Mai kia rời bệnh viện,
Con đừng bịn rịn xót xa,
Hãy nghe lời y tá dặn ngày qua,
Mà đưa Bố thẳng ra nhà dưỡng lão.

 Cuộc sống mới dù là mưa hay bão,
 Bố không buồn,tự bảo vẫn còn may,
 Vì biết rằng, chỉ quanh quẩn đâu đây,
 Con cháu Bố đang vui vầy hạnh phúc.

Rồi sẽ có những buổi chiều hun hút,
Bố nặn dần từng phút ngóng người thân.
Nhưng rủi con chẳng tới được một lần,
Bố cũng hiểu, đừng bận tâm ray rứt.

 Bố không ngại chặng cuối đời khổ cực,
 Nhìn thấy con hạnh phúc, Bố vui lòng.
 Tuổi đã nhiều, phận Bố thế là xong,
 Con phải sống cho chồng, cho con cái.

Hứa với Bố, con sẽ không buồn mãi,
Nếu mai này, khi Bố phải ra đi,
Mà con không kịp đến lúc phân kỳ,
Nói cùng Bố lời chia ly vĩnh viễn.

 Đêm trơn giấc, người con rời bệnh viện,
 Đôi mắt già quyến luyến vọng đưa chân.
 Trong ký ức phai dần,
 Khuôn  mặt những người thân vùng hiển hiện.

Lòng chợt thoáng bùi ngùi khi nghĩ đến
Phút lên đường, theo ước nguyện ba sinh,
Chân bơ vơ trong tăm tối một mình,
Mò mẫm lối hành trình về thiên cổ.

Không rõ tác giả

TỬ TẾ



Một ngày nọ, người đàn ông tên Walt đến thị trấn công tác. Tại sân ga, ông gặp một cậu bé đánh giày, cậu hỏi: “Thưa ngài, ngài có cần đánh giày không ạ?”, Walt nhìn xuống chân thấy giày không quá bẩn bèn lắc đầu từ chối lời mời. 
Rồi anh hướng đến đoàn tàu chuẩn bị chạy, cậu bé đánh giày tỏ vẻ xấu hổ, trong tâm cậu lóe lên lời khẩn cầu, cậu vội nói: “Thưa ngài, cháu chưa được ăn gì cả ngày nay, ngài có thể cho cháu mượn chút tiền được không ạ? Cháu sẽ cố gắng đánh giày, một tuần sau cháu trả lại cho ngài!”.

Walt nhìn và thấy quần áo của cậu bé rách rưới, người gầy nhom, thế là ông liền rút trong túi ra và đưa cho cậu mấy đồng. Cậu bé đánh giày vô cùng cảm kích nói lời cảm ơn, rồi cậu chạy vội đi.
Walt nghĩ thầm: “Lại một tên lừa đảo trên đường phố…”Thế là sau một ngày thì ông quên ngay sự việc. 

Nhiều tuần lễ sau, Walt lại đi qua nhà ga đó, ông đột nhiên nghe thấy tiếng gọi từ xa: “Thưa ngài, xin chờ một chút ạ!”.Ông trông thấy cậu bé đánh giày gầy nhom hôm nọ, cậu bé đem tiền đến trả cho ông. Lúc này, Walt mới nhớ ra là cậu bé đánh giày đã vay tiền của mình. Cậu bé vừa nói vừa thở hổn hển: “Cháu ở đây đợi ngài đã lâu rồi, cuối cùng, hôm nay cháu cũng đã trả được tiền cho ngài!”. Walt đã cầm lấy đồng tiền đã ẩm ướt vì mồ hôi tay của cậu bé, đột nhiên ông cảm thấy, đứa bé này quả thật rất đặc biệt. Thế là một ý nghĩ chợt lóe lên, ông thấy cậu bé này rất phù hợp với nhân vật nam chính trong kịch bản phim của ông.
Walt vốn là một đạo diễn phim điện ảnh, lúc đó ông đang làm công tác chuẩn bị cho một bộ phim. Ông đã xem không dưới 100 đứa trẻ trong các trường học diễn để tuyển chọn, nhưng vẫn chưa hài lòng. Lúc này, ông phát hiện, cậu bé đánh giày này có thể là nhân vật nam chính trong kịch bản! Thế rồi, ông lấy mấy đồng tiền đưa cho cậu bé và nói: “Những đồng tiền lẻ này chú muốn đưa cho cháu, không cần trả lại. Ngày mai cháu đến văn phòng công ty điện ảnh trong thành phố tìm chú, chú sẽ tặng cháu một niềm vui vô cùng lớn.” Nói xong, Walt cảm thấy vô cùng ấm áp và rời đi, chờ đợi cậu bé đến. 
Hôm sau, bảo vệ của công ty điện ảnh báo cho Walt biết ngoài cửa có một đoàn những đứa trẻ ăn mặc rách rưới. Walt vô cùng kinh ngạc, ông đi ra cửa và nhìn thấy cậu bé đánh giày hôm qua chạy tới; với sự vui vẻ, cậu bé nói: “Thưa ngài, những đứa trẻ này cũng giống như cháu, không cha, không mẹ, là những đứa trẻ lang thang, chúng cũng muốn có được niềm vui lớn.” Walt không ngờ được tình huống này, một đứa trẻ nghèo lang thang nhưng vô cùng lương thiện. Sau một hồi quan sát, ông thấy cậu bé có một ít đặc điểm phù hợp với nhân vật nam chính trong kịch bản phim. Sau cùng, ông quyết định chọn cậu bé đánh giày thủ vai nam chính, hơn nữa còn ra quyết định không cần phải diễn thử: “Lương thiện không cần phải thi tuyển”.
Tên của cậu bé là Vinícius de Oliveira, là người mà đạo diễn Walt nổi tiếng đã gặp ở nhà ga. Bộ phim cậu bé thủ vai chính đã đạt hơn 50 giải thưởng. Sau này Vinícius de Oliveira cũng đã thành lập một công ty điện ảnh và trở thành chủ tịch, cậu còn viết một tự truyện “Cuộc đời diễn xuất của tôi”. Trên trang bìa cuốn sách, ông đặc biệt viết dòng bút ký: “Lương thiện không cần thi tuyển”, phía dưới ông lại viết: “Là vì tôi lương thiện, đem cơ hội nhường cho người khác, nhưng cũng bởi vì lương thiện, cuộc đời đã không quên tôi.”
Đây là câu chuyện có thật, một cậu bé đánh giày, bởi vì lương thiện, nên thành công đã tìm đến với cậu. Lúc đó cậu đem vận may của mình đi chia sẻ với người khác vô điều kiện. Cậu bé thiện lương như vậy nên đã diễn thành công nhân vật có tính cách tương tự, hơn nữa, vai diễn của cậu đã làm cảm động lòng người.

BUỔI ĐIỂM DANH CUỐI CÙNG



Tạp Ghi (Huy Phương)
Ngày mới bước chân đến Mỹ, với tuổi mới trên 50, lo chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái, tham gia niềm vui của con cháu mình và con cháu bạn bè, tháng nào chúng tôi cũng phải tham dự một hai tiệc cưới. Bây giờ suýt soát tuổi 80, sắp lên chức “cố,” cả năm không còn khăn áo chỉnh tề, lên xe “phó hội” ký tên vào sổ vàng, tươi cười đóng hụi chết, mà áo trắng, cà vạt đen, mặt mày buồn thảm đi viếng tang cũng khá nhiều. 

Bạn bè, đơn vị cũ, một thời chinh chiến hay là long nhong thời thơ ấu, ông thì nằm trong nhà hưu dưỡng đã hơn năm, ông thì đi gậy chống, walker hay ngồi xe lăn, ông thì đã thành tro bụi chứa trong cái hũ có khắc tên để trên chùa, hay ra nằm ngoài nghĩa địa với bia mộ đề tên!

Bây giờ không còn vào nhà hộ sinh để thăm cháu ra đời, hay chúc mừng hôn lễ của ai nữa, mà toàn đi nhà dưỡng lão, bệnh viện hay tang nghi quán!
Có người bạn mới gặp ở quán cà phê, tươi vui, yêu đời, vài hôm sau vừa nghe tin đột quỵ. Sau một vài tuần ở bệnh viện và trung tâm phục hồi trở về, bây giờ không còn nói được, tay chân lẩy bẩy, gặp nhau, ứa nước mắt, mà không khóc, sợ bạn buồn nản chí.
Trong nhà hưu dưỡng, đi thăm một người bạn khác, gặp một người bạn biến chứng tiểu đường, mắt đã mù, nằm ở đây đã bốn năm, còn nhớ tiếng nói của bạn mà mừng, nhưng không còn trông thấy nhau nữa. Rồi có người mang ống dẫn tiểu, có người mang tã, có người sống nhờ thức ăn chuyền thẳng vào bao tử, mà phải sống không chối từ, không thể dễ dàng chọn cái chết dù muốn chết.

Tôi cũng biết có trường hợp, anh nằm đây đã trên 10 năm, sau lần “tai biến.” Anh mở lớn đôi mắt nhìn tôi, anh nhớ tôi hay không, tôi không rõ, đôi mắt đờ đẫn, mệt mỏi, đầy những chịu đựng. Lần nào vào thăm anh, tôi cũng thấy chị ngồi đó, theo anh suốt một cuộc hành trình dài lâu, mà vẫn như đi một mình. Nhan sắc chị đã tàn phai, thân gầy như xác ve, sức tàn, lực kiệt. Chỉ sợ một ngày nào đó, chị ra đi, bỏ anh lại cho ai? Rồi một ngày, nghe tin anh mất, buồn, nhưng mừng cho chị, từ nay được giải thoát.
Nhưng chỉ ít lâu sau thôi, nghe tin chị cũng theo anh. Chút dầu còn lại trong cây đèn nhỏ đã cạn!

Tuần rồi vào bệnh viện thăm một thằng bạn thời niên thiếu, cái thuở bạn bè mùa Hè nào cũng rong chơi, tinh nghịch mà vô tư, có đêm ngủ lại nhà nhau, mà bây giờ nó nằm đó, hôn mê. Cũng một thời hạnh phúc, cũng một thời đau khổ, cũng vật vã trong chiến tranh, cũng tủi nhục trong tù đày, giờ này đâu còn gì vui buồn mang theo nữa. Thôi ra đi bình yên!

Những người lính cũ dự định tổ chức họp khóa, thời còn sung mãn, một năm một lần, bây giờ ba năm chưa muốn gọi nhau. Ngày trước tập họp vài ba trăm có dư, nay là vài ba chục cũng khó kiếm. Trong điện thoại, ở xa, có bạn nói thều thào không ra hơi, có anh điếc ù phải đeo máy, có người kêu than đau chân đi không nổi, thì làm sao mà họp khóa, điểm danh với anh em được. Ở gần thì đau mắt, không lái xe được, cũng có nhớ bạn thương bè, nhưng sức đã tàn, lực đã kiệt, cũng chẳng còn vui thú gì những lúc gặp gỡ anh em. Thôi đành một tiếng “xin lỗi” là xong!

Trước đó, thăm một anh bạn cùng khóa nhà binh, tuy già yếu, đau ốm trên giường bệnh, nhưng thấy còn lạc quan vui tươi: “Thế nào tháng sau, họp khóa, tôi cũng đến! Lâu quá không gặp anh em!” Lời hứa vui vẻ ấy không ngờ không bao giờ thực hiện được. Chúng tôi “họp khóa” năm ba thằng với anh tại nhà quàn trong ngày tiễn đưa. Rõ ràng là anh có hẹn với chúng tôi là anh sẽ đến, nhưng ở một nơi khác.

Hôm nay họp khóa, chị đã trở thành bà quả phụ, nhận bó hoa từ anh em, nhắc lại như một lời chia buồn. Lần “điểm danh” này, vắng mặt quá nhiều anh em, trong đó có anh. Vắng mặt có lý do - Miễn tố!

Quân số hôm nay đã hao hụt nhiều, phần lớn bất khiển dụng, hoặc được xếp loại 2, nhưng không bao giờ được bổ sung!

Chắc các bạn còn nhớ giờ điểm danh cuối cùng, hay là buổi chào cờ cuối cùng trong đơn vị vào cái Tháng Tư nghiệt ngã của đất nước, rồi anh em, mỗi người một nơi. Có anh em may mắn trôi giạt, sống sót đến xứ người, có người thất thân lâm cảnh tù đày. Đã có bao người chết trong trại tù hung hãn, bao nhiêu người chìm sâu xuống đáy biển oan khiên.

Bây giờ quê người lận đận, mà vẫn có đồng đội, rỗi công đi tìm người thất tán, tái cấu trúc, hay tái bố trí, gọi là đồng môn cùng quân trường, là khóa học, là binh chủng, là đơn vị! Họ gặp nhau, già yếu hơn xưa, tóc đã bạc phơ, câu chuyện ngày cũ, nhớ nhớ, quên quên. Họ gặp nhau mà nước mắt lưng tròng. Nhưng những lần tập họp thưa thớt dần, xa dần, mệt mỏi dần trong ngày tháng phai tàn.

Không phải là một lời nói bi quan, đây có thể là lần điểm danh cuối cùng. Ở tuổi ngoài bảy mươi, cuộc đời còn lại chỉ có thể tính bằng giờ. Nhiều đồng đội đã bỏ anh em đi xa, nhiều người đã không đến. Con số người mất cũng lớn bằng người còn. Răng, tóc, trí nhớ cùng với bạn bè đã bỏ chúng ta ra đi biền biệt.

Tướng MacArthur đã để lại một câu nói để đời: “Old soldiers never die; they just fade away” (Người lính già không chết; họ chỉ phai nhạt dần đi).
 
Tôi thích và yêu kính những người lính chết trận. Tôi không thích những người lính sống cũng như chết, sống như cái bóng ma. Phải có sự khác biệt của một người lính hy sinh trên chiến địa ngày xưa và một người lính cũ chết trong nhà dưỡng lão. Không thể coi họ như nhau.

Sống mà phai nhạt dần, cho đến một ngày nào đó, không ai còn nhớ đến mình nữa, thì cuộc đời này buồn biết mấy!
Mà thôi, chuyện gì rồi cũng qua, cái gì rồi cũng đến!

KIỂU MỸ



Lâu nay, bà Ann LePage, đệ nhất phu nhân tiểu bang Maine, sống một cuộc đời ẩn dật khi bà làm việc trong  những tuần lễ đầu tiên của công việc mà bà mới tìm được vào đầu Hè vừa qua. 

Nhưng sau đó, trong một cuộc họp ở tòa thị chính Maine, chồng bà là Thống Đốc Paul LePage, thuộc đảng Cộng Hòa, nói với hội chúng rằng vợ ông vừa kiếm được một việc làm để phụ giúp cho số lương ít ỏi của ông là 70,000 mỹ kim một năm, tức là mức thấp nhất của một thống đốc Mỹ. (Mức lương trung bình của một người dân ở Maine là 78,000 USD.

Gia đình ông LePages có 1 con chó tên Veto.  Họ sống trong tại dinh Thống Đốc, và 2 năm trước họ tậu được một căn nhà ở Boothbay, trị giá khoảng 215,000 mỹ kim. 

Mới đây ông LePage đã thất bại trong việc tìm cách nâng số lương của mình lên mức thấp nhất của các thống đốc thuộc 50 tiểu bang Hoa Kỳ, là 130,000 mỹ kim một năm; vì thế bà Ann LePage phải đi làm bồi bàn để kiếm thêm lợi tức cho gia đình.

Vào mùa hè năm ngoái Con gái của bà là cô Lauren phải đi làm tại tiệm ăn  McSeagulls Restaurant, và bà nói với con gái là bà muốn làm tại quán ăn này.

Bà LePage nói bà phải săn sóc cho mẹ già của mình bị bệnh sơ cứng da (scleroderma) trong vòng 2 năm, trước khi bà mẹ qua đời vào tháng 10 năm ngoái.

Trong bộ đồng phục mầu đen và đôi giầy mầu hồng dành cho các bồi bàn tại quán ăn McSeagull, bà LePage thường vui vẻ chào đón những khách hàng. 

Vì muốn để dành tiền để mua một chiếc Toyota RAV4 trị giá khoảng 25,000 mỹ kim, nên bà đã làm việc tại quán này mỗi tuần 3 ngày, bất kể giờ giấc.

Bà không hề nói bà là đệ nhất phu nhân Maine, ngoại trừ trường hợp họ hỏi bà là ai.

Thế nhưng, vào hôm Thứ Năm vừa qua, một phóng viên đã tiết lộ thân thế của bà, xóa tan ngờ vực của thực khách. 

Cô Nina Stoddard, một cư dân Bridgton, thuộc đảng Cộng Hòa nói rằng, cô thấy bà LePage quen quen, nhưng không biết gặp ở đâu;  vì thế cô cứ chằm chặp nhìn bà, tự nghĩ chẳng nhẽ một người trông sang trọng như bà lại đi làm bồi để kiếm tiền sao. 

Bạn của cô là Laurie Green ở Casco nói rằng: cô rất ghét những chính trị gia tỏ ra ta đây giầu có; họ không hề biết người dân bình thường sống như thế nào, không bình dị như bà LePage. 

Cô Stoddard đồng ý với lời bình luận của cô bạn.  Cô nói nếu bà LePage ra ứng cử thì cô là người đầu tiên bỏ phiếu cho bà, vì bà sẽ là ứng cử viên tốt nhất cho tiểu bang Maine; người mà cô mô tả là “đầu đội trời, chân đạp đất”.

TỰ PHÊ



Bài Nói Chuyện Của Tướng Trung Cộng Lưu Á Châu

Thượng tướng Lưu Á Châu sinh năm 1952, là con trai cố Thiếu tướng Lưu Kiến Đức và là con rể của Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm, vợ ông là Lý Tiểu Lâm hiện là Phó Chủ tịch hội hữu nghị đối ngoại Trung Quốc. Ông còn là nhà văn quân đội, nhà bình luận quân sự của Trung Quốc. Lưu Á Châu từng du học và sinh sống ở Mỹ một thời gian lên tới gần 10 năm. Mấy năm trước từng giới thiệu quan điểm và phân tích cá nhân về quan hệ quốc tế với tầng lớp lãnh đạo cao cấp trong đảng và quân đội Trung Quốc. Theo tìm hiểu, những quan điểm của ông đã gây được sự chú ý mạnh mẽ của một số tướng lĩnh và giới phân tích chiến lược ở Trung Quốc, trong đó là giới sỹ quan cấp trung trong quân đội. Hiện Lưu Á Châu đảm nhiệm chức phó Chính ủy trong Bộ Tư lệnh Không quân Trung Quốc.
Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của tướng Lưu Á Châu tại một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Côn Minh. (Ngày 10/05/2010)
—————

Tôi là người kế tục của văn hóa Trung Hoa, cũng là người phê phán nó. Trước đây, đầu tiên tôi là người kế tục nó, sau đó mới trở thành người phê phán nó. Hiện tại, đầu tiên thì tôi phê phán nó, sau đó mới là người kế tục. Lịch sử của Phương Tây là nền lịch sử cải tà quy chính từ ác trở thành thiện. Lịch sử của Trung Quốc thì ngược lại, là một bộ lịch sử đổi từ thiện sang ác.
Phương Tây cổ đại thì cái gì cũng cấm, chỉ là không cấm cái bản năng của con người. Ở Trung Quốc thì cái gì cũng không cấm, chỉ cấm độc nhất mỗi bản năng. người Phương Tây có cái hay là thể hiện được bản thân họ, thể hiện được lối tư duy, tư tưởng của cá nhân, dám thể hiện cả bản thân đang lõa thể.
Người Trung Quốc thì chỉ biết mặc quần áo che ở bên ngoài, đem cả quần áo phủ lên tư tưởng. Việc mặc quần áo dễ hơn là cởi nó ra, người Phương Tây dám biểu đạt góc tối tăm của bản thân, do đó họ sẽ nhận được ánh sáng soi rọi, do đó tư tưởng của họ tung hoành khắp nơi như vó bảo mã.
Chúng ta lại đi ca tụng vinh quang của bản thân, kết quả thì đem tới ngàn năm tăm tối. Triết gia người Đức Georg Wilhelm Friedrich Hegel đã nói “Trung Quốc không có triết học”. Tôi cho rằng Trung Quốc mấy ngàn năm qua không hề sản sinh ra được tư tưởng gia nào. Tư tưởng gia mà tôi nói tới ở đây là những nhà tư tưởng có cống hiến kiệt xuất cho tiến trình văn minh của nhân loại như Hegel, Socrates, Platon.
Lão Đam (Lão Tử), anh nói xem có phải là tư tưởng gia không? Chỉ dựa vào cuốn sách “Đạo Đức Kinh” hơn 5 nghìn chữ mà cũng trở thành tư tưởng gia? Đó là chưa nói đến “Đạo Đức Kinh” của ông ta có vấn đề. Khổng Tử có thể trở thành tư tưởng gia được không? Hậu nhân chúng ta nên bình luận về ông ta như thế nào? Làm thế nào để đánh giá tác phẩm của ông ta? Tác phẩm của ông ta chưa hề cung cấp cho người Trung Quốc chúng ta một hệ thống giá trị để cân bằng quyền lực thế tục cho nội tâm, ông ta chỉ cung cấp một số thứ xoay quanh quyền lực.
Nếu Nho học là một thứ tôn giáo, thì nó là ngụy tôn giáo, nếu là tín ngưỡng, là ngụy tín ngưỡng; còn nếu cho nó là một thứ triết học thì nó là thứ triết học của xã hội quan trường. Từ ý nghĩa này mà nói, Nho học có tội với người dân Trung Quốc. Trung Quốc không có tư tưởng gia, chỉ có mưu lược gia. Xã hội Trung Quốc là một xã hội lấy binh pháp làm trọng, người Trung Quốc chúng ta tôn sùng từ cửa miệng các mưu lược gia. Người đời lại nhớ nhiều nhất tới một kẻ chẳng được xem là thành công như Gia Cát Lương, tâm can của ông ta không phải là rộng rãi tốt đẹp gì, dùng người cũng không được chuẩn. Có tư liệu chứng minh rằng ông ta là người lộng quyền. Một kẻ như thế này lại được nâng lên một tầm cao có thể dọa người, đây cũng là một bằng chứng cho thấy tâm hồn của dân tộc Trung Hoa chúng ta.
Dưới hình thái của xã hội hiện tại, có 3 loại hành vi đang rất thịnh hành:
1. Thuật ngụy biện.
Con trai tôi năm nay thi đỗ vào khoa báo chí của một trường đại học, khoa báo chí của trường này là một trong những nơi có khoa báo chí tốt nhất toàn Trung Quốc. Tôi nói với con trai “Đưa giáo trình lại đây bố xem thử”. Sau khi xem qua thì tôi nói rằng giáo trình này không đáng để xem. Trong cuốn sách có một đoạn luận: người Trung Quốc đã phát minh ra thuốc súng, thuốc súng này sau khi truyền tới Châu Âu, phá vỡ những thành lũy phong kiến được xây dựng từ thời Trung Đại ở đây. Đây rõ ràng là một câu chuyện tiếu lâm. Anh phát minh ra thuốc súng đánh thủng bức tường thành của chế độ phong kiến, thế còn tường lũy phong kiến của bản thân anh tại sao lại không phá đi? ngược lại còn được xây dựng kiên cố hơn?
Ở Đại học Quốc phòng Trung Quốc, khi thảo luận về vấn đề Đài Loan, có một quan điểm nghiêng về phía thị trường: Đài Loan giống như một ổ khóa, nếu như vấn đề Đài Loan không giải quyết được, nó sẽ như một ở khóa khóa chặt cánh cửa đi ra ngoài của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không thể vươn ra biển lớn được. Đấy chính là ngụy biện, tôi chỉ cần nói 1 câu là có thể đưa anh trở về thực tế. Tây Ban Nha sau khi trở thành cường quốc trên biển rồi, lại không hề ngăn cản láng giềng của họ là Bồ Đào Nha cũng trở thành một cường quốc về biển. Eo biển Manche của Pháp chỉ rộng có 28 hải lí, nước Anh đã ngăn cản nước Pháp trở thành cường quốc hải quân không? Việc Trung Quốc mất đi thời cơ lịch sử để trở thành cường quốc hải quân là do giai cấp thống trị lâu đời ở Trung Quốc không hề có khái niệm về quyền lợi biển.
2.  Đối ngoại nhu nhược, đối nội tàn nhẫn
Văn minh Châu Âu và văn minh Trung Hoa đều có bước khởi đầu gần như cùng thời điểm, tuy nhiên Châu Âu hình thành nên rất nhiều quốc gia nhỏ, Trung Quốc trở thành một đế quốc thống nhất rộng lớn. Nói đến đây, chúng ta luôn tự hào về điều này. Kỳ thật việc Châu Âu trở thành nhiều nước nhỏ là một biểu hiện của tự do về tư tưởng. Nhiều thứ có liên quan tới văn minh nhân loại đã được sản sinh từ những nước nhỏ bé bị chia cắt này, ngược lại Trung Quốc chúng ta đã có những đóng góp gì cho nền văn minh thế giới? Thống nhất giang sơn và thống nhất tư tưởng nhất định có một mối liên hệ nào đó. Xã hội mưu lược là một xã hôi có tính hướng nội.
Tôi đã từng nghiên cứu kĩ những khác biệt giữa hai nước Trung-Mỹ: Trên phương diện đối ngoại của Trung Quốc về cơ bản là nhu, ở mặt đối nội thì là cương, nước Mỹ thì lại tương phản với điều này: về đối ngoại là cương, đối nội là nhu. Tôi không nhớ rõ là đã viết trong cuốn sách nào đã từng nhắc tới vấn đề này, có thể là trong cuốn “Chiến tranh với Đài Loan và đánh giá những rủi ro” đã có kết luận thế này: Việc này là do sự khác biệt về văn hóa quyết định. Trung Hoa có một nền văn hóa đóng chặt, hướng nội, nước Mỹ có nền văn hóa mở, có tính hướng ngoại.
Lối suy nghĩ thống nhất là lối nghĩ của văn hóa hướng nội. Điều này cũng giải thích nguyên nhân tại sao người Trung Quốc chúng ta đứng trước những kẻ xâm lược nước ngoài thì lại trở thành những con dê, đứng trước đồng bào mình thì lại trở thành những con sói. Chỉ cần khoảng 100 lính Nhật Bản, lại có thể dẫn cả một đoàn tù binh lính Quốc Dân Đảng tới 5 vạn ngườ tới Yến Tử Cơ để hành quyết. Đừng nói là phản kháng, bọn họ đến cả dũng khí chạy trốn cũng không có. Ở chiến dịch Thái Vu trong chiến tranh giải phóng (chiến tranh Quốc Cộng 1946-1949), chỉ có 3 ngày, chúng ta đã đánh tan 7 sư đoàn với hơn 56,000 người. Sau chiến dịch, Vương Diệu Vũ đã nói: “5 vạn đầu lợn, kêu Cộng quân đi bắt, trong 3 ngày cũng bắt không hết”. “Người Trung Quốc muốn đánh người Trung Quốc, đó mới gọi là dũng mãnh”.
3. Thấp hèn, đê tiện
Sự thấp hèn về tinh thần tất nhiên sẽ dẫn tới những hành vi đê tiện, Tinh thần cao thượng sẽ dẫn tới những hành động cao thượng. Khoảng 20 năm trước gì đó, khu nhà tôi đang ở có phát sinh một sự việc: Một đôi vợ chồng cãi vã đòi li hôn, người chồng đem bồ mới về ở trong nhà, sau đó cãi nhau to, người vợ leo lên đỉnh tòa nhà để nhảy lầu. Người xem đứng xung quanh rất đông, có người vui sướng trước cảnh này kêu to: “mau nhảy đi, mau nhảy đi!!!” Sau đó cảnh sát tới đem người cứu xuống, những kẻ đứng xem thậm chí còn tỏ vẻ tiếc nuối.
Tôi chỉ thở dài một tiếng, trở về nhà mở ti vi lên xem. Trên ti vi đang chiếu một sự việc có thật: Ở nước X, theo tôi nhớ là Hungary thì phải, vào hơn 70 năm trước, có một người thợ mỏ sắp tổ chức hôn lễ với vợ, trong lần xuống hầm mỏ cuối cùng trước lễ cưới thì bị sụp hầm mỏ, người thợ mỏ vĩnh viễn không quay trở lên được nữa. Người vợ sắp cưới không tin rằng vị hôn phu của mình đã ra đi mãi mãi, liền chờ đợi anh ta suốt 70 năm. Mấy ngày trước người ta dọn dẹp lại toàn bộ khu mỏ, trong một đường hầm sâu tích đầy nước người ta tìm thấy một thi thể, chính là thi thể mà hơn 70 năm trước bị chôn vùi của vị hôn phu bất hạnh đó.
Bởi vì không có không khí, lại được ngâm trong nước đầy khoáng chất trong hầm mỏ, anh ta trông vẫn còn trẻ như 70 năm trước. Người vợ anh ta thì đã già tóc bạc trắng, bà ấy đã ngồi khóc bên cạnh thi thể người chồng của mình, sau đó đã có một quyết định: tiếp tục tổ chức lễ cưới với người chồng của mình. Đó là một cảnh hết sức cảm động: Một bà lão hơn 80 tuổi mặc áo cưới trắng tinh, tóc cũng bạc trắng. Người chồng của bà, với hình dáng thanh niên nằm trong một cỗ xe ngựa kéo. hôn lễ và tang lễ được tổ chức cùng lúc. Nhiều người đã rơi nước mắt vì cảnh này.
Việc có thể khảo nghiệm chuẩn mực đạo đức của người Trung Quốc chúng ta chính là vụ 11 tháng 9 của nước Mỹ. Vụ 11 tháng 9 tuy không làm thay đổi thế giới, nhưng đã làm thay đổi nước Mỹ. Đồng thời sau vụ 11.9 thì thế giới rất khó quay về thời điểm trước vụ việc này xảy ra. Khi vụ 11.9 xảy ra, ở nước ta (Trung Quốc) chí ít là trong một khoảng thời gian thì được bao phủ bới một bầu không khí không được tốt. Vào đêm ngày 12 tháng 9 năm đó, sinh viên 2 trường Đại học Bắc Kinh và đại học Thanh Hoa đang đánh trống gõ chiêng ầm ĩ. Tôi nói đó là do đội bóng đá quốc gia Trung Quốc còn chưa lên tuyến trước ra sân, ngày ra sân của đội là ngày 7 tháng 10 cơ, đó là trận cuối, Trung Quốc sẽ đá với UAE, nếu thắng thì sẽ được tham dự vòng chung kết Worldcup. Cách một thời gian tôi mới biết các sinh viên Trung Quốc đang hoan hỉ chúc mừng nước Mỹ bị đánh bom khủng bố vào tòa tháp đôi.
Nước ta có một đoàn đại biểu, lúc đó đang ở thăm nước Mỹ, lúc xem tòa nhà thương mại thế giới bị máy bay bọn khủng bố đâm vào, những người trong đoàn tham quan liền không kìm được cảm xúc, đứng dậy vỗ tay hoan hô. Dưới quá trình ngâm tẩm văn hóa như thế, chúng ta không thể trách họ được, bọn họ đã không thể khống chế nổi bản thân nữa. Kết quả là bị tuyên bố là những vị khách không bao giờ được hoan nghênh. Tôi ở Bộ tư lệnh Không quân đóng tại quân khu Bắc Kinh, vào những ngày đó có bộ đội tới thăm, tôi đều hỏi họ có cái nhìn như thế nào về vụ 11 tháng 9?  Họ đều có một câu đáp án như nhau “Khủng bố đánh rất tốt”. Sau đó tôi nói “chuyện này rất bi thảm. Nếu như những người này yêu Trung Quốc, thì còn ai có thể cứu được Trung Quốc?”
Truyền thông thì càng không đáng nhắc tới, chỗ mà không có tin tức nhất lại chính là trên mặt báo. 1997 công nương Anh Diana gặp tai nạn xe hơi và qua đời. Cho dù cá nhân công nương Diana là thế nào, hoàng gia Anh như thế nào, cô ấy ít nhất cũng có giá trị tin tức báo chí. Tất cả các báo chí, truyền thông trên toàn thế giới đều có tin tức về sự kiện này ngay trên trang nhất, chỉ có truyền thông Trung Quốc là duy nhất không có tin tức này. Vào ngày hôm đó thì trên các báo lớn nhở ở Bắc Kinh đăng tin này “Các em học sinh tiểu học và trung học ở Bắc Kinh bắt đầu khai trường”. Bản tin này có khác nào đăng lên trang nhất các báo “Người Bắc Kinh hôm nay đã ăn sáng rồi”.
Vào sáng ngày hôm sau xảy ra vụ 11 tháng 9, tôi ngồi bên ti vi xem tiết mục “bình luận tiêu điểm” và muốn xem những người được mệnh danh là “cái loa phát thanh của Trung Quốc” bình luận sự kiện này như thế nào. Kết quả là hôm đó tiết mục bình luận tiêu điểm lại nói về tổ chức đảng ở nông thôn làm thế nào để tăng cường tính vững mạnh của tổ chức. Cái bạn thực sự muốn xem? Làm gì có mà xem. Bạn không muốn nghe nhất thì lại được phát đi phát lại cả buổi, những cái loa phát thanh của đảng họ hoàn toàn không quan tâm người ta muốn gì.
Vào năm 1999, Nước Mỹ và khối Nato đánh bom liên bang Nam Tư, Trung Quốc có ra mặt 1 lần, cái giá của lần ra mặt này là sứ quán Trung Quốc ở Beograd bị ném bom. Lần này thì suýt tí chút nữa cũng phải xuất đầu, sau đó dưới sự dàn xếp của TW đảng, đứng đầu là đồng chí X đã kịp thời xoay chuyển cục diện. Nền văn hóa của chúng ta như toa tàu tốc hành, quán tính rất lớn, đem theo chúng ta – những người thiếu hụt về chuẩn mực đạo đức lao nhanh như gió về bến cuối.
Có người vào lúc đó còn đề xuất nhân cơ hội này đánh chiếm Đài Loan, nhân dịp loạn lạc này, giơ tay là lấy được. Tôi có thể hiểu được tâm tình của những đồng chí này, nhưng thực tế thì đấy không phải là thời cơ tốt. Vào lúc đó tôi nghĩ rằng, sự kiện 11/9 đã làm chết nhiều người vô tội. Sinh mạng con người là thứ quý giá nhất trên thế giới, những người bị thiệt mạng này họ chẳng có liên quan gì tới chính phủ Mỹ. Người Trung Quốc chúng ta dùng thái độ này để đối đãi với họ, thì người ngoài cũng sẽ đối đãi với chúng ta như thế. Đối lập với việc này là thảm án Dover ở nước Anh.
Vào mấy năm trước, một nhóm người Phúc Kiến chui vào thùng xe tải bịt kín để nhập cư lậu vào nước Anh qua eo biển Dover, do nằm trong thùng xe bị bít kín nhiều giờ liền nên họ đều bị chết ngạt, chỉ còn 2 người còn sống. Sau khi sự việc được đưa ra ánh sáng, đại sứ quán Trung Quốc ở Anh đã không có một nhân viên nào xuất hiện, sau đó chính người Dover đã tự tổ chức lễ truy điệu cũng như buổi đốt nến tưởng niệm các nạn nhân xấu số. Có nhiều trẻ em đã tham gia, trên tay cầm những đồ chơi do Trung Quốc chế tạo.
Nhân nói về đồ Trung Quốc, hiện nay trên thế giới thì có tới 90% đồ chơi trẻ em đều là “Made in China”. Có phóng viên hỏi trẻ em: “tại sao em lại tới tham gia buổi lễ tưởng niệm này?” Đứa bé nói “bọn họ cũng là người mà. Những đồ chơi chúng em cầm trong tay hiện giờ rất có thế là do những người này chế tạo”. Trong toàn buổi lễ tưởng niệm, không hề có bóng dáng một người Trung Quốc nào ở hiện trường. Thế nào gọi là văn minh? Tôi đang tư khảo suy nghĩ.

Gọi khủng bố là hành động đúng.
Dưới sự giáo dục của nền văn hóa Trung Quốc, đã sản sinh ra những lớp người đặc biệt. Đầu tiên là họ xem nhẹ mạng sống của bản thân, rồi xem nhẹ cả tính mệnh người khác, của tổ quốc như xem một vở kịch. Ngay cả bản thân họ còn không xem việc nắm giữ sinh mệnh là một quyền,họ cũng không muốn cho người khác có quyền đó. Lỗ Tấn từ mấy mươi năm trước đã từng phê phán trong “kẻ xem trò náo nhiệt” kiểu tâm thái đã được luyện thành như thế. Người Trung Quốc xem người ta giết người, không có ai là không hoan hỉ náo nhiệt.
Giai cấp thống trị cố ý mang người ra giữa chống đông người để giết, người dân bị thống trị cũng hoan hỷ hưởng thụ khoái cảm của tầng lớp thống trị, nhất là những lúc sắp bình minh người ta xử tử tù nhân, liên tục ba ngày thì có thể nói là người đông như kiến cỏ. Ngay cả những sới bạc nhỏ cũng gầy sòng ở đó được. Người ta còn lấy một ít máu của tử tù nhúng vào bánh màn thầu. Ngày nay đã không còn kiểu xử tử như thế, nhưng người dân vẫn cứ thích kiểu khai đình như thế.
Ngày xưa vào mùa xuân còn đi xem người ta xử trảm Đàm Tự Đồng cùng với 5 đồng chí của ông ta như thế (1) thì trong chiến tranh Giáp Ngọ 1894 sao lại không mất Đài Loan được kia chứ? Con cháu họ – chính là chúng ta, nếu như chúng ta giống y như họ, vậy thì làm sao có thể giải phóng thu hồi Đài Loan? Trên xe bus công cộng có một kẻ lưu manh đánh người, những người khác lại im lặng không dám ho he gì. Chẳng lẽ lại dựa vào những người này đi giải phóng Đài Loan? Dựa vào những người này đi thực hiện chính sách bốn hiện đại hóa (Chương trình bốn hiện đại hóa do Đặng Tiểu Bình đề ra bao gồm hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa quốc phòng, hiện đại hóa nền khoa học kĩ thuật để đưa Trung Quốc vào hàng ngũ những nước đứng đầu) thì có tác dụng gì chứ?
Lúc tôi tập thể dục buổi sáng có xem ti vi, trong lúc phát quảng cáo ở tiết mục “tin tức buổi sáng” thì sản phẩm được bán chạy nhất là gì? là cửa chống trộm. Đây là bi kịch của một dân tộc. Các anh xem thử xem cái nhà các anh ở có giống một cái lồng không? Lúc tới Thành Đô thì tôi vào ở trong nhà một vị nguyên là chính ủy không quân đóng ở quân khu Thành Đô. Lúc tôi bước vào cửa, cảm giác giống y như đang ở nhà ngục.
Trên cửa sổ, lan can hay ban công thì đều là những thanh sắt lồng vào nhau để chống trộm. Sau đó tôi cho người gỡ ra. Mấy hôm trước tôi có xem một cuốn sách có nhan đề “Trung Quốc có thể không nói ra”. Tôi cho rằng có thể anh nói không, nhưng các anh lại đứng sau cánh cửa chống trộm để nói không, như thế là không có dũng khí, là hèn yếu. Nhà văn quân đội Kiều Lương nói rất hay “ngay cả những người tự vỗ ngực là người yêu nước khi thấy gà kêu chó sủa bởi trộm cướp cũng núp lại đằng sau, để dành cái hào khí thô lỗ nói không với những nước lớn nơi xa xôi”.

Cần phải nhìn nước Mỹ một cách khách quan, toàn diện
Nước Mỹ trông như thế nào? Bạn có nghe qua một câu hình dung New York như thế này: Nơi tốt nhất trên thế giới và nơi tệ nhất trên thế giới gộp lại với nhau thì đó chính là New York. Dùng câu nói này áp dụng cho nước Mỹ hôm nay liệu có còn phù hợp? Cả một thế hệ quân nhân như chúng ta, là niềm hy vọng cho tương lai của đất nước này, càng không phải là thuộc “phái thân Mỹ” cũng không phải là thành viên thuộc “phái chống Mỹ” mà chúng ta phải làm những người hiểu biết, hiểu rõ nước Mỹ. Phải hiểu rõ kẻ địch thì mới đánh thắng được kẻ địch. Xem thường địch thủ chính là xem thường chính bản thân mình.
Thác Bạt Đảo (Bắc Ngụy Thái Vũ Đế 408–452) đem tên nước của người Nhu Nhiên đổi thành Nhuyễn Nhuyễn, ý nghĩa là con côn trùng nhỏ xíu, ông ta lại bị chính con côn trùng bé tí này đánh bại, vậy thì anh đến con côn trùng còn không bằng. Nước Mỹ không hy vọng Trung Quốc hùng mạnh cũng giống như Trung Quốc không mong muốn Mỹ xưng bá thiên hạ như hiện nay. Quan hệ Mỹ-Trung có xung đột, nhưng cũng có nhiều lợi ích đan xen nhau. Làm thế nào để hóa giải mâu thuẫn, phát triển những lợi ích chung chính là mục tiêu mà nền ngoại giao Trung Quốc trước mắt cần nỗ lực làm.
Trung Quốc muốn phát triển hùng mạnh thì không thể nào không có giao lưu mở cửa với thế giới. Thế giới hiện tại là thế giới đơn cực. Hiện tại chỉ có thể biến thanh đa cực khi nước Mỹ suy thoái và đi xuống. Chúng ta tuyệt đối khong thể đoạn tuyệt quan hệ với nước Mỹ, cũng không thể ôm hy vọng lớn lao với người Mỹ được. Trước mắt thì việc chúng ta đối kháng với nước Mỹ không phải là việc khôn nghoan. Tiêu chuẩn cao nhất của chúng ta đó chính là lợi ích quốc gia. Chúng ta cần phải nhẫn nại, nhẫn nại không phải là hèn yếu. Khuất phục mới là hèn yếu. Tâm đen tiêu diệt xã hội chủ nghĩa của nước Mỹ không bao giờ hết, họ không mong kinh tế Trung Quốc phát triển lên.
Nhưng chúng ta cần nhớ: đấu tranh với đối thủ, cần phải cho họ thấy được kết cục mà họ không mong muốn nhìn thấy nhất. Nước Mỹ mong cho Trung Quốc xảy ra nội chiến, chúng ta sẽ đánh nội chiện thật, để cho họ không còn tác oai tác quái được nữa. Tất nhiên đường lối “nằm gai nếm mật, thao quang dưỡng hối” cũng không thể dùng được. Một nước lớn như Trung Quốc có thể giống như một đại hiệp trong tiểu thuyết, nằm ẩn giật trong thâm sơn cùng cốc khổ luyện võ nghệ cho cao cường rồi đi ra quyết một trận sống mái với kẻ thù? Với dân số vài tài nguyên của Trung Quốc, nhất là với văn hóa Trung Quốc thì Trung Quốc không thể nào lớn mạnh như nước Mỹ, hơn nữa nước Mỹ cũng không dừng lại một chỗ cho Trung Quốc đuổi kịp.
Vẫn là Mao chủ tịch nói rất hay: “Đánh vẫn cần phải đánh, đàm phán vẫn cứ đàm phán, hòa hoãn thì vẫn cứ hòa hoãn”. Làm ngoại giao cần phải cơ trí, cần phải dắt mũi người khác mà dắt đi, đừng để người khác dắt mũi mình. Nikita Khrushchev là một người có cơ trí như thế. Tôi kể cho các anh nghe một câu chuyện: Trong một hội nghị, Khrushchev tiết lộ và phê phán tính bạo lực của Stalin, có người chuyển lên một mảnh giấy chất vấn Khrushchev trong thời gian Stalin cầm quyền cũng là một thành viên quyền lực trong số họ, lúc đó tại sao ông ta không hoài nghi và chất vấn sự chuyên chế độc tài của Stalin? Khrushchev liền mang mảnh giấy đó đọc to trước mọi người, sau đó hỏi to: vừa rồi ai đưa mảnh giấy gửi cho tôi? đứng dậy đi nào! đứng dậy đi!… ở bên dưới mọi người đột nhiên ngu ngơ đi một lúc, nhưng cũng không có ai đứng dậy.
Sau đó Khrushchev nói: “Các anh xem, chúng ta đang đứng trong thời đại dân chủ như thế này, dưới bầu không khí không có sự khủng bố nào mà đồng chí viết tờ giấy này còn không dám đứng dậy; vậy các anh nghĩ xem dưới bầu không khí khủng bố mà Stalin thống trị như thế, có ai to gan dám đứng dậy chất vấn Stalin không?”. Sau đó toàn hội nghị vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Cuộc đấu tranh chống nước Mỹ của chúng ta, cũng cần phải có cơ trí như Khrushchev mới được, lúc cần phải thao quang dưỡng hối thì cần phải thao quang dưỡng hối. Giống như lời nói giữa đồng chí Đặng Tiểu Bính nói với Thủ tướng Canada Joseph Philippe Trudeau: “Thao quang dưỡng hối mà tôi nói tới, bao gồm cả nhịn nhục không cần thể diện, cần giữ vững quan hệ với các nước phát triển nhất thế giới”.
Ý của Đặng Tiểu Bình nói rằng Trung Quốc cần phải đi cùng với văn minh nhân loại, không thể đi con đường khác với nhân loại. Trong sự kiện 11.9, trừ một số ít quốc gia, một bộ phận dân chúng (không phải là chính phủ) là cách xa rất xa văn minh thế giới. Lúc cần đấu tranh thì phải đấu tranh, một tấc cũng không nhường. sùng bái nước Mỹ không đúng, căm thù nước Mỹ cũng không đúng, Chính phủ Mỹ, giới chính khách Mỹ và nhân dân Mỹ vừa giống nhau, lại vừa không giống nhau, vừa có chỗ tương đồng, vừa có dị biệt. Anh cần phải vận dụng cao độ trí tuệ để phân biệt bọn họ.
Trước đây, nhân dân Mỹ vì giúp Trung Quốc trút bỏ ách thống trị của thực dân, đánh bại Nhật Bản, đóng góp to lớn vào quá trình tiến bộ của xã hội Trung Quốc. Giữa hai nước không có mâu thuẫn lợi ích. Ngày nay lợi ích của nước Mỹ trải khắp toàn cầu, giữa hai nước bắt đầu có xung đột về lợi ích. Tuy nhiên chúng ta hãy dùng một trái tim có đạo đức để phán xét sự vật, không thể manh động. Tôi đã từng nói qua, đối với kẻ đã giết hàng vạn, hàng triệu đồng bào chúng ta mà không nhận lỗi là Nhật Bản, chúng ta thường nói cần phải “giữ vững hòa khí bạn bè đời đời kiếp kiếp”, đối với người bạn đã giúp chúng ta đánh bại Nhật Bản là nhân dân Mỹ, chúng ta có lí do nào để đi hận thù họ?”

Sự đáng sợ của nước Mỹ thật sự nằm ở đâu?
Nước Mỹ tuy là có quân đội thiện chiến nhất hành tinh, có nền khoa học kĩ thuật phát triển nhất thế giới, nhưng tôi cho rằng đó không phải là điều đáng sợ. Nghe đồn rằng máy bay tàng hình của họ ra vào Trung Quốc không phận rất dễ dàng, tuy nhiên đây cũng không phải là điều đáng sợ. Thứ đáng sợ nhất của họ không phải là những thứ này. Năm 1972 tôi học ở trường đại học Vũ Hán, trong giờ học chính trị, một giảng viên chính trị nói với tôi: “nước Mỹ là thối nát, mục rữa, nó đang giãy chết ở các quốc gia đại diện cho chủ nghĩa tư bản, giống như mặt trời sắp xuống núi, đã không còn mấy hơi tàn nữa”.
Tôi lúc đó là sinh viên xuất thân từ tầng lớp công nông, khoác trên mình bộ quân phục liền đứng dậy phát biểu phản bác lời của thầy giáo: “thưa thầy, em cho rằng lời thầy nói là không đúng. Nước Mỹ tuy không giống Trung Quốc là mặt trời mới lên lúc 8, 9 giờ sáng ánh dương quang chói lọi, nhưng cũng không phải là mặt trời sắp lặn, mà phải là mặt trời lúc chính ngọ”. Sắc mặt thầy giáo lúc đó chuyển sang màu trắng, nói “đồng chí sinh viên này, anh sao lại dám nói những lời như thế này!” Thầy giáo lúc đó cũng không hỏi tôi tại sao lại nói những lời đó, lại dùng một chữ “dám”.
Qua một chữ đó đã cho chúng ta nhìn xuyên qua bức màn, cho thấy đâu mới là hủ bại, thối rữa đã không còn gượng dậy nổi của các nước tư bản giãy chết vào thập niên 1990 thế kỷ trước đã dẫn dắt thế giới bước vào cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật mới. Sau khi tôi tốt nghiệp đại học, gặp lúc Trung Quốc đang cải cách mở cửa, tôi lại có một quan điểm: Nước Mỹ là do hàng nghìn hàng vạn người không thích tổ quốc của họ mà tập hợp thành, nhưng bọn họ lại rất yêu nước Mỹ. Lúc đó có rất nhiều lãnh đạo, một mặt chửi nước Mỹ, một mặt lại gửi con cái sang Mỹ học, sự khác biệt trong hành động và lời nói của họ quá lớn.
Diễn thuyết cả nửa ngày, vậy sự đáng sợ của nước Mỹ nằm ở đâu? Tôi cho rằng có ba điểm:
1. Nước Mỹ có cơ chế trọng dụng nhân tài, không bỏ phí tài năng của đất nước. Thể chế nhà nước của họ, chế độ tuyển cử đảm bảo rằng lãnh đạo là tầng lớp tinh anh tài năng. Bi kịch của Trung Quốc chúng ta, ở tầm vĩ mô là một quốc gia, tầm vi mô là một đơn vị, tình hình phần nhiều là người có tài thì không được nắm quyền quyết sách, người nắm quyết sách thì bất tài. Có đầu óc thì không có ghế, có ghế thì đầu bã đậu. Nước Mỹ thì ngược lại, với mô hình thể chế hình tháp, đem tinh anh của đất nước xếp lên trên. Do vậy nếu như họ không phạm phải sai lầm, thứ nữa là phạm sai lầm ít, thứ ba nếu có sai lầm thì cũng rất nhanh sửa chửa sai lầm đó.
Thứ nhất Trung Quốc chúng ta phạm sai lầm, thứ hai là thường phạm sai lầm, thứ ba là phạm sai lầm rồi thì rất khó sửa chữa. Nước Mỹ chỉ cần một đảo Đài Loan nhỏ bé cũng kiềm chế được Trung Quốc nửa thế kỷ, họ đã truyền sức sống cho nó, làm cho nó mạnh lên, biến đổi cả trật tự khu vực Đông Á và Châu Á Thái Bình Dương. Điều tôi lo lắng nhất là chiến lược phát triển của Trung Quốc trong thế kỷ mới sẽ bị Đài Loan làm cho lệch đi.
Trong thời đại hiện nay mà nói, ảnh hưởng của lãnh thổ với một dân tộc hùng mạnh đã giảm về tính quan trọng, đã chuyển từ mở rộng lãnh thổ sang mở rộng tầm ảnh hưởng. Nước Mỹ hiện tại không còn ham muốn lãnh thổ của bất cứ nước nào, Nước Mỹ trong toàn bộ thế kỷ 20 đều nỗ lực để tạo dựng sức ảnh hưởng của mình trên toàn cầu. Như thế nào thì gọi là tạo dựng sức ảnh hưởng? ngoại trừ sức mạnh kinh tế, còn cả nhân tâm nữa. Có được nhân tâm thì quốc gia sẽ hội tụ được sức mạnh, mất đi lãnh thổ có thể lấy lại được; mất đi nhân tâm thì cho dù lãnh thổ của anh có rộng lớn như thế nào cũng không giữ lại được. Có lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn ra phía trước được một bước nhỏ, nước Mỹ làm việc gì cũng nhìn ra phía trước cả 10 bước.
Do vậy nên sau chiến tranh thế giới thứ hai, mỗi một sự kiện có tầm ảnh hưởng toàn cầu đều củng cố địa vị và sức mạnh của nước Mỹ. Nếu Trung Quốc chúng ta bị người Mỹ dắt mũi dẫn đi, thì chúng ta cũng mất hết những dự tính tương lai của mình. Tôi nhắc lại một lần nữa, trọng tâm chiến lược của nước Mỹ sẽ không chuyển sang Châu Á, tuy vậy không có nghĩa là họ không bao vây Trung Quốc. Có rất nhiều đồng chí chỉ nhìn thấy hành động bao vây Trung Quốc trên phương diện quân sự, giống như nhiều người chỉ nhìn thấy sự hơn kém giữa Trung Quốc và Mỹ trên phương diện khoa học kĩ thuật và vũ khí trang bị vậy. Họ lại không nhìn thấy đại cục về chiến lược, nhất là ở phương diện ngoại giao với sự lạc hậu còn thể hiện nghiêm trọng hơn. nền ngoại giao của chúng ta với nước Mỹ, hoặc là chỉ có phương sách mà không có phạm vi, hoặc là có chi tiết mà không có đại cục.
Sau sự kiện 11.9, nước Mỹ trong vòng 2 tháng đã chiếm lĩnh xong Afghanistan, bao vây Trung Quốc từ phía Tây. Những áp lực quân sự từ phía Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ cũng không hề giảm nhẹ. Có thể thấy là chúng ta từ sau sự kiện 11.9 đã đạt được một số lợi ích trước mắt, tuy nhiên những lợi ích này trong một vài năm tới có thể sẽ biến mất. Tôi nhận thấy một kiểu bao vây khác đối với nước ta, đó không phải là về mặt quân sự. Các anh nhìn mà xem, mấy năm gần đây, những nước láng giềng của chúng ta đang thi nhau thay đổi chế độ xã hội.
Họ biến đổi thành cái gọi là “quốc gia dân chủ”, ví dụ như Nga, Mông CổKazakhstan cũng biến đổi rồi. Trước đó nữa là Hàn Quốc, Philipines, Indonesia… những uy hiếp này đối với nước ta nguy hiểm hơn những uy hiếp do quân sự mang lại. Uy hiếp về mặt quân sự thường chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, ngược lại những hiệu ứng do các quốc gia tự xưng là “dân chủ” kia mới là tác động lâu dài.
2. Cái bao dung và độ lượng của nước Mỹ. Nếu anh đi tới Châu Âu, rồi đi tới Mỹ, thì anh sẽ phát hiện thấy một khác biệt lớn: Trên đường phố Châu Âu vào lúc sáng sớm không có mấy ai đi lại cả, ngược lại ở Mỹ lúc sáng sớm anh sẽ nhìn thấy rất nhiều người đi tập thể dục buổi sáng, thậm chí là cả ngày. Tôi có đúc kết thế này: luyện tập thể thao là một phẩm chất, rèn luyện thân thể là đại diện cho tính cách muốn đi lên về phía trước.
Muốn xem một quốc gia có hy vọng gì không, hãy xem quốc gia đó có bao nhiêu người luyện tập thể thao cũng đủ biết rồi. Người Mỹ có thể đem quốc kỳ của họ làm quần lót để mặc, tôi đã từng mua một chiếc như thế ở Mỹ, tôi có mặc thử nó, tôi làm thế là để miệt thị nó, là để phát tiết, là một loại cảm giác tự thỏa mãn về tâm lí. Người Mỹ mặc nó là để điểu chỉnh lại bản thân. Người Mỹ có thể đốt quốc kỳ của họ ngay trên phố. Đới Húc (bạn của tác giả, tác giả cuốn “quân sự không”) có nói: Nếu một quốc gia mà ở đó người ta có thể đốt quốc kỳ của chính đất nước mình, thì họ còn lí do nào để tự đốt chính mình?
3. Sức mạnh của tinh thần và giá trị đạo đức to lớn. Cái này mới chính là thứ đáng sợ nhất. Vụ 11.9 là một tai vạ đối với nước Mỹ, lúc vụ khủng bố xảy ra, cái ngã xuống trước tiên là thể xác, nhưng đứng dậy trước tiên là linh hồn. Có dân tộc khi gặp tai kiếp, thể xác chưa ngã xuống nhưng linh hồn đã nộp vũ khí đầu hàng. Trong vụ 11.9 đã có 3 sự kiện, đều có thể cho người ta thấy được sức mạnh của nước Mỹ.
Thứ nhất là sau khi tòa tháp đôi trung tâm thương mại thế giới bị máy bay đâm vào, lửa cháy khắp nơi, tình thế ngàn cân treo sợi tóc, mọi người theo lối thoát hiểm khẩn cấp thoát khỏi tòa nhà, không xuất hiện cảnh hoảng loạn. Người di tản xuống dưới và lính cứu hỏa đi lên phía trên chữa cháy dập lửa nhường đường cho nhau , không có tranh cướp gì. Có phụ nữ có thai, người già, trẻ em, người mù đi tới, mọi người tự động đứng ra nhường đường cho họ đi trước, thậm chí còn nhường chỗ cho những con vật cưng đi trước. Nếu tinh thần một dân tộc không vững vàng tới một mức nhất định nào đó, sẽ không thể có những hành động như kể ở trên được.
Khi đối diện với cái chết, vẫn bình tĩnh như không, tuy chưa được là thánh cũng gần tới bậc thánh nhân rồi. Việc thứ hai là sau khi xảy ra vụ 11.9 được 1 ngày, cả thế giới đều biết vụ khủng bố là do Bin Laden và tổ chức của y gây ra có rất nhiều cửa hàng của người Arab, những tiệm ăn Arab đều bị cơn thịnh nộ của người Mỹ tấn công, một số cửa hàng bị đập phá. Vào lúc này có một số người Mỹ tự tổ chức thành đoàn thể, tự đi tới những tiệm buôn, nhà hàng và khu dân cư của người Arab để tuần tra, bảo vệ họ, ngăn chặn những bi kịch tiếp theo.
Đây là tinh thần gì? Người Trung Quốc chúng ta vốn đã có truyền thống báo thù từ lâu đời. Tôi ở tại Thành Đô, tại đây Đặng Ngải (là một vị tướng tài của Tào Ngụỵ trong thời kỳ Tam Quốc) sau khi phá được Thành Đô, con trai Bàng Đức đem cả nhà Quan Vũ già trẻ gái trai giết sạch. Việc thứ ba, ở chiếc máy bay Boeing 767 rơi tại Pennsylvania vốn định đi đâm xuống nhà Trắng, sau đó hành khách đứng lên chống lại bọn khủng bố mới làm cho máy bay rơi xuống đất, vì lúc đó họ đã biết tin vụ khủng bố ở trung tâm thương mại thế giới ở New York và Lầu năm góc.
Bọn họ quyết định không thể để cho bọn khủng bố muốn làm gì thì làm, cần phải chống lại chúng. Dưới tình huống đặc biệt này, bọn họ quyết định trưng cầu ý kiến biểu quyết có nên chống lại bọn khủng bố hay không. Vào lúc sinh tử quan đầu như thế này, tôi còn không định đem ý chí của mình cho người khác. Sau đó tất cả hành khách đều đồng ý, bọn họ mới đi chống lại bọn khủng bố.
Thế nào gọi là dân chủ? đây chính là dân chủ. Bản chất của dân chủ đã thấm sâu vào trong tính mệnh con người, vào trong máu, xương. Một dân tộc như thế này, họ không hưng thịnh đi lên thì ai hưng thịnh; Dân tộc như thế này, họ không dẫn đầu thế giới thì ai sẽ dẫn đầu thế giới đây? Tôi thường mơ tưởng: Vũ khí lợi hại nhất thế giới, có trình độ khoa học kĩ thuật tiên tiến nhất, có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới đều nằm trong tay họ là hợp lí nhất. Cũng hơn nhiều so với nằm trong tay người Nhật Bản chứ. Nếu như nó nằm trong tay người Trung Quốc chúng ta, chúng ta có thể làm ra được những gì chứ? cái này thì tôi không có câu trả lời.
Nước Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm thành công đáng để chúng ta vay mượn học hỏi. Sau sự kiên 11.9. Nước Mỹ không thành lập “ủy ban 11.9” cũng không thành lập cái gì bộ chỉ huy khẩn cáp…Tôi rất phản đối những cái gì không thực tế. Sau khi tôi tới Thành Đô, nếu không tham gia họp nhiều thì tham gia họp ít, không đi họp không được. Khi tôi tới bộ tự lệnh không quân ở quân khu Thành Đô, liền thay đổi quy định ban chỉ huy mở hội nghị học tập thành tự học, đem văn kiện ra đọc.
Ở đây học cái gì mà học, tôi liền chống lại những lề thói ở đây. Sức cá nhân có hạn nhưng tôi không thể không đấu tranh, cho dù đầu có bị đập cho chảy máu cũng không ngừng. Ví dụ nếu tôi có đi xuống cơ sở thì thường sẽ không ăn cơm, nếu như đi trong ngày có thể quay về, tôi sẽ đem theo lương khô, tôi không ăn cơm ở bộ đội cấp dưới. Tôi tới sư đoàn 33, tới bộ tư lệnh không quân đóng ở Thành Đô cũng thế. Nếu bắt buộc không thể không ăn, tôi chỉ ăn đơn giản.
Tuy nói rằng có uống vài chén rượu mặt không đỏ như quốc kì, ăn vài bữa cơm không đến nỗi mất nước. Nhưng quá nhiều, quá lãng phí, tích tiểu thành đại, chắc chắn là con số lớn. Có người nói nếu đánh trận thu hồi Đài Loan không cần tới vũ khí hiện đại, chỉ cần cho mấy đảng viên thật sang Đài Loan, mấy người này ăn uống vài ba năm thì có thể đem cả hòn đảo ăn chơi đập phá hết. Còn có một chuyện tiếu lâm khác nói về một cuộc họp, có một ông cục trưởng bị bệnh nặng sắp chết, chỉ là chưa tắt hơi mà thôi. Bà vợ nói rằng con cái đã tới đông đủ cả rồi, ông yên tâm mà lên đường. Ông lão nói “không được, không được! tôi chưa thể đi được”.
Bà vợ lại nói mọi việc đã sắp xếp ổn thỏa hết cả rồi, ông yên tâm lên đường đi “ông già lại nói” không được, tôi chưa chết được”. Bà vợ lại nói “tài sản trong nhà đã được sắp xếp tẩu tán ổn thỏa cả rồi, ông đi đi thôi. Ông lão lại nói  “chưa được, tôi chưa đi được”. Về sau có thư ký hiểu rõ tính cách ông ta, liền ghé sát vào tai nói nhỏ: “Cục trưởng, mọi người đã tới đông đủ rồi! bắt đầu khai mạc hội nghị được rồi!”. Cục trưởng liền sung sướng nhắm mắt ra đi. Câu chuyện này là bịa, nhưng nó cũng cho thấy sự phản cảm, chán ghét với những cuộc họp.
Vụ 11.9 không chỉ là cơ hội của nước Mỹ, mà còn là cơ hội của Trung Quốc. Nếu làm không tốt thì Trung Quốc sẽ là vật hy sinh lớn nhất của sự kiện 11.9. Điều quan trọng là các anh nắm giữ nó như thế nào, toàn thế giới đang phải nỗ lực thay đổi con bài tẩy của mình, chúng ta cần phải nắm được nội hàm của nó. Không chỉ chuyên xem những việc nhỏ, còn phải nhìn ra những chỗ lớn. Có một câu nói rất hay: Nếu chỉ chăm chú bình luận những khuyết điểm của người khác, chuẩn mực đạo đức trong con người anh cũng không thể cao lên nổi. Nếu thường bình luận những khuyết điểm của nhân loại, anh chính là một tư tưởng gia.
Hôm nay tôi đã nói ở đây hơn 3 giờ đồng hồ, mục tiêu mà tôi theo đuổi đó là giải phóng con người. Tôi tin rằng hôm nay tôi đến nói chuyện với mọi người, sau đó là đưa mọi người làm quen với tôi. Tôi thẳng thắn đưa những góc nhìn của tôi giới thiệu với mọi người, nhất là những góc nhìn của tôi về phương Tây, về nước Mỹ. Có hai vấn đề tôi muốn bổ sung vào buổi nói chuyện hôm nay, thứ nhất đó là tôi hoàn toàn là một người theo chủ nghĩa dân tộc. Những điều tôi nói đều vì tổ quốc. Trong mọi hoàn cảnh, tôi đều đưa lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Vì nó tôi có thể đi vào núi đao, biển lửa.
Trong đầu tôi luôn có một hình ảnh về cuộc chiến tranh Triều Tiên: năm 1951,đơn vị của cha tôi phát động tấn công về phía quân Mỹ. Bởi vì vũ khí lạc hậu hơn so với họ, nên phải tiếp cận họ vào ban đêm; đêm đó cả đêm tuyết rơi dày, lúc trời sáng quân ta thổi kèn xung phong, hơn 100 quân ta không có một ai đứng dậy, thì ra họ đã bị chết cóng cả, ngay cả lúc chết họ cũng giữ nguyên đội hình chiến đấu. Khi Mao chủ tịch nghe báo cáo chuyện này, đã bỏ mũ đứng dậy làm lễ nhà binh truy điệu họ.
Vào cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962, quân ta đã tiêu diệt cả một đơn vị quân Ấn, đơn vị này trước đó đã từng phục vụ trong quân đội Anh Quốc, tham gia vào chiến tranh nha phiến lần 2, đốt cháy cả Viên Minh Viên. Mao chủ tịch lúc nghe điện báo đã nói trăm năm quốc nhục” . Đồng thời các đồng chí cũng đồng thời xem, tình hình nội bộ của Trung Quốc khác với các nước phương Tây, có một số sự việc không được biết, cũng không được chỉ làm một lát rồi thôi. Có một số sự việc chưa được biết, có những ý kiến khác biệt, qua thời gian sẽ thu ngắn lại.
Mấy ngày trước, thủ tướng Đức Schröder trong lúc tranh cử, vì một lỗi nhỏ mà suýt bị thua. Đó là vấn đề gì vậy? ông ấy đã nhuộm tóc. Ở Trung quốc, nhuộm tóc đã là gì chứ? Ai cũng yêu thích cái đẹp, đó là lẽ tự nhiên thôi. Gần như tất cả các lãnh đạo đều nhuộm tóc. Nhưng ở phương Tây điều này lại không được. Bởi vì anh nhuộm tóc, sẽ đưa lại ấn tượng giả tạo cho người khác, chính là biểu hiện của việc không trung thực, chính là lừa dối. Chính trị gia làm như thế này? để người ta cho một dấu hỏi to tướng. Anh nhìn xem, việc này sẽ đưa tới kết quả như thế nào?
Lần đầu tiên tới doanh trại ở Côn Minh gặp gỡ cán bộ, thật là to gan khi nói những điều trên, đây là kết quả nghiên cứu của tôi, tôi sẽ chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Những cái nói đúng, các anh cứ ghi nhớ trong lòng, những chỗ nói sai, các anh cứ để cho nó đi ra bằng tai kia. mỗi người đều có quyền tự do riêng, tôi không thể ép ai đó đi theo tư tưởng của mình được! Cảm ơn mọi người đã tham gia buổi nói chuyện ngày hôm nay.