Thursday, June 23, 2016

ĂN CHÁO ĐÁ BÁT (Trần Nhật Kim)


Hồ Chí Minh Và Gương “Ăn Cháo Đá Bát” Trong Chế Độ CS


“Ăn cháo đá bát” là một thành ngữ trong văn hóa dân tộc Việt, để chỉ sự vô ơn, bội nghĩa đối với  người đã có công giúp đỡ mình trong lúc hoạn nạn mà còn trả ơn bằng hành động xấu xa.  “Ăn cháo đá bát” hay “ăn cháo đái bát” có cùng một ý nghĩa, nhưng “đái bát” mang tính chất xỉ nhục hơn.
Thành ngữ “Ăn cháo đá bát” thỉnh thoảng xuất hiện trong dân gian trước đây, nhưng được xử dụng nhiều hơn dưới chế độ CS.  Một nhận định về bản chất lừa gạt của chế độ, như một cách để giải tỏa những uất ức của người dân trước những hành động “lấy oán trả ơn” của kẻ cầm quyền.

Hồ Chí Minh: Phản bội – Lừa gạt
Ngày 19-5-1941, ông Hồ thành lập Mặt Trận Việt Minh tại hang Pắc Bó thuộc tỉnh Cao bằng, Việt Nam với “Cờ Đỏ Sao Vàng” cắm trước hang (Mẫu cờ giống như cờ Đỏ Sao Vàng của tỉnh Phúc Kiến-Trung Hoa, đã xuất hiện vào năm 1933).  Năm 1942 ông đổi tên là Hồ Chí Minh.  Năm 1945, ông tổ chức thành công vụ cướp chính quyền tại Hà Nội của Chính phủ Trần Trọng Kim.

Ông Hồ áp dụng bài học từ Trung quốc, đã phát động chính sách “Cải cách ruộng đất” tại miền Bắc, với chiến dịch đấu tố “đào tận gốc, trốc tận rễ”, những người thuộc thành phần “có máu mặt” tại địa phương.  Trong chiến dịch này, các gia đình tại nông thôn được phân loại thành: địa chủ, phú nông, trung nông, bần nông và cố nông.  Chỉ tiêu bắt buộc phải loại bỏ là 5% đối với thành phần địa chủ, nếu số địa chủ không đủ phải lấy thành phần kế tiếp đôn lên.

Theo thống kê chính thức của CSVN đăng trong cuốn Lịch sử Kinh tế Việt Nam ghi nhận, số nạn nhân bị thảm sát lên tới 172.008 người, chia ra như sau:
-         Địa chủ cường hào gian ác: 26.453 người (trong đó có 20.493 người bị oan)
-         Địa chủ thường: 82.777 người (trong đó có 51.480 người bị oan)
-         Địa chủ kháng chiến: 586 người (trong đò có 290 người bị oan)
       
Như vậy, tổng số nạn nhân trong CCRĐ là 172.008 người, có 123.493 người bị oan.  Ngoài số nạn nhân bị thảm sát, số thân nhân liên hệ với nạn nhân ít nhất cũng lên tới 500.000 người.  Họ bị khủng bố tinh thần, bị bạc đãi, sống vất vưởng ngoài lề xã hội.  Như trường hợp bố mẹ vợ của nhà thơ Hữu Loan bị đấu tố, giết hại một cách tàn nhẫn.  Người con gái của ông bà bị xua đuổi, không nơi nương tựa, sống lây lất tệ hơn một kẻ ăn xin.  Sau này bà trở thành phu nhân của nhà thơ Hữu Loan.

Người Việt trong và ngoài nước nhận xét về hành động phản bội, “Ăn cháo đá bát” rõ rệt nhất trong lịch sử dân tộc, là trường hợp ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN “trả ơn” những người đã từng giúp đỡ, nuôi dưỡng, che dấu các nhân vật lãnh đạo của lực lượng Việt Minh.  Điển hình nhất là bà Nguyễn Thị Năm, còn gọi là Cát Hanh Long, buôn bán ở Hải Phòng, vì theo lời Việt Minh bà chuyển lên Thái Nguyên, một người đã cống hiến gia tài cho Việt Minh từ hồi đầu cách mạng chống Thực dân Pháp.  

Trước Cách mạng tháng 8, gia đình bà đã ủng hộ cho Việt Minh 20.000 đồng tiền Đông Dương, tương đương 700 lượng vàng.  Khi chính phủ VNDCCH tổ chức “tuần lễ vàng” bà đã ủng hộ 100 lượng.  Những cán bộ cao cấp Việt Minh như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Pham Văn Đồng, Võ nguyên Giáp…thường tá túc trong đồn điền của bà Năm.   Không có ai trong đám cán bộ cao cấp đã được bà nuôi dưỡng lên tiếng bênh vực khi bà bị đấu tố, vì lệnh của Trung quốc.

Bà Nguyễn Thị Năm
Ông Hồ cũng viết bài “Địa chủ ác ghê” dưới “bút hiệu CB” kết tội bà Nguyễn Thị  Năm trên báo Nhân Dân ngày 21-7-1953 với nội dung:  “Làm chết 32 gia đình gồm 200 người…Giết chết 14 nông dân, tra tấn đánh đập hàng chục nông dân…”  Bà Năm trở thành địa chủ đầu tiên bị xử bắn với tội danh “tư sản địa chủ cường hào gian ác”.  Hai con trai của bà đi bộ đội với cấp bậc cao cũng bị đấu tố và bắt đi cải tạo nhiều năm.  Bài báo của ông Hồ chứng tỏ sự vô ơn với tư cách quá bỉ ổi. 

Sau thời gian các đội CCRĐ giết hại người dân quá nhiều, ngày 18-8-1956, ông Hồ gửi thư cho đồng bào và cán bộ nhìn nhận sai lầm.  Ngày 29-10-1956, tại nhà hát Nhân dân Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng ra nhận sai lầm trong chính sách CCRĐ, mặc dù ông đứng ngoài chiến dịch.  Đúng ra, ông Hồ phải là người chịu trách nhiệm vì đã ký ban hành đạo luật thất nhân tâm này.  Ông Hồ đã để rơi giọt nước mắt xót thương những nạn nhân của CCRĐ.  Nhưng đó chỉ là một hình thức đạo đức giả, một loại nước mắt cá sấu, sau khi đã đạt được thành quả mong muốn, là phá tan thành phần phát triển nòng cốt tại nông thôn, khiến đời sống người dân phải lệ thuộc vào đảng.  Đảng CS đã hoàn tất chính sách “bóp cổ túm dạ dầy” người dân.  Với chính sách “Đấu tố”, ông Hồ đã phá vỡ nền tảng đạo lý dân tộc và Hương ước xóm làng, một hình thức “chia để trị” đã gây chia rẽ dân tộc.

Ông Hồ và đảng CS còn tiếp tục gây tội ác trong cuộc chiến tranh “Người Việt giết người Việt” kéo dài 30 năm, để thỏa mãn mộng bá quyền của Trung quốc.
Dẹp bỏ “Lăng Hồ Chí Minh”
Từ những hành động tàn nhẫn của ông Hồ đối với dân tộc Việt Nam, ông Hồ được tờ Thời Báo Ba Lan (Polska Times) liệt ông vào danh sách 13 nhà độc tài đẫm máu của Thế kỷ 20.  Theo nhận định này, sau 24 năm cầm quyền, ông Hồ đã gây ra cái chết cho 1 triệu 700 ngàn người Việt và hàng triệu người dân vô tội bị thương vong trong một cuộc chiến phi dân tộc, chỉ phục vụ cho quyền lợi của cộng sản Quốc Tế với ý đồ nhuộm đỏ Đông Nam Á.
Một số tác giả ngoại quốc nhận định về ông Hồ trong tác phẩm của họ như: William J. Duiker (Ho Chi Minh, a life), Bernard F. Falls (Ho Chi Minh on Revolution)…

Nhận định về Hồ Chí Minh, ông Jean-Francois Revel, đã nhấn mạnh: “Mục tiêu của ông Hồ Chí Minh không phải là nền độc lập của nước Việt Nam, mà là sự gia nhập hoàn toàn vào thế giới cộng sản.  Mục đích của ông Hồ cũng không phải mang lại cho dân tộc quyền tự quyết, quyền bầu phiếu, quyền chọn người lãnh đạo và quyền được sống theo ý mình, mà ép buộc người dân sống trong chế độ toàn trị Stalin với những đặc điểm: cuộc hành quyết được xét xử qua loa, các trại tập trung, hủy hoại con người bằng sự “cải tạo”, người dân bị đói khổ và tầng lớp lãnh đạo tham nhũng…”

Đối với người Việt trong và ngoài nước, “Lăng Hồ Chí Minh” giữa Thủ đô Hà Nội, luôn gợi nhớ hành động tàn ác của ông Hồ cũng như đảng CSVN.  Nhiều người đặt câu hỏi về sự hiểu biết tối thiểu của người cầm quyền đảng CS.  Tại sao lại xây một ngôi “nhà mồ” giữa trung tâm Thủ đô, để lưu lại một hình ảnh mất tính người của một tội đồ diệt chủng.  Một kiến trúc góc cạnh thô cứng, mầu sắc ảm đạm, chen giữa các công trình có đường nét nghệ thuật dịu dàng của thành phố, mà sự hiện diện của ngôi “nhà mồ” giữa Thủ đô, là dấu hiệu về sự bất hạnh của chế độ cộng sản.
Do lòng căm phẫn về tội ác của ông Hồ đối với dân tộc Việt, ngày 3-2-2014, ông Nguyễn Doãn Kiên cùng các ông Vũ Hồng Tố, Nguyễn Văn Kiểm và Trịnh Kim Khánh bị bắt giữ khi mang búa dự định đập phá Lăng Hồ Chí Minh.  Tòa án Hà Nội xử ngày 27-3-2014 phạt tù các ông: Nguyễn Doãn Kiên (6 năm), Vũ Hồng Tố (5 năm), Nguyễn Văn Kiểm (4 năm), Trịnh Kim Khánh (4 năm) về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 245 của Bộ luật Hình sự.  

Thân nhân của ông Vũ Hồng Tố cho hay, ông Tố đã qua đời ngày 6-12-2014 khi đang thi hành bản án 5 năm tù.  Cái chết của ông Tố không được thông báo công khai.  Không hiểu số phận của ông Tố có nằm trong danh sách do Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng Cục trưởng cục cảnh sát báo cáo Quốc Hội, trong thời gian 2012-2014 có 200.000 bị bắt giam, với 226 người chết trong tù.

Ông Hồ chết vào ngày 2-9-1969, nhưng đảng CS cho ông chết vào ngày 3-9, vì ngày 2-9 là ngày Quốc khánh.  Và cũng đợi 20 năm sau ngày ông Hồ mất, đảng mới công bố ngày chết “thật” và di chúc viết tay của ông Hồ, theo thông báo của Bộ Chính trị số 151 ngày 19-8-1989, đúng vào thời điểm Khối CS Đông Âu tan rã, từ bỏ chế độ CS để trở thành các quốc gia theo chế độ Dân chủ.  

Đã đến lúc xác chết của ông Hồ không còn là tấm bùa hộ mệnh cho đảng CS dựa vào để tồn tại, hay uy tín của ông Hồ đã xuống thấp, không còn giá trị lợi dụng.  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo lệnh đảng CS đã đưa ngày kỷ niệm sinh nhật của ông Hồ dưới TBT. Nguyễn Văn Linh bằng Quyết định số 1063/QĐ-TTg ban hành ngày 2-7-2014 về tổ chức các ngày lễ lớn trong năm 2014-2015, trong đó đã ghi:
-         Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của TBT. Nguyễn Văn Linh: Ban Tổ chức cấp Quốc gia trụ trì.
-         Kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890-19-5-2015): Do Bộ trụ trì.
Đã đến lúc dẹp bỏ “Lăng HCM” cũng như tàn tích của ông Hồ, như các nước Đông Âu và cả Nga Xô đã làm.  Họ dẹp bỏ lá “cờ đỏ ngôi sao vàng với hình búa liềm” nhuốm đầy máu và nước mắt, để trở về mầu cờ của quốc gia, kéo đổ tượng Lenin và Stalin trên quốc gia của họ.  Như “Nghĩa trang” (Memento Park) tại Budapest-Hungary, một khu đất trống lưu giữ các hình tượng của thời cộng sản sắt máu với những đau thương mà loài người đã trải qua, để cảnh giác các thế hệ tương lai phải xa lánh, loại bỏ một chủ thuyết vô nhân đạo này.  
Đôi giầy của Joseph Stalin được trưng bầy  tại Memento Park sau khi tượng bị kéo đổ

Người tử tế bị chà đạp:                                                         
Trong thời gian gần đây, vấn đề dẹp bỏ “Lăng Hồ Chí Minh” đã trở lên một đề tài “nóng bỏng”, gây nhiều tranh cãi, nhất là khi Giáo sư Ngô Bảo Châu, một nhà toán học nổi tiếng trên thế giới, viết trong Facebook cá nhân, vào dịp 19/5/2016 đánh dấu 126 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh:
“Có quý mến ai thì mong họ sớm thoát khỏi vòng luân hồi, đừng bắt họ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.” 

Một nhận định rất hợp tình hợp lý và càng phù hợp với lòng nhân đạo trong phong tục tập quán của dân tộc Việt, cho người chết được “Mồ yên mả đẹp”, dù họ là những người để lại công ơn “vang danh muôn thuở” hay những kẻ phản bội dân tộc “lưu xú vạn niên”.

Trước khi nhận định trên bị xóa bỏ, chỉ trong vòng 2 giờ, đã có 20 ngàn người đồng tình với nhận định của Giáo sư Châu.  Nhưng đồng thời những kẻ “sống nhờ xác chết của ông Hồ” đã lên tiếng miệt thị Giáo sư Châu và khoác cho ông danh từ “ăn cháo đá bát”, vì đã xúc phạm tới ông Hồ.  Có kẻ lên tiếng đòi lại căn biệt thự trị giá 12 tỷ đồng mà nhà nước biếu khi ông trúng giải toán học vang danh toàn cầu.

Có thành phần “yêu đảng” nhấn mạnh với sự thất vọng, cho rằng:“đúng vào ngày sinh nhật thứ 126 của Người, Ngô Bảo Châu vị giáo sư nổi tiếng một thời, lại có những từ ngữ bệnh hoạn khi xúc phạm nặng nề đến anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

Đọc đoạn trên mọi người đều biết đây là thành phần một thời mang danh cháu ngoan Bác Hồ, được bác dậy dỗ trong chính sách “Trăm năm trồng người”, mà tầm nhìn không xa quá bước chân, hay  chỉ là những kẻ cơ hội chủ nghĩa, theo chính sách của đảng, phải chống đối những người tử tế để có miếng ăn.

Thực ra, Giáo sư Châu không xin, vì đây là món quà nhà nước “tình nguyện” biếu ông, nhất là ngân khoản giúp ông du học cũng lấy từ nguồn thuế của nhân dân đóng góp.  Vì người cầm quyền đảng CS cũng là những kẻ ăn bám vào nhân dân.  Nếu nhà nước “muối mặt” đòi lại căn hộ, chắc ông Châu sẽ trả, vì giá trị nhỏ nhoi của căn hộ này không thể so sánh với uy tín của ông mang lại cho đất nước.  Cũng không thể so sánh uy tín của ông với hàng chục ngàn “Tiến sĩ giấy” tại chức, những người không biết Anh ngữ mà chỉ mất 2 tuần sang Mỹ “du lịch” là có bằng Tiến sĩ.  Tiến sĩ nhiều đến nỗi XHCNVN được xếp hạng đứng đầu các nước tại Đông Nam Á, nhưng gần 90 ngày vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết tại 4 tỉnh miền Trung.  Các quan chức  vẫn ngậm miệng ăn tiền.  Cá chết mặc cá, dân đói mặc dân, không ai dám lên tiếng, trong khi người dân nghèo phải còng lưng đóng thuế, chi trả hàng tỷ Mỹ kim để nuôi báo cô đám người ăn hại này.  

Trước cảnh khốn cùng không còn đất sống của hàng triệu người dân miền Trung, cô Trần Thị Lam, một cô giáo trẻ dậy môn Văn của trường THPT ở Hà Tĩnh, đã diễn tả tâm tư của cô qua bài thơ: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”, với những câu:
          ….
          Đất nước mình lạ quá phải không anh
          Những chiếc bánh chưng vô cùng kỳ vĩ
          Những dự án tượng đài nghìn tỷ
          Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay
          …..
Tiếng nói của cô đã làm rung động hàng triệu con tim người Việt trong và ngoài nước, Nhưng đối với đám người cầm quyền vô cảm, vì quyền lợi của đảng, lời kêu gọi để có một môi trường biển sạch, cá sạch vốn là nguồn sống của người dân Việt, cũng như đòi hỏi một chính quyền sạch, chỉ là tiếng vọng trong sa mạc.  

Đối với đề án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trị giá 1.400 tỷ đồng, Giáo gư Ngô Bảo Châu đưa ra nhận định trong Facebook:
“Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1.400     tỷ thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh.”

Người dân Việt đồng ý với nhận định của Giáo sư Châu.  Ngoài chứng bện thần kinh, đám “cán bộ nhà nước” này không có cả trái tim vì đi theo chủ nghĩa “Tiền”, nên không màng tới đạo lý làm người.  Với châm ngôn: “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, bằng mọi cách moi tiền nhân dân nên họ đã mất tính người.

(Nguồn Google: Bảng so sánh ngân khỏan xây tượng đài HCM và lợi ích thiết thực của người dân)          
Với hiểu biết chính xác của nhà toán học, Giáo sư Châu đưa ra lời nhận định hợp lý phù hợp với đời sống của người dân nghèo trong một xã hội ngày càng tụt hậu, đã bị đám cò mồi “yêu đảng” kết tội là “Ăn cháo đá bát”.                                                        *
Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy (sinh năm 1972) là một nhà văn, nguyên giảng viên khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội, cựu giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐHKHXH&NV TP. HCM, nhà phê bình văn chương, được bằng tiến sĩ ngành Văn học Pháp tại Đại học Paris 7 (Pháp) năm 2009 với hạng "tối ưu" vào tuổi 37. 
Cuối năm 2011, TS. Nguyễn Thị Từ Huy bỏ công việc dạy học để chuyển sang làm việc ở Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục (Institute for Research on Educational Development), gọi tắt là Viện IRED, một công việc cho phép bà tiếp tục đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam. 

Trong bài viết “Nghịch lý nhân sự”, Tiến sĩ Từ Huy đưa ra nhận định: “… Chỉ xét từ thời điểm Việt Nam bắt đầu xây dựng và phát triển đất nước một cách độc lập tức là từ sau 1975; bởi vì chính từ thời kỳ này mới có thể đánh giá năng lực quản lý và lãnh đạo công cuộc tái thiết và phát triển quốc gia trong hòa bình, về mọi mặt: kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học…”

“…Lịch sử, quá khứ, bản sắc, các giá trị tinh thần là những thứ mà các thành phố lớn như Hà Nội, Saigon đang mất dần.  Sự biến dạng của Chùa Trăm Gian là nỗi đau của người Hà Nội, và Thương Xá Tax đang là nỗi đau của người Saigon.  Phá hết, hủy hoại hết như vậy thì còn gì là lịch sử!!!  Một dân tộc sẽ như thế nào nếu không có ký ức lịch sử…”

“Cần phải chống lại cỗ máy phi nhân của cơ chế độc đảng hiện hành, nhưng sẽ sai lầm nếu chống lại con người.  Nếu một số lãnh đạo trong các cơ chế độc tài có thể từ bỏ lợi ích của mình (trường hợp gần đây nhất là Then Sen, hiện là đương kim Tổng Thống Miến Điện) là bởi họ có khả năng nhận ra tính phi nhân của bộ máy đang mang lại lợi ích cho riêng cá nhân họ nhưng lại làm hại cho cộng đồng của họ.  Và họ nhận ra được điều đó nhờ phần nhân tính ở trong họ, vì họ là người, và cái phần con người đó khiến họ có đủ lý trí và sức mạnh tách ra khỏi bộ máy…”

Những nhận định đi sát với trào lưu dân chủ đang là mục tiêu trên thế giới, nhất là do lòng yêu thương đất nước và dân tộc trước họa diệt vong, TS. Nguyễn Thị Từ Huy đã bị một số người thuộc thành phần “yêu đảng”, hay những người có sự hiểu biết hạn hẹp, chỉ biết tới quyền lợi nhỏ nhoi cá nhân, đã gán cho TS. Từ Huy là người “ăn cháo đá bát”, là thành phần “bất đồng chính kiến”, nằm trong hàng ngũ những người Dân chủ chỉ trích chế độ XHCN.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy được du học theo chương trình đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn bậc cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo với ngân khoản 2.500 tỷ đồng trong 4 năm (2000-2010), dành cho 400 người đi học Tiến sĩ và 50 người đi thực tập tại nước ngoài.  Thực ra, ngân khoản để đào tạo 450 chuyên viên nhân tài cần thiết cho cho đất nước như trên đã quá ít nếu so với một tượng đài Hồ Chí Minh trị giá 1.400 tỷ, một thứ không cần thiết cho đời sống người dân nghèo. (nguồn: http://ussh.vnu.edu.vn/hoc-bong-de-an-322-bo-sung/2844)

Tác giả Đông La, Nguyễn Huy Hùng (Thanh Miện – Hải Dương), một nhà thơ, nhà lý luận đã nhận được nhiều giải thưởng của nhà nước, đưa ra nhận định của ông về Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy trong bài viết “Nguyễn Thị Từ Huy – Ăn cháo đá bát”, với lý do cô được nhà nước cho du học dưới Đề án 322, nhưng có bài viết về những tệ hại của nhân sự nhà nước.  Đông La khá “nổi tiếng” với văn từ không sạch, như các bài viết đăng trên báo Văn Nghệ TP. HCM, khiến người dân Saigon không muốn đọc vì ngôn từ quá “thô tục”.  Đông La không tiếc lời xỉ nhục một số nhà đấu tranh Dân Chủ như Lê Hiếu Đằng, kể cả một số nhà báo tên tuổi như Nguyên Ngọc, Trần Mạnh Hảo, Võ Thị Hảo…Mà nhà văn Chu Mộng Long cho rằng “Đông La ngày càng bộc lộ dục vọng muốn được trọng dụng.” (Nguồn: trang mạng Bà Đầm Xòe”.  Đây là một loại người tự nhận là trí thức, một thứ trí thức chỉ làm xấu văn hóa dân tộc, mà tính tự trọng và liêm sỉ là điều cần thiết của con người.

Tại Paris, thủ đô nước Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy đưa ra nhận định về hiện tình Việt Nam, trong bài viết “Chủ nghĩa Xã hội dẫn đến sự diệt vong của dân tộc” đề ngày 19-10-2015:
“…Biển đã chết, rừng đã chết, đồng bằng đã và đang chết, những dòng sông đã và đang chết…Vậy có cách gì cưỡng lại sự diệt vong?
“Chỉ có một cách thôi: dân chủ hóa bộ máy chính trị, chọn được những người lãnh đạo hoàn toàn không có quan hệ với Trung quốc, chấp nhận một số thiệt thòi trước mắt (nhưng những thiệt thòi đó chẳng bao nhiêu so với sự mất mát khủng khiếp trong dài hạn), thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý, làm trong sạch toàn bộ hệ thống hành chính.  Những điều này guồng máy lãnh đạo đương nhiệm đang tỏ ra cho người dân thấy rằng họ không thể thực hiện…” (Nguồn: nguyenthituhuy's blog)
                                                                   *
Một câu hỏi đặt ra: “Tại sao Việt Nam tụt hậu”?  Đảng CS và nhà nước XHCN vẫn chưa trả lời.  Sau 40 năm ngưng tiếng súng người dân Việt vẫn đói nghèo, phải ngửa tay cầu cứu thế giới giúp “xóa -đói giảm nghèo”.  Sau ngày 30-4-1975, cả nước ăn độn bobo, một loại thực phẩm dùng để nuôi trâu ngựa, trong khi vựa thóc miền Nam có thể nuôi sống cả nước.  Tài sản của miền Nam, của công cũng như của tư nhân lên tới hàng tỉ Mỹ kim, dư sức vực dậy và phát triển một quốc gia sau chiến tranh, một điều mà ngay cả Nhật Bản cũng như Đại Hàn không có sau khi chiến tranh chấm dứt.  Có phải tài sản này đã chui vào túi quan tham lãnh đạo, khiến họ trở thành “Tư bản đỏ”, một “giai cấp thượng lưu”?  Tại sao Việt Nam vẫn nghèo, dân vẫn đói, trong khi “nguồn tiền cho không” của người Việt hải ngoại chuyển về  sau ngày mở cửa lên đến hàng chục tỉ Mỹ kim mỗi năm? 

Với chế độ XHCN hiện tại, Việt Nam khó mà phát triển khi mà nhân sự trong guồng máy lãnh đạo không có khả năng xây dựng cũng như tinh thần vì dân tộc, nhưng có thừa tài năng chiếm đoạt tài sản của đất nước và nhân dân.  Một thí dụ điển hình là Thủ tướng “Ma-dzê in Vietnam” trong phái đoàn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang gặp Nữ Thủ tướng Thái, Bà Yingluck Shinawatra vào năm 2013, đã nổi tiếng với hỗn danh “Nguyễn Xuân Fuck”.  Những nhân sự loại này chỉ làm Việt Nam xấu mặt mỗi khi giao tiếp với nước ngoài.  Hơn nữa, ở cương vị Thủ tướng chính phủ, ông Phúc đã tỏ ra bất tài, không đưa ra nguyên nhân cá chết tại miền Trung, cũng như chỉ tên những người trách nhiệm gây ra tình trạng này. 

Những vị khoa bảng như PGS. TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện khoa học hành chính…đề nghị “Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền”.  Nghe chức vụ rất kêu nhưng tư cách và sự hiểu biết cần phải được xét lại.

Về tình hình nóng bỏng tại Biển Đông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa đề nghị trong buổi lễ tại Bộ Khoa học Công nghệ ngày 17-5: Việc Trung quốc mang giàn khoan (HD 981) vào hải phận VN là vi phạm luật pháp quốc tế.  Ông quên một điều là vào ngày khánh thành đặt giàn khoan có sự hiện diện của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.  Ông không biết hay không dám nói sự thật?

Ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đưa ý kiến giúp tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết tại 4 tĩnh miền Trung, nhưng chính quyền Việt Nam đã từ chối.  Gần đây, Đài Loan cũng đưa ra lời yêu cầu giúp tìm ra tình trạng cá chết tại miền Trung, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn không chấp nhận.  Tại sao đảng CS vẫn từ chối trước hảo tâm của thế giới trong khi nhân sự của đảng thiếu khả năng.  khó xử do “dứt giây động rừng” nên đã ngậm miệng, mặc cho dân đói dân chết, để theo đúng những điều đã cam kết với Trung quốc.

Trước hiện tình đất nước, người Việt không thể im lặng chờ đợi một thảm họa ngày một tới gần.  Chỉ còn một cách duy nhất để Việt Nam tránh được họa diệt vong là thay đổi thể chế hiện tại và hội nhập với trào lưu Dân Chủ thế giới để phát triển đất nước.
Tháng 6-2016

No comments:

Post a Comment