Nhận Xét Về Bầu Cử Quốc Hội Trong Chế Độ CSVN
Cuộc bầu cử Quốc
hội khóa 14 và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 5 năm
(2016-2021) được
dự trù vào ngày 22-5-2016, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ
tối. Việc bảo vệ an ninh cho ngày bầu cử được chính quyền Hà Nội gia
tăng. Theo giới trẻ Saigon cho hay, chính quyền kiểm soát chặt chẽ và
ngăn cấm cả các cuộc trao đổi qua Facebook hay Twitter, nhất là các cuộc trao
đổi này liên quan tới danh từ “cá chết” hay “bầu cử”. Giới trẻ Saigon đã
có “sáng tạo” trong các cuộc điện đàm này, thay vì hỏi nhau “có đi bầu không”
đã nói khác đi “có chửa không”…khiến nhà nước bó tay.
Theo CNN, Trung quốc đã kiểm soát chặt chẽ, ngăn
cấm các phương tiện thông tin và giải trí.
Bắc Kinh kiểm soát gắt gao các phương tiện liên lạc như: Facebook,
Twitter, Website, E-Books…(CNN- Banned! Ten things you won’t find in
China).
Việt Nam đã theo chân Trung quốc trong hành động
ngăn cấm trên vào dịp bầu cử Quốc hội ngày 22-5-2016. Việc chính quyền cấm đoán các phương tiện
liên lạc, chứng tỏ CS Hà Nội không còn tự tin vào biện pháp “đàn áp” tàn nhẫn
các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân thấp cổ bé miệng, mặc dù chỉ để đòi hỏi
quyền sống của con người.
Bầu cử Quốc hội khóa 14
Tình hình bầu cử QH trở lên căng thẳng vì đúng
vào dịp người dân dự trù tổ chức cuộc biểu tình “Cả nước xuống đường” ngày
22-5-2016, tiếp nối sau hai đợt biểu tình từ Bắc vào Nam ngày 1-5 và 8-5-2016,
vì khu kinh tế Formosa thải hóa chất xuống biển, gây ra tình trạng cá chết tại
bờ biển 4 tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, khiến ngư dân không
còn phương tiện sống.
Theo thông báo, cả nước có 69 triệu cử tri đi bầu,
với 870 người ứng cử cho 500 ghế đại biểu Quốc hội, trong số này sẽ có tối thiểu
35 người ngoài đảng được bầu vào Quốc hội.
Thông báo chỉ nói tới con số “tối thiểu” nhưng không nói rõ “tối đa” là
bao nhiêu, cũng không nói tới xuất xứ của những nhân vật này. Một điểm khá đặc biệt chỉ xẩy ra ở XHCN, tỉ số
phiếu bầu của các ứng viên Quốc hội đạt con số 95-97%, có người lên tới 98-99%,
một con số tuyệt đối không bao giờ xẩy ra tại các nước khác trên thế giới.
Cũng tại cuộc bầu cử lần này, phong trào “tự ứng
cử” được phát động. Trong số hơn 150 người
đăng ký, có Tiến sĩ nguyễn Quang A và một số nhà đấu tranh cho Dân chủ và Nhân
quyền tham gia. Nhưng danh sách ứng cử
này đã bị Hội đồng Bầu cử Quốc hội loại bỏ mà không đưa ra lý do nào. Con số người ngoài đảng được vào danh sách ứng
cử chỉ có 11 người. Người dân biết rõ
đây chỉ là thành phần “cò mồi” để cuộc bầu cử ra vẻ dân chủ.
Mặc dù báo chí nhà nước hô hào, thúc đẩy người
dân tham gia bầu cử và coi đây là một “ngày hội lớn” hay “ngày hội non sông”,
nhưng tất cả các cố gắng này trở thành vô ích, người dân đã thờ ơ và tẩy chay
cuộc “Bầu cử định hướng ” vốn thường xẩy ra trong XHCN.
Người Việt trong nước đã chán ngấy hình thức lừa
gạt kiểu “dân chủ định hướng” của chế độ XHCN.
Tệ hại hơn nữa, Quốc hội khóa 13, dưới hình thức “Đảng cử Dân bầu” gồm một
đám “Nghị gật”, cho cả “Chính phủ chết yểu” trước thời hạn, đã không chứng tỏ
là một nhà nước Pháp quyền mà chỉ đưa đến tình trạng một quốc gia không luật
pháp.
Hậu quả không minh bạch của QH khóa 13 khi vội vã
bãi nhiệm một số quan chức hàng đầu như Chủ Tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch
QH, mặc dù, theo điều 87 của Hiến pháp 2013 quy định: “Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước
theo nhiệm kỳ của QH. Khi QH hết nhiệm kỳ,
Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi QH khóa mới bầu Chủ tịch nước”.
Đối với nhiệm kỳ của Chính phủ, điều 97 cũng qui
định: “Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm
kỳ của QH. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ,
Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính
phủ.”
Hơn nữa, Hiến pháp 2013 xác nhận: “Hiến pháp nước
CHXHCN Việt Nam là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật
của Việt Nam…”
Nhưng đoạn tiếp theo lại ghi: Tại Việt Nam, Hiến
pháp “là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng nhất sau Cương lĩnh của đảng, là
đạo luật gốc, quy định những vấn đề hết sức cơ bản của nhà nước. Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa
Cương lĩnh của đảng về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946…” Như vậy,
cương lĩnh của đảng quan trọng hơn Hiến pháp, cho nên đảng CS đứng trên luật
pháp vì làm ra luật.
Đảng dựa vào điều 4 để sống còn, như Chủ tịch
Nguyễn Minh Triết phát biểu, “bỏ điều 4 là tự sát”, khiến đảng hiện nguyên hình
là một tập đoàn cướp ngày. Trong thời
gian sửa đổi và bổ sung Hiến pháp, nhiều nhân sĩ đã góp ý nên bỏ điều 4 trong
Hiến pháp vì điều này phản dân tộc, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lên
tiếng: “Sửa đổi điều 4 trong Hiến pháp là suy thoái chính trị”
Một điều tệ hại nhất là “…lấy chủ nghĩa Mác-Lê
nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng…” Chủ thuyết Mác-Lê của CS đã lỗi thời, bị thế
giới và ngay cả quốc gia sản sinh ra nó vất vào xọt rác của lịch sử vì bản chất
khát máu, vô nhân đạo. Ngay cả các nước
Đông Âu, chủ thuyết cộng sản cũng bị loại bỏ khỏi Hiến pháp của họ vào năm
1989, và trở thành các quốc gia theo chế độ dân chủ. Các tàn tích liên quan tới chế độ cộng sản, một
thời gây tang thương trên quê hương họ, cũng không còn hiện diện tại các quốc
gia này.
Đảng CSVN tôn vinh “tư tưởng HCM” và dùng làm nền
tảng tư tưởng, cũng chứng tỏ sai lầm trầm trọng. Khi ông Nguyễn Văn Trấn đề cập tới tư tưởng
chỉ đạo cho ĐCSVN, ông Hồ đã tự thú: ông
không có tư tưởng nào, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê.
Vì theo chân Mác-Lê, Mao Trạch Đông, ông Hồ trở
thành tội đồ diệt chủng của dân tộc Việt Nam, gây ra cái chết cho hàng triệu
người dân vô tội. Ông Hồ đã đào tạo đám
tay chân, qua chính sách trăm năm trồng người, biến họ thành một loại công cụ
vô hồn, tiếp tục lừa gạt người dân. Như vậy,
ta hiểu tại sao ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng CS, chỉ là đảng trưởng đảng
CS, một chức vụ không do dân bầu, nhưng quyền hành ở trên Hiến pháp.
Trong lần tái đắc cử chức Tổng Bí thư, ông Trọng
tuyên bố: “mặc dù là độc đảng nhưng Việt Nam dân chủ hơn hẳn một số quốc gia
nhân danh dân chủ, nhưng cá nhân quyết định tất cả”. Ông cũng nhấn mạnh: “tính dân chủ của Việt
Nam thể hiện qua sinh hoạt quốc hội, hội đồng nhân dân, các tổ chức chính trị ở
Việt Nam…”
Người dân nghe ông Trọng ca tụng tính dân chủ
trong chế độ độc đảng cũng như bầu cử quốc hội, càng chứng tỏ sự thiếu hiểu biết
của ông, cũng như để lộ bản chất lừa gạt của chế độ XHCN. Đại biểu Quốc hội hầu hết là đám tay chân của
đảng, làm theo lệnh đảng, được thể hiện qua câu nói của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Sinh Hùng: “Quốc hội là của dân, sai thì
dân chịu chứ kỷ luật ai.”
Tam Quyền phân lập chỉ là hình thức, trong đó Quốc
hội là một cơ quan phục vụ cho quyền lợi của đảng. Không thấy đại biểu quốc hội lên tiếng nhân
danh đại diện người dân, phản đối các hành động đàn áp bắt giam người dân, với
những bản án vô luật pháp. Tính “dân chủ”
của XHCN Việt Nam được thể hiện qua báo cáo của Trung tướng Trần Trọng Lượng,
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tôi phạm trình bầy trong
phiên họp cho hay: “Số người bị bắt, tạm giữ hình sự từ 2012-1014 lên tới
200.000 người. Trong thời gian 3 năm, từ
tháng 10-2011 đến tháng 9-2014 đã xẩy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ. Không thấy nói tới các trường hợp người dân bị
đánh đập, tra khảo đến chết sau khi “làm việc” tại các đồn cảnh sát. Con số này chắc phải cao hơn gấp bội trong thời
gian gần đây.
Một câu hỏi đặt ra, tại sao ông Trọng tìm cách ở
lại khi số phiếu tín nhiệm thấp hơn người khác?
Có phải vì nguồn lợi từ Formosa (Hà Tĩnh) đến cảng Hải Phòng trong dự án
con đường tơ lụa của Trung quốc, mà Trọng ký kết với Tập Cận Bình, nên ông phải
dàn dựng cho đám tay chân để hoàn tất nhiệm vụ bán nước trong thời hạn như đã đề
ra tại Hội nghị Thành Đô năm 1990. Người
Việt trong và ngoài nước đã đặt câu hỏi về hành động này bán nước này, nhưng đảng
CSVN vẫn ngậm miệng ăn tiền.
Nhận định về Hiến pháp 2013
Một số nhà trí thức, học giả đã đưa ra nhận định
khi Quốc hội khóa 13 giải nhiệm toàn bộ Chính phủ đương nhiệm, và đưa ra câu hỏi: “Có nên xé bỏ Hiến pháp XHCN không?” Thực ra, bản Hiến pháp này đã bị đảng CSVN dẹp
bỏ từ năm 1946, ngay khi thành lập nước: “Việt Nam Dân chủ cộng hòa, độc lập tự
do hạnh phúc.” Nó chỉ được xử dụng như một
tấm bình phong hầu che đậy hành động vô luật pháp của đảng CSVN. Ngay khi ông Hồ tuyên bố thành lập nước
VNDCCH ngày 2-9-1945 tại vườn hoa Ba Đình Hà Nội, lực lượng Việt Minh đã gia
tăng khủng bố, giết hại thành phần đảng phái Quốc gia, không theo chủ trương của
cộng sản, đã phơi bầy bản chất phản dân chủ, đi ngược lại nguyện vọng của người
dân.
Một số nhà thức giả nhận định về Hiến pháp sửa đổi
2013. Giáo sư Tương Lai nhận định: “bản Hiến pháp mới này là một bước lùi vì sẽ
đưa dân tộc vào con đường khó khăn trước những thách thức của thời đại, khi thế
giới đang có nhiều biến động.”
Theo ông Dương Trung Quốc: “…trong lịch sử lập hiến
của nước ta, đây là lần đầu tiên trong lời nói đầu của Hiến pháp viết thẳng
quan niệm Hiến pháp chỉ là “thể chế hóa Cương lĩnh” của đảng và kế thừa những
Hiến pháp trước…”
Tổ chức Human Wrights Watch đã khuyến cáo Quốc hội
Việt Nam cần đảm bảo bản Hiến pháp sửa đổi, đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn
quốc tế về nhân quyền, và cho rằng đây là cơ hội duy nhất trong cả một thế hệ để
thay đổi Hiến pháp VN để quyền tự do căn bản của người dân được bảo đảm.
Ông Phil Roberston, phó giám đốc Human Wrights
Watch’s Asia Division nhận định: “Việc
thông qua này thật đáng thất vọng, khi Việt Nam vừa trở thành thành viên Hội đồng
Nhân quyền LHQ. Thay vì lắng nghe ý kiến
đóng góp của hàng ngàn người dân về thúc đẩy nhân quyền và một nhà nước vì dân
hơn, thì nay Quốc hội bỏ phiếu vì ý nguyện của Đảng CS và Chính phủ.”
Trong ngày bầu cử, ông Nguyễn Phú Trọng đã thực
hiện “quyền công dân” tại đơn vị phường Nguyễn Du đã nhận định: “tôi thấy không khí rất nô nức và chắc hôm
nay bà con sẽ đi bầu một cách đông đủ.”
Truyền thông trong nước cho hay, ông Trọng đã đạt con số kết quả tối đa
trên 90%. Một con số gây nhiều nghi ngờ
khi mà uy tín của ông Trọng đang xuống thấp nhất là sau cuộc “độc diễn” chức vụ
Tổng Bí thư của một Chính phủ “phi Hiến pháp” vừa qua.
Theo lịch trình, kết quả bầu cử sẽ thông báo vào
ngày 1-6-2016, nhưng tại nhiều địa phương vẫn chưa hoàn tất. Thật khó có thể đưa ra con số “tuyệt đối” mà
đảng mong muốn như vẫn thường xẩy ra khi mà người dân đã tẩy chay, bỏ phiếu trắng,
gạch bỏ lá phiếu để vô hiệu hóa cuộc bầu Quốc hội “đảng cử dân bầu”.
*
Tình trạng “cá chết” tại 4 tỉnh miền Trung đang
là mối quan tâm về nguồn sống cũng như an toàn thực phẩm của người Việt trong
và ngoài nước. Nhà nước vẫn chưa có kết
luận rõ ràng về nguyên nhân làm cá chết, vẫn kéo dài thời gian cho qua ngày,
trong khi các khoa học gia đã nhận định nguyên nhân do thải hoa chất độc hại từ
khu kỹ nghệ Formosa.
Chính quyền vẫn chưa công khai cho người dân hay
ai là người chịu trách nhiệm thực hiện dự án chết người này. Điều này cũng chứng tỏ khả năng và thực quyền
của Quốc hội, một cơ quan chỉ phục vụ cho quyền lợi của đảng CS. Vẫn chưa có tiếng nói công khai nào của Quốc
hội để bênh vực quyền lợi sống còn của người dân khi họ “mang tiếng” là người đại
diện, vẫn chỉ là một đám “nghị gật”, ngậm miệng ăn tiền do thuế của người dân
đóng góp.
Mùi thơm “Dân chủ” thật hấp dẫn. Mặc dù người dân mang tiếng là “Nhân dân làm
chủ”, nhưng “cổ họng và dạ dầy” nằm trong “bàn tay thép” của đảng và nhà nước
CS. Tất cả “quyền sống tối thiểu” của
người dân vẫn bị chòng chéo trong hành động “xin-cho”, đã trở thành “lúc còn
khi mất” tùy theo nhu cầu của đảng.
Mô hình “đảng cử dân bầu” mà đảng tự hào là đỉnh
cao trí tuệ loài người, để đưa đất nước tiến lên XHCN, chỉ là một hình thức lừa
gạt. Người Việt đã nhận biết mặt trái của
thứ “bánh vẽ dân chủ” mà đảng đưa ra từ hồi đầu cách mạng dưới “triều đại Hồ
Chí Minh”, vốn chỉ là vỏ bọc của hành động đàn áp, khủng bố và độc tài đảng trị.
Đã đến lúc người Việt phải loại bỏ một chế độ
đang đưa đất nước vào vòng nô lệ. Chỉ có
sự quyết tâm đấu tranh cho dân chủ vì quyền lợi thiết thực
của người dân, mới đưa đất nước tới phú cường.
Vận hội mới để kiến thiết đất nước hưng thịnh đã tới.
Tháng 5-2016
No comments:
Post a Comment