Friday, June 3, 2016

CÁM ƠN

Xin gửi lại LỜI CÁM ƠN RIÊNG như một tri ân với hơn 50 ngàn Binh Sĩ Mỹ cho cuốc chiến VN.


Cuối năm 1976, tôi lập gia đình được ba tháng, theo chồng từ nam California về nhà cha mẹ chồng ăn mừng lễ Giáng Sinh, cũng là dịp để cha mẹ chồng tôi giới thiệu cô dâu mới với làng xóm của hai cụ. Một cô con dâu Việt Nam, không phải chỉ là điều ngạc nhiên cho làng xóm mà còn cho cả dòng họ bên chồng tôi nữa. Vì chẳng bao giờ họ nghĩ con, cháu họ lại lập gia đình với một người ở cái nước xa lạ đó.

Sau tiệc ở nhà, chúng tôi đi chào các cô, chú ở những thành phố gần Helena, Montana. Cha chồng tôi là con trưởng, cụ có một em trai và bốn em gái. Cô Ruth ở gần nhất, nên chúng tôi lái xe đến chào trước.

Lần đầu tiên đến thăm cô Ruth đã để lại trong lòng tôi một nỗi buồn bã không bao giờ quên được. Đến hơn ba mươi năm sau, mỗi lần tháng Tư về, ngoài niềm đau của vết thương quốc nạn bị khơi lại, tôi còn bị hình ảnh của cô Ruth ngày hôm đó, hiện ra cùng một lúc, làm vết thương của tôi nhức nhối thêm.

Hôm đó, cô Ruth đón chúng tôi ngay trước cửa nhà, ngôi nhà của cô ở trong một khu trại táo, không lớn lắm; chồng tôi nói, chú mất, cô bán dần đi trang trại, vì không lo xuể. Cô lúc đó gần sáu mươi, là một phụ nữ nhỏ bé so với người Mỹ, cô nhanh nhẹn và vui tính, cặp mắt sáng. Cô đem mứt táo do cô làm ra mời chúng tôi, xong cô nói chuyện về công việc trồng táo, hái táo và bán đi. Trước kia cô chú có cả ngàn mẫu, càng về già, càng bán bớt đi. Bây giờ không còn chú, cô nói, sẽ bán nốt trại này trong vòng năm năm, vì cô không đủ sức trông. Các con cô cũng chán làm việc trong trại táo rồi, họ bỏ đi làm xa ở những thành phố lớn hơn.

“Hai cháu nếm món bánh táo này, còn mứt táo, cô đóng hũ nhiều lắm, chốc nữa nhớ mang về một vài hũ.”

Tôi vừa ăn mứt táo, vừa ngắm cái dáng cô nhanh nhẹn, đi qua, đi lại, mang nước, mang bánh cho chúng tôi. Tôi đang nhâm nhi thưởng thức hương vị cây nhà, táo vườn, thì cô đem đến trước mặt tôi một tờ giấy khá to, gấp làm bốn, trải ra trước mặt tôi. Tôi nhìn xuống, đó là tấm bản đồ Viêt Nam.

Cô nhìn tôi, hỏi:
“Chỉ cho cô Đà Nẵng ở đâu, cách Sài Gòn chỗ cháu ở bao xa?”

Tôi chưa nghĩ ra tại sao cô lại có tấm bản đồ Việt Nam, tại sao cô muốn biết hai địa điểm này cách nhau bao xa? Tôi ngước nhìn chồng tôi, tôi thấy anh ngồi im, và anh tránh cặp mắt tôi. Tôi cúi xuống tấm bản đồ, tìm vị trí Đà Nẵng- Sài Gòn, chỉ cho cô. Cô nói rất nhẹ, nhưng tôi nghe rõ từng tiếng một.

“Michael nó chết ở đây, Đà Nẵng.”

Cô nói xong, gấp tấm bản đồ lại, mang vào buồng trong. Tôi nghe như có một tảng đá đè lên ngực mình, miếng bánh táo trong cổ họng tôi nghẹn cứng, tôi không nuốt được nữa, cuống họng của tôi như bị co lại. Tôi cầm ly nước, uống vội một ngụm, để cho miếng bánh trôi xuống, tôi thở hắt ra, tôi ứa nước mắt.

Cô Ruth trở ra với tấm hình của Michael mặc quân phục. Một thanh niên rất trẻ, có khuôn mặt thanh mảnh và cặp mắt sáng của mẹ. (Sau này tôi được biết Michael chết lúc 19 tuổi)

Cô Ruth nói:
“Chúng tôi chẳng biết gì về Việt Nam cả, chỉ biết đó là một nước nhỏ ở vùng Đông Nam     Á đang có chiến tranh, và nước Mỹ đang gửi quân sang giúp. Con trai tôi vừa học xong trung học. Người ta bốc thăm trúng tên nó, thế là nó đi, thế là nó chết. Nó đi rất tình cờ và chết rất tình cờ.”

Tôi ngồi im như một phiến đá nhỏ, tôi không biết phải nói gì. Nhìn mặt cô khi nói về cái chết của con với một giọng bình thản, xa vắng, không thấy có xúc động, không thấy có nước mắt trong đó, tôi bỗng rùng mình. Hình như cái đau của cô đã bị đông đặc lại, trong cô chỉ còn sự oán trách. Sự oán trách bây giờ tìm được đúng đối tượng, mang ra giải bầy. Cô chỉ nói có mấy câu mà tôi có cảm tưởng như cô đang trách móc, hay kết tội tôi. Tôi, một cô gái tỵ nạn đến từ cái nước con cô bị tử trận, rồi lại lấy cháu cô. Bây giờ đến trình diện cô. Chẳng biết cô có nghĩ: cả con lẫn cháu cô đều hệ lụy vì Việt Nam không? Chắc cô có tấm bản đồ này lâu rồi, cô đã thuộc lòng điểm nào là Sài Gòn, điểm nào là Đà Nẵng, cô mang ra hỏi tôi chỉ với mục đích cho tôi biết cái mất mát to lớn của cô trên đất nước tôi. Cô muốn tôi chịu trách nhiệm một phần nào về nỗi thống khổ cô mang vác bao nhiêu năm nay. Tôi ra về với một trái tim nặng trĩu ngàn cân và hai môi ngậm kín.

Tôi đã đến Hoa Thịnh Đốn đã đọc tên của Michael, đã đặt tay lên vầng trán lạnh của anh, nói thì thầm lời cảm tạ. Giống như thân nhân của các người lính Mỹ khác, các con tôi đã lấy giấy bóng than (carbon paper) tô lên tên anh, đem về nhà.

Cứ mỗi lần đến tháng Tư, những hình ảnh đau thương mở ra từng đoạn. Đọc những bài viết, và nhìn lại những hình ảnh về những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến, tôi thấy trong đó có thấp thoáng tấm hình xuân trẻ của Michael cùng lúc với đôi mắt sáng và lạnh của cô Ruth nhìn tôi khi nói câu: “His death was sudden!”

Hơn ba mươi năm lập gia đình, chúng tôi rất nhiều lần đến thăm cô, khi cô bán nốt trại táo ở Montana rồi mua một căn nhà nhỏ ở Lake Chelan, Washington cho gần với con gái, chúng tôi thăm cô thường xuyên hơn. Trong thâm tâm tôi, tôi nghĩ, tôi có nợ cô một món nợ, cô không đòi trực tiếp và tôi vẫn trả cô gián tiếp. Tôi rủ chồng đến thăm cô, quan tâm đến cô nhiều hơn các cô chú khác. Mỗi lần đến, tôi mang theo một món quà nho nhỏ, chúng tôi mời cô đi ăn trưa, cô vẫn nhanh nhẹn, vui vẻ. Cô không hỏi tôi về Đà Nẵng nữa, không nói về Michael nữa. Tấm hình của Michael bây giờ cô mang ra phòng khách, không cất trong phòng ngủ của cô như lần đầu tiên tôi tới thăm cô. Cặp mắt cô vẫn sáng, nhưng ánh mắt cô nhìn tôi đã mỗi lần thăm là một lần dịu xuống. Tôi đoán cô không còn oán hận nước Việt Nam đã cướp mất người con trai cô, và cô thiếu  nữ Việt Nam đã lấy cháu cô nữa. Cô “tha” cho tôi rồi. Phải chăng cô đã hiểu cả ba chúng tôi: Cô, Michael và tôi đều chỉ là nạn nhân của chiến tranh.

Khi cô tám mươi tuổi, con cháu tổ chức cho cô cái lễ thượng thọ vào một mùa hè ngay trên bờ hồ của Lake Chelan, chúng tôi có đến dự. Cô mặc một cái áo có in hình tất cả con cháu ở sau lưng áo, nhưng phía trước ngực thì in hình Michael. Người con này, luôn luôn ở trong trái tim người mẹ, bà vẫn ôm cậu trước ngực mình.

Khi nào bạn có đến chiêm ngắm bức tường đá đen ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, có khắc tên gần sáu mươi ngàn chiến sĩ Hoa Kỳ hy sinh cho cuộc chiến Việt Nam, bạn thấy tên Michael Keys, thì đó chính là con của cô Ruth, em họ chúng tôi. Xin bạn hãy đặt tay lên vầng trán lạnh của Michael, cho anh một lời cám ơn riêng.

Trần Mộng Tú

No comments:

Post a Comment