Friday, December 27, 2019

VĨNH BIỆT CÁN HỮU MẠCH HỮU THÔNG




Quý anh chị thân mến, 
Chúng tôi mới nhận được cáo phó, báo tin một đồng đội của chúng ta là anh Mạch Hữu Thông đã bỏ chúng ta đi về miền vĩnh cửu vào ngày 22 tháng 12 năm 2019 tại Columbus, Ohio, hưởng thọ 78 tuổi: 

Cách đây khoảng 3 năm, chúng tôi nhận được một tinh nhắn của anh Thông, từ Ohio, tìm đồng đội của mình như sau:



Trước tiên tôi cần “minh định” cùng các bạn rằng: những dòng chữ sẽ nhởn nhơ vượt qua đôi mắt phủ kính lão hẳn không phải là truyện ngắn, tùy bút hoặc tài liệu ... mà lời ngỏ của 1 kẻ đang sống thân tầm gởi xứ cờ hoa, xa người thân, vắng bạn.

Rồi mới đây, vô tình trong lúc tìm đọc những mẩu chuyện đời của thế gian tôi lại thấy có Website CB/XDNT, tôi bèn mở xem và lòng tôi rộn lên với nhiều tên quen thuộc như Ung Ngọc Nghĩa, Ngô Thiên Toảng, Ngô Minh An, Trần Văn Khánh, và đến các vị mà tôi không dám gọi  "đàn anh", vì họ chính thật các "ông thầy" như Lê Xuân Mai, Nguyễn Tài Lâm.... 

Xem các bài viết, tôi mới vỡ lẽ thì ra các bạn áo đen phe ta, dầu xa xứ, nhưng các bạn vẫn thường sinh hoạt, liên lạc nhau, mừng thay cho chiếc áo đen, và rồi buồn cho thân phận mình nơi tỉnh lẻ chẳng có người thứ hai để có dịp nhắc chuyện của ngành thời xa xưa.

Đến đây, ắt hẳn các bạn muốn biết tôi là ai? và làm ngành nghề gì? Vâng, tôi xin tuần tự kê khai phần lý lịch trích ngang, và không hiểu có ai còn nhớ bản mặt tên nầy, cũng như quý bạn đánh giá xem kẻ nầy có thể liệt vào hàng ngũ CB/XDNT?
Tên: THÔNG, 
Họ: MẠCH,
Lót chữ HỮU.

Xưa kia, người đời gọi Mạch Hữu Thông, nhưng khi qua bên nầy đi làm, bọn mũi lõ kêu “Thong Mach”;
Ngành nghề: - Huấn luyện viên lưu động(Mobile Instructor); - HLV/Ban Quân sự;
Thời gian: từ khoảng tháng 9/1965  đến cuối năm 1967;
Địa điểm: Có ở cả 3 trại Phù Đổng, Chí Linh, Lam Sơn (Cát Lở);
Hoạt động dưới trào các Chỉ huy trưởng:
1.Thiếu tá Lê Xuân Mai,
2. Trung tá Thinh,
3. Trung tá Trần Ngọc Châu,
4. Đại uý Nguyễn Bé, 
Cuối năm 67, rời Trung tâm, nhập ngũ, tháng 9/68 ra trường về Bộ XDNT, Nha Cán Bộ (do Trung tá Nguyễn Tài Lâm làm Giám đốc), Phòng Công Tác V4.
Có lẽ bí nhiêu đủ dữ kiện giúp các bạn lượng giá rồi chứ.
Tôi hiện cư ngụ tại Thành phố Columbus- Tiểu bang OHIO. 

Nếu còn nhớ xin l/l bằng :Email: thmach@yahoo.com, hay qua đt: (614) 893-4616.
Với các bạn Ngô Thiên Toảng, Ngô Minh An có ngạc nhiên chăng khi thấy tên Thông còn lồ lộ đây, xin chúc an bình. 
Hy vọng bên ta có dịp trao đổi thêm.

Mạch Hữu Thông

Anh Hiền,
Tôi gởi đến anh và các bạn vài bức ảnh cá nhân tôi và 1 số bạn CB/GH/Ban Quân Sự chụp ngay lớp học ngoài rừng tại Trung tâm "tàn phá sắc đẹp"  HL/XDNT/Vũng Tàu, khoảng năm 1966, 1967. Không biết khi nhìn ảnh có ai nhận ra người xưa?
Chúc anh và các bạn XDNT năm nào luôn nhiều sức khỏe tốt an binh, vui vẻ.


Sau khi liên lạc được với một số đồng đội, anh Thông đã đến tham dự “Hội Ngộ Mở Rộng Linh-Sơn-Lĩnh và XDNT” đầu tiên vào ngày 1 và 2 tháng 9, 2018 tại Nam California. 




Tại đây, anh Thông đã gặp lại những “cán bộ áo đen” trong đó có niên trưởng Nguyễn Tài Lâm và một số “đồng nghiệp” tại Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia Vũng Tàu, là nơi anh cũng từng là một huấn luyện viên quân sự. 

Có lẽ bây giờ anh Mạch Hữu Thông và anh Trần Minh Ánh cũng đang tham dự yến tiệc ở bên kia thế giới. 
Hình ảnh anh Thông tại Nhà Hàng Seafood Palace ở Westminster, California. 

***
Nhưng có lẽ, giây phút thoải mái nhất là lúc anh Thông đến Café XDNT ở San Jose vào ngày 7 tháng 9, 2018, là lúc anh gặp lại những người thân quen, trong đó có anh Phùng Ngọc Tường, người ít khi ghé quán này, nhưng nghe nói có anh Thông đến thăm, nên từ Santa Clara đến nâng ly hôi ngộ (nhưng đã trở thành “chén ly bôi”). 


Anh Thông cùng anh Khánh và anh Ánh.
Với Hội Trưởng Quân (đứng...cười)!
Cười thoải mái.
Nhìn vóc dáng lanh lợi và khỏe mạnh của anh Thông, không ai ngờ
rằng anh lại đột ngột bỏ ra đi, không lời từ giã.  

Thôi thì, để tiễn anh về miền vĩnh cửu, xin chúng ta cùng đồng ca
bản “Vĩnh Biệt” của Nhạc Sĩ Phan Công Danh:



San Jose, Dec 27, 2019
Phạm Đức Hiền












MỘT THỜI ĐỂ NHỚ


Có thể nói xe đạp và xe gắn máy là phương tiện di chuyển chiếm đa số  tại miền Nam trước 1975 và cho đến nay, xe gắn máy vẫn là phương tiện  di chuyển được nhiều người sử dụng nhất . Bài này xin nhắc lại một số  xe gắn máy đã hiện diện
 tại miền Nam trước 1975.
Nói đến xe gắn máy thì chắc là mọi người sống tại miền Nam trước đây  đều biết đến xe Mobylette. Vì Việt Nam là thuộc địa của Pháp nên hãng  Motobécane của Pháp, chế tạo ra chiếc Mobylette, đương nhiên là hiện  diện trên thị trường Việt Nam. Nhưng nhiều người biết đến tên  Mobylette hơn là Motobécane. Xe Mobylette ở Việt Nam có loại Mobylette  vàng và Mobylette xanh. Cả hai đều dùng động cơ 49,99cc để được xếp  vào loại vélomoteur, không cần bằng lái, nhưng Mobylette vàng thì nhỏ  hơn, chỉ có ống nhún phía trước, còn Mobylette xanh thì lớn, nặng hơn  có ống nhún ở cả bánh trước lẫn bánh sau nên đi êm hơn và giá cao  hơn .
Mobylette Xanh
Mobylette Vàng
Xe Mobylette xem chừng ra không thay đổi nhiều lắm qua nhiều năm. Xe  Mobylette trong thập niên 1950 thân là những ống tuýp hàn lại. Qua  thập niên thì thân làm bằng tôn ép. Màu sắc cũng ít thay đổi. Có lúc  Mobylette vàng đổi thành Mobylette xám. Xe Mobylette được chế tạo để  dễ sử dụng. Xe không cần sang số mà dùng embrayage automatique, vặn ga  lớn thì xe chạy nhanh, vặn ga nhỏ lại thì xe chạy chậm và đứng lại.  Khi muốn nổ máy thì chỉ cần đạp cho nhanh là xe nổ máy. Đạp hoài không  nổ thì chỉ gần gạt môt cái chốt ở đĩa có dây couroie ăn vào động cơ để  tách rời động cơ và bánh sau thì có thể đạp bộ về nhà.
Velo Solex
Velo Solex 1951
Nếu có khi nào trong lúc bạn đạp xe đạp rồi nghĩ bụng sao không gắn  một cái động cơ nhỏ lên xe đạp để khỏi phải đạp thì ý nghĩ đó đã có  người nghĩ đến và chế tạo ra chiếc Vélosolex. Xe Vélosolex là một
chiếc xe đạp có gắn động cơ lên bánh trước. Động cơ này làm lăn một  cục đá tròn phía dưới . Khi người lái kéo cái cần trước mặt thì cục đá  dở hổng lên khỏi bánh trước và có thể đạp như xe đạp. Khi đạp đến một  tốc độ nào đó, hạ cần xuống thì tốc độ của xe làm cho động cơ nổ máy  và động cơ kéo chiếc xe đi bằng bánh trước. Khi xe đã chạy ngon trớn  thì người lái có thể rút chân lên miếng để chân nhỏ ở giữa xe mà ngồi  một cách thoải mái. Từ một ý kiến rất giản dị phát xuất giữa thế kỷ  20, xe Vélosolex vẫn còn tồn tại qua đến đầu thế kỷ 21..

Quảng cáo xe Mobilette
Hình xe Mobylette trên tem thư Cộng Hòa Pháp
Vì cách sử dụng giản dị, trọng lượng nhẹ nhàng nên các xe Mobylette,  Vélosolex thông dụng trong giới sinh viên, học sinh và phái nữ.
Xe Vespa
Xe Lambretta
Ở một hạng cao hơn là các xe scooter của Ý: Vespa, Lambretta. Các xe  scooter này vì lòng máy lớn hơn 50 cc, nhỏ nhất là 125 cc hoặc 150 cc  hoặc 200 cc tùy theo kiểu, nên không còn được xếp vào loại vélomoteur.  Người sử dụng phải trên 18 tuổi và phải có bằng lái. Vì thế, những  người đi xe Vespa, Lambretta thường là ở tuổi trung niên và có đời  sống cũng tương đối khá vì xe scooter đắt hơn. Xe Vespa hàng chục năm  nay không thay đổi mấy. Thân xe làm băng tôn ép. Có lẽ vì thế nên làm  hình tròn như quả trứng để chịu lực tốt hơn. Máy được đặt ở chỗ phình  bên phải, còn bên trái là ngăn để chứa đồ. Vì thế xe Vespa khi chạy  hơi nghiêng về phía phải vì bên này nặng hơn. Xe Lambretta tuy trông  bề ngoài giống Vespa nhưng cấu tạo lại khác. Khung xe bằng ống sắt hàn  lại, máy đặt ở giữa khung và che bên ngoài bằng lớp vỏ sắt. Xe  Lambretta hồi đâu thập niên 1960 có đường nét cong. Cuối thập niên 60,  qua đầu thập niên 70 thì kiểu dáng thẳng, theo như mốt của thời đó,  nên trông thanh nhã. Cả hai đều sang số bằng tay, bóp embrayage vào và  vặn để đổi số.
Vespa Sprint 1974
Lambretta 1974
Từ cuối thập niên 1950, miền Nam cũng nhập cảng các xe gắn máy Đức như  Goebel, Sachs, Puch. Các xe này đều có chung đặc điểm là có bình xăng  đặt trước người lái, sang số bằng tay, có ống nhún cả trước lẫn sau,  và máy đều là 50cc để được xếp vào loại vélomoteur, không cần bằng  lái. Mỗi xe lại có những đặc điểm riêng như máy xe Puch luôn luôn được  bọc trong lớp vỏ bằng nhôm, có quạt chạy để làm mát. Như thế có lợi  điểm là máy xe được làm mát ngay cả khi ngừng đèn đỏ. Vì là xe có sang  số nên tuy chỉ có 50cc, xe gắn máy Đức có sức kéo mạnh hơn các xe  Mobylette ở số 1, 2, nên cũng được dùng để kéo xe lôi, có thể kéo được  thêm được bốn năm hành khách và hàng hóa phía sau. Hãng Puch và Sachs  ngày nay vẫn còn tồn tại.
Goebel
Puch
Sachs
Puch
Goebel
Xe 3 bánh gắn máy Sachs/Goebel
Vào khoảng 1965 thì thấy nhắc đến tên Honda, với một số kiểu xe mới lạ  xuất hiện. Một số xe Honda đầu tiên do người Mỹ mua đem sang Việt Nam  để đi làm việc rồi khi họ về nước thì để lại, lọt ra ngoài thị trường  người Việt mua được. Một trong những công dụng của xe Honda là các phi  công Mỹ dùng để di chuyển giữa chỗ đậu phi cơ và doanh trại. Từ doanh  trại ra chỗ đậu thường xa, đi bộ cũng mất vài phút đến vài chục phút.  Có xe Honda phóng thì thu ngắn thời gian nhất là khi có báo động thì  phóng xe Honda ra máy bay nhanh hơn là chạy bộ. Xe Honda S90 có lẽ là  chiếc được ưa chuộng nhất trong số các xe Honda trước 1965 vì kiểu đẹp  và máy mạnh, tiếng nổ ròn. Các kiểu xe kia là C110, S65 (thường được  gọi là S50), P50, C50. Xe P50 có cấu tạo đặc biệt với máy nằm ở sát  bánh sau và truyền động thẳng vào bánh chứ không qua dây xích. Cách  đặt máy này có lợi là khỏi bị mất lực khi truyền qua dây xích và giảm  bớt số bộ phận nhưng có khuyết điểm là xe dễ bị mất thăng bằng vì đầu  nhẹ, đuôi nặng. Lại thêm khi đi xuống ổ gà vì không có ống nhún nên  sức va chạm có thể làm vỡ răng cưa ở vành bánh xe. Xe Honda dame C50  trước 1965 có chiếc đã có bộ đề bằng điện, khỏi cần đạp. Trong khi  chiếc Honda dame nhập cảnh hàng loạt sau này phải đạp máy nổ bằng  chân.
Honda Dame C50
Honda P50 1967
Honda PC50 1968
Chiếc xe Honda được chính thức nhập cảng để bán cho người tiêu thụ là  xe Honda Dame năm 1965. Hãng Honda thì gọi là kiểu C50, nhưng mọi  người thường gọi là Honda Dame. Có Honda Dame nhưng không ai gọi Honda  Homme, mà gọi là Honda đàn ông. Những chiếc xe Honda Dame đầu tiên  xuất hiện tại Sài Gòn thu hút được sự chú ý của người đi đường. Những  ngày đầu tiên xe bán ra ngoài, trên các nẻo đường phố người ta nhìn  thấy các chiếc xe Honda Dame màu đỏ hay xanh lá cây nhạt. Có người bị  tắt máy xe, hý hoáy nhìn xuống chân vì chưa quen với cách sang số bằng  chân. Sang lộn số có thể làm xe tắt máy. Khi thấy có một số người dắt  xe Honda đi bên đường, có người nói hãng Motobécane của Mobilette thuê  người dắt xe Honda Dame đi khắp các đường phố để người dân thấy xe  Nhật dở, bị chết máy hoài, sợ không dám mua. Không biết là có đúng hay  không. Một số người lúc đó nói là hàng Nhật không bền, chỉ vài năm là  hỏng và tiên đoán rằng chừng năm mười nữa thì các xe gắn máy Pháp, Đức  vẫn còn chạy, còn xe Nhật thì lúc đó vứt đi. Những người đó có lẽ căn  cứ vào phẩm chất hàng hóa của Nhật trước thập niên 1960. Nhưng qua  thập niên 1960, các hãng xe gắn máy Nhật đã trải qua những năm cạnh
tranh khốc liệt trong nước. Vào đầu thập niên 1960, nhiều hãng xe gắn  máy ào ạt ra đời tại Nhật, cuối cùng theo luật thư hùng đào thải chỉ  có những hãng có khả năng cải tiến mới sống còn. Lúc xe Nhật sang Việt  Nam cũng là lúc các hãng xe gắn máy Nhật bắt đầu tung ra thế giới với  nhiều cải tiến làm cho phẩm chất xe Nhật vượt hẳn các xe Tây phương.

Honda S50 69-72
Honda SS50 69-72
Honda SS90
Xe Honda Dame được làm để cho phái nữ đi nên dùng ambrayage tự động,  khi sang số chân không cần phải bóp embrayage tay mà chỉ cần giảm ga.  Các hiệu xe Suzuki Dame, Yamaha Dame cũng giống thế. Còn các xe gắn  máy Nhật kiểu đàn ông được vẽ kiểu giống như những chiếc mô tô phân  khối lớn ở chỗ không có pédale mà có cần đạp cho nổ máy, hai bên có  thanh ngang để chân, bên phải là thắng chân, bên trái là cần sang số,  embrayage tay trái, thắng trước tay phải, bình xăng phía trước. Các xe  này còn giống mô tô ở chỗ hai bên bình xăng có hai miếng cao su để đầu  gối áp vào cho êm. Điều đáng kể là yên xe thấp vừa với chiều cao người  Á Châu khiến cho việc leo lên xe, chống xe dễ dàng hơn khi sử dụng các  xe gắn máy Tây phương. Tay ga vặn nhẹ nhàng chứ không nặng như xe Tây  phương. Máy đạp nhẹ nhàng và dễ nổ.  Nói tóm lại, các nhà chế tạo Nhật  khiến cho các chiếc xe gắn máy sử dụng dễ dàng, tiện nghi hơn khiến  cho người dùng thấy rất thoải mái khi đi xe.
Sau chiếc xe Honda Dame là sự xuất hiện của Honda đàn ông 66 (SS50).  SS là chữ viết tắt của Super Sport. Chiếc Honda 66 xuất hiện vào năm  1966, với màu đỏ hay đen, tay lái ngắn ngủn để người lái thu hẹp khoảng cách hai tay, giảm tiết diện cản gió, xe không có đèn signal,  hộp số có năm số và có thể đạt đến tốc độ tối đa đáng nể là 90km/giờ  đối với một chiếc xe máy 50 cc. Đó là một chiếc xe được vẽ kiểu với các đặc tính của xe đua. Tuy nhiên chiếc xe này không tiện dụng trong  thành phố vì tay lái quá ngắn nên khó điều khiển. Sang năm 1967, Honda  sửa lại kiểu xe cho tay lái rộng hơn, hộp số có năm số, sơn đen hoặc  đỏ, có đèn signal, ống nhún trước có bọc cao su, tốc độ tối đa 80k/  giờ. Kiểu xe 67 (SS50E) đã đi vào lịch sử vì máy mạnh, chạy nhanh,  được nhiều người ưa chuộng và có lẽ là được sử dụng nhiều nhất tại  miền Nam cùng với xe Honda Dame. Về sau Honda có ra các kiểu khác  nhưng Honda 67 vẫn được nhiều người biết đến nhất.. Vì máy mạnh nên  chiếc Honda 67 được dùng để kéo xe lôi thay cho các hiệu xe Đức trước  đây.
Honda Dame C50
Honda SS50 - 1967
Cả tứ đại gia của làng xe gắn máy Nhật, Honda, Yamaha, Suzuki,  Kawasaki đều có mặt tại miền Nam lúc đó. Hãng Suzuki tung ra kiểu xe  nam M15 và M12 và xe Suzuki Dame, M31. Hai kiểu xe nam đại khái giống  nhau, dùng cùng một động cơ nhưng kiểu thể thao có ống pô vắt cao và  vè trước ngắn để trông có vẻ thể thao hơn.
Suzuki Dame 1968
Suzuki M15 - 1965
Suzuki M12 1967
Kawasaki 1965
Hãng Yamaha có hai kiểu xe đàn ông, trong đó có kiểu YF5, và một kiểu  Yamaha Dame. Xe Yamaha đàn ông kiểu đẹp, nhiều bộ phận xi bóng loáng.  Yamaha Dame sơn màu xanh da trời, với đường cong dịu dàng, trông rất  mỹ thuật. Các xe Yamaha xem ra không được ưa chuộng bằng Honda vì máy  không mạnh bằng.
Yamaha YL1 1968
Yamaha Dame
Xe Suzuki Dame và Yamaha Dame đèn trước thấp hơn xe Honda Dame, trông  vẻ nhu mì thích hợp với các cô mặc áo dài.
Kawasaki là hãng nhỏ nhất trong các hãng xe Nhật lúc đó, chỉ đưa sang  một kiểu xe đàn ông. Xe Kawasaki chạy tuy tốt nhưng bị chê là nặng và  máy yếu. Xe Kawasaki đem sang Việt Nam là kiểu dùng sườn của xe 80 cc,  thay vào đó bằng động cơ 50 cc để được xếp vào loại vélomoteur, không  cần bằng lái.
Kawasaki 1960's
Bridgestone 1968
Hiệu xe ít người nhớ đến có lẽ là Bridgestone. Bridgestone là hãng  chuyên chế tạo vỏ bánh xe nhưng lúc đó cũng có một phân bộ chuyên sản  xuất xe mô tô để đua. Kiểu Bridgestone đem sang Việt Nam năm 1966 có  máy 65 cc. Vì thế xe Bridgestone vọt rất mạnh. Đặc điểm của  Bridgestone là hộp số có bốn số quay vòng giống như các xe đua, nghĩa  là sang đến số bốn thì nhấn thêm sẽ trở về số một mà không phải trả số  ngược lại. Xe Bridgestone chìm vào quên lãng của người Việt khi phân  bộ xe mô tô của hãng đóng cửa năm 1967 vì lý do là nếu sản xuất xe đua  thì các hãng xe gắn máy Nhật khác không muốn mua vỏ xe của hãng kình  địch với mình trong các cuộc đua.
Honda Scrambler CL50 1969
Honda Scrambler CL50 70's
Không như các hãng xe châu Âu giữ các kiểu xe y nguyên nhiều năm, các  hãng Nhật ào ạt tấn công thị trường Việt Nam với các kiểu xe mới ra  mỗi năm. Qua 1968, Honda tung ra xe CL50. CL là chữ viết  tắt của  Scrambler. Đó là kiểu xe được chế tạo để chạy các đường đất lồi lõm  nên chỉ có bốn số, xe kéo mạnh ở số một và số hai, nhưng tốc độ tối đa  kém xe Honda 67. Ống pô vắt cao để khỏi va chạm vào mô đất hay ngập  nước. Qua 1969, Honda tung ra kiểu SS50M. Cũng dùng cùng máy và sườn  như xe Honda 67 nhưng bình xăng dài hơn cho có vẻ thể thao. Qua năm  1970, Honda đưa sang kiểu CD50. Xe này cũng dùng cùng loại sườn và  động cơ như SS50 nhưng bình xăng và hộp đựng đồ phụ tùng vẽ kiểu khác  nên trông bề ngoài khác hẳn. Xe được chế tạo để chạy trong thành phố  nên chỉ có bốn số với các số đầu kéo mạnh, thích hợp với cách chạy xe  trong thành phố phải luôn luôn dừng lại đèn đỏ rồi lại bắt đầu vọt  lên. Cùng là kiểu SS50E, đến 1971, 1972, Honda tung ra kiểu xe với sơn  đỏ metal và vè xi bóng, ghi đông cao kiểu sừng bò trông rất hấp dẫn.  Honda thay đổi hình dáng bề ngoài thu hút thêm khách hàng mới. Năm  1969, Suzuki cũng tung ra kiểu xe mới AS50 trông rất thể thao và rất  đẹp. Ngoài các kiểu xe Honda chính thức nhập cảng, trên đường phố Sài  Gòn thỉnh thoảng xuất hiện một số kiểu xe Honda lạ như Honda Monkey,  nhỏ xíu như xe con nít, hoặc Honda CT50, CT70, với chữ T là viết tắt  của Trail, loại xe Honda dùng để đi dạo chơi ở đồng quê, trên các  đường mòn nhưng tại Việt Nam trở thành phương tiện để đi học, đi làm  tuốt luốt.
Honda SS50E 1970
Suzuki AS50 Maverick 1969
Honda SS50 1967 keo xe lôi
Trong tất cả các loại xe Nhật, chỉ có Honda là dùng loại động cơ bốn  thì, với xăng và nhớt chứa riêng còn các hãng kia dùng loại động cơ  hai thì, chạy xăng pha nhớt.
Với các đủ loại xe tung vào thị trường, đường phố miền Nam trở nên  nhộn nhịp với các loại xe đủ màu sắc. Đường phố Sài Gòn náo nhiệt với  các coureurs cúi rạp trên con ngựa sắt ra sức phóng, lạng, máy nổ ròn,  đinh tai nhức óc. Đúng ra máy xe Honda chạy rất êm. Nhưng vì nhiều  người đã tháo bỏ ốm tiêu hãm thanh gắn ở đầu ống khói nên máy nổ lớn.  Ống này nhỏ như ống tiêu, với thân có đục nhiều lỗ, dài khoảng gang  tay. Chỉ cần tháo con vít nhỏ ở đầu ống khói là kéo ông tiêu ra được.  Lý do tháo ốm hãm thanh là vì người dùng thấy xe chạy vọt hơn.
Sài Gòn nhiều xe hơn và cũng nguy hiểm hơn vì các xe Nhật đều chạy  nhanh, vọt mạnh. Vì thế, một số phụ huynh lo ngại không muốn  mua cho  con mình chiếc xe quá mạnh. Hãng Honda tung ra loại xe PC50, cũng dùng  động cơ 50 cc nhưng không cần sang số, và không vọt mạnh như các loại  xe có sang số. Tốc độ khi chạy nhanh cũng có thể đến 60 km/giờ. Xe  PC50 là kiểu P50 cải tiến lại với động cơ đặt vào giữa cho xe được  thăng bằng hơn và có nhún cả ở bánh trước lẫn bánh sau. Cách sử dụng  xe PC50 cũng giản dị như xe Mobylette chỉ cần đạp nổ máy rồi vặn ga  phóng đi.
Mini Cady 1969
180px-Honda PC50 1968
Hãng Motobécane cũng tung ra kiểu xe Cady nhỏ nhắn thích hợp với giới  học sinh. Cái tên Cady có lẽ từ chữ Cadet, cho biết đây là kiểu em út  trong gia đình Motobécane. Tuy cũng dùng động cơ 50 cc nhưng xe chỉ  chạy được tối đa 40km/giờ. Chạy chậm có vẻ là một khuyết điểm của xe  cộ nhưng đây lại là ưu điểm vì nó là lý do để các bậc phụ huynh chọn  mua xe cho con mình để được an tâm hơn. Với khuynh hướng design nhiều  màu sắc vào đầu thập niên 1970, xe Cady lúc đầu sơn nâu, hay xám, về  sau sơn các màu xanh đỏ vàng sặc sỡ. Cùng với sự xuất hiện của mini  jupe, đường phố Sài Gòn thấy xuất hiện xe mini Cady với hai bánh xe  nhỏ trông rất xinh xắn, đồng thời mini xe đạp cũng xuất hiện và các cô  nữ sinh áo dài mini trông trẻ trung, tươi tắn tung tăng trên các loại  xe mini đủ màu sắc.
Cady
Xa lộ Biên Hòa, ngày nay gọi là xa lộ Hà Nội, thời đó còn rất ít xe  nên trở thành đường thử và đua xe gắn máy. Các loại xe gắn được đem ra  chạy hết tốc độ vào giờ ít xe. Tuy không có tạp chí phê bình, điểm các  loại xe gắn máy nhưng ưu khuyết điểm của các loại được truyền miệng  rộng rãi. Các loại xe máy hai thì tuy có thể chạy nhanh nhưng khi chạy  với tốc độ cao nhiều giờ thì máy bị yếu đi, tốc giảm đi. Chỉ trừ có xe  Honda là được khen là càng nóng máy, càng chạy mạnh. Đúng ra chỉ có xe  Honda sau 1965 mới chạy lâu không bị giảm tốc độ vì Honda cải tiến hệ  thống phun nhớt, làm cho nhớt phun rất nhiều khiến cho khi máy nóng  không bị sức ma sát làm giảm tốc độ. Còn các loại  Honda S65, C110,  tuy có thể chạy được đến tốc độ hơn 100km/giờ nhưng khi nóng máy thì  cũng bị chậm lại.


Mini Cady
Để tăng sức mạnh của xe, xi lanh được xoáy cho rộng thêm từ 50 cc  thành ra 60 cc, 70 cc. Xe xoáy xi lanh chạy nhanh hơn, có thể đến hơn  100km/giờ nếu máy được chỉnh cho đúng.
Một trò chơi đánh cá thời đó của các yêng hùng xe gắn máy, gọi chệch  từ chữ anh hùng vì đua xe là can đảm nhưng không phải là đáng khen, là  lách dưới xe be. Xe be là xe kéo các xúc gỗ dài năm, bẩy mét. Một đầu  khúc gỗ được cột vào xe vận tải phía trước, đầu phía sau gắn vào  remorque sau, còn giữa xe vận tải và remorque sau không có gì ràng  buộc. Chiều cao từ thân cây đến mặt đường chi hơn một mét. Các tay đua  đánh cá xem ai dám lạng chui dưới gầm xe be từ bên này qua bên kia. Vì  khoảng cách thấp nên không thể chạy thẳng đầu mà người lái phải lạng  cho xe nghiêng đi thì mới đủ thấp mà chui qua. Nếu tính sai thời gian,  người lạng có thể bị hai bánh sau chạy tới đụng và cán chết.

Xe gắn máy là phương tiện di chuyển, nhưng cũng là niềm say mê tốc độ  của tuổi trẻ và sự hấp dẫn của màu sắc, kiểu dáng, tiếng nổ. Niềm say  mê này đã ghi vào ký ức của nhiều người miền Nam lúc đó và tồn tại  không phai nhạt với thời gian.
ovv's 1966-Honda-CB150
Nó trở thành kỷ niệm đẹp mỗi khi nhớ  lại giây phút dắt chiếc xe mới toanh đi về nhà và những ngày tháng  rong ruổi trên những con ngựa sắt.