Wednesday, September 8, 2021

"ÔN CỐ TRI TÂN" (Nguyễn Tài Lâm)

 I. ẤP ĐỜI MỚI

(Chuơng trình lượng giá Ấp Đời Mới)


Khi Mỹ còn đang yểm trợ cho chương trình Bình Định và Phát
Triển Nông Thôn thì thành quả của các Đoàn 59 trong việc xây dựng Ấp Đời Mới (ADM) được phía Mỹ đánh giá bằng máy IBM thông qua chương trình Lượng Giá Ấp (LGA) (Hamlet Evaluation System). Chương trình này xếp hạng  các ADM từ xấu nhất đến tốt nhất:

Hạng A = Tốt nhất 

        B = Tốt vừa

        C = Xấu

        D = Xấu vừa

        E = Xấu nhất

Chương trình này tuy không đá động gì đến sự thành công, hay không thành công (để không nói là thất bại) của các Đoàn 59, nhưng nếu ADM được xếp hạng tốt hay xấu thì phải hiểu là Đoàn 59 đã hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ của mình ở các nơi đó.

Mỗi tháng tôi đều theo dõi các bản báo cáo Lượng Giá Ấp (LGA) của phía Mỹ. Điều làm tôi ngạc nhiên và thắc mắc là tại sao có ADM tháng trước đang tốt mà tháng sau lại tụt hạng.

Tôi không biết tí gì về điện toán, về cách thiết lập chương trình điện toán (programing) nhưng tôi hiểu sơ sài là nếu có ai đó báo cáo là mọi việc diễn ra trong ADM đó bình thường thì máy IBM sẽ cho ra việc lượng giá ấp đó là tốt. Tôi tìm hiểu xem có ai. hay những ai. đã đến hàng ngàn ADM đang được xây dựng, hay đã xây dựng xong, để tận mắt nhìn thấy, hay tận tai nghe thấy, mọi sự việc đang xảy ra tại ấp đó, rồi báo cáo về cho người phụ trách chương trình LGA, để người này cho tin tức đó vào máy IBM hay không. Cuối cùng tôi được biết là các báo cáo viên, vì lý do an ninh, ngại đi xuống các ADM, nên ngồi nhà báo cáo láo. Như vậy, tin tức của đầu vào (input) không đúng thì việc xếp hạng ở đầu ra (output) không thế nào đúng được.

Tôi tự hỏi tại sao mình không làm một hệ thống LGA riêng cho Việt Nam của mình và sử dụng người của mình đang có mặt tại chỗ (Đoàn 59) để làm báo cáo viên (rapporteurs). Có người nói làm như vậy chẳng khác nào “mèo khen mèo dài đuôi”. Tôi trả lời chẳng thà như vậy còn hơn ngồi nhà không thấy, không nghe gì hết, mà báo cáo láo.

Tôi giao cho Sở Công Tác/ Nha Cán Bộ nhiệm vụ gom hết anh em Phòng Công Tác từ các vùng ngồi lại với nhau, thảo luận để tìm ra 100 câu hỏi liên quan đến tình hình của ADM (an ninh, đời sống, việc làm, sinh hoạt hàng ngày, v.v…). Kèm theo mỗi câu hỏi là 5 câu trả lời xếp theo thứ tự từ xấu nhất (1) đến tốt nhất (5). Các câu hỏi và câu trả lời phải cho thật dễ hiểu để CB của Đoàn chỉ cần đánh dấu vào câu trả lời nào đúng nhất.

Cũng đúng vào lúc này văn phòng cố vấn Mỹ của Bộ Phát Triển Nông Thôn cho tôi biết là Mỹ sẽ chấm dứt sự yểm trợ cho ngành XDNT ở Tỉnh An Giang kể từ tháng sau (tôi không nhớ rõ ngày tháng), lấy lý do là an ninh của Tỉnh này đã được vãn hồi 100%. Tôi phản đối quyết liệt, nhưng kẻ cầm tiền bao giờ cũng mạnh hơn, cũng có lý hơn, nên tôi đành phải giải tán Tỉnh Đoàn XDNT An Giang và phối trí CB/XDNT qua các Tỉnh lân cận theo ý muốn của họ.

Sau khi Sở Công Tác hoàn tất hồ sơ LGA Việt Nam, tôi dùng tài liệu này để chứng tỏ cho phía Mỹ thấy rằng không phải chỉ có máy móc mới làm được việc, nhưng mục đích chính của tài liệu LGA này là để lưu ý chính quyền VNCH rằng CB/XDNT còn rất cần thiết, phải giữ lại, phải yểm trợ, đừng để mất đi, uổng lắm.

Trên đây là câu chuyện “Lượng Giá Ấp” bằng tay thay vì bằng máy móc như Mỹ đã từng làm trước đây. Sau này, nếu không còn CS nửa, nếu quay trở lại, thì với máy điện toán tinh vi, việc lượng giá sẽ rất dễ dàng và nhanh chóng hơn ngày xưa nhiều./.




II. HẠ TẦNG CƠ SỞ


Ở  bất cứ nước nào trên thế giới (tôi muốn nhấn mạnh đến nước ta), mỗi khi nói đến Hạ Tầng Cơ Sở (infrastructure), thông thường người ta hay nghĩ đến cầu đường, hệ thống lưu thông, hệ thống thoát nước, v.v…đa phần là ở thủ đô, và ở các đô thị, thị xã lớn còn các vùng xa xôi hẻo lánh (đất rộng người thưa, như ở VN),  kém văn minh, nghèo nàn, sống dựa trên nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt nhỏ, thường không được chú ý đến. Việc thiết lập hạ tầng cơ sở mới hay bảo trì các cơ sở cũ thông thường là trách nhiệm của một bộ phận của chính phủ được gọi là Bộ Kế Hoạch.

Đứng dưới khía cạnh nông thôn để nhìn việc xây dựng hạ tầng cơ sở tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò vai trò của CB/XDNT ở ba thời kỳ khác nhau:

  • Thời kỳ tiền CS

  • Thời kỳ tiến lên XHCN (CS cầm quyền)

  • Thời kỳ hậu CS

  1. Sau đây là tổ chức  của CB/XDNT ở thời kỳ tiền CS tức là lúc VNCH vẫn còn tồn tại. Diễn tiến của việc thay đổi tổ chức nhân sự.

  1. Đoàn 59  

  2. Đoàn 30  

  3. Đoàn 10  

  4. Xã Đoàn

  5. Thuyết trình viên cho Ban Điều Hợp Xã   

  1. Trong thời kỳ tiến lên XHCN, CB/XDNT biến mất, nếu không bị địa phương giết chết, thì bị đi tù, nếu không đi vượt biên, di tản ra ngoại quốc... thì cũng đang sống lây lất, bệnh hoạn, tàn tật, tại quê nhà. rất tội nghiệp.

  2. Vì chưa đến thời kỳ hậu CS nên chúng ta không có đủ dữ kiện để đề cập đến việc thiết lập kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở cho nông thôn và vai trò của CB (xin tạm gọi là “Cán Bộ Nông Thôn” hay “Cán Bộ Kế Hoạch”). Tuy nhiên, chúng ta có thể đưa ra một số câu hỏi với tính cách gợi ý: 

  1. Về cơ sở vật chất:

  • Có cần tượng đài không? Có nên hủy bỏ các tượng đài do CS thiết lập trước đây nhằm mục đích tuyên truyền không?

  • Có cần công viên không? Có nên đóng cửa các công viên hiện hữu để lấy đất sản xuất không?

  • Có cần khu giải trí không? Các khu giải trí có giúp ích gì cho việc phát triển khu vực nông thôn không?

  • Có cần xây thêm trường học, bệnh xá không? Có nên dùng người địa phương để phục vụ cho khu vực nông thôn không? 

  • Có cần hệ thống dẫn thủy nhập điền không? Có cần chuyên viên người địa phương để phục vụ nông thôn không?

  • Có cần xây đập ngăn nước mặn không?

  • Có cần điện khí hóa nông thôn không?

  1. Về nhân lực 

  • Có cần xin nhân viên chuyên môn đến làm việc thường trực tại địa phương không?

  • Có cần tuyển nhân sự tại địa phương, gởi đi huấn luyện rồi trở về phục vụ tại địa phương không?

  1. Về tài chánh

  • Có cần ấn định mức thuế để tạo sự công bằng và để cân bằng ngân sách tự túc của địa phương không?

  • Có cần tài trợ cho nông dân nghèo không? 

Kết Luận 

Với mớ kinh nghiệm thu thập được trước năm 1975 trong khi “tam cùng” với dân, các CB “già” hồi hương:

  • Có hiểu gì về nhu cầu mới của dân không?

  •  Có giúp được gì cho nông thôn không?

  • Có truyền được kinh nghiệm tâm lý cho lớp CB trẻ ỏ địa phương không?

Cuối cùng có thể nói, Đây không còn là “Ấp Đời Mới” nữa mà là “Nông Thôn Mới”. Có cần huấn luyện Cán Bộ/XDNT trước đây thành Cán Bộ Nông Thôn hay Cán Bộ Kế Hoạch Xã, là những người am tường cách thiết lập kế hoạch phát triển cho khu vực nông thôn, không? Ai sẽ trách nhiệm trong việc huấn luyện này?

Các CB già hồi hương có nên ra ứng cử Hội Đồng Xã hay Xã Trưởng để tận dụng kinh nghiệm của minh trong việc phát triển hạ tầng cơ sở cho khu vực nông thôn không?

Tôi không đủ khả năng để làm chuyện to lớn này mà chỉ dám nêu lên một vài ý kiến nhỏ nhoi, những mong quý vị nào còn nghĩ đến nơi chôn  nhau, cắt rốn của mình mà đứng ra nhận lãnh trách nhiệm nặng nề này.

Mong lắm thay./.         


Cán Bộ Áo Đen

Nguyễn Tài Lâm   







Thursday, August 19, 2021

NHỮNG MẢNH VỤN TRONG TÙ (Nguyễn Tài Lâm)

  



I. LAO ĐỘNG KHỔ SAI

Buổi sáng đầu tiên ở Trại 2 Hoàng Liên Sơn, chèo quản giáo (chèo = công an) tập họp tất cả trại viên lại và hỏi: ai biết mộc, rèn, nấu nướng, v.v…, nói chung là có tay nghề chuyên môn, thí đứng sang bên đây (chèo chỉ khoảng trống bên tay phải). Một số anh em bước ra. Tôi có khả năng làm được nhiều việc, tuy không bằng những người chuyên nghiệp, nhưng cũng không đến nỗi tệ lắm. Tôi không bước ra ngoài như các anh em kia, vì tôi muốn về nhà hơn là ở lại để bị chèo sai khiến làm những việc mà tôi không muốn làm. Thế là những người còn lại (trong đó có tôi) thuộc thành phần khối nhân lực không chuyên môn. 

Trên thế giới này chưa có một nước nào hay một chế độ nào mà tù nhân phải tự mình nuôi mình như tù CS, tù nhân tự cất nhà giam để tự nhốt mình vào. Theo tiêu chuẩn thì mỗi tù nhân một tháng được cấp 900gr gạo (lâu ngày tôi không nhớ rõ), một năm 3kg thịt (mỡ), 2kg cá và 2 bộ quần áo tù. Thịt, cá chỉ được ăn vào những ngày lễ lớn mà thôi (Tết, Quốc khánh, v.v…) còn thức ăn của những ngày thường là rau (già) luộc chấm nước muối mà tù nhân gọi là “canh đại dương”.

Tù nhân đi lao động làm ra của cải vật chất (ví dụ như chè móc câu, măng rừng, rau, quả do tù trồng…được đánh giá thành tiền) hay ngày công lao động (như đào ao nuôi cá, đào mương đắp đường, dựng rào chung quanh trại, dựng nhà giam…được đánh giá thành tiền). Tất cả các thứ cấp cho tù nhân cũng được đánh giá thành tiền và được trừ vào tổng số tiền do tù nhân làm ra được. Như vậy, rõ ràng là tù nhân đi lao động là để tự nuôi mình.

Thời bấy giờ ở trong XHCN họ không dùng tiền, mà tất cả đều được “quy” ra gạo. Ví dụ 5kg bobo bằng 1kg gạo, như 0.5kg bột mì bằng 1kg gạo (những con số trên được đưa ra để làm ví dụ chứ chưa chắc đã đúng, vì lâu ngày có thể nhớ sai).

Vì ở trong khối tù không chuyên nghiệp nên tôi là một trong số tù nhân bị phối trí đi hái trà và sấy trà. Mỗi người được phát một cái gùi đeo sau lưng, chỉ tiêu một ngày là phải hái cho được 5kg đọt non (và sau đó là đem đi sấy). Cây trà cao tới bụng nhưng phần nhiều đọt non mọc ở chung quanh cây gần phía dưới (đọt non phía trên đã bị những người ngày trước hái hết rồi). Người hái không được phép ngồi hái mà chỉ được phép đứng khum khum mà thôi. Như vậy đau lưng là cái chắc. Tôi chỉ hái được tối đa là 3kg hay hơn một chút thôi vì tôi không đeo kiếng nên phải nhìn sát mới thấy rõ (kể từ khi bị kêu bỏ kính ra tôi ghét nhìn thấy những bộ mặt nham nhở, dễ ghét, những bản mặt câng câng có vẻ “ta đây” của bọn họ nên tôi cất luôn kiếng vào ba lô cho đến ngày về mới lấy ra đeo lại). 

Chổ sấy trà là một cái chảo lá sen lớn, bên dưới đốt lửa củi. Trút gùi đọt trà vào chảo, dùng lòng bàn tay chà, ép, trộn cho lá trà bị sức nóng của chảo (khoảng 60 đến 70 độ F) làm cho lá trà xoắn lại và đổi thành màu xám đen. Đó là trà móc câu. Sau nửa giờ sấy trà như vậy hai lòng bàn tay của tôi bị sưng đỏ lên, rất đau đớn. Tuy không phải dùng nhiều sức, nhưng có phải đây là lao động khổ sai không?  Nếu theo như định nghĩa của Wikipedia thì đây đúng là lao động khổ sai rồi vì mình bị ép buộc làm, ngoài ý muốn của mình. 

Khi tay tôi lành rồi thì tôi bị chuyển sang đội Đan Lát; tại đội này tôi đã dùng việc mài dao để rèn luyện sự kiên trì của mình và tôi đã thành công. Thấy tôi không làm được tích sự gì trong việc đan rổ, rá, họ lại chuyển tôi sang Đội Xây Dựng.  Ở đội, này tôi cố tình tỏ ra không biết làm gì hết nên họ bắt tôi lên đồi đốn cây về làm nhà. Thấy tôi không kham nổi việc vác cây (tôi cố ý thật sự) nên họ chuyển tôi sang Đội Rau Xanh. Chính ở đội này, tôi có cơ hội tạo ra và thực nghiệm cách thở “2 thì” và “3 thì”, cũng như cách điều hòa nhịp tim.

“Cách Mạng” nói “lao động là vinh quang”, nhưng đối với tù “cải tạo” như tôi, thì tất cả LAO ĐỘNG đều là KHỔ SAI hết. Sở dĩ bọn họ giam chúng tôi hết ba năm này đến ba năm khác là vì bọn họ có tốn đồng xu nào để nuôi tù đâu. Chính tù nuôi tù và chính đó là Lao Động Khổ Sai.

Ngoài ra, trong thời gian dài đi tù cải tạo để “được” lao động khổ sai tôi còn tự luyện tập được cho mình một ý chí tốt, đó là sự quyết tâm. Sau đây là một ví dụ: mùa đông trời lạnh rét, ăn uống không đủ chất bổ, không đủ quần áo ấm, phòng ngủ không có sưởi, vách là phên tre đan, giường là vạt tre đan, gió rét lùa vào các khe hở, mền không đủ ấm, nên rét càng rét thêm; do đó, có nhiều tù nhân đã chọn thuốc lào, hút cho bớt buốt. Riêng tôi, tôi đi từ ống vố (pipe) qua thuốc gói (Basto, Melia), sang thuốc điếu quấn tay, rồi đến thuốc rê tự quấn bằng giấy báo và cuối cùng là thuốc lào. Anh em nói rằng thuốc lào một khi đã “lậm” vào là khó bỏ lắm “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Tôi tuyên bố là tôi sẽ bỏ được. Tôi nghiệm ra là điếu thuốc lào đầu tiên trong ngày là rữa điếu ngon nhất.Thế là tôi bắt đầu chương trình cai thuốc lào. Ngày đầu tiên, trên giường bước xuống là kéo điếu đầu tiên, ngày thứ nhì, trên giường bước xuống, phải chờ rửa mặt, đánh răng xong (tức là 15 phút sau) mới mới kéo điếu đầu tiên, ngày thứ ba, sau khi đánh răng rửa mặt xong, còn chờ ăn sáng xong mới kéo điếu đầu tiên, sau điếu đầu tiên muốn hút bao nhiêu cũng được. Tóm lại chỉ cần dời điếu đầu tiên 15 phút mỗi ngày cho đến khi điếu đầu tiên được hút trước khi lên giường ngủ vào tối ngày hôm sau. Thế là từ đó trở đi điếu đầu tiên được hút trong giấc ngủ. 

Sự quyết tâm của tôi xuất phát từ lòng căm thù của tôi đối với CS đã bắt tôi phải lao động khổ sai trong một thời gian quá dài. Ối Cách Mạng ôi, ông đỏ như máu, ông bạc như vôi, ông nói lao động, ông hành hạ tôi, ối CM ôi, ông đi tàu suốt, ông chết cho rồi./.                           


                        


2. VUI BUỒN ĐỜI TÙ

Thông thường khi đi tù thì làm gì có chuyện vui, nhưng khi ra ngoài rồi, thỉnh thoảng nhớ lại thời gian trong tù, đôi khi cũng nhớ lại những chuyện đáng buồn cười; mà đã cười được, thì đó là chuyện vui rồi còn gì. Tôi xin kể ra đây hai chuyện vui đến với tôi trong hơn mười ba năm tôi đi “tù cải tạo”.

Chuyện vui thứ nhất: Số là một hôm phái đoàn điện ảnh (gồm diễn viên, đạo diễn, chuyên viên quay phim, chuyên viên trang trí…) mang theo cả lô dụng cụ điện ảnh kéo nhau đến trại Ba Sao (Nam Hà) để thực hiện cuốn phim “Tình, Tiền và Tội”. Trại phải dồn buồng để lấy buồng trống cho phái đoàn ở tạm. Trước khi có chuyện dồn buồng thì chỗ nằm của mỗi người được rộng hơn bề ngang của chiếc chiếu, đến khi phải dồn buồng thì chỗ nằm của mỗi tù nhân chỉ còn lại gần phân nửa bề ngang của chiếc chiếu mà thôi, phải “nằm úp thìa” thì mới đủ chỗ, nên mỗi lần muốn trở mình thì nguyên cả dãy phải trở mình cùng một lúc mới được.

Vì nằm lâu, chân tôi bị tê không còn cảm giác, trong lúc mơ màng, tôi đưa tay xuống véo đùi, thử xem chân mình có còn đó hay đã mất rồi; nhưng vì quá mệt, nên tôi tiếp tục ngủ. Sáng hôm sau anh bạn nằm bên cạnh trách tôi. Ảnh nói: “     Đêm hôm qua tôi có làm gì anh đâu mà anh véo đùi non của tôi đau điếng vậy?” Tôi ngớ ra, rồi nhớ lại, vội xin lỗi rối rít.

Chuyện vui thứ hai:  Chỗ nằm của tôi ở ngay dưới cửa sổ buồng. Đêm ngủ, trời nóng, tôi chống cửa lên cho có gió thổi vào. Một đêm, tôi nằm mơ thấy tôi đang lái chiếc xe Chevrolet mui trần chạy dọc theo bờ biển ở Tiểu Bang North Carolina, trên đầu thì ánh trăng chiếu xuống vằng vặc. trên mặt thì cảm giác gió thổi liên tục mát mẻ, còn tai thì nghe tiếng máy xe nổ đều đều và rất êm. Xe đang chạy ngon lành bỗng nhiên máy xe tắt, xe dừng lại, tôi giật mình tỉnh giấc mới hay mình vẫn còn đang ở trong tù, trăng chiếu qua cửa sổ đúng vào mặt minh, gió thổi từng luồng qua cửa sổ; còn anh bạn bên cạnh cũng vừa tỉnh giấc. Thì ra, tiếng máy xe mà tôi nghe trong mơ là tiếng ngáy của anh bạn bên cạnh. Một điều lạ lùng là cứ đến mùa trăng (mỗi 29 ngày) tôi cũng  nằm mơ y chang như lần đầu lái xe dọc bờ biển, nên chiều ngày bữa trước tôi khuyên anh bạn ráng ngủ cho thật ngon. Anh ta hỏi, đề làm gì?  Thì để ngày mai đi lao động cho ít mệt chứ làm gì.

Nhưng chuyện vui nào rồi cuối cùng cũng vẫn lôi mình vào những kỷ niệm đau buồn.

Nhớ lại ngày 28 tháng tư năm 1975, khi được báo cáo là Trưởng Phòng An Ninh và Trưởng Khối Bảo Trì đã đem gia đình đi di tản hết rồi, tôi nói với anh em còn ở lại là nếu mọi người đi hết thì ai sẽ lo cho đồng bào di tản miền Trung đang tạm trú ở đây.  Tôi có bốn phương tiện sẵn sàng để chở gia đình tôi đi di tản nhưng tôi chọn ở lại với anh em. Sang đến chỗ mới đã chắc gì họ đối  xử với mình như mình đang giúp đỡ cho đồng bào tị nạn miền Trung đang ở đây. Anh em hãy yên chí, tôi sẽ là người cuối cùng lên tàu bay.

Mà đúng thật như vậy, tôi là người cuối cùng đã lên tàu bay, nhưng không  phải là máy bay Air France hay máy bay Pan Am mà là máy bay C130, và cũng không phải là lên tàu bay để đi ra ngoại quốc mà là đi ra Hoàng Liên Sơn (Yên Bái) để được (bị!) “lao động khổ sai” trong một thời gian dài.

Đúng là số ăn mày, nhưng không sao, trong cái rủi vẫn còn có cái may (Tái ông thất mã mà lị). Chính nhờ đi tù cải tạo như vậy, nhờ lao động khổ sai như vậy mà tôi học được ba điều tốt sau đây:

  • Sự kiên trì

  • Cách thở 2 thì và 3 thì

  • Cách điều hòa nhịp tim

Thật ra chẳng có ai dạy cho tôi hết, mà là chính tôi tự tìm ra, giống y như tôi đã tạo ra môn phái “Tù Võ Công” đã được mô tả ở bài trước.

Sự Kiên Trì

Có một lúc tôi được phối trí vào Tổ Đan Lát. Tre, mây, là những nguyên liệu chính, mà làm việc với nó thì cần phải có một con dao thật bén. Những con dao mà Tổ Đan Lát nhận ở nhà kho của Trại toàn là dao cùn, mép rất dày, chỉ có thể dùng để chẻ củi chứ làm sao mà vót tre cho được. Vì không rành việc đan lát nên tôi xung phong làm nhiệm vụ mài dao. Đó là dịp để tôi luyện tập sự kiên trì. Mặc dù ngồi lâu bị đau lưng nhưng tôi vẫn cố gắng mài không ngừng nghỉ cho đến khi mép dao mỏng lại và bén đến mức có thể dùng để cạo râu được. Mài dao cũng phải có kỹ thuật của mài dao. Cần để con dao ở một độ nghiêng nhất định và giữ vững độ nghiêng đó thật chắc trong lúc đẩy tới kéo lui con dao đó trên đá mài và cứ thế mà đẩy tới kéo lui cho đến khi mép dao mỏng lại. Anh em bạn tù thấy tôi mài dao bén nên đưa cho tôi cái muỗng US (inoxydable) để nhờ tôi mài cán muỗng thành dao cạo râu. Thế là ngoài nghề may vá (anh em gọi tôi là Lâm Taylor) tôi còn làm thêm nghề mài dao, mài kéo, để khi về đời thường chỉ cần có thùng đồ nghề và chiếc xe đạp là không sợ bị đói. Sự kiên trì của tôi đến đây vẫn chưa hết. Tôi đi gom các lon guigoz mà anh em vứt đi vì bị thủng lỗ do đựng đồ mặn, đem nấu cho chảy ra và đổ thành nhôm miếng; dùng gạch đỏ để vẽ hình cây lược cho phái nữ dùng (cũng hơi uốn éo một chút) và sử dụng lưỡi liềm (lượm được ở ngoài ruộng) để cưa miếng nhôm theo hình vẽ; vì vẫn phải đi lao đông như tất cả mọi người nên chỉ làm lược vào những lúc nghỉ ngơi mà thôi, cho nên phải mất bốn tuần lễ kiên trì mới cưa xong miếng nhôm thành hình cây lược; sau đó phải mất thêm bốn tuần lễ nữa để mài cho phần răng lược mỏng hơn phần sống lược; kế đến là phần cưa răng lược; phần này rất khó vì các cọng răng phải đều bằng nhau, khoảng cách giữa hai răng cũng phải bằng nhau; ngoài sự kiên trì còn cần sự khéo tay nên giai đoạn này đòi hỏi thời gian nhiều hơn. Sau cùng là phần khắc hoa văn lên hai bên thân lược. Tôi không nhớ rõ là hai giai đoạn sau cùng mất bao nhiêu thời gian cho mỗi giai đoạn; tôi chỉ nhớ là từ lúc đi thu gom các lon guigoz cũ cho đến lúc hoàn thành cây lược là vừa tròn một năm (tức là từ lần thăm nuôi trước đến lần thăm nuôi sau để gửi cây lược về nhà). Cây lược này mang theo không biết bao nhiêu là tình cảm, mỗi lát cưa, mỗi nét khắc,ngoài sự kiên trì còn có kèm theo một chút tình dành cho vợ con trích ra từ con tim. Như vậy có phải  đây là sự kiên trì mà tôi có được là do chính tôi tạo ra không?

Cách thở 2 thì và 3 thì. 

Lúc tàu bay chở chúng tôi đáp xuống phi trường Yên Bái thì có xe trại chở chúng tôi vào một làng nhỏ ở tận cùng trong núi thẫm, rừng sâu. Làng chỉ có mười nhà tranh rách nát có người ở, đa phần là các cụ ông lọm khọm, râu tóc bạc phơ và các cụ bà móm mém, lưng còng, đi đứng xiêu vẹo, nhưng đặc biệt là có một ngôi nhà tường gạch mái ngói khá rộng rãi nằm riêng ra, cách xa mười nhà kia. Chúng tôi được lệnh mang đồ cá nhân vào nhà ngói đó. Lúc đầu tôi cứ tưởng đó là nhà kho vì bên ngoài không có cửa sổ. nhưng khi vào bên trong  thấy có đường đi ở giữa, hai bên có bục xi măng cao ngang đầu gối. Lối vào nhà ở đầu hồi này  có cửa sắc, còn đầu hồi kia là nhà vệ sinh có chỗ đi tiểu riêng và ba chỗ đi tiêu riêng (kiểu ngồi chồm hổm) nhưng không có cửa ra ngoài. Có vào trong nhà mới biết đây là nhà tù.  Tôi nghĩ bụng, không biết đây có phải là nơi họ giam giữ người Mỹ hay không?

Mỗi người được phát cho một chiếc chiếu, một cái mùng rách đầy rệp và một cái mền vừa cũ vừa hôi, có lẽ chưa được giặt  bao giờ. Sáng hôm sau mỗi người được phát một cái chuông xe đạp (bột mì luộc to cỡ cái nắp chuông xe đạp) để điểm tâm và một con dao quắm rồi chèo quản giáo (công an quản giáo) (chèo=công an) đi trước dẫn đường, chèo bảo vệ đi sau đưa toàn đội lên đồi cách đó 5km. trên đồi toàn cây cao thẳng tắp. Mỗi người được lệnh đốn hai cây, bề dài 10m, đường kính ở gốc phải tối thiểu là 15cm (chu vi = 15cm  X  Pi) tức là vào khoảng 47cm chu vi (hay là ba lần gang tay của tôi) và vác 2 cây đó về trại. Tôi chọn 2 cây ít nhánh nhất, thẳng nhất, và chặt cách sao để ngọn ngã về phía đường đi xuống đồi.

Trong lúc tôi còn đang bận rộn với cây thứ hai thì anh em đã vác 2 cây của họ xuống tới đường rồi. Quản giáo chờ tôi lâu quá không được nên dẫn đội về trước để bảo vệ ở lại canh chừng tôi vác 2 cây đi về sau. 

Đi bộ 5km đối với tôi không ăn thua gì nhưng vác 2 cây gỗ trên vai đi được mươi bước là mồ hôi của tôi đã tuôn ra như tắm, tôi phải dừng lại nghỉ mệt. 5 phút sau tôi chuyển cả 2 cây sang vai phải, đi được mươi bước lại dừng, lần này tôi chuyển cả 2 cây sang vai trái và tiếp tục đi nhưng rồi lại dừng. Hể tôi đi thì bảo vệ cũng đi sau lưng tôi, lúc tôi dừng thì bảo vệ cũng đứng lại. Cuối cùng tôi đổi chiến lược, tôi vác đầu ngọn lên vai, mỗi vai một ngọn, kéo lê hai gốc xuống đường. Cách này tôi thấy đỡ mệt hơn trước.Tự nhiên tôi nhớ lại mấy câu vè chót của tôi: “ối cách mạng ôi, ông đỏ như máu, ông bạc như vôi, ông nói lao động, ông hành hạ tôi, ối cách mạng ôi, ông đi tàu suốt, ông chết cho rồi”. 

Còn 1km nữa là về tới trại nhưng mệt quá, không chịu nổi nữa, tôi bỏ cây bên vai trái xuống lề đường và nói với bảo vệ là sau khi đem cây này về tới trại tôi sẽ trở ra đem nốt cây còn lại vô trại. Không cần biết là bảo vệ có chấp thuận hay không, có đồng ý hay không, tôi không cần biết, tôi đi thẳng mà không chờ câu trả lời, lúc đó tôi bất cần, tôi muốn nổi điên lên rồi, tôi muốn đập phá một cái gì đó cho hã cơn bực tức vì tôi cho đây là Lao Động Khổ Sai chứ còn gì nữa.

Không biết bảo vệ nói gì với quản giáo mà quản giáo bảo tôi thôi không cần phải ra lấy cây kia vô nữa và hôm sau tôi được phối trí qua đội Rau Xanh. Vườn rau nằm ở phần thung lũng dưới chân đồi còn các buồng giam mới thì ở trên đỉnh đồi, là do tù nhân tự tay mình dựng lên bằng cây gỗ do tù (trong đó có tôi à nhe) đốn ở đồi bên kia lúc mới đến vùng này. Nếu nói là  tù nhân tự mình xây nhà tù để nhốt mình thì trong trường hợp này quả là không sai.

Vườn rau của đội rau xanh trồng hồi nào thì tôi không biết nhưng bây giờ là mùa thu hoạch, tôi được giao nhiệm vụ gánh rau lên bếp của chèo cũng ở trên đỉnh đồi. So với 2 cây 10m đốn lúc trước thì gánh rau này là quá nhẹ, chỉ khoảng 20kg là nhiều lắm nhưng gánh 20kg mà đi  trên đoạn 500m đường mòn trơn trượt dốc đứng thì quả là một kỳ tài. Cứ đi được 15, 20m là mệt quá tôi phải đặt gánh xuống, đứng vừa quạt bằng nón vừa thở; cũng phải nghĩ mệt trên 10 lần như vậy tôi  mới tới được bếp chèo để giao rau.

Về buồng ngồi nghỉ mệt, tôi suy nghĩ lung tung về cơ thể con người ta. Cơ thể cần thứ gì để sống—thức ăn, nước uống , và không khí—thức ăn (rau, quả) thì phải trồng trọt, tưới, làm cỏ; (thịt cá) thì phải nuôi, săn, bắt, bẩy; nước uống thì sông, suối có đầy ấp ra đó nhưng phải mất công đi múc về; chỉ có không khí thì luôn luôn có sẵn chung quanh mình, lúc nào cũng có mà lại còn miễn phí nữa.

Té ra người Ấn Độ đã biết chân lý này và đã áp dụng nó từ lâu lắm rồi, tuy thiếu thực phẩm, bò nuôi chạy đầy đường mà không ăn thịt bò nhưng vẫn sống được nhờ không khí miễn phí. Chất quý nhất trong không khí là oxy, nó bổ túc (đôi khi còn thay thế luôn) cho các dưỡng chất do thịt cá tạo ra để nuôi các tế bào, bới vậy người Ấn  Độ không ăn thịt bò mà vẫn khỏe mạnh. Tôi nghiệm lại những lúc tôi bị mệt khi gánh rau. Có phải là tôi đã dùng nhiều sức để lên giốc, các bắp thịt làm việc nhiều nên đòi hỏi nhiều oxy mà những lúc tôi lo chú ý đến gánh nặng trên vai và đường dốc trơn trượt khiến tôi không chú ý đến việc hít thở  nên không đem đủ oxy vào người cho nên mới bị mệt.

Sáng hôm sau tôi thử làm ngược lại có nghĩa là không nghỉ gì đến gánh nặng trên vai, không nghỉ gì đến đường dốc mà chỉ để tâm đến việc hít thở nhưng tôi vẫn bị mệt; có điều là số lần mệt ít hơn trước rất nhiều và cường độ mệt cũng nhẹ hơn trước. Suy nguyên ra tôi nhận thấy là tôi đã hít thở vô trật tự, khi nhiều khi ít, khoảng cách hít thở và cường độ không điều hòa.

Sáng ngày thứ ba tôi thử lại, tôi đo khoảng cách hít thở bằng bước đi, có nghĩa là hít vào trong khi bước tới hai bước và thở ra trong khi bước hai bước kế tiếp. Trong khi đi và thở như vậy tôi không chú ý gì đến gánh nặng trên vai và con đường dốc đi lên đỉnh đồi. Kết quả của việc thử nghiệm lần này là tôi đã gánh rau đi một mạch lên tới đỉnh đồi mà không nghĩ dọc đường. Hỏi có mệt không, có mệt chứ, nhưng cái mệt lần này chỉ bằng một phần trăm của tất cả các cái mệt của ngày đầu tiên cộng lại.

Ngoài ra để cho đầu óc tôi không bị chi phối bởi ngoại cảnh trong lúc chú tâm vào việc hít thở với gánh rau nặng trên vai và đường dốc lên đồi, tôi tăng cường thêm hai chữ cho hai bước hít vào là “sức……khỏe” và hai chữ khác cho hai bước thở ra là “bình…… an”. Đang lúc viết tới đây thì có hai người bạn thân đến thăm tôi. Nhìn vào đoạn viết này một anh nói, tại sao là áo đen mà không để “Xây Dựng” thay cho “Sức Khỏe” và hai chữ “Nông Thôn” thay cho “Bình An”, còn anh bạn thứ hai, vốn dĩ là Phật tử, xen vào, cũng có thể để “A Di” và ”Đà Phật” thay cho “Sức khỏe” và “Bình an”; anh kia lại thêm, nếu tôi là catholic thì có thể dùng “Ha llê”, “Lu jyah”.Tôi đang phân vân không biết là nên dùng bộ bốn-chữ nào thì anh bạn đầu tiên nói, ai muốn dùng sao cũng được miễn là hai bước hít vào, hai bước thở ra là được rồi. Đó chính là lai lịch của cách thở mà tôi gọi là “Cách thở 2 thì”: 2 bước hít vào, 2 bước thở ra do tôi thử nghiệm khi gánh rau lên đồi. Còn “Cách thở 3 thì” thì ra làm sao?

Lúc quá mệt thì vẫn tiếp tục đi nhưng có một tí thay đổi, sau 2 bước hít vào là 2 bước ngưng hít vào, ngưng thở ra và tiếp theo là 2 bước thở ra. Tất cả đều làm chậm hơn lúc không mệt. Tóm lại Cách Thở 3 Thì của tôi do tôi thử nghiệm gồm có 2 bước hít vào, 2 bước ngưng hít, 2 bước thở ra nhưng nhịp độ chậm hơn bình thường.

Đối với tôi “Lao Động Khổ Sai” là dịp tốt nhất để tôi tìm kiếm và thực nghiệm cách thức giúp sức khỏe của mình ít bị xấu đi chống lại giã tâm của họ muốn tiêu diệt tôi và bạn bè của tôi. Trên đây là Cách Thở 2 Thì và 3 Thì do tôi tạo ra trong lúc đi tù cải tạo.

·         Cách Điều Hòa Nhịp Tim

Theo Đông Y trong cơ thể con người có năm bộ phận quan trọng, đó là ngũ tạng (Tâm, Cang, Tỳ, Phế ,Thận). Tâm là Tim đứng đầu vì tim là quan trọng hơn hết. Người bị cắt bỏ một quả thận vẫn sống được, cắt bỏ nửa lá phổi hay một lá phổi vẫn sống được, cắt một phần lá gan vẫn sống được nhưng cắt đi quả tim là chết ngay lập tức. Tôi có mấy người bà con không đau ốm gì hết, tối hôm trước, lúc đi ngũ còn thấy rất bình thường, sáng hôm sau không thấy dậy, con cháu vô mời ra ăn sáng thì thấy đã ngưng thở, rờ tim thì thấy không đập, chứng tỏ là đã qua đời trong khi ngủ. Phải chăng là tim có một số lần đập được ấn định trước. Khi tim đập đến số lần ấn định là nó tự động ngừng đập giống như các bóng đèn có ghi Lifetime warranty 2,000 giờ. Cứ dùng hết 2,000 giờ là tự nó ngưng phát ra ánh sáng.

Cơ thể con người là một bộ máy rất tinh vi vì mọi thứ đều tự động; chúng ta không thể ra lệnh cho thận ngừng hoạt động, nhưng đặc biệt là chúng ta có thể ra lệnh cho phổi ngưng làm việc bằng cách nín thở, nhưng với tim thì không được vì tim ngưng là mọi sự đều chấm dứt, tuy nhiên chúng ta có thể làm cho tim đập chậm lại để lâu đến số lần đập được ấn định trước.

Ai là người ấn định số lần đập đó? Tôi không biết nhưng dường như mỗi đứa trẻ khi mới sinh ra đều đã nhận được số lần đập ấn định cho trái tim của nó rồi. Cái gì làm cho tim đập nhanh: Giận quá, buồn quá, vui quá, cử động mạnh quá, cử động nhanh quá. Những lực sĩ điền kinh, các thể tháo gia…là những người có quả tim đặc biệt, đừng so bì với họ, mà chỉ nghĩ đến mình thôi. Chúng ta có thể liên kết cách thở 2 thì, 3 thì với điều hòa nhịp tim. Tránh các hành động làm tim đập nhanh để lâu đến số lần ấn định ngõ hầu có thể sống lâu mạnh khỏe.

Nếu đang áp dụng cách thở 2 thì mà cảm thấy mệt hay khó thở, điều đó chứng tỏ là số lần tim đập tăng lên, vậy phải đi chậm lại. hoặc bước mỗi bước dài ra hơn lúc không mệt. Phối hợp điều hòa nhịp tim với cách thở 2 thì, 3 thì là làm như vậy đó.

Nói tóm gọn lại, bị đi tù cải tạo, làm sao tránh cho khỏi sự buồn phiền vì bị bắt buộc phải xa vợ con, bị lao động khổ sai thì làm sao mà tránh khỏi bị khổ cực về thể chất, và nhục nhã về tinh thần, nhưng nếu biết “tương kế tựu kế” thì bọn họ chẳng những không cải tạo được chúng ta mà còn giúp chúng ta nhiều dịp hiếm có để chúng ta tìm kiếm và thực nghiệm những điều bổ ích cho đời sống của chúng ta trong tù cũng như ngoài tù. Vui ít, buồn nhiều trong đời sống tù tội là như vậy đó./.

 






III. THỰC PHẨM, THUỐC MEN TRONG TÙ       

1. Thực Phẩm:

Trong thời kỳ còn ở trong Nam, gạo là thực phẩm chính. Gạo Mỹ hạt dài còn rất nhiều trong kho Quân Tiếp Vụ nên cơm nấu ra không khác gì cơm ở nhà nấu. Nhưng một thời gian sau, hết gạo hạt dài thì gạo Mỹ hạt tròn được đem ra dùng.  Nhưng rồi cũng đến lúc trong kho không còn bất cứ loại gạo nào nửa hết, nên loại gạo mục và mốc bắt đầu xuất hiện.

Tôi đoán đây là gạo nội địa do Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng chôn giấu dưới hầm lâu ngày, bị ẩm ướt nên vừa mục vừa mốc. Đặc điểm của gạo này là khi vo gạo thì một số nổi lên trên mặt nước (gần một nửa số gạo đem ra nấu) số còn lại chìm xuống dưới nước. Vì vậy mà nhà bếp được cấp gạo mục với số lượng gấp đôi so với lúc trước khi mà gạo hạt dài, hột tròn còn trong kho.

Còn về thức ăn thì nhà thầu cung cấp rau, quả và cá mỗi ngày, thịt thì một tuần mới có một lần (đa phần là thịt mỡ), cá thì luôn luôn là cá ươn, ruồi xanh bu đầy trông thấy dễ sợ. Ở nhà, thường thì mỗi bữa cơm tôi ăn ba chén, nhưng khi vào đây thì tôi tự động giảm xuống còn hai chén, mặc dù cơm còn thừa rất nhiều.

Có một điều mà tôi không thể quên được bữa cơm đầu tiên ở trại Long Giao do bạn tù nấu. Một con gà trống lớn, sau khi làm lông xong được băm nhỏ ra, rồi cho vào nước sôi được nấu trong một cái chảo lá sen để lấy nước ngọt cùng với 20 gói mì ăn liền để phân chia cho cho gần 200 trại viên. Đúng là một bữa ăn đặc biệt chưa từng có trong lịch sử nhà tù XHCN.

Đến khi ra ngoài Bắc, lúc đầu còn có gạo, có cơm, nhưng số lương bị giảm đi chứ không còn dồi dào như lúc còn ở trong Nam, tôi tự động bớt xuống còn một chén, thấy tội nghiệp cho những anh em ăn nhiều quen nay nhịn không quen. Đến khi miền Bắc gặp khó khăn về gạo thì tù được thưởng thức cơm độn khoai, sắn lát khô một thời gian ngắn, rồi bột mì (có lẽ đến từ Liên Xô) lúc đầu còn được  nướng giống như bánh mì Sài gòn, về sau là luộc (nhỏ bằng nắp chuông xe đạp) nhưng cuối cùng, cả nước cùng chào thua, là BO BO (ăn vào bao nhiêu, cho ra bấy nhiêu, đến con chó cũng bị y như vậy). Còn thức ăn thì mùa nào thức nấy mà tù nhà bếp được “chèo” (quản giáo) dẫn đi mua ở quanh vùng (như chuối xanh, đu đủ xanh) hay lên rừng tìm mục măng hay nấm không độc…

Ở nhà khi thấy có một con ruồi rớt vào tô canh, vợ tôi đem tô canh ra bếp, vớt con ruồi bỏ ra, rồi cho canh vào nồi hâm lại cho thật sôi, cho ra tô, đem ra bàn ăn trở lại, nhưng tôi tuyệt nhiên không bao giờ rớ đến tô canh đó; nhưng khi đi tù, lúc đầu khi nhìn thấy chén canh có ruồi rớt vào như vậy, tôi cũng làm giống như ở nhà, không ăn; nhưng về sau, đói quá, tôi lấy muỗng vớt con ruồi (cố tình vớt thật nhiều nước chung quanh con ruồi) đổ bỏ ra ngoài và ăn như không có chuyện gì xảy ra hết.

2. Thuốc men 

Lúc đi trình diện thì ai cũng tưởng là chỉ đi có 30 ngày rồi về, nên chỉ đem theo quần áo để thay đổi thôi. Chỉ có những anh em bị bệnh “mãn tính”,  ngoài quần áo ra,  còn đem theo thuốc men cho bệnh tình của mình đủ dùng cho 30 ngày, hay nhiều hơn chút xíu mà thôi.

Khi ra đến các trại tù ở miền Bắc thì toàn thể tù nhân được lệnh gởi hết tư trang vào kho của trại để trại giữ, chỉ được dùng quần áo tù do trại phát mà thôi (theo tôi được biết thì đây là biện pháp ngừa trốn trại).

Riêng về thuốc men đem theo thì hoàn toàn không được giữ lại thứ nào hết (cho dù đó là thuốc cần dùng mỗi ngày) mà phải gởi hết cho trại cất giữ và “quản lý”. Nếu là thuốc cần dùng cho mỗi ngày thì sẽ  được trại phát ra mỗi ngày cho người bệnh; còn nếu là thuốc không cần phải dùng mỗi ngày, thì khi nào cần, người bệnh phải đến bệnh xá để khám bệnh trước đã. Thuốc của mình gởi cho trại cất, mà mỗi khi muốn dùng, phải “xin” lại rất nhiều phiền toái! Thiên đường XHCN là như vậy đó.

Riêng đối với những anh em tù nào không có thuốc men gởi cho trại cất, mỗi khi bị bệnh đều phải đến bệnh xá để khám. Điều đáng nói ở đây là bất cứ bệnh gì (đau bụng, nhức đầu, ho, tiêu chảy, sốt, v.v…) cũng chỉ có một loại thuốc trị bệnh duy nhất, đó là XUYÊN TÂM LIÊN mà CS tuyên truyền là chỉ có VN ta mới sản xuất ra được loại siêu phẩm này mà thôi, đến nỗi cả thế giới phải nể phục.

Để phòng ngừa bệnh cúm mùa đông, trại bắt tù nhân ra xếp hàng ngang trước vách buồng giam, đứng ngước cổ tối đa ra phía sau, một anh ở bệnh xá hay nhà bếp (tôi không nhớ rõ) tay trái cầm một cái hũ trong đó có nước tỏi, tay phải cầm một cái công-tờ-gút nhỏ cho mỗi người 2 giọt nước tỏi vào mũi. Khi đến chỗ tôi đứng (tay tôi đang cầm một cái chén) tôi nói nhỏ: “đừng nhỏ vào mũi tớ mà nhỏ vào chén này để tớ làm nước mắm tỏi, lâu ngày thèm quá”. Thế là tôi có đâu chừng 10 giọt nước tỏi vào chén thay vì 2 giọt vào mũi như mọi người.

Sở dĩ tỏi quý như thế là vì có những món mà trại cấm triệt để như bột ớt, bột tiêu, tỏi...vì người trốn trại thường mang theo những gia vị đó để chó không thể đánh hơi trong lúc chúng truy lùng.   

Sẵn dịp, tôi nói chuyện trốn trại luôn thể. Không phải muốn trốn là đi liền được mà phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước, có khi cả năm trước. Ngoài các món trại cấm trên đây, người trốn còn phải đem theo thức ăn và đặc biệt là muối. Cơm trại ăn không hết đem phơi nắng thành cơm sấy, chỉ cần thêm nước nóng vô là thành cơm trở lại. “Canh đại dương” (nước muối) đem phơi nắng, nước bốc hơi, còn lại là muối bọt. Phải gom nhiều lần như vậy mới có được một gói nhỏ,

Viết đến đây tôi nhớ lại hai trường hợp mà tôi cần đến thuốc. Có một lần tôi bị bệnh kiết lỵ Tôi không muốn đi bệnh xá để “bị” uống Xuyên Tâm Liên, thứ mà tôi ghét cay ghét đắng vì nó là thuốc XHCN. Theo lời bạn tù, tôi dùng lá mơ, rau sam, cây chó đẻ… nhưng không khỏi. Cuối cùng, tôi nhớ lại lúc ở trại Long Giao tôi có lượm được một bao nylon nhỏ trong đó có độc nhất một viên thuốc màu cam, bên ngoài bao viết tiếng Anh là dùng để lọc một gallon nước.  Tôi cất đâu đó không nhớ, rổi trực nghĩ lại, vội lục hết các túi, cuối cùng mới tìm được, Tức mình vì trị mãi không hết kiết lỵ tôi nuốt luôn viên thuốc lọc nước, liều mạng, một là chết hai là hết bệnh, chứ cứ tình trạng như thế này hoài thì mệt quá. Một tiếng đồng hồ sau, bệnh kiết lỵ không còn tác oai tác quái nửa. Thế là bệnh kiết lỵ của tôi dứt hẳn không phải nhờ thuốc XHCN, mà là nhờ thuốc Tư Bản Chủ Nghĩa.

Cũng tại trại Long Giao, trong khi cuốc đường nhựa để trồng khoai mì, tôi cuốc trúng một hòn đá xanh, một mảnh nhỏ của hòn đá này bay trúng mu bàn chân phải của tôi gây ra một vết trầy nhỏ, không có chảy máu, tôi chỉ bị đau chút chút thôi. Sáng hôm sau thức dậy tôi thấy bàn chân phải của tôi sưng lên, phần da chung quanh chỗ vết trầy hôm trước ửng đỏ lên, sờ vào thấy nóng, triệu chứng bị nhiễm trùng rồi. Nếu như hôm qua mà có thuốc đỏ, hay cồn để rửa vết trầy thì đâu có bị nhiễm trùng như thế này. Như vậy là cần phải có trụ sinh, nhưng hỏi anh em thì chẳng ai có cả. Tôi chỉ biết dùng khăn nóng đắp lên vết thương để cho bớt đau nhức mà thôi. Vết thương càng ngày càng tệ hơn. Từ chổ ra nước vàng, rồi sau đó ra mủ, và sau cùng trở thành một lỗ sâu. Nếu không che kín thì ruồi bu tới rần rần chịu hết nổi. Tức mình tôi lấy hũ dầu cù là Mac Phsu, quệt một cái gần hết nửa hũ, trét đầy lỗ thủng của vết thương rồi lấy vải rẻo băng lại. Tôi không biết có phải là do ơn trên hay không, mà vết thương từ từ lành lại. Đây không phải là Xuyên Tâm Liên của XHCN đâu nhé, mà là dầu cù là của VNCH.

Chuyện đề cập trên đây là của tù chính trị chớ nếu là tù hình sự thì còn thê thảm hơn nhiều. XHCN là như vậy đó./.

Cán Bộ Áo Đen

Nguyễn Tài Lâm                                     

 










Wednesday, August 11, 2021

SINH HOẠT CAFÉ XDNT

Cuối tháng 7, anh chị em Cán bộ XDNT và thân hữu đã họp mặt để: 


1. Tham dự tang lễ cụ bà Phạm Thị Liên

Bất chấp hiểm họa của “covid” và “delta”, hôm Thứ 5 (29/7/21) vừa qua, anh chị em áo đen và thân hữu Café XDNT đã đến nhà nguyện Sunshine Chapel trong khu nghĩa trang Oak Hill ở San Jose để tham dự tang lễ và viếng thăm linh cữu hiền thê của Niên Trưởng Phạm Quang Mỹ là cụ bà Phạm Thị Liên, Pháp danh Nhật Kim, người mãn phần vào ngày 11/7/2021, hưởng thọ 92 tuổi.  

Di ảnh cụ bà Phạm Thị Liên


Đứng chờ đồng đội phía ngoài nhà nguyện.

Trong nhà nguyện Sunshine Chapel.


Ghi danh sổ lưu niệm


Anh chị em thân hữu Café XDNT

Niên Trưởng Phạm Quang Mỹ


Chụp hình lưu niệm với Niên Trưởng Phạm Quang Mỹ

Thắp hương khấn nguyện

Anh Trần Văn Khánh thắp hương

Tham dự tang lễ

Tang gia

**********


2. Tưởng Niệm Phương Diệu

Hai hôm sau, tức là Thứ Bảy vừa qua, 31/7/21, theo lời mời của anh Nguyễn Văn Phúc, anh chị em cựu Cán Bộ XDNT và thân hữu đã đến Café XDNT trên đường Senter, San Jose, để tham dự giỗ 3 năm của vợ anh là chị Phương Diệu (nhũ danh Maria Trần Thị Sửu), người qua đời ngày  27/7/2018. (Xin bấm vào “Vĩnh Biệt Phương Diệu để xem chi tiết).


Qua giọng nghẹn ngào, anh Phúc cảm ơn quý anh chị em đã đến tưởng niệm vợ anh. Anh nói rằng, cách đây 2 năm, gia đình anh đã tổ chức giỗ đầu tiên cho Phương Diệu vào ngày 27/7/2019 với đông đảo anh chị em đến tham dự (Xin xem “Tưởng Nhớ Phương Diệu”); Nhưng năm ngoái, vì dịch bệnh Covid, gia đình anh đã không thể tổ chức giỗ 2 năm cho vợ mình; và hôm nay mọi người đã có thể xum vầy để kỷ niệm 3 năm ngày Phương Diệu từ giã gia đình bạn bè và đồng đội để về với Chúa.


Nhân dịp này, quý anh chị cũng đã thắp hương khấn nguyện và tưởng nhớ đến những anh chị em quá cố có di ảnh trên bàn thờ của Café XDNT. 


Anh Nguyễn Văn Phúc thắp hương tưởng niệm


Thảo, ai nữ của anh chị Phúc-Diệu chuẩn bị thức ăn cho ngày giỗ.



Quý anh Trang, Quân, Tùy và Ruân


Anh Lã Quý Trang thắp hương khấn nguyện

Một góc của Café XDNT



Anh Phúc cảm ơn mọi người

Anh Phạm Đức Vượng (người có di ảnh hiền thê Nguyễn Thị Hương và bào đệ Phạm Đức Nghĩa trên bàn thờ) bầy tỏ cảm tưởng về Café XDNT

Hội Trưởng Quân kiêm “bồi bàn số 3” của Café XDNT

Zô!