Friday, July 29, 2016

TIN CAFE XDNT

BẢN TIN NÀY ĐỂ GỞI QUA PHONE CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG EMAIL.


(Xin bấm vào những chữ đỏ để tham khảo)

Thân mời quý anh chị:

  1. Đến uống cà phê như thường lệ vào lúc 9 giờ sáng Thứ Bảy, 30 tháng 7 năm 2016, tại 3494 Senter Rd., San Jose Ca, 95111; 
  2. Tham dự picnic “Ngày Hè của Lính và Gia Đình 2016” do Tập Thể Chiến Sĩ Vùng Tây Bắc Hoa Kỳ tổ chức vào lúc 10:30 sáng Chủ Nhật 31 tháng 7 năm 2016,  tại Lake Cunningham Park  2305 WHITE ROAD San Jose, CA 95148.”  (Bấm vào “Ngày Hè Của Lính và Gia Đình” để xem chi tiết);
  3. Tham dự “Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh VNCH Kỳ 10” sẽ được tổ chức vào lúc 12:00 PM Chủ Nhật 31 Tháng 7 Năm 2016 tại Los Amigos High School, 16566 Newhope St Fountain Valley, CA 92708. (Xem chi tiết trong “Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh”).



  • Hôm Thứ Bảy vừa qua, một số anh chị đã đến uống cà phê như
    thường lệ, qua đó anh Hiền cho biết tình trạng của anh Ngô Đình Ngân đã tiến triển khả quan trong lúc được điều trị tại trung tâm phục hồi Vasona Creek Healthcare Center, và hiện nay anh đã có thể tự đứng lên để tập đi. 
  • Cũng tại đây, những người hiện diện đã góp mỗi người 2 dollars mua PowerBall, với mục tiêu duy nhất là mua bãi đậu xe cho Café XDNT.  Anh Đào Minh Quân phụ trách mua số và dò số, nhưng chắc tuốt luột rồi, nên không thấy báo cáo gì cả.
  • Tuần này, mời quý anh chị đọc bài phóng sự về buổi picnic hàng năm của Hội Cựu CB/XDNT diễn ra vào hôm Chủ Nhật, 24 tháng 7, năm 2016 tại công viên Edenvale, bài hồi ký “Hải Hậu Quê Tôi” của anh Trần Nhật Kim cùng một vài bài mới post trên NORCALXDNT:



3.      CÁI MẶT,

4.      KIỂU HUẾ,


Thân mời,
San Jose July 29, 1016
Café XDNT

HÈ TƯỞNG NHỚ (Phạm Đức Hiền)



Phóng Sự Picnic XDNT 2016


Trong lời mở đầu Picnic 2016 của Hội Cựu Cán Bộ XDNT Bắc Cali, anh Hội Trưởng Đào Minh Quân nói rằng dù biết năm nay sẽ có ít người tham dự, nhưng anh chị em cán bộ áo đen và thân hữu vẫn tổ chức buổi gặp mặt hằng năm, một phần là để anh chị em có cơ hội gặp nhau, một phần cũng để tưởng nhớ đến anh Nguyễn Trọng Tài, người đã bỏ chúng ta ra đi vào ngày 30 tháng 6 năm 2016, ở tuổi 71.



Cũng để hoài niệm người quá cố, anh Phạm Đức Hiền, nói thêm rằng dù năm nay thiếu vắng anh Tài, nhưng anh không bao giờ quên được hình ảnh anh Tài khệ nệ khiêng con heo quay mà anh cùng với anh Trần KimVinh tặng picnic ngoái; nên dù anh đã ra đi, nhưng hình ảnh anh vẫn lẩn quẩn bên bạn bè và đồng đội.


Tuy không… “heo quay”, nhưng vào trưa 24 tháng 7 năm 2016 có khoảng 60 người đã tụ tập dưới bóng mát của những tàng cây cổ thụ trong công viên Edenvale Garden mà anh Phạm Thái Học và anh Trần Văn Khánh đã đến đây vào lúc 5 giờ sáng để giành chỗ cho buổi sinh hoạt hằng nằm hầu  nhớ lại những ngày bên nhau tại các tỉnh đoàn, trung tâm huấn luyện CB/QG Vũng Tàu và Bộ XDNT.


Ngoài ngoài những anh chị em thân hữu tại Café XDNT, buổi hội ngộ còn có các anh chị thuộc “Hội Cựu Tù Nhân Bình Điền” như các anh chị Hà Ngọc Hoàng, Nguyễn Đức Vinh, Hoàng Ngọc Thi, Hoàng Văn Tài…


Buổi họp mặt tưởng nhớ thêm phần trang trọng nhờ sự hiện diện của:

Anh chị Phạm Quang Mỹ, cựu Quận Trưởng An Lộc, chủ quán Café XDNT;  

  • Bác sĩ Phạm Đức Vượng, và phu nhân, đại diện Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Vùng Tây Bắc Hoa Kỳ;
  • Anh Trần Tiến, Trung Tâm HL/CB/QG/VT;
  • Anh chị Họa sĩ Phan Ngọc Diên, từ Bakerfield;
  • Anh chị Vinh-Phi, từ Stockton;
  • Anh chị Nguyễn Tấn Lực, Học Viện Cảnh Sát QG, và cũng là “con rể” của XDNT;
  • Nhiếp ảnh gia Trường Kỳ;
  • Anh Hoàng Kim Liên, từ VN; và
  • Mặc dù phu quân đã quá vãng, nhưng 2 chị Trần Bảo Hòa và Nguyễn Dương Hà (chị Nguyệt) vẫn tiếp tục tham gia trong những sinh hoạt cùng với những đồng đội của chồng mình….


Sau khi giới thiệu BCH và quan khách, một số các anh chị đã lên phát biểu cảm tưởng, trong đó có anh Hoàng Kim Liên, người nói rằng, anh không ngờ tại hải ngoại vẫn còn những anh em cán bộ áo đen không bao giờ quên nhau, đã tìm cách làm sống lại hình ảnh thân thương ngày xưa. 



Cũng để tưởng nhớ đến những đồng đội kém may mắn của chúng ta tại quê nhà; năm nay, Hội có “nuôi” một “cô” heo đất xinh xắn mà anh anh chị Hội Trưởng Quân đã quyên góp $200; anh chị Phạm Đức Vượng cũng đóng góp $100.   Cô heo đất này sẽ là “nữ hầu bàn” túc trực tại Café XDNT vào mỗi sáng Thứ Bảy để nhận tiền “tip” của “khách hàng” gởi về cho các anh chị cán thương và cán phế trong dịp Tết.


Trong lúc mọi người dùng cơm trưa, phần văn nghệ “dã chiến”đã làm mọi người trong công viên vui lây với tiếng đàn tiếng hát của anh chị em XDNT.
 

Tuy thiếu vắng Trưởng Ban Văn Nghệ Quỳnh Mai và tiếng hát truyền cảm của Nguyễn Trọng Tài, cùng giọng ca “văn công” của Phương Diệu, nhưng dưới tiếng đàn mandoline của Bảo Tố và keyboards của Huỳnh Xồi, các nghệ sĩ “cây nhà lá vườn” đã hăng hái trình diễn những bản cộng đồng ca XDNT mở đầu cho phần văn nghệ picnic Hè 2016, với tiếng hát của Diệu Linh trong bản “Xin Còn Gọi Tên Anh” để tưởng nhớ đến anh Nguyễn Trọng Tài.


Đóng góp cho văn nghệ còn có những giọng hát ngọt ngào của các anh chị Mimi (Hằng: thân hữu của anh Phạm Quang Mỹ), Kim Vy, Hà Ngọc Hoàng, Triệu Phổ…. ; đặc biệt bản độc tấu “Five Hundred Miles trên keyboard của chị Bích Ngọc, ái nữ của anh Phạm Quang Mỹ.  Dù mới xuất viện, và đi chưa được vững, nhưng chị Dương Hà cũng hát bản “Mùa Thu Lá Bay” để thương tiếc anh Hà và anh Tài.


Qua tiếng đàn của 2 nhạc sĩ cổ nhạc Kim Nguyên và Sáu Kiệt, một hậu duệ của chúng ta là cô “Vicky” Diệu Bảo, ái nữ của anh chị Trần  Bảo Hòa, đã cống hiến cho khán thính giả 2 bản vọng cổ “Người Chiến Sĩ Áo Đen” và “Hoàng Xa Ơi, Ta Vẫn Còn Đây” do anh Hồng Quang, cựu thiếu tá Cảnh Sát Quốc Gia, sáng tác riêng cho Vicky để tặng anh chị em CB/XDNT và những chiến sĩ quyết tâm bảo vệ lãnh hải của Việt Nam.


Thấy không khí rất vui nhộn, anh Phạm Quang Mỹ, 86 tuổi, đã ngứa chân và ra nhảy “cha cha” với anh Đào Minh Quân; mang lại không khí tươi mát cho mọi người thưởng thức mùa “Hè Tưỏng Nhớ”.


Cám ơn tất cả những anh em đã đến tham dự, đặc biệt các anh chị đã đến thật sớm để sắp xếp chỗ trong công viên; cũng xin cảm ơn các anh chị đã đóng góp phần ẩm thực; đặc biệt là anh Phạm Thái Học và chị Trần Văn Khánh. Chúc quí anh chị luôn vui khoẻ để mang lại niềm vui cho đồng đội trong những ngày tha hương.
Mời quý anh chị bấm vào PICNIC 2016 để xem thêm hình ảnh do anh Trần Hiếu Lai chụp.
San Jose ngày 28 tháng 7 năm 2016

Phạm Đức Hiền


Thursday, July 28, 2016

HẢI HẬU QUÊ TÔI (Trần Nhật Kim)

CÁI MẶT

Mỗi người khi lớn lên đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình
 
Mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, nhưng khi lớn lên khuôn mặt sẽ thay đổi dần theo tâm tính của mình. Vậy nên văn hóa phương Đông vẫn cho rằng “tướng tùy tâm sinh” là vậy.
 
Một lần, Tổng thống Mỹ, Abraham Lincoln phỏng vấn một ứng viên nam đến làm nhân viên cho chính phủ. Mặc dù người đàn ông này rất có tài năng nhưng vị Tổng thống vẫn không tuyển dụng.
 
Người phụ tá thấy vậy liền hỏi Tổng thống nguyên nhân vì sao. Tổng thống nói: “Tôi không thích tướng mạo của người này”.
 
Người phụ tá không hiểu nên hỏi lại: “Chẳng lẽ một người khi sinh ra đã không được ưa nhìn thì cũng là lỗi của họ sao?”
 
Tổng thống Lincoln trả lời: “Mỗi người đều do cha mẹ sinh ra, nhưng sau 40 tuổi đều phải chịu trách nhiệm cho khuôn mặt của mình!”
 
Thực sự trong cuộc sống, con người đến tuổi trung niên, thì tướng mạo sẽ lộ rõ ra tính cách và phẩm chất của người đó. *Người có tấm lòng khoan dung thì phần lớn sẽ có khuôn mặt phúc hậu. Người có tính tình hiền dịu thì tướng mạo sẽ đẹp một cách nhu hòa thánh thiện. Người có tính cách thô bạo lỗ mãng thì tướng mạo sẽ luôn là hung dữ. Người có lòng dạ nhỏ mọn thì phần lớn sẽ có tướng mạo xấu xí, hai hàng lông mày nhíu chặt. Có người tướng mạo lộ ra vẻ đặc biệt trẻ trung và xinh đẹp thì người này nhất định là đơn thuần lương thiện. Đây là do kết quả của quá trình tu dưỡng tâm tính và hành vi phản chiếu lên khuôn mặt. Cho nên tướng mạo cũng chỉ ra vận mệnh tương lai của người đó.
 
Nhưng tướng mạo của một người là có thể từng bước cải biến được. Đặc biệt,tướng mạo đẹp là do sự quyến rũ từ trong nội tâm. Bất kể phúc báo nào đều là có nguyên nhân, cho nên dung mạo xinh đẹp cũng là có nguyên nhân từ tâm.
 
Để có tướng mạo đẹp ở tuổi trung niên, hãy thường xuyên tu dưỡng những điều sau:
 
1. Thường xuyên mỉm cười
Có người nói, mỉm cười là cách để làm nở một bông hoa xinh đẹp nhất ở trên khuôn mặt. Người xưa có câu: “Tay hung không đánh mặt cười”. Nụ cười luôn làm rung động lòng người, khiến mọi người vui vẻ, thân thiết và gần gũi nhau hơn. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất, điều quan trọng nhất chính là, mỉm cười luôn mang đến cho người khác niềm vui và hạnh phúc, mang đến sự sự chia sẻ về tinh thần.
 
Nếu như trên khuôn mặt thường xuyên nở nụ cười là có thể đem thiện ý truyền đạt cho tất cả mọi người. Đây chính là cách hoàn toàn không phải mất phí tổn mà lại tạo ra được giá trị lớn. Đây chính là phương pháp làm đẹp thuận tiện rất, kỳ diệu nhất.
 
2. Khen ngợi người khác nhiều hơn
Ai cũng đều muốn nghe những lời khen ngợi, khích lệ đặc biệt là lời khen ngợi đúng lúc. Các nhà khoa học đã làm một cuộc thí nghiệm đối với nước. Sự kết tinh hình dạng của nước có chịu ảnh hưởng của thanh âm bên ngoài. Tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc Viện Hado (tổ chức IHM) ở Tokyo, Nhật Bản đã tiến hành thí nghiệm sự biến hóa của nước dưới sự ảnh hưởng của âm thanh tác động bên ngoài và phát hiện: Khi ông phát những ca khúc nổi tiếng của Mozart và Beethoven rồi dùng kính hiển vi quan sát, ông nhận thấy các tinh thể nước sẽ thuận theo những giai điệu đẹp đó mà không ngừng có những biến hóa đẹp mắt.
 
Nói những lời dễ nghe thì các tinh thể nước cũng tạo thành những hoa văn hết sức đẹp mắt. Khi nói những lời khó nghe thì các tinh thể nước lại chuyển động hỗn loạn, không có trật tự.
 
Vậy nên, nói những lời khen ngợi, khích lệ người khác cũng sẽ làm rung động tinh thần của họ. Và đồng thời, chính những lời thiện, lời tốt đẹp này cũng sẽ khiến bản thân mình càng thêm xinh đẹp hơn.
 
3. Nhẫn nhịn nhiều hơn, tức giận ít đi
Người mà có khả năng nhẫn nhịn, ít khi tức giận thì sắc mặt sẽ đẹp hơn. Trong cuốn “Phật thuyết tội phúc báo ứng kinh ” nói rằng: Người xấu xí là do thường xuyên tức giận, oán trách mà thành. Người đoan trang trắng trẻo, vẻ mặt rạng ngời, thân thể mềm mại, gặp người, người thích là kết quả của tu nhẫn mà nên.
 
4. Luôn biết cảm ơn
Người biết quý trọng và có lòng biết ơn với hết thảy, từ bông hoa cọng cỏ, từ con người, đồ vật… thì tự nhiên trong lòng cũng phát sinh một loại cảm tình tốt. Nội tâm người đó lúc nào cũng tựa như nở ra một bông hoa thơm ngát hấp dẫn người khác. Người mà bên trong tràn đầy hương thơm như vậy thì bên ngoài cũng sẽ trở nên xinh đẹp rạng rỡ.
 
5. Sức mạnh của tâm niệm
Vẻ bề ngoài của một người là liên quan mật thiết với nội tâm bên trong của người đó. Tướng do tâm sinh, cho nên bên trong thiện lành thì bên ngoài sẽ xinh đẹp. Một nhà tâm lý học từng nói: “Tâm tình của một người là như thế nào thì cuộc sống của người đó sẽ là như thế, vận mệnh của người đó cũng sẽ lại giống như thế”.
 
Vì vậy, nếu bạn mong muốn trở thành người xinh đẹp, thì trước hết hãy dùng tâm niệm tốt đẹp để đối đãi với thế gian. Khi đó bạn không những phát hiện ra mọi thứ đều trở nên xinh đẹp mà ngay cả tướng mạo của bản thân mình cũng ngày càng trở nên xinh đẹp.
 
6. Tiếp xúc nhiều hơn với người có tâm linh tốt đẹp
Người xưa nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là có ý nói rằng, nếu như bạn tiếp xúc nhiều hơn với người tốt, người có tâm linh tốt đẹp thì bạn sẽ chịu ảnh hưởng từ họ, dần dần bạn cũng trở nên giống như họ. Người đẹp không phải chỉ nói đến là vẻ đẹp bề ngoài mà quan trọng hơn là vẻ đẹp của tâm linh. Người có tâm linh đẹp thì dung mạo cũng sẽ đẹp.


KIỂU HUẾ


Anh 17
Trần Đức Anh Sơn
1. Tôi có quen một phụ nữ Huế, là chủ nhân một ngôi nhà vườn nổi tiếng ở đất thần kinh. Mỗi khi có dịp tiếp chuyện bà, tôi luôn bị cuốn hút bởi sự lịch lãm, nét quý phái tỏa ra từ thần thái của bà. Khi xuất hiện trước người khác, bà luôn chăm chút bản thân từng ly, từng tí, từ trang phục, kiểu tóc đến cử chỉ, ngôn từ. Cứ ngỡ, sự đài các, nét sang trọng kia do bà tạo ra là cốt để xứng hợp với vị thế hiện tại của bà. Nhưng không phải vậy! Nhiều người quen biết bà cho tôi hay: kể cả những lúc khốn khó nhất thì phong thái của bà cũng kiêu sa, đài các như mặc định. Sau ngày hòa bình, cả Huế đều lam lũ mưu sinh. Gia cảnh của bà cũng sa sút: bà phải ăn cơm độn, mặc áo cũ; phải cuốc xới mảnh vườn trong phủ đệ, vốn chỉ trồng hoa và cây kiểng, để trồng các loại rau quả góp thêm cho bữa ăn hàng ngày. Nhưng mỗi khi bước chân ra khỏi tòa phủ đệ thâm nghiêm ấy, bà đều ngồi xe xích lô, mặc những chiếc áo dài không một nếp nhăn, khoác chiếc phu-la mệnh phụ màu trắng. Người ta nói rằng bà nhất mực gìn giữ một phong cách sống riêng, mà họ gọi là kiểu Huế, cho dẫu vật đổi sao dời.


Kieuhue 01
Chân dung "Huế" (Ảnh: Trần Đức Anh Sơn)
Tôi cũng có quen một ông thầy người Huế, là giảng viên đại học hồi hưu. Thầy sống nhàn nhã và thong dong trong một ngôi nhà rường xưa ở gần chợ Cống. Thông thạo Hán văn, rành rọt Pháp văn, lưu loát Nhật ngữ và Đức ngữ, am tường “thiên kinh, vạn quyển”, nhưng thầy không “cao đàm khoát luận” bao giờ. Mỗi sáng, thầy tự pha trà trong chiếc độc ẩm màu gan gà hiệu đề Thế Đức; tự thưởng trà trong chiếc chén “mắt trâu – lật đật” vẽ tích Tô Vũ mục dương ký kiểu đời vua Tự Đức. Đoạn, thầy dịch thơ haiku, nghiền ngẫm Osho và tiếp dưỡng cho bản thân bằng hai bữa cơm chay mỗi ngày. Với vốn ngoại ngữ tinh thông và tri thức am tường, lẽ ra, thầy phải là giảng viên thỉnh giảng “đắt sô” cho các trường đại học ở Huế như các vị giáo chức hồi hưu khác vẫn làm. Nhưng thầy lại chọn cho mình một lối sống thanh khiết, bình dị. Nhiều người am hiểu cũng nói với tôi: “Thầy sống theo kiểu Huế”!


Kieuhue 02
Nhà một lãng tử Huế Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
2. Cách đây hơn hai chục năm, tôi theo một người bạn về thăm quê của anh ở ven phá Tam Giang. Ngôi làng nhỏ như một ốc đảo lọt thỏm trong cồn cát trắng đến nao lòng, phía đông là biển xanh bao bọc, phía tây là vùng đầm phá mênh mông ôm ấp. Làng ở sát biển nhưng dân làng chủ yếu sống về nghề nông và nghề nấu rượu. Sống trong vùng cát nóng bỏng nên mọi thứ cây trồng: từ các loại hoa màu như: thuốc lá, khoai lang, đậu phụng, thậm chí cả lúa, cho đến các loại cây một như bạch đàn, dương liễu… cũng đều phải được tưới nước hàng ngày. Từ ba giờ sáng, người làng đã ra đồng, mỗi người một đôi thùng trên vai, gánh nước từ các giếng khơi đào trong lòng cát để tưới cây. Đến khi mặt trời lên đến ngọn tre thì mỗi người cũng đã gánh được hơn trăm đôi nước tưới.
Lần đó, bạn mời tôi về nhà ăn kỵ. Nhà bạn nghèo nhưng mâm cỗ cúng hôm đó rất tươm tất, ước chừng 10 món khác nhau. Tất cả được bày biện tinh tươm trong những chiếc tô, dĩa, chén làm bằng sứ trắng vẽ lam, mà người Huế vẫn gọi là đồ kiểu. Tôi hỏi nhỏ anh bạn: “Những thứ này mượn ở mô rứa?”. Bạn nói: “Đồ gia bảo, chỉ khi kỵ giỗ hay tết nhứt mới đem ra dùng”. Tôi lại hỏi: “Nghe nói đồ xưa được giá lắm, sao nhà anh không bán bớt để có tiền lo việc khác? Còn cúng giỗ thì mình dùng chén dĩa đời nay cũng được”. Bạn tôi mắng: “Tầm bậy. Đã là đồ gia bảo thì có chết đói cũng không được bán. Nhà mình vay mượn để lo kỵ bữa ni. Đến mùa thu hoạch sẽ trả nợ, dứt khoát không bán đồ gia bảo”. Trong lễ cúng, tôi thấy cha của bạn dâng rượu cúng đến ba lần, bèn thắc mắc: “Sao phải dâng rượu cúng đến ba lần, thường thì chỉ dâng một lần rượu khi vào lễ và một lần trà khi kết thúc thôi chứ?”. Lễ xong, cha của bạn giải thích: “Trong lễ cúng của người Huế mình, phải dâng đủ ba tuần rượu, gọi là là sơ hiến lễ (dâng rượu lần đầu), á hiến lễ (dâng rượu lần hai) và chung hiến lễ (dâng rượu lần cuối). Sau cùng mới hiến trà (dâng trà)”. Tôi vẫn cố: “Nhưng mà mình cúng ở nhà chứ có cúng đình, cúng họ mô mà phải nhiêu khê như rứa. Cỗ bàn e nguội cả”. Ông mắng tôi: “Không được, cúng mô cũng là cúng, phải đúng bài bản. Xưa bày nay làm, không giản lược được mô”.


mam-com-tet-3-mien-mytour-7
Mâm cỗ "Huế"
Sau này ra trường, tôi vào làm việc ở quần thể di tích cố đô Huế. Thi thoảng, tôi được mời dự khán các cuộc lễ, kỵ do Nguyễn Phước tộc tổ chức trong Triệu Miếu hay Thế Miếu. Mỗi khi nghe vị chấp lệnh hô: “hành sơ hiến lễ”, “hành á hiến lễ”, “hành chung hiến lễ”, “hiến trà”…, tôi lại chợt nhớ hình ảnh người cha của anh bạn năm xưa, áo dài khăn đóng, thành kính dâng ba tuần rượu và một tuần trà lên bàn thờ tiên tổ. Rồi thầm nghĩ: “Đó cũng là một kiểu Huế”.
3. Trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có hai bộ uống rượu rất đặc sắc. Một bộ làm bằng bạc, chạm trổ tinh xảo, công phu, niên đại vào đời Tự Đức (1848 – 1883). Bộ kia làm bằng ngà voi, kiểu dáng cầu kỳ, chế tác vào đời Đồng Khánh (1885 – 1888). Sử sách triều Nguyễn cho biết: hàng năm, triều đình cấp tiền cho quan binh các tỉnh tìm mua gạo nếp và gạo tám tốt từ các địa phương, giao cho Quang Lộc Tự, tùy chất lượng từng hạng rượu thành phẩm cần tiến, mà cấp phát cho các hộ nấu rượu chuyên nghiệp ở phủ Thừa Thiên nấu rượu tiến cung. Loại rượu ngon nhất được nhập vào Quang Lộc Tự, đến ngày khai niên, được chiết vào những chiếc bình làm bằng bạc, để dâng cúng ở các miếu thờ tiên đế trong Hoàng Thành. Bộ bình và chén rượu bằng bạc niên đại Tự Đức đề cập trên đây là một trong những bộ đồ dâng rượu cúng trong các miếu mà Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn giữ được. Ngoài rượu gạo, triều đình còn trưng nạp và sử dụng nhiều loại rượu khác phục vụ sở thích và bồi bổ sức khỏe cho các vị vua quan, trong đó có rượu dâu từ tỉnh Quảng Bình. Rượu dâu được tiến nạp vào cung để phục vụ lễ tế hưởng. Sau lễ, số rượu dâu còn lại được nhập vào kho trong hoàng cung để vua dùng quanh năm và để ban thưởng cho những người có công. Vua Đồng Khánh (1885 – 1889) không chỉ ban thưởng rượu dâu, mà còn sai Sở Nội Tạo chế tác một bộ bình và chén làm bằng ngà voi, trên thân khắc bốn chữ Hán: Đồng Khánh sắc tứ, đặt trong một chiếc giá hình lồng đèn sơn son thếp vàng, để ban thưởng cho một trọng thần. Bộ đồ uống rượu này thật tiện lợi cho những chuyến du ngoạn: mỗi khi đi đâu, chỉ cần rót rượu đầy bình, treo chén vào các lá cửa của chiếc lồng đèn rồi đóng lại, giao cho gia nhân thủ giữ. Lúc cần thưởng rượu, chỉ kéo cần gạt phía dưới lồng đèn, những cánh cửa mở ra, mang chén ngà đến cho tửu khách chiết tửu. Quả là thú vị vô cùng.
Kieuhue 03
Bộ đồ rượu của vua Đồng Khánh

Bộ đồ uống rượu kiểu cách của vua Đồng Khánh. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Kieuhue 04
Khay ăn "Huế" (ảnh Đào Hoa Nữ)
Huế là xứ sở của các loại bánh, mứt. Vì thế, trong cung luôn sẵn có những quả hộp đựng mứt làm bằng sứ ký kiểu hay bằng pháp lam. Trong điện Long An có bày một bộ khay đựng mứt do Pháp lam tượng cục của triều Nguyễn làm vào đời vua Thiệu Trị (1841 – 1847). Đó là bộ khay gồm 9 ngăn, đặt trong chiếc hộp gỗ sơn son vẽ rồng. Mỗi ngăn dùng đựng một món mứt, và mứt gừng là thứ không bao giờ vắng trong quả mứt Tết của người Huế, dù ở trong cung hay ngoài thôn dã. Ngoài ra, còn có bộ khay pháp lam khác, không phải để đựng mứt mà dùng để ăn món gỏi. Tôi nhớ lần ở Seoul cách nay 10 năm, cô bạn Kang Soyoung mời tôi đi ăn món kuyolp’an, là món gỏi gồm 9 thứ khác nhau (chữ ku tiếng Hàn nghĩa là số 9). Người Hàn bày món này trong bộ khay sứ có 9 ngăn. Chính giữa là ngăn đựng những lát củ cải cắt mỏng. Các ngăn xung quanh gồm: lòng trắng trứng, lòng đỏ trứng gà, nấm hương, thịt bò xào với mè, cà rốt, dưa leo, ớt xanh xào với tôm bóc vỏ và củ cải trắng. Tất cả đều được thái chỉ và dọn riêng mỗi thứ một ngăn. Khi ăn, thực khách gắp mỗi thứ một tí, bỏ vào trong lát củ cải cắt mỏng như tờ giấy, cuốn lại, rồi chấm với xì dầu và dầu mè có trộn sẵn muối tiêu. Ngon tuyệt trần. Kang Soyoung giải thích: “Món này ngày xưa người Triều Tiên chỉ được thưởng thức trong dịp Tết hoặc trong các dịp lễ trọng vì chế biến rất cầu kỳ và tốn kém. Bộ khay dùng để đựng món ăn này làm bằng ch’onghua paekch’a, là loại đồ sứ trắng vẽ men lam Hồi cao cấp, nên cũng rất đắt tiền”. Tôi bảo với Soyoung: “Ở Huế của tôi cũng có món ăn tương tự như món kuyolp’an của người Triều Tiên, gọi là món gỏi thập cẩm. Thức ăn cũng đựng trong những chiếc khay nhiều ngăn làm bằng sứ hay bằng pháp lam, tất cả đặt trong một chiếc hộp sơn mài vẽ rồng phượng rất đẹp. Món ấy, người Huế cũng chỉ dùng trong các dịp trọng đại”. Soyoung cười: “Vậy thì văn hóa ẩm thực của người Triều Tiên và người Huế cũng có nét tương đồng đấy nhỉ?”. Hình như là thế.


Người Huế sống, ăn, mặc và ứng xử theo một kiểu thức riêng. Ai không hiểu sẽ cho là người Huế cầu kỳ, kiểu cách. Còn ai hiểu người Huế, biết về văn hóa Huế, sẽ nói: “Kiểu Huế là rứa. Có chi mà thắc mắc”.
T.Đ.A.S.

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

http://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/07/02/cc71.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/07/02/8e42.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/07/02/7c23.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/07/02/42b4.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/07/02/5235.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/07/02/7ec6.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/06/23/a.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/07/02/85f7.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/07/02/aee8.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/06/23/b.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/06/23/c.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/06/23/d.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/06/23/f.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/06/23/g.jpghttp://khoahocphattrien.vn/Images/Uploaded/Share/2016/06/23/h.jpghttp://c1.f24.img.vnecdn.net/2015/06/24/anti-age-1435140218.jpg

Giờ  thì . . . .  biết dzồi ???