Trần Đức Anh Sơn
1. Tôi có quen một phụ nữ Huế, là chủ nhân một ngôi nhà vườn nổi tiếng ở đất thần kinh. Mỗi khi có dịp tiếp chuyện bà, tôi luôn bị cuốn hút bởi sự lịch lãm, nét quý phái tỏa ra từ thần thái của bà. Khi xuất hiện trước người khác, bà luôn chăm chút bản thân từng ly, từng tí, từ trang phục, kiểu tóc đến cử chỉ, ngôn từ. Cứ ngỡ, sự đài các, nét sang trọng kia do bà tạo ra là cốt để xứng hợp với vị thế hiện tại của bà. Nhưng không phải vậy! Nhiều người quen biết bà cho tôi hay: kể cả những lúc khốn khó nhất thì phong thái của bà cũng kiêu sa, đài các như mặc định. Sau ngày hòa bình, cả Huế đều lam lũ mưu sinh. Gia cảnh của bà cũng sa sút: bà phải ăn cơm độn, mặc áo cũ; phải cuốc xới mảnh vườn trong phủ đệ, vốn chỉ trồng hoa và cây kiểng, để trồng các loại rau quả góp thêm cho bữa ăn hàng ngày. Nhưng mỗi khi bước chân ra khỏi tòa phủ đệ thâm nghiêm ấy, bà đều ngồi xe xích lô, mặc những chiếc áo dài không một nếp nhăn, khoác chiếc phu-la mệnh phụ màu trắng. Người ta nói rằng bà nhất mực gìn giữ một phong cách sống riêng, mà họ gọi là kiểu Huế, cho dẫu vật đổi sao dời.
Chân dung "Huế" (Ảnh: Trần Đức Anh Sơn) |
Nhà một lãng tử Huế Ảnh: Trần Đức Anh Sơn |
Lần đó, bạn mời tôi về nhà ăn kỵ. Nhà bạn nghèo nhưng mâm cỗ cúng hôm đó rất tươm tất, ước chừng 10 món khác nhau. Tất cả được bày biện tinh tươm trong những chiếc tô, dĩa, chén làm bằng sứ trắng vẽ lam, mà người Huế vẫn gọi là đồ kiểu. Tôi hỏi nhỏ anh bạn: “Những thứ này mượn ở mô rứa?”. Bạn nói: “Đồ gia bảo, chỉ khi kỵ giỗ hay tết nhứt mới đem ra dùng”. Tôi lại hỏi: “Nghe nói đồ xưa được giá lắm, sao nhà anh không bán bớt để có tiền lo việc khác? Còn cúng giỗ thì mình dùng chén dĩa đời nay cũng được”. Bạn tôi mắng: “Tầm bậy. Đã là đồ gia bảo thì có chết đói cũng không được bán. Nhà mình vay mượn để lo kỵ bữa ni. Đến mùa thu hoạch sẽ trả nợ, dứt khoát không bán đồ gia bảo”. Trong lễ cúng, tôi thấy cha của bạn dâng rượu cúng đến ba lần, bèn thắc mắc: “Sao phải dâng rượu cúng đến ba lần, thường thì chỉ dâng một lần rượu khi vào lễ và một lần trà khi kết thúc thôi chứ?”. Lễ xong, cha của bạn giải thích: “Trong lễ cúng của người Huế mình, phải dâng đủ ba tuần rượu, gọi là là sơ hiến lễ (dâng rượu lần đầu), á hiến lễ (dâng rượu lần hai) và chung hiến lễ (dâng rượu lần cuối). Sau cùng mới hiến trà (dâng trà)”. Tôi vẫn cố: “Nhưng mà mình cúng ở nhà chứ có cúng đình, cúng họ mô mà phải nhiêu khê như rứa. Cỗ bàn e nguội cả”. Ông mắng tôi: “Không được, cúng mô cũng là cúng, phải đúng bài bản. Xưa bày nay làm, không giản lược được mô”.
Mâm cỗ "Huế" |
3. Trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có hai bộ uống rượu rất đặc sắc. Một bộ làm bằng bạc, chạm trổ tinh xảo, công phu, niên đại vào đời Tự Đức (1848 – 1883). Bộ kia làm bằng ngà voi, kiểu dáng cầu kỳ, chế tác vào đời Đồng Khánh (1885 – 1888). Sử sách triều Nguyễn cho biết: hàng năm, triều đình cấp tiền cho quan binh các tỉnh tìm mua gạo nếp và gạo tám tốt từ các địa phương, giao cho Quang Lộc Tự, tùy chất lượng từng hạng rượu thành phẩm cần tiến, mà cấp phát cho các hộ nấu rượu chuyên nghiệp ở phủ Thừa Thiên nấu rượu tiến cung. Loại rượu ngon nhất được nhập vào Quang Lộc Tự, đến ngày khai niên, được chiết vào những chiếc bình làm bằng bạc, để dâng cúng ở các miếu thờ tiên đế trong Hoàng Thành. Bộ bình và chén rượu bằng bạc niên đại Tự Đức đề cập trên đây là một trong những bộ đồ dâng rượu cúng trong các miếu mà Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn giữ được. Ngoài rượu gạo, triều đình còn trưng nạp và sử dụng nhiều loại rượu khác phục vụ sở thích và bồi bổ sức khỏe cho các vị vua quan, trong đó có rượu dâu từ tỉnh Quảng Bình. Rượu dâu được tiến nạp vào cung để phục vụ lễ tế hưởng. Sau lễ, số rượu dâu còn lại được nhập vào kho trong hoàng cung để vua dùng quanh năm và để ban thưởng cho những người có công. Vua Đồng Khánh (1885 – 1889) không chỉ ban thưởng rượu dâu, mà còn sai Sở Nội Tạo chế tác một bộ bình và chén làm bằng ngà voi, trên thân khắc bốn chữ Hán: Đồng Khánh sắc tứ, đặt trong một chiếc giá hình lồng đèn sơn son thếp vàng, để ban thưởng cho một trọng thần. Bộ đồ uống rượu này thật tiện lợi cho những chuyến du ngoạn: mỗi khi đi đâu, chỉ cần rót rượu đầy bình, treo chén vào các lá cửa của chiếc lồng đèn rồi đóng lại, giao cho gia nhân thủ giữ. Lúc cần thưởng rượu, chỉ kéo cần gạt phía dưới lồng đèn, những cánh cửa mở ra, mang chén ngà đến cho tửu khách chiết tửu. Quả là thú vị vô cùng.
Bộ đồ rượu của vua Đồng Khánh |
Khay ăn "Huế" (ảnh Đào Hoa Nữ) |
Người Huế sống, ăn, mặc và ứng xử theo một kiểu thức riêng. Ai không hiểu sẽ cho là người Huế cầu kỳ, kiểu cách. Còn ai hiểu người Huế, biết về văn hóa Huế, sẽ nói: “Kiểu Huế là rứa. Có chi mà thắc mắc”.
T.Đ.A.S.
No comments:
Post a Comment