Thursday, July 21, 2016

CHIẾN SĨ ÁO ĐEN (Phạm Thanh Ba)


(Kỷ niệm 50 NĂM THÀNH LẬP TRUNG TÂM HUẤN LUYỆN CÁN BỘ XDNT VŨNG TÀU)

PHẠM THANH BA:
·        Tổng Đoàn Trưởng TĐ 3 (1964-1972),
·        Tổng Đoàn Trưởng TĐ5 (1972-1975).
Email: phamthanhba26@yahoo.com


“Chiến Sĩ Áo Đen”, tức Cán Bộ XÂY DỰNG NÔNG THÔN, là hiện thân cán Cán Bộ
Biệt Chính (“Biệt Chính” là đặc biệt về chính trị). Chính sách Xây Dựng Nông Thôn được thành hình  sau ngày Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương thành lập vào năm 1965.  Ngươì điều khiển chương trình và trực tiếp lãnh đạo là Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng (Tổng Uỷ Viên Tổng Bộ Xây Dựng gồm có các bộ: Xây Dựng Nông Thôn, Nội Vụ, Canh Nông, Giáo Dục, Y Tế và Thông Tin).
Theo tổng kết  của Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Quốc Gia Vũng Tàu:
·        Từ đầu năm 1964 đến cuối năm 1974 Trung tâm đã đào tạo hơn 80,000 Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn (kể cả cán bộ trung cấp)  trong đó đã có hơn 23,000 “cán bộ vị quốc vong thân”.
·        Chương trình Xây Dựng Nông Thôn đã hoàn tất vào cuối năm 1969 (theo thiên hồi ký cuả Tiến sĩ Stephen B. Young, cố vấn Tỉnh Đoàn XDNT Vĩnh Long từ năm 1967 đến năm 1972, sau đó ông về tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài gòn đảm trách về nông thôn cho đến ngày mất nước).
Chính sách XDNT  kết hợp:
·        Sáng kiến của cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy (trong thiên hồi ký “Không Hòa Bình Chẳng Danh Dự” của Giáo sư Tiến sĩ Lary Berman, hiện đang giảng dạy môn Chính trị học tại  Đại Học California.
·        Sáng kiến của  Trung Tá Trần Ngọc Châu (Giám Đốc Nha Cán Bộ trong Chấn Hưng Làng Xã.)
·        Một phần không nhỏ là từ tài liệu học tập cho cán bộ điạ phương do cố Đại Tá Nguyễn Bé, Chỉ Huy Trưởng TTHL/CBXDNT/VT, biên soạn  trong lúc còn là Phó Tỉnh Trưởng Nội An tại Tỉnh Bình Định.
·        Và của Trung Tá Lê Xuân Mai, Chỉ huy trưởng TTHL Biệt Chính Ridge Camp, Seminary và Cát Lở, lấy phương châm “THẮNG, THƯƠNG, THÀNH” (thắng bằng tình thương và lòng thành khẩn) làm hành trang lên đường.
·        Một đóng góp lớn lao của vị Gám Đốc Nha Cán Bộ với tám năm ròng rã trong bộ Bà Ba đen bạc màu, ngày đêm đến từng thôn làng hẻo lánh, cùng ăn cùng ngủ với cán bộ của mình đó là Đại Tá Võ Đại Khôi, hiện đang cư ngụ tại Marietta, Georgia.

Lòng hăng say, quả cảm, phục vụ của cán bộ áo đen có được phần lớn là nhờ vào tư cách, tác phong (khiêm cung đạo đức) của Cán Bộ Huấn Luyện Viên tại trung tâm và sự chỉ huy, dấn thân của Tỉnh Đoàn Trưởng, Quận Đoàn Trưởng và Đoàn Trưởng tại địa phương, cho đến các cấp lãnh đạo cao nhất là Tổng Ủy Viên Xây Dựng.

Từ một cán bộ đoàn viên cho đến Trung Tướng Tổng Ủy Viên đều sử dụng bộ bà ba đen (không cấp bậc, không huy chương, và tế nhị nhất là không bao giờ chửi thề). Khoác lên bộ bà ba đen là để hòa đồng với ngươì dân thấp cổ bé miệng, một cổ hai tròng, chân lấm tay bùn, bị khinh khi, miệt thị là “hèn hạ quê mùa”.
Cán bộ áo đen là một “chiến sĩ vô danh” đúng nghĩa, vì hoạt động trong thôn xóm hoang vu, xa xôi hẻo lánh, nơi hoàn toàn là “xôi đậu”.

Nhưng đầu năm 1968, áo đen tràn ngập Thủ Đô.  (Cán bộ XDNT đang thụ huấn tại Trung Tâm  Huấn Luyện Vũng Tàu đã được điều động về Sài Gòn để tham gia công tác tái thiết, xây dựng lại những đổ nát do Việt Cộng gây nên, lập lại cơ sở  hành chánh địa phương, mở lại cửa trường, và nhất là đem lại niềm tin cho người dân khu vực thủ đô và vùng phụ cận sau vụ tổng công kích của Việt Cộng.

Với thành quả ngoài khả năng và dự đoán của Chính Phủ Trung Ương, một lần nữa vào tháng 5, 1968,  hơn 2,500 khoá sinh đàn em đang thụ huấn từ Trung Tâm về Sài gòn tham gia công tác tái thiết vì Việt Cộng điên cuồng, liều chết  tái chiếm Sài Gòn một lần nữa trong khi chúng cạn kiệt binh lính (vì tù binh bắt được đa số dưới tuổi vị thành niên).

Buổi lễ xuất quân tại Vận Động Trường Cộng Hòa đã được đặt dưới sự chủ toạ của Tổng Thống VNCH, nhờ đó người dân thành thị mới biết được chân giá trị về việc làm của những “chiến sĩ áo đen”; và  từ đó bài ca  “Khoác Áo Màu Đen” của Nhạc Sĩ Phạm Duy được thịnh hành trên TV mỗi ngày.

Mỗi đoàn với cấp số là 59 cán bộ, mỗi cán bộ phụ trách một công việc khác nhau  theo phương châm “tập thể chỉ huy, cá nhân phụ trách”.

Cán bộ tốt nghiệp đều phải có căn bản vững chắc sau mỗi kỳ khảo hạch về hành chánh, giáo dục, y tế, và chuyên môn (canh nông, chăn nuôi, nông trại, dẫn thủy nhập điền, sử dụng máy cày, phân bón, thuốc diệt sâu bọ…) nhất là huấn luyện căn bản  về quân sự và lập trường chính trị của người Việt Quốc Gia.
Có những thôn xã quá xa xôi như quận Hậu Đức của tỉnh Quảng Tín với phòng học mái tranh vách lá gồm năm ba trình độ khác nhau, qua đó, người cán bộ tuy tay cầm viên phấn, nhưng sau lưng lúc nào cũng đeo cây súng, vật bất ly thân.  Cảm động nhất là sau giờ tan học, cả thầy lẫn trò quây quần bên bữa cơm trưa dưa muối, nhưng tình thầy trò càng thêm gắn bó.

Trạm Y Tế thường phát thuốc sau giờ đi phục kích hay tuần tiễu đêm. Từ mờ sáng  các ông già, bà lão hối hả sắp hàng chờ xin chẩn bệnh, phát thuốc, có nhiều trường hợp khẩn cấp phải chuyển bệnh bằng xe Lam, ngươì cán bộ vai mang bình nước biển, vai kia không quên khẩu súng, canh chừng gài mìn đắp mô là chuyện thường tình không sao tránh khỏi.

Ngươì cán bộ luôn luôn sống với dân, vì dân;  phận sự mỗi ngươì sau một ngày được đúc kết; về đêm phân công nhau đi phục kích hay tuần tiễu.

Với sự nhiệt tình, lòng khoan dung nhân hậu, tư cách, tác phong của người cán bộ được dân chúng thương yêu đùm bọc, che chở và khuyên nhủ con em giao liên, du  kích… trở về với chính nghĩa Quốc Gia, không cộng tác với cán bộ Cộng Sản nằm vùng, và ngược lại còn mật báo với Cán Bộ XDNT tại địa phương những cở sở của địch quân, để từ đó đoàn 59 sẽ chiêu hồi, hay hành quân tiêu diệt chúng từ khắp hang cùng ngõ hẽm; nhân dân không còn sợ cảnh chó của về đêm cũng như hồi hộp bởi tiếng súng từ xa vọng lại.

Đến cuối năm 1969 Bộ XDNT đổi thành Bộ Phát Triển Nông Thôn (coi như giai đoạn bình định đã xong (và cũng từ đó vì nhu cầu công vụ, với sự thành công của  chương trình, đoàn 59 đổi thành đoàn 30, người cán bộ phải làm việc liên tục trong âm thầm lặng lẽ, nhưng vui vẻ chấp nhận, nhờ sự un đúc từ Trung Tâm, nhờ những tấm gương sáng của các cấp lãnh đạo, chỉ huy ở cấp Đoàn, Quận Đoàn và Tỉnh Đoàn, mà người viết bài này xin được kể 5 chiến sĩ áo đen điển hình:

1.     Anh Trần văn Mẹo (Sĩ Quan biệt phái) Tỉnh Đoàn Trưởng Long An,  ngày đêm lặn lội trong các thôn làng xôi đậu, cùng cán bộ công tác; chẳng những được sự thương yêu của đồng bào địa phương với kết quả được rất nhiều Việt Cộng nằm vùng  ra hồi chánh, và chính họ là những ngươì cộng tác rất đắc lực và hữu hiệu cho công cuộc phát triển.
Tỉnh Uỷ Cộng Sản Long An tìm cách ném lựu đạn vào nhà giết anh trong bữa cơm chiều cùng gia quyến, vì hầu hết cơ sở “hậu cần” của chúng bị Cán Bộ XDBT  phá vỡ. Anh  Trần văn Mẹo cũng là người sáng giá nhất trong số những ứng cử viên dân biểu ở Tỉnh Long An vào năm 1970. Ngày chết của Anh cũng là ngày giỗ chung  cho Cán Bộ Vị Quốc Vong Thân  tại Long An hằng năm. (Hiện nay vẫn âm thầm tổ chức).

2.     Cán Bộ Phan Anh Dũng đã chết vì hai viên đạn AK từ bụi tre bên ngoài hàng rào ấp bắn sẽ trong khi anh đang tập hát cho hơn 50 em  thiếu nhi nông thôn tại sân đình vào chiều Thứ Bảy như thường lệ tại Thôn 8, Xã Kỳ Sanh, Quận Lý Tín, vào giữa tháng 6 năm  1967, trong đó có 4 em bị thương, còn hầu hết đều bị ngất
xỉu, làm dân chúng bàng hoàng thương tiếc.
Vì lý do đó, Trung Tâm HL Vũng Tàu thành lập một  đoàn Văn Công do Nhạc Sĩ Phan Công Danh (một Sĩ Quan  trẻ) điều khiển lưu động từ Quảng Tri cho đến Cà Mau, làm nức lòng thanh thiếu nhi tại những thôn ấp xa xôi  hẻo lánh, với những bài hát nổi tiếng vào thời bấy giờ như “Ta Về Ta Tắm Ao Ta” và “Khoác Áo Mầu Đen” được mọi người yêu thích.  Chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng từng thổ lộ: “Khi vui tôi nghe Khánh Ly ca, khi bối rối tôi nghe nhạc đấu tranh của Chí Linh”.
3.     Cách đây hơn  hai năm anh Thân Văn Bình,  Tỉnh Đoàn Trưởng Biên Hòa, 
trước khi qua đời vì anh không thể lấy lại sức khỏe sau hơn 10 năm trong lao tù “cải tạo”, nói rằng anh chỉ ước mong gia đình và cán bộ XDNT tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng mà thôi, và nhớ ghi trên mộ bia tên họ chức vụ là “Tỉnh Đoàn Trưởng XDNT Biên Hòa” mặc dầu trước đây anh là một Sĩ Quan cao cấp trong QLVNCH. Một số Cán bộ đang định cư tại Santa Ana California và gia đình đã thực hiện đúng lời trăn trối cuả anh.

4.     Anh Phạm Quý Hùng, Tổng Đoàn Trưởng TĐ 9 tại THLH/CBQG /VT, dù chỉ đảm nhận chức vụ được ba năm, những đã phải ở tù “cải tạo” đúng 13 năm.  Khi được đi diện HO, anh phải mượn áo mặc để chụp hình xuất cảnh. Đó là tấm gương liêm khiết của mỗi cán bộ theo lời thề trước Hồn Thiêng Sông Núi, trước bàn thờ Tổ Quốc VN khi nhận nhiệm vụ của mình. Anh cũng đã vĩnh biệt ra đi, do kiệt lực vì bị giam quá lâu trong ngục tù Cộng Sản.

5.     Mới đây trong  buổi họp mặt cuả các cựu HLV tại Trung Tâm ở thành phố Hayward, California,  anh Nguyễn Viết L., cựu giảng viên chính trị, đã ngậm ngùi nói “23,000 anh em mình đã nằm xuống, hơn 5,000 anh em đã bị tàn phế, trách nhiệm nặng nhất là ở nơi chúng ta”.

Sau ngày Tổng Ủy Viên Xây Dựng trở về giữ chức Tổng tham Mưu Phó kiêm Tư Lệnh Điạ Phương Quân, Nghĩa Quân và CBXDNT được 6 tháng  thì giao lại cho Trung Tướng Nguyễn Văn Là để đi nhậm chức Tư Lệnh Quân Đoàn IV. (Tháng 8, 1968).

Ngay lập tức Tướng Là cho các sĩ quan cấp Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Đội Trưởng Đia Phương Quân lần lượt về Trung Tâm thụ huấn 6 tuần về căn bản chính trị và lãnh đạo chỉ  huy.

Bất ngờ Trung Tướng đến thăm một lớp học đêm, sau khi ân cần thăm hỏi và khích lệ, ông thẳng thừng tuyên bố “sĩ quan nào không tốt nghiệp khóa nầy coi như “củ khoai sượng” nghĩa là nấu nhiều lần vẫn không ăn được).

Đồng thời  các viên chức Xã, Ấp, Phường, Khóm cũng lần lượt về  Trung Tâm  thụ huấn  6 tuần.

Trong kế hoạch “Cách Mạng Hành Chánh”, cải tổ lề lối làm việc, chính phủ đã ra lệnh “CÁN BỘ HÓA CÔNG CHỨC”, qua đó, trưởng cơ quan, từ cấp Trưởng Ty cho đến hàng Phó Tổng Giám Đốc, đều phải về Trung Tâm thụ Huấn 6 tuần.  Sau đó được phân phối  từng toán dưới sự hướng dẫn cuả HLV của Trung Tâm về tận thôn ấp thực tập trong vòng 1 tháng mới chính thức trở về nhiệm sở cũ.

Với nửa thế kỷ trôi qua, hành trang lên đường của mỗi chiến sĩ áo đen xuất thân từ Trung Tâm vẫn còn in đậm trong tâm khảm, của mỗi  người cán bộ,  vì họ đã âm thầm đóng góp với tất cả quãng đời thanh xuân của mình cho quê hương và dân tộc.

Kính dâng lên hương hồn ANH HÙNH LIỆT SĨ  VỊ QUỐC VONG THÂN và những CHIẾN SĨ  ĐÃ BỊ TÀN PHẾ VÌ SỰ HY SINH CAO CẢ CHO TỔ QUỐC VIỆT NAM với  sự tôn kính, biết ơn từ tận đáy lòng mình.

Tôi mạnh dạn viết lên sự thật về TTHL/CBQG/VT với email cá nhân:  phamthanhba26@yahoo.com.

2 comments:

  1. Cần tìm người thân: Võ Văn Hùng sinh 1946, khóa 7 Chí Linh Quê quán : Thị xã Trà Vinh, Cha là ông : Võ Văn Diện, ông Hùng mất tích từ cuối năm 1974 đến nay



    ReplyDelete
    Replies
    1. Ông là cấp dưới của ông Nguyễn Bé

      Delete