Wednesday, May 10, 2017

NGƯỜI Ở LẠI CHARLIE



Image result for người ở lại charlie

TẠI SAO KHÔNG GIỮ LỜI HỨA VỚI MẸ TÔI?

LTS - Rất đông độc giả liên lạc tòa soạn, hỏi về gia cảnh cố Ðại Tá Nguyễn Ðình Bảo, người mà chúng ta đã quá quen thuộc qua nhạc phẩm “Người Ở Lại Charlie,” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết gia đình bà quả phụ Nguyễn Ðình Bảo hiện sinh sống tại Sài Gòn. Bà Nguyễn Ðình Bảo nay 76 tuổi, vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. Hai ông bà có ba người con. Trưởng nam, Nguyễn Bảo Tường, là một bác sĩ Nhi Khoa. Thứ nữ, Nguyễn Bảo Tú, làm việc tại Tòa Lãnh Sự Anh Quốc tại Sài Gòn. Con trai út, Nguyễn Bảo Tuấn, kiến trúc sư và đang giảng dạy tại một đại học ở Sài Gòn. Dưới đây là bài viết hồi năm 2012 của anh Nguyễn Bảo Tuấn, về thân phụ mình. Tòa soạn tìm thấy bài viết này trên trang Facebook riêng của Nguyễn Bảo Tuấn, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

 *******
Trên FB tôi thấy đại đa số thường chọn hình mình hoặc hình con mình để làm avatar, ít hơn một chút thì lấy hình của người yêu, vợ hoặc chồng, hoặc một hình gì đó mà mình yêu thích. Riêng tôi thì tôi lại chọn một đối tượng khác mà hình như tôi thấy chưa một ai chọn giống như tôi: Một người mà đã không giữ lời hứa với mẹ tôi.

 Tôi sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh đầy phong ba bão táp. Cả nhà 6 người mà chỉ có một chiếc xe đạp thay phiên nhau đi, gạo thì chạy ăn từng bữa, anh trai tôi ngày ngày cứ 5 giờ sáng phải chạy lên Gò Vấp để lấy bánh đậu xanh về đi bỏ cho các tiệm bánh rồi mới về đi học trong suốt 7 năm trời, từ năm học lớp 11 đến hết năm thứ 6 Y Khoa. Khó khăn là vậy nhưng tôi vẫn trưởng thành một cách đầy kiêu hãnh. Ðôi khi nhìn lại tôi tự hỏi là điều gì đã giúp tôi mạnh mẽ mỗi khi đương đầu với những khó khăn? Và câu trả lời là do trong huyết quản tôi vẫn đang mang một dòng máu nóng trong mình và tôi đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ người đã cho tôi dòng máu ấy: Một người mà đã không giữ lời hứa với mẹ tôi.

Tôi cũng không biết tại sao tôi và người đó chỉ gặp gỡ và tiếp xúc trong có vài chục ngày, chính xác là từ ngày 6 tháng 1, 1972 đến ngày 25 tháng 3, 1972, mà tôi lại luôn luôn thương mến, cảm phục, tự hào và luôn lấy người làm tấm gương soi để tôi có đủ nghị lực vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ là do cuộc sống của người quá vĩ đại và tôi đã được thừa hưởng một phần của nó. Mặc dù khi ra đi người đã không thực hiện được một lời hứa với mẹ tôi mà cho tới bây giờ tôi vẫn hỏi: “Tại sao?”

Charlie, tên nghe quá lạ!
“Toàn thể những địa danh nơi hốc núi, đầu rừng, cuối khe suối, tận con đường, tất cả đều bốc cháy, cháy hừng hực, cháy cực độ... Mùa Hè 1972, trên thôn xóm và thị trấn của ba miền đồng bốc cháy một thứ lửa nhân tạo, nóng hơn, mạnh hơn, tàn khốc gấp ngàn lần, vạn lần khối lửa mặt trời sát mặt...
Kinh khiếp hơn Ất Dậu, tàn khốc hơn Mậu Thân, cao hơn bão tố, phá nát hơn hồng thủy.

Mùa Hè năm 1972 - Mùa Hè máu. Mùa Hè của sự chết và tan vỡ toàn diện.
Nếu không có trận chiến mùa Hè năm 1972 thì cũng chẳng ai biết đến Charlie, vì đây chỉ là tên quân sự dùng để gọi một cao độ nằm trong chuỗi cao độ chập chùng vùng Tân Cảnh, Kontum.
Charlie, “Cải Cách,” hay “C,” đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng sông Pô-Kơ và Ðường 14, đông-bắc là Tân Cảnh với mười hai cây số đường chim bay, đông-nam là Kontum, thị trấn cực bắc vùng Tây Nguyên.”
(Trích trong “Mùa Hè Ðỏ Lửa” của Phan Nhật Nam)
"Charlie bỗng trở thành một địa danh được nhắc nhớ từ sau 4,000 quả đạn pháo tới trong một ngày, từ sau người mũ đỏ Nguyễn Ðình Bảo nằm lại với Charlie."
(Trích lời giới thiệu trong CD Chiến Tranh và Hòa Bình của Nhật Trường Trần Thiện Thanh)

Cho đến bây giờ cũng ít người biết rằng tôi chính là “đứa bé thơ” với “tấm khăn sô bơ vơ “ trong bài hát “Người Ở Lại Charlie” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Và tôi lớn lên cùng với ký ức về một người Cha hào hùng như vậy.

Tôi không thần tượng Cha tôi từ một bài hát viết về người, cũng không thần tượng từ một hai trận đánh trong cuộc đời binh nghiệp của người, mà tôi thần tượng Cha mình từ chính cuộc đời của Người.
Trải qua biết bao thăng trầm đời binh nghiệp và cuối cùng người đã được giao làm tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn “Song Kiếm Trấn Ải” (biệt danh của Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù), một trong những tiểu đoàn được xem là thiện chiến nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Cha tôi là một người khát máu hung tàn, mà ngược lại hoàn toàn, mọi người đều nhớ về hình ảnh Cha tôi như là một võ sĩ đạo đúng nghĩa: Giỏi võ, dũng cảm và cao thượng.
 Thời bấy giờ có mấy ai dám đánh một sĩ quan của Mỹ, vậy mà Cha tôi đã làm điều đó khi người sĩ quan đó dám làm nhục một người lính Việt Nam (chuyện này tôi được nghe bác ruột tôi kể lại). Có tiểu đoàn nào trong quân đội mà luôn gọi Tiểu Ðoàn Trưởng bằng tên thân mật “Anh Năm”?, nhất là trong binh chủng Nhảy Dù, việc phân chia cấp bậc luôn được tôn trọng và đặt lên hàng đầu. Vậy mà trong Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù, tất cả mọi người, từ lính đến sĩ quan, chẳng ai gọi Cha tôi là Trung Tá cả, mà luôn gọi là Anh Năm, và “Anh Năm” thường hay nói với mọi người trong tiểu đoàn rằng: “Tụi mày thì chẳng biết mẹ gì, nhưng tất cả tụi mày tao đều coi là em tao hết.”

“Anh Năm,
“Ngoài đời anh sống hào sảng, phóng khoáng và thật ‘giang hồ’ với bằng hữu anh em, còn trong quân ngũ, anh như một cây tùng ngạo nghễ giữa bão táp phong ba, Anh không nịnh cấp trên đè cấp dưới, anh chia sẻ vinh quang buồn thảm với sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp.
“Anh sống hùng và đẹp như thế mà sao lúc ra đi lại quá phũ phàng!?

“Tôi về lại vườn Tao Ðàn, vẫn những hoa nắng tròn tròn xuyên qua khe lá, lấp loáng trên bộ đồ hoa ngụy trang theo mỗi bước chân. Cây vẫn xanh, chim vẫn hót, ông lão làm vườn vẫn lom khom cầm kéo tỉa những chùm hoa loa kèn, những cụm hoa móng rồng và những bụi hồng đầy màu sắc. Bên gốc cây cạnh căn lều chỉ huy của anh hồi tháng trước khi còn đóng quân ở đây, tôi thấy có bó hồng nhung đỏ điểm vài cánh hoa loa kèn trắng. Chống đôi nạng gỗ xuống xe, tiếng gõ khô cứng của đôi nạng trên mặt đường khiến ông lão ngẩng đầu và nhận ra tôi. Siết chặt tay ông cụ, trong ánh mắt già nua chùng xuống nỗi tiếc thương, chòm râu bạc lưa thưa phất phơ trước gió. Ông cụ đọc báo, nghe đài phát thanh nên biết anh đã ra đi, nên sáng nào cũng để một bó hoa tưởng nhớ và tiễn đưa anh.
 Cụ mời tôi điếu thuốc Quân Tiếp Vụ, rồi ngồi xuống cạnh gốc cây, tay vuốt nhẹ trên những cánh hồng, sợi khói mỏng manh của điếu thuốc nhà binh quện trong tiếng nói:
“- Thuốc lá ông Quan Năm cho, tôi vẫn còn đủ dùng cho đến cuối năm. Mấy chục năm nay tôi mới gặp một ông quan nói chuyện thân mật và tốt bụng với những người dân như tôi. Người tốt mà sao ông Trời bắt đi sớm như vậy!?”
(Trích trong “Máu Lửa Charlie” của Ðoàn Phương Hải)

Cha tôi đã sống như thế nào mà những người ít ỏi còn sống sót trở về sau trận chiến tại đồi Charlie đều nói là họ thật hối tiếc khi không được nằm xuống cùng Cha tôi ở đó.
“Tô Phạm Liệu cảm thấy lẻ loi ở cái đại hội y sĩ có nhiều những người ‘mặc quần mới áo đẹp’ và ‘ăn to nói lớn,’ thích ‘nhảy đầm’ và ‘xếp hàng để lên hát’... Trong cơn say, anh nói là phải chi trước kia, mười mấy năm trước kia, anh được ‘ở lại Charlie’ với Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo, với các bạn nhảy dù thì ‘sướng hơn nhiều.’”
(Trích trong “Tô Phạm Liệu: Người trở lại Charlie” của Phạm Anh Dũng)

Viên sĩ quan cố vấn Mỹ Duffy cho tới tận bây giờ vẫn còn luôn mang trong người những hoài niệm về Cha tôi và trận chiến tại Charlie. Mỗi lần tham gia các cuộc gặp gỡ của Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam (trong đó có một số hiện đang là tướng lãnh cao cấp trong quân đội Mỹ) ông ta đều hỏi mọi người, “Tụi mày có từng tham gia trận Charlie không, tụi mày có ai từng chiến đấu cạnh Colonel Bao (Trung Tá Bảo) chưa? Thế thì tụi mày còn xoàng lắm. Và hàng năm cứ mỗi lần sinh nhật của mình, ông ta đều đặt một ổ bánh kem làm hình một ngọn đồi và ghi chữ Charlie lên đó. (Chuyện này do chú Ðoàn Phương Hải khi về Việt Nam năm 2011 thuật lại cho tôi nghe).
Cha tôi đã sống như thế nào để một người Mỹ phải luôn khắc trong tâm khảm những hoài niệm như vậy?
Tôi chỉ có thể kết luận một câu: “Cuộc đời của Cha thật vĩ đại.”

Ngày hôm nay khi viết về Cha, tôi không biết viết gì hơn, chỉ xin dâng về hương hồn Cha một vài câu thơ nói về khí phách của Người và nơi mà Cha đã gửi lại thân xác vĩnh viễn cho núi rừng Charlie. Ở đây tôi xin dùng từ “Cởi áo trần gian” vì tôi tin rằng Cha vẫn đang khoác một chiếc áo khác và vẫn đang nhìn tôi từ một nơi rất xa...
Lặng lẽ ngàn năm chẳng danh xưng
Bỗng chốc một hôm hóa lẫy lừng
Charlie gầm thét trong lửa đạn
Gọi mãi tên người nước mắt rưng
Trai thời nỗi chết tựa trên lưng
Khí phách hiên ngang bước chẳng dừng
Charlie vẫy gọi người ở lại
Cởi áo trần gian tặng núi rừng
(Kính dâng tặng hương hồn Cha)

Sinh nhật mẹ tôi ngày 11 tháng 4. Trước khi hành quân vào Charlie ngày 25 tháng 3, Cha tôi đã đặt một chiếc bánh sinh nhật cho mẹ với lời hứa là sẽ về dự sinh nhật mẹ. Ðến ngày sinh nhật, mẹ đã không tổ chức mà vẫn chờ Cha về, và cho đến tận bây giờ mẹ vẫn chờ...

Tuy nhiên Cha đã thất hứa với mẹ vì ngày 12 tháng 4 Cha đã cởi áo trần gian và nằm lại vĩnh viễn với Charlie. Còn tôi, tôi chỉ biết hỏi là tại sao Cha lại không giữ lời hứa với mẹ tôi? Tại sao và tại sao...?

Friday, May 5, 2017

7 MÓN TỪ HY


Bữa tiệc Tết xuân Canh Tý (1874) tiêu tốn gần 400 nghìn lượng vàng. Trong nhiều món ăn, có 7 món độc đáo Từ Hy Thái Hậu dùng để chiêu đãi quan khách khiến không ít người rùng mình ghê sợ.

Từ Hi Thái Hậu
Từ Hi Thái Hậu

Bữa tiệc Tết 7 ngày đêm

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại cho đến ngày nay, chưa có yến tiệc nào linh đình, trọng thể, vĩ đại… bằng tiệc Xuân năm Canh Tý (1874) do Từ Hy Thái Hậu (Tây Thái Hậu), đời nhà Thanh Trung Hoa, tổ chức để khoản đãi phái đoàn Sứ Thần, tướng lãnh các quốc gia phương Tây. Trước sức mạnh quân sự hùng hậu của 8 nước phương Tây cùng liên minh đánh Trung Quốc, Từ Hy Thái Hậu nhà Thanh (Trung Quốc) tự hiểu rằng, con đường tốt nhất là dùng ngoại giao để giải quyết.
Thái thú Lý Hồng Chương được giao sứ mệnh gặp gỡ các sứ thần Tây phương. Mở đầu cho mối giao hảo này, một yến tiệc linh đình nhất đời Thanh được tổ chức vào Tết Nguyên đán năm 1874 với sự tham gia của các sứ thần nước ngoài tại Duy An Cung.
Thực khách gồm 400 người, thực đơn có 140 món, tiệc khai đúng 12 giờ đêm giao thừa năm 1874, kéo dài cho đến giờ Tý đêm mồng 7 tết. Chi phí bữa đại tiệc hết 98 triệu hoa viên Trung Quốc, tương đương 374 ngàn lượng vàng, được chuẩn bị trước 11 tháng 6 ngày, cần đến 1750 người phục dịch. Ngay từ rằm tháng 2 năm Quý Dậu (1873), mỗi tỉnh Trung Quốc được lệnh cử 10 đầu bếp xuất sắc nhất về kinh đô hội ý thảo thực đơn. Sau gần hai tháng hội ý, các đầu bếp đã thống nhất một thực đơn gồm 140 món, trong đó có 7 món cực kỳ đặc biệt. Trong 7 ngày đêm yến tiệc ấy, mỗi ngày chỉ dùng 1 món.
Quan khách nhận được thiệp mời từ 23 tháng Chạp năm Quý Dậu (1874), gồm 212 vị trong phái đoàn 8 nước liên minh nước ngoài cùng 188 công thần được tuyển chọn của triều Thanh.
Đêm 30 Tết, tất cả khách mời tề tựu tại Duy An Cung, cùng lúc ấy, Từ Hy Thái Hậu dự lễ trừ tịch ở Tôn Long Miếu. Sau ba hồi chiêng trống long phụng vang lên là hồi khánh ngọc báo tin Thái Hậu xuất cung.
Quan khách đồng loạt đứng dậy hướng về long kiệu – nơi Tây Thái Hậu ngự – do 8 vệ sĩ lực lưỡng khiêng. Lý Hồng Chương khom mình tới vén rèm long kiệu. Thái Hậu Từ Hy khẽ lách mình ra, gật chào quan khách.
Thái Hậu rực rỡ trong chiếc áo bào đỏ, có thêu rồng vàng uốn khúc, đầu đội mũ bình thiên, đến chỗ ngồi, phẩy nhẹ phất trần mời quan khách an tọa. Ba hồi chiêng trống vang lên, thay mặt triều đình nhà Thanh, thái thú Lý Hồng Chương phát biểu ý kiến về ý nghĩa buổi tiệc nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa nhà Thanh với các nước phương Tây. Thay mặt 8 nước, sứ thần nước Anh đáp từ.  Ba tiếng ngọc khánh báo hiệu đại yến bắt đầu. Quan khách ngồi cách nhau khoảng thước tây.  Sau lưng mỗi người có 2 nô tỳ nam và nữ phục dịch và món ăn thứ nhất được dọn lên.
Cứ ăn hết một món, nhạc lại tấu lên một bản.  Dùng đúng 5 món, thực khách được uống một chén rượu thuốc nước có tác dụng tiêu thực.  Rượu đãi khách cũng là rượu đại bổ.  Nhà bếp dọn lên mỗi ngày 20 món, trong đó có một món đặc biệt nhất.  Tiệc kéo dài 7 hôm phải có 7 món vô cùng đặc biệt đặc biệt trong tổng số 140 món.  Cứ mỗi lần dùng một món mới là Thái Hậu lại gõ ngọc khánh, một viên nội giám lại vòng tay xướng tên món ăn.

Bảy món đặc biệt của Từ Hy:

1.- Sâm Thử (chuột sâm)

1294059145_bnhnngthtchut

Sâm thử là chuột sâm, chuột nuôi bằng sâm. Theo đó, chuột mới đẻ đem nuôi trong lồng kính cho ăn toàn sâm thượng hảo hạng và uống nước suối, đến khi đẻ ra con thì lấy những con đó nuôi riêng cũng theo cách thức đó để cho sinh ra một lớp chuột mới, nhưng lớp chuột mới này vẫn chưa dùng được. Cứ nuôi như thế đến đời thứ ba, chuột mới thực là “Thập Toàn Ðại Bổ”.
Ăn chuột bao tử như thế có nghĩa là ăn tất cả cái tinh hoa, bén ngậy, khôn ngoan của giống chuột cộng với tất cả tính chất cải lão hoàn đồng, cải tử hoàn sinh, tráng dương bổ thận của cây sâm – vốn được y lý Ðông phương đặt lên hàng đầu thần dược từ cổ chí kim trong trời đất.
Nguyên đại sứ Tây Ban Nha thuật lại, đến món ăn đặc biệt ấy thì có một ông quan đứng lên giới thiệu trước rồi quân hầu bưng lên bàn tiệc cho mỗi quan khách một cái đĩa con bằng ngọc trong đó có một con chuột bao tử chưa mở mắt, đỏ hon hỏn hãy còn cựa quậy – nghĩa là một con chuột bao tử sống. Bao nhiêu quan khách thấy thế chết lặng đi bởi vì nếu phải theo giao tế mà ăn cái món này thì… nhất định phải… “trả lại” hết những món gì đã ăn trước đó.
Mọi người nhìn nhau. Tây Thái Hậu cầm nĩa xúc con chuột bao tử ăn để cho mọi người bắt chước ăn theo. Con chuột kêu chít chít, người tinh mắt thấy một tia máu vọt ra. Hoàng đế Trung Hoa thong thả vừa nhai vừa suy nghĩ như thể muốn kéo dài cái thú ăn tuyệt diệu ấy, thấm nhuần trí óc và cơ thể.  Ngài nói: – Mời chư vị.
Nhưng không một vị nào đụng đũa, cứ ngồi trơ ra mà nhìn. Tây Thái Hậu bèn cười rồi nói đùa: “Tôi tiếc không thấm nhuần được cái văn minh Âu Mỹ của các ngài. Nhưng riêng về cái ăn thì tôi thấy quả các ngài chậm tiến, không biết cái gì là ngon, là bổ. Về món đó, các ngài có lẽ còn phải học nhiều của người Á Ðông”.
Không một ông nào trả lời, bởi họ không biết ăn chuột bao tử như thế là văn minh hay man dã.   Họ chắc chắn là chưa có một nước nào trên thế giới lại có một món ăn tinh vi, quí báu, cầu kỳ đến thế bao giờ.  Ðại sứ Tây Ban Nha nhắm mắt lại để thưởng thức món ăn này nhưng vừa cho vào miệng cắn một cái thấy chuột con kêu chít chít, ông ta vội vàng chạy ra ngoài, lè ra, và một tháng sau còn chưa hết sợ.
Sau này, đem câu chuyện đó nói với mấy vị đông y sĩ, ông ta biết rằng người Âu Mỹ không biết ăn cái món ấy quả là “Chậm tiến” và mấy ông già còn cho biết thêm rằng chuột thường nuôi bằng sâm đã bổ hết sức rồi, nhưng nếu tìm được giống chuột chù mà nuôi bằng sâm theo cách thức nói trên thì còn bổ gấp trăm lần nữa…

2.-Não Hầu (óc khỉ)

image005

Vùng Thiên Hoa Sơn thuộc tỉnh Sơn Ðông có một rừng lê gọi là ngọc căn lê. Trái lê trị được các bệnh nhiệt uất, can thận và ho khinh niên.
Rừng lê có rất nhiều khỉ, chúng ăn hết cả trái.  Nhờ ăn ngọc căn lê nên thịt khỉ nơi đây rất thơm ngon, lại chữa được bệnh loạn óc, tê liệt và bán thân bất toại.
Về dược tính, óc khỉ quí hơn thịt gấp bội.  Dân chúng trong vùng tìm đủ cách bảo vệ rừng lê nhưng không có kết quả, bởi giống khỉ nơi đây đầu có ba xoáy, tinh khôn, né tránh người và bẫy rập một cách tài tình.
Tây Thái Hậu xuống chiếu phải bắt cho được 200 con khỉ trẻ, chưa thay lông lần nào, mỗi con được trọng thưởng 110 lượng vàng ròng. Con số này quá nhiều, thợ săn không đáp ứng đủ nên về sau Từ Hy phải giảm xuống còn 80.
Năm thực khách dùng một con.  Khỉ mang về được nuôi bằng thức ăn tinh khiết, bổ dưỡng, ngoài ra còn được tắm gội sạch sẽ.  Lại cho đóng 80 cái hộp tròn giống như cái trống nhỏ mở ra khép vào được, một mặt trống có khoét lỗ tròn vừa đủ diện tích cho cái đầu con khỉ ló lên kèm theo một cái gông làm con khỉ không thể cục cựa được.
Trước khi bắt đầu món ăn này, bầy khỉ được tắm rửa lần chót, xịt nước hoa thơm ngát và cho uống một loại thuốc để tất cả năng lực, tinh túy của con vật tập trung lên não bộ, óc khỉ vì lẽ ấy sẽ gia tăng chất bổ dưỡng bội phần.
Muốn cho các quan khách Tây phương bớt thấy sự dã man, ăn uống được mạnh miệng đồng thời làm cho món ăn mang ít nhiều ý nghĩa lịch sử, Thanh triều cho các chú khỉ vận triều phục, đội mão, vẽ mặt, mang râu, giống như một đại quan của triều đình, trên cổ đeo một tấm bản nhỏ ghi rõ tên họ, tuổi tác cùng quan chức thuở sinh tiền.  Những con khỉ đó tượng trưng cho những nịnh thần, gian tặc… khả ố nhất, gian ác nhất, bị dân chúng oán ghét tận xương tủy như Tần Cối, Bí Trọng, Vưu Hồn, Bàng Hồng, Trương Bang Xương, Mao Diên Thọ… phải chịu chết để đền tội với đất nước, với nhân dân.
Khi tiếng khánh ngọc từ tay Tây Thái Hậu trổi lên để báo hiệu đến món não hầu thì nội thị dọn ra mỗi bàn một cái lồng chứa khỉ cho năm thực khách.  Kế tiếp tên nội thị một tay gỡ mão một tay dùng búa bằng ngà nhỏ giáng cuống đầu khỉ. Ðộng tác này đã được tập luyện thuần thục từ trước để chỉ cần một búa duy nhất là đủ đưa con khỉ sang bên kia thế giới.  Cùng lúc ấy nhạc đệm trổi lên và tên nội thị sẽ ngâm nga một câu theo tiếng nhạc, đại ý như: “Mao Diên Thọ đã thụ hình” hay “Tần Cối đã đền xong tội phản thần…”
Ðoạn tên nội thị lập tức dùng một tấm lụa bạch đậy kín toàn bộ cái đầu con khỉ, chỉ chừa một lỗ thật nhỏ vừa đủ đưa cái muỗng bạc vào múc khối óc khỉ.  Não hầu được xối lên bằng nước sâm nóng hổi cho tái đi, bớt đỏ.  Lúc thực khách vừa múc óc khỉ ra ngoài, nội thị dùng nĩa bạc gạt bỏ phần da đầu và những mảnh sọ bể để khách dễ dàng hành động.

3.-Tượng Tinh (tinh khí của voi)

7-mon-an-dai-bo-cua-tu-hy-thai-hau-trung-quoc-tuong-tinh-p1

Trước hết chọn những tổ yến thật to và tốt lấy được từ các hải đảo ngoài khơi biển Nam hải, tẩy rửa cẩn thận rồi nấu trong nước thang nhân sâm và đường Chủng Càu Chỉ của Ðại Hàn. Lại hòa chung với nước lê Vân Nam – Tuyết Hồng Lê – và bột Kiết Châu Phấn, nấu khô lại rồi nặn thành hình những con voi, đoạn bỏ vào lò nung cho thật chín và chắc.
Tượng tinh là các nài voi đã lấy sẵn. Khi con voi làm bằng tổ yến được mang từ lò ra, đầu bếp sẽ khoét lưng voi một lỗ trống vừa đủ nhét vào một cái bóng cá voi đã ngâm thuốc bắc phơi khô. Tượng tinh được cho vào cái bong bóng cá (đã được ngâm thuốc bắc phơi khô) và con voi được đem đi chưng cách thủy. Lúc thưởng thức món này, thực khách dùng một chiếc kim vàng thọc vô bụng voi để chất nước nhờn chảy vào chén bạc rồi uống.
Sâm thử và tượng tinh bồi bổ cho lục phủ ngũ tạng, tỳ vị thêm mạnh mẽ lại trị dứt các chứng nhức mỏi và làm mắt sáng thêm ra.

4.-Trư Vương (giống heo quí báu)

tru-vuong-Heo-quy

Giống heo này thịt thơm ngon và rất bổ dưỡng, ở vùng Phúc Châu nhờ ăn một thứ củ giống như củ Hoàng Tinh mọc quanh khu vực đồi núi Châu Tịch Xương tiếp cận. Củ này tên gọi Tích Vân Lang, chỉ sống tại địa phương, nếu đem trồng nơi khác, cẩn thận chăm sóc cách nào chúng cũng chết.
Thanh triều mang về 60 con heo, 20 con đực và 40 con cái, cho ăn toàn thức ăn đại bổ, uống toàn nước sâm. Heo mặc tình giao hợp rồi sinh đẻ, lớp heo mới ngày càng tinh khiết, tinh túy của sâm nhung. Heo đem đãi tiệc tuổi chưa đầy hai tháng, gọi là heo sữa.
Năm ngày trước đại tiệc, đầu bếp chọn 100 chú heo sữa thật béo tốt, không chọc tiết cũng không nhúng nước sôi để cạo lông mà đập chết rồi thui cho cháy lông.  Bỏ hết ruột gan tỳ phế thận, thịt heo được cắt thành từng lát mỏng ướp với các dược phẩm trân quí trong 3 ngày liền trước khi chưng cách thủy. Lúc đem ra thết đãi thịt heo thơm ngon vô cùng. Xương lại mềm rục.  Nhiều thực khách ưa thích món heo này vô cùng, họ nhắc nhở mãi về sau này trong các hồi ký, ký sự.

5.- Phương Chi Thảo (cỏ Phương Chi)

dong-trung-ha-thao-co-phai-la-phuong-thuoc-cai-tu-hoan-sinh-0

Tương truyền Hoàng Ðế Khang Hy nhà Thanh khi còn sinh tiền rất háo sắc nhưng có tài y thuật cao cường. Vì vậy nên dù có hàng trăm phi tần vua vẫn khỏe mạnh do tự bồi dưỡng cường lực bằng dược chất.   Nhưng lúc tuổi già vua mắc phải chứng bệnh khan háo trong ngũ tạng mà tự mình không chữa được, bao nhiêu nhự y đại tài của triều đình cũng bó tay, vua phải bố cáo tìm danh y, thần dược trong dân gian.
Ngày nọ, có một dị nhân xin yết kiến rồi móc trong người ra một bó cỏ rất lạ, rễ xanh, lá dài như lá hẹ nhưng màu đỏ tía, ngọn lại trắng.  Vua biết là cỏ quí nên hỏi, dị nhân trả lời đó là cỏ Phương Chi mọc trên đỉnh Thái Hàng Sơn hướng về mặt trời, đặc biệt là cỏ này chỉ mọc trên một tảng đá duy nhất, cao và chênh vênh.  Chỉ vào năm nhuần cỏ mới mọc và mọc một lần duy nhất nhân dịp Trung Thu, sống trong khoảng 30 đến 45 ngày, lúc gặp ngọn gió bấc đầu mùa thì lập tức bị khô héo.
Việc hái cỏ cũng rất công phu.  Dắt theo một con ngựa toàn bạch lên đỉnh núi cao trước một ngày, đến khi mặt trời mới mọc đem ngựa tới phiến đá cho an cỏ.  Ngựa vừa ăn cỏ xong phải tức thì chém rụng đầu ngựa rồi mổ bụng lấy bao tử mang về chế thuốc phơi khô.
Cỏ Phương Chi khi ăn vào làm cơ thể mát mẻ đồng thời trị tuyệt các bệnh trầm kha hoặc hiểm nghèo.  Trong đại tiệc do Từ Hi Thái Hậu khoản đãi, Phương Chi Thảo nấu chung với Long Tu (râu rồng).  Thực khách ăn xong cảm thấy tinh thần vô cùng sảng khoái, cả tháng sau không khát nước cũng không mệt.

6.- Sơn Dương Trùng (dê núi và dòi)

dongtrunghe1baa1the1baa

Tây Thái Hậu xuống chiếu đòi các thợ săn chuyên nghiệp tỉnh Hồ Bắc vào rừng mang về cho được một cặp sơn dương thật lớn.
Sau gần một tháng băng núi trèo đèo ở Thiểm Tây, đoàn thợ săn bắt được ba cặp dê rừng, trong số ấy ba con cái đều đang mang thai, được Tây Thái Hậu thưởng cho 50 lạng vàng mỗi con.
Dê rừng sau đó được thả trong một khu vườn rộng đầy cỏ non xanh tốt.  Cỏ lạ nuôi dê có dược chất bổ dưỡng gan thận được vận tải đến mỗi ngày từ Vân Nam và Quảng Tây.  Cỏ này tên là “đông trùng hạ thảo”, bởi mùa hạ cỏ mịn như nhung còn sang mùa đông thì trong cỏ sinh ra một loại sâu ăn rất bổ. Bầy dê núi ăn cỏ quí có dược tính cùng với cỏ non, lá cây thuốc… nên sinh con khỏe mạnh và to lớn khác thường.
Ðầu bếp làm thịt 14 con dê núi tuổi chưa quá hai tháng, cạo lông, loại tim gan phèo phổi rồi cho mỗi con vào một thùng gỗ ngâm với rượu quí và nước gừng trong một ngày.  Ngày thứ hai mang những chú sơn dương ra rồi ngâm chúng trong sữa tươi và nước sâm nhung.  Ngày thứ ba dùng dùi vàng xuyên thủng qua gương sen và cuống hoa quỳ trắng (Phan bạch quỳ – hoa sen trắng của Ðại Hàn thường nở vào mùa đông) để cắm hoa vào mình sơn dương. Tiếp tục ngâm như vậy đến ngày thứ 10 thì trong các đóa hoa tự nhiên xuất hiện lúc nhúc những con dòi trắng nõn.
Ðầu bếp lấy dòi ấy chế biến thành món sơn dương trùng, trị các bệnh bán thân bất toại, tê liệt và lao phổi đại tài.

7.- Trứng Công

mo-thay-chim-cong__23927_std

Thế gian có câu “nem công, chả phụng” để chỉ hai món ăn thuộc hàng trân vị.  Nem công dù hiếm quí những vẫn còn tương đối dễ kiếm, dễ làm so với trứng công, bởi thứ nhất loài công làm tổ ở những nơi xa xôi hẻo lánh, trên cành cao hay vách đá cheo leo, khó tìm ra được. Thứ hai là dù có tìm ra được chỗ công đang ấp trứng thì cũng không dễ gì đến gần ổ vì công rất hung dữ, chống cự kịch liệt và cuối cùng nếu thấy không bảo vệ được ổ trứng thì chúng đập bể nát hết chứ không để lọt vào tay ai.
Tây Thái Hậu sai người đi lấy trứng công nhưng chẳng ai làm được, bà rất phiền muộn.  May thay có một vị tướng quân trẻ tuổi xin vào ra mắt và tâu rằng ông có người anh bà con ở Tứ Xuyên nuôi được bầy khỉ 100 con, thông minh lanh lợi, huấn luyện thuần thục, nghe được tiếng người, chuyên đi hái trà cùng với các dược thảo hiếm hoi, quí giá ở những vùng rừng núi xa xôi và hiểm trở.  Ông tin rằng nếu tập luyện cho lũ khỉ chúng có thể lấy được trứng công.
Tây Thái Hậu nghe xong trong lòng hoan hỉ, truyền đem 1000 lạng vàng ròng cùng với 100 tấm gấm vóc Bạch cầu thượng hạng ban tặng cho viên tướng nọ làm lộ phí đi Tứ Xuyên lo việc kiếm trứng công, nếu xong việc sẽ thưởng thêm mỗi trứng 10 lạng vàng nữa.
Viên tướng nọ lãnh mệnh ra đi, cùng người anh bà con huấn luyện đoàn khỉ.  Họ thành công, lấy được 500 trứng công, nhưng thiệt hại khá lớn, bầy khỉ bị công mổ chết hết một phần ba.