Tuesday, May 2, 2017

CAFÉ VỈA HÈ PARIS


Podcast

Paris và cà phê vỉa hè

Paris và cà phê vỉa hè
 
Quán cà phê Les Deux Magots, khu Saint-Germain-des-Prés, Paris. RFI / Tiếng Việt

    Thành phố Paris có hơn 15.000 quán cà phê và nhà hàng vỉa hè được bài trí theo phong cách riêng từ dân dã đến sang trọng. Một tách cà phê đi kèm chiếc bánh ngọt là bữa sáng nên thử ít nhất một lần khi đến Paris. Ngoài nổi tiếng về các loại cà phê được pha chế đặc trưng Pháp và Ý, các quán cà phê ở Paris còn gây ấn tượng nhờ khoảng hiên lấn ra vỉa hè và những chiếc ghế độc đáo đầy mầu sắc.

    Khi những tia nắng ấm đầu tiên của mùa xuân chợt đến, người dân Paris chuẩn bị cặp kính râm, thêm một cuốn sách hay tờ báo và có thể ngồi hàng giờ “tắm nắng”… ở quán cà phê vỉa hè, từ những khu du lịch nổi tiếng như Champs-Elysées, Opéra, Grands Boulevards, Saint-Germain des Prés, Saint-Michel…, đến mỗi con phố nhỏ ở Paris. Ba khách hàng ở khu Montparnasse, quận 14 Paris, giải thích với RFI tiếng Việt, tại sao họ thích ngồi cà phê vỉa hè như vậy :
    “Mình thích cà phê vỉa hè vì sau giờ làm việc, thích uống một cái gì đó, thích la cà, lang thang và thường ở khu Beaubourg hoặc khu “quartier Latin” tại vì ở đó nhộn nhịp và không khí rất Việt Nam. Ngồi ngoài đường thì thứ nhất được thưởng thức không khí. Vì khi uống lúc trời lạnh có thú vui của trời lạnh, còn khi có nắng lên thì thích kiểu nắng đẹp, phơi nắng, khác hẳn với Việt Nam mình vì ở Việt Nam mình trốn nắng, còn ở đây thì lại thích nắng bởi sau những tháng mùa đông, thì cần không khí, nắng ấm hoặc vitamin”.
    “Vì chúng tôi được hưởng không khí mát mẻ, hít thở không khí trong lành vì mùa xuân tới rồi nên tôi thấy vui khi ngắm cây cỏ một chút và những người qua đường, trông rất nhộn nhịp”.
    “Đơn giản là rất dễ chịu khi được uống cà phê ngoài đường vì trời nắng đẹp. Hơn nữa, tôi cảm thấy rất thân mật vì mọi người có thể nói chuyện với nhau ở bên ngoài. Và vì môi trường này giúp mọi người dễ bắt chuyện làm quen với nhau hơn. Đơn giản vậy thôi !” 
    Quán cà phê, ở Paris cũng như những nơi khác trên thế giới, là điểm hẹn hò hay nơi làm việc, là lúc nói chuyện trên trời dưới biển hay chỉ là những phút nhàn rỗi ngắm người qua lại và cảm nhận nhịp sống hiện đại nhưng sâu lắng của Paris.
    “Dù sao, vì thường xuyên trong tầu điện ngầm nên người ta cũng muốn thình thoảng được lên mặt đất. Và ở Paris không có quá nhiều không gian xanh, dĩ nhiên có nhiều vườn cây, vì thế cà phê vỉa hè hay các hiên ngoài trời của các nhà hàng luôn là địa điểm thú vị vì nếu không, ở Paris, người ta suốt ngày ở bên trong”.
    “Ở đây, các căn hộ không phải lúc nào cũng có khoảng không riêng, vì thế, uống cà phê vỉa hè cho chúng tôi chút không khí thoáng đãng và có chút không gian xanh”.
    Một quán cà phê trong khu Le Marais, Paris.RFI / Tiếng Việt
    Cà phê vỉa hè, cách hiệu quả để thu hút khách
    Những chiếc ghế kê ngoài vỉa hè, cùng với khung cảnh đẹp, là cách hiệu quả nhất của chủ quán để thu hút khách hàng, chủ yếu là khách vãng lai vì Paris là một trong những điểm du lịch nổi tiếng lãng mạn nhất thế giới. Vì vậy, họ không ngần ngại đầu tư để có được giấy phép khai thác khu vực vỉa hè trước quán. Đơn xin phép phải được gửi đến đô chính Paris, theo giải thích của anh Fabien Chébaut, cán bộ quy hoạch lãnh thổ của vùng Ile-de-France :
    “Tại Paris cũng như những thành phố khác của Pháp, khu vực công cộng không thuộc về ai cả mà thuộc về tập thể. Và không một ai có thể kê bàn ghế ở ngoài đường như họ muốn. Vì vậy, có những điều khoản cho phép người kinh doanh sử dụng không gian chung của các thành phố. 
    Còn tại Paris, thành phố có cả một bộ quy tắc và đơn xin phép phải được gửi đến thị chính. Theo nguyên tắc chung, mỗi nhà kinh doanh, mỗi tiệm cà phê hay nhà hàng chỉ được chiếm 1/3 vỉa hè vì phải dành chỗ cho người đi lại.
    Mỗi nhà kinh doanh đến đăng ký tại thị chính, điền hồ sơ chi tiết về kỹ thuật. Sau đó, thị chính Paris sẽ cấp giấy phép sử dụng. Đổi lại, chủ tiệm phải trả một khoản tiền thuê định kỳ, tương ứng với diện tích được phép sử dụng. Tuy nhiên, giấy phép này không phải là vĩnh viễn và có thể bị thu hồi bất kỳ lúc nào”.
    Bộ quy tắc của thành phố Paris giải thích rất chi tiết về cách sắp xếp giá bày bán hàng, dựng vách ngăn bằng kính và kê bàn ghế trên vỉa hè. Đối với các quán cà phê giải khát, thường có hai kiểu hiên chính : hiên khép kín và khu vực vỉa hè được phép kê bàn ghế. Tuy nhiên, chủ cơ sở kinh doanh chỉ được lấn tối đa 1/3 vỉa hè và phải chừa lối đi rộng tối thiểu 1,60 m cho người đi bộ tính từ mép vỉa hè. Còn chiều dài không được vượt quá bề mặt của cơ sở kinh doanh, có nghĩa là không được lấn sang nhà bên cạnh.
    Đối với khu vực cà phê vỉa hè khép kín, chiều rộng cho phép từ 0,70 m đến 1,20 m. Vách ngăn phải được làm bằng kính trong suốt, cao tối đa 2,25 m, không được dán áp-phích hay che mành rèm để tránh khuất tầm nhìn. Các vách ngăn phải xê dịch được, được lắp song song và vuông góc với cửa hàng chính. Khu vực cà phê ngoài trời, nơi khách hàng được phép hút thuốc, phải có chiều rộng tối thiểu 0,60 m. Như vậy, ở những khu vực có vỉa hè rộng 2,2 m, hàng quán không được phép xếp bàn ghế ra ngoài. Trong trường hợp vỉa hè rộng, chủ quán có thể được phép kê bàn ghế sát quán và sát mép vỉa hè, với điều kiện chừa lối đi ở giữa rộng 1,80 m cho người đi bộ. Đặc trưng của các quán cà phê vỉa hè Paris là mái hiên đỏ với viền rủ, nơi ghi tên quán, không được rộng quá 0,25 m.
    Ngoài ra, chủ quán còn phải tuân thủ nhiều quy định khác như bảng ghi thực đơn không được cao quá 1,60 m hoặc giá đỡ thực đơn không được cao quá 1 m ; không được để chướng ngại vật trên lối dành cho người đi bộ, kể cả bảng thực đơn hay ô dù ; trên mỗi bàn ngoài trời phải có một gạt tàn thuốc lá và thường xuyên được dọn sạch… Trong trường hợp ngừng kinh doanh hoặc bị thu hồi giấy phép, chủ quán phải trả lại nguyên trạng cho vỉa hè.
    Quy định quản lý quán cà phê của thành phố Paris. Hình minh họa.RFI / Tiếng Việt
    Ghế mây : Biểu tượng của cà phê vỉa hè Paris
    Cà phê vỉa hè Paris còn nổi tiếng với những chiếc ghế mây cong cong độc đáo của hai nhà sản xuất Drucker (ra đời năm 1885) và Gatti (năm 1920). Mỗi quán có kiểu ghế đặc trưng, nổi bật nhờ các họa tiết ở lưng ghế cùng với tên của nhà sản xuất được khắc trên một tấm kim loại gắn đằng sau hoặc bên cạnh ghế.
    Sản phẩm của nhà Drucker và Gatti đều được làm thủ công, theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi chiếc ghế có giá ít nhất là 100 euro/chiếc, cần khoảng 4 giờ làm việc và trải qua 6 công đoạn khác nhau : xử lý mây, đan khung, lắp ráp, đan lưng ghế, lắp viền, hoàn thiện và đánh véc-ni.
    Chất liệu được sử dụng chính là sợi mây rất nhẹ và bền, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới như Indonesia, Malaysia, Philippines… và được nhập vào Pháp ngay từ cuối thế kỷ XIX. Cho đến những năm trước Thế Chiến Thứ Nhất, cả nước Pháp sôi sục với trào lưu đồ mây tre đan. Cơn sốt chỉ tạm ngớt trong hai cuộc chiến rồi lại bùng lên khi Thế Chiến II kết thúc.
    Theo nhận xét với l’Express của ông Bruno Dubois, giám đốc Nhà Drucker, không một thành phố nào khác có những chiếc ghế đầy mầu sắc như vậy ở ngoài phố. New York không có cà phê vỉa hè. Ở Madrid hay Barcelona cũng có một ít, nhưng ở phần còn lại của Tây Ban Nha hay Ý, thường thì trời quá nóng để ngồi ngoài đường. Trong khi đó, ở Bắc Âu thì lại thường xuyên mưa”.
    Vậy đó, những chiếc ghế mây trở thành biểu tượng của Paris. Vừa lịch sự, thuận tiện, lại nhẹ bền và đẹp mắt, chúng trở thành vật không thể thiếu trong các quán cà phê, nhà hàng. Kích thước mỗi chiếc ghế đều được tính toán chi tiết để không cồng kềnh, vừa đủ ngồi, như vậy chủ quán mới có thể khai thác triệt để diện tích được sử dụng ngoài vỉa hè và không tốn chỗ xếp trong nhà.
    Một số du khách Việt khi đến Paris cho rằng nếu đến kinh đô ánh sáng mà không vào quán uống cà phê, bạn sẽ “không thấy và không có Paris. Hãy chọn một góc khuất ở bất cứ ngã tư nào của thành phố, gọi một cốc cà phê sữa, ngắm nụ cười mỉm đặc biệt của người Pháp và tận hưởng cuộc sống êm đềm trôi nơi đây”.

    Một quán cà phê ở Sorbonne, khu phố Latin, Paris.

    No comments:

    Post a Comment