Tuesday, August 3, 2021

TÔI ĐI TÙ "CẢI TẠO" (Nguyễn Tài Lâm)


1.   Trình diện 

      Kể từ đầu tháng 5 năm 1975 “loa phường” phát thanh ra rả suốt ngày kêu gọi “ngụy quân, ngụy quyền” ra trình diện để học tập chính sách mới của “Cách Mạng”. Hạ sĩ quan và binh sĩ học một tuần lễ. Sĩ quan khi đi nhớ đem theo tiền đủ để đóng cho ba chục ngày ăn do nhà hàng cung cấp (dường như họ có ấn định số tiền  phải đem theo là bao nhiêu nhưng lâu ngày tôi không còn nhớ).

Tôi đi trình diện vào khoảng giữa tháng 5 năm 1975 tại Ký túc Xá Sinh viên ở Chợ Lớn.  Tiền cơm đóng rồi mà chưa được ăn bữa nào hết, thì ngay giữa đêm hôm đó họ chở chúng tôi rời khỏi nơi trình diện, đi đâu không biết, khiến mọi người hoảng sợ và lo lắng cho tánh mạng của mình. Cho đến rạng sáng hôm sau mới nhận ra là họ đã đổ mình xuống Trại Long Giao (Đồng Nai).

Lúc sáng khi đi trình diện, có một chuyện mà tôi không bao giờ quên. Khi tôi đi gần đến cổng vào thì bị anh bộ đội, hỉ mũi chưa sạch, đeo cây AK đứng gác cổng, chỉ vào tôi và hô to: “Anh kia, bỏ kính ra” (tôi bị cận thị và loạn thị cùng một lúc trên 7 độ; bỏ kiếng ra tôi vẫn thấy đường, nhưng mờ lắm). Tôi gỡ kiếng ra, cầm ở tay, nhưng thay vì đi  thẳng qua cổng để vào bên trong, tôi cố tình đi một cách mạnh bạo nhắm ngay vào cột cổng mà tiến tới . Khi thấy tôi gần đụng cột cổng anh cán bộ hét lên:

  • Anh kia, Đứng lại, Đi đâu đó?

  •  Không có kiếng tôi không thấy đường.

  •  Đeo kính lên!

Như thế  là những người đi sau tôi không bị kêu bỏ kiếng ra dù đó là kiếng mát đậm mầu.   


            Vẫn tin tưởng là chỉ có 30 ngày thôi nên tôi bắt đầu đếm ngược: “hôm nay là ngày thứ 30, hôm sau là ngày thứ 29, hôm sau nữa là ngày thứ 28, và cứ như thế mà đếm ngược lại cho đến ngày thứ nhất”.  Đã hết 30 ngày rồi mà vẫn chưa thấy học tập gì hết, mà cũng không thấy đề cập gì đến chuyện cho đi về.

Thế là bắt đầu từ đó tôi khởi sự đếm xuôi cho những ngày tiếp theo: “Ngày thứ nhất chưa được về nhà, hôm sau là ngày thứ hai, hôm sau nửa là ngày thứ ba chưa thấy mặt vợ con”, và cứ như vậy tôi đếm xuôi cho đến ngày thứ ba mươi (tức là hai tháng xa gia đình).

Nhớ lại lời nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm” tôi không còn tin tưởng để tiếp tục việc đếm ngày nữa, mà tôi bắt đầu đếm tháng: “tháng thứ ba, 30 ngày sau là tháng thứ tư, và cứ như thế tôi tiếp tục đếm cho đến tháng thứ mười hai không được về với người thân”. Từ đó trở về sau tôi không còn đếm tháng nữa và bắt đầu đếm năm mỗi khi Tết đến.

Tính đến ngày tôi được bọn họ trả tự do cho tôi về với gia đình thì họ đã cầm tù tôi tổng cộng là 13 năm, 8 tháng, 29 ngày, vị chi là 5014 ngày tù (gọi là “Tù Cải Tạo”) Nếu nói “Nhất nhật tại tù bằng thiên thu tại ngoại” là đúng như vậy thì 5014 ngày tù của tôi nếu đem nhân cho thiên thu thì sẽ thành ra không biết bao nhiêu là thế kỷ mà nói. Nếu nói bỏ tù là để “cải tạo” thì đối với tôi họ chẳng cải tạo được thứ gì hết. Tôi vẫn là tôi y như trước khi đi tù. Sự khác biệt  giữa trước và sau khi đi tù chỉ có thể là thể chất của tôi bị yếu đi vì thiếu ăn và vì bị lao động khổ sai, nhưng tinh thần thì vững vàng và mạnh bạo hơn trước rất nhiều.

 

2.   Học Tập

      Trong thời gian ở Trại Long Giao mỗi tuần một ngày họ phát cho chúng tôi mỗi người một cây cuốc chim và bắt chúng tôi cuốc đường tráng nhựa trong trại để lấy đất trồng khoai mì. Trên thế giới này chưa có một nước nào làm chuyện kỳ cục, lố bịch, điên rồ và ngu xuẩn như vậy, nhưng họ vẫn làm, họ đã làm ở ngoài Bắc trước đây và bây giờ tiếp tục làm ở trong Nam. Trong lúc đang cuốc, tự nhiên tôi nghe một tiếng nói rất nhỏ: “Lạy Chúa tôi, con chịu hết nỗi rồi, xin Chúa cứu con”; vài giây sau một tiếng nói nhỏ khác trổi lên: “Thôi con ơi, ta cũng đang lao động như con đây”. Cho đến sau này tôi vẫn tưởng đó là một chuyện vui cười, nhưng chuyện cuốc đường nhựa là chuyện có thật, rất thật, rất rất thật và họ coi đó là một bài học thực tiễn về “Lao động XHCN”. Họ dạy cho chúng tôi hiểu vì sao “Lao Động  và vinh quang”. Theo tôi, chẳng có vinh  quang tí nào cả, chỉ có mệt vã mồ hôi ra mà thôi.          Những ngày còn lại  trong tuần thì tất cả “lên lớp” để nghe các “thuyết trình viên ưu tú” từ trung ương đến để trình bày về “Ba dòng thác cách mạng”, về quá  trình tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội, về chính sách ưu việt của XHCN, về sự phồn vinh giả tạo của miền Nam, về tội ác của Mỹ Ngụy, về “nợ máu với nhân dân”, v.v….nghe  rất chói tai mà phải gồng mình ngồi nghe. Một điểm đặc biệt  cần nhấn mạnh ở đây là, nghe các thuyết trình viên nói, ta có cảm tưởng là đương nghe một đĩa hát hoặc một cuốn băng được quay đi quay lại nhiều lần. Luận điệu và cách trình bày của họ giống nhau như đúc. Ngoài ra, thỉnh thoảng họ còn kể những câu chuyện mà họ cho là rất hiện đại hoặc rất khoa học. Ví dụ 1: “Phi công ta lái phi cơ bay lên thật cao, chọn đám mây nào thật rộng, đáp xuống đó, tắt máy, phục kích, chờ tàu bay B52 của địch bay ngang qua bên dưới là họ bay xuống bắn hạ tàu bay địch một cách dễ dàng”. Họ kể mà nét mặt câng câng và hãnh diện. Anh em nghe xong chỉ dám mỉm cười thôi. Ví dụ 2: “Dưới thời Pháp thuộc khoảng cách giữa hai đường ray của xe lửa là 80cm. Với khoa học hiện đại của XHCN, Cách Mạng đã làm lại thành 120cm khiến xe lửa chở được nặng hơn, chở được nhiều hơn, và tốc độ xe lửa chạy trên đường ray mới này cũng được nhanh hơn. Vài ngày sau một anh bạn của tôi có dịp đi ngang qua đường xe lửa, lấy gang tay để đo khoảng cách giữa hai đường ray thì thấy chỉ có bốn gang (tức là tròm trèm 80cm) có nghĩa là thuyết trình viên đã khoa trương, đã nói láo với chúng tôi. Khi tin này được phổ biến cho anh em toàn trại thì mọi người chỉ dám cười một cách âm thầm mà thôi.

                  Đến đây tôi kể là đã được nghe phổ biến chính sách mới của Cách Mạng rồi đó nhưng vẫn chưa được họ cho về, vì còn phải ở lại để tiếp tục trả cho hết nợ máu với nhân dân bằng sức lao động tích cực của mình.

                 Mùa này thời tiết rất nóng. Ban ngày tất cả mọi người đều ở trần mặc quần đùi. Đêm đến, anh em vẫn mặc quần đùi chui vô mùng ngủ. Riêng tôi, mỗi tối tôi vẫn bỏ mùng xuống như mọi người nhưng riêng trên người tôi, ngoài quần đùi còn mặc thêm quần tây dài, áo sơ mi bỏ vô quần. Giày và nón lúc nào cũng sẵn sàng và tôi hy vọng là lúc trực thăng đáp xuống tôi sẽ là người đầu tiên bước lên đó. Sở dĩ tôi có hành động như vậy là vì tôi tin tưởng rằng Mỹ sẽ không  bỏ rơi sĩ quan đồng minh và họ sẽ cứu mình bằng trực thăng giống như họ đã từng cứu phi công gặp nạn ở ngoài Bắc lúc trước. Tối nào tôi cũng nhìn sao trên trời. Tôi mừng khắp khởi khi nhìn thấy một chấm đỏ di chuyển từ Tây sang Đông hay ngược lại là tôi chạy vào mang giày chuẩn bị sẵn sàng. Anh em vẫn kháo nhau: “Thằng Lâm nó điên rồi anh em ơi” nhưng họ có biết đâu là tôi còn bình thường hơn rất nhiều người bình thường khác, nhưng tôi có những bí mật không thể tiết lộ cho người khác biết được.

Sau 30 ngày đầu tiên tôi không còn hy vọng về việc Mỹ sẽ đến cứu bằng trực thăng nữa, nên tôi trở lại hành động bình thường với tất cả mọi người như trước đây. Đối với anh em, tôi không còn là “Lâm Điên” nữa, nhưng trong đầu tôi vẫn còn một sự vướng mắc mà tiềm thức của tôi không lấy ra được, đó là: Tại sao ta như vầy mà lại thua chúng nó như vậy”. Càng bị hành hạ mỗi ngày tôi càng tức. Tôi muốn vùng lên, phá tan cái trại này ra cho hả tức và cũng để giải tỏa cái vướng mắc trong đầu tôi, nhưng một mình không đủ sức mà thổ lộ với vài bạn thân thì họ tỏ ra e dè vì sợ bị trừng phạt.

Kể từ đây, một ngày gọi là ngày “học tập” của tôi luôn bắt đầu bằng lao động chân tay ở ngoài trời gọi là “lao động vinh quang” và cũng để trả cái nợ máu mà họ nói là do Mỹ Ngụy làm ra đối với nhân dân lúc trước. Không phải tôi đâu à nhe, tôi không có làm chuyện đó. Chính họ mới là người có nợ máu đối với tôi, lần thứ nhất tôi bị rớt tàu bay do họ bắn, lần thứ hai xe chở tôi bị nổ mìn vì bộc phá do họ đặt trên đường. Nói thì nói vậy thôi chứ thực sự họ muốn giữ chúng tôi lại tránh việc để chúng tôi ở ngoài sợ chúng tôi cấu kết với nhau chống lại họ. Lần này nếu chống lại họ, họ sợ họ không kham nổi vì dân miền Bắc đã nhìn thấy cái gọi là “sự phồn vinh không giả tạo” của miền Nam rồi, và từ đó suy ra trò lừa đảo trắng trợn, không thương tiếc của CS đối với dân.

Nhưng việc học tập trong ngày chưa chấm dứt ở đây đâu vì còn một màn nữa:  Đó là “sinh hoạt buổi tối trong buồng giam“. Thông thường buổi chiều sau khi điểm danh xong “chèo quản giáo” (tôi không biết ai là người đầu tiên gọi và tại sao lại gọi công an là chèo) lùa tù vào chuồng xong, đóng cửa, kéo thanh chốt gài, bấm ống khóa là đến buổi học tập cuối cùng trong ngày, đó là đọc báo. Đọc báo ở đây là học tập chớ không phải là giải trí, nên tù phải ngồi chỉnh tề thành vòng tròn chung quanh người đọc là tù cũng ngồi chỉnh tề ở giữa. Chèo quản giáo (Chèo QG) đứng ngoài cửa sổ nhìn vào theo dõi và kiểm soát. Đừng tưởng là muốn đọc mục nào, bài nào thì đọc, chỉ đọc những bài được đánh dấu vì bài đó, hay mục đó, có liên quan đến diễn tiến hay thành quả (đương nhiên là phải tốt, vì “tốt khoe, xấu che” là chuyện thường tình) về ngoại giao, chính trị, kinh tế, thương mại, sản xuất trong nước (vượt chỉ tiêu là cái chắc).  Đến đây tôi muốn nói đến hai thứ tiếng động mà tiềm thức của tôi không làm sao xóa bỏ được, đó là tiếng kéo thanh gài cửa buồng giam và tiếng kẻng báo thức hay kẻng tan tầm, đến con trâu đang cày ở dưới ruộng, nghe tiếng kẻng tan tầm là nó cũng dừng ngay lại, có đánh gì nó cũng không đi tiếp. Đang ngủ ở nhà nửa đêm, nghe tiếng động gì gần giống như tiếng kéo thanh gài cửa hay tiếng kẻng, hoảng hốt tỉnh dậy, mồ hôi toát ra như tắm, đầu óc hoang mang, cứ tưởng như mình còn đang ở trong tù vậy. Thỉnh thoảng người đọc cũng  đánh thức anh em đang ngồi nghe, vì quá mệt mỏi mà ngủ gật, bằng cách cố tình ngắt câu không đúng chỗ khiến câu văn trở thành vô nghĩa và rất buồn cười nhưng khán-thính giả chỉ dám cười mỉm mà thôi. 

3.   Tết  đầu tiên trong tù 

   Tôi trải qua cái Tết đầu tiên trong tù tại Trại Tam Hiệp (Biên Hòa). Đó là Tết Bính Thìn, 1976.  Lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, lòng tôi buồn vô cùng vì một phần nhớ vợ con ở nhà, một phần nhớ lại cảnh tượng ACE quýnh quáng trèo lên xe để rời Trung Tâm bằng cổng trước trong khi tiếng nổ của nhiều loạt súng vọng lại từ phía sau, cùng lúc đó, tôi nhận được báo cáo là bộ đội CS đang ồ ạt tràn vào rừng Chí Linh. Đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trong khi đó thì một số anh em tù, do ban quản giáo trại khuyến khích, đang ồn ào tập dợt vở kịch “Sớ Táo Quân”. Ngoài ra, toàn trại còn bị bắt tập dợt đồng ca các bài hát CM, trong số đó tôi ghét nhất là bài “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và bài “Ai yêu bác HCM hơn chúng em nhi đồng”. Tôi cũng bị đứng chung trong hàng ngũ tù nhân đồng ca nhưng tôi chỉ chép miệng theo lời ca để tránh bị để ý, chứ không phát âm thành tiếng như mọi người. Ngoài ra ban quản giáo còn đề xuất việc làm báo tường trong dịp Tết. Tù nhân trong mỗi láng được khuyến khích viết bài (thể loại tùy ý thích, bài viết dài ngắn cũng tùy ý thích).

Sau đó toàn láng ngồi lại với nhau để bình chọn bài hay nhất và có ý nghĩa nhất đưa lên ban quản lý trại đăng lên báo tường của trại. Những bài còn lại đăng lên báo tường của láng.

Tôi có viết một bài vè dài nhưng không được chọn vì bị cho là quá mạnh và không hợp thời. Cũng may là tôi còn được anh em thương, không đưa bài của tôi lên, nếu không thì tôi đã bị dính chấu rồi. Lâu  ngày tôi không nhớ hết toàn bài, chỉ còn nhớ có ba câu đầu và ba câu cuối: 

   “Ối Cách Mạng ôi

   “Ông đỏ như máu

   “Ông bạc như vôi

       …………………………

   “Ông nói học tập

   “Ông giam giữ tôi

   “Ông kêu lao động

    “Ông hành hạ tôi

       ………………………

    “Ối Cách Mạng ôi

    “Ông đi tàu suốt

    “Ông chết cho rồi.

 

Đó là hình thức vừa nhẹ nhàng vừa  khôi hài mà tôi dùng để tỏ thái độ của tôi trong sự căm ghét CS.

Mỗi đêm sau giờ đọc báo, và trước khi đèn trong buồng tắt đi, là đến mục kể chuyện và mục văn nghệ. Thường thì văn nghệ được tập họp ở từng trên (gồm có nhạc tiền chiến, nhạc đấu tranh, nhạc Xuân,v.v…), còn về kể chuyện thì được chia thành nhiều nhóm nhỏ ở từng dưới (Nhóm Tam quốc chí, Nhóm Cô gái Đồ Long, Nhóm Vô Kỵ-Triệu Minh, v.v….). Tôi thích âm nhạc nên gia nhập nhóm văn nghệ ở từng trên. Tuy không biết gì về nhạc lý, nhưng tôi rất thích loại nhạc đấu tranh vì nó luôn luôn kích động lòng người mỗi khi nghe. Tôi không thuộc lòng một  bản nhạc nào, một bài ca nào hết ngoài bài Quốc ca VNCH. Tôi tự hỏi tại sao tôi không đổi lời ca của bài ca mà tôi ưa thích nhất để  biến nó thành nhạc đấu tranh. Thế là vừa nghĩ ra xong là bắt tay vào làm liền. Sau đây là bài “VỀ MÁI NHÀ XƯA” sau khi được (bị) tôi đổi lời: 

     “Vào đây khi râu tóc còn đang đen

     “ Giờ đây râu và tóc đều trắng xóa

     “Làm sao biết khi nao mới về nhà

     “Trông thấy con và vợ đã già rồi

     “Ôi xót xa và đau thương

     “Làm sao thoát được nơi lao tù

     “Tìm mọi phương cách để cho có tự do”. 

Năm câu đầu nói lên sự ác độc của CS đã làm cho bản thân và gia đình của người tù phải khổ sở như thế  nào nhằm dẫn đến hai câu cuối là muốn có tự do cách duy nhất là phải vùng lên, không có cách nào khác. 

4.   Thợ May Bất Đắc Dĩ 

Sự vướng mắc trong đầu tôi trước đây chẳng những không vơi đi mà còn trầm trọng thêm vì chuyện trực thăng không đến cứu, vì bạn thân không hưởng ứng, vì việc chuyển trại lên vùng rừng sâu nước độc,v.v… làm cho tôi lúc nào cũng muốn đập phá một cái gì đó, lúc nào cũng muốn vùng lên. Nhìn thấy các bạn bị chuyển đi nơi khác vì có hành vi điên loạn tôi nghĩ là mình nên làm cách nào đó để không bị điên, để đừng đi vào con đường của họ. Cách dễ nhất là đừng nghĩ gì hết, để đầu óc trống không, tốt hơn nữa là tìm một việc nào đó đòi hỏi sự chú tâm liên tục khiến mình quên hết mọi sự việc xung quanh mình mà chỉ chú tâm vào việc mình đang làm mà thôi.

Trong khi lấy quần áo sạch trong ba lô để thay, tay tôi tình cờ đụng phải hộp đồ may, trong đó có đủ thứ, ngoài kim chỉ còn có kéo, đê, nút áo, băng keo, v.v…

       Ánh sáng lóe lên trong đầu tôi, cái vật cứu tôi khỏi điên loạn mà tôi nghĩ ra vài tiếng trước nó là đây rồi: “Hộp đồ may”. Nhớ lại “cahier de couture” của con gái lớn của tôi học ở Gia Long mà mỗi tuần tôi hay xem qua để biết cô giáo chấm điểm những mẫu thêu của nó như thế nào (mỗi miếng vải thêu mang một mẫu thêu khác nhau như point de croix, point de tige, point de cordelet, point de chainette, v.v…), tôi bèn lấy kim và chỉ đỏ ra thêu tên mình vào ngực áo của mình. Tôi dùng point de chainette là mẫu dễ nhất để thêu. Anh em thấy tôi thêu đẹp nên đem áo đến nhờ tôi thêu tên của họ. Nói thật, trong thâm tâm, tôi phải cám ơn họ rất nhiều vì chính họ đã đem công việc “giết thời giờ” đến cho tôi nhằm giải tỏa các ý nghỉ hắc ám trong đầu khiến tôi không còn lo sợ bị điên nữa. Hết thêu bây giờ đến vá, vì quần áo, nhất là quần đùi, dùng lâu ngày bị mục, bị rách. Đến lúc không còn vá được nữa vì quá mục, anh em đem tấm đắp đến nhờ tôi cắt may mới.

        Vì chưa hề cắt may mới bao giờ nên tôi kêu họ đem theo quần mẫu. Muốn có quần mẫu thẳng thớm chỉ cần để dưới lưng, ngủ một đêm, sáng ra là có quần mẫu thẳng thớm y như được ủi bằng bàn ủi điện. Đặt quần mẫu lên vải để cắt tôi cố tình để chừa đường may thật lớn vì bao giờ tôi cũng may lộn và cũng đột mũi tới với mục đích là càng giết được nhiều thời giờ càng tốt. Cái tôi cần lúc đó là thước dây để đo trên người mà lấy số liệu dùng để cắt trên vải. Có bạn hỏi, nếu cần tại sao không nói ở nhà gởi vô cho. Không được đâu, vô đến nơi là chèo nó tịch thu ngay vì tụi nó cũng cần như mình. Không có thước thật tại sao ta không tạo ra thước giả bằng cách lấy dây cột quà nhà gởi vào, thắt gút, gút nọ cách gút kia 1cm, gút thứ năm được đánh dấu màu xanh, gút thứ mười được đánh dấu đỏ tượng trưng cho 1dm, gút thứ một trăm được đánh dấu nửa xanh nửa đỏ tượng trưng cho 1m. Có thước dây rồi tôi bắt đầu đo trên người. Sự sai biệt giữa số đo trên người và số đo trên áo quần (sau này tôi mới biết là số đó được gọi là số cử động). Thêm hay bớt số cử động làm cho quần  áo rộng ra, vừa, hay hẹp lại. Tôi cũng để ý xem khách hàng của tôi có vai ngang hay vai xuôi để hạ vai nhiều hay ít trong  khi cắt vải.

       Đúng là nghề dạy nghề và từ đó tôi trở thành “tù thợ may bất đắc dĩ” chuyên may tay (xin đừng nghĩ bậy) phục vụ cho tù nhân cả trại nên luôn luôn có việc để làm. Lúc đó đa phần là lên lai quần vì anh em có người thân ở ngoại quốc gởi quần áo về cho họ. Tôi dùng các khúc vải của quần thừa cắt ra để may mũ lưỡi trai cho anh em. Đặc biệt là mũ nào cũng có một chỗ kín đáo để giấu tiền khi ra thăm nuôi lấy chui đem về trại. Chỗ kín đó chỉ có người đội biết mà thôi.

         Lâu nay tư tưởng vùng lên trả thù trong đầu tôi đã được thay thế bằng công việc may vá hàng ngày cho các bạn tù, bỗng đâu vào một ngày đặc biệt (tôi không còn nhớ chính xác ngày đó là ngày nào) các tướng từ Hà Tây được chuyển về trai Ba sao (Nam Hà) và cho vào buồng  cạnh buồng tôi đang ở, chỉ cách nhau bằng hàng rào kẽm gai. Vướng mắc trong đầu tôi lúc trước bị xóa đi, bây  giờ trở lại với sự  hiện diện diện của các tướng. Tôi cho là thời cơ đã đến. Hồi trước các bạn thân thờ ơ trước đề nghị của tôi, có lẽ họ nghĩ là không có lãnh đạo tầm cỡ điều động. Bây giờ các tướng về đây tôi nghĩ đến chuyện con lân; đầu lân có cử động thì thân mình và đuôi lân mới cử động theo. Nếu vì một lý do nào đó mà đầu lân (các tướng) không cử động thì cổ lân (là tôi đây) có bổn phận phải kích thích đầu lân để nó động đậy trở lại. Nhân dịp đang may mũ lưỡi trai, tôi sẽ dùng nó làm đòn bẩy để kích thích đầu lân. Thế là tôi đã bỏ ra gần hai tháng để thêu nhành dương liễu trên lưỡi trai, và ngôi sao nhỏ năm cánh trên mũ, một sao cho Chuẩn Tướng, hai sao cho Thiếu Tướng…..

       Tôi lựa một buổi trưa Chủ Nhật vắng vẻ trèo tường, mang mũ qua tặng cho các tướng, mỗi người một cái. Sau đó tôi được biết các tướng nhận mũ tặng được chia ra thành ba nhóm; Nhóm 1 (đông nhất) chọn cất mũ vào ba lô nói là để làm kỷ niệm; Nhóm 2 (ít đông hơn) thích đội mũ tặng nhưng gỡ bỏ ngôi sao; Nhóm 3 (ít nhất) hiên ngang và hãnh diện đội mũ có sao đi ra ngoài. Được hỏi nghĩ gì về con lân, được trả lời: “CHƯA PHẢI LÚC”. Tôi rất buồn và thất vọng khi nghe câu trả lời này. Đúng lúc đó thì tôi được gọi ra thăm nuôi.  Người đi thăm tôi là ba tôi và con gái lớn của tôi. Sau một lúc trao đổi tin tức về gia đình, hai ông cháu thay phiên nhau biểu diễn Tai Chi và bắt tôi phải làm theo từng động tác một. Hễ ông mệt thì cháu thay, hễ cháu mệt thì ông thay. Hai ông cháu quần tôi gần nửa tiếng đồng hồ. Thú thật tôi không nhớ được  gì hết vì mệt do thiếu ăn, nhất là vì tinh thần bị sa sút do câu trả lời không thuận lợi vừa rồi về vụ con lân. 

5.   Tù Võ Công 

       Sau khi từ nhà thăm nuôi trở vào trại, anh em cùng đi thăm nuôi một lượt với tôi yêu cầu tôi dạy lại cho họ các thế Tai Chi mà tôi đã học được lúc nãy ngoài chỗ thăm nuôi. Có thể họ cho rằng, vừa mới học đó, chắc tôi còn nhớ rõ lắm, nhưng họ đâu có biết rằng tôi chẳng nhớ tí xíu nào hết.Tôi định ậm ừ để tìm câu trả lời tạm chấp nhận được, nhưng tự nhiên tôi nhớ chuyện Chưởng môn Trương Tam Phong của Phái Võ Đang dạy ”Ý Quyền” và “Ý Kiếm” cho Lệnh Hồ Xung để ra đấu lại với các đại cao thủ võ lâm dưới trướng của Nhậm Doanh Doanh đang lên núi Võ Đang khiêu chiến, tôi bèn trả lời: Tôi có thể rút ra từ bài học vừa rồi hai điểm quan trọng chính yếu: một là cử động tất cả các khớp xương trong người tránh đừng để bị đóng vôi; hai là cử động cách sao để máu huyết lưu thông cùng khắp cơ thể mang oxy đi nuôi các tế bào. Còn các động tác múa may chẳng qua chỉ là để thêm hoa lá cành nhằm cho thêm phần hấp dẫn mà thôi. Nghe tôi giải thích anh em phục tôi sát đất. Tôi còn nói tiếp là bất cứ ai cũng có thể chế ra mọi thế cử động nhằm đi sát với hai mục tiêu được nêu trên đây, Sau đó tôi biểu diễn cho ho xem một động tác đáp ứng cả hai mục tiêu cùng một lúc:

·         Chuẩn bị: Hai lòng bàn tay áp vào nhau giống như bắt tay ở trước ngực, nâng hai cùi chỏ lên cho ngang bằng  với hai bàn tay đang nắm nhau trước ngực tạo thành một đường thẳng từ cùi chỏ  bên phải sang cùi chỏ bên trái

·         Bắt đầu: Tay phải dùng hết sức đẩy sang bên trái, vừa đẩy vừa hít vào, trong đầu đếm thầm 1 2 3 (tức là hít vào 3 giây) cùng lúc đó tay trái dùng hết sức gượng lại không để cho tay phải lấn qua. Sau đó vừa thở ra 1 2 3 vừa ngưng đẩy, ngưng gượng. Làm như vậy ba lần rồi đổi phiên, trái đẩy, phải gượng, làm ba lần đổi phiên.

·         Kết quả: Mục tiêu 1:Các khớp xương ở khuỷu tay , cùi chỏ, bả vai đều cử động. Mục tiêu 2: Khi gồng lên để đẩy hay để gượng lại các bắp thịt ở cổ tay, ở tay, ở vai làm việc cật lực khiến máu tụ về nhiều hơn các nơi khác. Sau 15 phút tập như vậy mà thấy đổ mồ hôi thì phải hiểu là mình đã đi đúng đường, Anh em có mặt công kênh tội lên và đồng thanh tôn tôi làm Giáo Chủ một môn phái mới mà tôi tạm lấy tên là “Tù Võ Công” tức là Võ Công trong tù. Môn võ công này được lan truyền rất nhanh trong trại nhưng dù ai tin hay không tin môn phái này cũng công nhận hai mục tiêu trên là không sai chút nào hết, Tôi đâu có muốn ở lại làm Giáo Chủ đâu, tôi chỉ muốn đi về thôi. Về không được hay chưa được thì cũng phải chịu ở lại thôi, mà ở lại thì nỗi buồn và sự căm phẫn sẽ không bao giờ nguôi được.

Một hôm tôi đem môn Tù võ công ra áp dụng vào việc lao động. Số là sắp tới mùa mưa ở vùng này, trại có kế hoạch trồng lúa nên cần phải cày bừa cho sạch cỏ, cho nhuyễn đất để gieo mạ, cấy lúa, khi mưa tới. Trại có trâu, có cày, có bừa, nhưng không sử dụng mà lại đi dùng tù để cuốc đất (đây là khổ sai đây). Tù cầm mỗi người một cây cuốc, được xếp hàng ngang, người nọ cách người kia 2m, chiều dài phần đất phải cuốc là 30m, vị chi là 60m vuông cho mỗi người. Chèo quản giáo ra lệnh: “Ai làm xong trước nghỉ trước, bắt đầu”. Thế là anh em ra sức cuốc cho mau để được lên bờ nghỉ mệt sớm. Tôi cũng được chia cho một phần 60m vuông đất để cuốc như tất cả mọi người. Đây là lúc tôi áp dụng hai mục tiêu của môn Tù Võ Công. Tôi chậm rãi giơ cuốc lên thật cao, hít vào 1 2 3, dùng toàn lực cuốc mạnh xuống, thở ra 1 2 3, các khớp xương trong cơ thể tôi từ thắt lưng trở lên đều cử động (mục tiêu 1), trong khi lấy sức cuốc xuống các bắp thịt ở phần trên của cơ thể đều hoạt động khiến máu lưu thông mạnh và nhanh hơn (mục tiêu 2). Như vậy là cả hai mục tiêu đều đạt được cùng một lúc. Người tôi nóng lên và mồ hôi bắt đầu tuôn a. Tôi dùng cuốc lật khối đất vừa cuốc nằm lên phần đất chưa cuốc. Tôi bỏ một khoảng và cuốc khoảng kế tiếp. Nói cho dễ hiểu là cuốc một cuốc bỏ một cuốc và khối đất vừa mới cuôc được lật lên nằm che khoảng đất chưa cuốc. Đứng xa trên bờ nhìn xuống thấy giống như chổ nào cũng được cuôc lên hết. Đối với tôi đây là cơ hội tốt để tôi luyện tập võ công chớ không phải là lao động. Đã có vài tù nhân cuốc xong lên bờ rồi mà tôi mới rời mức khởi hành chưa được bao xa. Đến quá trưa, tất cả mọi người đều cuốc xong và lên bờ hết rồi mà tôi chưa được 50 phần trăm. Bây giờ dưới đồng chỉ còn có mình tôi đứng cuốc dưới nắng. Chèo quản giáo (chèo QG) nói lớn: ”Đó các anh thấy không, anh Lâm già như vậy mà vẫn lao động tích cực”. Nghe câu này tôi mỉm cười, tôi đang tập võ công chớ có lao động gì đâu. Đến lúc nghe tiếng kẻng tan tầm, chèo QG kêu tôi lên bờ để đi về. dù tôi vẫn chưa cuốc hết 60m vuông phần của tôi.

       Hậu quả của việc luyện võ công của tôi ở ngoài ruộng là tôi được xếp vào hạng A. Tôi thấy cần nói rõ thêm về việc xếp hạng. Mỗi tù nhân mỗi tháng được cấp 900gr gạo. Chèo QG là người đánh giá tù trong đội xuyên qua sự lao động của từng người. Hạng A = Lao động rất tốt hay là xuất sắc; hạng B = Lao động tốt hay là lao động bình thường có kết quả tốt; hạng C = Lao động xấu hay là kém; Hạng B vẫn  giữ nguyên 900gr gạo; Hạng C bị bớt  100gr gạo, chỉ còn có 800gr; Hạng A được thêm 100gr tức là 1kg. Trước khi có việc xếp hạng, nhà bếp mang đến cho mỗi đội một thùng cơm lớn, ai muốn ăn bao nhiêu thì cứ tới lấy mà ăn, còn sau khi có việc xếp hạng thì nhà bếp đem đến mỗi đội 3 nồi nhỏ, nhiều cơm cho những người hạng A có tên bên ngoài nồi; nồi thứ nhì ít cơm hơn cho người của hạng B  có tên bên ngoài nồi; nồi thứ ba ít cơm nhất cho những người hạng C có tên ngoài nồi. Tôi là hạng A, nhận cơm gần gấp đôi lúc trước, tôi ăn đâu có hết nên tìm đến anh hạng C để sớt bớt cơm cho anh ấy. Các anh A khác thấy tôi làm như vậy coi bộ nhột hay sao mà cũng đi tìm một anh C khác mà chia bớt cơm. Với tôi đây là tội ác của CS “lấy bao tử để điều khiển cái đầu làm theo ý của họ. Vô hình chung tôi là người đã phá vỡ kế hoạch nham hiểm này của chúng nó. Ngày hôm sau trở đi nhà bếp nhận được lệnh làm y như cũ, nghĩa là một thùng  cơm lớn cho mỗi đội y như trước đây. 

6.   Những Ngày Cuối Trong Tù 

Trong thời gian ở tù lâu dài họ chuyển tôi qua tất cả là bốn trại, hai trại trong Nam và hai trại ngoài Bắc. Hai trại trong Nam là trại Long Giao (Long Khánh) từ giữa tháng 5 đến tháng 9/1975 và trại Tam Hiệp (Biên Hòa) từ tháng 9/1975 cho đến tháng 6/1976. Hai trại ở miền Bắc là trại 2 Yên Bái từ tháng 6/1976 cho đến tháng 4/1978. Nếu không có chuyện chuẩn bị chống Tàu lấn chiếm biên giới Trung-Việt có thể họ còn di chuyển chúng tôi cùng gia đình (theo như kế hoạch) lên sát biên giới Trung-Việt để chúng tôi chết dần vì đói rét ở đó mà họ không bị mang tiếng là tự tay giết chết chúng tôi.

Trở lại câu chuyện di chuyển từ Nam ra Bắc tôi có một kỉ niệm khó quên. Số là giữa đêm của một ngày tháng 6/1976 họ chở chúng tôi từ trại Tam Hiệp lên phi trường Tân Sơn Nhất để lên tàu bay C130 của Mỹ bỏ lại do một phi công của VNCH trước đây cầm lái (họ làm gì có phi công biết điều khiển C130). Các người trong hàng lên phi cơ đều là Đại tá.Tôi là người cuối cùng đứng  trong hàng. Trước khi bước lên phi cơ, mỗi người phải đưa hai tay ra cho họ còng bằng một cái còng tự chế rất thô sơ và kệch cỡm và khóa bằng một cái ổ khóa rời bên ngoài. Tôi rơi nước mắt vì tôi chưa hề bao giờ bị nhục nhã như thế này.

Khi đáp xuống phi trường (sau này tôi mới biết là phi trường Yên Bái) Họ lần lượt mở còng cho từng người để mọi người xuống phi cơ. Tôi là người cuối cùng nhưng, than ôi, họ làm mất chìa khóa cái còng của tôi nên tôi phải ngồi lại cả nửa tiếng trên phi cơ trống không để chờ họ mang kéo đến cắt bỏ ổ khóa. Tôi nghĩ bụng nếu nửa đường mà phi cơ rớt tôi sẽ chẳng bao giờ còn thấy mặt vợ con nữa. Nước mắt tủi nhục lại rơi xuống.

Tại trại Ba Sao (Nam Hà) họ thường hay chuyển tù nhân từ buồng này sang buồng khác. Theo tôi tìm hiểu thì ra họ nhằm vào hai mục đích sau đây: một là kiểm soát xem tù nhân có giấu vũ khí, vật bén nhọn. hay những thứ mà trại cấm trong tư trang hay trong chỗ nằm của mình không; hai là trộn lẫn “ăng ten” vào số người được chuyển để báo cáo cho họ mọi nghi ngờ có thể xảy ra. Mặc dù có những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như vậy, nhưng tôi vẫn giữ được hai vật mà đến ngày về vẫn không bị phát hiện và tôi đã đem được về nhà, đó cây kéo nhỏ và cái đồ cắt móng tay nhỏ. Vì may vá cho anh em miễn phí nên được mọi người thương nên việc cất giấu hai món đồ trên mỗi khi chuyển buồng đều được anh em giúp đỡ, vì họ biết là thiếu kéo thì tôi không thể may vá giúp họ được.

Chèo QG trong đội tôi rất khó chịu, luôn luôn hành hạ tù nhân trong đội một cách quá đáng khiến ai cũng bực mình. Tôi đã tìm được cách đẩy nó ra khỏi đội. Số là như thế này: Mỗi tháng mỗi tù nhân đều phải làm báo cáo sinh hoạt của mình trong tháng theo một mẫu in sẵn về học tập, lao động, kỷ luật, chấp hành nội quy, v.v…Toàn đội ngồi lại kiểm thảo từng bảng báo cáo để phê bình và rút ưu khuyết điểm trước khi nộp cho trại. Tôi không nhớ là bằng cách nào mà báo cáo sinh hoạt của tôi không qua khâu phê bình, kiểm thảo như của các bạn khác. Trong báo cáo đó tôi cũng viết y chang như những tháng trước có nghĩa là mục nào cũng tốt cũng xuất sắc hết cả, Trước khi chấm hết tôi có thêm câu sau này khiến chèo QG đội tôi phải ra đi ngày hôm sau: 

“Ngoài ra tôi còn học thêm được hai việc

“một là Phá Hoại Sản Xuất: Ngày………Hồi,,,,,,,,,giờ Cán bộ quản giáo đội sai đội viên tên……...

“đi cắt đòng đòng về nấu nước cho ông ta uống.

“ hai là Không Hoàn Thành Trách Nhiệm: ngày nào lúc 3 giờ chiều (tức 2 tiếng trước kẻng tan tầm) Cán bộ Tiến (tên của chèo QG củ) cũng bỏ đội đi đâu không biết. 

Sáng hôm sau đội có Chèo QG mới. Việc đầu tiên khi tới đội ông ta cho gọi tôi tới cho ta hỏi chuyện: 

“--  Anh Lâm, tại sao anh viết trong báo cáo hàng tháng của anh như vậy.”

“--  Qua học tập tôi đã giác ngộ rồi, tôi đã tiến bộ nhiều lắm rồi, nên tôi còn cách mạng hơn cả Cán bộ Tiến (chèo QG cũ) nhiều lắm. Tôi chỉ viết lên sự thật mà thôi.” (đây là tôi chỉ nói dọa để chèo QG mới nể nang chứ tôi vĩnh viễn không chấp nhận cái chủ nghĩa ngoại lai  này cũng như những tên CS ác ôn này).

       Quả nhiên từ đó trở về sau mỗi khi dẫn đội ra bãi xong thì Chèo QG cứ vào trong chòi mà nằm nghỉ để Đội trưởng phân công cho đội muốn làm sao thì làm miễn có thành tích (láo!) để báo cáo lên trên mà thôi.

       Tôi ở trại Ba Sao này trên mười năm mà không biết tại sao tôi được ưu ái đặc biệt hơn những người khác. Mỗi năm có một cán bộ cao cấp từ trung ương xuống trại, kêu tôi lên “làm việc”. Lần đầu tiên ông ta phát cho tôi một xấp giấy,bảo tôi về kê khai lý lịch, ông bà, nội ngoại của tôi ở đâu làm gì, cha mẹ tôi ở đâu làm gì, anh em tôi mấy người ở đâu làm gì. Riêng tôi thì chi tiết hơn, đại loại là nhập ngũ ngày nào, học trường quân sự nào, ra trường phục vụ ở đơn vị nào, đánh bao nhiêu trận, ở đâu, v.v…Từ 10 trang giấy ở năm đầu, tôi viết ít dần, ít dần ở những năm tiếp theo và cuối cùng tôi trả lại giấy trắng, cán bộ đó hỏi tôi, tại sao không viết gì hết vậy, tôi giả bộ điếc, mặt ngơ ngác hỏi lại, cán bộ nói gì, hỏi năm lần bảy lượt như vậy; rồi làm ra vẻ vừa mới nghe ra, trả lời, lâu quá tôi quên hết rồi cán bộ ơi. Tên cán bộ đó hỏi tiếp, hiện nay anh đang ở đội nào, Cứ cái mửng cán bộ nói gì, nhằm câu giờ để tìm câu trả lời thật ngớ ngẩn. Trả lời cho câu hỏi anh ở đội nào; tôi nói. Tôi không có đói, trại cho ăn đầy đủ lắm. Cán bộ này có vẻ chán tôi lắm vì hỏi câu nào cũng phải lập đi lập lại nhiều lần để cuối cùng nhận được câu trả lời trớt quớt. Trước khi ra về ông ta lại hỏi tôi anh có muốn về không. Nghe đến chữ về  là tôi mừng hết lớn nhưng vẫn phải cố đóng cho hết  vở kịch giả điếc của tôi. Sau nhiều lần hỏi, tôi trả lời “Không, tôi bị đau dạ dày ở thời kỳ thứ tư rồi (làm gì có), về nhà chỉ làm khổ vợ con phải lo việc chôn cất mà thôi, ở lại đây đã có trại lo, về làm gì”. Ấy vậy mà một tháng sau tôi nhận được giấy ra trại. Đến đây là chấm dứt cuộc đời đi tù cải tạo của tôi nhưng nợ máu của họ đối tôi vẫn còn đó. Phải đòi cho bằng được./.




Cán Bộ Áo Đen

Nguyễn Tài Lâm
















No comments:

Post a Comment