“Được, hôm nay chúng tôi sẽ đưa anh ra biên giới để anh được nhìn thấy đất nước anh”. Và thế là họ đưa tôi đến biên giới. Tôi nhìn qua bên kia đường ranh và nghĩ : “Ôi, quê hương tôi, đất nước đẹp tuyệt vời. Những xóm làng, cây cối, núi đồi đó… là tổ quốc tôi. Ôi, tổ quốc ơi !”. Một lát sau, anh cảnh vệ cho biết : “Ồ, xin lỗi, ta lầm lẫn rồi. Phải đi thêm mười dặm nữa mới tới đường ranh”.
Thế là tôi đã cảm xúc về cái gì ? Trơn lu bạch tuộc ! Tôi đã bám víu có
một từ: Ấn Độ. Nhưng cây cối không phải là Ấn Độ; cây là cây. Thật ra,
chẳng có đường ranh cũng chẳng có biên ải. Chúng được nặn ra bởi đầu óc
con người - và thường là bởi những chính khách ngu đần và tham lam.
Đất
nước tôi vốn là một nước, bây giờ đã thành bốn. Không khéo mai mốt lại
thành sáu. Bấy giờ sẽ có sáu lá cờ, sáu quân đội. Bạn hiểu tại sao tôi
không bao giờ chào một lá cờ. Tôi khinh bỉ mọi lá quốc kỳ vì chúng là
những ngẫu tượng. Chúng ta nghiêng mình trước cái gì? Tôi chào con
người, tôi không chào một lá cờ với một quân đội bu quanh nó.
Lá
cờ nằm ở trong đầu người ta. Nói cho cùng, có cả ngàn từ ngữ trong từ
điển của chúng ta chẳng có chút gì tương ứng với thực tại. Thế nhưng
chúng ta lại khơi trào cảm xúc - làm cho chúng ta nhìn thấy những thứ
không hề có. Chúng ta thực sự thấy núi sông Ấn Độ, con người Ấn Độ trong
khi những cái ấy không hề có. Có chăng là sự điều kiện hóa nhãn Mỹ của
bạn và sự điều kiện hóa nhãn Ấn Độ của tôi. Và đấy không phải là chuyện
hay ho gì.
Ngày
nay tại những nước thế giới thứ ba; người ta nói nhiều đến “hội nhập
văn hóa”. Cái gọi “văn hóa” ấy là gì? Từ ngữ này làm tôi không mấy ưa.
Chẳng phải là nó bảo bạn nên làm điều chi đó vì bạn đã được qui định
phải làm thế đó sao ? Chẳng phải là bạn phải cảm nghĩ như bạn đã được
qui định để cảm nghĩ đó sao? Đó là cái gì nếu không là máy móc ?
Hãy
tưởng tượng một em bé Mỹ được một đôi vợ chồng Nga nhận làm con nuôi,
và được đưa về Nga. Nó không hề hay biết rằng nó vốn là người Mỹ. Nó lớn
lên nói tiếng Nga, sống và chết cho đất mẹ Nga yêu dấu; nó thù địch
người Mỹ. Nghĩa là đứa trẻ bị niêm trong một nền văn hóa, nó bị chìm
trong một lối nghĩ. Nó nhìn đời qua lăng kính của nền văn hóa đó.
Ồ,
giả như bạn mặc văn hóa như mặc áo quần thì đó sẽ là điều hay. Phụ nữ
Ấn Độ vận sari nhưng phụ nữ Mỹ thì không, còn phụ nữ Nhật Bản thì vận
kimono. Và chẳng ai đồng hóa những phụ nữ ấy với y phục của họ. Thế
nhưng đối với văn hóa thì bạn lại muốn gắn chặt hơn nhiều. Bạn tự hào về
văn hóa của bạn. Người ta dạy bạn tự hào như thế. Ta rất nên đào sâu
điểm này. Một tu sĩ dòng Tên - bạn tôi - tâm sự với tôi : “Mỗi khi gặp một người ăn xin hay một người nghèo, tôi không thể không bố thí cho họ. Điều đó tôi học được từ mẹ tôi”.
Quả vậy, thân mẫu anh ta không bao giờ từ chối một người nghèo đến gõ cửa. Tôi bảo anh :
“Này Joe, cái đó không phải là nhân đức; đó là một sự chẳng đặng đừng. Điều đó tốt theo cái nhìn của những người ăn xin; tuy nhiên nó vẫn là sự miễn cưỡng”.
Tôi lại nhớ đến một tu sĩ dòng Tên khác đã nói với chúng tôi tại một cuộc họp tỉnh dòng ở Bom-bay: “Tôi năm nay 80 tuổi; vào dòng Tên đã 65 năm. Tôi chưa bao giờ bỏ lỡ giờ cầu nguyện mỗi ngày, chưa bao giờ”.
Bạn nghĩ sao? Đó có thể là điều rất đáng thán phục hoặc cũng có thể là
một cái ách. Không có công trạng gì trong đó nếu chỉ là một sự máy móc. Nét đẹp của một hành động không nằm ở chỗ nó được kiên trì lặp đi lặp lại mà nằm ở sự cảm kích, ở sự phán đoán minh bạch và ở sự hành xử chính xác.
Tôi
có thể đáp ứng người ăn xin này và nói “không” với người ăn xin khác.
Tôi không bị qui định hay đóng khung bởi những cảm nghiệm trước đây hay
bởi nền văn hóa của tôi. Không ai đóng ấn nơi tôi, hoặc nếu người ta có đóng ấn thì tôi cũng không dựa vào dấu ấn đó nữa.
Nếu bạn đã có một kinh nghiệm không tốt về một người Mỹ nào đó, hoặc
bạn bị cắn bởi một con chó nào đó, hay bạn bị lợm bởi một món ăn nào đó -
thường là từ đó về sau bạn bị kinh nghiệm ấy chi phối ám ảnh.
Nhưng điều đó không hay chút nào đâu ! Bạn cần phải được giải phóng khỏi
những chi phối ấy. Đừng kè kè mang theo bên mình những kinh nghiệm của
quá khứ. Thật vậy, cả những kinh nghiệm tốt cũng đừng mang theo. Hãy học
cho biết như thế nào là kinh nghiệm đầy đủ về một sự vật, rồi quẳng đi
và bước tới, hoàn toàn thong dong. Hành trang càng nhỏ bạn càng dễ “chui
qua lỗ kim”.
Bạn
thừa biết sự sống vĩnh cửu là gì rồi đấy. Sự sống đó là bây giờ - cái “
bây giờ ” ở ngoài thời gian. Chỉ có thế bạn mới đi vào sự sống vĩnh cửu
được. Ác thay, chúng ta lại mang vác đủ thứ lỉnh kỉnh theo mình. Chẳng
bao giờ chúng ta buồn nghĩ đến chuyện giải phóng mình, vứt bỏ hành lý để mình được là mình.
Rất tiếc là đâu đâu tôi cũng gặp những người Hồi giáo dùng tôn giáo của
họ, phụng tự vào kinh Coran của họ để tự cản trở họ trong cuộc giải
phóng nói trên. Các tín đồ Ấn giáo cũng thế và các tín đồ Kitô giáo cũng thế.
Bạn
có hình dung được một con người không còn bị chi phối bởi những ngôn
từ, ý niệm sẽ thế nào không ? Bạn có thể tung hứng vô số ngôn từ với anh
ta và anh ta chỉ đáp lại bằng một sự thản nhiên. Bạn xưng :“Tôi là Hồng
y Tổng giám mục X.Y.Z”, anh ta chỉ thản nhiên như không. Anh ta sẽ nhìn
bạn như bản chất của bạn. Nhãn hiệu không lung lạc được anh ta.
Linh mục Anthony de Mello, SJ
No comments:
Post a Comment