Saturday, March 17, 2018

NUDE VÀ BẢN NGÃ

Facebook là một thế giới kết nối thú vị. Nó đem lại những mối liên hệ dựa trên sự vô hình mà đôi lúc không ai có thể hình dung. Trong danh sách friendlist của anh có một cái tên dễ thương - Nguyễn Lan Anh, và một bức hình đại diện rất cuốn hút. Một gương mặt đẹp và phảng phất nét buồn, tự thân nó đã có sức hút ghê gớm đối với đàn ông. Nếu ai đó tò mò, các bạn có thể tự kết bạn và tìm hiểu. Cá nhân anh thấy bất ngờ vì đây là một cô gái hấp dẫn và rất có cá tính. Trang facebook của cô gái này tràn ngập các bức hình khỏa thân, dù mang nét đẹp thuần khiết hay gợi dục thì những bức ảnh này đều có một điểm chung: Sự chọn lựa rất tinh tế về nét đẹp phụ nữ. Điều đó chứng tỏ người đăng tải có quan điểm thẩm mỹ rất cao, và đằng sau cái sở thích khá khác biệt này là những ẩn ức thầm kín về quá khứ. Một người đàn bà đẹp, vẫn sống đâu đó trong hoài ức về một hạnh phúc đã qua, có lẽ đó chính là lý do cho sự truy cầu một sở thích có phần nổi loạn: Lựa chọn và post những bức hình khỏa thân đầy cuốn hút.
Vì một lời hứa buột miệng, mà anh đành viết một bài tay ngang vụng về, bàn về nude và bản ngã con người. Kể từ khi xuất hiện hội họa và sau này là nhiếp ảnh, nude luôn là một đề tài gợi lên sự tranh cãi bất tận. Có vô số luận giải khác nhau về nude, về danh giới giữa nghệ thuật và dung tục, về khác biệt giữa cảm hứng thăng hoa và nhu cầu mang tính bản năng của con người. Tranh cãi này sẽ còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ, thậm chí là nhiều thế kỷ nữa, tùy thuộc vào quan điểm thẩm mỹ và cả sự cởi mở về văn hóa của mỗi cộng đồng.
Khi sinh ra, con người ai cũng giống ai. Họ chào đời với không một thứ che đậy trên thân. Sự tiến bộ của xã hội loài người cũng đồng thời là sự tiến bộ của thời trang và văn hóa. Loài người là một sinh vật phức tạp. Họ chế tạo ra quần áo không chỉ nhằm mục tiêu sinh tồn (giữ ấm, kháng nhiệt, chống chọi côn trùng...) mà phần càng ngày càng lớn hơn là để phục vụ nhu cầu thời trang và thẩm mỹ. Ngành công nghiệp thời trang và may mặc là một trong những ngành kinh tế lớn nhất toàn cầu, trị giá nhiều nghìn tỷ USD để đáp ứng nhu cầu đa dạng cho một cộng đồng trên 7 tỷ dân và ngày càng bùng nổ.
Vậy điều gì khiến Nude luôn là một vấn đề gây chú ý, khi loài người đã tốn nhiều thế kỷ chỉ để tăng tính phức tạp trong gu ăn mặc của mình, và đã tiêu tốn ngần ấy của cải chỉ để che phủ lên phần nude của cơ thể con người? Một người khi ngắm một bức hình khỏa thân tuyệt đẹp gợi lên sự cuốn hút giới tính, họ sẽ nghĩ về nghệ thuật hay những ham muốn có tính bản năng?
Hãy quay trở về với câu chuyện của Francisco de Goya, một họa sỹ vĩ đại của Tây Ba Nha, sống vào thế kỷ 18. Đây là một người đàn ông với cuộc đời phức tạp. Là một danh họa với nhiều tác phẩm kiệt xuất, ông cũng đồng thời là một nhà tư tưởng với nhiều ý tưởng vượt thời đại. Cũng đồng thời là một người đàn ông ngang tàng, kiêu hãnh mang trong mình trái tim dũng mãnh của một dũng sỹ đấu bò. Người đàn ông ấy có một tình yêu lớn và ngang trái với một phụ nữ tuyệt đẹp là phu nhân Maria Cayettana, một góa phụ kiều diễm và nổi tiếng nhất Madrit vào thời bấy giờ. Nét phong trần và kiêu hãnh của Franciscon de Goya đã đốn gục trái tim của Maria, tình yêu giữa họ bùng cháy và để lại một kiệt tác nghệ thuật bất diệt: “Bức họa Maja khỏa thân”. Tuy nhiên, không may cho Goya, ông có tình địch là một tay thế lực, đương kim thủ tướng đương triều Don Manuen De Godoa. Để ngăn cách mối tình chênh lệch về đẳng cấp và khiến toàn bộ giới quý tộc Madrit ganh tị này, họ đã đầy Maria đến một xứ hẻo lánh ở Solia. Cuối cùng người phụ nữ kiều diễm ấy bị sát hại. Riêng Goya, bức họa kiệt tác của ông và tình yêu lớn ấy trở thành nguyên nhân khiến ông đối mặt với tòa án của giáo hội và triều đình. Căn cứ vào những tiêu chuẩn đạo đức khắt khe vào thời kỳ đó, Goya bị đưa ra tòa với lời buộc tội làm băng hoại đạo đức và mang trái tim tội lỗi của quỷ dữ.
Kiệt tác: Nàng Maja khỏa thân
Trước một phiên tòa gồm toàn những thầy tu, Francisco de Goya đã đưa ra một lời biện hộ khiến những kẻ buộc tội ông nín lặng: “Vẻ đẹp của người đàn bà là một kiệt tác của tạo hóa, chỉ những ai nhìn vẻ đẹp ấy với tâm hồn tội lỗi mới là kẻ mang trái tim của quỷ satan”. Vì không có thầy tu nào trong hàng ngũ quan tòa muốn thừa nhận rằng mình ngắm nhìn bức họa Maja khỏa thân với những ý nghĩ đen tối, cuối cùng họ đều thống nhất với nhau rằng đó là một bức họa tôn vinh cái đẹp. Goya thoát án tù và bức họa tuyệt tác của ông cũng thoát số phận bị tiêu hủy. Tuy nhiên, giáo hội và triều đình không tha ông, họ tìm cách kết tội Goya vì một tội khác và ném ông đi đầy trong nhiều năm. Trong thời gian ấy Maria Cayettana bị sát hại vì một mực từ chối thủ tướng Don Manuen De Godoa. Năm 1828, người đàn ông kiêu hãnh, mang trong mình trái tim đa cảm của một họa sỹ thiên tài và lòng kiêu hãnh của một võ sỹ đấu bò hạng nhất, Francisco de Goya, qua đời trong nỗi đau quá khứ và những ẩn ức mãi mãi không thành.
Câu chuyện về phiên tòa của Goya từng là đề tài cho các trường phái tranh luận khác nhau về tính nghệ thuật hay trần trụi của nude. Tuy nhiên, thực ra Goya đã ăn gian. Lời bào chữa của ông là một cú đánh sắc bén của một võ sỹ đấu bò cho đám thầy tu mô phạm đạo đức ngồi ở vị trí quan tòa. Chẳng phải vì bức họa của ông chỉ gợi lên những cảm hứng tốt đẹp đầy nghệ thuật. Bức họa vẽ nàng Maja khỏa thân (nguyên mẫu Maria Cayettana), nằm trễ nải đợi người tình, làm sao chỉ có thể gợi lên những nét đẹp thuần túy tôn vinh tạo hóa? Bản thân nó, đã gợi chứa sự hấp dẫn giới tính và chắc chắn sẽ làm thúc đẩy không ít cảm hứng thuần túy bản năng của những người chiêm ngưỡng. Có lẽ sau 3 thế kỷ, nhân loại ngày nay đã chai lỳ khá nhiều trước những bức ảnh khỏa thân, bức họa Maja chắc khó có thể gây ấn tượng sốc như thời đại mà nó ra đời. Nhưng mọi vẻ đẹp khỏa thân, trước hết và trên hết, bao giờ cũng là những sự cuốn hút được xây dựng trên nền tảng của bản năng con người, nghĩa là những cảm xúc về giới tính. Vì thế lời bào chữa nổi tiếng của Goya thực ra là một cú ăn gian, ông nhét gạch vào mồm đám thầy tu đạo đức vì biết đám này không thể thừa nhận rằng khi ngắm bức họa Maja, sẽ gợi lên trong họ những ham muốn giới tính rất con người. Đúng ra, nếu ở thời đại ngày nay, lời bào chữa của Goya có thể sửa thành:
“Thôi nào các vị, ngắm hình khỏa thân, đó là ngắm nét đẹp của tạo hóa. Nhưng tại sao nó đẹp? Làm sao ngắm một con gà khỏa thân có thể đem lại cảm hứng thẩm mỹ mãnh liệt cho các vị như khi ngắm một phụ nữ trần truồng? Bản chất vẻ đẹp khỏa thân được xây dựng trên nền tảng của những ham muốn bản năng. Nó là phần tất yếu của con người, vì thế, tại sao nude lại là điều cấm kỵ?”
Đây cũng chính là quan niệm của anh Lãng về nude. Và vì thế mà những câu tụng niệm đại loại “Nghệ thuật nude trong sáng thuần khiết tôn vinh tạo hóa” bản chất chỉ là sự ngụy biện khôi hài. Cố nhiên, sự ham muốn trước nude vốn bản thân nó cũng phải chịu sự điều tiết của những khế ước xã hội quy ước về đạo đức và pháp lý, bởi bản năng con người luôn có xu hướng thúc đẩy họ phạm phải những tội lỗi khác nhau :)
Vậy nên, trước một bức hình nude đẹp, hãy thành thật với chính mình, dù chỉ là chiêm ngưỡng vẻ đẹp với tư cách của một người sinh lý yếu hay gợi lên những ham muốn mãnh liệt có tính bản năng của một tay nhiều Testosterone, tất cả đều là những điều rất đỗi bình thường. Tội lỗi có chăng, là khi một con người không kiểm soát được bản năng của mình và biến nó thành những hành động gây hậu quả xấu. Tuy nhiên, đó lại là một câu chuyện khác nằm ngoài phạm vi của nude ;)
P/S Bài viết này không tính vào thiên luận cuối năm. Chỉ là một bài viết vội tay ngang để trả nợ cho lời hứa viết về nude cho cô gái anh nhắc đến ở đầu bài viết. Anh Lãng không có thói quen mang nợ ai, dù chỉ là những người quen biết vô danh hoàn toàn qua mạng.
( hết )
Bài viết của Lang Anh đã lột tả được bản năng và tâm lý của con người trong lĩnh vực Nude ( ở đây xin chỉ mặc định là Nude nữ, và viết hoa ).
Goya ( 1746-1828 ) có đến hai bức họa Maja - “Maja Khỏa Thân” và “Maja Mặc Quần Áo” - được vẽ liên tiếp vào hai năm 1799 và 1800, nhưng đều bị lên án và tịch thu, trong khi nghệ thuật Nude đã có từ ngàn xưa và vẫn tiếp diễn cho đến thời điểm đó. Goya đã thoát tội nhờ khăng khăng rằng mình chỉ vẽ dựa theo phong cách của các họa sĩ tiền bối như Titian ( 1490-1576 ), Velazquez ( 1599-1660 ) ..., trước những kẻ không am hiểu về nghệ thuật. Có một điểm khác biệt là các nhân vật Nude trong tranh trước và trong thời điểm đó thường có dáng điệu và ánh nhìn lơ đãng hay vô tình, chứ không trực diện vào người xem tranh, chính vì dáng điệu và ánh nhìn khiêu khích của Maja khỏa thân đã thách thức “quyền lực” u ám của giáo hội công giáo và “đạo đức” suy đồi của triều đình phong kiến, và đó cũng chính là thái độ chính trị của họa sĩ, nên mới gây ra sự cố ...
Vệ Nữ ở Urbino - Titien ( năm 1538 )
Vệ Nữ Trong Buồng Tắm - Velázquez ( năm 1648 )
Sau Goya, họa sĩ Manet ( 1832-1883 ) tiếp tục bị chỉ trích với tác phẩm Olympia, cho đến những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người ta mới bắt đầu nhìn nghệ thuật Nude bằng ánh mắt khác, và Olympia mới được đón nhận :
Olympia - Manet ( năm 1863 )
Nude đã hiện diện trong bản năng và tâm lý của con người từ thời hồng hoang “ăn lông ở lỗ” cho đến thời văn minh “kỷ thuật số” và “công nghiệp thời trang” :
Vệ Nữ ở Tan Tan ( 200.000 - 500.000 năm trước công nguyên )
Vệ Nữ ở Willendorf ( cách đây khoảng 26.000 năm )
Vệ Nữ ở Laussel ( cách đây khoảng 22.000 năm )
Vệ Nữ ở Milo ( năm 130 trước công nguyên )
Vệ Nữ Ngủ - Giorgione ( năm 1510 )
Sự Ra Đời Của Thần Vệ Nữ - Botticelli ( năm 1840 )
Sự Ra Đời Của Thần Vệ Nữ - Cabanel ( năm 1863 )
Sự Ra Đời Của Thần Vệ Nữ - Bouguereau ( năm 1879 )
Hình như trong thần thoại Hy Lạp có câu chuyện kể về một nam thần nấp trong bụi cây trên bờ rình xem các nữ thần đang tắm Nude dưới suối, nhưng khoảng cách quá xa khiến không thể thỏa mãn được dục vọng, nam thần bèn hóa thành một con cú để bay đến gần hơn, nhưng khi hóa thành con cú rồi, bản năng và tâm lý thay đổi, thì dục vọng lại chuyển hướng sang những ... con chuột đang đùa giỡn trên cánh đồng.
Thi Tiên Lý Bạch ( 701-762 ) vâng lệnh Đường Huyền Tông tả vẻ đẹp của Dương Quý Phi, đã làm ba bài THANH BÌNH ĐIỆU :
“Vân tưởng y thường hoa tưởng dung Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng”
“Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường Tá vấn Hán cung thùy đắc tự Khả liên Phi Yến ỷ tân trang”
“Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan Trường đắc quân vương đới tiếu khan Giải thích xuân phong vô hạn hận Trầm hương đình bắc ỷ lan can”
Ta khó mà biết được nếu không vì cái luân lý Tam Cương Ngũ Thường, cái nghĩa Quân Thần hay cái án Khi Quân Phạm Thượng ... thì Thi Tiên có dục vọng “lâm hạnh” với Mỹ Nhân hay không !?
Cũng cùng câu hỏi đó với một Thi Tiên khác là Bạch Cư Dị ( 772-846 ) khi tả Dương Quý Phi trong bài TRƯỜNG HẬN CA :
"... Hồi đầu nhất tiếu bạch mị sinh Lục cung phấn đại vô nhan sắc Xuân hàn tứ dục Hoa Thanh trì Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi Thị nhi phù khởi kiều vô lực Thủy thị tân thừa ân trạch thì Vân mấn hoa nhan kim bộ đao Phù dung trướng noãn độ xuân tiêu Xuân tiêu khổ doãn nhật cao khởi Tòng thử quân vương bất tảo triều ...”
Họa sĩ Matisse ( 1869-1954 ) kể rằng khi vẽ tranh tĩnh vật có con hàu, ông đã nhịn ăn hàu trong suốt thời gian đó để có thể giữ được lòng thèm muốn, nhưng không nghe ông kể khi vẽ tranh Nude thì ra sao :
Trong nghệ thuật có một số cảnh giới lạ lùng, Nude không chỉ được khai thác bởi những nghệ sĩ nam mà còn bởi cả những nghệ sĩ nữ, có thể tạm gọi là cảnh giới “dục vọng phi chiếm hữu”, nó dường như là trạng thái “ngưỡng mộ”, “tôn thờ”. Và cái cảnh giới đó có thể cũng chỉ xuất hiện ngắn ngủi trong những giai đoạn “thăng hoa” hay thời điểm “xuất thần” trong tâm thức, chứ không hẳn thường trực suốt đời trong ý thức của nghệ sĩ.
Trong ba “ông khổng lồ” của thời Phục Hưng - Leonardo da Vinci, Michelangelo và Raphael - thì có đến hai người được cho là đồng tính nhưng lại để lại cho đời những kiệt tác Nude :
Leda Và Thiên Nga - Leonardo da Vinci ( năm 1515 - 1520 )
Adam Và Eve Trong Vườn Địa Đàng - Michelangelo ( năm 1510 )
Còn “gã quái vật” nhiều tài lắm tật Picasso ( 1881-1973 ) thì đủ mọi cung bậc sắc thái, từ tôn thờ đến hạ nhục, từ yêu thương đến căm ghét, từ thèm thuồng đến chán chường, từ nâng niu đến dày vò ...
Nữ họa sĩ O'Keeffe ( 1887-1986 ) suốt cuộc đời hầu như chỉ vẽ những bông hoa được phóng lớn gợi lên những liên cảm tính dục về cơ năng sinh dục nữ :
Nữ họa sĩ Kahlo ( 1907-1954 ), cuộc đời ngắn ngủi và đau đớn với những ám ảnh về tình yêu, tình dục và vô sinh :

Gần đây, “Theo lời tường thuật từ bảo tàng Orsay, trước hàng chục người đến xem tranh vãng lai của bảo tàng, nữ nghệ sĩ trẻ bất ngờ xuất hiện, đến ngồi trước bức tranh nổi tiếng của danh họa Gustave Courbet mang tên Origin of the World (nguồn gốc của thế giới), và kéo áo phô bày âm hộ, như tự ghép mình vào khung cảnh của tổng thể không gian nghệ thuật xếp đặt”.
“Sau đó, phát biểu trên trang wort.lu, nữ nghệ sĩ Deborah De Robertis cho biết cô bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng cô xúc phạm bức danh họa này. Deborah nói rằng cô muốn trình diễn, tạo ra một không gian và ý niệm mới bên cạnh tác phẩm nghệ thuật gốc. Sự trình diễn này có thể được xem là cách nối kết và làm sống động tác phẩm của danh họa Gustave Courbet.
Deborah De Robertis không phải là một nghệ sĩ vô danh muốn tự làm nổi mình. Bản thân cô là một nhân vật danh tiếng, từng được Bộ Văn hóa Luxembourg trọng vọng. Năm 2013, cô là khách mời của chương trình nghệ thuật danh tiếng “Cité Internationale des Arts Paris”.
( trích bài báo “Một nữ nghệ sĩ trình diễn âm hộ trước bức danh họa” )
Người ta vẫn thường nói giữa nghệ thuật và khiêu dâm có một ranh giới mỏng manh, nhưng những phân định bằng nhận thức, tư duy lý luận lý tính vẫn thường bất cập, mà chỉ có thể cảm nhận được bằng vô thức, tư duy trực giác cảm tính ...
Và người ta vẫn thường gán chữ “nghệ thuật” khi muốn lạm dụng Nude, cũng như người ta vẫn thường gán chữ “khiêu dâm” khi muốn vùi dập Nude.
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN có những câu chuyện :
Không Chút Từ Bi
Ngày xưa ở Trung hoa có một bà lão trợ cấp cho một ông tăng hơn hai chục năm. Bà dựng am và cung cấp thực phẩm cho ông tăng khi ông tăng thiền định. Cuối cùng bà lão muốn biết ông tăng tiến bộ thế nào trong thời gian qua.
Muốn biết sự thật, bà nhờ một cô gái đa tình giúp bà. Bà lão bảo cô gái : “Hãy đến ôm ông ta, rồi bất ngờ hỏi ‘Thế nào ?’”
Cô gái đến thăm ông tăng, vuốt ve ông ta không chút gượng gạo, hỏi ông ta sẽ đối xử thế nào.
Ông tăng đáp bằng một câu kệ :
“Cây khô kề đá lạnh, Không chỗ nào ấm cả”
Cô gái trở về thuật lại mọi chuyện. Bà lão tức giận than : “Nghĩ ta đã nuôi hắn hai chục năm nay. Hắn tỏ ra chẳng quan tâm đến yêu cầu của cô, chẳng có ý giải thích tình cảnh của cô. Hắn chẳng cần phải đáp ứng đam mê, nhưng ít nhất hắn nên tỏ ra có chút từ tâm chứ”.
Nói xong bà lão lập tức đến thiêu rụi cái am.
***
Đoạn Đường Lầy
Một hôm Tanzan và Ekido cùng thong dong bước xuống một đoạn đường lầy. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi.
Đến một khúc quanh, hai người gặp một cô gái xinh xắn trong chiếc áo kimono và tấm khăn choàng bằng lụa, đang đứng bên lề đường không thể đi qua được ngả tư đường lầy.
“Đi này, cô bé” - Tanzan nói, và hai tay nhấc bổng cô gái đưa qua khỏi đoạn đường lầy.
Ekido không nói gì cả cho đến khi cả hai đến ngôi chùa nơi họ trú lại đêm đó. Rồi cho đến khi không còn chịu đựng được nữa, Ekido lên tiếng hỏi Tanzan : “Chúng ta, những tăng nhân, không được gần đàn bà, nhất là những người trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm. Tại sao huynh làm như vậy ?”
Tanzan đáp : “Tôi đã bỏ cô ta lại chỗ đó rồi, huynh còn mang cô ta theo đó sao ?”
***
Đêm Qua Tôi Là Khách
Ở Nhật, viếng kỹ viện là một phần chính thức ( nếu không nói ra ) trong truyền thống tu luyện Thiền. Thiền tăng Dịch Đường, cũng như hàng ngàn tăng nhân khác trước ông, đã sống một đêm ở nhà các geisha ( kỹ nữ ). Sáng hôm sau, Dịch Đường nói với bà chủ : “Đêm qua tôi là khách của bà, nhưng sáng nay tôi là tu sĩ. Hãy cho phép tôi làm Phật sự để tất cả mọi người trong nhà bà được phúc lợi”. Bà chủ ngạc nhiên nói : “Đây là lần đầu tiên một ông tăng không lẫn trốn như một ‘bác sĩ’ hay một ‘sinh viên’. Ngày nào đó, người này sẽ là một nhân vật”. Lời tiên đoán đã trở thành sự thật, quả nhiên sau này Dịch Đường được chỉ định làm Trưởng quản phái Thiền Tào Động.
***
Núi Là Núi, Nước Là Nước
Một giáo sư Mỹ dạy triết ở một đại học nọ khi nghe câu nói nổi tiếng này của Thiền, ông ta phản ứng với thái độ tiêu cực. Tuy nhiên, các yếu tố khác của Thiền lôi cuốn ông ta mãnh liệt, vì thế ông ta đến Nhật và gặp một Thiền sư. Thiền sư này giải thích như vầy : “Bước đầu, núi là núi, nước là nước”, “bước thứ nhì, núi không phải núi, nước không phải nước”, Thiền sư tiếp tục : “ở bước thứ ba, núi là núi, nước là nước”.
Vị giáo sư Mỹ hỏi : “Giữa bước thứ nhất và bước thứ ba có gì khác nhau ?”
“Ở bước thứ ba”, Thiền sư nói bằng giọng to nhất : “NÚI LÀ NÚI, NƯỚC LÀ NƯỚC !” Nhân đó vị giáo sư tỉnh ngộ.
Với cái thấy chưa ngộ, núi là núi, nước là nước ; với cái thấy của ngộ, núi cũng là núi, nước cũng là nước. Tuy nhiên, có cuộc hành trình tâm linh ẩn khuất trong cái thấy của ngộ ; đó là thời kỳ núi chẳng phải núi, nước chẳng phải nước. Chúng ta gọi cái “chẳng phải” ấy là tu tập.
Thiền Sư Thiên Y Nghĩa Hoài có bài thơ :
“Nhị bát giai nhân thích tú trì Tử Kinh hoa hạ chuyển Hoàng Ly Khả liên vô hạn thương xuân ý Tận tại đình châm bất ngữ thì”.
...
Có lẽ, đó là những những cảnh giới khác trong bản năng và tâm lý của con người chăng !?!

No comments:

Post a Comment