Xé gió biển, đôi
cánh nhỏ dang rộng hết cỡ, lượn lên mất hút trên không trung rồi bất thần lao
xuống hết tốc lực. Chẳng có gì
ngăn cản nổi, Yến mẹ lao đầu vào vách đá dựng đứng. Để lại trên vách núi vệt
máu tươi uất nghẹn và tiếng kêu khản đặc xé lòng của chim trống…
Cảnh tượng đó lặp
đi lặp lại trong những ngày vào mùa, mùa mà một loài hân hoan trên sự chết chóc
đau thương của một loài khác. Mùa khai thác Tổ Yến.
Yến, sống trung
thành - chết thuỷ chung. Một đôi Yến khi đã sống cùng nhau là trọn đời trọn
kiếp. Khi đã xây tổ ở đâu là vĩnh viễn không dời đi nữa. Tập tính đó giết hại
Yến. Người vẫn thầm ngưỡng mộ và tự hỏi: Trong hàng ngàn chim Yến bay rợp biển
kia mà vì sao các cặp đôi không bao giờ nhầm lẫn, không đời nào lang chạ? Hàng
vạn tổ Yến ken đặc trên vách đá đó mà Yến luôn về đúng nhà của mình. Không bao
giờ chiếm tổ chim khác? Rồi người lợi dụng triệt để đặc tính này để dụ Yến,
nuôi Yến, lấy tổ Yến và vô tâm nhìn xác Yến…
Nếu không may gặp
một thợ hái tổ không chuyên hay thiếu kinh nghiệm. Không chừa lại một phần tổ,
hoặc lấy đúng chiếc tổ của Yến sắp sinh. Chim mẹ trở về trong tình trạng mất
tổ, không chịu nỗi đau đớn vì cơn chuyển dạ. Yến sẽ quẫn trí và chọn cách gieo
mình vào vách núi, chính nơi đã xây mái ấm để quyên sinh.
Đa số chim Yến
trống sau đó bay lượn điên cuồng, kêu gào thảm thiết rồi lao thẳng vào đúng chỗ
vợ chết. Nên các vệt máu khô buồn in lại trên vách đá lạnh lẽo thường là vệt
đôi bên nhau, thậm chí là chồng lên nhau. Nếu không tự tử,chim Yến trống sẽ
sống cô độc suốt quãng đời còn lại.
Xưa, kẻ cùng đinh
mạt vận mới phải ra nơi heo hút, leo trèo nguy hiểm tìm hái tổ Yến để mong đổi
đời. Thường thì khi có chút vốn họ bỏ nghề và ăn năn sám hối. Họ không đời nào
muốn con cái tiếp tục cái việc quá sức mạo hiểm, quá sức thất đức. Và đó là lý
do không có "nghề lấy tổ Yến gia truyền” là vậy.
Nay, lòng tham con
người vô cùng vô tận...
Tạo hoá không ban
phát cho ai tất cả. Loài chim hiền hoà xinh đẹp và thủy chung đó lại có đôi
chân cực ngắn và mềm yếu. Yến dường như không thể đậu trên mặt đất, Yến treo
thân trên vách cheo leo lúc đêm về. Còn lại gần như bay suốt, liên tục từ 12-15
giờ mỗi ngày. Săn mồi và ăn trong khi đang bay, ngủ trong lúc bay, thậm chí là
“làm chuyện vợ chồng” trên không luôn.
Bù lại, Mẹ Thiên
Nhiên dạy Yến cách sinh tồn, mách bảo Yến sống trên cao, làm tổ nơi vách núi
thẳng đứng, hẻo lánh và trơn trượt. Hòng tránh loài ăn thịt hiểm ác như rắn hay
cú vọ. Có điều, ngay cả thiên nhiên cũng không biết được có loài ăn…tạp còn tàn
độc hơn thú dữ.
Loài có thể chinh
phục bất cứ núi cao vực sâu hiểm trở nào hầu nhét cho đầy lòng tham tanh tưởi.
Loài đã làm những cuộc tàn sát đẫm máu mang tên “Yến Sào”.
Yến chống chọi để
tồn tại, tạo hoá không đành lòng diệt vong một biểu tượng của tình yêu, tình
mẫu tử. Trong thiên nhiên hoang dã, chắc Yến là loài duy nhất được mệnh danh
“rút ruột cho con” nhờ đặc tính làm tổ bằng nước dãi. Cả chim mẹ và chim cha
cùng nhau xây tổ. Nước dãi kết dính cây cỏ và chính những chiếc lông rứt ra đau
đớn thành chiếc tổ kỳ diệu. Con người ranh mãnh khi lấy tổ yến đã cố tình chừa
một ít. Yến hồn nhiên xây lại, dãi không đủ cho mùa sinh nên thổ huyết ra xây.
Tước lông đến xơ rơ đôi cánh, trơ da thịt trân mình chịu đựng cơn gió biển rít
buốt đến xương tuỷ. Cho đến chết đi rồi Yến vẫn không thể hiểu được loài man rợ
hoan hỉ gọi đó là “Hồng Yến”!“
From internet
No comments:
Post a Comment