16.
(Dẫy núi đối diện với trại Thanh Cẩm) |
Thu chợt
nghe người đứng sau nàng gọi to: “Tuấn”. Trong hàng các anh cải tạo có người dơ tay vẫy. Nàng quay sang nhìn người đàn bà có âm thanh
gọi thật trong, ấm ngọt, e ấp như được gói kín. Cô còn trẻ lắm, trông độ hơn hai mươi, mặc
chiếc áo dài bằng hàng mầu đen. Mái tóc
uơán dài che phủ một phần vầng trán rộng.
Thu phải công nhận người con gái đứng trước mặt mình thật đẹp. Vẻ đẹp kín đáo phảng phất nỗi buồn man
mác. Thấy Thu nhìn mình mỉm cười, cô gật
đầu đáp lễ.
Các đội “cải
tạo” lần lượt về trại. Nàng ngạc nhiên
khi thấy một số người ở khu gia đình cán bộ, đối diện với nhà thăm nuôi, ra đứng
bên đường. Từng đoàn xe ba bánh chở đầy
khoai mì đi tới, như một thói quen dừng lại phía bên kia đường. Thu thấy thân nhân cán bộ ra lấy khoai mì,
sau đó anh em “cải tạo” lại tiếp tục đẩy xe về trại.
Trời đã về
chiều, những tia nắng muộn chiếu qua kẽ mây phủ mờ mặt đường. Con đường đất nhỏ chạy dài tun hút về phía rừng
cây xa xa. Khung cảnh núi rừng tịch mịch. Không nghe thấy tiếng động cơ xe chạy, hay âm
thanh gõ móng của đoàn ngựa kéo. Nơi đây
như một thế giới riêng biệt, xa hẳn xã hội loài người.
Qua mấy bậc
tam cấp bước lên đường, Thu lững thững đi theo con đường đất. Cánh rừng phía trước đã ngăn tầm mắt nhìn
xa. Bầu trời như thấp hẳn xuống. Phía sau khu gia đình cán bộ là rừng
cây. Phía đối diện là ngọn núi cao, sườn
dốc loang lổ những đám cháy đen, chen lẫn những khoảng đất đã khai phá mầu nâu
đỏ, trên đỉnh cao chỉ còn thưa thớt những tàng cây. Nàng có cảm tưởng mình lọt vào giữa một lòng
chảo. Con người vô cùng nhỏ bé đối với
thiên nhiên. Thu nghĩ đến chồng, không
biết ngày mai có gì không may xẩy ra không.
Liệu anh có bị cấm gặp mặt vì vi phạm kỷ luật trại khi gặp nàng trong lúc lao động vào buổi chiều nay.
Tiếng động
phía sau lưng làm Thu dừng bước. Quay lại
nàng gặp nụ cười của người con gái áo đen mà nàng chưa biết tên. Thu mở lời:
-“Chào cô,
cô tới đây lâu chưa?”
-“Em vừa tới
trưa nay, trước khi các chị tới một lát.”
-“Sao cô
chưa được gặp mặt?”
-“Theo
thông lệ của trại, thân nhân tới hôm nay ngày mai mới được gặp.”
-“Ngày mai
cô gặp lúc mấy giờ?”
-“Em gặp
lúc 8 giờ sáng. Còn chị bao giờ gặp
anh. Chị ra thăm thường không?”
-“Tôi được
gặp sau cô, lúc 9 giờ. Ðây là lần đầu
tôi ra thăm nhà tôi, thành thử tôi chưa biết cách thức như thế nào. Còn cô đã đi thăm nhiều lần chưa?”
-“Lần thứ
hai chị ạ. Năm ngoái em đã ra thăm, khi
hay tin anh ấy chuyển trại từ Hoàng-liên-sơn về đây.”
-“Cô có
cháu nào chưa?”
Sau câu hỏi,
Thu thấy cô gái hơi cúi đầu, day mũi dép trên mặt đường, như khó trả lời trước
một câu hỏi thông thường. Cô chợt ngẩng
mặt trả lời:
-“Em chưa
có cháu nào. Niềm vui đến với chúng em
quá muộn màng. Còn chị, chị có mấy
cháu?”
-“Tôi có 5
cháu. Cháu lớn 14 tuổi, còn cháu nhỏ vừa
lên 8. Xin lỗi, cô cho biết quý danh được
không? Còn tôi tên Thu.”
-“Em tên
Liên. Em 24 tuổi chị ạ. Vì hoàn cảnh chúng em chưa lập gia đình, rồi
anh ấy đi cải tạo.”
Thu ngạc
nhiên khi nghe Liên nói. Cô mới 19 tuổi
vào ngày miền Nam bị mất. Hai người im lặng chậm bước. Nàng quay qua hỏi:
-“Hiện giờ
Liên ở đâu?”
-“Em vẫn ở
Ðà-lạt từ ngày gia đình em di cư vào Nam.”
-“Gia đình
Liên vẫn thường chứ?”
-“Ba má và
hai em của em di Pháp từ năm rồi. Gia
đình em được anh cả bảo lãnh, chỉ còn mình em ở lại.”
-“Sau khi
ba má Liên đi, đời sống của Liên ra sao?”
-“Trước
ngày 30/4 gia đình em không phải lo nghĩ nhiều về vật chất. Nguồn lợi ruộng vườn giúp gia đình em sống dư
giả. Sau khi miền Nam mất,
cuộc sống đảo lộn, tài sản của gia đình em bị nhà nước trưng dụng, chỉ còn lại
căn nhà em đang ở. Ba má em muốn em qua
Pháp tiếp tục học, nhưng em xin ở lại.”
-“Sao Liên
không cùng đi với gia đình?”
-“Vì Tuấn
em quyết định ở lại.”
Một lần nữa
Thu lại ngạc nhiên và kính trọng tấm lòng chung thủy của Liên. Hẳn phải là một mối tình thật đẹp để cho người
con gái như Liên hy sinh. Nàng nhìn Liên
mỉm cười:
-“Tôi kính
phục Liên nhiều lắm biết không. Mối tình
của Liên hẳn phải là mối tình tuyệt đẹp?”
-“Nhiều lần
em đã tự hỏi tại sao em phải hành động như thế, nhất là vào thời gian gia đình
em sửa soạn ra đi. Em đã thức nhiều đêm
suy nghĩ. Ði hay ở lại. Chính em cũng không muốn sống trong tình trạng
hối tiếc vì những quyết định vội vàng.”
-“Ba má
Liên có biết Tuấn không?”
-“Ba má em
biết Tuấn từ hồi chúng em mới quen nhau.
Hai cụ rất vừa lòng anh ấy.”
-“Liên ở lại
chắc hai bác buồn nhiều lắm.”
-“Em biết
đã làm ba má em buồn, hơn nữa em là đứa con gái duy nhất trong nhà, được hai cụ
cưng chiều từ nhỏ. Bố mẹ nào chẳng muốn
cho con cái mình thành đạt, có đời sống hạnh phúc. Nhất là các cụ biết sự đợi chờ của em chỉ là vô
vọng. Em cũng tự biết như thế, vì chúng
em đang ở hai thế giới cách biệt. Như đã
nói với chị, em ở lại vì Tuấn mà cũng vì em nữa.”
-“Tôi đồng
ý với Liên, ngoài tình yêu còn có lòng thương nữa. Nó gắn bó tình cảm của hai người. Dù hoàn cảnh của chúng ta khác nhau, nhưng
chúng ta có cùng một suy tư, có chung niềm khắc khoải. Chúng ta sống cho tình yêu thương, và cũng vì
tình yêu thương mà sống. Cũng như Liên,
tôi đã suy nghĩ về lòng chung thủy và sự đợi chờ, nhất là trong hoàn cảnh đau thương này. Liệu ngoại cảnh có thúc dục, ảnh hưởng tới
lòng kiên trì của chúng ta không.”
-“Vừa rồi
chị nói kính phục em về lòng chung thủy, bây giờ em cũng muốn nhắc lại câu này
với chị. Vì ở chị ngoài lòng chung thủy,
tình yêu thương còn có sự hy sinh. Với
trường hợp của em, như người thân đã nói, là em để tuổi xuân đi qua một cách
oan uổng, và hiện tại em đang sống trong ảo vọng . . . .”
-“Liên cho
tôi ngắt lời nhé. Quả thực, chỉ có mình
mới hiểu được mình. Ðời sống có quá nhiều
thúc bách, đôi lúc làm chúng ta nản lòng chờ đợi.”
-“Em cũng
nghĩ tới điều này. Em đã nhủ lòng là phải
sống thực tế. Nhưng chính tâm tư của em
cảm nhận, là em đang sống một cuộc sống thực.
Người ngoài thường cho những người trong cuộc tối tăm, thiếu sáng suốt để
nhận biết về việc của mình. Nhưng chúng
ta cũng không thể nhận xét, phân tích bằng đường lối mà xã hội thường dùng để
phán xét.”
-“Tôi đồng
ý với Liên. Tôi tưởng chúng ta có thể
nói, chỉ vì là người trong cuộc, mới cảm nhận được thứ tình cảm lẫn lộn giữa
yêu và thương. Và cũng chính vì đó mà
chúng ta sống và hy sinh.”
-“Em cũng cảm
nghĩ như chị, vì chính em đã trải qua những giây phút mà sự cám dỗ làm lẫn lộn
thực với giả. Và cũng từ đó, em nhận thức
được giá trị cuộc đời như thế nào. Nó có
phải là những danh vọng lẫy lừng, một cuộc sống xa hoa vật chất, như kinh nghiệm
của nhiều người, đã không tha thiết những
gì đạt được do sự thành công. Vì tâm tư
họ trống trải, mọi thứ trở thành vô nghĩa.
Vì vậy em biết được những gì cần thiết cho mình.”
-“Liên biết
Tuấn đã bao lâu?”
Thu nhìn thấy
trên gương mặt Liên một thoáng giây ngưng lại, nét mặt hơi đăm chiêu như đang lục
tìm về dĩ vãng. Ánh mắt Liên chợt sáng,
như hình ảnh ngày xưa hiện ra với những niềm vui.
-“Nếu nói gặp
mặt thì lâu lắm rồi, từ khi em còn học lớp Ðệ Tam. Em cũng không hiểu tại sao em cảm thấy cô đơn
ở tuổi 15, luôn cần sự chiều chuộng săn sóc.
Hay vì phong thổ Ðà-lạt, cảnh sắc hữu tình của thành phố đầy hoa, đã ảnh
hưởng tới tâm tư của em những nét trữ tình thơ mộng. Em gặp Tuấn vào đêm Giáng-sinh. Ngay từ phút giây đầu, em đã bị lôi cuốn bởi
vóc dáng hào hùng, cử chỉ dịu dàng tha thiết của anh. Rồi bẵng đi cả năm không gặp, em rơi vào
trong thương nhớ. Sự thiếu vắng làm em
thao thức, như mất mát cái gì. . . .”
-“Ðấy có phải
là mối tình đầu của Liên không?”
-“Khi đó em
còn nhỏ nên chưa phân tích được, nhưng
có một điểm em thấy lòng mình xao xuyến mong đợi. Và khi gặp lại, cuộc đời em thay đổi. Chúng em yêu thương nhau từ đó. Em lên đại-học. Chúng em hiểu không thể thiếu nhau trong cuộc
đời, và ước hẹn sẽ xây dựng một gia đình hạnh phúc. Nhưng tai ương xẩy đến quá nhanh, chúng em
chưa thực hiện được điều mình mong muốn.”
-“Ngày 30/4
là ngày đau thương của dân tộc chúng ta.
Biết bao nhiêu thảm cảnh xẩy ra, nhiều gia đình đã đổ vỡ, chia ly.”
-“Vâng, vào
lúc chúng em hình thành nguyện ước thì miền Nam mất,
Tuấn đi cải tạo. Chúng em có với nhau 4
năm yêu thương, và bây giờ đã 5 năm chờ đợi.
Em hiểu tuổi xuân của em đang qua đi.
Có lúc em tự hỏi còn phải chờ đợi bao lâu nữa, và nếu Tuấn không về thì
cuộc đời em sẽ ra sao đây. Có phải mọi
việc đã muộn màng rồi không.”
Thu cảm thấy
dâng lên trong lòng niềm chua xót khi nghe chuyện của Liên. Có phải chuyện của Liên cũng là chuyện của
chính nàng. Những thắc mắc lo âu cuả
Liên làm tim nàng se thắt.
Thu đã nhiều
lần tự hỏi, nếu một ngày kia chồng nàng không trở về, có phải mọi việc trở
thành dang dở không. Sự đau thương đến với
một kiếp người thực đơn giản thế sao.
Nàng đã khóc thầm trong nhiều đêm vắng cho số kiếp long đong của người
đàn bà vào thời buổi này. Nàng nuốt trọn
những hờn tủi trong những năm qua. Còn
gì đau thương bằng nhìn thấy sự mất mát của mình, nhìn thấy tình yêu thương của
mình vuột khỏi tầm tay.
Thu cố giữ
im lặng, để sự chán nản thất vọng như nước thủy triều đang dâng lên trong lòng
lắng đọng. Nàng thông cảm với Liên. Bất cứ câu nói nào trong giờ phút này, dù là
một lời an ủi, cũng có thể khơi dậy nỗi buồn để bật thành tiếng khóc.
Liên tiếp
lời sau tiếng thở dài:
-“Ðôi khi
vì lòng ích kỷ tự nhiên của con người, em có ý nghĩ, nghĩa vụ gì bắt em phải chờ
đợi. Em có quyền lo cho đời sống của cá
nhân em. Nhưng không hiểu sao em vẫn
không thực hiện được ý định đó. Có phải
vì lòng yêu thương mà chúng ta hy sinh.
Chúng ta chấp nhận phần thua thiệt cho riêng mình.”
-“Tôi có
cùng ý nghĩ như Liên.
Vì tình yêu thương chúng ta chấp nhận hoàn cảnh hẩm hiu. Nhưng thực ra, chúng ta mang nợ các anh ấy
nhiều quá. Họ đã trải thân chiến đấu bảo
vệ miền Nam Tự-do,
để chúng ta có đời sống an toàn hạnh phúc.”
-“Vâng, mỗi
khi nghĩ đến Tuấn và mỗi lần gặp anh ấy, em thấy thương xót nhiều hơn. Mà phần đau như chính em phải mang, phải chịu. Các anh ấy là những “anh hùng mạt lộ”, họ đã
chiến đấu, đã hy sinh cho mọi người miền Nam quá
nhiều. Họ luôn đối diện với cái chết từ
phương Bắc mang tới. Họ đã được những
gì. Phải chăng họ sẵn lòng chiến đấu vì
không muốn miền Nam rơi
vào tay cộng-sản. Nhưng tiếc thay, các
anh ấy đã mất tất cả. Chỉ bám víu vào niềm
an ủi cuối cùng là tình yêu thương còn lại của người thân.”
-“Liên nói
đúng, chúng ta hơn các anh ấy ở chỗ, dù đời sống có thay đổi nhưng khung cảnh cũng
ít nhiều quen thuộc. Còn ở đây xa lạ
quá, không phải là thế giới quen sống của họ.”
-“Em thông
cảm với nỗi đau thương, niềm tủi nhục trong lòng các anh ấy. Họ bị buộc phải thua trận trong khi lòng vẫn còn hăng say chiến đấu. Họ đã trải thân bảo vệ nền hòa bình, dân chủ
của miền Nam, là
nơi được coi như một tiền đồn của “Thế
giới Tự-do”. Mà hiện tại, họ bị đầy ải
trong ngục tù tăm tối không có ngày mai.
Vì vậy em cố gắng ra thăm, dù chỉ gần gũi trong phút giây ngắn ngủi.”
-“Tôi thông
cảm vói Liên. Nỗi đau của chúng ta vẫn
là nỗi đau chung. Có lẽ chuyện chúng
mình chỉ mình hiểu được thôi. . . .”
Tự nhiên
Thu cảm thấy thân với Liên, như đã từng là đôi bạn, dù chỉ mới gặp không lâu.
*
17.
(Cổng Nam Thành Nhà Hồ, Thanh Hóa: xây dựng năm 1397) |
Bầu trời một
mầu xám lợt, sương đêm phủ mờ rừng cây.
Tiếng vượn đã ngừng kêu. Trả lại
bóng đêm cho đàn dế đang nỉ non to nhỏ, hòa lẫn tiếng ếch nhái gọi trăng nơi
các thửa ruộng sau nhà. Ngang trời chỉ
còn những cánh vạc lẻ bạn.
Khu gia
đình cán bộ đã lên đèn. Ánh điện vàng yếu
không đủ soi sáng căn phòng nhỏ. Họ đang
quây quần quanh mâm cơm gia đình. Thu
nghe rõ tiếng cười của các em nhỏ. Chúng
trạc tuổi con nàng, đang vui đùa bên những người thân yêu. Nhưng tại góc núi này, chúng hấp thụ những gì
để cải tiến cuộc đời, khi mà ánh sáng văn minh không tới đây, dù chỉ là nền văn
minh của một quốc gia nghèo kém nhất.
Chúng sẽ được giáo dục như thế nào để phát huy tài năng của tuổi trẻ. Hay từ sáng đến tối chỉ nhìn thấy hình ảnh tù
đầy, thù hận. Chúng sẽ tiếp tục nối gót
người đi trước, trên con đường hạn hẹp bằng phương pháp “trồng người”, để có đủ
sản phẩm cung ứng cho nhu cầu gọi là “cách mạng dân tộc.”
Ở đâu đây vẳng
đưa lời ca: “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng. . .” Lời ca bùng lên mang theo những uất nghẹn đau
thương của một dân tộc, mở đầu một kiếp sống hận thù.
Thu nhớ đến
các con ở nhà, không hiểu giờ này chúng ra sao.
Lòng nàng se thắt như đứng giữa hai ngả đường. Chúng còn nhỏ dại, làm sao có thể tự lo được. Chúng luôn cần cả mẹ lẫn cha.
Vào tới chỗ
nằm, Thu thấy Vân-anh đã sửa soạn xong bữa ăn.
Vân-anh nhìn nàng mỉm cười:
-“Ði đâu về
thế bồ. Ðã thấy khỏe chút nào chưa?”
-“Mình ra
ngoài một chút cho mát, thấy bạn ngủ ngon nên mình để yên.”
-“Ăn một
chút cơm canh nóng cho ngon miệng, chúng mình ăn thức ăn khô đã mấy ngày nay.”
Thu vui vẻ
ngồi ăn cơm với bạn. Bữa cơm thường
nhưng ngon miệng vì cơm canh nóng hổi.
Nhất là khi tới đây, làn nước mát đã giúp nàng khoan khoái, dễ chịu sau
mấy ngày cô thúc trên tầu.
Thấy trời
đã tối, Vân-anh hỏi:
-“Thu có định
làm thức ăn tối hôm nay không?”
-“Mình nghĩ
để sáng mai làm thì tốt hơn. Bây giờ có
làm cũng không đủ nồi nấu, hơn nữa trong bếp quá chật. Sáng mai 9 giờ mới gặp mặt. Mình dậy sớm một chút nấu cho nóng. Có hai món với nồi cơm để nắm cũng không
lâu.”
-“Thu tính
cũng phải, tối nay mình cũng cần nghỉ ngơi thư thả một chút.”
Sau bữa cơm
Thu rủ bạn ra sân. Ngoài sân gió mát
nàng thấy dễ chịu hơn. Không gian thật
yên lặng. Ánh trăng bạc phủ xuống vạn vật
một mầu trắng lợt. Phía trước là sân vận
động đang chìm dần vào bóng đêm. Khu cơ
quan nằm gọn nơi cuối sân, chiếc cột cờ
bằng thân tre đơn độc vươn lên khỏi những mái ngói lấp xấp nằm sát nhau. Con đường đất trước nhà thăm nuôi vắng tanh,
không có lấy một bóng người qua lại.
Thu thấy mẹ
con thiếu phụ quấn khăn tang ngồi nơi ghế cuối sân. Người mẹ ôm vai con vỗ về to nhỏ. Lần này chị ra thăm chồng không còn bận rộn với
cơm canh, xào nấu như lần trước. Nếu
không có đứa con đi theo, có lẽ chị không cần sửa soạn bữa ăn, mặc dù ở đây đã
hơn một ngày. Nàng kéo Vân-anh tới ngồi
chungï. Nàng mở lời:
-“Chị và
cháu ra đây lâu chưa?”
Chị nhìn
Thu và Vân-anh trong giây lát rồi trả lời:
-“Tôi ra
đây từ hôm qua khi hay tin nhà tôi mất.”
Khi nhắc tới
người yêu thương vừa qua đời, Thu thấy chị xúc động ôm chặt đứa con vào
lòng. Chị đưa tay thấm khô giòng lệ mà
nàng cảm thấy có thể tuôn rơi không ngừng.
Thu an ủi:
-“Chúng tôi
chia buồn với chị. Sinh ly tử biệt âu cũng
là số mệnh. Anh đã mất lâu chưa?”
-“Nhà tôi mất
đã mất tháng nay.”
-“Sao chị
hay tin trễ vậy?”
-“Ðầu năm
tôi và cháu nhỏ có ra thăm. Lúc đầu tôi
không được phép gặp mặt, vì nhà tôi vi phạm kỷ luật. Cán bộ bảo tôi có thể để quà lại và ra về,
trại sẽ chuyển qùa cho nhà tôi. Tôi
không rõ tình trạng nhà tôi như thế nào, nên năn nỉ xin được gặp mặt. Tôi nói mãi cán bộ trại mới bằng lòng. Họ bảo thông cảm trường hợp của tôi, lặn lội
từ xa tới đây, nên cho gặp mặt nhà tôi 30 phút.
Tôi lo lắng
cho nhà tôi vô cùng. Thanh-cẩm là trại cũ,
nhà cửa thiếu vệ sinh, nhất là khu kỷ luật.
Tôi nghe tù hình sự kể lại mà thấy sợ.
Không hiểu trong hoàn cảnh đó làm sao các anh ấy sống nổi. Ngày xưa người ta phản đối chuồng cọp ở
Phú-quốc và Côn sơn là vô nhân đạo. Thực
ra chỉ nghe mà thôi. Còn ở đây khổ gấp
bao nhiêu lần nhưng có ai được tới đây mà biết.”
-“Khi gặp
anh chị thấy thế nào. Anh có nói gì
không?”
-“Tôi đứng
đợi nơi bậc tam cấp bước lên đường. Từ
xa tôi thấy nhà tôi đi tới. Anh cải tạo
phụ trách nhà thăm nuôi đẩy xe ba bánh theo sau. Nhà tôi mặc bộ quần áo xanh còn in nếp gấp. Có lẽ anh vừa được phát trước giờ ra gặp thân
nhân, như hai chị thấy ai cũng mặc quần áo cũ.
Nhà tôi thật
gầy, anh bước xuống bậc tam cấp mà không được vững. Hai chân anh run rẩy sau mỗi bước đi. Tôi lại gần đỡ anh. Cán bộ chỉ chỗ cho nhà tôi và tôi ngồi ghế đối
diện tại chiếc bàn lớn ở hàng hiên kia.
Cán bộ phụ trách nhà thăm nuôi ngồi ở đầu bàn quan sát và theo rõi hành
động của chúng tôi. Hai chị nghĩ làm sao
tôi có thể hỏi được điều mình muốn biết.
Tôi ngậm đắng trong lòng khi hỏi nhà tôi:
-“Anh bệnh
đã lâu chưa.Trông anh ốm yếu quá.”
Chỉ nói được
bằng đó câu tôi đã nghẹn lời, không cầm được nước mắt. Thấy tôi buồn quá, nhà tôi cất giọng nhát gừng
thều thào như không còn hơi sức nói:
-“Em đừng
khóc, anh có bệnh tật gì đâu. Anh khỏe
mà. Em đừng quá lo cho anh mà sinh bệnh.
Ở đây thuốc men đầy đủ. Nếu tiện
em gửi cho anh một ít thuốc bổ đa sinh tố và nhất là thuốc đau dạ dầy. Dạo này bệnh cũ của anh lại tái phát.
Quả thật
khi đó lòng tôi buồn quá. Tôi tự đặt câu
hỏi, tại sao nhà tôi phải nói dối những điều mà thoáng nhìn ai cũng biết. Bảo không bệnh sao người lại gầy ốm như cây sậy. Nhà tôi còn bảo gửi thuốc đau dạ dầy vì bệnh
cũ tái phát. Tôi lại càng ngạc nhiên vì
trước kia anh có mắc bệnh này đâu mà bảo tái phát. Bệnh này có thực hay chỉ là bệnh giả.”
Vân-anh góp
lời:
-“Hay vì
đói quá mà phải nói khác đi, như những bức thư các anh “cải tạo” gửi về nhà xin
đồ tiếp tế. Vì thư từ của tù nhân bị trại kiểm duyệt trước khi gửi.”
-“Vâng, tôi
cũng nghĩ như chị. Lúc này lòng tôi buồn
vô cùng. Nước mắt không làm vơi được nỗi
lo âu trong lòng. Tôi có cảm giác đôi
lúc như muốn xỉu, vì không chịu đựng nổi hình ảnh trước mắt.
Gương mặt
nhà tôi xanh xao, hai gò má gồ cao khiến hai hốc mắt trũng sâu. Mái tóc có quá nhiều sợi bạc ở tuổi của
anh. Tôi có cảm tưởng nếu không có lần
vải che ngoài, người chồng yêu thương ngồi trước mặt tôi chỉ còn là bộ xương biết
cử động. Chỉ một thời gian ngắn không gặp
mà anh đã thay đổi hẳn so với lần thăm nuôi trước.”
Thu hỏi chị:
-“Anh có
nói thêm gì nữa không?”
-“Nhà tôi vốn
vui tính, gặp người lạ cũng dễ làm quen nhanh, mà hôm đó anh im lìm mệt mỏi. Từ ánh mắt đến cử chỉ nói lên sự buồn nản,
như không còn một chút hy vọng ở tương
lai. Nhìn anh tôi đủ rõ hình phạt kỷ luật
ở đây thật ghê sợ. Nó làm tiêu hao dần
sinh lực, làm mỏi mòn cả tham vọng sống.
Thỉnh thoảng
nhà tôi xoa hai tay, cử động hai vai như bị mỏi lâu ngày. Co duỗi hai chân như bị tê bại sau nhiều
tháng cùm xích. Nhũng món ăn nhà tôi
thích nhất cũng không đụng đũa tới. Nhiều
lần tôi dục anh ăn một chút cho ấm lòng, nhưng anh nói anh không đói mà chỉ muốn
nói chuyện với mẹ con tôi.”
-“Chị thấy
anh có gì lạ không?”
-“Khi đó
lòng tôi rối bời, nhưng cũng nhận ra anh muốn nói một điều gì nhưng lại thôi,
vì người cán bộ luôn nhìn anh quan sát từng cử chỉ. Ba mươi phút trôi qua thật nhanh. Cán bộ nhắc chừng chúng tôi đã hết giờ gặp mặt. Tôi đến gần nắm tay nhà tôi, chỉ thấy hai
cánh tay gầy trơ xương, không còn là đôi tay đầy sinh lực mà tôi đã từng nép
mình nương tựa. Nhà tôi dang tay ôm tôi
như thói quen trước đây, nhưng nửa chừng ngừng lại, như anh chợt nhớ tới hình
phạt kỷ luật mỗi khi vi phạm. Tôi dìu
anh ra tận bậc tam cấp bước lên đường. Tay anh
run rẩy, nước mắt quanh tròng. Tôi hiểu
nỗi lòng của anh, cũng như anh nhìn thấy sự đau khổ của tôi. Tôi bật khóc lớn, vì không còn gì ngăn cản
tôi được nữa. Tôi ôm chặt lấy anh, con
tôi cũng ôm lấy bố. Bàn tay anh nới lỏng
dần. Tôi nói với theo: -‘Anh ráng giữ sức
khỏe nhé. Việc nhà anh đừng lo. Em sẽ ra thăm anh luôn.’
Nhà tôi
quay lại mỉm cười. Tôi chỉ thấy ở anh một
nụ cười héo hắt, thể hiện niềm hạnh phúc đang tan vỡ. Anh dơ tay vẫy mẹ con tôi. Có ngờ đâu lần gặp mặt đó là lần gặp cuối
cùng.”
Thu tiếp lời:
-“Tôi không
rõ nhiều về sinh hoạt trong trại, nhưng nghe mấy anh hình sự cho hay hình phạt kỷ luật ở đây ghê sợ lắm. Nhất là vì thù hận, họ coi mạng sống con người
không có một chút giá trị nào.”
-“Vâng, vào
lần thăm nhà tôi vừa rồi, tôi biết anh đang bị kỷ luật. Tôi có hỏi mấy anh hình sự mới biết, tùy theo
mức độ vi phạm kỷ luật mà tù nhân được hưởng chế độ cùm xích. Cùm chân rất khổ, vì vòng sắt ôm cổ chân được
xâu vào một thanh sắt nên tù nhân khó xoay trở.”
Thu thật
xúc động khi nghe kể về đời sống của người bị kỷ luật. Nàng góp lời:
-“Trong
hoàn cảnh kỷ luật như thế, nếu thực phẩm không đủ chất bổ dưỡng thực khó mà giữ
không bệnh tật đau ốm.”
-“Ngay như
người cải tạo bình thường cũng đã khó mà giữ được sức khỏe không suy giảm huống
hồ bị kỷ luật. Vì không phải đi lao-động
nên phần ăn cũng giảm. Nhà nước quan niệm
không đổ mồ hôi nên không cần ăn nhiều như người lao động. Vào ngày ăn bắp hạt luộc với muối, để giết thời
gian và cũng để kéo dài bữa ăn, anh em trong phòng kỷ luật có thú vui nằm đếm từng
hạt bắp mỗi khi ăn. Một bữa ăn đong chưa
đầy miệng chén đá, ít hơn người đi lao động hai muỗng ăn cơm. Số nguời trong khu kỷ luật đa phần từ trại
Quyết-tiến chuyển về, có người đã ở gần hai năm, từ ngày tới trại này.”
Thu giật
mình khi nghe thấy hai chữ Quyết-tiến.
Hành động của họ như thế nào mà phải chịu kỷ luật lâu đến thế. Nếu không gặp chồng chiều nay chắc nàng sẽ lo
sợ vô cùng. Nàng tiếp lời:
-“Trại có
thông báo cho chị hay tin anh mất không?”
-“Họ đâu có
cho hay. Tôi được bạn đi thăm nuôi về
cho biết là nghe tin nhà tôi mất. Hôm
qua khi tới đây, tôi có hỏi cán bộ trại về tình trạng nhà tôi, họ nói nhà tôi bị
đau mà chết. Họ khuyên tôi về vì mọi việc
đã xong xuôi. Tôi đòi thăm mộ nhà tôi,
mãi đến chiều hôm qua họ mới cho đi.”
-“Anh nằm ở
nghĩa trang gần đây?”
-“Quả thật
khi nhìn thấy nấm mồ của nhà tôi, tôi không tưởng tượng được chế độ này quan niệm
về con người như thế nào. Trước khi tới
đây, tôi những tưởng dù gì đối với người đã chết, thì hận thù đến mấy cũng xóa
bỏ. Vì một chút tình đồng bào cũng được
mồ yên mả đẹp. Nhưng điều tôi mong đợi
đã xụp đổ. Nhà tôi được chôn trong khu rừng
cỏ tranh. Ngôi mộ chỉ là đống đất cao
hơn mặt vườn, trên cắm miếng gỗ ghi tên nét chữ viết vội vàng.”
-“Ðó là điều
thật thương tâm khi họ coi thường thân xác người đã chết. Nhưng tàn nhẫn hơn nữa, họ đang đầy ải, bạc
đãi những người đang sống. Chị có biết
thêm gì về cái chết của anh không?”
-“Tôi nghĩ ở
trại này ai cũng biết, che dấu mãi làm sao được. Ðành là họ có quyền, muốn giết ai thì giết,
nhưng còn mấy chữ “nhân đạo, khoan hồng”
thì có nghĩa gì đây. Chiều hôm qua khi
cán bộ trở về, tôi có hỏi người hình sự đi cùng, hắn cho hay vì bị đối xử tàn
nhẫn nên nhà tôi và bốn người nữa đã vượt ngục.”
-“Thật tội
nghiệp, các anh ấy vì quá uất ức nên vượt ngục.
Nhưng với chính sách ăn để cầm hơi, để kéo dài sự sống ngày một tàn lụn,
trong khi chân bị cùm xích, thử hỏi lấy sức đâu vượt qua khỏi mấy vòng tường
cao.”
-“Vâng, chị
nói đúng. Mặc dầu các anh chọn một đêm
không trăng, vượt qua được các trở ngại trong khu kỷ luật là đã vất vả lắm rồi,
nên khi ra đến vòng tường trại thì trời gần sáng. Nhà tôi và một người nữa yếu quá không thoát
ra khỏi vòng tường cao. Mấy người ra khỏi vòng tường trại không thể đi tiếp,
đành nằm trong bụi rậm bên bờ sông đợi trời tối. Chẳng may một dân làng ở bên kia bờ sông nhìn
thấy nên báo cán bộ trại hay.”
Vân-anh gật
đầu góp ý:
-“Ðây là một
ưu điểm của chế độ. Như các chị thấy,
khi đưa các anh ấy ra miền Bắc là có ý tách rời liên hệ với gia đình. Các anh trở thành một thứ con tin nằm trong
tay nhà nước, nên mọi gia đình người “cải tạo” không dám vọng động. Các trại “cải tạo” tại miền Bắc thường đặt tại
các vùng núi rừng hiểm trở, xa nơi dân cư đông đúc. Tù nhân phải phát hoang làm rẫy để tự nuôi sống. Các anh hoàn toàn xa lạ với địa phương mình ở. Hơn nữa với chính sách thưởng công, vài ký gạo
hay dăm cân thóc đã khuyến khích người dân khi đời sống quá thiếu thốn.”
Chị Vân tiếp
lời:
-“Sở dĩ đám
hình sự được biết vì có báo động cả trại
ngoài khi có tù trốn trại. Khi các anh
ra khỏi chỗ trốn, đám cán bộ nhào tới, kẻ đấm người đá cho đến khi gục ngã vì
không còn sức chịu đựng trước những đòn đánh hận thù. Anh Tiếp bị đánh chết tại chỗ, những người
còn lại trong đó có LM. Nguyễn-hữu-Lễ, Ðại tá Trịnh-Tiếu, anh Nguyễn-sĩ-Thuyên
thì thừa sống thiếu chết. Họ được mang
trở lại khu kỷ luật, không có lấy một mảnh vải che thân. Còn nhà tôi, sau trận đòn bầm dập thân thể,
đã bị bỏ đói và qua đời sau một tuần lễ, trong khi chân vẫn còn cùm xích.”
Vân-anh góp
lời:
-“Vậy bao
giờ chị và cháu trở về miền Nam?”
-“Cán bộ trại
dục tôi rời đây sớm, lấy cớ nhà thăm nuôi chật hẹp, không đủ chỗ cho gia đình đến
thăm. Nhưng tôi hiểu họ không muốn cho mẹ
con tôi ở đây. Vì tiếng khóc và giải
khăn xô tôi mang sẽ khích động thân nhân anh em “cải tạo”. Như một chứng cớ đối nghịch, làm sáng tỏ
chính-sách “khoan hồng, nhân đạo”, đã từng nêu cao như một nghĩa cử tốt đẹp đối
với người đồng loại.”
Thu chua
xót thở dài nói:
-“Quả thực,
những hình ảnh xẩy ra hàng ngày càng làm chúng ta không quên được câu nói:
‘không nghe những gì cộng-sản nói, hãy nhìn những gì cộng-sản làm’. Tôi thông cảm niềm đau của chị, vì chúng ta
đang mất dần tình yêu thương.”
-“Vâng, tôi
vẫn muốn nán lại vài ngày, được nhìn nấm đất vùi nông thân xác nhà tôi. Mặc dù tôi hiểu mọi thứ đã trở thành vô
ích. Nhà tôi đã yên phận, còn đời sống mẹ
con tôi sẽ ra sao đây, khi hy vọng chờ đợi của chúng tôi không còn. Liệu hình ảnh đau thương này, có phai mờ
trong tâm trí trong trắng của các con tôi không. . .” _ Chị im lặng trong giây
lát rồi tiếp_ “Từ nẫy đến giờ nghe chuyện của tôi làm hai chị buồn lây.”
Vân-anh
nói:
-“Không hẳn
như vậy. Cảnh ngộ của chúng ta có khác,
nhưng nỗi buồn của chúng mình vẫn chỉ là một.”
-“Hai chị
có thường ra thăm các anh ấy không?”
Thu trả lời
chị:
-“Lần này
chúng tôi ra Bắc là lần đầu. Cách đây
năm năm tôi có gặp nhà tôi một lần ở trại Gia-rai Long-khánh.”
-“Các anh ở
đây đã bao lâu mà bây giờ các chị mới ra thăm?”
-“Tôi vừa
được người bạn cho biết tin nhà tôi chuyển về đây, nên tôi vội ra thăm.”
-“Chị đã gặp
anh chưa?”
-“Tôi có gặp
nhà tôi lúc buổi chiều khi anh lao động bên đường. Tôi thấy cán bộ gọi nhà tôi lại, không hiểu
có chuyện gì không may xẩy ra cho nhà tôi không?”
-“Bình thường
đó là một vi phạm kỷ luật của trại, mà sự phán xử lại tùy hứng của nguời cán bộ
trực tiếp. Họ từng nói là nguời đại diện
pháp luật nhà nước, nên trọn quyền quyết định.
Dù sao, hy vọng anh không gặp trở ngại nào. Tôi nghĩ họ thông cảm vì vợ chồng lâu ngày
không gặp mà khắt khe.
Ðã khuya rồi
hai chị nên đi nghỉ. Mấy ngày tầu xe mất
ngủ đã mệt lắm rồi. Hai chị nhớ ghép màn
cho kỹ, ở đây rất nhiều muỗi rệp.”
Mọi người
đã vào giường, còn lại một mình Thu đi lại trong sân. Trăng sáng nên bầu trời trông thật cao. Từng cụm mây bay ngang che mờ ánh trăng. Nàng thu mình nơi ghế ngồi. Hơi lạnh đẫm sương thấm sâu vào da qua lần áo
mỏng. Ánh trăng thật dịu, nhuộm xám những
ngọn cây phía xa xa.
Nàng biết
là mình sẽ trằn trọc đêm nay, tâm tư nàng vẫn bị ám ảnh bởi những câu chuyện vừa
nghe. Quả thật lòng nàng đang lo sợ những
không may xẩy đến. Con người vốn bất lực
trước cái chết, nhưng ở đây người ta bất lực cả với sự sống, lẫn lộn khổ đau với
lo âu. Sự sống con người nằm trong tay kẻ
khác, nó thật mong manh giữa lòng thù hận.
Nàng thương
chồng nhiều quá. Thu tự hỏi giờ này anh
làm gì. Có yên giấc sau giờ lao động mệt nhọc, hay vẫn trằn trọc xúc động về buổi
gặp mặt ngày mai. Tâm tư nàng bấn loạn.
Trời về
khuya càng lạnh. Sương đêm đã thấm ướt bờ
vai, Thu trở vào phòng. Ngọn đèn điện
chiếu sáng căn nhà về đêm. Vân-anh ngủ
thật ngon. Bên ngoài màn muỗi vỗ cánh
như đàn ong vỡ tổ.
*
18.
(Tháng 4-1975) |
Tiếng
gà gáy sang canh làm Thu thức giấc. Nàng
cảm thấy dễ chịu hơn, mặc dù giấc ngủ không trọn vì pha trộn những ác mộng.
Trời còn sớm,
nhưng Thu vẫn muốn trở dậy để sửa soạn bữa ăn sáng nay. Ðã lâu nàng không có dịp ngồi ăn chung với chồng. Nàng nhẩm tính những món ăn sẽ làm. Theo những
người đi thăm nuôi cho hay, ngoài sở thích còn phải đạt yêu cầu. Với cái đói hành hạ hàng ngày, người tù cải tạo
cần lượng hơn phẩm. Câu nói cửa miệng:
no nhất thời đói muôn thuở, đã trở thành châm ngôn diễn tả đời sống tù nhân
trong trại “cải tạo”.
Thu đã đọc
những đoạn thư của anh em “cải tạo” gửi về.
Lá thư như một thực đơn, gồm những thứ rẻ tiền mà ít gia đình nào dùng
trước đây. Có lẽ người tù “cải tạo” thấu
hiểu hoàn cảnh ở nhà, đồng tiền phân bạc ở giai đoạn gạo châu củi quế, cực nhọc
lắm mới kiếm ra. Hơn nữa trong đời sống
hiện tại, chỉ cầu no chứ không cầu ngon.
Họ cần những thứ để chống đói.
Thu nấu
xong nồi cà-ri, nàng bỏ thêm vào hai chục trứng vịt luộc. Một nồi canh miến gà. Một nồi cơm lớn, đủ cho mười người ăn no, nắm
thành năm nắm. Luộc lại mấy chiếc bánh
chưng nàng mua ở bến xe Thanh-hóa. Thu
nghĩ chắc bánh cũng không có gì đặc sắc, nhưng có thêm thức ăn vẫn hơn.
Trời đã
sáng, nhưng sương đêm vẫn phủ mờ cảnh vật một mầu trắng đục. Thu có cảm tưởng như mình lọt vào thung lũng
đọng sương. Không gian hoàn toàn yên lặng,
ngoại trừ tiếng gà gáy sáng quanh đây.
Vừa ra khỏi
bếp, Thu gặp anh “cải tạo” phụ trách nhà thăm nuôi.
-“Chào chị,
hôm qua anh cho tôi hay có chị ra thăm, chị cần gì cho tôi biết. Mấy ngày tầu mệt mỏi, đêm hôm qua chị có lạ chỗ không?”
-“Cám ơn
anh, mấy ngày trên tầu quả có mệt vì chỗ ngồi chật chội, nhất là phải thức để
coi chừng mấy túi quà. Khi đến đây chúng
tôi chỉ thèm một giấc ngủ ngon, nhưng đêm qua lại khó ngủ. Vừa chợp mắt gà đã gáy sáng.”
-“Tâm lý
chung đó chị, chúng tôi ở trong trại cũng thế.
Khi biết có thân nhân tới thăm, dù già hay trẻ, đêm đó không ai có thể
ngủ được. Ði lại trong phòng không biết
bao nhiêu lượt. Sợ đi lại nhiều làm phiền
các bạn cần giấc ngủ để ngày mai có sức lao động. Nhưng vừa nằm xuống lại muốn trở dậy, hút thuốc
liên miên.”
-“Gia đình
anh ra thăm thường chứ?”
-“Nhà tôi
và cháu lớn có ra thăm tháng vừa rồi.
Nói chị đừng cười, ngoài điểm được gặp mặt gia đình để biết chuyện nhà,
chúng tôi còn cần một chút quà, dù chỉ là gói quà nhỏ gửi qua đường bưu điện. Chúng tôi chẳng khác nào đứa trẻ mong mẹ về
chợ. Thân thể chúng tôi chóng suy nhược
vì theo “chính sách ăn để không chết ngay”, nên mong có chút quà để kéo dài sự
sống. Thêm vào đó, về phương diện tâm
lý, chúng tôi có niềm vui là không bị bỏ quên.”
-“Mấy năm vừa
qua chúng tôi cũng rất thiếu hụt thực phẩm, không rõ ở trong trại các anh có bị
ảnh hưởng không?”
-“Vâng, năm
1977 là năm đói nhất. Khi chúng tôi mới
ra đây nhiều vùng còn hoang vu. Chúng
tôi phải phá rừng làm rẫy, trồng cấy hoa mầu để tự nuôi sống. Nhiều khi đói qúa, chúng tôi gặp thứ gì ăn thứ
đó, chỉ cốt nhét cho chặt dạ dầy. Chị ra
thăm anh mừng lắm”
-“Tôi mới
nhận được tin nhà tôi ở đây nên vội ra thăm, vì đã lâu không gặp. Tôi không rõ nhà tôi cần gì nên chỉ mang những thứ thường dùng.”
-“Chúng tôi
hiểu gia đình ra thăm rất khó khăn, của một đồng công một nén. Mọi thứ đối với chúng tôi đều qúy.”
-“Anh có gặp
nhà tôi thường không?”
-“Chúng tôi
ở khác phòng, nên chỉ gặp nhau sau giờ lao động. Chúng tôi luôn mong ngày Tết, vừa có dịp nghỉ
ngơi và qua lại các phòng thăm bạn.”
-“Khi tới
đây tôi nghe nói cán bộ trại để ý tới số anh em từ trại Quyết-tiến chuyển về,
nên tôi rất lo cho nhà tôi.”
-“Vâng, các
anh khổ hơn chúng tôi nhiều. Các anh
không có cả tự-do tối thiểu của một người tù cải tạo. Khi tới đây, 48 người các anh được ở riêng một
phòng. Thông thường chúng tôi hỏi thăm
các anh em ở trại khác tới, nhưng lần này trại cấm liên hệ. Anh em trong trại thường gọi các anh là “đại
đội trừng giới”. Ðội các anh có nhiều người đi kỷ luật nhất.
-“Nghe anh
nói tôi mới biết sự khổ cực mà anh em Quyết-tiến phải chịu đựng.”
-“Các anh
nói thời gian đầu khi tới trại này là hạnh phúc nhất vì được nằm chỗ rộng, muốn
ngủ hay thức tùy ý, không phải đi lao động, ngày hai bữa cơm bưng nước rót, tối
ngủ có lính canh. . . Sau đó tôi mới hiểu, các anh đã trải qua nhiều gian nan
nguy hiểm, có sợ cũng thế thôi. Trong
cái chết tìm ra con đường sống, trong cùng cực
tìm thấy niềm vui.”
-“Hôm qua
tôi gặp nhà tôi khi anh đào hố cá nhân
bên đường. Chúng tôi chưa kịp nói câu
nào đã nghe tiếng quát gọi tên nhà tôi.
Không hiểu có gì xẩy ra không?”
-“Người gọi
anh là cán bộ quản giáo, hắn kỷ luật nhất trại.
Chị yên tâm, vì anh đã được phép gặp gia đình.”
-“Anh thấy
sức khỏe nhà tôi ra sao. Không hiểu anh
có bệnh gì không?”
-“Sức khỏe
của anh hiện giờ đã khá rất nhiều. Khi mới
tới trại, chúng tôi nghĩ các anh là những bộ xương biết đi. Nhìn các anh chúng tôi biết các anh vừa trải
qua một nơi kinh hoàng nhất. Tù nhân
luôn bị ám ảnh mình sẽ không còn cơ hội trở về với gia đình. Và cuộc sống sẽ trở lên vô nghĩa khi không
còn hy vọng ở tương lai.”
-“Chiều hôm
qua tôi thấy các đội lao động về, người nào người nấy gầy ốm tong teo.”
-“Ðời sống
chúng tôi bao giờ cũng vậy, cái đói luôn theo đuổi mặc dù đất trồng khai phá
nhiều hơn những năm trước, hoa mầu thu hoạch gấp bội.”
-“Không phải
chỉ riêng các anh ở đây, đời sống người dân cũng nằm trong chính sách xiết cuống
họng, tóm dạ dầy.”
-“Trong
tình trạng hiện tại, thời gian sẽ làm chúng tôi kiệt sức.”
-“Thực ra
khi thấy các anh, chúng tôi cũng đoán hiểu được phần nào về sinh hoạt đời sống ở
trại “cải tạo”. Nhưng với phần ăn thiếu
dinh dưỡng, cái đói gậm nhấm cơ thể
trong lúc lao động lại quá cực nhọc, mà các anh giữ được mạng sống kể cũng là một
điều kỳ lạ.”
-“Vâng,
không sớm thì muộn cuộc đời chúng tôi sẽ tàn lụn. Cái chết chỉ còn chờ thời gian. Họ không bắn bỏ chúng tôi từ giây phút đầu,
thì chúng tôi cũng chết một ngày không xa.
Cái đói hành hạ chúng tôi từng giây phút, là một cực hình ghê sợ hơn bất cứ hình phạt nào khác.”
-“Chúng tôi
biết như thế nhưng không làm sao được.
Trong hoàn cảnh xã hội đổi thay mà sức chúng tôi chỉ có hạn. Ðối với những gia đình giầu, có của ăn của để,
thì việc tiếp tế cho thân nhân cũng không mấy khó khăn. Nhưng thử hỏi còn đuợc bao nhiêu người, vì với
chính sách “biến miền Nam tiến
nhanh bằng miền Bắc Xã-hội Chủ-nghĩa”, đã đồng hóa họ với lớp người vô sản.
Còn thành
phần trước đây hàng tháng nhìn vào đồng lương của chồng, chúng tôi chỉ biết săn
sóc chồng con. Thành thử công việc bươi
chải kiếm sống đã là những khó khăn cho chúng tôi ở buổi giao thời.”
-“Trong tù
lòng dạ chúng tôi cũng đau xót, nhưng không làm sao được, chúng tôi bất lực trước
hoàn cảnh bi đát của gia đình.”
-“Hoàn cảnh
của chồng con là mối thương tâm của chúng tôi.
Chúng tôi muốn chu toàn cho chồng nhu cầu tối thiểu mà không được. Chúng tôi đã cố gắng chắt bóp, dành dụm và chỉ được như thế
thôi. Mong các anh thông cảm.”
Anh “cải tạo”
nhìn ra đường rồi tiếp:
-“Sắp tới
giờ cán bộ tới. Cần gì chị cho tôi hay.”
-“Rất cám
ơn anh.”
*
19.
(Nguồn Google: Thăm nuôi) |
Những
tia nắng đầu ngày xóa dần màn sương phủ mờ ngọn cây, chỉ còn lại những hạt nước
long lanh đọng trên thềm cỏ dại.
Thu ra khỏi
bếp lửa, hơi nóng làm ửng hồng nét mặt của nàng. Gió ban mai mát rượi như mang hơi lạnh của
sương đêm. Nàng xúc động và xót thương,
khi nghe câu chuyện kể những gì xẩy đến cho chồng vào lúc bặt tin anh. Nàng quay lại khi nghe tiếng Vân-Anh, Thu hỏi
bạn:
-“Vân-Anh sửa
soạn vào bếp chưa?”
-“Không có
gì nhiều, mà còn lâu mới tới giờ gặp mặt, mình thủng thẳng làm cũng kịp.”
Thu để bạn
lo công việc, còn nàng ra phía sau nhà, tới chum nước kê dưới gốc mận cạnh ao đào, múc nước
vào thau. Nàng cong hai bàn tay vốc nước
lên mặt. Nước thật mát như thấm sâu vào
da, làm vơi đi sự mệt mỏi vì nhiều đêm thiếu ngủ. Thu rửa mặt thật kỹ, như muốn xóa hết nét ưu
tư trên khuôn mặt đăm chiêu của nàng.
Thu lấy chiếc gương soi nhỏ, cầm lược chải lại mái tóc. Phải, nàng muốn làm đẹp trước mặt chồng. Nàng nhè nhẹ chải mái tóc uốn cong ôm sát
phía sau, để lộ chiếc gáy thon nhỏ, phủ mờ những sợi tóc măng mềm mại.
Nàng nhớ
khi mới lấy chồng, anh vẫn thích kiểu tóc tém, hai bên uốn hơi dợn sóng bồng bềnh. Anh góp ý mình nên để đường ngôi bên, rẽ tóc
phía trước. Khuôn mặt sẽ đẹp hơn, càng lộ
vẻ duyên dáng thông minh, nó hợp với nét mặt hơi tây phương của nàng.
Khi đó nàng
nói đùa với chồng, mái tóc cắt ngắn như đàn ông, nhìn từ phía sau khi hai người
đi với nhau, giống như hai đứa con trai.
Thu đã ngắm mình trong gương nhiều lần, và nhận ra chồng nàng có
lý. Nàng trông trẻ hơn với mái tóc này,
một vẻ đẹp hiền dịu điểm nhẹ một chút kiêu sa.
Từ đó nàng luôn giữ kiểu tóc tém.
Lúc này tóc có hơi dài và thiếu vẻ bóng bẩy vì thời gian cực nhọc vừa
qua. Nhưng nàng muốn chồng thấy, nàng vẫn
là con người ngày trước, còn giữ được những nét mà chồng nàng yêu thương.
Anh vẫn
khen mình có mái tóc đẹp. Sợi tóc mềm
như tơ. Những sợi tóc mai phủ xuống đôi
má mịn hồng càng làm khuôn mặt nàng duyên dáng.
Anh làm mình cảm động khi bảo ‘tóc em như ướp hương thơm mùi lúa Tám, một
mùi thơm mát nhẹ nhàng.’ Sau này Thu mới
hiểu, khi nghe câu hát của người miền Nam ‘. . .
vợ chồng quen hơi’, nói lên tính thắm thiết của tình nghĩa vợ chồng.
Nghĩ đến
hoàn cảnh những người đàn bà như nàng.
Ðang có một đời sống sung sướng, không phải lo âu việc gì, bỗng chốc thời
thế thay đổi, như vừa trải qua một cơn ác mộng.
Ðẩy nàng vào một cuộc sống quá cực nhọc, nhiều chông gai. Nàng luôn cầu xin ơn trên giúp nàng vượt qua
những khó khăn, để vươn lên như ngày hôm nay.
Nàng hãnh diện với chồng vì giữ được lòng chung thủy.
Thu trở vào
sân, trên con đường phía trước nhà thăm nuôi, từng đội lao động đi qua hướng về
phía núi rừng ở tận cuối con đường. Lại
bắt đầu một ngày gian khổ cho người “tù cải tạo”.
Thu kiểm lại
những thứ mang cho chồng. Nàng để gọn
vào hai bao lớn, còn mấy món ăn vừa làm để riêng trong túi xách tay. Nàng nhìn qua thấy Liên đang đứng nơi giường
nằm. Thu mỉm cười dơ tay đáp lại câu chào của Liên. Cũng như nàng, Liên kiểm lại những thứ mang
theo.
Cán bộ phụ
trách nhà thăm nuôi cho hay 10 phút nữa Liên sẽ gặp thân nhân. Liên cám ơn hắn, và trở vào xách nững túi quà
ra ngoài hiên, sát cửa ra vào. Vẫn y phục
mầu đen như ngày hôm qua, khiến Liên có vẻ đẹp thật dịu dàng kín đáo, nổi bật
làn da trắng mịn màng.
Liên ra đón
bạn nơi bậc tam cấp bước lên đường, vẻ hân hoan lộ trên nét mặt rạng rỡ vui
tươi. Hai người vào bàn, ngồi đối diện
trước sự chứng kiến của cán bộ thăm nuôi ngồi nơi đầu bàn phía trong.
Từ chỗ giường
Thu ngồi nhìn ra, chỉ thấy những nụ cười pha trộn những giòng nước mắt. Ðột nhiên Liên đứng dậy, quay về phía cán bộ
trình bầy. Hai người đã quen nhau từ
lâu, chưa chính thức là vợ chồng, nhưng đã yêu thương tình sâu nghĩa nặng. Liên xin được tỏ bầy với người mình yêu
thương, trước sự chứng kiến của cán bộ.
Người cán bộ
trẻ ngạc nhiên. Ðây là lần đầu tiên
trong đời, hắn gặp một người con gái trẻ đẹp hết lòng yêu thương, chờ đợi một
người tù chưa biềt ngày về. Tuy vậy hắn
vẫn chấp nhận lời yêu cầu của Liên.
Liên rời chỗ
mình ngồi, vòng quanh chiếc bàn tới bên
Tuấn. Liên nắm chặt tay Tuấn như cố tìm
một chút hơi ấm đã thiếu vắng từ lâu.
Liên đeo nhẫn cho bạn, cô nói: “Em yêu thương anh vô cùng, trong suốt cuộc
đời này em chỉ yêu anh, một mình anh thôi. . .”
Giọng nói của Liên nức nở, pha trộn nhiều nước mắt đau thương hơn là âm
thanh hân hoan của một ngày vui.
Chỉ một câu
nói giản dị, ngắn gọn như đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần của những người đi trước. Nhưng ở đây , trong hoàn cảnh này, đã diễn tả
tình yêu thương mãnh liệt. Có lẽ Liên đã
suy nghĩ trong bốn năm yêu thương và hơn năm năm chờ đợi. Một quyết định đã ràng buộc cuộc đời Liên vào
sự đợi chờ vô vọng.
Thu ra cửa
nhìn theo. Liên đang tiễn bạn ra tận cuối
sân. Qua bậc tam cấp bước lên đường Tuấn
còn quay lại vẫy chào. Liên bước nhanh
lên mấy bậc tam cấp, lặng nhìn người yêu xa dần. Dáng Liên thon nhỏ, chiếc khăn tay nơi miệng
như muốn giữ cho tiếng khóc không thoát ra ngoài, mà âm thanh chỉ còn là tiếng
nấc nghẹn đau thương.
Thu xúc động
khi nhìn cảnh tượng trước mắt. Có phải
đó là một trong hàng trăm ngàn trường hợp đang xẩy ra trên mảnh đất khốn khổ
này không. Và cái chết đang gậm nhấm những thân xác tàn tạ của người “tù
cải tạo”, sống lây lất trên khắp các nẻo đường rừng núi âm u như ở đây
không. Liệu đến bao giờ mới chấm dứt được
cảnh chia ly đau khổ này, hay sẽ còn tiếp diễn mãi mãi.
Cán bộ nhắc
Thu sắp đến giờ nàng gặp mặt chồng. Nàng
nhớ lời hắn nhắc nhở khi nàng tới đây:
“Anh ấy cần an tâm để cải tạo, chị không nên nói những gì không cần thiết”. Nàng thừa biết đó là lời răn chừng. Những câu nói của nàng sẽ ảnh huởng tới thời
gian gặp mặt. Nàng nghĩ chắc chồng nàng
cũng được nhắc nhở trước khi ra đây.
Thu xắp xếp
các thứ gọn gàng để không mất thì giờ tìm kiếm.
Nàng buộc kỹ hai bao quà. Một túi
xách đựng thức ăn và mấy nắm cơm gạo trắng, hơi ấm còn phảng phất hương thơm của
lúa mới. Túi xách tay khá nặng không kể
hai bao lớn. Hy vọng anh có xe ba bánh
chở quà vào trại. Nếu phải gánh như Tuấn
liệu anh có gánh nổi không.
Thu xem lại
mấy lá thư các con viết cho bố, tấm hình đứa con trai lớn chụp ở bờ biển
Thái-lan. Nếu cán bộ có kiểm soát thì cũng
khó phân biệt, vì cảnh biển nào thu nhỏ trông cũng giống nhau. Nhưng anh sẽ hiểu khi đọc chữ “Chantaburi TL”
ghi mờ bằng bút chì ở mặt sau tấm hình.
Thu sửa lại
mái tóc, thấm khô những giọt mồ hôi còn vương trên trán, thoáng hiện những nét
bồn chồn như buổi gặp mặt lần đầu bao nhiêu năm về trước. Ðứng bên cửa ra vào, nàng nhìn trọn con đường
đất nhỏ dần mất hút vào lối rẽ. Khu gia
đình cán bộ nhộn nhịp. Một số anh ‘cải tạo’
đang lợp lại mái tranh của mấy căn cuối dẫy.
Các em nhỏ đang nhẩy nhót nơi sân trước ở đầu kia dẫy nhà. Phía trên đó là nhà giữ trẻ, im lìm sau hàng
dậu thấp.
Hình dáng
chồng nàng vừa hiện ra nơi lối rẽ. Thân
hình anh cao, gầy đang bước nhanh. Có lẽ
anh cũng bồn chồn vì nóng lòng gặp mặt.
Chính nàng cũng muốn con đuờng này ngắn lại, năm năm rồi còn gì. Thời gian đằng đẵng trôi qua, đã để lại trong
lòng nàng hằn sâu niềm thương nhớ. Lòng
nàng nao nao với những niềm vui.
Thu ra sát
bậc tam cấp bên đường đứng đợi. Mặt trời
đã lên cao, ánh nắng đan mây biến mất, khung cảnh trước mắt nàng chói lòa. Con đường đất rực nắng, không có lấy một bóng
cây, trừ những mảnh dậu lấp xấp bên đường.
Anh hôm nay
tươi tắn hơn, có lẽ vì bộ quần áo trại được giặt sạch sẽ. Nhờ vậy mà che lấp bớt tấm thân tiều tụy như
nàng gặp ngày hôm qua. Tóc anh cắt ngắn nên khuôn mặt thật hốc hác. Anh gầy đi rất nhiều. Nàng nhớ câu chuyện kể, các bạn đã ví anh như
con trâu già góp vui trong ba ngày Tết.
Anh bước
nhanh xuống bậc tam cấp. Nàng nghe thấy
tiếng “Em” anh gọi, nhưng hình bóng anh bị xóa nhòa sau màn lệ mỏng. Nàng không cầm được nước mắt. Những xót thương ở đâu kéo về đầy ắp lòng
nàng. Thu vừa nghe lại âm thanh ngắn gọn
nhưng thật ấm dịu.
Thu nắm chặt
tay chồng, một tay vòng sau lưng anh.
Cánh tay anh thật gầy, nếu không nhờ tay áo che đi, chắc chẳng khác nào que củi. Bàn tay anh chai cứng khô nhám. Nghe bạn anh kể đó là hậu quả của thời gian
lao động trên trại Quyết-tiến, các anh phải dùng tay nhổ đám cỏ tranh cao ngang
đầu gối. Bàn tay anh đã chẩy máu sau nhiều
ngày lao động, còn lưu lại những vết nứt nẻ, chai cứng.
Những đốt
xương sống gồ lên cao. Nàng có thể đếm
được những dẻ xương sườn. Bụng anh thắt
lại như một túi da bèo nhèo. Thu và chồng
ngồi vào ghế đối diện, sát đầu bàn phía sân.
Nàng muốn ngồi càng xa càng tốt đầu bàn phía bên kia, nơi cán bộ thăm
nuôi ngồi quan sát. Anh lên tiếng hỏi:
-“Mấy ngày
trên tầu chắc em mệt lắm phải không? Ðêm
hôm qua em có ngon giấc không?”
-“Mấy đêm
trên tầu em có chợp mắt đôi chút. Chúng
em phải thay nhau canh chừng đồ mang theo.
Tới đây tối hôm qua lại khó ngủ.
Trằn trọc cả đêm mong trời mau sáng.”
-“Em gầy
nhiều lắm đấy. Em còn đi bán hàng như
thư viết cho anh không?”
-“Em đã nghỉ
bán gần hai năm. Bây giờ em đi dậy học tư . Anh có khỏe không, trông anh gầy ốm rất nhiều.”
-“Anh khỏe,
không có bệnh tật gì cả, em yên tâm. Bố
mẹ và me thế nào, các cụ có khỏe không em.
Còn hai em vẫn đi làm như thường chứ.
Lâu lắm anh chưa gặp các con, chúng có ngoan không em?”
Thu nhìn chồng
thầm nghĩ, tính anh vẫn vậy, luôn luôn chịu đựng. Không bao giờ anh muốn người khác phải lo lắng
vì mình.
-“Bố mẹ và
me mỗi tuổi một già yếu. Các cụ mong anh
sớm trở về. Me luôn tụng kinh niệm Phật,
cầu xin cho anh được an lành. Còn mẹ, mỗi
lần nhắc tới anh mẹ lại khóc. Niềm xót
thương ray rứt khiến mẹ không cầm được giòng lệ.”
-“Anh
thương mẹ rất nhiều. Cả cuộc đời mẹ khổ
cực vì chồng con mà không bao giờ than van.
Anh hối tiếc là khi cha mẹ về già anh không có mặt ở nhà.”
Thu đưa cho
chồng bao thư của các con, tấm hình mấy mẹ con chụp ở chùa Vĩnh-nghiêm vào dịp
Tết vừa qua. Hình và thư của đứa con lớn gửi về cho bố.
-“Khi em đi
các con có viết thư thăm anh. Chúng nhắc
tới bố luôn và mong bố sớm trở về với chúng.
Kèm theo đây là hình của Ti. Ít
tháng trước con có theo bạn đi Nha-trang, nó thích vùng biển nên vẫn còn ở đó.”
Anh đưa xấp
thư và hình cho cán bộ kiểm soát. Hắn
xem qua rồi trả lại cho phép anh giữ.
Anh nhìn tấm hình đen trắng mấy mẹ con chụp chung, rồi đến tấm hình mầu
đứa con lớn chụp nơi bờ đá đang nhìn ra biển khơi. Anh lật xem mặt sau tấm hình và lướt nhanh
thư nó viết cho anh.
-“Các con chóng lớn quá.
Mấy năm không gặp mà chúng khác hẳn lúc anh ra đi.
Nhìn các con, anh biết em cực nhọc
như thế nào. Vừa lo lắng cho đời sống, lại
còn dậy dỗ chúng lên người. Anh rất cám
ơn em. Anh thiếu bổn phận với em và các
con rất nhiều. Còn Ti đã đi chơi lâu
chưa em?”
Thu nhìn nét mặt hân hoan của chồng khi đọc thư và xem mặt
sau tấm hình của đứa con trai lớn. Anh
đã nhận ra ý nghĩa của dòng chữ ghi phía sau.
-“Ðáng lẽ em phải hỏi ý anh trước khi cho con đi, nhưng
thư em gửi cho anh về địa chỉ trại Quyết-tiến không thấy trả lời. Em ngần ngừ mãi, mà con lại đòi đi quá nên em
tự quyết định. Anh có buồn em không?”
-“Trái lại, anh rất vui em ạ. Chúng mình vẫn có một ước vọng là mong các
con trở thành người hữu dụng, chúng có một tương lai tốt đẹp. Còn các con nhỏ ra sao, chúng có chăm ngoan
không em?”
-“Cũng may có ông nội một bên kèm cặp nên chúng rất chăm
ngoan, có giấy khen mỗi tháng. Em rất mừng
đi dậy trở lại, vì có nhiều thì giờ ở nhà với các con. Chúng ăn ngủ đúng giờ hơn là hồi em đi buôn,
sức khỏe các con tốt hơn trước. Em vẫn
kèm các con học mỗi tối, và cho các con học thêm đàn, chúng chăm chỉ tập luyện
hàng ngày.”
Thu nhìn chồng thoáng gặp đôi mắt anh vụt sáng, môi mỉm
cuời. Nàng nhớ anh thường nói khi hai
người mới có đứa con đầu lòng: “. . .
khi các con còn nhỏ, phải hướng dẫn và giúp chúng có một cái gì để say mê. Chúng sẽ dựa vào sự say mê mà vươn lên trong
đời sống. . .” Nàng đã làm theo ý đó, nhất
là khi anh vắng nhà còn nàng lại buôn bán ngược xuôi. Âm nhạc là phương tiện giải trí, giúp tinh thần
các con thảnh thơi trong sáng, mà cũng cầm
giữ chúng ở nhà sau giờ học.
-“Em là người mẹ hiền, hiểu biết và yêu thương các con vô
cùng. Em hy sinh cá nhân em cho các con,
đã làm được việc mà ít người làm được. Em
có thường viết thư cho Ti không?”
-“Em nhớ con nhiều lắm nên viết thư cho nó luôn. Lần nào cũng vậy, thư em gửi có kèm theo thư
các con nhỏ viết cho anh chúng. Em hy vọng
đọc thư gia đình con sẽ vui hơn và đỡ nhớ nhà.”
-“Anh biết em thương nhớ con, vì từ nhỏ cái gì mẹ cũng lo
cho. Tuy vậy em cũng đừng quá lo lắng về
con. Ðây là dịp tốt để nó tập quen tinh
thần tự lập, và sau này lớn lên nó không bỡ ngỡ rụt rè. Nó biết giá trị đời sống mà không phung phí
tuổi xanh. Nó sẽ có tham vọng và biết phải tận dụng khả năng của mình để
vươn lên.”
-“Trước khi cho con đi em cũng suy nghĩ rất nhiều. Ðể con đi một mình ở tuổi quá nhỏ em thực
không yên tâm. Nếu có chuyện gì xẩy ra
cho con thì em sống làm sao đây, có phải lương tâm em sẽ bị dầy vò suốt đời. Cũng may con đi với mấy đứa học trò chỗ em dậy
học. Chúng lớn tuổi hơn con nhiều và yêu
thương con như em chúng. Nhất là em
không thể cầm lòng khi con nói nó ao ước đi biển, vì vậy em chiều nó mà cho
đi.”
-“Em quyết định như thế là phải, anh ở nhà cũng hành động
như em. Ðây là món quà quý giá nhất mà
em mang đến cho anh. Còn em dậy học có vất
vả lắm không?”
-“Như anh biết, em thích nghề dậy học. Em tìm được nguồn vui bên đám trẻ, điều mà em không có được vào mấy năm
về trước, nhất là thời gian đi buôn đầu tắt mặt tối. Chính em cũng không nghĩ tới thân em, chỉ
mong kiếm đủ sống cho các con. Ấy thế mà
chẳng bao giờ đủ, lại thiếu bổn phận săn sóc chúng. Vì vậy em rất mừng khi trở lại nghề cũ.”
-“Em dậy nhiều giờ không.
Em dậy tại nhà hay đi dậy từng nhà?”
-“Em dậy từng nhóm, và tùy theo số trẻ của mỗi gia
đình. Có khi chúng học chung một trình độ,
mỗi lớp sáu bẩy đứa. Nhiều gia đình đám
trẻ học khác lớp nhau, việc giảng dậy sẽ có một chút vất vả hơn. Em đến dậy từng nhà, xen kẽ ba buổi một tuần. Em được rảnh ngày chủ nhật ở nhà lo cho các
con.”
-“Anh biết em thích nghề dậy học từ khi mới ra trường,
nhưng em cũng phải lo cho sức khỏe của mình.
Em là người thầy tận tâm, thường mang hết tinh thần ra giảng dậy. Nhưng có điều nghề “bán cháo phổi” là nghề
hao tổn tâm trí rất nhiều.”
Thu mỉm cười. Nàng
e lệ như khi còn nhỏ bị mẹ bắt gặp được điều bí mật.
-“Không ai hiểu em bằng anh. Mỗi khi dậy học em không tiếc gì công sức. Em quan tâm đến khả năng mỗi đứa, coi chúng
như con cháu mình, nên em có bổn phận giúp chúng tiến bộ. Trách nhiệm của người thầy nặng nề vô cùng,
phải hướng dẫn cho chúng không những chỉ về môn học, mà còn cả mặt tinh thần,
làm căn bản cho chúng tiến lên sau này.”
Nàng thấy
chồng mỉm cười, anh nháy mắt tiếp lời:
-“Anh có
nói sai đâu. Ðối với em nghề dậy học đã
là một nghiệp dĩ. Em chỉ thấy vui khi có
nó thôi. Còn các con nhỏ ở nhà, khi em
ra thăm anh liệu chúng có tự lo được
không?”
-“Trước khi
đi, em đã lo liệu cho các con ở nhà đầy đủ.
Hơn nữa có ông bà nội, bà ngoại và các cô ở nhà coi chừng nên em cũng
yên tâm. Tuy các con còn nhỏ, nhưng
trong suốt thời gian em đi buôn, các con đã biết tự lo lấy, đứa lớn coi chừng đứa
bé. Dù không có em ở nhà cũng không đến
nỗi nào. Huống chi em đi có một tuần, và
lúc này các con đang nghỉ hè.”
Thu thấy chồng
tự nhiên im lặng, niềm hân hoan vừa rồi vụt biến mất. Ðôi mắt anh trở lên xa xăm, thoáng chút thẫn
thờ như lạc vào vùng kỷ niệm hay tới chốn lo âu. Anh chợt nói:
-“Anh
thương nhớ em và các con nhiều lắm. Em
và các con là nguồn hy vọng của anh, đã an ủi anh trong những năm qua. . . .”
Tiếng anh
nghẹn lại, như niềm đau thương đang dâng lên.
Rèm mi anh lấp lánh như giọt nước vương trong ánh nắng. Thu thông cảm với chồng khi anh nói câu
này. Ðối với những người “tù cải tạo”
như anh, liệu có còn gì là của mình nữa không.
Nàng xót xa cho chồng như chính lòng mình cũng không cầm được giòng lệ. Thu cất tiếng nghẹn ngào:
-“Em và các
con luôn nhớ đến anh. Mẹ con em mong anh
sớm trở về. . . .”
Nàng ngừng
lại như cố nuốt trôi niềm cay đắng, rồi tiếp lời:
“. . . Bây
giờ các con lớn rồi. Vi ra vẻ chị hai, mới
ít tuổi đã biết lo toan việc nhà. Con có
nhiệt tâm giúp đỡ mọi người. Khi em vắng
nhà cơm nước tự tay nó. Cũng may các con
ngoan, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, vì vậy em yên tâm. Từ ngày về đây anh có khỏe hơn không?”
-“Anh lấy lại
sức khỏe rất nhiều, khí hậu vùng này ấm hơn nơi anh ở trước. Gần giòng sông Mã, cảnh trí thay đổi anh rất
thoải mái. Khi ở trại Quyết-tiến vì yếu
chịu lạnh nên anh đau ốm luôn.”
Mải nói chuyện, Thu quên bẵng đi từ sáng đến
giờ anh chưa có chút gì vào bụng, nàng hỏi chồng:
-“Chắc anh
đã đói. Ðể em mang vài món ăn nóng anh
dùng một chút cho ấm bụng nhé.”
Nàng đứng dậy,
nhưng anh vội giữ lại.
-“Anh không
đói đâu, anh cần nói chuyện với em nhiều hơn.
Ðã lâu anh không có dịp gần em như hôm nay.”
-“Anh biết
không, nhiều khi em không biết anh ở đâu mà tìm. Vì bẵng đi một thời gian thật lâu mới lại có
tin anh. Khi anh còn ở miền Nam, mỗi
lúc bặt tin anh em cố công đi tìm. Dù
sao trong đó em vẫn quen thuộc đường đi nước bước, nhưng khi hay tin anh chuyển
ra Bắc em đành chịu. Thư em viết không
thấy anh trả lời. Không hiểu anh có nhận
được không. Và khi nhận được tin mới hay
anh không còn ở chỗ cũ. Em lo lắng cho
anh rất nhiều, không hiểu việc gì xẩy đến cho anh,”
-“Anh hiểu
em lo lắng cho anh. Nhiều lúc anh muốn
viết thư về nhà nhưng không có điều kiện.
Anh cũng nóng ruột muốn biết tin nhà, có gì trở ngại trong cuộc sống của
em không. Mặc dù trong hoàn cảnh hiện tại
, anh không thể làm gì cho em và các con được nữa.”
-“Em và các
con luôn nhớ đến anh, nên mong nhận được tin anh. Anh vốn là trụ cột, là mái che của mẹ con
em. Em và các con cần anh lắm biết không.”
-“Anh hiểu
ý em, nhưng em cũng phải lo cho em nữa chứ.
Các con cần em rất nhiều, vì em là nơi nương tựa của chúng. Anh biết đời sống có nhiều khó khăn, em lo
cho các con đầy đủ đã cố gắng lắm rồi.”
-“Anh yên
tâm, em chu toàn mọi việc. Em luôn cố gắng
dậy dỗ các con như khi anh ở nhà. Em chỉ
còn quan tâm về anh thôi.”
-“Em không
nên quá lo lắng cho anh mà có hại cho sức khỏe.
Ðường xá ra đây rất vất vả, hơn nữa các con còn nhỏ dại, chúng cần có em
luôn luôn bên chúng. Khi có điều kiện,
em gửi quà cho anh qua đường bưu-điện là đủ.
Anh mong thư của em và các con, vì đó là nguồn an ủi quý nhất đối với
anh. Em ra thăm anh có ai đi cùng không?”
-“Em đi
chung với Vân-Anh. Anh nhớ Vân-Anh bạn học
cũ của em không. Chúng mình đã tới nhà
anh chị ấy ở đường Lý-thái-Tổ.”
-“Anh có nhớ. Anh có gặp anh ấy, nhưng khác phòng nên ít có
dịp nói chuyện. Chị Vân-Anh và các cháu
ra sao. Cụ thân sinh ra chị ấy có khỏe
không?”
-“Tuần trước
em có lại thăm. Bác già đi nhiều. Bác có hỏi thăm anh. Còn hai cháu rất ngoan, chúng giống bố như
đúc.”
Cán bộ nhìn
đồng hồ, nhắc chừng vợ chồng Thu đã hết giờ thăm. Nàng xin cán bộ cho chồng nàng ở lại thêm ít
phút nữa mà không được. Nàng nói với chồng:
-“Anh đợi
em một lát, để em mang các thứ ra. Nhưng
anh mang quà vào trại bằng cách nào?”
-“Anh gánh
đuợc, em đừng lo.”
-“Em nghe
nói các anh được dùng xe ba bánh chở quà vào trại mà?”
-“Bây giờ
đang mùa thâu hoạch nên không có dư xe.
Khi có thân nhân tới thăm, ai cũng phải gánh quà vào trại.”
Vân-Anh đi
tới bên Thu:
-“Chào anh,
anh có khỏe không, anh có gặp nhà tôi thường không?”
-“Cám ơn chị,
tôi vẫn thường. Tôi và anh gặp nhau
luôn, dạo này anh trông khỏe hơn trước.
Bác gái có khỏe không, còn hai cháu ngoan chứ?”
-“Má tôi
gìa đi nhiều nhưng cụ dạo này khá, không đau vặt như trước. Cụ hỏi thăm anh luôn. Còn hai cháu của tôi ngoan.”
-“Chắc anh
sắp ra, chị cho tôi gửi lời thăm sức khỏe
bác. Chúc chị trên đường về bình
an.”
Thu giúp chồng
xách bao quà lên khỏi bậc tam cấp. Nàng
buộc hai bao lớn vào hai đầu đòn tre, còn túi xách đựng thức ăn anh sẽ phải
xách tay. Nàng nắm chặt tay chồng như
không muốn rời xa. Cán bộ đứng dưới sân
nhắc:
-“Anh Kim về
thôi. Ðã đến giờ nhập trại rồi.”
Thu thấy chồng
nắm chặt tay mình, anh nói:
-“Em giữ sức
khỏe nhé. Trên đường về em hãy cẩn thận
tầu xe. Các con cần em lắm đấy. Anh có lời kính thăm sức khỏe bố mẹ và
me. Anh gửi lời thăm các anh chị em và
các cháu. Bảo các con anh nhớ chúng nhiều
lắm, anh sẽ viết thư cho các con sau.
Anh biết em thương anh nên đi thăm, nhưng cực cho em quá. Khi có điều kiện, gửi quà cho anh qua bưu điện
là đủ. Hãy giữ lại cho em và các con khi
cần.”
-“Anh giữ sức
khỏe nghe anh. Em và các con mong anh sớm
trở về. Ráng chịu đựng anh nhé.”
Thu thấy
bàn tay chồng nới lỏng dần, rồi đột nhiên anh lại nắm chặt tay nàng. Có phải trong lòng anh lúc này cũng không muốn
xa rời người mình yêu thương. Thu chợt bật
tiếng khóc nức nở, nàng cảm thấy lòng mình như quặn thắt, như trống trải. Những lời chia tay thật ngắn ngủi, mà tiếc
thương đọng lại thật nhiều.
Thu giúp chồng
để gánh lên vai. Hai bao qùa chĩu nặng
kéo oằn hai đầu đòn tre. Anh xốc lại
gánh cho cân bằng. Bước chân của anh hơi
run. Nàng biết gánh quá nặng đối với sức
của anh.
-“Liệu anh
có gánh nổi không, đừng quá sức nghe anh.
Hay để em giúp anh xách vào trại?”
-“Không được
phép đâu. Anh gánh nổi mà. Em hãy cẩn thận trên đường về. Anh vào trại nghe em.”
Quang gánh
lên vai, tay trái xách túi thức ăn, anh đưa tay kia nắm chặt tay Thu lần nữa. Chiếc đòn gánh lắc lư hai đầu khi không có
tay giữ. Nàng vội giữ một bên túi để đòn
gánh nằm yên trên vai chồng. Ðôi mắt anh
đang thấm ướt, đôi môi anh rung rung khi nói “anh yêu em.”
Bước chân
anh xa nàng dần. Gánh nặng trên vai anh
dần dần chĩu xuống. Có phải chiếc đòn
tre không chịu nổi sức nặng hai đầu, hay vai anh đang chùn xuống. Dáng anh đi hơi lảo đảo. Thu thấy chồng quay lại nhiều lần tay để vào
môi. . . Như anh đang nhờ gió gửi cho nàng nụ hôn ấm áp, hay chỉ là những cử chỉ
muốn níu kéo chút hạnh phúc chợt đến trong khoảnh khắc, mà đã chờ đợi suốt năm
năm.
Mới đi được
năm chục bước, Thu thấy chồng để gánh xuống nghỉ. Anh quay lại đưa tay vẫy khi thấy nàng còn đứng
trên đường. Thu định chạy lại giúp chồng,
nhưng đằng kia anh đã quẩy gánh lên vai cất bước.
Khi thấy chồng
gánh, Thu mới hay thời gian vừa qua chồng nàng lao động cực khổ như thế
nào. Cả cuộc đời anh trước kia chưa có lần
nào gồng gánh như bây giờ. Nghe bạn anh
kể lại, vào tháng hè nắng cháy, đội anh được khoán phải tưới xong mấy mẫu bắp cải
trong ngày. Anh và mấy bạn tù được ghi
nhận là “khỏe hơn” mấy người già yếu bệnh tật trong đội, đã nhận lãnh công việc
gánh nước từ giòng sông Mã lên vuờn. Mặt
sông ở dưới thấp, cách mặt vườn hơn ba mươi thước. Các anh vai gánh hai thùng nước đầy, chạy
trên con đường dốc từ mặt sông lên vườn.
Cát trôi dưới chân làm đôi gánh thêm nặng, quãng đường vì vậy dài thêm.
Có phải được
huấn luyện “cải tạo lao động” như thế nên bây giờ anh đã biết gánh. Nhưng sức lực của anh sẽ tiêu hao dần với
tháng ngày “học tập”. Rồi đến một lúc
nào đó liệu anh còn đủ sức để cất bước nữa không. Thu ái ngại nhìn theo chồng cho đến khi anh mất
hút vào lối rẽ.
Mặt trời đã
lên cao. Ánh nắng gay gắt hâm nóng cả vạn
vật. Thu nhìn lại con đường mình đang đứng,
phía sau lưng nàng đưa tới vùng núi rừng xa thẳm. Phía trước là khu cơ quan, chiếc cột cờ bằng
thân tre đơn độc, vượt lên khỏi những mái ngói rêu mốc loang lổ, nằm lấp xấp giữa
vùng cỏ rậm. Bên trái nàng là sân vận động
khô vàng dưới ánh mặt trời. Một số anh
em “cải tạo” đang tháo phần tranh cũ của mấy căn cuối dẫy khu gia đình cán bộ. Kẻ trên mái người dưới sân nhộn nhịp. Từng lúc họ ngừng tay nhìn qua nhà thăm nuôi,
chứng kiến cảnh xum họp rồi chia tay.
Thu chợt
nghe tiếng sáo miệng lập lại nhạc điệu “người yêu tôi đâu” trong phim bác-sĩ
Zivago, nổi lên từ phía mái tranh. Có lẽ
anh đang chờ đợi người yêu thương chưa kịp tới, âm thanh nghe như tang thương đứt đoạn trong lòng. Và chính
lòng nàng lúc này cũng tan nát, như ký thác vào khúc nhạc buồn, đã diễn
tả giây phút buồn tủi chia ly:
“… Sao thời
gian không ngừng trôi, để tiếc thương vương trên môi, và mắt hoen lệ rơi...”
Phải, mối sầu
đắng dâng lên, đang vò thắt trái tim cô đơn trống trải của nàng. Con đường dài thăm thẳm, vẫn là con đường đất
nhỏ ở giữa nơi núi rừng hoang vắng, xa hẳn xã hội bên ngoài, sao vương lại lòng
nàng những hờn tủi tiếc thương. Liệu con
đường này có hẹn cho nàng một lần trở lại.
Thu chợt
buông tiếng thở dài, nàng cảm nhận một sự mất mát. Hạnh phúc bỗng vuột khỏi tay nàng như một lần
trở về tay không.
Trở lại nhà
thăm nuôi Thu thấy bạn đang đứng đợi chồng.
Vân-Anh nói:
-“Thu vào
nghỉ đi, trông bạn mệt mỏi lắm đấy.”
-“Vâng. Tôi sẽ ra chào anh sau, chúc bạn vui nhé.”
Thu thẫn thờ
bước vào nhà. Nàng không giữ được giòng nước mắt, với những tiếng nấc nghẹn đau
thương. Trong nhà thật vắng. Vợ con của
nguời chồng tử nạn đã ra đi từ sáng sớm.
Chắc hai mẹ con chị ra thăm mộ
người thân yêu lần chót. Thảm cảnh của
người tử nạn vẫn còn ám ảnh nàng. Nhớ đến
chồng, nếu anh ở vào trường hợp này thì mẹ con nàng sẽ ra sao đây. Kiếp người thật mong manh, lúc còn khi mất
quá dễ dàng đơn giản. Thu lắc đầu, như cố
sua đuổi hình ảnh đen tối vừa thoáng hiện.
Còn Liên đã
chia tay nàng sau khi từ giã người yêu.
Nàng cảm thương cho số phận hẩm hiu của người con gái này. Không hiểu cuộc đời của Liên sau này ra
sao. Hay cũng như nàng, như bao nhiêu
người vợ người yêu khác, khó hẹn một câu trả lời.
Lòng nàng
thật buồn, những tiếc thương vẫn làm nàng thổn thức. Thu đã trải qua hành trình ba ngày trên tầu
và một đêm ở đây. Vượt qua hơn một ngàn
cây số đường dài vất vả mà chỉ được nhìn mặt chồng hơn một giờ ngắn ngủi. Thu nhớ mấy câu thơ, mà đến giờ phút này nàng
mới thấy thấm thía. Ý thơ diễn tả đúng
tâm tư của nàng:
“ Trùng
phùng hẹn ước, trong giây khắc,
Ðôi ngả chia tay, mấy dặm trường”
Giọt lệ chưa khô, hoen mầu mắt
Môi hồng phai sắc, nhuốm đau thương.
. . .
Phải, lòng
nàng đang buồn tủi, tan nát trước những bất hạnh của một kiếp người vì thù hận. Tâm trạng đau thương không phải chỉ có ở nơi
đây, mà trải dài từ miền núi rừng hoang vắng đến vùng đô thị đông người. Thu cảm thấy thất vọng những gì đang xẩy
ra. Niềm hân hoan hy vọng của mấy ngày
trước vụt tan biến. Tâm tư nàng xót xa niềm nuối tiếc, mọi thứ như vuột khỏi
tay nàng.
Khi Thu đứng
dậy mặt trời đã đứng bóng, các toán “cải tạo” đang về trại. Mỗi lần đi ngang qua nhà thăm nuôi, bằng ấy cặp
mắt quay nhìn mong gặp mặt người thân.
Vẫn quần áo tả tơi, mặt xạm nắng, thân hình gầy ốm, cất bước mệt mỏi như
một khúc phim quay không dứt. Không hiểu
họ sẽ kéo dài sự sống được bao lâu nữa.
Hay những khối óc thông minh, những tay nghề siêu việt thay vì được xử dụng
giúp đời, xây dựng lại đất nước sau bao nhiêu năm chiến tranh đổ vỡ. Ðã bị một chút thành kiến giai cấp, hay vì
quyền lợi của tập đoàn lãnh đạo mà bị hủy diệt, gục ngã nơi rừng núi hoang
vu. Nàng cảm thấy sự bất lực của con người,
không phải trước quyền lực vạn năng của Thượng đế, mà là trước cái vô nhân của
bạo quyền.
Vân-Anh
đang mang dần những bao quà ra cửa, Thu tới phụ bạn xách ra ngoài. Nàng chào chồng bạn.
-“Chào anh,
anh vẫn thường chứ?”
-“Cám ơn chị
tôi vẫn thường. Hôm qua gặp anh cho hay
chị ra thăm. Nghe nhà tôi nói về cháu lớn,
tôi có lời chúc mừng anh chị. Chúc chị
đi đường bình an.”
-“Cám ơn
anh. Các anh nhớ giữ sức khỏe.”
Thu đứng lại
trên thềm nhà, còn Vân-Anh đưa chồng qua mấy bậc tam cấp bước lên đường. Nhìn thấy chồng bạn nàng không còn ngạc nhiên
nữa. Hình hài những người “tù cải tạo” đều
giống nhau, bất kể tại miền Nam hay miền
Bắc, vẫn chỉ là những thân xác đang tàn lụn. Nàng không tưởng tượng được sự
thay đổi quá nhanh nơi chồng bạn, chỉ sau mấy năm “học tập cải tạo” con người
đã biến dạng. Nàng tội nghiệp vì họ còn
quá trẻ. Mới có với nhau hai đứa con nhỏ,
thời gian yêu thương chưa được bao lâu đã phải chia tay.
Vân-Anh trở
lại sân vẫn chưa dứt được tiếng nức nở, nghẹn ngào, hai mắt đỏ hoe. Thu thông cảm với bạn, vì chính nàng cũng vừa
sống trong cảnh chia tay đầy nước mắt.
Nàng hỏi bạn:
-“Vân-Anh định
bao giờ mình rời đây. Bây giờ cũng đã trưa
rồi?”
-“Thu có định
ăn một chút trước khi đi không?”
-“Bạn có
đói không, còn mình không muốn ăn gì cả, vì có nuốt cũng không vô. Nếu Vân-Anh không đói chúng ta nên đi sớm, gặp
đâu ăn đó.”
-“Thu tính
như vậy tiện hơn, mình cũng muốn đi sớm.
Ở lại cũng chẳng được gặp mặt mà chỉ làm chúng mình buồn thêm.”
Thu cầm giỏ
xách xem lại những thứ mang theo, bộ quần áo giặt chiều hôm qua vừa kịp khô,
chiếc áo len ngắn tay. . . Hành trang thật nhẹ nhàng, không giống khi đi tay
xách nách mang. Nhìn qua bạn, Vân-Anh cũng
vừa thu xếp xong. Cũng như nàng chỉ có một
xách tay nhỏ.
20.
Thu
và Vân Anh ra khỏi nhà thăm nuôi, con đường đất phía trước vắng tanh. Khu gia đình cán bộ bên kia đường không còn
tiếng động, lúc này đang vào giờ nghỉ trưa.
Còn quá sớm nên chưa có gia đình nào tới thăm nuôi. Chuyến xe chở khách tới đây cũng phải xế chiều.
Qua khỏi
khu gia đình cán bộ, rồi nhà giữ trẻ. Gần
tới chỗ rẽ, không hẹn hai người cùng nhìn lại.
Nhà thăm nuôi nhỏ bé, ẩn sau những
bụi chuối trồng quanh nhà trông thật hiu quạnh.
Tới chỗ rẽ,
con đường thoải dốc nằm sát chân tường trại.
Bên phải là rừng lim, tàng cây rậm rạp che khuất ánh mặt trời, khiến
khung cảnh núi rừng thêm âm u.
Thu quay
sang nói với bạn:
-“Vân-Anh
thấy không, chúng ta đã thấy tận mắt cách đối xử của nhà nước đối với người “cải
tạo” miền Nam như thế
nào. Miền Bắc có hàng trăm trại, ngay tại Thanh-hóa cũng có mấy nơi. Hết Lam-sơn, Thanh-phong, đến Vườn Cam rồi
Thanh-cẩm. Ngày trước nổi tiếng miền Bắc
có Ðầm đùn, Lý-bá-Sơ. Còn bây giờ trại
nào cũng chung chính sách đó, chưa kể trại Quyết-tiến là vùng đất chết của người
tù cải tạo.”
Vân-Anh gật
đầu:
-“Miền Bắc
còn nhiều nơi khác nữa, rải rác khắp vùng rừng núi. Chỉ cần một dẫy nhà tranh cũng trở thành nơi
nhốt tù. Rừng sâu núi cao đã là hàng rào
thiên nhiên cầm giữ người “cải tạo”. Những
nơi này có bao giờ để cho các cơ quan thiện nguyện hay báo chí quốc tế tới thăm
đâu, có khi nó không có tên trong danh sách công khai. Thu có nghe nói tới trại Hà-tây không, ở đó
sướng lắm thì phải.”
-“Cái đó cũng
dễ hiểu thôi. Vì nằm sát Hà-nội, nên là
một trại trình diễn về cách đối xử nhân đạo của nhà nước đối với tù cải tạo miền
Nam. Trại có ít người, đa phần là những nhân vật
tên tuổi của miền Nam trước
đây, nên được hưởng quy chế đặc biệt.
Người ta gọi “trại cải tạo là địa ngục trần gian”, thì anh em “tù cải tạo”
bảo Hà-tây là “thiên đường nơi hạ giới”.
-“Như vậy
trại Thanh-cẩm ở loại nào?”
Thu ngao
ngán thở dài:
-“Dù không
bì được với trại Quyết-tiến, trại Thanh-cẩm vẫn còn âm vang cũ. Mặc dù mang tên mới để mọi người không bị ám ảnh
bởi thành tích cũ, nhưng ếch nào chẳng là thịt, vì vậy kỷ luật vẫn kinh người.”
-“Thu thử
nghĩ xem, chỉ nghe qua một vài chuyện kể ở nơi đây, mình không hiểu tại sao các
anh “cải tạo” có thể kéo dài sự sống đến ngày hôm nay. Hai năm trời đâu phải là ngắn, họ phải sống ở
một nơi dài rộng bằng mấy bước chân, trong bóng tối ngày cũng như đêm, có được
nhìn thấy ánh mặt trời đâu. Không kể phải
ngủ chung với những ống tre đựng đồ phế thải của thân thể, trong khi chân bị
cùm xích. Liệu Côn sơn Phú-quốc có bì được với nơi này không?”
-“Vân-Anh
nói đúng đó. Trước ngày 30/4, có hội
đoàn phản đối về sinh-hoạt đời sống tù nhân miền Bắc bị bắt trên chiến trường
miền Nam. Nào là ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, chỗ ở
không thoáng khí. . . .”
Vân Anh góp
lời:
-“Ấy là
chính quyền miền Nam đã cho
tù ăn ngày ba bữa, với chất ngọt chất béo đầy đủ. Bởi thế trước ngày 30/4/75 có một
câu nói: “nhất tù, nhì quân khuyển, thứ ba mới tới nhân viên an ninh trại”. Nghe có vẻ tiếu lâm nhưng lại là một sự thật. Còn đời sống những người tù miền Nam trong
các “trại cải tạo” của cộng-sản ra sao, thử hỏi có ai là người để ý tới.”
-“Vân-Anh
thấy không, đúng là cảnh “dậu đổ bìm leo”, chung quy chỉ đám dân đen là khổ. Mình nghĩ miền Nam khi đó
như chiếc áo, hết thành phần này đến thành phần khác dành giật, khiến chiếc áo
tả tơi làm nhiều mảnh. Họ đòi hỏi quyền
lợi đè đầu cưỡi cổ người dân, chia chác mấy ghế đại diện. Khi cộng-sản chiếm trọn miền Nam mới
lòi ra là một thứ công cụ.”
Hai người
trở lên yên lặng, như uất ức đã làm nghẹn lời.
Qua khỏi vòng tường trại, cánh rừng lim phía bên phải bị đẩy ra xa,
khung trời mở rộng. Con đường đất như
con trăn khổng lồ đang trườn mình trên sườn đồi. Khi tới gần đỉnh dốc, chỗ ngọn núi xẻ đôi,
phía trước chỉ thấy màn mây trắng xóa, con đường đất đổi chiều đổ dốc về sườn
núi bên kia. Từ trên đỉnh dốc nhìn lại,
khu trại nằm trong vòng tuờng cao mầu xám lợt, hiện ra như một ốc đảo hoang vắng
đơn độc, trông thật nhỏ bé giữa khung cảnh rừng núi trùng điệp
hùng vĩ. Phía xa xa nơi làng Ngọc, ngọn
núi cao ngất, mây trắng đã che mất phần đỉnh, sương khói bao quanh, phủ mờ mầu
xanh của cây rừng.
Con đường đất
vươn lên cao, khiến giòng sông Mã nằêm sâu dưới chân núi. Giờ này nước thủy triều đang lên, vẫn một mầu
nâu đục. Mặt nước bắt đầu lan dần vào cồn
bãi bên kia bờ sông, chẳng bao lâu mặt sông sẽ trải rộng lấn vào bìa làng, bao
trùm cả một vùng đồng cỏ. Khu làng nhô lên khỏi mặt nước như một cù lao. Và khi buổi chiều tắt nắng, nước ồ ạt kéo về,
giòng sông Mã chẩy nhanh như bóng ngựa.
Khi tới khu
trồng sắn, Vân-Anh bỗng nói:
-“Thu nhớ
không, chiều hôm qua chúng mình tới chỗ này có gặp một số đông dân làng quần áo nhiều mầu, lưng mang gùi
đang mót sắn. Sao hôm nay không thấy họ?”
Thu quay
qua bạn:
-“Nghe người
đánh xe trâu cho hay họ là dân huyện Cẩm-thủy, cách đây hơn mười cây số, vì thiếu
thực phẩm nên tới các trại cải tạo miền Nam để mót
sắn. Thường thường họ lấy được nhiều, vì
các anh “cải tạo” để lại cho họ một phần.”
-“Hôm nay
mình đi trở ra thấy con đường như gần hơn.
Bạn đã nhìn thấy trại hình sự ở phía xa chưa?”
-“Tuy nhìn
thấy nhưng cũng còn xa lắm.”
Rừng tre
đang ở phía trước. Thu nhớ sắp tới con
suối băng qua đường. Giờ này chắc nước
chưa sâu, vì hôm qua tới trễ hơn mà mực nước mới cao ngang đầu gối.
Khi tới con
suối, nước mới ngang bắp chân, trong vắt mát rượi. Thu bảo bạn:
-“Ngồi nghỉ
một lát đi Vân-Anh, cũng sắp tới trạm xe ngừng, chúng ta còn dư thì giờ. Nước suối mát lắm.”
Vân-Anh
theo bạn dừng chân. Thu xắn cao quần đi
lại giữa giòng suối. Nước suối thật mát
giữa buổi trưa nóng bức. Thu ngồi trên tảng đá trồi lên giữa giòng suối, cúi
người vốc nước rửa mặt, thả hai chân khỏa trên mặt nuớc. Làn nước mát làm nàng dễ chịu.
Thu rời tảng
đá bước lên bờ, vuốt thẳng hai ống quần.
Hai người tiếp tục đi theo con đường đất nằm giữa khu rừng tre dầy đặc. Tới trạm xe Thu bảo bạn:
-“Mình đứng
đây đợi sẽ không có vé lên xe, vì họ bán vé ở trạm trót. Vân-anh ở đây đợi, khi xe từ Thanh-hóa xuống
tôi sẽ theo xe lên trạm mua xé. Khi xe
trở lại bạn lên xe thì tốt hơn.”
Vân-Anh gật
đầu:
-“Bạn lo
cho tôi nhé. Tự nhiên mình cảm thấy hơi
chóng mặt, người yếu đi như không bước nổi
nữa.”
-“Vân-Anh
ngồi nghỉ đi, mặt bạn hơi xanh đấy, xoa một chút dầu gió sẽ thấy dễ chịu hơn.”
Xe
Thanh-hóa tới ngừng trước trạm. Ðợi những
người xuống xong Thu mới lên xe. Trong
xe chật ních, không có lấy một chỗ trống, nàng phải đứng trên bậc lên xuống
phía cuối xe. Hai tay Thu bám chặt vào
cánh cửa đã cắt bỏ nửa phần trên.
Tới trạm,
Thu mua hai vé đi Thanh-hóa. Lúc trở ra
xe, những người có vé đã lên trước. Nàng
lại phải đứng cuối xe như lúc lên đây.
Khi tới nơi
Vân-Anh đứng đợi, Thu kéo bạn lên đứng chung với mình ở bậc xe lên xuống phía
ngoài cánh cửa. Cũng may đường xấu nên
xe không chạy nhanh. Nhưng mỗi lần xe chạy
qua những ổ gà, hai người phải bám chặt vào cửa xe để không bị hất xuống đường. Những khi xe rẽ trái hay phải, hai người cũng
dạt qua dạt lại. Và lúc xe vòng quanh
chân đồi hay lên dốc cao, Thu có cảm tưởng nàng đang đánh đu ngoài cánh cửa.
Tới
Thanh-hóa trời còn sớm, vì mãi tám giờ tối tầu mới khởi hành, Thu rủ bạn đi
thăm mấy con phố gần ga. Hai bên đường
san sát những căn nhà liền vách, vẫn mái ngói tường xây. Có lẽ đã lâu ngày không tu sửa đổi mới nên cũ
kỹ và hư hỏng. Ít xe có động cơ qua lại, đa phần là xe đạp. Thu quay qua Vân-Anh:
-“Vân-Anh
nhớ không, khi còn đi học mình đã đọc sách nói về thành phố du lịch này, và hằng
ao ước tới thăm nơi đây. Nghe nói trước
ngày di cư thành phố này tuy nhỏ nhưng đẹp và sạch vô cùng. Từ con đường này tới ngã tư phía trước rẽ tay
phải là hướng ra biển. Một vùng biển còn
giữ được nhiều nét thiên nhiên.”
-“Mình cũng
như Thu, trước khi di cư vào Nam vì còn
nhỏ nên chẳng được đi đâu xa. Mình có
theo bố mẹ đi Hạ-long, Ðồ sơn nhưng cũng chưa đủ lớn để thưởng thức vẻ đẹp của
thiên nhiên. Mình chỉ biết Sầm Sơn qua
chuyện kể. Không ngờ giờ phút này mình
đang ở sát bên, nhưng rất tiếc không có thì giờ để thăm viếng.”
-“Mình cũng
không nhớ rõ tại sao vùng biển này mang tên Sầm Sơn, nhưng âm thanh cho mình cảm
nghĩ đó là một nơi hoang sơ kỳ bí. Sầm
Sơn không giống Vũng Tầu hay Nha-Trang, những nơi có nhiều dấu tích do bàn tay
con người góp phần xây dựng.”
-“Nghĩ mà
tiếc. Thu thấy không, điều mình ao ước từ lâu mà giờ phút này cũng
không thực hiện được dù trong tầm tay với.
Mình vốn thích biển, nên nghe kể đã nôn nóng. Còn gì vui bằng, cách biển cả cây số đã nghe
thấy tiếng sóng gầm.”
-“Mình cũng
thích biển như Vân-Anh. Nhưng nét đặc
biệt của vùng biển này là sự yên lặng, lác đác những căn biệt thự xinh xinh ẩn
mình trong rừng phi lao. Các con đường
trải nhựa sạch bóng, vì được gió biển thổi sạch những rác rến rải rác trên mặt
đường.”
-“Có một điểm
mà ở nơi đây khác với các vùng biển khác là, đứng trên đường nhìn ra biển, mép
nước còn khá xa, chỉ thấy thềm cát thoải dốc bao la. Không giống như Vũng Tầu, các dan hàng nằm
sát bãi tắm, khiến cảnh biển như thu hẹp lại.”
Thu tiếp lời:
-“Nghe chồng
mình kể lại, anh đến đây trước ngày di cư
vào Nam. Anh thường ra biển vào buổi sáng sớm, nhìn những
trái thông còn nguyên cánh nhọn, theo gió thổi từng đàn lăn trên thềm cát mịn. Từ thềm cát này phải đi một khoảng xa mới tới
biển. Ôm sát bờ nước là những tảng đá lớn
tròn trịa như những viên sỏi không lồ, nằm xếp lớp với nhau nhẵn bóng một mầu
vàng nâu.”
Giọng
Vân-Anh bỗnhg trở lên tiếc nuối:
-“Nói như vậy,
nhưng trước mắt chúng ta, thành phố này có phải là thành phố ngày xưa, với tâm
tư người dân thuở trước. Hay cảnh cũ đã
thay đổi, mà với tâm tư của chúng ta bây giờ, khi đứng trước cảnh biển bao la,
khung cảnh thơ mộng, liệu có tìm thấy nguồn vui trong lòng.”
-“Vân-anh
nói đúng đấy. Khi di cư vào Nam mình
còn nhỏ nên không nhớ nhiều về miền Bắc.
Mình chưa có kỷ niệm riêng tư, ngoại trừ một ít hình ảnh về Hà-nội và
quê hương Sơn Tây của mình. Bây giờ đứng
trước khung cảnh này, chắc làng quê mình
cũng không còn như xưa.”
Hai người
trở lại ga xe lửa khi trời vừa tối. Những quán nước nhỏ nhộn nhịp với khách đợi
tầu. . . .
21.
(Đèo Hải Vân) |
Thu
tựa sát vào vách tầu. Nàng xoay người
trên khung ghế gỗ mong tìm một vị thế thoải mái. Nàng muốn duỗi thẳng hai chân, vuôn vai cho
đỡ mỏi, nhưng chỗ ngồi quá chật hẹp. Còn
phía dưới chân, nơi gầm chiếc bàn nhỏ giữa hai hàng ghế, hai người ngồi đối
diện đã để đầy đồ.
Thu như một
lực sĩ chạy nước rút, cơ thể rã rời khi về tới đích. Sau mấy ngày đường ăn ngủ thất thường, sức
lực như tiêu tan, còn tâm hồn trống trải mất mát. Nhìn qua Vân-Anh, nàng hỏi bạn:
-“Vân-Anh
có mệt không, ngủ một chút cho khỏe.
Trông bạn mệt mỏi lắm đấy, còn mình cơ thể cũng rã rời.”
Vân-Anh
nhìn Thu gật đầu:
-“Mình cũng
vậy, mặc dù đêm hôm qua đã ngủ được một giấc, nhưng đầu óc vẫn nặng nề, chân
tay như đi mượn. Còn Thu chắc mệt lắm,
vì bạn ngủ rất ít.”
-“Mình
giống như người quá bữa, bụng đói mà nuốt không vô, muốn ngủ mà đôi mắt khô
cứng. Lúc đi nôn nóng bao nhiêu, khi về
lòng mình buồn bấy nhiêu.”
-“Thu thấy
không, trước khi gặp mặt mình dự tính nhiều điều muốn nói, nhưng khi gặp lại
khó mở lời.”
-“Chẳng
riêng gì Vân-Anh. Không phải vì thời
gian gặp mặt quá ngắn ngủi, hay vì có mặt người cán bộ luôn luôn theo rõi, mà
phần lớn vì hình ảnh chúng ta nhận được quá đột ngột, khiến mình xúc động ngỡ
ngàng.”
-“Mình cũng
có ý nghĩ như bạn. Mình có cảm tưởng
người chồng trước mặt, chỉ sau mấy năm “học tập cải tạo”, đã khác hẳn với con
người ngày trước. Hoàn cảnh sống đã thay
đổi hình dáng con người, liệu những đầy ải này có ảnh hưởng tới tinh thần hay
không.”
-“Cũng may
sáng hôm nay Vân-Anh mới gặp mặt, tương đối quần áo anh ấy đã chỉnh tề, sạch
sẽ. Còn tôi gặp nhà tôi hôm qua, khi anh
đang lao động bên đường. Có phải xúc
động vì lâu ngày không gặp, hay sức khỏe đã quá suy nhuợc, nên hố sâu ngang
thắt lưng mà anh phải nhẩy hai lần mới thoát lên miệng hố. Chiếc áo xanh trại phát xé ngắn tay đã bạc
mầu, lưng và vai vá bằng mảnh vải kẻ ô vuông mà tôi đưa cho anh vào lần thăm
năm năm về trước. Mình không cầm được
nước mắt.”
-“Mình cũng
xúc động như Thu. Trong lòng mình như
mang một niềm đau bất tận. Khi miền Nam mất
vào tay cộng sản là chúng ta mất tất cả.
Nhưng có điều mình luôn nhớ lời tuyên bố của nhà nước hứa hẹn sau ngày
chiếm trọn miền Nam: “vì
tình ruột thịt, nghĩa đồng bào đã khoan hồng. . . .”
-“Mình nghĩ
vì lâu ngày không gặp, niềm yêu thương làm mình xúc động mà mất đi nhận xét
chính xác. Nhưng đến sáng hôm nay, khi
nắm bàn tay chai cứng, cánh tay khẳng khiu, vai trơ xương lòng mình càng chua
xót. Giọng nói của anh cũng khác lạ,
thều thào như người vừa dứt cơn bệnh nặng, vì hàm răng rụng quá nhiều. Mình tự hỏi, ở hoàn cảnh này liệu anh còn
sống được bao lâu nữa.”
-“Mình cũng
băn khoăn như Thu trước những lời hứa hẹn.
Nhà nước đề cao “lá lành đùm lá
rách, máu chẩy ruột mềm” như một nghĩa cử, mặc dù chỉ là sự khoan hồng cho
người cùng nòi giống trở thành thù địch sau một lần xâm lăng. Sau bao nhiêu năm thi hành chính sách khoan
hồng, hưởng sự giáo dục bằng đường lối lao động, chúng ta chỉ thấy thân nhân
mình chết dần mòn trong các trại cải tạo.”
-“Nhiều
người cũng có nhận xét như Vân-anh, chúng ta vẫn thắc mắc trước những nghịch
lý. Nào là “khoan hồng nhân đạo”, nào là
“tình nghĩa đồng bào ruột thịt” được điểm tô bằng danh từ “chính nghĩa”. Mình
không hiểu thế nào là “công đạo” khi cưỡng chiếm của cải vật chất của
người miền Nam. Khi bắt tù đầy hàng triệu người miền Nam trong
các trại “tập trung cải tạo”. Ðấy có
phải là “lòng nhân đạo” đã được nêu cao, hay chỉ là một thứ “chính nghĩa” của
bạo quyền.”
Vân-Anh
buồn bã:
-“Phải,
chúng ta đang được hưởng thành quả của chính sách “khoan hồng nhân đạo” của nhà
nước Xã-hội Chủ-nghĩa. Và trong lòng
chúng ta đang mang một vết thương tủi nhục hận thù trước cảnh nhà tan cửa nát vì
hai chữ chính nghĩa.”
Thu nghe
bạn thở dài như đang cố nén niềm tủi hận.
Nhìn nét mặt Vân-Anh thật buồn, nàng hỏi bạn:
-“Có chuyện
gì mà trông Vân-Anh buồn thế?”
-“Tuần
trước gặp bạn mình vui quá. Chúng mình
có nhiều chuyện để nói trong suốt thời gian
không gặp, thành thử chưa nói Thu biết về ý định vượt biên của mình. Lần này ra thăm, mình đã cho chồng mình hay
là sẽ cho các cháu theo gia đình đi vượt biên.”
Thu vội
hỏi:
-“Phản ứng
của anh ấy thế nào. Bạn nghĩ kỹ chưa?”
-“Dự tính
này có từ lâu, gia đình mình đã sửa soạn đâu vào đấy. Thực khó mở lời từ biệt với người mình yêu
thương. Mình thấy tội nghiệp cho chồng,
vì vợ con là nguồn yêu thương an ủi duy nhất của anh. Nhiều khi mình muốn dứt khoát dẹp bỏ ý định
ra đi vì nghĩ đến anh ấy.
Cuộc đời
chúng mình đã muộn màng mặc dầu chúng ta còn rất trẻ. Nhưng còn các con mình, chúng có tương lai
của chúng. Dưới một chế độ mang đầy tính
hận thù này, thì năm mười năm nữa chúng sẽ ra sao. Hay chúng sẽ được giáo dục hận thù cả với
người sinh thành ra chúng.”
-“Mình cũng
có ý nghĩ như Vân-anh. Nghĩ tới tương
lai các con, lòng mình càng chua xót.”
-“Thực ra
mình luôn ở trong tình trạng đứng giữa ngã ba đường, một bên là chồng một đằng
là con. Mình mong đợi ý kiến của anh ấy
sẽ là quyết định sau cùng, để mình chọn lựa ra đi hay ở lại.”
Thu vội
ngắt lời bạn:
-“Anh ấy
đồng ý với quyết định của Vân-Anh?”
-“Vâng,
chồng mình đồng ý để mình đưa các cháu ra đi, và còn nhắc đừng lo lắng quá
nhiều cho anh ấy, hãy lưu tâm dậy dỗ các con lên người. Anh không nói một lời cản lại, cũng không hỏi
ai là người sẽ lo cho anh ấy sau khi mẹ con mình ra đi. Mình càng chua xót khi nhìn nét mặt thật buồn
của anh. Lúc đó lòng mình cũng dấy lên
niềm đau xót với viễn ảnh đen tối, nếu một mai không còn gặp lại chồng mình, có
phải mình sẽ hối hận suốt đời không.”
Thu im
lặng, nàng cảm nhận nỗi đau thương nơi bạn, cũng như hành động của chồng
Vân-Anh. Anh không muốn mình là một gánh
nặng cho gia đình, có mặc cảm thừa thãi như một loài tầm gửi. Cuộc sống không ngày mai của người “tù cải
tạo” còn gì để hứa hẹn, đã buộc anh phải chấp nhận mọi hoàn cảnh xẩy đến.
Thu nắm tay
bạn:
-“Mình biết
Vân-Anh rất khó xử.”
-“Mình đã
mất nhiều đêm không ngủ, đã suy nghĩ kỹ về chuyến ra đi này. Nhiều lúc tự hỏi, có phải mình chạy trốn nền “Hòa bình” ở nơi đây
không. Có phải mình chối bỏ sự “Tự-do” mà chế độ này “ban” cho không. Tại sao những người còn ở lại trên giải đất
thân yêu này vẫn hăm hở tìm cách ra đi, coi như mảnh đất quê hương không còn là
nơi dung thân của họ. Mặc dù họ hiểu
rằng, nơi mà họ tới được gọi là vùng đất hứa, vẫn cho họ mặc cảm tạm bợ, tha
phương.”
Thu cảm
thấy lòng mình chua xót trước suy tư của Vân Anh, nàng tiếp lời:
-“Mối lo
của mình trước cảnh “con không cha như nhà không nóc”, nhìn đám trẻ lớn lên
trong hoàn cảnh này mà thương. Liệu
chúng có được sự bình lặng trong tâm hồn để vươn lên trong đời sống, hay sẽ bị
gò bó bởi giáo điều độc hại mà mai một tài năng.”
-“Thu thấy
không, nhiều lúc thấy những việc xẩy ra trong đời sống hiện tại, mình nhớ đến chuyện xưa. Trước ngày bị xâm chiếm, người miền Nam đã
“trót” được hưởng một đời sống “Tự-do Dân chủ”.
Dù đời sống đó chưa hoàn toàn, nhưng người dân còn cảm thấy mình được
sống với đầy đủ quyền sống của con người.
Còn bây giờ, dưới chế độ này, chúng mình không biết tương lai đi về
đâu. Tại sao chúng ta phải chấp nhận sự
hy sinh to lớn như thế này. Một cuộc
sống chồng một nơi con một nẻo.”
Thu cảm
thấy buồn lây khi nhìn những giọt lệ đang lăn dài trên má bạn. Như chính lòng nàng lúc này, niềm tủi nhục
uất nghẹn trào dâng. Nàng nắm tay bạn,
những mong chia sẻ nỗi lo âu thống khổ.
-“Vân-Anh
thấy đó, sau lần cháu lớn ra đi mình đâm sợ cảnh vượt biên. Nguời tổ chức mong thâu được nhiều tiền. Tầu thuyền đã nhỏ lại cũ, máy móc sửa chữa
nhiều lần, lại ham chở nhiều người. Mức
an toàn rất thấp, ấy là chưa kể những nguy hiểm dọc đường. Bạn phải xem xét cẩn thận mới được.”
-“Lần đi
này do anh mình tổ chức, sửa soạn đã lâu, mọi thứ hoàn toàn thuận lợi. Những người đi chuyến này là thân nhân gia
đình mình. Vì thương mình là con út, lại
gặp cảnh không may nên mọi người nán đợi quyết định của mình là khởi hành. Thu có ý định cho các cháu đi không. Thuyền còn dư nhiều chỗ lắm. Sang đó mình giúp nhau sống, chắc cũng không
gặp khó khăn.”
-“Cám ơn
Vân-Anh đã nghĩ tới mình và các cháu.
Mình đã nghĩ tới điều này khi cháu lớn ra đi. Mình quyết định không đi vì không nỡ để anh
ấy ở lại một mình, mặc dù hy vọng xum họp thật mong manh. Nhiều lúc mình cũng có ý nghĩ như Vân-Anh,
chúng mình hãy hy sinh tình riêng cho các con.
Nhưng ra đi trong lúc này mình chưa sửa soạn tinh thần. Dù sao cũng cám ơn bạn đã nghĩ tới mình.”
Ðã nhiều
lần Thu được bạn rủ đi vượt biên. Ngay
sau khi đứa con lớn ra đi, chủ tầu chỗ nàng dậy học đã giúp nàng nhiều cơ hội,
nàng vẫn từ chối. Không phải vì sợ hãi những bất trắc trong chuyến đi, mà lòng
nàng không muốn rời xa chồng, mặc dù khi đó bặt tin anh, biết anh còn sống hay
đã chết. Nàng vẫn muốn chờ đợi, vẫn mong
có ngày gặp mặt. Còn bây giờ ra đi, có
khác gì hai phương trời cách biệt, liệu còn gặp lại nữa không.
*
22.
(Cầu Hiền Lương sông Bến Hải) |
Sông
Bến Hải hiện ra lờ mờ trong bóng đêm.
Con tầu đã lọt vào lòng cầu Hiền-lương. Thu nhớ đến bài hát về con sông
này. Lời ca như tiếng khóc chia tay của
kẻ ra đi và người ở lại. Và chính lúc
này âm hưởng của bản nhạc gieo vào lòng nàng nỗi buồn thấm thía. Giòng sông này đã trở thành lằn ranh chia
cắt, ngăn cách tình cảm huynh đệ bằng ý-thức.
Ðã biến nửa phần kia của một quốc gia trở thành thù địch.
Sau chiến
dịch mang tên “Bác”, người dân hai miền chờ đón một hình ảnh thống nhất.
Nhưng thực ra chỉ mới
thống nhất về phương diện địa dư, mà lợi điểm là người miền Bắc không còn phải
hy sinh mạng sống con em mình khi đánh phá miền Nam. Còn người miền Nam phải
chấp nhận một hoàn cảnh đắng cay hơn là khi quốc gia còn chia cắt. Thật mỉa mai khi đọc bài thơ, mà ý thơ như
một “bài ca vinh quang” cho ngày “đại thắng”:
“. . . . .
.
Bảo
Ðộc-lập, cứ cho là Ðộc-lập
Thống-nhất
rồi sao lại mất Tự-do
Cha đi tù,
đàn con dại bơ vơ
Người vợ
trẻ cuộc đời đành dang dở
Bảo huyết
thống ông cha cần phải giữ
Gốc gia
đình sao nỡ bắt chia ly
. . . . .
. “
Thử hỏi
người miền Nam có tội
tình gì khi họ hết lòng bảo vệ mảnh đất mà họ yêu thương, bảo vệ đời sống Tự-do
mà họ lựa chọn. Sau ngày thống-nhất, nhà
nước cho họ đặc ân bữa rau bữa cháo tại vùng kinh-tế mới. Ðược sống xa gia đình tại các trại cải tạo ở
vùng rừng núi miền Nam, hay
phát vãng nơi rừng thiêng nước độc tại miền Bắc.
Nhiều lúc nàng
tự hỏi, tại sao lại gây ra cuộc nội chiến, để hàng nhiều triệu người kể cả cầm
súng lẫn tay không phải hy sinh. Và sau
khi chiếm trọn miền Nam, hàng
triệu người phải tù đầy, gia đình ly tán.
Nhà nước có
quyền gì bắt người khác phải chết. Hàng
trăm ngàn người bỏ thân nơi biển cả hay vùng biên giới, vì đã “bỏ phiếu bằng
chân” . Liệu đó có phải là giá của một
nền “Tự-do”, một quốc gia “thống-nhất” mà dân tộc này phải trả.
Thu nhớ tới
Liên, người con gái với lòng yêu thương tha thiết đã vô vọng đợi chờ. Chị Vân, người đàn bà để tang chồng khi còn
rất trẻ với đàn con dại. Và còn rất
nhiều trường hợp đau thương khác nữa. Họ
phải sống thế nào trong một xã hội có quá nhiều thay đổi.
Còn những
người dân nghèo mà nàng gặp ở ga Thanh-hóa, họ đã hy sinh cả người lẫn của cho một ảo vọng “nêu danh
anh hùng” để được những gì. Thu không
thấy ở họ một chút hận thù, mà chỉ lộ ra lòng quý mến thân thương của một dân
tộc vốn giầu tình cảm. Họ cũng chẳng
quan tâm tới “ba giòng thác cách mạng” hay “chủ thuyết Mac-Lê bách thắng”, vì
hàng ngày phải đương đầu với kẻ thù là “giặc đói, giặc rét” mà chính sách ưu
việt của chế độ này mang đến cho họ.
Hay đám dân
nghèo huyện Cẩm-thủy, đi bộ gần hai chục cây số tới trại tù cải tạo Thanh-cẩm,
nhặt mót những củ sắn mà anh em “cải tạo” miền Nam để lại
cho họ.
Rồi đến
người nữ cán bộ trại Thanh-cẩm, vì lòng yêu nước chống thực dân đô hộ, mấy đời
hy sinh cho cách mạng, đã bỏ đời sống sung túc tại quê hương Lai châu để có
cuộc sống hẩm hiu nơi góc rừng Bái Thượng.
Sau nhiều năm quốc gia thống nhất, cô vẫn ao ước có được một ngày ấm no
hạnh-phúc.
Thu xót xa
nghĩ đến chồng, liệu nàng còn cơ hội gặp lại nữa không, được chung sống
hạnh-phúc như trước khi thống nhất
không.
Vân-Anh cựa
mình kéo Thu trở về thực tại, nàng hỏi bạn:
-“Vân-Anh
ngủ được chút nào không. Có thấy khỏe
hơn không?”
-“Mình vừa
chợp mắt đã nằm mơ thấy những chuyện đâu đâu. Giấc ngủ vì vậy mà chập chờn.”
-“Tại bạn
suy nghĩ nhiều đấy thôi. Mọi việc rồi sẽ
đâu vào đấy. Cùng tắc biến phải không?”
-“Thu biết
không, từ lúc rời trại Thanh-cẩm đến giờ, mình luôn luôn bị ám ảnh bởi những
điều đã nói với chồng mình. Ðành là
chuyện gì cũng phải biến, nhưng chuyện này quá quan trọng. Mình là người quyết định, phải chấp nhận hậu
quả nên hay không do quyết định của mình.”
-“Ðành là
khó khi quyết định một việc hệ trọng.
Nhưng Vân-Anh đã suy nghĩ, cân nhắc thì quyết định không hẳn là sai
lầm. Chúng ta ít nhiều cũng phải hy sinh
về mặt này hay mặt khác.”
-“Nhiều lúc
để tự an ủi và trấn an tinh thần đang rối loạn, mình cũng nghĩ như Thu, trăm
điều cũng chỉ vì tương lai các con. Anh
ấy thông cảm và khuyến khích quyết định của mình.”
-“Nếu anh
ấy cũng tán đồng quyết định của Vân-Anh, mình nghĩ bạn cũng không nên quá lo
lắng.”
-“Nhiều lúc
không phải để than thân trách phận, mình cũng đã đặt câu hỏi tại sao chúng ta
lại rơi vào hoàn cảnh khó xử này?”
-“Vân-Anh
thấy đó, chúng mình cùng mang một tâm tư, có chung một cảnh ngộ. Cuộc sống mỗi ngày thêm nặng nề ngột
ngạt. Mình không hiểu nổi chủ trương
chính sách của chế độ này sẽ đưa dân tộc đi về đâu.”
-“Ðấy là
mối ưu tư và cũng là lý do mình cho các cháu ra đi. Sau nhiều năm thống-nhất, nhà nước vẫn cố
gắng hâm nóng thành tích chiến thắng miền Nam. Thử hỏi có người miền Nam nào mà
không tủi hận về niềm đau của mình, như vết thương đang rỉ máu.”
Thu tiếp
lời bạn:
-“Thay vì
sau khi thống nhất, phải hàn gắn những đau khổ do một cuộc chiến phi lý gây
lên, xóa bỏ thù hận để kiến thiết xây dựng quốc gia xứ sở, người ta lại “ban”
cho đám dân nghèo khổ này một nền “Tự-do đóng khung.” Thay vì đoàn kết dân tộc họ lại đào sâu hố chia rẽ, để lộ dã tâm của những kẻ xâm
lăng. Thử hỏi có người dân nào còn thật lòng
chung lưng đấu cật.”
-“Thu thấy
không, đó là điều thê thảm nhất mà chúng ta phải gánh chịu. Người ta đã tô son điểm phấn cho hành động
“giải phóng dân tộc”, được nêu cao như một “chính nghĩa”. Nhưng sau khi thống nhất họ đã chôn vùi chính
nghĩa, cướp bóc tài sản của người miền Nam, biến
“giải phóng” thành một cuộc “xâm lăng”.
Và vào giờ phút này, chúng ta mới nhìn rõ mặt trái của lòng “nhân đạo
khoan hồng” đối với người “tù cải tạo” miền Nam. Có phải vì hận thù, hay nhắm mục tiêu thống
trị mà hủy diệt tương lai dân tộc.”
*
23.
(Dựng Cờ: Quang Trị 1972) |
Con
tầu vượt qua bao nhiêu địa danh đã một thời dẫy đầy máu lửa. Một Quảng-trị đổ vỡ tan hoang rồi đến Huế
điêu tàn. Từ Tết Mậu Thân đến mùa hè đỏ lửa, người ta thắt giải khăn xô
cho những vùng đất, mà hàng nhiều ngàn người dân vô tội đã gục ngã trong mồ
chôn tập thể như ở Ðập Ðá đến Phú Cam rồi Nam- giao.
. . Những tiếng kêu khóc thảm thiết của
các bà mẹ, những người vợ trẻ và đám trẻ thơ trước hình hài chết không toàn vẹn
thân thể của người thân. Tiếng gào thét
của các nạn nhân bị hành quyết vang dội khắp miền Trung trong những năm khói
lửa.
Những hình ảnh đó luôn ám ảnh tinh thần người
miền Nam, đã
khắc sâu mối hận khó quên. Nguời cộng
sản dựa vào hai chữ “chính nghĩa” để bắt người dân vô tội phải chết. Ðó có phải vì tham vọng bá quyền hay cũng chỉ
là một thứ tay sai cho một loại thực dân mới.
Người dân
hai miền có nhận xét, Ðảng và nhà nước đạt thắng lợi lớn sau trận chiến “đại
thắng mùa xuân”, vì nhuộm đỏ được giang sơn từ Bắc vào Nam, nhưng phần thảm bại
lại dành cho dân tộc khốn khổ này.
Trong suốt
chiều dài lịch sử giữ nước, dù dưới ách đô hộ của ngoại bang, dân tộc chúng ta
luôn hòa hợp, chung lưng đấu cật chống ngoại xâm, giang sơn một mối. Có chăng chỉ là sự ngăn cách giữa người dân
với nhà nước cộng sản. Ðảng và nhà nước
lầm tưởng “sự thống-nhất sẽ phá vỡ ý tưởng ngăn cách. Sự sống chung là đầu mối của hòa giải để hòa
hợp.” Nhưng tiếc thay vẫn chính sách cũ,
nhà nước buộc người dân phải sống trong khuôn khổ, phải theo đúng đường lối nhà
nước đã vạch sẵn. Mọi cố gắng đã trở
thành vô ích, và người dân ngày càng xa chính quyền.
Mỗi khi
nghĩ tới đời sống người dân dưới chế độ hiện tại thường làm Thu lo sợ. Một đời sống luôn luôn bất ổn vì bạo
lực. Vẫn còn cảnh bắt người tù đầy mà
không cần xét xử. Vì luật pháp chỉ là
những điều lệ bảo vệ hành động của người cầm quyền. Nàng thông cảm với Vân-Anh đã hy sinh tình
riêng cho các con ra đi. Vì ít nhiều
lòng người mẹ cũng được an ủi khi thấy tương lai các con không tàn lụn.
Tầu ngừng
lại ở ga Thừa-thiên khi trời chưa sáng.
Sương đêm phủ trùm những ngọn đèn vàng trên các cột điện cao. Sân ga leo lét các ngọn đèn dầu của các gánh
bán rong. Thu hỏi bạn:
-“Vân-Anh
có xuống dưới ga không. Tầu ngừng ở đây
cả giờ. Xuống dưới một chút cho khỏe. Ngồi bó gối mãi chân muốn tê luôn.”
-“Mình cũng
muốn xuống ga một lát. Ðến đây chợt nhớ
món nem nướng, vừa nghĩ tới đã thấy thèm.”
Nghe bạn
nhắc, nàng cũng thấy nhớ hương vị thơm ngon của mùi thịt nướng, vị ngọt bùi của
nước chấm, mà trước đây mỗi lần ghé miền Trung nàng không thể bỏ qua.
Thu quay qua Vân-Anh:
-“Nghe bạn nói làm tôi cũng muốn ăn. Mình nhận ra một điều là mỗi vùng có một món
ăn riêng biệt, mang sắc thái hương vị khác với nơi khác.”
-“Phải nói miền Trung có món nem nướng là nổi danh nhất.
”
-“Vân-anh biết không, với món nem nướng Huế mình có rất
nhiều kỷ niệm. Mình thích ăn món này khi
còn học trung học. Mỗi tối khi trời về
khuya, đường phố đã bớt đông người, mình lại nghe tiếng rao hàng âm điệu miền
Trung cao vút. Chắc bà bán hàng biết
mình thích ăn, nên mỗi lần đi qua cửa, tiếng bà rao to hơn và dừng lại lâu hơn.
Mình đã nghiện
món ăn bà làm và cả giọng nói ngọt lịm, quyến rũ của bà. Tuy có tuổi mà trông bà còn đẹp lắm, vẻ đẹp
hiền hậu của một bà mẹ luôn yêu thương đùm bọc đàn con cháu mình. Bà cũng mến mình, vì vậy mỗi lần mua hàng
phần của mình trông có vẻ nhiều hơn, chăm sóc kỹ càng hơn.”
Vẫn hình ảnh quen thuộc, một quang gánh đơn sơ. Thu và Vân-anh ngồi xuống chiếc ghế nhỏ do bà
hàng đưa ra. Nàng gọi hai phần nem
nướng. Dưới ánh đèn dầu, nàng nhìn rõ
mặt bà bán hàng, cũng trạc tuổi nàng.
Thu ngỏ lời:
-“Bà bán ở đây lâu chưa?”
-“Tôi đi bán đã mấy năm.
Hai bà chắc ở trong Nam, có thường ra đây không?”
Giọng nói xứ Huế thật êm dịu. Mặc dù đời sống vất vả, nhưng
gương mặt vẫn giữ được nét đẹp. Hai bàn
tay búp măng thon dài, mà cuộc sống cực nhọc đã lấy đi làn da mịn màng.
-“Ðã lâu tôi không ra ngoài này, nhà tôi và chồng chị bạn
đây đang “cải tạo” ở ngoài Bắc nên chúng tôi ra thăm.”
-“Hai bà ở Sài-gon hay tỉnh nào trong Nam. Các ông nhà đã ra Bắc lâu chưa?”
-“Chúng tôi
ở Sài-gon. Nhà tôi ra Bắùc đã hơn bốn
năm. Còn bà, nhà ở gần đây không, có
đông các cháu không?”
-“Nhà tôi
cũng ở gần đây, tôi có bốn cháu, chúng còn nhỏ cả. Nhà tôi đi “cải tạo” từ năm 75, hiện giờ đang
ở trại Bến-thủy.”
-“Trước kia
bà có vào trong Nam?”
-“Truớc
ngày miền Nam mất
tôi cũng ở Sài-gon. Sau khi nhà tôi đi
học tập, đời sống trở lên khó khăn, nên tôi đưa các cháu về sống với
ngoại. Tôi làm nghề này để kiếm sống
nuôi các cháu qua ngày.”
-“Trại
Bến-thủy cũng gần đây, chắc bà đi thăm ông nhà thường chứ?”
-“Mặc dầu ở
gần, nhưng sáu tháng tôi mới đi thăm được một lần.”
-“Sáu tháng
đi thăm một lần là quý lắm rồi, chúng tôi ở xa quá, nên chỉ mong một năm cố đi
thăm một lần.”
-“Mang
tiếng là đi thăm nuôi, nhưng cũng chỉ có mục đích cho các cháu gặp mặt bố
chúng, để con không quên mặt cha. Ðời
sống bây giờ thật khó khăn, mỗi lần đi thăm phải dành dụm chắt bóp một thời
gian mới tạm đủ. Nhìn thấy các anh ấy
thực khổ tâm, lao động quá cực nhọc mà ăn uống lại không no đủ. Muốn mang nhiều quà một chút thì con cái ở
nhà lại thiếu thốn, còn mang ít thì không đành lòng. Tiền kiếm được lại có hạn. Nhiều lúc tôi không biết làm sao cho chu
toàn.”
-“Chúng ta
cùng chung cảnh ngộ, bà không nói chúng tôi cũng hiểu những khó khăn của chúng
mình.”
-“Tôi xa
Sài-gon đã lâu, đời sống trong đó có khá không?”
-“Ở đâu
quen đó, bây giờ chỗ nào cũng giống nhau.
Thành phần mới có quyền thế nên sống xa hoa, còn chúng tôi làm từ sáng
đến tối vẫn không đủ ăn. Tôi có năm
cháu, chúng còn nhỏ nên không đỡ đần được bao nhiêu.”
-“Hai ông
đang ở trại nào.”
Vân-Anh đỡ
lời:
-“Các anh
ấy đang ở trại Thanh-cẩm Thanh-hóa.”
-“Hai bà đi
thăm thường không?”
Thu nói:
-“Nhà tôi
di chuyển luôn nên không ở trại nào lâu.
Ðã năm năm tôi chưa gặp mặt. Từ
ngày nhà tôi ra miền Bắc, đây là lần đầu tôi đi thăm.”
-“Xin lỗi
hai bà, mải nói chuyện món ăn đã nguội, để tôi làm nóng lại. Trời lạnh mà món ăn không nóng sẽ mất ngon.”
Thu nhâm
nhi món thịt nướng lâu ngày chưa ăn, hương vị thật thơm ngon. Thiếu nước chấm đặc biệt này dù thịt ướp có
ngon mấy, vị cũng kém hơn.
-“Bà làm
món này ngon thật, ăn mãi không chán.
Tôi thích ăn món này từ hồi còn đi học.”
-“Bà quá
khen, tôi học món này của mẹ tôi, làm lâu ngày nên quen tay. Thực ra tôi học nghề chưa đến nơi đến
chốn. Mẹ tôi làm ngon hơn tôi rất
nhiều. Tôi cố gắng học nhưng không làm
sao bằng. . . .”
Thu và
Vân-Anh từ giã bà hàng nem nướng, nàng quay hỏi bạn:
-“Vân-Anh
có định mua gì ở đây không?”
-“Trời còn
tối quá, khó mà tìm đúng thứ mình thích.
Bạn định mua gì?”
-“Mình định
mua ít kẹo mạch nha, kẹo gương và mè xửng về cho các cháu. Ðể đến ga tới mua cũng được.”
*
24.
(Bãi biển Nha Trang) |
Thu
thức giấc thì trời đã sáng, con tầu đang trên đèo Hải-vân. Từ trên cao nhìn xuống, phía dưới là quốc lộ
1 chạy song song với con tầu. Con đường
thật vắng, thỉnh thoảng mới thấy chiếc xe hơi nhỏ.
Gió lạnh
lùa vào xe, nàng cảm thấy tâm hồn lâng lâng bay bổng. Dẫy Trường Sơn hiện ra mờ ảo trong khói
sương. Quốc lộ 1 mất hút sau rừng cây,
trả lại nét hoang sơ cho cảnh sắc thiên nhiên.
Tầu xa dần
vùng núi núi cao đến gần các
thành phố ven biển. Khung cảnh mỗi nơi mang một sắc thái riêng
biệt, trải rộng từ Bắc vào Nam. Từ vùng
núi non hùng vĩ đến những cánh đồng lúa bạt ngàn, mà suốt cuộc đời chưa chắc
nàng đã có cơ hội đi khắp nơi, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quê hương.
Con tầu mải
miết chạy, xuyên qua tỉnh Bình-định, địa đầu của Vùng II cũ, rồi tới tỉnh
Phú-yên, Khánh-hòa… Con tầu thét lên từng hồi còi dài, tiến dần vào thành phố
Nha-trang nắng ấm. Khung cảnh thật quen
thuộc như nàng mới rời khỏi đây, thành
phố đã cho nàng nhiều kỷ niệm tuổi xanh.
Gió thổi
nhẹ như mang theo vị mặn của đại duơng.
Ngồi đây mà Thu có cảm tưởng mình nhìn thấy thành phố vùng biển này một
cách thật rõ ràng. Nàng nhớ từng góc
phố, từng công viên, từ con đường rợp bóng đến khu phố sầm uất. Những con đường trải nhựa bốc khói duới nắng
hè đến Cầu đá hòn Chồng. . . Hình ảnh dĩ vãng hiện ra như ngày nào.
Thu rời
miền Bắc vào Nam khi chia đôi đất nước.
Thành phố vùng biển này là nơi đầu tiên nàng tới. Nàng lớn lên ở đây, khung cảnh trở thành thân
thương. Thu nhớ đến mái trường học xinh
xinh không xa nhà nàng bao nhiêu, đến ngôi nhà thờ ở đầu kia con đường với hàng
me xanh tươi. Thu thích ngôi nhà thờ này
vô cùng. Nàng thường tới quỳ dưới chân
tượng Ðức Mẹ cầu xin che chở. Hết ngày
này đến tháng khác, thời gian nối tiếp trôi qua, nàng vẫn một lòng tin tưởng.
Sau này,
nhiều lúc tự hỏi tại sao nàng có thể ngoan đạo đến như thế ở tuổi còn nhỏ. Nàng nhận ra rằng, chính nhờ những lời giảng dậy, những gương
sáng trong kinh sách, đã hướng dẫn và định hướng cuộc đời đạo đức của nàng sau
này.
Còn ở vào
thời gian đó, tâm hồn trong trắng của nàng với những khắc khoải của tuổi xanh,
mà sự chia cắt quê hương khiến gia đình ly tán, đã nẩy sinh trong tâm tư nàng
những mâu thuẫn về cuộc đời. Nàng tìm
tới Ðức Mẹ, mong nhận được sự bao dung che chở.
Một nơi nàng có thể tâm sự để tìm sự yên ổn cho tâm hồn.
Ðối với
Thu, vùng biển này thật đẹp, càng ở lâu càng nặng tình yêu thương quyến
luyến. Nàng đã say ngắm mặt trời ửng
hồng nhô lên từ mặt biển phẳng lặng, khi sương đêm còn phủ mờ cảnh vật. Từng đợt sóng nhỏ xô vào bờ phủ lên thềm cát
mịn chưa có dấu chân trần thế.
Mặt trời lên cao dần, xóa tan màn sương, trải
lớp ánh hồng lấp lánh trên mặt sóng.
Cảnh biển như một bức tranh mầu sắc lộng lẫy. Mặt đất lấn ra biển, hai dải đất như đôi tay
dang rộng ôm lấy đại dương vào lòng. Mặt
biển mênh mông, sóng nước dâng cao phủ trùm đường chân trời. Và khi mặt trời đứng bóng, in thẫm những bóng
dừa trên thềm cát nóng bỏng.
Những buổi
chiều nhạt nắng, nước thủy triều dâng cao, tràn vào bãi cát, khiến mặt biển
rộng thêm. Sóng đã nhồi cao, từng lớp xô
nhau phủ đầy những bọt trắng xóa, vỡ tan khi chồm lên bờ cát.
(Tháp Chàm Mỹ Sơn: Xây dựng đầu Thế kỷ 19) |
Khi mặt trời chìm hẳn ở phía sau lưng nàng, ánh nắng nhạt
dần trả lại cho bóng tối sự yên tĩnh hưu quạnh.
Chỉ còn tiếng gió thì thầm với sóng biển.
Thu lớn lên
ở đây. Kỷ niệm tuổi thơ của nàng gói
trọn trong giang sơn nhỏ bé này. Nhớ lại
các bạn thân năm nào, với danh hiệu “ngũ long công chúa”. Bây giờ mỗi người mỗi ngả. Ngọc, Trường, Ngắm nay đang ở đâu, có may mắn
đến được vùng đất hứa. Còn lại Tuyết với
nàng cùng chung cảnh ngộ, đang sống lây lất trên mảnh đất quê hương.
Tầu đã qua
Tháp Chàm, một vùng đất nhỏ hoang sơ.
Con tầu mải miết
chạy. Thu nhớ đến chồng, liệu anh có còn
cơ hội trở về với mẹ con nàng không. Cầm
lá thư anh gửi bạn mang về mấy ngày trước đây, không biết nàng đọc đã bao nhiêu
lần, đã thuộc lòng từng đoạn. Lá thư nếp
gấp đã mềm, nét chữ nhiều đoạn đã nhòe vì pha trộn nước mắt của nàng. Nhưng Thu vẫn còn muốn đọc:
“. . . Mỗi
tối sau một ngày lao động cực nhọc, nằm nhắm mắt cảnh cũ lại hiện ra. Anh nhớ đến kỷ niệm của chúng mình có với
nhau từ hồi mới gặp, khi em còn là cô học trò nho nhỏ xinh xinh, đã nổi tiếng
một thời tuyệt sắc. Anh yêu em và cũng
say mê em từ đó. Người ta bảo đó là
duyên số, hữu duyên thiên lý phải không em.
Anh may mắn gặp em và có em trong cuộc đời. Từ đó anh dừng bước giang hồ vì đã gặp được
người trong mộng.
“Rồi chúng
mình sống với nhau, có những đứa con ngoan ra đời. Em đã săn sóc dậy dỗ chúng và lo cả cho anh
nữa. Anh có cảm tưởng em không nghĩ đến em, đã hy sinh cho cha con anh nhiều quá.
“Em đã mang
đến cho anh một cuộc sống bình dị nhưng tràn đầy yêu thương, không khí ấm cúng
của mái ấm gia đình mà anh hằng mong đợi.
Như cánh chim cần tổ ấm để qua những mùa đông lạnh của đời
mình. Ðến lúc đó anh mới hiểu được câu
“cơm của vợ ngon hơn cơm của mẹ”.
Em săn sóc anh, biết ý thích của
anh, như đã trộn tình yêu thương trong mỗi bữa ăn hàng ngày.”
“Em đã theo
anh đến bất cứ nơi nào anh phải tới, dù nơi đó an toàn hay bất ổn. Từ đô thị đông người đến vùng Cao nguyên hẻo
lánh, chúng mình vẫn cảm thấy nơi đó là nhà, là tổ ấm yêu thương.
“Em đã chia
xẻ với anh những giây phút hạnh phúc hay lo âu trong thời binh biến, cả cay
đắng lẫn ngọt bùi của cuộc sống thăng trầm. Em biết không, em là nguồn yêu
thương hạnh phúc của anh. Ðối với anh em
đã là tất cả, từ ngày xưa, bây giờ và cho đến mãi sau này.
“Với các
con, anh nhớ từng khuôn mặt, cái dáng riêng biệt của mỗi đứa. Ti có vẻ nghiêm trang, thích những gì đặc
biệt. Anh còn nhớ con say sưa nhìn hai
con kiến càng, bắt từ cây mận trước nhà, đánh nhau. Con biết là nếu không có đôi râu, đôi kiến sẽ
không phân biệt được là bạn hay thù.
“Còn Vi thì
hiền ơi là hiền. Cô khóc đến đỏ hai mắt
khi có ai trêu. Con ít nói, tính tình
giống em ở chỗ tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người.
“Ðến Mi lùn
thì lại khác. Con thường trầm tư như mải
mê suy nghĩ. Từ bé con đã có tính nhàn
hạ, luôn vui vẻ hòa nhã. Con giống mẹ ở
chỗ hay mỉm cuời, để lộ lúm đồng tiền tròn quay trên má. Con thích đọc nên khi vừa buông đũa đã thấy
tay cầm sách.
“Cô Tư đen
khác hẳn các chị. Con luôn vui vẻ nhẩy
múa ca hát. Anh rất thương con, vì khi
con ra đời em bị đau nên không được nếm hương vị của sữa mẹ.
“Ðến Út
chuột của anh, con sinh ra vào mùa hè đỏ lửa, nên anh thương nó rất nhiều. Út ít phải không em. Ngay từ bé con đã quấn lấy mẹ, muốn mẹ là của
riêng nó. Em còn nhớ chứ, khi con mới
sáu tháng mình đưa đi cắt tóc. Cu cậu
chưa ngồi vững trên miếng gỗ bắc ngang qua hai tay ghế, mình trần trông tròn
quay. Mỗi lần bác thợ áp chiếc tông-đơ
lạnh ngắt vào gáy, cu cậu lại chùn người xuống tránh né mà không khóc.
“Con lớn
lên rất vui tính, đã tập hát những bài nhạc vui vào dịp Tết. Anh còn nhớ như in, khi con đứng lên trước mặt mọi người giới
thiệu bản nhạc mình ca. Lúc đó con chưa
đầy ba tuổi em nhỉ.
“Khi miền
Nam mất, các con chịu chung sự thăng trầm của bố mẹ, chúng đã phải chia xẻ cảnh
tang thương của gia đình. Rồi anh bị bắt
đi “cải tạo”, để mẹ con em ở lại, trút trọn gánh nặng cho em phải mang. Và khi mấy mẹ con em lên thăm anh ở trại
Gia-rai Long-khánh, sau hơn một năm bặt tin anh phải không em. Khi hết giờ gặp mặt, lòng anh thật chua
xót. Và lúc anh trở vào đến khung cổng
trại, chợt nghe tiếng con khóc gọi phía sau.
Anh quay lại thấy con đứng bơ vơ giữa đường, miệng gào to đòi bố. Nó vừa được bốn tuổi. Chưa bao giờ lòng anh thấy buồn như lúc đó,
như vừa đánh mất một thứ gì thật quý báu trong đời. Bước qua khung cổng trại, lằn ranh của hai
thế giới, anh biết là đã để lại phía sau tình yêu thương mà anh bị buộc phải
tách rời.
“Tiếng gào
khóc của út cứ ám ảnh anh mãi. Anh vẫn
lo lắng cho tình cảm của nó. Liệu tinh
thần của con có bình lặng thảnh thơi, hay phần nào bị vẩn đục vì những hình ảnh
đau thương mà người thân của nó đang gánh chịu.
“Anh ôm ấp
những kỷ niệm, những hình ảnh yêu thương của em và các con trong những năm xa
nhà, như ánh lửa cuối đường để anh nhắm tới mà hy vọng.
“Cuộc đời
anh trôi nổi từ đó. Anh đã nếm trải
những giây phút đau thương của một kiếp người.
Nhiều khi anh nghĩ, hay tại phần số mỗi người sinh ra một khác, phải
chịu những khổ ải đắng cay trong cuộc
sống chìm nổi của mình. Anh đã bám víu
vào hình ảnh yêu thương của gia đình, mà đôi lúc những áp bức, cực hình vô nhân
đạo đã làm lòng bất khuất của anh vùng dậy.
Anh đã chịu đựng những tủi hận và nghĩ tới mệnh số con người mà an ủi.
“Nhiều lúc
anh thấy số kiếp thật mong manh. Anh đã
trải qua những giây phút tuyệt vọng, thân xác rũ liệt trong phòng tối, hơi thở
như muốn đứt đoạn, khó hy vọng tồn tại.
Anh có cảm giác thân xác nhẹ tênh như muốn thoát khỏi vòng tục lụy, xa
lánh cái nghiệt ngã của cuộc đời.
“Nhưng
chính vào giờ phút đó, anh nhớ đến em và các con. Tinh thần anh chợt tỉnh táo
sáng suốt, nhủ thầm là mình không thể ra đi một cách yên lặng, đơn giản. Anh vẫn còn muốn sống. Bản năng sinh tồn vùng dậy, hâm nóng thân xác
giá lạnh của anh. Chưa bao giờ anh chùn
bước sờn lòng trước những bạo lực, cực hình.
Kể cả lúc anh nhắm mắt chờ đợi một lần ân huệ khi thái dương chạm vào
nòng thép lạnh. Nhưng vào giờ phút này,
anh bỗng thấy mình yếu đuối. Anh cầu xin
ơn trên. Anh mong còn sống để trở về với
người thân yêu…”
Thu để rơi
giọt lệ xót thương trên trang thư của chồng.
Giọt lệ từ đáy tim đang tan nát của nàng. Nàng nắm chặt lá thư trong tay nhủ thầm, liệu
đây có phải là kỷ vật sau cùng của năm tháng yêu thương.
Thu thoát
khỏi những ám ảnh đen tối khi Vân-Anh nắm chặt tay, nàng cảm nhận một phần an
ủi nơi bạn.
Vân-Anh
lên tiếng:
-“Thu buồn
lắm phải không. Số kiếp chúng mình như
vậy. Có phải chúng ta đang là “gái thời
bình”. Nhiều khi mình cũng không biết
tính toán ra sao, đành để mặc cho số kiếp đưa đẩy, vì chúng mình phải sống.”
-“Mình
luôn mong đợi một ngày xum họp, nhưng giờ phút này mỗi lúc một xa. Mình bị ám ảnh bởi những hành động hận
thù. Liệu có gì bảo đảm cho những ngày
sắp tới.”
-“Cũng như
Thu, mình có nhiều suy nghĩ, không biết cuộc đời mình sẽ đi về
đâu. Như trường hợp chị họ của
mình. Chắc Thu biết chị Lâm chứ?”
-“Chị Lâm
con bác Hai phải không. Nhưng chị làm
sao?”
-“Sau khi
chị đi thăm anh ấy về người như xác không hồn.
Gặp chị mình hỏi:
“Chị đi
thăm anh có khỏe không?”
Chị mình
bật khóc trả lời:
“Anh mất
rồi em ạ”
Mình xửng
xốt khi nghe tin. Giây lát sau mình mới
hỏi tiếp khi thấy chị binh tĩnh trở lại:
“Anh chết
làm sao hả chị?”
Chị Lâm nói:
“Như em
biết, anh biệt tăm từ ngày đi “cải tạo”.
Chị không biết tìm anh ở đâu.
Cách đây ít lâu chị mới hay tin anh ở trại Nam-hà ngoài miền Bắc. Khi chị tìm đến nơi thì quá trễ, anh đã qua
đời.”
Mình càng
thắc mắc khi nghe chị nói, nên hỏi tiếp:
“Chị đã
hỏi cẩn thận chưa. Mà tại sao anh chết?”
Chi Lâm
vừa khóc vừa nói:
“Trại xác
nhận như thế. Họ bảo anh bị bệnh mà qua
đời. Chị vào trại B, vùng Thung danh, là
nơi giam và anh cũng qua đời ở đó. Chị được biết đó là một trại kỷ luật nổi
tiếng miền Bắc. Chị tìm tới chỗ chôn,
hỏi một anh “cải tạo” để nhờ tìm mộ anh của em, nhưng anh trả lời: “năm ngoái
tôi còn biết mộ của anh ở đâu, nhưng bây giờ thì không nhận ra được nữa. . .
.”
Chị Lâm chợt im lặng trong giây lát, như
đè nén niềm cay đắng, rồi tiếp:
“Chị buồn
quá. Thương xót thân phận bạc phước của
anh, khi chết nấm mồ cũng tan hoang. Mà
chị cũng tủi cho số phận hẩm hiu chủa chị.”
Mình nóng
lòng hỏi chị:
“Chị có đi
tìm mộ anh không. Mà đã tìm kỹ chưa?”
Chị vừa
khóc vừa trả lời:
“Chị có đi
tìm nhưng không làm sao phân biệt được.
Các miếng gỗ ghi tên trên mộ đã không còn. Các nấm mồ chỗ cao chỗ trũng trong một khu
rừng hoang, cỏ mọc um tùm. Sau cùng
không biết làm sao hơn, chị đành làm theo lời anh cải tạo: “Chị không tìm ra mộ
của anh đâu, đến tôi cũng không còn nhận ra.
Thôi, chị cứ đứng đây, hướng về các ngôi mộ mà khấn, thể nào trong đó
cũng có anh ấy. . . ”
-“Mình
thương chị Lâm quá. Ðến giây phút đó
mình mới thấy thấm thía và cảm thông sự mất mát trong lòng chị.”
Thu tiếp
lời:
-“Khi mình
nghe nhắc lại câu nói của một cán bộ trại Nam-hà đối với anh em “cải tạo” miền
Nam: ‘Sinh mạng các anh chỉ bằng tờ giấy học trò’, mình vẫn chưa hiểu được hết
ý câu nói. Nhưng bây giờ mình đã nhận
ra, sinh mạng tù nhân trong các trại cải tạo thật rẻ. Chỉ cần một lời báo cáo đơn giản trên trang
giấy học trò, thì một kiếp người đã bị xóa bỏ như một vật thể vô giá trị.”
-“Như Thu
biết, sau khi cộng-sản chiếm được miền Nam, một thắc mắc được đặt ra, là
cộng-sản Hà Nội phải có hành động thế nào để chinh phục được nhân tâm người
miền Nam. Mà sự chinh phục phải bằng
tình yêu thương dân tộc. Nhưng cho đến
nay, người dân cả nước đã hoàn toàn thất vọng trước chính sách thù hận của nhà
nước.”
Thu thở
dài tiếp lời bạn:
-“Ðiều mà
người dân mong đợi sau khi thống-nhất đất nước là sự đoàn kết dân tộc. Nhưng cộng-sản miền Bắc đã theo con đường tàn
bạo. Dựa vào danh nghĩa giải phóng dân
tộc để chiếm đọat miền Nam, buộc người miền Nam phải sống trong tủi nhục. Ðảng và nhà nước Cộng-sản đã không thể mang
lại một nền hòa bình toàn vẹn mà dân tộc chúng ta kỳ vọng, sau khi đổ quá nhiều
máu và gánh chịu lắm đau thương.”
-“Mình có
chung suy nghĩ như Thu. Nghĩ đến đời
sống của người đàn bà như chúng mình, đến thế hệ trẻ tương lai, đã có nhiều dấu
hỏi. Tại sao mang danh là “chế độ của
giai cấp bị áp bức” lại đầy ải bóc lột những người nghèo khó nhất. Ðã đưa dân tộc vốn nghèo khó này đến một cuộc
sống cực khổ hơn.”
Saigon: Hòn Ngọc Viễn Đông |
-“Mình cũng tự hỏi, tại sao chế độ này lại phá bỏ những cái đang tốt đẹp
để đổi lấy một hoàn cảnh tồi tệ. Người
ta dẹp bỏ ý-thức dân chủ đã có trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ
nước, để đạt tới hình thức lệ thuộc ngoại bang.”
-“Thu nghĩ
xem, thiếu gì các quốc gia mang danh là dân chủ cũng có những hành động độc
tài. Nhưng ở những nơi đó, dù mang tiếng
độc tài, người dân vẫn được hưởng sự
tự-do mà con người phải có.”
Thu góp
lời với vẻ thất vọng:
-“Phải,
quyền tự-do là thứ không thể thiếu trong đời sống con người. Nhưng dưới chế độ “anh hùng” này chúng ta
được hưởng những gì hay chỉ có bạo lực.”
-“Niềm đau
của mình càng thôi thúc, khi nghĩ tới cuộc chiến tang thương của dân tộc. Hàng nhiều triệu người, cả cầm súng lẫn tay
không, phải chết oan uổng cho mục đích
không tưởng. Lớp người lãnh đạo có nghĩ
đến ước vọng của người dân không, đến quyền sống con nguời của dân tộc này
không. Hay họ hiểu ý nghĩa “dân vi quý”
để chỉ những nguời trong tầng lớp lãnh đạo như họ. Còn đám dân nghèo đói này, không phải là thứ
“dân vi quý”, để được hưởng quyền lợi bù đắp những hy sinh đã bỏ ra.”
-“Vân Anh
thấy đó, mình không hiểu tại sao những người lãnh đạo của chế độ này vẫn bị
ràng buộc trong chủ thuyết lỗi thời. Họ
có hiểu chủ nghĩa và chế độ là những thứ do con người đặt ra, nó chỉ tồn tại
khi mang lại lợi ích cho đời sống toàn dân.”
-“Có một
điểm mà người dân nào, dù miền Bắc hay miền Nam cũng nhận ra, vì quyền lợi đang
hưởng thụ khiến chính quyền ngày càng xa dân.
Mà trong lịch sử dựng nước của dân tộc chúng ta, có chính quyền nào tồn
tại khi đi ngược lại nguyện vọng của người dân.
Không hiểu chế độ này sẽ đứng vững được bao lâu nữa.”
Hai người
trở lên im lặng, như niềm đau hằn sâu trong cuộc sống đang trỗi dậy. Những lo lắng về tương lai mỗi lúc thêm khắc
khoải. . . .
Con tầu cố
nuốt nhanh quãng đường còn lại. Từng
cánh rừng, ruộng bắp đến những cánh đồng lúa thi nhau lướt nhanh về phía
sau. Phía trước mặt là thành phố
Phan-thiết rồi Bình-tuy. Thu nhớ đến
chồng đang ở phía sau cách xa nàng cả ngàn cây số. Nàng tự hỏi, số phận chồng nàng sẽ ra sao.
Liệu có phải đây là lần gặp sau cùng, và cuộc đời nàng sẽ thế nào khi phải đơn
độc phấn đấu trong một xã hội bất ổn.
Trước khi
đi lòng nàng thật háo hức, mong mỏi được gặp chồng và nhìn lại quê hương miền
Bắc sau hơn hai mươi năm xa cách. Tình
lưu luyến với mảnh đất nàng ra đời vẫn còn dào dạt trong lòng. Nhưng khi đến nơi nàng thật buồn, cũng không
hẳn nơi đây đang giam giữ người thân yêu của nàng, chia ly tình cảm gắn bó của gia
đình nàng. Nhưng không hiểu sao, chen
lẫn giữa tình yêu quê hương tha thiết vẫn vương vấn những lo âu bất ổn, đã
không gợi cho nàng thứ tình cảm yêu dấu thuở xưa.
Thu nhớ
đến các con, không hiểu giờ này chúng đang làm gì, có an toàn khi nàng xa nhà
không. Xa chúng mới một tuần mà tưởng
chừng đã lâu không gặp. Lòng nàng đang
phân vân, như đứng giữa hai ngả đường, một bên là chồng một ngả là con. Tâm hồn nàng đang chơi vơi xa lạ, lạc lõng
tại chính nơi quê hương yêu dấu của nàng.
Qua khỏi Bình-tuy, chỉ còn một quãng đường
ngắn nữa là tới Gia-rai Long-khánh. Rồi
Biên-hòa, tỉnh ven đô của thành phố Sài-gon.
Con tầu đang đưa nàng trở về thành phố “mới mang tên Bác”, đã một thời
vang bóng là “Hòn Ngọc Viễn Ðông”.
Trần-nhật-Kim
Washington
DC, Mùa Ðông 1988
***
Lời
Bạt
Anh Kim,
Tôi đã đọc
xong bản thảo tác phẩm “Vùng lầy nước mắt” của anh. Hôm nay tôi xin được nêu ra một vài nhận xét
về công trình văn học mà anh đã mất nhiều tâm huyết tạo dựng.
Nhận xét
chung, nội dung tác phẩm của anh rất xác thực, đáp ứng nhu cầu hiểu biết những
gì xẩy ra cho những người đàn bà có chồng con đi “học tập cải tạo”. Họ là những phụ nữ đã nhẫn nhục chịu đựng,
nuốt trọn nỗi đau thương và niềm tủi nhục để cố gắng vươn lên, làm tròn bổn
phận làm mẹ và làm vợ. Trước bao nhiêu
phồn hoa cám dỗ và quyền uy đe dọa người đức phụ trong truyền thống Việt-nam
vẫn đứng vững, không gì lay chuyển nổi.
Họ chỉ khóc cho số phận hẩm hiu, cho tương lai đen tối. Những dòng huyết lệ đó đã chảy từng ngày,
từng tháng, từng năm, chảy mãi và đọng lại thành “Vùng lầy nước mắt”.
Ðiểm đặc
biệt trong tác phẩm của anh là đã nói lên sự hy sinh cao cả của những người mẹ,
người vợ Việt-nam trong giai đoạn đen tối nhất của lịch sử dân tộc. Một điều ít có dịp được đề cập tới từ trước
đến nay.
Truyện của
anh là một diễn tiến liên tục những thảm cảnh và những nỗi đau khổ âm thầm của
người phụ nữ sau ngày 30 tháng 4 đen tối.
Nhiều đoạn làm cho người đọc xúc động và rưng rưng nước mắt, xót thương
cho một kiếp người.
Từ trang
đầu tới trang cuối, anh viết với một văn cách giản dị, trong sáng, không tìm
những cấu trúc cầu kỳ. Ðó là ưu điểm dễ
gây cảm tình với độc giả.
Hà-Bỉnh-Trung
Springfield, Mùa
Ðông 1999
No comments:
Post a Comment