Thursday, November 5, 2015

VẾT NHƠ LỊCH SỬ (Trần Nhật Kim)

 TỪ SÀI GÒN SANG TP. HỒ CHÍ MINH:
MỘT VẾT NHƠ CỦA LỊCH SỬ DÂN TỘC 
(CT. Lam Sơn – Gài Gòn)
Trong lịch sử cận đại, Việt Nam có hai biến cố quan trọng:  Cuộc di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 và cuộc vượt biên tìm tự do sau ngày 30-4-1975.  Cả hai biến cố cùng kết thúc bằng một Hiệp định mang danh ‘Đình chiến đem lại Hòa bình’, nhưng thực tế, đã phí phạm máu xương của hàng chục triệu người, tạo ra sự chia rẽ trầm trọng cho một dân tộc.  Tuy hai biến cố cách xa nhau 20 năm, từ 1954 đến 1975, mặc dù hành trình vượt thoát gian truân khác nhau, nhưng có chung một mục đích:  thoát khỏi chế độ cộng sản tàn bạo nhất của lịch sử nhân loại. 

Cuộc di cư của một triệu đồng bào miền Bắc vào Nam năm 1954, vì không chấp nhận chế độ cộng sản, là cuộc di cư vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc.  Khi đó tôi tự hỏi, tại sao phải có cuộc di cư ngay trên quê hương của mình.  Những người ra đi phải để lại miền Bắc cả mồ hôi và nước mắt, cùng thân bằng quyến thuộc.  Cuộc chia cắt đất nước có phải là giải pháp toàn vẹn cho dân tộc, khi mà hàng triệu người, kể cả cầm súng lẫn tay không, đã đổ máu trên mảnh đất thân yêu này, để bảo vệ đời sống tự do và hạnh phúc.  Những người miền Bắc di cư năm 1954 được CS Hà Nội tặng cho một bí danh:  B-54

Cuộc di cư vĩ đại trong lịch sử VN.
Cuộc di cư của người miền Bắc xuống miền Nam, là một cuộc “Nam tiến” bất đắc dĩ, bắt đầu một cuộc sống mới nơi miền đất lạ.  Nhưng chính nhờ cuộc di cư này đã nối kết được ba miền Bắc Trung Nam, thoát khỏi ảnh hưởng chia để trị từ thời Thực dân.  Một phần đất từ Bến Hải đến Cà Mâu mang tên một quốc gia mới, nước “Việt Nam Cộng Hòa”.  Một đất nước đã hòa hợp từ phong tục đến tập quán, nhưng quan trọng hơn cả là tạo dựng được nếp sống đa dạng, cùng phát triển về hai phương diện bồi đắp văn hóa dân tộc và kiến thiết xứ sở.

Sài Gòn trở thành thủ đô của miền Nam, là vùng đất hứa cho những con người có nhiệt tâm khai phóng, tiềm ẩn một nếp sống Tự do, không chấp nhận bất cứ một áp đặt khắc nghiệt nào.  

Sài Gòn nổi danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông” không phải chỉ vì tính chất hoa lệ của vùng đất này, mà sự đóng góp đặc biệt để danh xưng Sài Gòn trở thành bất diệt, là nhờ bản chất “Người Sài Gòn”.  Đặc tính “Người Sài Gòn” đã lưu lại trong lòng người tới đây một nét dịu dàng, dễ dãi nhưng trung thực, là nơi chốn đượm tình yêu thương.  Vì vậy, xa Sài Gòn vẫn nhớ, vẫn mong muốn trở về.

Có người hỏi tôi, thế còn Hà Nội?
Phải, tôi luôn nhớ Hà Nội, nơi tôi sinh ra và lớn lên.  Nét đẹp của Hà Nội ghi đậm lòng người những cảm súc, những quyến luyến khó quên.  Hà Nội tuy cổ kính nhưng tiềm ẩn vẻ thơ mộng, trang trọng nhưng hàm chứa nét trữ tình diễm lệ.  Với phong cách và nếp sống hài hòa của người dân đã mang đến cho Hà Nội một sắc thái riêng biệt.  “Hà Nội ba mươi sáu phố phường” trở lên duyên dáng, mặc dù các con phố có nhỏ hẹp, nhưng tự nó có trật tự và điểm tô bằng thứ tình cảm ấm cúng, gần gũi mà phải ở một thời gian đủ lâu mới tìm thấy cái cảm giác yêu thương, quen thuộc không thể thiếu đó.  Vì thế, đi xa vẫn nhớ.

Hà Nội, đất ngàn năm văn vật, cái nôi của văn hóa dân tộc.  Một nơi ghi đậm những dấu tích oai hùng của tiền nhân để lại trên đường dựng nước và giữ nước.  Hồ gươm rùa thần dâng kiếm.  Gò Đống Đa tướng giặc phải cúi đầu quy phục.  Bạch Đằng giang nổi sóng phá tan binh hùng tướng mạnh, trăm trận trăm thắng của đoàn quân kiêu hùng phương Bắc.  Tinh thần dân tộc kiên cường, dũng cảm là nhờ ở đó.  Rồi đến đền đài miếu mạo đã tô điểm văn hóa dân tộc thêm phong phú.  Tất cả dấu tích ghi trên là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo và cũng là niềm kiêu hãnh của con dân đất Việt.

Giọng nói của người Hà Nội mang một âm hưởng nhẹ nhàng, ấm áp nhưng ẩn chứa một nét kiêu sa của thời thanh bình, đã trở lên hiếm hoi sau năm 1954.  Hà Nội đã thay đổi.  Người dân Hà Nội mang nặng nỗi uất nghẹn câm nín, ngậm ngùi.  Có người cho rằng giọng nói của người Hà Nội trước đây đã theo chân xuất ngoại, đã thay đổi như bị ảnh hưởng, đồng hóa bởi âm thanh của vùng Thanh Nghệ.  Hay hiện tượng “đánh mất giọng Hà Nội” là do hậu quả của sự xáo trộn về xã hội sau những đợt cải tạo, đã ảnh hưởng tới giáo dục của những thế hệ trẻ sau này?  

Tôi đã đặt câu hỏi về hiện trạng của Hà Nội.  Tại sao người ta xây một ngôi nhà mồ giữa trung tâm thành phố, để lưu lại một hình ảnh tàn ác, mất tính người của một tội đồ diệt chủng.  Một cấu trúc góc cạnh thô cứng mang mầu sắc ảm đạm, chen giữa các công trình có đường nét nghệ thuật dịu dàng của thành phố.  Hay sự hiện diện của ngôi nhà mồ giữa thủ đô, là một điềm báo về sự bất hạnh của chế độ CS cầm quyền?  

Trong khi đất nước đang chìm đắm trong chiến tranh, đời sống của người dân nghèo không đủ
Xác Hồ
cơm ăn ngày hai bữa trong xã hội “tem phiếu”, người dân các tỉnh phải ngậm miệng cung cấp các vật liệu tốt nhất để xây dựng ngôi nhà mồ.  Theo tài liệu ghi lại về vật liệu xây cất: Cát lấy từ suối Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình.  Đá cuội được chuyển từ các con suối vùng Sơn Dương, Chiêm Hóa và Ngòi Thìa thuộc tỉnh Tuyên Quang.  Đá xây nhà mồ gồm đá Nhồi ở Thanh Hóa, đá Hoa của khu vực Chùa Thầy, đá đỏ núi Non Nước, đá dăm từ mỏ đá Hoàng Thi thuộc Thác Bà tỉnh Yên Bái. Cát từ Thanh Xuyên Thái Nguyên…chưa kể các đá ngọc mầu đỏ, đá hoa cương còn gỗ quý mang về từ Tây Nguyên…Riêng dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do” được dát bằng vàng…Thật là một “công trình vĩ đại” đã làm tiêu hao của cải và sức người, chưa từng được xử dụng cho các công trình ghi nhớ ơn đức tiền nhân có công khai quốc.

Ngân khỏan để xây căn nhà mồ này không thấy đảng CS thông báo, hẳn phải do sự đóng góp công sức và tiền thuế của người dân.  Số người bị tai nạn, thương tật trong khi khai thác vật liệu để cung ứng nhu cầu xây cất cũng không được nêu ra. 

(Hà Nội:  Thời bao cấp) 
Sau ngày khánh thành, người dân miền Bắc nối đuôi nhau xếp hàng dài trước nhà mồ, kêu khóc thảm thiết, để được nhìn mặt ông Hồ, một hình tượng bọc sáp ngay đơ bất động trong hộp kính.  Những người này hẳn phải tủi nhục căm hận, vì đã bỏ công ăn việc làm, tới chiêm ngưỡng xót thương một kẻ được tôn vinh là cứu tinh, là “Cha Già dân tộc”, đã đưa ra những chính sách giết hại hàng triệu người Việt Nam. 
                                                                                                
Cộng Sản Quốc tế đã dàn dựng để Hồ Chí Minh thay thế Nguyễn Tất Thành, một người ăn chơi trác táng, bị bắt vì hoạt động cho cộng sản, đã chết tại nhà tù Hong Kong năm 1932.  Đảng CSVN vẫn tiếp tục giấu giếm, lừa gạt người dân.

Sài Gòn bị đổi tên thành Hồ Chí Minh.
Hòn Ngọc Viễn Đông
Sài Gòn, một vùng đất lịch sử có trên 300 năm.  Theo “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776: năm 1674 Thống suất Nguyễn Lương vâng lệnh Chúa Nguyễn phá vỡ Lũy Sài Gòn (theo Hán Nho viết là Sài Côn).  Danh xưng Sài Gòn được dùng để chỉ các khu vực nằm trong Lũy Lão Cầm (năm 1700), Lũy Hoa Phong (năm 1731), Lũy Bán Bích (1772).  Ngày 3 tháng 10 năm 1865, địa giới thành phố Sài Gòn và Chợ lớn được xác định.  Sau năm 1956, tên Sài Gòn được dùng chung để chỉ hai vùng đất Sài Gòn (Bến Nghé) và Chợ Lớn.

Đối với miền Nam, sau ngày 30-4-1975, 3 triệu người bỏ phiếu bằng chân đưa nhau ra biển, được Hà Nội khoác cho một tên mới:  “Khúc ruột thừa ngàn dậm”.  Những người mà đảng CSVN không tiếc lời sỉ nhục, là đĩ điếm, là thành phần ôm chân ngoại bang, những tội đồ phản bội dân tộc… Liệu những nạn nhân của chế độ cộng sản có thể quên dĩ vãng tủi nhục tha phương, khi mà kẻ cầm quyền Hà Nội vẫn tiếp tục mạnh tay đàn áp, bóc lột người dân lành trong nước.
Cuộc chia cắt năm 1954 đã biến một nửa quốc gia trở thành thù địch vì ý thức hệ, nhưng biến cố 30-4-1975 đã chia rẽ dân tộc bởi đám CS cầm quyền.  Mặc dù có chung một quốc gia, có cùng một huyết thống, nhưng không chung Tổ quốc.  Vì Tổ quốc của họ là Cộng sản Thế giới Nga-Tầu.  Sau biến cố 30-4-1975, Sài Gòn bị đổi tên: thành phố Hồ Chí Minh.
           
“Thành phố Hồ Chí Minh” xuất hiện từ tháng 7 năm 1976, chỉ là một nhà tù khổng lồ, không gợi cho người tới đây một cảm giác an toàn, một tấm lòng cởi mở.  Một nếp sống mới chỉ thể hiện sự chụp giật của những ý đồ đoản kỳ, chân trước chân sau, ôm của chạy theo người, không thể vực dậy một đất nước đang trên đà suy thoái.  Dưới chế độ hoang tưởng Xã hội Chủ nghĩa, tệ nạn xã hội ngày một gia tăng, tham nhũng trở thành quốc nạn, đã làm thành phố Hồ Chí Minh càng thêm sa đọa nhơ nhớp.  

Một đất nước cai trị bởi một chế độ độc đảng, một cơ chế phi nhân, đang làm tiêu tan những giá trị tinh thần của một dân tộc.  Trong cuộc tranh chấp biển đảo vừa qua Trung quốc đã dựa vào bản in sách địa lý lớp 9 của Việt Nam cách đây hơn 40 năm, để đòi chủ quyền về Biển Đông. Tài liệu cho biết những trang sách đó bao gồm cả Công hàm năm 1958 do Thủ tướng Pham Văn Đồng ký tên.  Như Tiến sĩ Nguyễn Nhã xác nhận trên đài VOA, trong sách giáo khoa lớp 9, Việt Nam đã công nhận quần đảo Hoàng sa (Trung quốc gọi là Tây sa) thuộc chủ quyền Trung quốc.  Hành động thiếu hiểu biết của ông Phạm Văn Đồng khi ký Công hàm năm 1958 công nhận chủ quyền của Trung quốc về biển đảo, đã gây ra nhiều bất lợi cho Việt Nam.  

Phái Đoàn Hà Nội sang Tầu cúng Mã Viện.
Trong chiều hướng thần phục Trung quốc, đảng CSVN đã cho người đóng vai Hai Bà Trưng và các tùy tướng sang tế lễ tại đền thờ tướng Mã Viện ở Đông Hưng, một thành phố tiếp giáp với Móng Cái.  Từ năm 2008 tới nay, ngày hội tại đền thờ Mã Viện có đoàn Nghệ Thuật do Hà Nội cử sang tham dự.  Ngày 17-2-2008, nhật báo Đông Hưng có đưa tin phái đoàn nghệ nhân Việt Nam sang tế lễ tại đền thờ Mã Viện.  

Chúng ta ai cũng biết Hai Bà Trưng là anh hùng nước Việt, mặc dù là phận gái, đã đứng dậy cùng nhân dân dương cao “Ngọn Cờ Vàng” chống lại hành động xâm lăng đô hộ của kẻ thù phương Bắc.  Hành động đóng vai Hai Bà Trưng lễ lậy kẻ thù của dân tộc, đã xúc phạm lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.  

Ông Hồ là một cán bộ của CS Quốc tế với nhiệm vụ tổ chức mạng lưới CS tại Đông Dương đã nhắm vào giới trẻ, thành phần đầu óc như tờ giấy trắng, nhuộm xanh ra xanh, nhuộm đỏ thành đỏ. Với chính sách “Trăm năm trồng người”, xử dụng nghệ thuật tuyên truyền, đã hướng dẫn và biến đổi tư tưởng nhiều thế hệ trẻ Việt Nam, trở thành công cụ của đảng.  Qua nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chúng ta thấy nhận thức sai lầm của cô trong sinh hoạt hàng ngày, do ảnh hưởng bởi hệ thống tuyên truyền của đảng CS. 

Lịch sử đảng CS và chủ nghĩa Mác Lê trở thành môn học bắt buộc trong học đường, khiến sự hiểu biết về lịch sử dân tộc đã trở lên hạn hẹp.  Chúng ta không ngạc nhiên khi đọc bài viết:  “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” của tác giả Đỗ Ngọc Bích gửi Ban Việt ngữ đài BBC, chuyển đi ngày 17-4-2010.  Cô đã phản bác trước hành động bài xích, “ghét” nhà nước CSVN và nhà nước CS Trung quốc của người Việt trong và ngoài nước:
“Trung quốc đã hỗ trợ Bắc Việt Nam rất lớn trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ‘đánh bại’ người Mỹ và ‘lật đổ’ chính thể Việt Nam Cộng Hòa.”
 
Và tác giả tỏ thái độ:  Họ không nhận ra được rằng Việt Nam thực ra cũng là một phần trong da thịt của Trung quốc, chia sẻ nguồn gốc văn hóa và tư tưởng, và nhận được khá nhiều ân huệ từ Trung quốc trong suốt 20 năm chiến tranh (1950-1975)”.

Cô Đỗ Ngọc Bích nhìn nhận Trung quốc hỗ trợ Bắc Việt rất lớn trong chiến tranh Nam-Bắc, nên CS Hà Nội đã đánh bại Mỹ và lật đổ VNCH.  Trên thực tế, ngân khoản viện trợ cho miền Bắc không phải cho không, nên sau ngày 30-4-1975, thay vì tài sản chiếm được của miền Nam để kiến thiết xứ sở, đảng CS đã vét cạn để trả nợ số quân nhu Nga-Tầu đã viện trợ.  Trung quốc xử dụng miền Bắc như một loại lính “đánh thuê” để thực hiện ý đồ bành trướng của họ, vừa không mất vốn mà lại có lợi lâu dài. 

Để tỏ lòng trung thành với Trung quốc, ông Hồ đã trả lời Mao Trạch Đông: “Chúng tôi đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng và dù phải đốt sạch dẫy Trường sơn.
 
Câu nói để đời này được Lê Duẩn nhắc lại rõ hơn: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung quốc”

Chắc cô Đỗ Ngọc Bích cũng nhận ra hậu quả tai hại của ‘Ngàn năm đô hộ giặc Tầu’, một ý đồ đồng hóa bằng văn hóa, làm mất dần bản sắc dân tộc của một quốc gia.  Đó là lý do để Trung cộng và Nga sô viện trợ cho Bắc Việt phương tiện đánh chiếm miền Nam.  Đảng CSVN cam tâm làm kẻ tôi đòi, đưa dân tộc vào vòng nô lệ.  Là người học cao hiểu rộng, cô Bích cũng tự biết phải làm gì trong hoàn cảnh bi đát của đất nước hiện tại.

Thủ Tướng Đức Markel tặng Cận Bình bức bản đồ.
Khi làm luận án, chắc cô chưa biết tới tấm bản đồ Trung quốc in năm 1735, mà bà Thủ tướng Đức Angela Merkel, đưa biếu ông Tập Cận Bình trong chuyến ông viếng thăm nước Đức.  Tấm bản đồ cổ của Trung quốc do nhà bản đồ học người Pháp, Jean-Baptise Bourguignon d’Anville, vẽ vào thế kỷ 18 và được nhà xuất bản Đức in năm 1735.  Tấm bản đồ ghi rõ khu trung tâm Trung quốc chủ yếu là người Hán, không có Tây Tạng, Tân Cương, Mông cổ hay Mãn Châu cũng như quần đảo Hoàng sa và trường sa.  Chẳng qua chỉ vì tờ Công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký năm 1958, khiến Trung quốc có cơ sở để “nhận vơ”.  

Cô cũng không tìm thấy tấm bản đồ này trong các bộ sử mà cô tra cứu nên nhận thức có phần hạn hẹp.  Hy vọng cô Đỗ Ngọc Bích có thêm dữ kiện để luận án tiến sĩ không phạm sai lầm, hầu tránh gây tai hại cho lớp trẻ sau này. 

Do những sự việc trên chúng ta nhận ra, tuổi trẻ Việt Nam đã trở thành “nạn nhân” của ý đồ bóp méo lịch sử đất nước của đảng CSVN.

Tại sao Việt Nam vẫn tụt hậu?
Tại sao Việt Nam vẫn tụt hậu, mặc dầu sau 40 năm chấm dứt chiến tranh? 
Sau khi cướp đoạt chính quyền năm 1945, đảng CSVN dựa vào bạo lực để tồn tại.  Thành phần cầm quyền bất tài, không có khả năng xây dựng, mọi chính sách đã rập khuôn Trung quốc.  Sau khi chiếm miền Nam, một lần nữa CS Hà Nội mang chính sách đã làm tại miền Bắc áp dụng cho miền Nam, khiến đất nước ngày càng kiệt quệ.  

Về điểm này, ông Lý Quang Diệu, sau khi đến thăm Việt Nam nhiều lần, đã đưa ra nhận định: “hế hệ các nhà lãnh đạo lão thành của Việt Nam không có khả năng phá vỡ tư duy xã hội chủ nghĩa một cách cơ bản, đang khiến Việt Nam trì trệ.” 

Ông nhấn mạnh: “Các bậc lão thành cách mạng này đã thăng tiến trong chiến tranh hiện đang nắm giữ nhiều vị trí quyền lực trong hệ thống đảng, nhưng họ nắm giữ chức vụ đó không do tài năng quản trị hay quản lý kinh tế.” 

Ông cũng cho rằng:  “hầu hết doanh nhân quen thuộc với đường lối của chủ nghĩa Tư bản, thành công tại miền Nam đã rời bỏ nước trong thập niên 1970”.  Trước hiện trạng của Việt Nam, ông đưa ra 4 lời khuyên:  “Phải biết giữ người tài, tăng cường đào tạo tiếng Anh,  không được thiếu giáo dục và nuôi tham vọng cho sinh viên.”  Ông công nhận “người Việt Nam rất năng động và thông minh, sinh viên du học luôn giành được điểm cao trong các kỳ thi, nhưng rất tiếc Việt Nam không khai thác được hết những tiềm năng của mình.” (Nguồn: nghiencuuquocte.net)

Trước nguy cơ mất nước về tay Trung cộng, chỉ còn con đường duy nhất là dựa vào sức mạnh nhân dân, đồng tâm nhất trí, như ông cha chúng ta đã làm từ thời lập quốc.  Không thể trông đợi các quốc gia trên thế giới tiếp tay, khi mà chúng ta không tự mình đứng dậy.   Tự do không phải tự nhiên mà có.  Hãy nhận rõ nguyên nhân đã làm đất nước chúng ta chậm tiến.                            
                                                                   *
Sài Gòn là trái tim và cũng là niềm hy vọng của người miền Nam.  “Sài Gòn” mang một âm hưởng vui tươi, thể hiện một nếp sống giản dị, phóng khoáng, đã trở thành một nơi hò hẹn, một ngã tư quốc tế, hội nhập văn minh Tây phương, nhưng vẫn bảo toàn, trân quý văn hóa cổ truyền của dân tộc.  Sài Gòn là trục nối các vùng đất nổi danh “Hong Kong – Sài Gòn – Singapore”, một sự liên kết kỳ diệu, một nơi gặp gỡ của hai nền văn hóa Đông-Tây.  Vì vậy, bất cứ sự đổi  thay nào của vùng đất này cũng trở thành lạc lõng, vô nghĩa.

Sau biến cố 30-4-1975, người dân Sài Gòn đã nhận định: “Chế độ cộng sản Hà Nội khởi đầu sự thất bại ngay khi vừa chiến thắng”.  Với danh nghĩa “Giải phóng dân tộc, Thống nhất đất nước” lại bắt đầu chính sách đào sâu hố chia rẽ Nam-Bắc, gây thêm lòng căm hận cho người miền Nam.  Trong tâm tư của “Người Sài Gòn”, Sài Gòn vẫn là lẽ sống, vẫn là nhịp thở trong trái tim của họ, mặc dầu bị chiếm đoạt, thăng trầm.  Nét đặc biệt của “Người Sài Gòn” là lạnh nhạt với đám tay chân của “bác Hồ” và mong chờ ngày Sài Gòn thanh bình, với nếp sống Tự do Dân chủ trở lại./  

No comments:

Post a Comment