Sunday, August 23, 2015

ẤP ĐỜI MỚI

CB/XDNT  Bảo Tố
Năm 1965, vì áp lực chiến sự vô cùng sôi động, chính quyền dân sự Phan Khắc Sửu trao quyền chính trị lại cho quân đội để thành lập một cơ quan quyền lực mệnh danh là “Nội Các Chiến Tranh”, với mục tiêu chính phải là đánh giặc; nhưng lại đẻ ra “hiện tượng” xây dựng “Ấp Đời Mới” là tạo sao?

Điểm son của các Chính Phủ VNCH là mặc dù phải đối phó với chiến tranh phá hoại và hủy diệt của Việt Cộng, nhưng chủ đích vẫn là lo cho dân được tự do, no ấm và hạnh phúc.


Trong chiến tranh, đường xá bị Việt Cộng đào xới, cầu cống bị giật sập, người dân nông thôn bị đe dọa, phải đóng góp, ủng hộ, nộp thuế  cho "chính phủ ma" của Cộng Sản ẩn hiện lúc nửa đêm gà gáy.

Thời Đệ Nhất Cộng Hòa có “Khu Trù Mật”, một vùng đất được chính phủ khai hoang, phân lô canh tác, xây dựng nhà cửa và trợ cấp sáu tháng lương thực cho những ai tình nguyện đến đó để tạo cuộc sống mới.  Nhưng chính sách này đã bị Công sản phá tan tành.

Qua thời Đệ Nhị Cộng Hòa (lấy kinh nghiệm từ quốc sách “Ấp Chiến Lược” với chủ trương huy động dân chúng trong thôn ấp thực hiện chiến tranh phòng thủ chống lại du kích Cộng Sản), chính quyền đã đề ra chính sách xây “Ấp Đời Mới” và cũng là mục tiêu chính trong chương trình Xây Dựng Nông Thôn của nhà nước.

Vì "Ấp Chiến Lược" không thể so sánh với công sự chiến đấu và phỏng thủ của quân đội. Hơn nữa, người dân không thể sinh sống trong ấp mà không ra ngoài để kiếm sống; do đó, Việt Cộng đã dùng ân uy để móc nối, ép buộc và hăm dọa; đó là chưa kể những tên cán bộ nằm vùng còn tìm cách sách động dân chúng gây rối loạn để thôn ấp trở thành bất an, trong lúc cán bộ Công Dân Vụ của ta thì quá ít, bị trải mỏng, thiếu trang bị, nên đành phải bó tay để Việt Cộng tự tung, tự tác. Chính vì vậy mà "Ấp Đời Mới" đã ra đời. 

Thời đệ nhất Cộng Hòa, Miền Nam có trên mười ngàn ấp (1). Ba năm sau khi nền đệ nhất Cộng Hòa bị sụp đổ, chúng ta chỉ còn thực sự làm chủ khoảng năm trăm ấp (2), hầu hết ấp còn lại nằm trong vùng tranh chấp bất an.

Mặc dù Miền Nam trải qua nhiều biến động chính trị, nhưng niềm tin chiến thắng Cộng Sản vẫn khẳng định vững chắc, nhờ những người Quốc Gia chống Cộng quyết tâm bảo vệ tự do.

Năm 1966, để giải thoát nông thôn khỏi sự đe dọa, khủng bố của Cộng Sản, chương trình Xây Dựng Nông Thôn được thực hiện rầm rộ, và Trung Tâm Huấn Huyện Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn tại Vũng Tàu trở  thành trung tâm huấn luyện cán bộ lớn nhất trên toàn quốc, nhằm mở những khóa huấn luyện cấp tốc, với mỗi khóa ba tháng, cho khoảng mười ngàn khóa sinh.  Sau 3 năm thực hiện, trung tâm này đã đưa về nông thôn khoảng 80 ngàn cán bộ áo đen (3), là những người đảm nhận nhiệm vụ xây dựng ấp đời mới, tạo điều kiện và khung cảnh cho người dân kiến tạo đời sống mới.

Theo đơn vị hành chánh VNCH, ấp là lãnh thổ nhỏ nhất đặt dưới quyền quản hạt của xã.  Tùy theo diện tích, mỗi xã có có nhiều ấp, có ấp quy tụ hàng ngàn nóc gia nằm gần nhau trong một khu vưc mà xung quanh là đồng ruộng, hoặc núi rừng.

Trong cuộc chiến tranh với bọn “vô-sản-hóa”, đời sống của người dân ở thôn ấp vô cũng nghèo khổ, lầm than, bị đe dọa và áp bức từ những tên cộng sản nằm vùng; cuộc sống trần gian của họ chẳng khác gì cảnh địa ngục.

Khi CB/XDNT về xây dựng “Ấp Đời Mới”, người dân không còn bị đe dọa và áp bức bởi Cộng Sản cùng bọn cường hào ác bá ở địa phương; người dân không còn bi tiêu hao công của do chu cấp cho bọn Cộng Sản nằm vùng.

Nhờ cán bộ dựng chợ, tu sửa đường xá và cầu cống, dân chúng có thể đi lại và buôn bán làm ăn.  Cũng nhờ cán bộ chuyên môn được điều động về hướng dẫn nông dân chọn giống, học cách bón phân và trừ sâu, nên năng suất lúa gạo, hoa mầu và chăn nuôi đã được cải thiện.

Ngoài ra, cán bộ còn gíúp dân gặt, đập lúa, nhưng tuyệt đối không nhận công, dù là một chén cơm, vì họ đã được trả thù lao đủ sống.

Ngày 26 tháng 3 năm 1970, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc lệnh số 003/60 ban hành luật "Người Cày Có Ruộng”, qua đó mỗi gia đình làm ruộng được làm chủ tối thiểu ba mẫu ruộng; việc này đã phá tan khẩu hiệu mập mờ “người cày có ruông cày” của Cộng Sản, nhằm thực hiện khẩu hiệu của nhà nước Hà Nội “người dân làm chủ, nhà nước quản lý”. 

“Ấp Đời Mới” đã trở nên khang trang nhờ cán bộ xin vật liệu giúp dân nghèo sửa chữa nhà cửa  siêu vẹo và dột nát.   Mỗi ấp đời mới đều có 1 trạm y tế, có nhân viên y tế, hoặc cán bộ y tế áo đen, phụ trách những vấn đề liên quan đến sức khỏe, hoặc chuyển tải bệnh nhân cấp cứu lên quận hoặc tỉnh. 

Áp Đời Mới còn có những  lớp học cho trẻ em do giáo viên của ty, sở giáo dục phu trách.  Nếu ấp mới mở, chưa có giáo viên, thì cán bộ tạm thời phụ trách.  Cán bộ XDNT còn phụ sinh hoạt văn nghệ, thể dục thể thao cho các trường tại xã ấp bằng cách dạy học sinh ca hát, dạy võ Vovinam để nâng cao thể  lực và tinh thần người Việt.

Ngoài ra, Ấp Đời Mới còn có những cán bộ phụ trách giáo dục và xã hội như “bưu tín viên”, đảm nhận đưa thư và nhận thư, giúp các ông già bà lão đọc thư, viết thư gửi cho con cháu ở phương xa,  mở lớp dạy chữ cho người ít học, để người dân ai cũng có thể đọc chữ viết thư, giúp họ vun bồi tình cảm hạnh phúc với người thân.

Ấp Đời Mới đã tìm lại hạnh phúc cho nhiều gia đình bằng cách giúp những người nhẹ dạ bị Cộng sản quyến dụ, thoát ly, hoặc nằm vùng…về “hồi chánh” để sum họp với gia đình xây dựng hạnh phúc trong cuộc sống “an cư lạc nghiệp”.


Ngoài quyền lợi kinh tế và xã hội, Ấp Đời Mới còn thể hiện quyền chính trị cho người dân qua việc họ có quyền ứng cử, bầu cử các chức vụ “hội đồng xã”, và hành chánh xã ấp.


Với khẩu hiệu “cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu” CB/XDNT vận động nhân dân nhận vũ khí, súng đạn để bảo vệ mạng sống, nhà cửa và ruộng vườn của mình.

Khác với “ấp chiến lược”, “Ấp Đời Mới” không có hàng rào ngăn cách con người với nguốn sống và tài sản của họ,  nên người dân tự ý thức là phải đấu tranh để bảo vệ cuộc sống mới của họ.

Tóm lại, chính sách XDNT với đối tượng xây “ấp đời mới” thành công là nhờ cán bộ được huấn luyện và vận dụng khôn khéo đúng mức nhiệm vụ trong việc xây dưng bảo vệ quê hương;  bởi vậy, Tổng thống Thiệu đã thực hiện cánh mạng “cán bộ hóa công chức” trong guồng máy hành chánh công quyền nhằm biến nhân viên hành chánh thành cán bộ có khả năng vận động nhân dân trong công cuộc đấu tranh chính trị với Cộng Sản sau khi ký hiệp định Paris năm 1973.

Một điều vô cùng quan trọng nữa là âm mưu lừa đảo, bóc lột nhân dân của Việt Cộng bị lật tẩy, nhân dân chán ghét chiến tranh đã chối bỏ và chống lại mọi sự xâm nhập của Cộng Sản, khiến chúng không còn hữu hiệu trong chiến tranh nhân dân, nên quay sang “địa chiến” bằng cách tận dụng toàn bộ lực lượng quân sự của miền Bắc để tiến chiếm miền Nam, biến “hòn ngọc viễn đông” thành nhà tù Cộng Sản.


(1)    Tài liệu Bộ XDNT
(2)    Đi tìm một giải pháp cho vấn đề Việt Nam/Hoàng văn Lạc.

(3)    Tài liệu Bộ PTNT


No comments:

Post a Comment