Nhà văn
Nguyễn Đắc Xuân đưa đến ông một bài thơ thiền của thiền sư Thích Nhất
Hạnh, người có ý nguyện làm đại lễ cầu siêu cho hàng triệu người Việt
Nam dù theo bất cứ chính kiến, tôn giáo nào đã chết trong các cuộc chiến
tranh vừa qua, nhờ nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc– thực ra cũng là một hình
thức cầu siêu những đau khổ, hận thù, phân ly của dân Việt. Ông thiền sư
còn khuyên ông nhạc sĩ khỏi bệnh hãy ra thăm các chùa ở Huế và ngồi
thiền để lòng được tĩnh tại.
Nhạc sĩ Phạm Duy nói với tôi: “Nói cho
cùng thiền chính là sự hòa giải, chính là sự hài hòa giữa con người với
thiên nhiên, khí trời, non nước đấy cậu ạ”.
"Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời người ơi!..."
Chỉ sau này khi lên M’drak ngồi thiền
49 ngày giữa rừng núi hoang sơ tôi mới hiểu hết câu nói trên giường bệnh
trước ngưỡng thập tử nhất sinh ấy của ông nhạc sĩ không bao giờ nhận
mình là già. “Thiền nói cho cùng là sự hòa giải”. Có hòa giải mới không
tắc nghẽn, không phân ly. Có hòa giải mới… thông. Mà muốn hòa giải thì
lòng phải yên, tâm phải yên.
Khi đã lấy được hơi thở đầy đặn hơn,
nhạc sĩ Phạm Duy nhổm dậy, bật iPad cho tôi xem bộ phim đạo diễn Đinh
Anh Dũng vừa hoàn thành về ông: “Phạm Duy, con đường cái quan”. Thật ra bộ phim này còn có tên “Phạm Duy – ngày trở về”.
Đã có nhiều người hỏi, tác giả của bản “Tình ca” bất hủ “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi”,
lý do thực sự nào đưa bước chân tha phương của ông trở về quê hương.
Ông đã đổ cho vì có bài thơ của tôi “Về thôi người tình già ơi” viết năm
1994 mời gọi ông trở về. Ông giải thích, chính vì tôi cảnh báo cho ông,
nếu không về thì lớp trẻ không còn biết đến âm nhạc của ông nữa.
Và rồi, chính bộ phim của đạo diễn Đinh Anh Dũng, khi nhà thơ Đỗ Trung Quân – người dẫn chuyện trong phim đã hỏi tôi: “Sự thật nhạc sĩ Phạm Duy nói thế nào về sự trở về của mình?”
Tôi đã nói trước mặt nhạc sĩ Phạm Duy: “Thật
ra đó chỉ là cái cớ, giống như một vị khách được mời cơm, đói lắm rồi,
muốn đáp lại lời mời cơm lắm rồi, nhưng còn hơi ngại ngần một chút nên
cười bảo: “ồ, có ớt đấy à, tôi thích ăn ớt” để ngồi xuống mâm, làm như quả ớt kia mới chính là lý do để mình cầm đũa”. Sự thật là như thế!
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng vì biết rõ sự thật
của lòng mình là như thế, bài thơ mời gọi ông “trở về” chỉ như quả ớt
kia thôi, nên ông đã im lặng đồng tình.
Vậy thì cái lý do thực sự nào đã dẫn ông nhạc sĩ nổi tiếng tài và cả… tật, quyết định trở về cố hương?
Khi phải chia tay ông, ông trở nên rất
mệt, ông nằm trên giường bệnh đưa tay cho tôi nắm. Tôi sửng sốt khi
thấy bàn tay ông rất lạnh. Ông cố nháy mắt tinh nghịch như chào tôi, rồi
ông bảo tôi ghé tai vào gần ông. Ông nói nhỏ nhẹ:
“Cậu tin không, đến chết tôi vẫn
ngạc nhiên “bên kia” người ta bảo tôi là “thân cộng”, còn “bên này”
người ta cũng chả tin tôi, vì vẫn cho tôi là “thân quốc gia”.
Ông khẽ cười rồi hỏi tôi: “Vậy theo cậu, tôi thân ai?”
Tôi đã không trả lời ông vì tôi biết,
với ông, câu trả lời của riêng ông, ông đã có từ lâu. Nhưng tôi không
thể ngờ rằng, đó lại là câu hỏi định mệnh cuối cùng ông muốn qua tôi gửi
lại cho cõi đời này.
Mấy ngày sau ông ra đi. Ra đi vĩnh viễn.
Ông thân ai ư? Trước linh cữu ông cả một
giàn đồng ca của những người có thể chưa yêu mến lắm con người ông,
nhưng biết quý trọng âm nhạc của ông đã cùng hát: “Khóc cười theo vận nước nổi trôi, nước ơi!”.
No comments:
Post a Comment