Sunday, December 7, 2014

THIẾU CÁI CUỐNG (Phạm Đức Hiền)

"Ở đời có bốn cái ngu,    
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”. 
Thật ra, trên đời này không chỉ có 4 cái ngu đó, mà còn có rất nhiều cái “ngu” khác, vì ông bà ta cũng có nói thêm rằng “chẳng có cái ngu nào giống cái ngu nào”; trong đó có cái ngu mà tôi đang phải mang; đó là cái ngu phụ trách mục…thơ.
Ông bà mình cũng nói: “thơ mình, vợ người”.  Chính vì vậy mà ngày nay tại hải ngoại văn sĩ và thi sĩ mọc lên như nấm, nay thì ra mắt thơ; mai thì ra mắt sách; ôi thôi loạn cào cào cả lên; và những ai có thơ gởi cho “tòa soạn” bị từ chối thì thường cho là “thằng chủ bút” không biết thưởng thức thơ văn của mình. 
Tôi nhớ một đồng hương của tôi tại một quán cà phê ở San Jose hay gởi cho tôi những bài thơ mà các “thi sĩ” của quán này sáng tác.
Một bữa nọ, tôi thấy có một bài thơ theo loại “Đường luật”, nhưng chẳng có vần có điệu hoặc niêm luật gì cả, tôi liền hỏi anh chàng đó là loại thơ gì; thì anh chàng trả lời tôi một câu “trớk wớk” là:
-Thôi thì cứ coi nó là .... “thơ tự do” đi!
Mới đây, cũng một nữ đồng môn của tôi gởi một bài thơ theo thể “ngũ ngôn” nhưng cũng chẳng có vần điệu và niêm luật gì cả, bị tôi chê là thơ “con cóc”; cô nàng tức quá, mang bài thơ của mình cho một “nữ sĩ” ở địa phương xem, và được “nữ sĩ” này khuyến khích theo cái kiểu “bù trớk” rằng: “tuy nó không theo đúng khuôn phép, nhưng vì mình không phải là thi sĩ,  thì cứ coi nó như “thơ tự do” đi.”
Nếu “thơ tự do” mà có “mồm” thí chắc nó sẽ bắt chước mấy bà Bắc kỳ tốc váy lên chửi đổng rằng: Ối nàng lước ơi, chúng ló mang tên của bà ra bêu xấu!” Chúng ló giống như cộng sản, chẳng biết “tự do” nà gì mà cũng bầy đặt lói… “tự do”.
Kính thưa quý vị, để có một khái niệm về lãnh vực này, xin được trích một số đoạn về THƠ TỰ DO của Hàn Sĩ Nguyên: 

1.     Thơ Tự Do rất dễ viết:
Thậm chí dễ viết đến nỗi ai viết cũng được, chỉ cần là tay ngang, amateur, tài tử, nghiệp dư cũng viết được Thơ Tự Do một cách dễ dàng.Có nhiều nhà thơ nghiệp dư, mỗi ngày có thể sáng tác được hàng chục, thậm chí hàng vài chục bài thơ tự do (!), một cách vô cùng thoải mái, mà khỏi cần mất công học hỏi Thi Pháp, vần luật, tiết tấu gì hết (!)Chỉ cần mỗi một điều là có hứng, là cao hứng, nghĩ một đề tài nào đấy, và cứ để xuôi dòng tư tưởng, mạnh tay phóng bút. Viết xong cũng chẳng cần phải mất công gọt giũa bao giờ (!)
2.     Thơ Tự Do cho hay là rất khó:
Có thể dùng một số hình ảnh thí dụ để dễ so sánh, dễ hiểu hơn như sau:
Theo ngôn ngữ kiếm hiệp của KIM DUNG, nếu ai có đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ, sẽ thấy Kim Dung đưa ra quan điểm “Vô chiêu thắng hữu chiêu”. Trong đó, ông lập luận rằng:
·        Cấp 1: Những người không biết gì về võ nghệ, khi đánh nhau chỉ có thể đạt mức đánh ... võ rừng, nghĩa là đánh ... loạn xạ, không đâu ra đâu cả, và tất nhiên là hiệu quả sẽ không cao.
·        Cấp 2: Đối với những người đã dày công học tập, rèn luyện võ nghệ, thì mỗi khi ra đòn đều đúng theo chiêu thức, phương pháp. Tất nhiên hiệu quả đạt được sẽ cao hơn gấp bội.
·        Cấp 3: Ở trình độ võ nghệ thượng thừa, sau khi trang bị trong mình đủ các loại võ công, bí kíp, người ra đòn lại đánh theo kiểu “vô chiêu”, nghĩa là chẳng cần chiêu thức nào hết, nhưng mỗi khi vung tay cất chân, đều tự nhiên theo đúng phép tắc tinh luyện, những đòn đánh thì cứ như thể là mây trôi nước chảy vậy. Tất nhiên hiệu quả của “vô chiêu” hơn hẳn “hữu chiêu”.
Đem khái niệm này áp dụng vào Thi ca có thể hiểu được dễ dàng:
·        Người không biết gì về Thi Pháp, Vần Luật, Tiết Tấu giống như người không biết võ, khi làm thơ (bất luận thơ gì) sẽ chỉ đạt hiệu quả của nhóm cấp 1.
·        Những người làm thơ cổ, thơ Lục bát, thơ Đường, thơ Mới, đều phải học tập và nắm vững những quy luật về Thi Pháp, Vần Luật, Tiết Tấu của mỗi loại thơ. Có thể coi như nhóm cấp 2.
·        Còn những người sau khi hiểu rõ các quy luật nói trên, quay trở lại làm Thơ Tự Do, chẳng khác nào những võ sư cao thủ sử dụng vô chiêu vậy. Hiệu quả sẽ rất ghê gớm. Đó là nhóm cấp 3 vậy.
Vì vậy, Thơ Tự Do tiếng rằng tự do, không theo quy luật nào cả, nhưng lại là loại thơ khó nhất, dễ viết thật, nhưng viết cho hay lại là ... khó nhất. Và đương nhiên, đây không phải là thể loại dành cho những người mới nhập môn như thường được dân gian hiểu lầm. Có thể nói, chỉ những ai lăn lộn với Thi Ca lâu ngày chầy tháng, mới hy vọng có thành tựu với Thơ Tự Do mà thôi. (Hết trích)
Trong lễ Halloween vừa qua, Bác sĩ Phạm Đức Vượng có gởi tặng tôi một chiện zui với tựa đề là “Thiếu Cái Cuống”, đại khái như thế này:
Sau khi bị thất bại liên tiếp trong những kỳ thi vẽ trái bí rợ (pumpkin) tại lễ hội Halloween hàng năm trong làng, một nữ họa sĩ vô cùng tức tối, vì bà thấy trái bí bà vẽ đẹp hơn nhiều so với trái bí của ông họa sĩ trong xóm.
Năm vừa qua, trong đêm trước ngày thi, bà lẻn đến nhà ông họa sĩ để rình, thì thấy sau khi pha sơn vào một cái chậu, ông họa sĩ liền cổi truồng, ngồi vào đó rồi lấy mông ra trịn lên khung vải bố (canvas) thì nó liền hiện ra hình một trái bí thật đẹp. Bà liền về nhà bắt chước, và tạo ra một trái bí đẹp hơn nhiều, vì nó tròn trịa và đầy đặn hơn. 
Nhưng hôm sau đến nộp bản vẽ bà vẫn bị thua cái anh chàng họa sĩ kia. 
Tức quá, bà liền khiếu nại với ban giám khảo rằng “trái bí” của bà nhìn mỹ miều và "sexy" hơn nhiều so với “trái bí” của ông họa sĩ nọ.
Chánh chủ khảo trả lời rằng:
-Thưa bà, bà nói rất đúng, nhưng chúng tôi rất tiếc là trái bí của bà bị “thiếu…cái cuống!”
Kính thưa quý zị, trước khi vẽ “tầm bậy, tầm bạ”, những ​
​họa sĩ như
Pablo Piccaso hay Vincent Van Gogh cũng đã từng là những người mê say hội họa từ nhỏ và theo học nhiều trường mỹ thuật, từng được nhiều giải thưởng,  chứ không đơn thuần tự nhiên cầm cọ mà nó ló ra những bức tranh trị giá cả triệu mỹ kim.  (Phải không, Họa sĩ Tống Phước Cường?)
San Jose Nov, 16, 2014
Phạm Đức Hiền.

No comments:

Post a Comment